khieman
06-08-2014, 06:26 PM
.
Chuyện Ngày Thơ Ấu
Phạm Thắng Vũ
Ở tuổi nào thì ký ức con người ta mới bắt đầu giữ lại được các hình ảnh cũ? Còn tuổi sơ sinh phải có người bồng bế trên tay thì chắc chắn sẽ không nhớ gì cả. Vậy từ tuổi lên ba hay lên năm, lên sáu... thì mới có thể nhớ chút chút về cái ngày còn bé của mình? Ai cũng có một tuổi thơ còn bé và nó bắt đầu từ tuổi nào? Cái tuổi thơ đó tất nhiên nó đã là một ngày xưa lắm của cuộc đời mình. Nhà văn Duyên Anh thì gọi cái thời tuổi thơ đó là Ngày Xưa Còn Bé trong một tác phẩm của ông. Điều đó đúng nhưng theo Phạm Thắng Vũ (PTV) là phải nhớ được cái tuổi thơ này thì mới thú. Với PTV thì ngày xưa còn bé bắt đầu ở tuổi lên bẩy vì bản thân chỉ nhớ được ít chuyện xẩy ra trong thời kỳ này, xa hơn nữa thì chịu. Để tránh sự trùng lập đề bài, PTV xin sửa cái tựa là Chuyện Ngày Thơ Ấu.
Không biết bố gặp mẹ ở đâu từ ngoài Bắc mà khi PTV có các ký ức về thời xưa của mình thì gia đình đã cư trú tại vùng Ngã Tư Bẩy Hiền (NTBH) rồi. Đây là một xóm nhà của dân di cư từ miền Bắc vào Nam dịp 1954. Bố PTV là một quân nhân nên ông theo đơn vị di chuyển nhiều nơi rồi sau đó, thấy mang theo gia đình (gồm mẹ, anh trai, bản thân PTV và mấy đứa em gái) sẽ rất bất tiện và nguy hiểm (bố kể có một lần Việt Cộng tấn công vào một cái đồn lính làm chết lây khá nhiều thân nhân của các binh sĩ) nên bố mua căn nhà nhỏ ở vùng NTBH này để cho gia đình tạm sống. Bố cứ đi theo đơn vị và hàng năm, ông chỉ có vài lần về phép thăm nhà rồi sau đó lại đi ngay. Tuổi lên bẩy, không hiểu do đâu mà PTV bị bịnh cứ nghe tiếng động lớn là sợ là khóc nên mẹ mới dắt ra tiệm thuốc Bắc của ông người Tàu gần nhà để khám lấy thuốc uống. Cái tiệm thuốc Bắc đó có tên là Anh Sanh Đường. Đến tiệm cũng chưa được ông thầy thuốc khám ngay cho vì phải chờ đến lượt nên PTV mới đi đến chỗ có cái bàn nhỏ ngay góc nhà để xem người ta làm thuốc. Cái bàn nhỏ đó, gắn chặt một con dao to tướng được một anh lớn tuổi hơn đang dơ tay nâng cán lên xuống nhịp nhàng để cắt từng nhúm thuốc thành các sợi nhỏ. Mùi hăng hắc thơm thơm bốc lên làm PTV ngạc nhiên vì thấy nó rất quen mũi nên lấy tay cầm một miếng thuốc mỏng đưa lên ngửi rồi xem kỹ. Thì ra chỉ là các vỏ cam, vỏ quýt đã ỉu khô, đen sậm. Mẹ thấy PTV đứng gần chỗ làm việc của người nhà thuốc sợ phiền nên bước đến kéo tay dẫn về chỗ ngồi. Vừa ngồi vào chỗ, PTV khoe với bà nho nhỏ:
- Vỏ cam vỏ quýt mẹ à. Con dao to quá.
Không nhớ ông thầy thuốc người Tàu đã chẩn bịnh ra sao mà chỉ biết từ hôm đấy, cứ vài ngày thì PTV được mẹ bắt ăn nguyên một quả tim heo nấu chín đựng trong một cái chén nhỏ. Chỉ tim heo thôi chứ chẳng có thuốc uống nào khác. Buổi trưa, sau khi tan học về nhà, PTV phải ngồi ăn từng lát thịt từ quả tim heo do mẹ sắt thành miếng còn âm ấm trước khi ăn cơm. Có một chút nước đỏ hồng từ trong lòng quả tim mà PTV cứ nghĩ là chất lỏng tiết ra từ thịt nhưng sau này mới biết do bột thuốc Thần Sa phôi ra thành. PTV có một anh trai hơn mình năm tuổi và mỗi khi thấy mẹ ngồi cắt thịt thì anh lại gần ngồi xem rồi xin mẹ cho anh ăn chung nữa. Nhưng mẹ chỉ cho anh trai các chỗ có phần dính thịt mỡ và những chỗ có gân trắng mà PTV lừa ra ngoài, không ăn. Ăn mãi món tim heo này nên PTV chán miệng muốn bỏ cho anh trai ăn dùm thì mẹ cứ ép phải ăn. Con phải ăn, ăn để hết bịnh, mẹ bảo vậy và còn nói với anh trai là phải biết thương em mà đừng đòi.
Vùng NTBH khi đó còn hoang vắng lắm. Tầm mắt còn nhìn thấy vòng đai của phi trường Tân Sơn Nhứt xa xa. Gần hơn thì nghĩa địa từ thời Pháp còn đầy những bia mộ trắng nằm đều đặn bên nhau. Hướng đi về Chợ Lớn còn nhiều hàng cây cao su đều đặn, thẳng tắp mà có người nói đi vào trong sâu hơn, sẽ thấy có cả một kho chứa đạn của lính Nhật bỏ lại. Chung quanh xóm nhà của PTV ở vẫn còn là các đám ruộng ngập nước, đầy rau muống mọc hoang, chính là chỗ mà buổi chiều lôi cuốn nhiều người đến câu cá. Chợ là hai bên vệ đường chính ở gần ngã tư đi vào nội đô Sài Gòn mà sau này có tên là NTBH.
Mẹ PTV có một người em họ xa tên là Dậu, mồ côi cha mẹ từ năm mới sinh ra. Anh em PTV trong nhà, được mẹ dặn gọi dì là dì Dậu. Tên của dì là do người trong họ đặt cho như một kỷ niệm về cái chết của cha mẹ dì trong cái năm có nạn đói ở miền Bắc. PTV cũng không biết nhờ đâu mà dì sống được trong cái thảm nạn năm đó và cũng do ai đưa dẫn mà dì di cư vào miền Nam dịp 1954 để rồi bây giờ đến trú tại nhà. Chỉ biết là dì da dẻ trắng trẻo, tướng người thon thả và khuôn mặt khá đẹp. Hôm đó, một buổi chiều sau khi chạy chơi trong xóm với đám bạn cùng tuổi đến chán, PTV về nhà định đi tắm trước khi trời tối thì gặp mẹ đang ngồi tiếp hai người khách. Khách đây là dì Dậu và người chồng của dì. Tính ra thì khi đó dì ở tuổi mới mười chín, đôi mươi mà sao PTV thấy dì chững chạc như là mẹ vậy. Cậu Luận, chồng của dì là người miền Nam và điều đó cũng là cái lạ cho người trong họ hàng. Lấy ai không lấy lại đi lấy dân Nam Kỳ! Mẹ PTV lúc đầu cũng nói riêng vậy với dì nhưng sau một thời gian sống trong nhà thì mới biết cậu Luận là người rất hiền, tính ít nói và rất chịu khó làm lụng để nuôi dì Dậu ở không nên ai cũng thương cả. Thực ra thì cũng không hẳn là dì Dậu chỉ ngồi không cho chồng nuôi mà dì đi chợ mỗi buổi sáng để mua thịt heo, củ sắn trắng... về làm các đồ nhồi cho cậu Luận đi bán bánh mì mỗi buổi chiều tối. Cậu Luận có một chiếc xe đạp gắn cái thùng nhôm nắp tròn to tướng ở yên sau. Trong thùng nhôm đó có hai ngăn, một bên là các ổ bánh mì khá dài được ủ trong một bao vải kín. Ngăn bên kia có một khay nhỏ để ít than nóng dưới đáy thùng dùng làm nóng bánh mì trước khi bán cho khách. Giữa hai ngăn là chỗ cậu Luận để thịt heo luộc chín bôi phẩm đỏ ngoài phần da chung với chả lụa, thịt xíu mại cùng đồ chua là củ sắn trắng sắt thành sợi ngâm dấm, lọ ớt băm, chai nước tương. Bánh mì, cậu Luận lấy từ một cái lò tuốt gần trường đua ngựa Phú Thọ về hướng Chợ Lớn. Ở ghi đông xe có gắn cái kèn tay nhỏ. Cứ chập tối thì cậu Luận bắt đầu đạp xe bánh mì đó đi bán cho tới quá khuya thì về nghỉ. Đắt hàng, hết bánh bán thì về sớm nhưng cũng có hôm phải đến gần sáng mà trong thùng vẫn còn dư bánh chưa bán hết. Cả nhà PTV phải bữa ăn bánh mì giúp cậu. Như đã kể, nhà dân di cư từ miền Bắc vào cất nhà gần bên đường chính. Đi vô hơi sâu thì nhà cửa rất thưa thớt dần, gần như đất bỏ hoang đầy mồ mả cùng cây thưa và lau sậy. Vẫn có người thỉnh thoảng còn bắt được chồn, trút, rùa... nữa. Mỗi tối, cậu Luận đạp xe đi bán bánh mì thì phải đảo cả một vùng rất rộng để tìm khách ăn đêm. Cậu đạp xe, thỉnh thoảng bóp kèn báo hiệu cho người ta biết có xe bán bánh mì. Xe chạy trong đêm được là nhờ có bóng đèn chiếu sáng dùng một cục dinamo nhỏ gắn bám vào niền xe. Ở thùng nhôm đằng sau còn treo một cái đèn bão nhỏ giúp cậu thấy đường mà làm bánh khi bán hàng.
Đến ở chung, mẹ PTV cho vợ chồng dì Dậu cất thêm một cái chái nhỏ bên cạnh nhà còn bếp, giếng nước... vẫn xài với gia đình. Có một buổi khuya, cậu Luận đạp xe về giao tiền cho dì Luận rồi đi ngủ ngay. Ngày nào cũng vậy, đạp xe bán hàng cả mấy giờ đồng hồ như cậu Luận rất mệt nên về nhà thì cậu ngủ vùi, mặc trời sáng cho dì Dậu tự lo sắp sẵn hàng để bán cho buổi chiều. Như thường ngày, dì Dậu lấy túi vải đựng tiền bán hàng trong đêm ra đếm, tính lời lỗ thì thấy chỉ có ít tiền cắc tiền giấy chung với lá, giấy vụn. Dì nghĩ tiền để trong thùng nhôm nên lục tìm mà không thấy, đành phải gọi cậu dậy. Cậu Luận nói tiền để trong giỏ nhưng dì coi lại vẫn không có. Xem kỹ các mảnh lá thì thấy lá cắt thành hình vuông, chữ nhật và giấy là các mảnh vàng mã, tiền âm phủ. Người trong xóm nghe chuyện cậu Luận bán bánh mì cho ma nên mới chạy đến xem tiền. Các mảnh tiền vàng mã thì không ai lạ nhưng tiền lá cây đều một màu tái như bị luộc chín nhưng ở phần rìa lại có màu vàng đậm hơn. Người xem bảo đây là lá chuối nhưng người khác bảo lá củ rong hoặc lá cây nghệ... mà sau cùng thì là lá cây gì thì ai cũng không chắc. Hỏi, cậu Luận trả lời hồi khuya rõ ràng đã gặp người mua bánh trả bằng tiền mà bây giờ chỉ là giấy và lá thì cũng chẳng biết do đâu ra? Ai cũng bảo là đây là tiền của ma không nên giữ nó trong nhà. Dì Dậu sợ và nghe lời người ta khuyên, đã đốt bỏ các tờ tiền giấy, lá đó. Sau, dì còn xin nước thánh từ nhà thờ đạo Thiên Chúa về, đem vẩy vào cái xe đạp cùng thùng nhôm bánh mì đó.
Sống chung trong nhà được khoảng hai năm thì cậu Luận đăng lính rồi sau đó đưa dì đi theo đơn vị quân đội xuống tuốt dưới miền Tây và gia đình PTV cũng ít liên lạc với vợ chồng dì nữa. Sau này PTV mới biết cậu Luận cũng hoàn cảnh mồ côi cha mẹ từ nhỏ y như dì Dậu. Cùng hoàn cảnh nên khiến cả hai người họ dễ dàng đến với nhau hơn, bất kể gốc gác miền Bắc miền Nam.
Vợ chồng dì Dậu ra khỏi rồi mẹ PTV lại cho một người cô khác về ở ngay trong căn phòng trống đó. Cô này tên Chi và là bà con phía bên bố PTV. Bằng vai với mẹ nhưng cô Chi chỉ hơn PTV khoảng bẩy tuổi, tám tuổi gì đó. Do đó có khi PTV vẫn lẫn lộn khi gọi cô bằng chị. Cô Chi cũng thế, hay gọi không cái tên Vũ hay em thay vì cháu, nhất là khi có chuyện đi ra ngoài. Bố mất từ khi còn ngoài Bắc, cô Chi theo mẹ vào Nam năm 1954 rồi sống trên trại di cư ở Tân Phú Trung gần vùng Củ Chi-Hậu Nghĩa. Được vài năm thì mẹ cô bị bịnh chết nên người trong họ ba PTV thay phiên luân chuyển từng gia đình nuôi cô cứ vài năm một. Vì PTV không có chị ruột, giờ có cô Chi sống trong nhà nên rất thích mà cô Chi cũng không có em thành ra đi đâu bên ngoài cũng rủ nhau. Thời gian này, trên con đường chính dẫn về hướng ngã ba Bà Quẹo đã có thêm nhiều căn nhà mới. Chủ những căn nhà lợp lá, lợp tôn này là dân từ miền Trung vào hay là dân chạy loạn từ sau trận đánh ở Bình Giã tràn về. Hai bên đường, nhờ có thêm người ở cùng trại lính dù mở rộng nên đã bớt vắng vẻ hơn trước. Có nhà buổi tối còn bày hàng chè, hàng cháo bán trước sân để kiếm thêm nữa. Một buổi tối mùa hè trời rất nóng, cô Chi kéo PTV đi dọc theo con đường chính thì bị một người đàn ông lạ mặt chạy xe hai bánh ngang qua, vỗ tay vào mông cô một cái thật mạnh. Người đó bỏ chạy xa rồi mà hai cô cháu vẫn chưa hoàn hồn. Chẳng rõ người chạy xe đó mặt mũi ra sao? Trẻ, già, lính lác hay dân thường? Cái vỗ mông làm cô Chi đau đến phát khóc, chảy nước mắt cho đến khi về tới nhà báo cho mẹ PTV hay. Vết bàn tay năm ngón còn in đỏ trên phần da mông khi cô trật quần xuống cho mẹ PTV thoa dầu nóng để làm dịu cái đau. Cô khóc vì đau làm mẹ PTV cũng khóc theo nữa.
Cũng vì mất cha mẹ khi còn nhỏ nên phải nương nhờ vào các gia đình họ hàng mà sống và cũng vì cảnh luân chuyển vài năm ở nhà này nhà khác nên cô Chi bỏ học sớm. Sống chung trong nhà, cô theo mẹ PTV phụ bán hàng sáo ở chợ rồi có khi lại đi theo mấy người chị họ khác lên vùng Thủ Đức để dệt vải mướn cho các gia đình có máy khung trên đó. Mẹ PTV vai chị của cô, vẫn dặn cô là con gái mới lớn, đi làm xa gia đình thì phải tự phòng thân, ráng tiết kiệm tiền bạc làm được để thành nếp sống sau này. Đi đi, về về thăm gia đình từng tháng một rồi đánh đùng cô Chi nói cho mẹ PTV biết có người theo cô, nói thương cô lắm mà người đó cũng dân miền Nam. Mẹ PTV nghe vậy, lo lắng:
- Trước đã gặp con Dậu, bây giờ lại đến em... Sao lại quen với cái người Nam Kỳ này. Không biết rồi ra có được như thằng Luận?
Không phải mẹ PTV kỳ thị dân Nam gì, chính là muốn cô Chi khi lớn lấy chồng thì phải cùng dân Bắc sẽ hay hơn. Mẹ nói vậy. Bố PTV đóng lính xa nhà biết tin về cô Chi, viết thư về bảo mình vào miền Nam sống rồi lấy dân Nam Kỳ là chuyện thường. Phu đồn điền cao su từ miền Bắc vào Nam thời trước cũng thế, rồi cũng yên ấm cả. Đừng cấm đoán, chỉ nên khuyên cô Chi phải cẩn thận, dò xét người đó cho kỹ.
http://i907.photobucket.com/albums/ac276/minhduynamphuong/hinhchange_zps30408c7a.png (http://s907.photobucket.com/user/minhduynamphuong/media/hinhchange_zps30408c7a.png.html)
Hình chụp PTV, đứng giữa anh trai và mẹ (mẹ tay bế em gái) của ngày xưa.
Ảnh do bố chụp ở Tân Hương-Kon Tum.
Chính vậy mà cô Chi ngần ngừ chưa dám để người đó tiến gấp, nói cần thời gian để suy nghĩ cho chín. Cô đưa người đó về nhà ra mắt mẹ PTV rồi mà vẫn dùng dằng mãi. Người đàn ông miền Nam đó tên là Bạch, hơn cô cả chục tuổi nhưng được cái cũng hiền lành, thành thật như cậu Luận. Cậu Bạch là lính đóng đồn trên vùng Thủ Đức, thân quen với gia đình mà cô Chi đến làm thuê nghề dệt. Tới lui với gia đình PTV vài lần, mẹ bảo cô Chi quyết định dứt khoát nhưng cô lại nói để xem đã. Cái để xem đã đó, cô muốn biết gia đình cậu Bạch như thế nào và dịp đó đến khi xin phép mẹ để đi theo cậu Bạch trong một chuyến thăm nhà. PTV không biết có sự sắp xếp giữa mẹ và cô Chi hay không mà lại được đi theo với cô và cậu Bạch. Sau này nghĩ lại đó là sự phòng xa, tránh những bất trắc có thể có với cô, một người con gái mới lớn phải đi xa cùng một đàn ông lạ nếu không có mặt PTV gần bên. Nhưng cũng có thể thực lòng cô Chi muốn có người thân trong nhà đi cùng cho vui, chỉ biết khi đó PTV rất thích.
Nhà hay quê của cậu Bạch ở tuốt tận cái vùng gọi là Thủ Dầu Một tức tỉnh Bình Dương bây giờ. Sống ở Sài Gòn, nơi đến xa nhất trước giờ với PTV mới chỉ là trại di cư Tân Phú Trung hoặc vùng Hốc Môn-Bà Điểm. Khi được gia đình cho đi xa như vậy nên háo hức lắm nhưng cũng sờ sợ khi nghe mẹ nói trước chuyến đi với cô Chi là chỗ cậu Bạch có Việt Cộng hoạt động, phải cẩn thận. Sợ rồi quên ngay vì tuổi còn bé cái sợ cái nhớ cái lo... có đến rồi cũng tan biến chóng vánh.
Ngày lên đường là buổi sáng Chủ Nhật của mùa hè trời nắng ráo. Cậu Bạch mặc quần áo dân sự còn cô Chi thì áo dài trắng, quần satanh đen, nón lá, chân guốc cao gót. Không hiểu tại sao ngày xưa phái nữ đi đâu bên ngoài hầu như họ chỉ mặc bộ quần áo dài kiều như vậy. PTV mặc bộ đồng phục học sinh áo trắng, quần dài xanh, dép da như ngày đi học. Bình Dương cách Sài Gòn khoảng năm sáu chục cây số mà phải đi nhiều chặng đường thì mới đến được nhà cậu Bạch vào lúc xế chiều. Ngồi xe lam, xe đò và cả xe ngựa lẫn đò chèo tay nữa rồi khi qua được bến đò còn phải đi bộ một quãng đường khá xa mới đến được nhà cậu Bạch nằm trong một khu vườn đầy những cây cao lớn xum xuê. Những cây ăn trái, những bụi tre bao chung quanh căn nhà vách gỗ mái ngói của gia đình cậu Bạch trông cũng không khác gì mấy với các căn nhà dân khá giả ở gần khu NTBH. Mẹ cậu Bạch là một bà cụ già miệng móm, ngồi nhai trầu trên tấm phản gỗ và dù cô Chi đã nói khi ở nhà là cậu Bạch con trai út trong gia đình nhưng khi đối diện, cô cũng không ngờ bà cụ già quá. Cái già lộ ra từ mái tóc bạc trắng, các nếp nhăn nằm đầy trên cánh tay, khuôn mặt cùng vẻ run rẩy trong khi bà nói chuyện với cô Chi. Có mấy đứa trẻ trai, gái trạc tuổi ra chào rồi sau đó đám này dẫn PTV ra các cây gần nhà hái ổi, hái khế ăn chung trước khi trời tối hẳn. Bữa ăn hôm đó gồm các món lạ, lần đầu PTV biết đến như cá rô chiên dòn dầm nước mắm gừng, canh khổ qua nhồi cá xay, thịt kho tàu, dưa mắm... nên ăn rất ngon.
Phạm Thắng Vũ
(còn tiếp)
Chuyện Ngày Thơ Ấu
Phạm Thắng Vũ
Ở tuổi nào thì ký ức con người ta mới bắt đầu giữ lại được các hình ảnh cũ? Còn tuổi sơ sinh phải có người bồng bế trên tay thì chắc chắn sẽ không nhớ gì cả. Vậy từ tuổi lên ba hay lên năm, lên sáu... thì mới có thể nhớ chút chút về cái ngày còn bé của mình? Ai cũng có một tuổi thơ còn bé và nó bắt đầu từ tuổi nào? Cái tuổi thơ đó tất nhiên nó đã là một ngày xưa lắm của cuộc đời mình. Nhà văn Duyên Anh thì gọi cái thời tuổi thơ đó là Ngày Xưa Còn Bé trong một tác phẩm của ông. Điều đó đúng nhưng theo Phạm Thắng Vũ (PTV) là phải nhớ được cái tuổi thơ này thì mới thú. Với PTV thì ngày xưa còn bé bắt đầu ở tuổi lên bẩy vì bản thân chỉ nhớ được ít chuyện xẩy ra trong thời kỳ này, xa hơn nữa thì chịu. Để tránh sự trùng lập đề bài, PTV xin sửa cái tựa là Chuyện Ngày Thơ Ấu.
Không biết bố gặp mẹ ở đâu từ ngoài Bắc mà khi PTV có các ký ức về thời xưa của mình thì gia đình đã cư trú tại vùng Ngã Tư Bẩy Hiền (NTBH) rồi. Đây là một xóm nhà của dân di cư từ miền Bắc vào Nam dịp 1954. Bố PTV là một quân nhân nên ông theo đơn vị di chuyển nhiều nơi rồi sau đó, thấy mang theo gia đình (gồm mẹ, anh trai, bản thân PTV và mấy đứa em gái) sẽ rất bất tiện và nguy hiểm (bố kể có một lần Việt Cộng tấn công vào một cái đồn lính làm chết lây khá nhiều thân nhân của các binh sĩ) nên bố mua căn nhà nhỏ ở vùng NTBH này để cho gia đình tạm sống. Bố cứ đi theo đơn vị và hàng năm, ông chỉ có vài lần về phép thăm nhà rồi sau đó lại đi ngay. Tuổi lên bẩy, không hiểu do đâu mà PTV bị bịnh cứ nghe tiếng động lớn là sợ là khóc nên mẹ mới dắt ra tiệm thuốc Bắc của ông người Tàu gần nhà để khám lấy thuốc uống. Cái tiệm thuốc Bắc đó có tên là Anh Sanh Đường. Đến tiệm cũng chưa được ông thầy thuốc khám ngay cho vì phải chờ đến lượt nên PTV mới đi đến chỗ có cái bàn nhỏ ngay góc nhà để xem người ta làm thuốc. Cái bàn nhỏ đó, gắn chặt một con dao to tướng được một anh lớn tuổi hơn đang dơ tay nâng cán lên xuống nhịp nhàng để cắt từng nhúm thuốc thành các sợi nhỏ. Mùi hăng hắc thơm thơm bốc lên làm PTV ngạc nhiên vì thấy nó rất quen mũi nên lấy tay cầm một miếng thuốc mỏng đưa lên ngửi rồi xem kỹ. Thì ra chỉ là các vỏ cam, vỏ quýt đã ỉu khô, đen sậm. Mẹ thấy PTV đứng gần chỗ làm việc của người nhà thuốc sợ phiền nên bước đến kéo tay dẫn về chỗ ngồi. Vừa ngồi vào chỗ, PTV khoe với bà nho nhỏ:
- Vỏ cam vỏ quýt mẹ à. Con dao to quá.
Không nhớ ông thầy thuốc người Tàu đã chẩn bịnh ra sao mà chỉ biết từ hôm đấy, cứ vài ngày thì PTV được mẹ bắt ăn nguyên một quả tim heo nấu chín đựng trong một cái chén nhỏ. Chỉ tim heo thôi chứ chẳng có thuốc uống nào khác. Buổi trưa, sau khi tan học về nhà, PTV phải ngồi ăn từng lát thịt từ quả tim heo do mẹ sắt thành miếng còn âm ấm trước khi ăn cơm. Có một chút nước đỏ hồng từ trong lòng quả tim mà PTV cứ nghĩ là chất lỏng tiết ra từ thịt nhưng sau này mới biết do bột thuốc Thần Sa phôi ra thành. PTV có một anh trai hơn mình năm tuổi và mỗi khi thấy mẹ ngồi cắt thịt thì anh lại gần ngồi xem rồi xin mẹ cho anh ăn chung nữa. Nhưng mẹ chỉ cho anh trai các chỗ có phần dính thịt mỡ và những chỗ có gân trắng mà PTV lừa ra ngoài, không ăn. Ăn mãi món tim heo này nên PTV chán miệng muốn bỏ cho anh trai ăn dùm thì mẹ cứ ép phải ăn. Con phải ăn, ăn để hết bịnh, mẹ bảo vậy và còn nói với anh trai là phải biết thương em mà đừng đòi.
Vùng NTBH khi đó còn hoang vắng lắm. Tầm mắt còn nhìn thấy vòng đai của phi trường Tân Sơn Nhứt xa xa. Gần hơn thì nghĩa địa từ thời Pháp còn đầy những bia mộ trắng nằm đều đặn bên nhau. Hướng đi về Chợ Lớn còn nhiều hàng cây cao su đều đặn, thẳng tắp mà có người nói đi vào trong sâu hơn, sẽ thấy có cả một kho chứa đạn của lính Nhật bỏ lại. Chung quanh xóm nhà của PTV ở vẫn còn là các đám ruộng ngập nước, đầy rau muống mọc hoang, chính là chỗ mà buổi chiều lôi cuốn nhiều người đến câu cá. Chợ là hai bên vệ đường chính ở gần ngã tư đi vào nội đô Sài Gòn mà sau này có tên là NTBH.
Mẹ PTV có một người em họ xa tên là Dậu, mồ côi cha mẹ từ năm mới sinh ra. Anh em PTV trong nhà, được mẹ dặn gọi dì là dì Dậu. Tên của dì là do người trong họ đặt cho như một kỷ niệm về cái chết của cha mẹ dì trong cái năm có nạn đói ở miền Bắc. PTV cũng không biết nhờ đâu mà dì sống được trong cái thảm nạn năm đó và cũng do ai đưa dẫn mà dì di cư vào miền Nam dịp 1954 để rồi bây giờ đến trú tại nhà. Chỉ biết là dì da dẻ trắng trẻo, tướng người thon thả và khuôn mặt khá đẹp. Hôm đó, một buổi chiều sau khi chạy chơi trong xóm với đám bạn cùng tuổi đến chán, PTV về nhà định đi tắm trước khi trời tối thì gặp mẹ đang ngồi tiếp hai người khách. Khách đây là dì Dậu và người chồng của dì. Tính ra thì khi đó dì ở tuổi mới mười chín, đôi mươi mà sao PTV thấy dì chững chạc như là mẹ vậy. Cậu Luận, chồng của dì là người miền Nam và điều đó cũng là cái lạ cho người trong họ hàng. Lấy ai không lấy lại đi lấy dân Nam Kỳ! Mẹ PTV lúc đầu cũng nói riêng vậy với dì nhưng sau một thời gian sống trong nhà thì mới biết cậu Luận là người rất hiền, tính ít nói và rất chịu khó làm lụng để nuôi dì Dậu ở không nên ai cũng thương cả. Thực ra thì cũng không hẳn là dì Dậu chỉ ngồi không cho chồng nuôi mà dì đi chợ mỗi buổi sáng để mua thịt heo, củ sắn trắng... về làm các đồ nhồi cho cậu Luận đi bán bánh mì mỗi buổi chiều tối. Cậu Luận có một chiếc xe đạp gắn cái thùng nhôm nắp tròn to tướng ở yên sau. Trong thùng nhôm đó có hai ngăn, một bên là các ổ bánh mì khá dài được ủ trong một bao vải kín. Ngăn bên kia có một khay nhỏ để ít than nóng dưới đáy thùng dùng làm nóng bánh mì trước khi bán cho khách. Giữa hai ngăn là chỗ cậu Luận để thịt heo luộc chín bôi phẩm đỏ ngoài phần da chung với chả lụa, thịt xíu mại cùng đồ chua là củ sắn trắng sắt thành sợi ngâm dấm, lọ ớt băm, chai nước tương. Bánh mì, cậu Luận lấy từ một cái lò tuốt gần trường đua ngựa Phú Thọ về hướng Chợ Lớn. Ở ghi đông xe có gắn cái kèn tay nhỏ. Cứ chập tối thì cậu Luận bắt đầu đạp xe bánh mì đó đi bán cho tới quá khuya thì về nghỉ. Đắt hàng, hết bánh bán thì về sớm nhưng cũng có hôm phải đến gần sáng mà trong thùng vẫn còn dư bánh chưa bán hết. Cả nhà PTV phải bữa ăn bánh mì giúp cậu. Như đã kể, nhà dân di cư từ miền Bắc vào cất nhà gần bên đường chính. Đi vô hơi sâu thì nhà cửa rất thưa thớt dần, gần như đất bỏ hoang đầy mồ mả cùng cây thưa và lau sậy. Vẫn có người thỉnh thoảng còn bắt được chồn, trút, rùa... nữa. Mỗi tối, cậu Luận đạp xe đi bán bánh mì thì phải đảo cả một vùng rất rộng để tìm khách ăn đêm. Cậu đạp xe, thỉnh thoảng bóp kèn báo hiệu cho người ta biết có xe bán bánh mì. Xe chạy trong đêm được là nhờ có bóng đèn chiếu sáng dùng một cục dinamo nhỏ gắn bám vào niền xe. Ở thùng nhôm đằng sau còn treo một cái đèn bão nhỏ giúp cậu thấy đường mà làm bánh khi bán hàng.
Đến ở chung, mẹ PTV cho vợ chồng dì Dậu cất thêm một cái chái nhỏ bên cạnh nhà còn bếp, giếng nước... vẫn xài với gia đình. Có một buổi khuya, cậu Luận đạp xe về giao tiền cho dì Luận rồi đi ngủ ngay. Ngày nào cũng vậy, đạp xe bán hàng cả mấy giờ đồng hồ như cậu Luận rất mệt nên về nhà thì cậu ngủ vùi, mặc trời sáng cho dì Dậu tự lo sắp sẵn hàng để bán cho buổi chiều. Như thường ngày, dì Dậu lấy túi vải đựng tiền bán hàng trong đêm ra đếm, tính lời lỗ thì thấy chỉ có ít tiền cắc tiền giấy chung với lá, giấy vụn. Dì nghĩ tiền để trong thùng nhôm nên lục tìm mà không thấy, đành phải gọi cậu dậy. Cậu Luận nói tiền để trong giỏ nhưng dì coi lại vẫn không có. Xem kỹ các mảnh lá thì thấy lá cắt thành hình vuông, chữ nhật và giấy là các mảnh vàng mã, tiền âm phủ. Người trong xóm nghe chuyện cậu Luận bán bánh mì cho ma nên mới chạy đến xem tiền. Các mảnh tiền vàng mã thì không ai lạ nhưng tiền lá cây đều một màu tái như bị luộc chín nhưng ở phần rìa lại có màu vàng đậm hơn. Người xem bảo đây là lá chuối nhưng người khác bảo lá củ rong hoặc lá cây nghệ... mà sau cùng thì là lá cây gì thì ai cũng không chắc. Hỏi, cậu Luận trả lời hồi khuya rõ ràng đã gặp người mua bánh trả bằng tiền mà bây giờ chỉ là giấy và lá thì cũng chẳng biết do đâu ra? Ai cũng bảo là đây là tiền của ma không nên giữ nó trong nhà. Dì Dậu sợ và nghe lời người ta khuyên, đã đốt bỏ các tờ tiền giấy, lá đó. Sau, dì còn xin nước thánh từ nhà thờ đạo Thiên Chúa về, đem vẩy vào cái xe đạp cùng thùng nhôm bánh mì đó.
Sống chung trong nhà được khoảng hai năm thì cậu Luận đăng lính rồi sau đó đưa dì đi theo đơn vị quân đội xuống tuốt dưới miền Tây và gia đình PTV cũng ít liên lạc với vợ chồng dì nữa. Sau này PTV mới biết cậu Luận cũng hoàn cảnh mồ côi cha mẹ từ nhỏ y như dì Dậu. Cùng hoàn cảnh nên khiến cả hai người họ dễ dàng đến với nhau hơn, bất kể gốc gác miền Bắc miền Nam.
Vợ chồng dì Dậu ra khỏi rồi mẹ PTV lại cho một người cô khác về ở ngay trong căn phòng trống đó. Cô này tên Chi và là bà con phía bên bố PTV. Bằng vai với mẹ nhưng cô Chi chỉ hơn PTV khoảng bẩy tuổi, tám tuổi gì đó. Do đó có khi PTV vẫn lẫn lộn khi gọi cô bằng chị. Cô Chi cũng thế, hay gọi không cái tên Vũ hay em thay vì cháu, nhất là khi có chuyện đi ra ngoài. Bố mất từ khi còn ngoài Bắc, cô Chi theo mẹ vào Nam năm 1954 rồi sống trên trại di cư ở Tân Phú Trung gần vùng Củ Chi-Hậu Nghĩa. Được vài năm thì mẹ cô bị bịnh chết nên người trong họ ba PTV thay phiên luân chuyển từng gia đình nuôi cô cứ vài năm một. Vì PTV không có chị ruột, giờ có cô Chi sống trong nhà nên rất thích mà cô Chi cũng không có em thành ra đi đâu bên ngoài cũng rủ nhau. Thời gian này, trên con đường chính dẫn về hướng ngã ba Bà Quẹo đã có thêm nhiều căn nhà mới. Chủ những căn nhà lợp lá, lợp tôn này là dân từ miền Trung vào hay là dân chạy loạn từ sau trận đánh ở Bình Giã tràn về. Hai bên đường, nhờ có thêm người ở cùng trại lính dù mở rộng nên đã bớt vắng vẻ hơn trước. Có nhà buổi tối còn bày hàng chè, hàng cháo bán trước sân để kiếm thêm nữa. Một buổi tối mùa hè trời rất nóng, cô Chi kéo PTV đi dọc theo con đường chính thì bị một người đàn ông lạ mặt chạy xe hai bánh ngang qua, vỗ tay vào mông cô một cái thật mạnh. Người đó bỏ chạy xa rồi mà hai cô cháu vẫn chưa hoàn hồn. Chẳng rõ người chạy xe đó mặt mũi ra sao? Trẻ, già, lính lác hay dân thường? Cái vỗ mông làm cô Chi đau đến phát khóc, chảy nước mắt cho đến khi về tới nhà báo cho mẹ PTV hay. Vết bàn tay năm ngón còn in đỏ trên phần da mông khi cô trật quần xuống cho mẹ PTV thoa dầu nóng để làm dịu cái đau. Cô khóc vì đau làm mẹ PTV cũng khóc theo nữa.
Cũng vì mất cha mẹ khi còn nhỏ nên phải nương nhờ vào các gia đình họ hàng mà sống và cũng vì cảnh luân chuyển vài năm ở nhà này nhà khác nên cô Chi bỏ học sớm. Sống chung trong nhà, cô theo mẹ PTV phụ bán hàng sáo ở chợ rồi có khi lại đi theo mấy người chị họ khác lên vùng Thủ Đức để dệt vải mướn cho các gia đình có máy khung trên đó. Mẹ PTV vai chị của cô, vẫn dặn cô là con gái mới lớn, đi làm xa gia đình thì phải tự phòng thân, ráng tiết kiệm tiền bạc làm được để thành nếp sống sau này. Đi đi, về về thăm gia đình từng tháng một rồi đánh đùng cô Chi nói cho mẹ PTV biết có người theo cô, nói thương cô lắm mà người đó cũng dân miền Nam. Mẹ PTV nghe vậy, lo lắng:
- Trước đã gặp con Dậu, bây giờ lại đến em... Sao lại quen với cái người Nam Kỳ này. Không biết rồi ra có được như thằng Luận?
Không phải mẹ PTV kỳ thị dân Nam gì, chính là muốn cô Chi khi lớn lấy chồng thì phải cùng dân Bắc sẽ hay hơn. Mẹ nói vậy. Bố PTV đóng lính xa nhà biết tin về cô Chi, viết thư về bảo mình vào miền Nam sống rồi lấy dân Nam Kỳ là chuyện thường. Phu đồn điền cao su từ miền Bắc vào Nam thời trước cũng thế, rồi cũng yên ấm cả. Đừng cấm đoán, chỉ nên khuyên cô Chi phải cẩn thận, dò xét người đó cho kỹ.
http://i907.photobucket.com/albums/ac276/minhduynamphuong/hinhchange_zps30408c7a.png (http://s907.photobucket.com/user/minhduynamphuong/media/hinhchange_zps30408c7a.png.html)
Hình chụp PTV, đứng giữa anh trai và mẹ (mẹ tay bế em gái) của ngày xưa.
Ảnh do bố chụp ở Tân Hương-Kon Tum.
Chính vậy mà cô Chi ngần ngừ chưa dám để người đó tiến gấp, nói cần thời gian để suy nghĩ cho chín. Cô đưa người đó về nhà ra mắt mẹ PTV rồi mà vẫn dùng dằng mãi. Người đàn ông miền Nam đó tên là Bạch, hơn cô cả chục tuổi nhưng được cái cũng hiền lành, thành thật như cậu Luận. Cậu Bạch là lính đóng đồn trên vùng Thủ Đức, thân quen với gia đình mà cô Chi đến làm thuê nghề dệt. Tới lui với gia đình PTV vài lần, mẹ bảo cô Chi quyết định dứt khoát nhưng cô lại nói để xem đã. Cái để xem đã đó, cô muốn biết gia đình cậu Bạch như thế nào và dịp đó đến khi xin phép mẹ để đi theo cậu Bạch trong một chuyến thăm nhà. PTV không biết có sự sắp xếp giữa mẹ và cô Chi hay không mà lại được đi theo với cô và cậu Bạch. Sau này nghĩ lại đó là sự phòng xa, tránh những bất trắc có thể có với cô, một người con gái mới lớn phải đi xa cùng một đàn ông lạ nếu không có mặt PTV gần bên. Nhưng cũng có thể thực lòng cô Chi muốn có người thân trong nhà đi cùng cho vui, chỉ biết khi đó PTV rất thích.
Nhà hay quê của cậu Bạch ở tuốt tận cái vùng gọi là Thủ Dầu Một tức tỉnh Bình Dương bây giờ. Sống ở Sài Gòn, nơi đến xa nhất trước giờ với PTV mới chỉ là trại di cư Tân Phú Trung hoặc vùng Hốc Môn-Bà Điểm. Khi được gia đình cho đi xa như vậy nên háo hức lắm nhưng cũng sờ sợ khi nghe mẹ nói trước chuyến đi với cô Chi là chỗ cậu Bạch có Việt Cộng hoạt động, phải cẩn thận. Sợ rồi quên ngay vì tuổi còn bé cái sợ cái nhớ cái lo... có đến rồi cũng tan biến chóng vánh.
Ngày lên đường là buổi sáng Chủ Nhật của mùa hè trời nắng ráo. Cậu Bạch mặc quần áo dân sự còn cô Chi thì áo dài trắng, quần satanh đen, nón lá, chân guốc cao gót. Không hiểu tại sao ngày xưa phái nữ đi đâu bên ngoài hầu như họ chỉ mặc bộ quần áo dài kiều như vậy. PTV mặc bộ đồng phục học sinh áo trắng, quần dài xanh, dép da như ngày đi học. Bình Dương cách Sài Gòn khoảng năm sáu chục cây số mà phải đi nhiều chặng đường thì mới đến được nhà cậu Bạch vào lúc xế chiều. Ngồi xe lam, xe đò và cả xe ngựa lẫn đò chèo tay nữa rồi khi qua được bến đò còn phải đi bộ một quãng đường khá xa mới đến được nhà cậu Bạch nằm trong một khu vườn đầy những cây cao lớn xum xuê. Những cây ăn trái, những bụi tre bao chung quanh căn nhà vách gỗ mái ngói của gia đình cậu Bạch trông cũng không khác gì mấy với các căn nhà dân khá giả ở gần khu NTBH. Mẹ cậu Bạch là một bà cụ già miệng móm, ngồi nhai trầu trên tấm phản gỗ và dù cô Chi đã nói khi ở nhà là cậu Bạch con trai út trong gia đình nhưng khi đối diện, cô cũng không ngờ bà cụ già quá. Cái già lộ ra từ mái tóc bạc trắng, các nếp nhăn nằm đầy trên cánh tay, khuôn mặt cùng vẻ run rẩy trong khi bà nói chuyện với cô Chi. Có mấy đứa trẻ trai, gái trạc tuổi ra chào rồi sau đó đám này dẫn PTV ra các cây gần nhà hái ổi, hái khế ăn chung trước khi trời tối hẳn. Bữa ăn hôm đó gồm các món lạ, lần đầu PTV biết đến như cá rô chiên dòn dầm nước mắm gừng, canh khổ qua nhồi cá xay, thịt kho tàu, dưa mắm... nên ăn rất ngon.
Phạm Thắng Vũ
(còn tiếp)