PDA

View Full Version : Kiều hối sẽ suy giảm trong 10 năm nữa.



khieman
10-31-2014, 02:25 PM
.

Kiều hối sẽ suy giảm trong 10 năm nữa.


Mỗi năm kiều hối về VN xấp xỉ 10 tỷ đô la. Ít nhất một nửa đến 2/3 số tiền này dùng vào việc chi tiêu, mua sắm ở Việt Nam. Gần như một dạng viện trợ không hoàn lại. Đây là tiền gửi cho thân nhân chi tiêu. Nhưng những người nhận tiền chi tiêu ở Việt Nam cũng chính là những người đang giúp nền kinh tế VN. Nhà nước thu thuế qua những sản phẩm, dịch vụ mà những người này chi tiêu.

Thành phần gửi tiền về gồm có người Việt định cư tại nước ngoài, số này phần lớn nằm ở các nước tư bản, chiếm phần lớn trong số người gửi tiền về. Kế đến là những người lao động xuất khẩu chiếm thứ hai, số này đa phần ở các nước như Hàn, Nhật, Đài Loan, Mã Lai, Li By, I rắc...đặc điểm những người này do họ lao đông có thời hạn, nên số tiền gửi về không nhiều, hoặc có gửi về thì số tiền đem ra chi tiêu không nhiều. Bởi họ dành dụm để khi hết hạn lao động về còn có vốn làm ăn. Với mức lương bình quân 700 usd một tháng, phải gánh vác nhiều thứ, họ không rảnh rang như những người định cư.

Số còn lại là cán bộ công tác, du học sinh, những người đầu tư ra nước ngoài để có thẻ xanh. Trong số này thì cán bộ đi công tác là chủ yếu. Còn du học sinh thì tiền lại mang từ VN đi, bố mẹ chu cấp. Các nhà đầu tư ra ngoài cũng mang tiền từ trong nước ra, hầu hết họ chuyển tài sản đến một chỗ an toàn. Tiền họ mang về so với việc họ mang đi chỉ đáng 1/10.

Tóm lại số tiền kiều hối phần lớn do những người định cư, số tiền này gửi về cho thân nhân thường với mục đích chi tiêu. Tương lai không xa nguồn tiền này sẽ không còn.

Hiện nay các nước đã thắt chặt việc nhập cư, tị nạn. Nguồn bổ sung cho nhân tố này sẽ chỉ có giảm chứ không tăng.

Nguồn bổ sung khả dĩ là các thế hệ sau của những người định cư.

Thế hệ sau này sinh ra ở nước sở tại, hầu như những quan hệ thân thiết ở Việt Nam không còn nhiều, những liên kết khác cũng không có. Chỉ mơ hồ là một dòng máu trong người. Nhiều em chả biết tiếng Việt, có em không muốn về VN. Tương lai bố mẹ các em mất đi, các em sẽ chẳng biết về Việt Nam làm gì ngoài việc tò mò xem quê hương của cha mẹ mình thế nào. Thế hệ này sẽ chẳng có lý do gì để phải gửi tiền cho họ hàng xa như bố mẹ của họ gửi cho anh em ruột hay ông bà. Các em gần như gắn bó hoàn toàn với cuộc sống sở tại và tư duy như người sở tại.

Chắc chắn 10 năm nữa, Việt Nam sẽ gần như mất hoàn toàn dòng kiều hối từ người Việt định cư. Những người đi lần cuối từ biến cố năm 1990 đã cần kề tuổi về hưu, 10 năm nữa trong số họ sống bằng lương hưu, không còn dư dả gửi về nhà. Bố mẹ của họ cũng chả còn sống để họ phụng dưỡng. Anh chị em thì gọi là chút quà không đáng kể. May ra nếu họ trở về VN sống những ngày cuối đời thì còn có được nguồn tiền họ mang theo. Nhưng không biết bao nhiêu % trong số này sẽ về VN sống trong những năm tháng nghỉ hưu, khi mà con chaú của họ ở nước ngoài, khi mà an sinh , phúc lợi điều kiện y tế ở VN những điều cần thiết cho người già lại không được tốt bằng.

Hiện nay nợ công của VN ngày một tăng, đã chạm đến giới hạn cuối cùng của sự an toàn mà chưa có dấu hiệu sẽ giảm ngoại trừ những lời hứa của các nhà lãnh đạo. Việc chấp nhận tàn phá thiên nhiên để đào bô xít, thứ quặng rẻ tiền cho thấy tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam trên đất là cạn kiệt. Cho thuê đất dài hạn để làm khu công nghiệp đã mặc cả đến mức bèo bọt, trước kia thì việc cho thuê đất gắn với việc nhận lao động VN. Nhưng gần đây đã thấy dấu hiệu bị bãi bỏ từ phía các nhà đầu tư, chẳng hạn như ở Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Bình Dương các nhà đầu tư nước ngoài khi thuê đất họ mang công nhân cuả họ sang. Họ sinh sống, làm việc trong một khu khép kín như thế giới riêng, đất nước riêng của họ.

Không còn tài nguyên trên cạn, không còn nguồn kiều hối. Chuyện VN trả nợ chỉ trông chờ vào yếu tố con người, sức lao động, hàng hoá xuất khẩu từ trong nước. Nhìn thế mới biết việc gia nhập các hiệp hội, tổ chức thương mại quốc tế cần thiết đến mức cấp bách cho VN thế nào. Có được quan hệ tốt thì mới mong bán được hàng hoá, có đầu tư bên ngoài, có nguồn xuất khẩu lao động.

Thực tế chứng minh , chả có chế độ cộng sản cầm quyền nào đạt quan hệ tốt với các nước tiến bộ trên thế giới cả.

Sau 10 năm nữa kiều hối dứt, tài nguyên sạch nhẵn. Nội lực thì dặt dẹo trong mớ bòng bong ý thức hệ và quản lý hành chánh chồng chéo, cửa quyền, tham nhũng và lãng phí. Kiếm sống còn chả đủ, đừng nói là trả nợ. Riêng cái khoản tiền chữa những căn bệnh do môi trường, thức ăn, nguồn nước, không khí cũng đủ làm cho VN kiệt quệ.

Đến lúc này mà vẫn còn xây dựng những công trình lãng phí thì không biết ai là thế lực thù địch. Những công trình như nhà văn hoá trụ sở hành chánh, nhà quốc hội, trụ sở đảng, đền thờ lãnh tụ, lãnh đạo...liệu những thứ ấy có sinh ra được lợi nhuận để trả nợ công hay không.?

Điều an ủi là 10 năm nữa sẽ không còn thế lực thù địch bên ngoài, tôi đã gặp nhiều chàng trai , cô gái tuổi đôi mươi ở Mỹ, Âu. Chẳng có hy vọng gì 10 năm nữa khi trưởng thành họ sẽ thành thế lực thù địch bên ngoài của nhà cầm quyền Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa họ cũng chẳng thành khúc ruột ngàn dặm để gửi kiều hối về VN.


Thứ Năm, ngày 30 tháng 10 năm 2014
nguoibuongio online

khieman
10-31-2014, 07:08 PM
.


Chương trình EB-5 định cư Mỹ đơn giản
diện doanh nhân

Cách nhanh chóng và an toàn nhất để đạt được một thẻ xanh là khi bạn định cư tại Mỹ theo diện doanh nhân đầu tư EB-5.

Đối tượng đầu tư và định cư theo diện doanh nhân

Tất cả các nhà đầu tư có khả năng tài chính nêu trên, có nhu cầu định cư Mỹ, không giới hạn về độ tuổi, không yêu cầu về ngoại ngữ và cũng không cần trực tiếp quản lý công việc đầu tư hàng ngày.


http://www.dautumy.us/uploads/images/chuong-trinh-eb-5-dinh-cu-my-don-gian-dien-doanh-nhan-2.jpg
Có bao nhiêu EB-5 visa được cấp hàng năm?

Thông thường mỗi năm có khoảng 10.000 doanh nhân định cư tại Mỹ theo diện EB-5, trong đó có 7.000 visa định cư EB-5 tại Mỹ dạng cơ bản cần đầu tư 1 triệu USD còn 3.000 visa theo diện đầu tư vào đặc khu thì cần 500.000 USD.

Tự đầu tư (1 triệu USD): là thành lập công ty mới hoàn toàn, mua lại cơ sở kinh doanh đang hoạt động, mở công ty con hoặc mở thêm chi nhánh kinh doanh. Với diện này, nhà cần đầu tư 1 triệu USD/suất và tạo ra 10 việc làm toàn thời gian cho cư dân Mỹ (bao gồm công dân và thường trú nhân Mỹ - không kể người trong gia đình của đương đơn xinVisa EB-5) trong vòng 02 năm liên tiếp.

Đầu tư uỷ thác: Thông qua Regional Centers đầu tư vào công ty hoặc một dự án được sự chấp thuận của Sở Di Trú Mỹ chấp thuận. với vốn đầu tư 500.000 USD/suất.

Hồ sơ xin đầu tư tại Mỹ theo diện doanh nhân

Chứng minh được nguồn gốc số tiền đầu tư (500.000 USD hoặc 1 triệu USD) có được do hợp pháp từ lợi nhuận doanh nghiệp, tiền lương, cho tặng, thừa kế, bất động sản, chứng khoán, cổ phiếu…

Nộp đơn I-526 cho USCIS và trình bày cho họ là đầu tư theo diện nào.

Khi I-526 được chấp thuận, nhà đầu tư phải nộp đơn xin thường trú bằng cách điền vào đơn I-485, đơn xin thay đổi tình trạng hoặc DS-230, đơn xin Visa định cư, tùy thuộc vào việc ứng viên đó đang ở Mỹ theo dạng không định cư. Đây là đơn sẽ giúp cho nhà đầu tư và người phụ thuộc có đủ điều kiện có được thẻ xanh.

Thời gian chấp nhận đơn EB-5 và cấp thẻ xanh Mỹ cho nhà đầu tư từ 1,5 - 2 năm. Và sau 2 năm sử dụng thẻ xanh có điều kiện này, luật sư USCIS sẽ giúp nhà đầu tư làm đơn nộp lên Sở Di Trú Mỹ xin xóa điều kiện để được cấp thẻ xanh Mỹ vĩnh viễn.

Trên đây là toàn bộ nội dung của việc làm thế nào định cư tại Mỹ theo diện doanh nhân đầu tư chương trình EB-5. Chúng tôi hy vọng những định hướng trên sẽ giúp bạn phần nào giải quyết được những vướng mắc của bản thân.

Cảm ơn các bạn đã quan tâm để biết thêm các thông tin chi tiết về chương trình định cư EB-5, thủ tục, trình tự, thời gian xét duyệt…

16/10/2014

http://www.dautumy.us/news/28-1/tin-dau-tu-eb-5

khieman
10-31-2014, 07:12 PM
.



Tin đầu tư EB-5
Giấc mộng thẻ xanh với nhà đầu tư Việt tại Mỹ



"Muốn có visa định cư EB5 tại Mỹ dạng cơ bản thì cần đầu tư 1 triệu USD, nếu vào đặc khu thì chỉ cần 500.000 USD. Để đầu tư vào Mỹ dạng E-B5 có đến 8 bước kể từ khi bắt đầu tìm hiểu về hình thức đầu tư để có thể ký hợp đồng cho đến khi có thể được cấp thẻ xanh."

Ông Phạm Đình Nguyên, doanh nhân Việt Nam đã mua thị trấn Buford tại Mỹ tiết lộ sẽ đem cà phê Việt sang kinh doanh tại đây. Người hiểu việc cho rằng, bên cạnh cơ hội kinh doanh, anh còn có cơ hội thẻ xanh!

“Bạn sẽ trở thành người thường trú, bạn sẽ là công dân quốc tế và không còn phải xin visa khi nhập cảnh vào các nước tiên tiến trên thế giới. Bạn có thêm sự lựa chọn đa dạng hóa danh mục đầu tư tại Mỹ. Bạn sẽ có cơ hội phát triển tương lai thế hệ sau vì con cái được học miễn phí. Lợi nhuận đạt 151%/năm”… Những quảng cáo này đã trở nên khá phổ biến trong chương trình mời gọi các nhà đầu tư Việt Nam.

Tất nhiên, thông điệp tương tự còn được gửi đến các thị trường Úc, Canada, Singapore… Và điểm đến cũng không chỉ có Mỹ mà còn có những cái tên khá lạ lẫm, ví dụ như đảo quốc St. Kiss và Nevis…

Tiền đâu đầu tiên

Mức tiền cần bỏ ra của mỗi nhà đầu tư vào từng quốc gia cũng khác nhau khá xa. Ví như, muốn định cư ở Singapore phải đầu tư ít nhất 2,5 triệu Đô la Singapore vào một công ty mới hoặc mở rộng hoạt động của một doanh nghiệp sẵn có với doanh thu hàng năm ít nhất 30 triệu Đô la Singapore.

http://www.dautumy.us/uploads/images/giac-mong-the-xanh-voi-nha-dau-tu-viet-tai-my.jpg
Mức tiền cần bỏ ra của mỗi nhà đầu tư vào từng quốc gia cũng khác nhau khá xa.

Ngoài ra, một trong những điều kiện bắt buộc với người muốn định cư ở Singapore là phải báo cáo mức chi tiêu hàng năm khi giấy phép định cư được cấp mới 3-5 năm/lần.

Muốn có visa đầu tư E-B5 tại Mỹ dạng cơ bản thì cần đầu tư 1 triệu USD, nếu vào đặc khu thì chỉ cần 500.000 USD.

Muốn có cơ hội định cư tại Quebec (Canada), nhà đầu tư cần chứng minh khối tài sản riêng trị giá 1,6 triệu Đô la Canada và kèm theo đó là khoản đầu tư trị giá 800.000 Đô la Canada.

Tại Australia, nhà đầu tư cần có ngân khoản 1,5 triệu Đô la Australia để đầu tư vào trái phiếu nhà nước của bang bảo lãnh và sẽ được hoàn lại sau 4 năm với lãi suất trung bình 4-5%/năm, ngoài ra còn một số ràng buộc về tài sản khác…

Trong khi đó, nếu muốn đầu tư vào liên bang St Kiss và Nevis thì cần đầu tư vào một dự án phát triển bất động sản được phê duyệt bởi chính phủ với mức tiền là 400.000 USD hoặc đóng góp cho quỹ đa dạng hóa ngành đường ở đây với mức từ 250.000 đến 400.000 USD.

Nhưng tiền không phải là tất cả

Ông Lê Sơn, một doanh nhân tại Tp.HCM đã tham gia khá nhiều hội thảo mời gọi đầu tư để có cơ hội định cư nước ngoài, nói: “Mới nghe qua thì khá hấp dẫn, nhưng xem ra muốn hoàn tất việc này ngoài việc có đủ tiền bạc, còn mất khá nhiều thời gian xem xét và tính toán”.

Nhiều quốc gia khi cho phép người nước ngoài sử dụng chương trình định cư với tư cách nhà đầu tư, thường kèm theo các quy định rất chặt chẽ về trình độ kinh doanh, về khả năng tài chính, chứng minh tài chính.

Theo công ty tư vấn Immica, quy trình để đầu tư Mỹ dạng E-B5 có đến 8 bước kể từ khi bắt đầu tìm hiểu về hình thức đầu tư để có thể ký hợp đồng cho đến khi có thể được cấp thẻ xanh.

Thời gian để xét duyệt một hồ sơ định cư theo diện đầu tư sẽ vào khoảng từ 2 tháng đến 1 năm, tùy nước. Còn thời gian để nhà đầu tư có thể được nhập tịch chính thức cũng sẽ mất khoảng 3-5 năm.

Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nhân cần quan tâm ở đây là rủi ro đối với số tiền đầu tư của mình. Để tham gia các chuyến tham quan, khảo sát dự án do các công ty tư vấn nhằm xem xét khả năng đầu tư, họ sẽ tốn ít nhất chừng 3.500 - 5.000 USD cho một dự án.

Hơn nữa, theo một doanh nhân đã từng bỏ công đi tìm dự án, những dự án “ngon ăn” thường được các tay lão luyện ngay tại Mỹ tìm đến tức khắc, những dự án kém hấp dẫn thì mới bày ra cho các “tay mơ”.

Ông cho biết:

“Chúng tôi đã viếng thăm một dự án phát triển thủy sản tại vùng Everglades, Florida. Theo đánh giá của tôi thì nó khá rủi ro, vì nằm ở khu vực thường xuyên xảy ra bão lụt.

Một dự án khác là phát triển khu nghỉ dưỡng và trượt tuyết tại Burke Mountain, Vermon cũng khó mang lại lợi tức hoặc lãi suất cao cho nhà đầu tư, vì nằm trong khu vực đã có sẵn nhiều ski resorts khác. Một dự án xây dựng trường học tại Homestead, Florida cũng không được đánh giá cao.

Công ty phát triển dự tính trong 3 năm sau khi xây dựng, khối trường học này sẽ thu hút được 25.000 học sinh và tỷ suất lợi nhuận hàng năm vào khoảng 0,2% lãi suất tổng số tiền đầu tư, song theo tôi, sẽ rất khó thu hút được lượng học sinh và sinh viên trong khoảng thời gian dự tính”.

Xét từ một khía cạnh khác, cơ hội định cư để con cái có thể đỡ tốn chi phí học tập cũng là một trong các lợi ích khá căn bản, bởi con em các gia đình được công nhận là người thường trú thường được miễn phí học tập từ mẫu giáo cho đến hết trung học phổ thông tại các trường công lập.

Tuy nhiên, hầu hết các gia đình doanh nhân ở Việt Nam khi quyết tâm cho con đi học ở Mỹ hay Canada thì lại chọn trường tư thục, bởi chất lượng giáo dục thường tốt hơn trường công rất xa. Và nếu vào trường tư thục thì con cái họ hoàn toàn không được miễn học phí (dao động trong mức 40.000 đến 50.000 USD/năm).

Mặc dù trong một số trường hợp, đầu tư kết hợp định cư vẫn là một cơ hội tốt. Phạm Đình Nguyên và dự án Phin Deli của anh là một ví dụ. Nó cũng tốt đối với những nhà kinh doanh đã xây dựng được mạng lưới kinh doanh và cần mở rộng ra các quốc gia khác.

Song, ông Nguyễn Thành, giám đốc một công ty cơ khí có hai nhà máy lớn tại Hà Nội và Tp.HCM cho biết: “Tôi và gia đình hiện đã định cư tại Canada. Không phải bỗng nhiên tôi sang lập nghiệp tại đây, mà vì khách hàng nhập khẩu sản phẩm tại thị trường này của chúng tôi khá đông; đặt ra yêu cầu mở văn phòng tại Canada để tiếp thị sản phẩm và nắm bắt nhanh chóng nhu cầu của họ. Nhu cầu mở rộng làm ăn dẫn đến định cư là quá trình tự nhiên và bền vững hơn”.


Theo: vneconomy

khieman
11-02-2014, 12:42 AM
.


Luật di trú: Diện đầu tư di dân - EB5

Darren Nguyen Ngoc Chuong, Esq.


Luật di trú Hoa Kỳ là loại luật rất phức tạp, do đó, theo yêu cầu của đa số bạn đọc cần am tường và thấu hiểu về luật này, tòa soạn nhật báo Người Việt mời Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu, phụ trách mục “Tìm hiểu luật di trú,” đăng hàng tuần trên Người Việt.

Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California được Luật Sư Ðoàn tiểu bang California công nhận chuyên môn về ngành luật di trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 248,000 luật sư nhưng chỉ có 175 luật sư có bằng chuyên môn về luật di trú. Ngoài ra, luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong từng phục vụ lâu năm tại Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS) nên rất có kinh nghiệm trong việc thiết lập hồ sơ và thường đại diện thân chủ trước các tòa án di trú.

Ông là một luật sư đầy kinh nghiệm và uy tín, chuyên trách giải quyết và phục vụ đồng hương Việt Nam về lãnh vực di trú nhiều năm tại California và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.

Diện đầu tư di dân EB5 - Employment Based 5th Preference (tức là diện nghề nghiệp ưu tiên 5) và cũng được gọi là Employment Creation (tức là diện tạo việc làm ở Hoa Kỳ).

Diện này có hai điều kiện.

Ðiều kiện thứ nhất là người muốn đầu tư phải có số vốn ít nhất là 500,000 Mỹ kim hoặc 1,000,000 Mỹ kim. Nếu số vốn là 500,000 Mỹ kim thì phải có thêm một điều kiện phụ nữa là khu vực mở cơ sở thương mại phải ở trong vùng được xem là vùng mục tiêu. Vùng mục tiêu là vùng nông thôn có ít hơn 20,000 dân cư hoặc vùng có số lượng người thất nghiệp ít nhất 150% chỉ số trung bình quốc gia.

Những khu vực mở cơ sở phải có số lượng người thất nghiệp cao không có nghĩa là phải mở cơ sở thương mại tại một nơi hẻo lánh ít dân số. Có những thành phố trong quận Los Angeles hoặc Riverside có thể hội đủ điều kiện phụ, có số lượng người thất nghiệp cao.

Ðiều kiện thứ hai là người đầu tư phải mướn ít nhất là 10 nhân viên và những người này phải là công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân (tức những người đã có thẻ xanh). Nếu nhân viên là gia đình của người muốn đầu tư thì những nhân viên đó sẽ không được tính vào số 10 nhân viên.

Khi quí vị nhập cảnh Hoa Kỳ với diện này, thẻ xanh của quí vị chỉ có giá trị 2 năm (tức là thẻ xanh có điều kiện). Sau 2 năm, quí vị phải chứng minh rằng cơ sở thương mại vẫn còn đang hoạt động và vẫn còn mướn ít nhất là 10 nhân viên thì điều kiện của thẻ xanh sẽ được bỏ. Gia đình (vợ hoặc chồng và những người con dưới 21 tuổi) của người muốn đầu tư được đi theo và cũng sẽ được thường trú theo người đầu tư.

Có người đầu tư muốn tự mình thành lập và tự mình quản trị công ty. Nhưng có người đầu tư chỉ muốn trở thành thường trú nhân nhưng không muốn sự phiền phức về vấn đề thành lập và quản trị công ty. Vì lý do đó có những công ty (đã được Sở Di Trú Hoa Kỳ chấp thuận) lập kế hoạch đầu tư nhằm tuyển những người nước ngoài đầu tư để làm thẻ xanh. Mỗi chương trình đầu tư có giá trị từ 3 triệu dollars đến 50 triệu dollars. Theo chương trình đầu tư, người đầu tư có thể đầu tư $500,000.00 để mua một cổ phần và công ty sẽ cung cấp những giấy tờ cần thiết để người đầu tư có thể làm giấy tờ xin thẻ xanh.

Người đầu tư sẽ không cần phải lo về vấn đề quản trị công ty hoặc vấn đề phải mướn 10 người nhân viên. Chương trình này thích hợp cho những người đầu tư để được thẻ xanh và không cần phải lo về quản trị, nhưng ngược lại, những người muốn chính mình quản trị thì những chương trình đầu tư này lại không thích hợp. Quí vị nên lưu ý, đầu tư làm thẻ xanh cũng như những đầu tư khác đều có sự rủi ro. Do đó quí vị nên tìm hiểu rõ ràng mỗi chương trình trước khi bỏ tiền ra để đầu tư.

Bản tin chiếu khán

Theo sự yêu cầu của quí bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho tháng 9 năm 2014.

Ưu Tiên 1 - priority date là ngày 1 tháng 5 năm 2007, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu Tiên 2A - priority date là ngày 1 tháng 1 năm 2013, tức là ưu tiên được dành cho Vợ, Chồng, hoặc Con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu Tiên 2B - priority date là ngày 1 tháng 9 năm 2007, tức là ưu tiên được dành cho Con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu Tiên 3 - priority date là ngày 15 tháng 11 năm 2003, tức là ưu tiên được dành cho Con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu Tiên 4 - priority date là ngày 1 tháng 1 năm 2002, tức là ưu tiên được dành cho Anh, Chị hoặc Em của công dân Hoa Kỳ.

Quí vị có thể tự theo dõi bản thông tin chiếu khán cho hàng tháng tại website của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP tại:
http://www.nguyenluu.com/vn/vnbulletin/2014-09%20luatditru_banchieukhan_dienthannhan.html
Friday, August 22, 2014

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=193819&zoneid=117#.VFUi7fldXwo