PDA

View Full Version : Nga, Trung hoảng hốt trước đà tiến quân của IS?



duyanh
10-28-2014, 01:51 PM
- Nga và Trung Quốc hiện không thể “bình chân như vại” trước đà lớn mạnh của Nhà nước Hồi giáo và khả năng IS bắt tay với Taliban ở Afghanistan.

Nga lo ngại đà tiến quân của IS


"Nhà nước Hồi giáo" (IS) đã gây nguy cơ đe dọa số phận của hầu như toàn bộ khu vực Trung Đông, nhưng chắc chắn là đà tiến quân của IS sẽ không giới hạn ở đây. Tiếp sau đó, Nhà nước khủng bố, mà so với nó Tổ chức khủng bố khét tiếng "Al-Qaeda" chỉ là một "đốm lửa nhỏ", sẽ hướng tới khu vực nào?
Các nhà phân tích của Nga, Trung Quốc bắt đầu lo lắng về sự lớn mạnh và đà tiến quân của IS - Nhà nước khủng bố đầu tiên trên thế giới. Doanh thu hàng ngày của IS từ việc bán dầu mỏ lên tới hàng triệu USD. Tổ chức này còn sở hữu nhiều loại vũ khí, bao gồm cả xe bọc thép và thậm chí cả máy bay huấn luyện-chiến đấu.
Nguồn lực tài chính rất lớn khiến cho IS mạnh tay chiêu mộ binh lính và đang sở hữu nguồn nhân lực khổng lồ. Theo những ước tính khác nhau, vào tháng 6, “Nhà nước Hồi giáo” mới có 4 nghìn chiến binh nhưng chỉ sau hai tháng con số này đã tăng vọt lên khoảng 50 nghìn tay súng và hiện vẫn không ngừng tăng lên.
Nhưng, nguồn lực quan trọng nhất của IS, mà người ta hầu như không nói tới và đánh giá hết tầm quan trọng của nó là bộ máy tuyên truyền. Các nhà lãnh đạo của phong trào khủng bố này đã tạo ra bộ máy tuyên truyền mạnh mẽ làm việc trên tất cả các mặt trận: phát thanh và truyền hình ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, các cơ sở xuất bản sách và đĩa video, và, tất nhiên, mạng Internet.
Có lẽ, “Nhà nước Hồi giáo” là tổ chức khủng bố đầu tiên trong lịch sử sở hữu các nguồn nhân lực, tài chính, quân sự và bộ máy tuyên truyền lớn như vậy.
Người ta không thể đoán được có bao nhiêu "tế bào ngủ" của tổ chức này trên khắp thế giới. Sự kiện bi thảm gần đây ở Canada buộc người ta phải suy nghĩ lại về những mầm mống của tổ chức khủng bố cực đoan này. Song, xét theo mọi việc có lẽ IS không có ý định tiến vào Bắc Mỹ mà hiện nay nó sẽ hướng tới những khu vực gần hơn.


http://st.baodatviet.vn/staticFile/Subject/2014/10/27/91217/untitled_272046234.jpg



Bất chấp các cuộc không kích của Mỹ, IS vẫn ngày càng mạnh lên


Nhiều nhà phân tích có xu hướng cho rằng, "Nhà nước Hồi giáo" là mối nguy cơ đe dọa nghiêm trọng không chỉ vùng Trung Đông, mà còn khu vực Trung Á. Nhà phân tích chính trị Said Gafurov bày tỏ sự lo lắng là hiện nay lực lượng vũ trang của Tajikistan, Uzbekistan hoặc Turkmenistan không đủ sức chống lại bộ binh "Nhà nước Hồi giáo”.
Theo các nhà phân tích, hiện nay, tổ chức IS có bộ binh tốt nhất trên thế giới. Các tay súng phiến quân này có thể tiếp tục chiến đấu ngay cả trong điều kiện bị không kích, bộ binh IS tích lũy những kinh nghiệm thực tế trong chiến đấu, đoàn kết thành một khối, có tinh thần chiến đấu dai dẳng.
Xét đến vấn đề yếu tố địa lý tác động đến hành động của các phần tử Hồi giáo cực đoan, khu vực Trung Á hiện vẫn còn quá xa. Nhưng, hướng này là một mối đe dọa tiềm năng bởi chỉ cần một biến động chính trị nhỏ hoặc một sự liên kết giữa các nhóm khủng bố trong khu vực là mối đe dọa sẽ trở thành hiện thực.
Ban đầu có lẽ, IS đã vạch kế hoạch tiến vào Baghdad nhưng sau kế hoạch đã thay đổi, IS đang chuyển động theo hướng khác, tạo ra mối nguy cơ đe dọa rất lớn đối với Nga và các nước SNG khác.


http://st.baodatviet.vn/staticFile/Subject/2014/10/27/91217/is_iraq_jyef_272046562.jpg



IS sở hữu quân đội và nguồn ngân sách cực lớn


Hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng, ngoài Iraq ra, Afghanistan là trung tâm bất ổn ở châu Á. Sau sự thất bại của Mỹ tại nước này, Taliban đã cố tiến lên phía Bắc. Trong tình huống này, Taliban có thể thành lập liên minh với các phần tử Hồi giáo cực đoan ở vùng Trung Đông và trong trường hợp này chiến tranh sẽ bùng nổ trên toàn bộ khu vực.
Ông Said Gafurov cho biết: "Không nên nghĩ rằng, chỉ có người dân Tajikistan và Uzbekistan sẽ có vấn đề. Những người Hồi giáo cực đoan sẽ tìm được hỗ trợ ở trên địa bàn vùng Trung Á. Có thể tiên lượng rằng, nhiều người dân Taliban sẽ tìm được tiếng nói chung với "Nhà nước Hồi giáo".
Ông nhấn mạnh là, có những dấu hiệu cho rằng, hiện hai tổ chức khủng bố Hồi giáo này đang đàm phán về nội dung đó. Đây là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với một số nước Trung Á và khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Trong thời gian tới, rất có thể khu vực này sẽ là một điểm nóng mới trên thế giới.
Không chỉ các chuyên gia từ Moscow mới lo lắng về đà tiến quân của IS sẽ gây nguy hại cho an ninh của Nga mà hiện người Trung Quốc cũng đang rất đau đầu khi mới đây, IS đã chính thức điền tên khu tự trị này vào bản đồ "biên giới Nhà nước Hồi giáo".
Trung Quốc “lo sốt vó” khi IS đưa Tân Cương vào bản đồ "Nhà nước Hồi giáo"
Tờ "The Diplomat" của Nhật Bản ngày 22/10 còn đưa một thông tin gây sốc là tổ chức khủng bố al-Qaeda đã gia nhập Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và kêu gọi thánh chiến chống lại Trung Quốc ở Tân Cương.


http://st.baodatviet.vn/staticFile/Subject/2014/10/27/91217/afghanistan_272046875.jpg



Các chuyên gia đang lo ngại tương lai IS bắt tay với Taliban uy hiếp Trung Á và Tân Cương


Thông báo được đưa ra bởi tổ chức truyền thông al-Sahab, cánh tay tuyên truyền của al-Qaeda. Tổ chức truyền thông này tập trung tuyên truyền mạnh vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, đặc biệt là các bài viết kích động người Hồi giáo ở cả Bangladesh, Ấn Độ, Afghanistan và Pakistan.
Điều đáng lo ngại đối với Bắc Kinh là ngay trong số đầu tiên của tạp chí “Hồi sinh” bằng tiếng Anh (The Resurgence) của al-Sahab, vấn đề đầu tiên được tổ chức này nêu ra lại là ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ đòi "Tân Cương độc lập", tách khỏi Trung Quốc, với tên gọi Đông Turkistan.
Trước đó hồi tháng 7, một trùm khủng bố IS, Abu Bakr Al-Baghdadi đã tuyên bố, quyền của người Hồi giáo đang bị xâm phạm ở Trung Quốc, Ấn Độ, Palestine, sau đó IS phát hành bản đồ "biên giới Nhà nước Hồi giáo" và Tân Cương đã được chúng đưa vào bản đồ này.
Những thông tin trên chắc chắn khiến chính quyền Trung Quốc thêm lo lắng bởi cách đây khoảng gần 2 tháng, lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc cũng đã cho rằng, có những dấu hiệu cho thấy có sự liên quan giữa Tân Cương, nơi sinh sống của tộc người Duy Ngô Nhĩ với Nhà nước khủng bố IS.
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” (Global Times), phụ san của báo Đảng cộng sản Trung Quốc cho biết, những phần tử từ Tân Cương gần đây có liên quan đến hoạt động của Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria và Iraq cũng như "các nhánh" của nhóm khủng bố al-Qaeda ở Đông Nam Á.


http://st.baodatviet.vn/staticFile/Subject/2014/10/27/91217/xywg1p6v_2720470.jpg



Cảnh sát đặc nhiệm Trung Quốc diễn tập chống khủng bố


Tờ báo này cho biết, "những kẻ khủng bố, ly khai và cực đoan" ở Tân Cương thường trốn ra nước ngoài từ các tỉnh miền núi phía nam và tây nam Trung Quốc, nơi có đường biên giới dài, địa hình núi non hiểm trở và việc kiểm soát biên giới lỏng lẻo hơn.
Những phần tử này sau đó gia nhập lực lượng huấn luyện của IS và chiến đấu tại Iraq và Syria. Nhóm phiến quân Hồi giáo Tân Cương muốn giành được tiếng vang và sự thừa nhận của các nhóm khủng bố quốc tế, thiết lập các kênh liên lạc và phát triển “kinh nghiệm chiến đấu thực tế” trước khi quay trở lại Trung Quốc.
"Mục đích cuối cùng của chúng vẫn là tấn công Trung Quốc" - ông Pan Zhiping, cựu lãnh đạo Viện Nghiên cứu Trung Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội Tân Cương, nhận định.
Hồi tháng 5/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã triển khai hoạt động chống khủng bố trên toàn quốc. Và với các thông tin trên, hẳn chính quyền của ông Tập sẽ phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này, đồng thời nhanh chóng xích lại gần Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS.
Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Mỹ đã đề nghị Trung Quốc ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Barack Obama tiến tới thành lập một liên minh các quốc gia chống lại nhóm cực đoan IS.


http://st.baodatviet.vn/staticFile/Subject/2014/10/27/91217/untitled1_272047359.jpg



Cảnh sát Trung Quốc rải hàng rào chông trước cửa đồn, chống khủng bố bằng bom xe


Trong chuyến thăm Mỹ hồi đầu tháng 10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố tại Lầu Năm Góc rằng Bắc Kinh phản đối mọi hình thức khủng bố và sẵn sàng hợp tác với Mỹ để đối phó với mối đe dọa khủng bố.
Tuy nhiên, cho đến nay Bắc Kinh cũng chưa đưa ra các hoạt động cụ thể nào, trong khuôn khổ Liên minh quốc tế chống khủng bố IS do Mỹ lãnh đạo.
Trong thời gian tới, Trung Quốc không thể còn bình chân như vại được nữa, có khả năng Bắc Kinh sẽ lựa chọn 1 trong 3 hướng đối phó với IS mà hướng đầu tiên là tham gia tích cực vào khối Liên minh quốc tế chống khủng bố IS hiện do Mỹ cầm đầu, để chặn đà tiến của tổ chức này.
Hai là Trung Quốc không tham gia Liên minh chống IS mà chỉ đẩy mạnh công tác chống khủng bố ở Tân Cương, gia cố vành đai biên giới và tăng cường kiểm soát. Ba là Bắc Kinh sẽ vừa tham gia Liên minh “xử lý” IS vừa đẩy mạnh chống khủng bố Tân Cương.
Trên thực tế, có lẽ Bắc Kinh sẽ đi theo hướng thứ 3, tuy nhiên họ sẽ không tham gia vào hoạt động không kích IS mà chỉ góp mặt cho có lệ. Bởi lẽ, trên thực tế, mối nguy hại của Tổ chức này vẫn còn chưa hiển hiện rõ, cho nên, cũng như Nga, Trung Quốc chưa muốn gây chuyện với IS.
Dự kiến trong thời gian tới, Bắc Kinh sẽ tập trung tối đa nhân lực, vật lực cho nhiệm vụ “phòng thủ Tân Cương” nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các phần tử Hồi giáo cực đoan nước ngoài xâm nhập và các thành viên khủng bố “hồi hương”, đồng thời triển khai sâu rộng công tác tình báo nhằm ngăn chặn, phá vỡ các âm mưu khủng bố từ trong trứng nước.


Theo Đất Việt