PDA

View Full Version : Thiên cổ anh hùng Giang Văn Minh



khieman
11-08-2014, 08:22 PM
.

Khí tiết của người xưa:
Thiên cổ anh hùng Giang Văn Minh



Giang Văn Minh là người xứ Đoài, làng Mộng Phụ, huyện Phú Lộc, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) làm quan dưới triều đình của vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng. Hưởng thọ 64 tuổi.

Bối Cảnh Lịch Sử

Từ khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán rồi xưng vương lập quốc, nước Nam đã trở thành một quốc gia độc lập từ thế kỷ thứ 10. Nhưng vì sự an nguy của nhân dân trăm họ, các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần đều rất khôn khéo trong việc bang giao với nuớc lớn ở Phía Bắc nhằm tránh hoạ đao binh. Trong quá trình xâm lăng nuớc Việt, quân nhà Hán, nhà Tống, nhà Nguyên đã nhiều lần mang nhục bại vong... nhưng khi thấy Vua nuớc Việt xuống nuớc xin thụ phong và triều cống thì nhiều khi các vua chúa Trung Hoa vẫn có quan niệm nước lớn nên có khuynh hướng chèn ép và có thái độ hống hách, ngạo mạn...

Năm 1637, đến kỳ triều cống, vua Lê Thần Tông cử Sứ Bộ qua Trung Hoa dâng lễ vật. Văn Thần Giang Văn Minh, đỗ Thám Hoa, chức Tự Khanh, tước Hầu, được cử là Phó Sứ.

Vua Nhà Minh thời đó là Sùng Trinh (vị vua thứ 17 và cũng là vua cuối cùng của Minh triều bị nhà Thanh đánh bại).

Theo sách "Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục: Khi vào yết kiến tại Triều đình Trung Hoa, trước đông đảo sứ thần của các chư hầu, vua Sùng Trinh đã ra một vế đối để sứ thần Đại Việt đáp lại. Vế đối của Vua Sùng Chinh đầy ngạo khí:

“Đồng Trụ chí kim đài dĩ lục”
nghĩa là
“Cột đồng cho đến nay rêu đã xanh”.
Vế đối này hàm ý hống hách nhắc lại chuyện xưa, khi tướng nhà Hán là Mã Viện đánh bại cuộc khởi nghĩa giành độc lập Hai Bà Trưng, đã dựng một cái cột đồng với sáu chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” nghĩa là nếu cột đồng này mà gãy thì nòi giống Giao Chỉ sẽ bị tiêu diệt. Ý vua nhà Minh muốn nói rằng Đại Việt chỉ là nước nhỏ, so với đại quốc như nước Minh thì rất dễ bị tiêu diệt...

Trước thái độ ngạo mạn và xúc phạm quốc thể nước Việt, sứ thần Giang Văn Minh đã đối lại:

“Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”
nghĩa là
“Sông Đằng từ ngàn xưa máu còn đỏ”.

Vế đối rất chỉnh về câu chữ, điển tích. Nhưng ý nghĩa thì không nhân nhượng, vì nội dung nhắc lại những trận thảm bại của Trung Hoa trong lịch sử xâm lăng nuớc Việt mà chứng tích là sông Bạch Đằng.

Câu đáp "Sông Bạch Đằng xưa vẫn còn đỏ máu", Sứ thần Giang Văn Minh đã khiến cho vua quan nhà Minh hồi tưởng đến thất bại của quân Nam Hán năm 938, quân Tống năm 981 và quân Nguyên năm 1288. Vua Sùng Trinh giật mình và giận dữ...bởi sự gan dạ của Nam Sứ và bởi bị bẽ mặt trước các sứ giả chư hầu đang tham dự...

Giận mất khôn, Vua Sùng Trinh đã quên nguyên tắc "hai nước đánh nhau không giết sứ giả" ra lệnh giết sứ giả. Viên quan nhà Minh Chu Do Kiểm giận điên lên, nói: “Mổ bụng bọn sứ thần An Nam để xem chúng to gan lớn mật đến đâu”.

Kết quả Sứ thần Giang Văn Minh bị hành hình. Đây là một hành vi hèn hạ vi phạm quy ước ngoại giao. Sau cơn tức giận, Vua quan Nhà Minh thầm thán phục khí khái của sứ thần Giang Văn Minh, nên đã cho ướp thi thể ông bằng bột thủy ngân và đưa quan tài về Đại Việt.

Thông Điệp Từ Di Sản

Khi thi hài Giang Văn Minh về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê và chúa Trịnh Tráng đã đến bái kiến linh cữu và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công.

1/ Vua ngự đề “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (nghĩa là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).

2/ Khí khái của Giang Văn Minh cũng là Khí Khái bất khuất của danh tướng đời nhà Trần, Trần Bình Trọng (1259-1295) khi tuyên bố "Ta thà làm quỹ nuớc Nam còn hơn làm vương đất Bắc"
3/ Câu đáp của Sứ thấn Giang Văn Minh là một khẳng định tinh thần bất khuất của dân tộc Việt trước tham vọng của kẻ thù truyền kiếp phưong Bắc... nhắc nhở cho lãnh đạo và nhân dân Việt Nam rằng Trung Hoa không bao giờ coi Việt Nam là bạn cả, ý hướng thôn tính và đồng hoá luôn luôn sống động trong tư tưởng Đại Hán cùa người phương Bắc với lòng tự tôn "Dĩ Hoa vi Trung" khi xưng là Trung Hoa!

4/ "Đằng giang tự cổ huyết lưu hồng" là chiến tích lẫy lừng của con Hồng cháu lạc trong quá trình giữ nuớc! Và cũng là bằng chứng hùng hồn cho thấy tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tuyệt nhiên định vị tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!"

là luôn luôn ứng nghiệm.

5/ Thái độ ngạo mạn, ỷ mạnh hiếp yếu của Minh Sùng Trinh chỉ là tiếp nối thói hà hiếp, bắt nạt các nuớc nhỏ và tham vọng bá quyền của các đời vua Trung Hoa từ Hán, Đưòng, Tống, Nguyên, Minh,Thanh cho đến ngày nay đối với Việt Nam...

*********
Giang Văn Minh là người xứ Đoài, làng Mộng Phụ, huyện Phú Lộc, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) làm quan dưới triều đình của vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng. Hưởng thọ 64 tuổi.

Giai thoại còn kể rằng:

Giang Văn Minh cũng đã xin vua nhà Minh bỏ lệ cống người vàng bằng một mưu chước ranh mãnh dựa vào nguyên tắc "Quân bất hý ngôn" nghĩa là "Vua không nói đùa".

Theo các tài liệu lưu truyền đến ngày nay, vào thời Lê, ngoài các phương vật, trong danh sách cống nạp hàng năm, Đại Việt phải cống triều đình Trung Quốc một người bằng vàng. Người vàng này là do nhà Minh bắt buộc cống nạp để đền cho mạng tướng Kiêu Liễu Thăng mà quân Lê Lợi giết năm 1427.

Sách ''Các sứ thần Việt Nam'': Chuyện kể rằng vào ngày khánh thọ vua Minh, hoàng đế nhà Minh rất bất bình bởi sứ giả các nước đã tề tựu đông đủ mà sứ thần Việt Nam thì không thấy đâu cả. Vua truyền cho thị vệ đến nhà công quán hỏi nguyên do.

Bọn lính đến nơi thấy Giang Văn Minh đang nằm trên giường ôm mặt khóc. Chúng buộc ông phải vào triều. Vua Minh Sùng Trinh hỏi:

"Vì sao không vào yết triều?"

Giang Văn Minh nghẹn ngào nói:

"Thần tự biết vắng mặt hôm nay là phạm trọng tội, xin hoàng đế lượng thứ cho. Nguyên do chỉ vì hôm nay đúng vào ngày giỗ tổ của thần. Thần đi sứ xa quê, nhà cửa cố hương vốn neo đơn, ngày giỗ tổ mà không thắp được cây hương tưởng niệm thì thấy xót xa trong dạ!”.

Nói xong ông lại khóc ầm lên. Hoàng đế nhà Minh bật cười:

“Tưởng sao chứ như thế thì việc gì ngươi phải khóc! Khá khen cho ngươi biết giữ hiếu kính với tổ tiên. Nhưng nếu là giỗ cha, giỗ mẹ thì còn có thể được chứ ông tổ xa xôi như vậy thì có gì phải băn khoăn cho lắm. Người khuất đã xa đến mấy đời thì cũng có thể ‘miễn nghị’”.

Lập tức, Giang Văn Minh lau nước mắt, ngầng đầu lên nói:

“Muôn tâu, lời dạy của hoàng đế thật là quí báu. Chính thần cũng đã nghĩ như vậy mà vẫn không an tâm, vì thần vẫn thấy trong đời, lắm chuyện xa xôi mà vẫn không được ‘miễn nghị’. Chẳng hạn như việc Thiên triều bắt nước Nam phải cống người vàng để trả nợ Liễu Thăng cách đây hàng 200 năm. Nay được lời hoàng đế ban dạy, thần cũng xin gác lại ngày giỗ tổ để cùng vui với ngày khánh tiết này. Cúi xin hoàng đế từ đây ‘miễn nghị’ cho cái nợ Liễu Thăng, cho tình giao hảo hai nước khỏi bị những chuyện xa xôi kia làm bận bịu”.

Vua Minh biết bị lỡ lời nhưng vì "quân bất hí ngôn“nên đành phải gật đầu chấp thuận bãi bỏ lệ cống người vàng cho Đại Việt.
(Theo Khánh Nam)

Cột đồng Mã Viện

Cột đồng Mã Viện, theo một số sử cũ, là một cây cột bằng đồng lớn trên có khắc sáu chữ Hán: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy, Giao Chỉ không còn) do tướng nhà Hán là Mã Viện sai làm từ các dụng cụ bằng đồng thu được của người Việt. Sau khi đánh thắng quân Hai Bà Trưng ở Giao Chỉ vào năm 43, Mã Viện cho dựng lên như một cột mốc biên giới với lời trù yễm trên.

Nhiều sử gia nghe nói đến sự việc này. Tuy nhiên, "cột đồng Mã Viện" có thật hay chỉ là lời truyền tụng, cũng như nếu có thì nó được dựng ở nơi đâu... thì vẫn còn nhiều nghi vấn và tranh luận...

Sông Bạch Đằng

Còn gọi là Bạch Đằng Giang (chữ Nho: 白藤江; tên Nôm: sông Rừng), hiệu là sông Vân Cừ, là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km. Nó nằm trong hệ thống sông Thái Bình.

Điểm đầu là phà Rừng - Hải Phòng (ranh giới Hải Phòng và Quảng Ninh).

Điểm cuối là cửa Nam Triệu - Hải Phòng. Sông có chiều dài 32 km.

Các loại tàu thuyền có tải trọng 300-400 qua lại được cả 2 mùa.

Sông Bạch Đằng là con đường thủy tốt nhất để đi vào Hà Nội (Thăng Long ngày xưa) từ miền nam Trung Quốc, từ cửa sông Nam Triệu các chiến thuyền đi vào sông Kinh Thầy, sông Đuống và cuối cùng là sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội.

Sông Bạch Đằng đi vào lịch sử với 3 chiến tích của dân tộc Việt Nam:

1/ Ngô Quyền Diệt quan Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.

2/ Hoàng đế Lê Đại Hành phá tan quân Tống trong trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 981.

3/ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288: (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba).

Hiện ở vùng cửa sông Bạch Đằng có 3 ngôi đền thờ 3 vị anh hùng nói trên đó là đình Hàng Kênh (Lê Chân, Hải Phòng) thờ Ngô Quyền, đền Vua Lê Đại Hành ở thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và đền Trần Hưng Đạo ở phường Yên Giang, (Quảng Yên, Quảng Ninh).


Gs Nguyễn Châu


Cali Today News – Quý độc giả có thể xem/nghe những bài nói chuyện của giáo sư Nguyễn Châu trong mục Di Sản Việt trên 2 websites baocalitoday.com và truyenhinhcalitoday.com.





https://www.youtube.com/watch?v=wiZkkWuV9ow



.