PDA

View Full Version : Lễ Mother’s Day



khieman
05-11-2014, 02:00 PM
.



Lễ Mother’s Day




http://www.betterphoto.com/uploads/processed/1239/1209240636141dsc_1937copy_t.jpg (http://www.betterphoto.com/uploads/processed/1239/1209240636141dsc_1937copy_t.jpg)



Trong một dịp tham dự lễ mừng Mother’s Day tại nhà một người bạn, chúng tôi nghe thấy một bà khách thì thào với bà bên cạnh, giọng dè bỉu:

- Ui da, người Tây Phương cả năm mới có một ngày Mother’s Day để nghĩ đến mẹ, người Việt mình một năm 365 ngày đều là Mother’s Day, đều lo cho cha mẹ, đâu phải chỉ có mỗi ngày hôm nay mà phải bày vẽ, bắt chước họ, rõ thật là “phú quý sinh lễ nghĩa”!

“365 ngày đều là Mother’s Day, đều lo cho cha mẹ”, có thật là như vậy không ạ?

Xin thưa rằng chuyện đối xử với cha mẹ ngày nào cũng đẹp như Mother’s Day là chuyện xảy ra vào thời xa xưa, những người ngàn thu cũ đã làm như thế, chứ còn thời nay thì quả là rất hiếm hoi rồi. Hiếm hoi không hẳn là vì người thời nay không có hiếu bằng người thời xưa, nhưng là vì những điều kiện khách quan nó không còn cho phép chúng ta dành nhiều thời giờ cho cha mẹ nữa.

Có một vị thính giả gửi thư tới chúng tôi, tâm sự rằng gia đình ông có mẹ già, hai vợ chồng và 1 đứa con 3 tuổi. Mẹ ông hiện đang ở trong nursing home. Cụ thì vẫn còn tỉnh táo, vẫn còn đọc báo, nghe radio được. Nhưng một chân cụ bị liệt, phải đi xe lăn. Hai vợ chồng ông đều đi làm, cháu bé gửi nhà trẻ. Cụ thì không thể ở nhà một mình, cho nên ông phải gửi cụ vào nhà dưỡng lão để có người săn sóc, vài ngày một lần, tan sở làm ông ghé qua thăm mẹ.

Nhưng từ khi cụ vào nhà dưỡng lão thì tinh thần cụ sa sút hẳn đi. Nhân viên ở đó cho ông biết rằng cụ rất ít nói, thường nằm quay mặt vào tường. Ngày nào thăm mẹ, ông cũng đều buồn bã ra về, vì cụ cứ muốn gặp cháu bé và than rằng nhớ con nhớ cháu. Mà nơi gửi cháu bé thì lại không tiện đường và giờ giấc để ông đón cháu trước khi đi thăm mẹ. Ông hỏi chúng tôi có cách nào để trọn vẹn mọi bề thì cố vấn cho ông.

Hiện nay, những chuyện đại gia đình phải gửi cha mẹ già vào nursing home xảy ra rất nhiều. Cũng là vì hoàn cảnh của đời sống, thường là hai vợ chồng đều phải đi làm. Những nhà có cha mẹ già thì khi các cụ còn khỏe mạnh, lại được các cụ giúp đỡ trông nom cháu bé, hoặc đưa đón cháu đi học, các cháu bé vừa được hưởng tình thương yêu âu yếm của ông bà, mà ông bà cũng không cảm thấy lẻ loi, cô đơn và vô dụng lúc tuổi già.

Thế nhưng khi các cụ không còn khả năng tự lo cho mình, thì thật là đáng buồn cho cả các cụ và con cái. Đưa cha mẹ vào nursing home là chuyện chẳng đặng đừng, những người con có hiếu như ông thính giả kể trên, trong lòng đầy ắp nỗi áy náy, buồn bã và thương xót cha mẹ già, mà các cụ thì lại càng đáng buồn hơn khi tuổi đã cao, bỗng nhiên mất hẳn chỗ dựa tinh thần là con cái, mất niềm vui nghe cháu bé cười nói bi bô, một mình cô đơn ở nơi xa lạ.

Cho nên, khi cha mẹ còn sống, nếu có dịp nào làm gì cho cha mẹ, thì chúng ta cứ làm, ngày giỗ, ngày Tết, ngày sinh nhật, ngày Vu Lan mùa Báo Hiếu, hay bất cứ dịp nào, cứ nên gặp gỡ, vui vẻ với cha mẹ. Tuổi già sẽ ập đến với các người, ngày cha mẹ trở nên lẫn lộn, nhìn con mà hỏi “Ông, bà là ai?” rồi cũng đến thôi. Ngày đó dù có muốn đem bình hoa tặng, thì cha mẹ cũng chẳng còn nhận ra mình là ai nữa.

Nhân đây, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả bài pháp của thày tỳ kheo Thích Thiện Minh về lễ Vu Lan và lòng hiếu kính cha mẹ.

Thày dạy rằng:

…“…. Nói đến Vu Lan là phải nói đến mùa báo hiếu; mùa mà những người con nam nữ nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ và muốn làm việc gì đó để đền ơn đáp nghĩa. Bởi vì công ơn cha mẹ quả thật trên đời này không có gì thiêng liêng bằng. Công ơn ấy đã thấm trong ta từ thuở tượng hình, đến với ta qua hơi ấm, qua bàn tay trìu mến, qua dòng sữa bổ dưỡng và qua giọng hát ngọt ngào.

Cha mẹ là hình ảnh đầu tiên mà ta nhìn thấy khi ta mở mắt chào đời và cũng là người làm cho ta nhớ mãi nụ cười, ánh mắt và hương vị yêu thương của cha mẹ dành cho mình.

Hơn nữa, nói đến cha mẹ là phải nói đến sự hy sinh cho các con cả cuộc đời và cả tâm hồn lẫn thể xác. Chính vì tình thương và lòng hy sinh cao cả như thế, phận làm con chúng ta phải hiểu để đền ơn đáp nghĩa với đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người.

Về phương diện đền ơn cha mẹ, Đức Phật có dạy: “Dù là tại gia hay xuất gia, dù là Thanh Văn hay chư Phật đều có bổn phận đền ơn cha mẹ. Vì tâm hiếu là tâm Phật”.

Do đó, theo quan điểm của Phật giáo Nam tông, không hẳn chỉ là ngày Rằm tháng 7 âm lịch mới là ngày mà những người con phải làm cái gì đó cho cha mẹ đã quá văng, mà bất cứ lúc nào, giờ nào, ngày tháng năm nào đều cũng có thể làm cha mẹ vui lòng hoặc làm việc tích đức để hồi hướmg cho họ ở bên kia thế giới.

Đối với người tại gia cư sĩ, trong một đoạn kinh, Đức Phật dạy cách báo hiếu cha mẹ có những đoạn như sau:

– Phụng dưỡng cha mẹ : Tức phải hết lòng cung kính cha mẹ, không làm cho cha mẹ buồn khổ, không nói lời vô lễ mà thể hiện sự phụ dưỡng bằng tinh thần như thăm viếng cha mẹ trong những khi họ cô đơn, bệnh hoạn xế chiều; hoặc là sự cung phụng bằng vật chất như vật thực, thuốc thang, chỗ ở, y phục…

– Làm việc thay thế cho cha mẹ : Là chúng ta phải gánh vác tất cả những việc gì mà trước đây cha mẹ đã vì ta mà gánh chịu. Đây cũng là lẽ thưòng tình của đời sống xã hội, không riêng gì Phật giáo. Đã là người con trưởng thành thì cần phải làm thay thế cho cha mẹ, để cho cha mẹ có thời gian thụ hưởng những ngày nhàn rỗi cuối cuộc đời.

– Gìn giữ gia phong tốt đẹp : Là gìn giữ gia phong đạo đức tốt đẹp; lược bỏ đi những phong tục cổ hủ vô bổ cho gia tộc cũng như cho xã hội. Chẳng những thế, cần phải làm phát huy thêm những truyền thống tốt đẹp để làm vang xa tiếng tốt của gia tộc.

– Tạo phước hồi hướng khi cha mẹ đã quá vãng: Theo Phật giáo, khi cha mẹ còn hiện tiền thì người con phải làm sao cho cha mẹ luôn sống trong niềm an lạc hạnh phúc. Và khi cha mẹ đã quá vãng thì người con cần phải tạo thật nhiều công đức để hồi hướng phần công đức đó đến cha mẹ

Về phía người xuất gia, Đức Phật cũng cho phép nuôi dưỡng cha mẹ. Có một vị Tỳ Kheo chuyên đi khất thực nuôi cha mẹ; câu chuyện được bạch lên Đức Phật. Sau khi phán hỏi sự tình, Đức Phật chẳng những không quở trách mà còn hết lời tán thán hiếu hạnh của vị Tỷ Kheo. Ngài kết luận “Người nào muốn đạt đến cứu cánh Phật đạo, người ấy phải tuyệt đối hiếu kính cha mẹ”.

Trên đây là bài pháp của thày Tỳ Kheo Thích Thiện Minh. Chúng tôi cũng xin gửi tới quý thính giả thêm một hình ảnh nữa về bà mẹ, qua bức thư của đạo hữu Viên Diệu gửi tới, như sau:

… “….Tình cờ, trong lúc soạn tủ sách, Viên Diệu lượm được bài này. Viên Diệu xin gửi tới quý vị, để cùng ngậm ngùi với tác giả.

Bài này phần trên là Anh ngữ, phần dưới là Việt ngữ. Viên Diệu không được biết rằng phải chăng tác giả là người Việt Nam viết luôn hai thứ tiếng, hay là nguyên bản tiếng Anh do người ngoại quốc viết và có người Việt Nam nào đó đã dịch ra Việt ngữ. Sau đây là phần tiếng Việt:

Khi Mẹ Đi Rồi, Đời Có Nghĩa Gì Đâu !

- Khi con mở mắt chào đời, Mẹ ôm con trong cánh tay .
- Con cảm ơn Mẹ bằng tiếng khóc lèo nhèo không dứt.

- Khi con 1 tuổi, Mẹ cho con ăn uống, tắm rửa cho con.
- Con cảm ơn Mẹ bằng những đêm dài khóc lóc triền miên

- Khi con 2 tuổi, Mẹ tập cho con những bước đầu đời .
- Con cảm ơn Mẹ bằng ngoảnh mặt chạy đi khi Mẹ gọi .

- Khi con 3 tuổi, Mẹ nấu nướng thức ăn cho con với cả tấm lòng.
- Con cảm ơn Mẹ bằng xô cả cái mâm xuống sàn nhà

- Khi con 4 tuổi, Mẹ cho con vài cây bút mầu .
- Con cảm ơn Mẹ bằng vẽ đầy lên mặt cái bàn đẹp

- Khi con 5 tuổi, Mẹ mặc cho con quần áo đẹp để con dự những ngày lễ hội .
- Con cảm ơn Mẹ bằng vẩy ngay bùn đất lên áo .

- Khi con 6 tuổi, mẹ đưa con đến trường.
- Con cảm ơn Mẹ bằng kêu khóc “Con không muốn đâu”

- Khi con 7 tuổi, Mẹ mua cho con quả banh.
- Con cảm ơn Mẹ bằng cách ném nó vào cửa sổ nhà hàng xóm

- Khi con 8 tuổi, Mẹ mua cho con cây cà-rem.
- Con cảm ơn Mẹ bằng cách trây đầy vạt áo .

- Khi con 9 tuổi, Mẹ trả tiền cho con học đàn dương cầm.
- Con cảm ơn Mẹ bằng cách chẳng thèm tập dượt.

- Khi con 10 tuổi, Mẹ lái xe suốt ngày đưa đón con từ sân banh đến phòng tập thể dục, từ cuộc họp bạn này đến cuộc họp bạn sinh nhật khác.
- Con cảm ơn Mẹ bằng cách nhẩy ào ra khỏi xe mà không ngoảnh mặt nhìn lại .

- Khi con 11 tuổi, Mẹ chở con và các bạn đi xem xi-nê .
- Con cảm ơn Mẹ bằng cách yêu cầu Mẹ ngồi ở băng ghế khác.

- Khi con 12 tuổi, Mẹ không muốn con coi một vài chương trình nơi truyền hình.
- Con cảm ơn Mẹ bằng cách chờ cho Mẹ rời khỏi nhà.

- Khi con 13 tuổi, Mẹ muốn con cắt tóc vừa với dáng dấp của con.
- Con cảm ơn Mẹ bằng câu: ” Mẹ quê quá!”

- Khi con 14 tuổi, Mẹ trả tiền cả một tháng trại hè cho con.
- Con cảm ơn Mẹ bằng cách không viết cho Mẹ được một lá thư .

- Khi con 15 tuổi, lúc Mẹ đi làm về, muốn ôm con vào lòng.
- Con cảm ơn Mẹ bằng cánh cửa phòng đóng lại .

- Khi con 16 tuổi, Mẹ dậy cho con lái xe .
- Con cảm ơn Mẹ bằng cách tận dụng mọi cơ hội để lái xe đi biệt.

- Khi con 17 tuổi, Mẹ đang chờ một điện thoại quan trọng.
- Con cảm ơn Mẹ bằng cách ôm điện thoại suốt đêm dài .

- Khi con 18 tuổi, Mẹ xúc động thấy con xong được Trung Học.
- Con cảm ơn Mẹ bằng cách theo bạn bè vui chơi cho đến hừng sáng.

- Khi con 19 tuổi, Mẹ trả tiền chi phí Đại Học, chở con đến trường, giúp con với những túi vật dụng.
- Con cảm ơn Mẹ bằng cách chào từ giã Mẹ phía ngoài cửa phòng vì con không muốn bối rối trước mặt bạn bè.

- Khi con 20 tuổi, Mẹ muốn biết con đã có bạn trai chưa .
- Con cảm ơn Mẹ bằng câu :” Không phải việc của Mẹ”

- Khi con 21 tuổi, Mẹ đưa ý kiến về việc tương lai của con.
- Con cảm ơn Mẹ bằng câu :” Con không muốn sẽ giống y như Mẹ”.

- Khi con 22 tuổi, Mẹ muốn ôm con trong ngày lễ ra trường của con.
- Con cảm ơn Mẹ bằng câu hỏi: ” Mẹ có cho tiền để con đi du lịch Âu Châu không?

- Khi con 23 tuổi, Mẹ cho con bàn ghế khi con dọn vào căn gia cư đầu tiên.
- Con cảm ơn mẹ bằng câu :” Chúng xấu xí quá!”

- Khi con 24 tuổi, gặp người yêu của con, Mẹ hỏi :” Cậu có ý nghĩ gì về tương lai?”
- Con cảm ơn Mẹ bằng sự giận dữ, gầm gừ :” Thôi đi Mẹ!”

- Khi con 25 tuổi, Mẹ đã giúp cho chi phí về đám cưới của con, vừa rơi lệ, vừa nói: ” Mẹ rất thương con”.
- Con cảm ơn Mẹ bằng cách dọn đi xa nửa vòng đất nước.

- Khi con 30 tuổi, Mẹ gọi điện thoại với một vài lời khuyên về cách nuôi cháu
- Con cảm ơn Mẹ bằng câu: “Thời buổi bây giờ đã khác rồi”.

- Khi con 40 tuổi, Mẹ nhắc nhớ con về ngày sinh nhật của các thân nhân.
- Con cảm ơn Mẹ bằng câu trả lời :” Con rất là bận”

- Khi con 50 tuổi, Mẹ trở bệnh, già, yếu, cần sự giúp đỡ của con.
- Con cảm ơn Mẹ bằng kể lể về gánh nặng cha mẹ già đối với con cái …

Và rồi một ngày kia, Mẹ lặng lẽ qua đời .

Tất cả những điều con chưa hề làm cho Mẹ xẹt qua tâm trí con như tiếng sấm rền.

Hãy ru con … Hãy ru con suốt đêm dài …

Bàn tay Mẹ ru thủa con còn nằm trong nôi có thể ru cả thế giới này …

… Mẹ ơi ......!
***



Nhân ngày lễ Mother's Day, xin kính mời quý bằng hữu thưởng thức tác phẩm Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân, do nữ ca sĩ Khánh Hà trình bày.





http://www.youtube.com/watch?v=AnPjiMG9ZZY



Kính chúc quý vị một ngày Mừng Lễ Mẹ rất đầm ấm, tràn ngập hạnh phúc.
http://phuongkhanhdo.wordpress.com/

khieman
05-11-2014, 10:54 PM
.




Mẹ tôi (Nhị Hà) - Như Quỳnh




http://www.youtube.com/watch?v=_w6Y7QZ1aYY



.