PDA

View Full Version : Báo lớn nhất nước Pháp đăng phóng sự 'Rượt đuổi ở Hoàng Sa'



duyanh
06-26-2014, 12:17 PM
Báo Lemond - tờ báo lớn nhất nước Pháp hôm 23/6 đăng bài phóng sự trên trang nhất mô tả cuộc rượt đuổi trên biển giữa tàu Trung Quốc và tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.

Báo Le Monde ngày 23/6 đã đăng trên trang nhất phóng sự "Rượt đuổi ở Hoàng Sa" của phóng viên Bruno Laymond Philip sau chuyến đi thực địa Hoàng Sa trên tàu thực thi pháp luật Việt Nam cùng các nhà báo quốc tế khác để tận mắt chứng kiến tình hình trên biển.


http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1403784967_WCFW.jpg

Tàu hải giám Trung Quốc mở hết tốc lực truy cản tàu cảnh sát biển của Việt Nam. (Ảnh: Quang Vũ - phóng viên từ Hoàng Sa/TTXVN).

Bài viết phản ánh khách quan tình hình liên quan đến khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou 981), giúp dư luận Pháp và châu Âu hiểu rõ các hành động vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 của Trung Quốc và cách ứng xử đúng mực của Việt Nam.

Xin giới thiệu với bạn đọc nguyên văn bài viết:

RƯỢT ĐUỔI Ở HOÀNG SA

Việc hạ đặt giàn khoan Trung Quốc tại Hoàng Sa mà cả hai bên cùng đòi chủ quyền đang làm sống dậy các mối căng thẳng.

Cách xa khoảng chục hải lý, giàn khoan Trung Quốc chỉ là một vết nhỏ hiện lên chân trời, hơi khó nhìn trên Biển Đông dậy sóng. Hôm nay là ngày 14/6, 8 giờ sáng.

Con tàu trắng-xanh của cảnh sát biển Việt Nam rẽ sóng hướng thẳng phía các con tàu đầu tiên của Trung Quốc. Với số lượng khoảng ba chục, các tàu Trung Quốc hình thành một vòng cung bảo vệ trước giàn khoan mà Bắc Kinh vừa hạ đặt trái phép tại vùng biển tranh chấp ở Hoàng Sa ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Tiếng loa phóng thanh trên tàu chấp pháp Việt Nam bất chợt cất lên bằng các thứ tiếng Việt, Trung và Anh: "Tất cả các tàu thuyền nước ngoài chú ý, đây là vùng biển thuộc Việt Nam và các vị ở đây là vi phạm công ước 1982 về luật biển và chủ quyền của Việt Nam. Yêu cầu các vị ngừng ngay các hoạt động và rút khỏi đây!"

Quyết định của CNOOC, công ty dầu khí lớn thứ 3 của chính phủ Trung Quốc, đưa giàn khoan vào vùng biển này ngày 2/5 đã khiến quan hệ giữa hai nước leo thang căng thẳng dữ dội.

Bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974

Kể từ khi giữa hai nước xảy ra cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu năm 1979, rồi một cuộc hải chiến tang tóc ở phía nam vùng biển này năm 1988, quan hệ Việt-Trung chưa bao giờ căng thẳng như bây giờ.

Người Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa bằng cuộc đổ bộ vào đây năm 1974, sau khi đánh đuổi các lực lượng đồn trú của Việt Nam. Trước đó, và hầu như đến giai đoạn cuối của chiến tranh Đông Dương, Hoàng Sa luôn nằm dưới quyền kiểm soát của chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Hà Nội luôn khẳng định Việt Nam sở hữu các hòn đảo Hoàng Sa từ lâu và quả quyết rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh điều này. Trung Quốc không muốn nghe nhắc tới luật pháp quốc tế, mà chỉ đơn giản yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển mang tên Trung Hoa và bác bỏ đây là một vùng biển tranh chấp.

Tàu Việt Nam giờ đây đã tiến rất gần hai tàu tuần duyên Trung Quốc, đến mức người ta có thể phân biệt rõ ràng các cấu trúc, màu trắng đỏ và biển số của chúng: 2101 và 32 101. Vị thuyền trưởng tàu Việt Nam ra lệnh bẻ mạnh lái sang mạn trái và một cuộc rượt đuổi lập tức diễn ra. Chẳng cần đợi quá lâu, hai tàu Trung Quốc lập tức rượt đuổi chúng tôi. Các con tàu xông tới, hung hăng, rồ máy chạy hết tốc lực.

Vũ điệu cảm giác mạnh trên biển

Được một lúc, sau một lần tàu bẻ lái gấp hơn, chúng tôi ở tình thế chạy song song và ngược hướng với một tàu Trung Quốc. Gần tới điểm nhìn thấy các thủy thủ Trung Quốc đang thao tác phía trước. Họ đang nghĩ gì? Chắc hẳn họ phải nhìn thấy trên boong tàu thực thi pháp luật Việt Nam có nhiều nhà báo nước ngoài, với những chiếc máy quay và máy ảnh đang chĩa tới sẵn sàng cho vũ điệu cảm giác mạnh trên biển. Các nhà báo này đã được chính quyền Việt Nam mời đi thực địa để có những đánh giá chân thực và chính xác tình hình.

Vài ngày sau tại Hà Nội, cựu đại biểu quốc hội và nguyên đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu Tôn Nữ Thị Ninh đã có những phân tích.

Theo bà, vụ việc là rất nghiêm trọng và không bó hẹp ở mối đe dọa đối với Việt Nam: "Chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc mưu toan áp đặt khái niệm 'thái bình dưới trướng thiên triều,' coi thường luật pháp quốc tế và bộc lộ bản chất ngạo mạn xấu xa." Bà Ninh kết luận bằng một cảnh báo: "Trung Quốc muốn khẳng định quyền bá chủ, muốn đóng vai trò sen đầm và trở thành cảnh sát trưởng ở Á Đông.

Các mưu toan của họ là vấn đề đối với tất cả các nước trong khu vực cũng như với nguyên tắc tự do giao thương trên biển!"

Tất nhiên tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải mới phát sinh. Hai nước cùng chia sẻ một lịch sử hàng nghìn năm: Việt Nam từng chịu sự đô hộ của đế quốc Trung Hoa từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 938. Liên quan đến yêu sách chủ quyền lãnh thổ hiện nay ở Biển Đông, cả Trung Quốc và Việt Nam đều khẳng định dựa trên các bản đồ hàng hải trước đây và các bằng chứng lịch sử.

Theo nhà sử học Việt Nam Trần Đức Anh Sơn, quyền sở hữu quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có từ thời vua Gia Long, người đã "buộc các ngư dân phải đóng thuế từ năm 1816". "Hạm đội triều Nguyễn thường đứng ra cứu giúp các tàu bị lạc đường trên biển." Quần đảo mà người Việt Nam gọi là Hoàng Sa là một tập hợp khoảng ba chục hòn đảo và bãi đá, trong đó chỉ có khoảng một nửa là những hòn đảo "thực sự".

Các tàu Trung Quốc "bị đâm húc" 1.547 lần kể từ ngày 2/5?

Trong những năm 1920, thực dân Pháp tại Việt Nam đã phát triển Hoàng Sa, đặc biệt đã xây dựng một trụ hải đăng và một trạm phát sóng không dây (TSF) trên đảo "Hoàng Sa" (Pattle Island), và một trạm khí tượng trên một hòn đảo khác có tên là "Đảo Cây".

Ngày 2/5, theo ngôn từ trong thông cáo của Việt Nam, Trung Quốc đã "đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hơn 80 hải lý". Về phần mình, Trung Quốc chỉ đơn giản khẳng định giàn khoan nằm "trong lãnh hải của Trung Quốc"…

Trung Quốc không chỉ yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa, mà cả Trường Sa nằm xa hơn về phía Nam. Quần đảo Trường Sa có một phần thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam, nhưng cũng là đối tượng yêu sách chủ quyền của Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan…

Điều này cho dư luận hiểu tính phức tạp của các yêu sách biển đảo ở một khu vực có thể giàu trữ lượng chất đốt, nhưng có vẻ trước hết vẫn là các lợi ích chiến lược. Đó là chưa kể các vấn đề chủ quyền luôn khích lệ niềm tự hào dân tộc của các bên có sự hiện diện.

Tuần trước, Bắc Kinh đã buộc tội các tàu thuyền Việt Nam "đâm húc" các tàu Trung Quốc 1.547 lần kể từ ngày 2/5. Việt Nam đã bác bỏ cáo buộc phóng đại này và đáp lại bằng việc phát hành các đoạn video cho thấy phía Trung Quốc sử dụng súng bắn nước tấn công các tàu chấp pháp Việt Nam. Cũng có một cuốn phim cho thấy ngày 26/5, một tàu cá cỡ lớn đã rượt đuổi và húc chìm một tàu kéo lưới Việt Nam, khiến các ngư dân trên tàu suýt chết.

Ngày 14/6, cuộc rượt đuổi đã không diễn ra mãi. Không có vụ đâm húc và tấn công bằng súng nước nào từ các thủy thủ của "Thiên Đế". 8h30, lần này tất cả kết thúc mà không có va chạm: người Trung Quốc đã bỏ cuộc theo đuổi tàu Việt Nam và trở lại vị trí ban đầu.

Trong buồng hoa tiêu, chỉ huy Nguyễn Văn Tân, một trong người phụ trách của "khu vực số 2" của lực lượng cảnh sát biển, lưu ý: "Họ cố ép chúng tôi trong gọng kìm. Rõ ràng là họ muốn đẩy chúng tôi phạm sai lầm, trước hết là phản ứng bạo lực. Nhưng chúng tôi sẽ không làm như vậy: chúng tôi đã quyết định áp dụng chiến lược thận trọng."

Sẵn sàng chỉ ra bản chất hăm dọa từ hành động của Trung Quốc đáp trả việc Việt Nam cảnh báo bằng loa phóng thanh, các thủy thủ Việt Nam nhấn mạnh rằng những kẻ trước mặt họ chính là những kẻ xâm lược: các lực lượng tuần duyên Trung Quốc đi tuần với các súng máy 12,7 mm và đại bác 20 mm bỏ nắp. Một thực tế trái ngược với các đồng nhiệm người Việt Nam. Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều hải quân chiến tranh - điều mà trước đây vài ngày Bắc Kinh vẫn phủ nhận. Nhưng đó là sự thật: ngày 14/6, chúng tôi đã được chứng kiến cách chỗ chúng tôi vài sải cáp là một tàu hộ tống đang lặng lẽ tiến qua với một màu xám hòa lẫn với màu biển cả.

Ngày hôm sau, Lê Trung Thành, chỉ huy chiếc tàu nhỏ chở chúng tôi, đã chỉ cho các nhà báo thấy trên màn hình video bóng dáng một tàu chiến khác của hải quân Trung Quốc và cho biết "đó là tàu vớt mìn". Một ngày bình thường trên Biển Đông.

Theo TTXVN