PDA

View Full Version : 'Trò xiếc' tìm mộ của 'nhà ngoại cảm' Phan Thị Bích Hằng



khieman
11-17-2014, 09:53 PM
.


'Trò xiếc' tìm mộ
của 'nhà ngoại cảm' Phan Thị Bích Hằng




“Vớ vẩn ấy mà! Hằng không tìm được mộ cô tôi đâu. Tôi khẳng định chắc chắn 100% như vậy! Cô ta đã sử dụng “chân gỗ” lừa gia đình tôi”, khẳng định của con trai GS Trần Phương về việc tìm hài cốt liệt sĩ Vũ Thị Kính đã góp thêm minh chứng cho "trò xiếc" tìm mộ của "nhà ngoại cảm" Phan Thị Bích Hằng.

Hài cốt em gái Phó Thủ tướng Hoàng Phương: Dùng chân gỗ để lừa đảo?

Việc hài cốt bà Vũ Thị Kính, người chỉ huy Đội nữ du kích Hoàng Ngân – em nguyên Phó thủ tướng, giáo sư Trần Phương cũng là một trong những trường hợp được TS Vũ Thế Khanh dùng để minh chứng cho khả năng tìm mộ bằng ngoại cảm của bà Phan Thị Bích Hằng.

“Hài cốt bà Vũ Thị Kính, người chỉ huy Đội nữ du kích Hoàng Ngân, giáo sư Trần Phương đã lấy máu nhỏ vào hài cốt và khẳng định đó đúng là em gái mình”, ông Khanh khẳng định với phóng viên trong một lần trao đổi.



http://xmedia.nguoiduatin.vn/2014/09/04/image-thumb-ndt1409820959.jpg
Bích Hằng đang tìm mộ liệt sĩ bên hồ Đắk Lốp, Tây Nguyên.
Ảnh: Dòng Đời

Theo các bài báo dẫn lời ông Trần Phương, công cuộc tìm mộ bắt đầu từ một cuộc gọi hồn. Bích Hằng yêu cầu đặt lên bàn một chiếc cốc, một vốc gạo để cắm hương, một ngọn nến và một bức ảnh của cô Khang. Sau mấy phút dán mắt vào tấm hình, Bích Hằng hớn hở:

“Cháu chào cô. Cháu là Phan Thị Bích Hằng. Bác Trần Phương nhờ cháu mời cô về để hỏi hài cốt của cô hiện nay ở đâu?”.

Rồi Hằng quay sang GS Phương:

“Có một người đàn ông đi cùng với cô Khang…”.

Mượn thân xác Bích Hằng, cô Khang nói:

“Người thanh niên đi cùng với em chính là anh Sơn đấy. Anh vẫn thường xuyên đến gặp em”.

GS Phương giật mình. Anh Sơn chính là người anh, người bạn, người đồng chí thân thiết nhất của ông đã hy sinh.

GS Trần Phương kể:

“Rồi cô ấy chỉ dẫn tỉ mỉ chỗ cô nằm, với các đặc điểm về cây cỏ xung quanh, bắt đầu từ cây nhãn ở góc vườn mà tôi nhận ra ngay. Tôi hỏi: “Em có biết chỗ em nằm thuộc đất của ai không?”.

Cô đáp:

“Em cũng không biết nữa”.

Cháu Hằng hỏi:

“Hài cốt của cô còn nguyên vẹn không?”.

Cô nói:

“Chúng đánh em gãy xương sườn, gãy xương cánh tay và xương đòn tay phải, gãy hai chiếc răng ở hàm trên bên phải, giập gò má bên trái. Xương cốt hiện nay vẫn còn nhưng đã mủn, vì chôn có quan tài đâu, răng dưới rụng nhưng răng hàm trên vẫn nguyên”.

Cuộc tìm mộ diễn ra sau đó ít lâu. Phan Thị Bích Hằng cùng đi để chỉ địa điểm cho chính xác. Chị Hằng đến gần gốc nhãn, ngắm nghía một lát rồi cắm hương xuống đất. Lấy bó hương làm tâm, chị vạch một ô hình chữ nhật để đào.Câu chuyện về hành trình tìm mộ em gái của GS Trần Phương xuất hiện trên các mặt báo đã gây chấn động dư luận.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Dòng Đời mới đây, ông Vũ Xuân An, con trai ruột nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương khẳng định:

"Phan Thị Bích Hằng đã lợi dụng bố tôi".

Ông An đã bức xúc khi phóng viên đề cập tới việc nhờ bà Phan Thị Bích Hằng tìm hài cốt:

“Vớ vẩn ấy mà! Hằng không tìm được mộ cô tôi đâu. Tôi khẳng định chắc chắn 100% là như vậy! Cô ta đã sử dụng “chân gỗ” để lừa gia đình tôi”.

Trong cuộc nói chuyện, ông An cho biết, ông là là người trực tiếp đi cùng bà Hằng tìm mộ liệt sĩ Kính (cô của ông-PV) và không có bất kỳ một phần xương cốt nào.

“Tôi khẳng định chắc chắn là không có gì ngoài bùn đất. Nếu chỉ có một chút xương cốt thì mọi việc đã khác hoàn toàn. Thậm chí, gia đình tôi còn huy động thanh niên trai tráng trong nhà bóp từng cục, từng cục một trong đống đất mang về để tìm dấu tích của xương cốt nhưng chẳng thấy gì. Bích Hằng không có khả năng gì, chỉ là lừa bịp. Cô ta chỉ muốn lợi dụng bố tôi. Bích Hằng chỉ là con số 0 tròn trĩnh”, ông Vũ Xuân An khẳng định.

Hài cốt nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh: Tranh công?

Theo các tài liệu, hành trình tìm mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bắt đầu từ 4/3/2007 và có kết quả vào 19/9/2007.

Cụ thể, sau khi nhận lời đề nghị của Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, ngày 4/3/2007 “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng đã có buổi làm việc đầu tiên ở nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại Diêm Điền, Thái Bình.

Những thông tin từ cuộc tiếp xúc đầu tiên cho thấy di hài của liệt sỹ đang được chôn ở một nghĩa địa gần pháp trường, sau khu vực một nhà thờ, đi qua phố Dinh, qua một cây cầu đá sang bên kia sông.

Sau khi có thông tin này, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình và Hải Phòng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, khớp các thông tin và xác định thi thể cụ Nguyễn Đức Cảnh có thể được chôn ở trong khu vực Nhà máy giày Thống Nhất, hiện là một bãi rác rậm rạp. Trước kia khu vực của nhà máy là nghĩa địa An Dương II.


http://xmedia.nguoiduatin.vn/100/2014/9/4/Nguyen_Duc_Canh.jpg

Nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh.

Ngày 19/9/2007, đoàn tìm mộ bắt đầu tìm kiếm nhưng mọi người đào rất sâu mà không thấy tiểu, dùng cả thuốn xuống lòng đất nhưng vẫn bặt vô âm tín. Nhưng cuối cùng thì đoàn đã tìm thấy được hai cái tiểu giống nhau, nhưng hai tiểu này lại nằm úp ngược, lật hai chiếc tiểu lên là hai bộ cốt không có đầu...và nó chính là hài cốt của ông Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân.

Theo thông tin trên một số bài viết, phần hài cốt ông Nguyễn Đức Cảnh đã được Viện Pháp y Quân đội kết luận kết quả giám đinh ADN là chính xác.

Trao đổi với phóng viên về sự việc này, ông Nguyễn Trọng Toàn, nguyên Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội xác nhận, ông là người giám định ADN hài cốt liệt sỹ Nguyễn Đức Cảnh nhưng kết quả giám định chỉ đúng một nửa, là phần thân của ông Cảnh.

Nói về cuộc tìm kiếm phần mộ có thi thể bí thư Nguyễn Đức Cảnh, ông Toàn cho biết, về cơ bản đoàn tìm kiếm đã xác định được địa điểm, hoàn cảnh bắn chết nên việc khoanh vùng, tiến hành tìm kiếm chắc chắn sẽ có kết quả.

“Ông Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân bị chết chém, thực dân Pháp chôn phần thân ở nơi xử chém, phần đầu vứt xuống sông Cấm. Giữa năm 2007, công đoàn tỉnh Thái Bình tổ chức tìm kiếm và đã đến nơi chết chém, đằng sau nhà máy Giầy Hải Phòng bây giờ. Địa điểm chết, hoàn cảnh chết của ông Cảnh đều rõ ràng nên việc khoanh vùng tìm kiếm không có gì khó, việc tìm kiếm có thể mất thời gian nhưng chắc chắc đào hết khu vực đó sẽ thấy. Khi đoàn đào khá lâu mà chưa thấy thì bà Hằng ở đâu xuất hiện và nói là ngoại cảm được, lúc sau thì tìm được hai cái tiểu chứa hài cốt không có đầu”, ông Toàn kể.

Hài cốt nhà văn Nam Cao: Phạm vị tìm kiếm chỉ trong 3 ngôi mộ

Tương tự, việc Phan Thị Bích Hằng và cơ quan chủ quan cho rằng tìm được mộ nhà văn Nam Cao cũng chỉ là may mắn, nhờ xác suất đúng của khả năng loại trừ trong phạm vi 3 ngôi mộ.

Đầu năm 1996, một chương trình mang tên “Tìm lại Nam Cao” được Hiệp hội Câu lạc bộ Unesco Việt Nam tổ chức với sự góp mặt của các nhà ngoại cảm do UIA mời đến.

Theo đó, sáng 24/11/1996 đoàn “nhà ngoại cảm” gồm 4 người, trong đó có bà Phan Thị Bích Hằng đã cùng đoàn hành trình từ Hà Nội về UBND huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Theo thông tin bà Phan Thị Bích Hằng thu thập được bằng ngoại cảm, số mộ của nhà văn Nam Cao trùng lặp với số tuổi đời khi ông hy sinh: 36.

Đem thông tin này chiếu vào thực tế, đoàn tìm kiếm đã suy luận ngôi mộ đang có hài cốt nhà văn Nam Cao có số đánh dấu là 306 (thêm số 0 vào giữa con số bà Hằng ngoại cảm). Mẫu hài cốt lấy từ ngôi mộ được đưa tới Viện Khoa học Hình sự (KHHS) - Bộ Công an giám định và cho kết quả trùng hợp với đặc điểm nhận dạng nhà văn Nam Cao mà gia đình đã cung cấp. Do đó, đoàn tìm kiếm đã khẳng định hài cốt trong ngôi mộ 306 là của nhà văn Nam Cao. Điều này đồng nghĩa với việc ghi nhận kết quả ngoại cảm của bà Phan Thị Bích Hằng là chính xác.



http://xmedia.nguoiduatin.vn/100/2014/9/4/phanthibichhang.jpg

"Huyền thoại ngoại cảm" Phan Thị Bích Hằng
được gắn với công lao tìm được hàng nghìn hài cốt liệt sỹ?
Ảnh: giaoduc.net

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Vùng, nguyên Giám đốc Trung tâm giám định pháp y, Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an cho biết, khi đó, theo yêu cầu của gia đình, Trung tâm chỉ giám định hình thái, không thử ADN. Các chỉ số giám định hình thái Trung tâm đưa ra đều được gia đình xác nhận là phù hợp, đúng với đặc điểm hình dạng lúc ông sống và những thông tin về hoàn cảnh hy sinh của ông gia đình nhận được.

“Tôi không trực tiếp tham gia hành trình tìm và giám định pháp y hài cốt nhà văn Nam Cao nhưng cán bộ, lãnh đạo trung tâm tôi tham gia. Lúc đó, chúng tôi mới đưa ra kết quả giám định hình thái: kích cỡ xương, hình thái hàm răng, trên trán có vết thủng, có viên đạn trong hộp sọ… thì người nhà của nhà văn Nam Cao đã xác nhận là đúng và không yêu cầu làm các khâu giám định khác”, ông Vùng cho biết.

Cũng theo ông Vùng, phạm vi tìm kiếm mộ nhà văn Nam Cao giới hạn hẹp chỉ là một trong 3 ngôi mộ đã được khoanh vùng nên việc dùng phương pháp loại trừ để đưa ra phán đoán chính xác về ngôi mộ không khó.

Phần thủ cấp liệt sĩ Phùng Chí Kiên: Chỉ là răng lợn?

Trong chương trình "Trở về từ ký ức" số ngày 23/10/2013, VTV đã chia sẻ khá nhiều thông tin quan trọng về khả năng thực sự của các nhà ngoại cảm. Trong số đó có cả nhà ngoại cảm nổi tiếng Phan Thị Bích Hằng.

Theo chương trình, hàng loạt các cuộc quy tập hài cốt liệt sĩ gian trá do các “nhà ngoại cảm” mà Viện Pháp y Quân đội giám định cho kết quả là xương động vật, là đất đá… Tỉ lệ chính xác được kết luận bằng 0 kể cả bà Phan Thị Bích Hằng. Trong đó, chương trình dẫn chứng phần thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên được cho là bà Phan Thị Bích Hằng tìm được chỉ là mảnh sành vụn và một chiếc răng động vật.

Tại Hội thảo khoa học về việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt và phần hài cốt còn lại của liệt sỹ Phùng Chí Kiên tổ chức đầu tháng 11, đại tá Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Pháp Y Quân đội khẳng định, phần được cho là hài cốt của liệt sĩ Phùng Chí Kiên do bà Phan Thị Bích Hằng tìm được chỉ là nắm đất lẫn với mấy mảnh sành và thứ duy nhất được gọi là hài cốt thì là một cái răng lợn.

“Một số ý kiến cho rằng, mẫu giám định có sự đánh tráo nhưng tôi hỏi, nếu giám định ADN, chúng tôi có danh tiếng không? Làm sao phải đánh tráo? Cái gì cũng phải khách quan và dựa vào những gì chúng tôi thấy. Và thực tế, những thứ chúng tôi nhìn thấy chỉ là mảnh sành (sứ) và cái duy nhất được gọi là hài cốt là răng con lợn”, ông Hòa nói.

Trước khi những thông tin này được phát trên VTV thì bì Phan Thị Bích Hằng và “cơ quan chủ quản” của bà vẫn đưa ra làm “bằng chứng” cho khả năng tìm hài cốt bằng ngoại cảm. Điều này cũng khiến một bộ phận dư luận tin về khả năng đặc biệt của bà Phan Thị Bích Hằng cũng như một số “nhà ngoại cảm tên tuổi” khác.


H.Minh (Tổng hợp)
04.09.2014
http://www.nguoiduatin.vn/tro-xiec-tim-mo-cua-nha-ngoai-cam-phan-thi-bich-hang-a147053.html