PDA

View Full Version : Cư dân mạng "dậy sóng" với tâm thư của người Nhật gửi Việt Nam



giavui
04-21-2014, 03:38 AM
Cư dân mạng "dậy sóng" với tâm thư của người Nhật gửi Việt Nam




http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1398051459_nhat_zps5e7bdc13.jpg

Một bạn trẻ người Nhật từng du học ở Việt Nam vừa có bài viết gửi giới trẻ Việt Nam khiến dư luận xôn xao.

"Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan

Tôi đang là một du học sinh Nhật, có hơn 4 năm sinh sống tại Việt Nam. Với ngần ấy thời gian, tôi đã kịp hiểu một đạo lý giản đơn của người Việt: “Sự thật mất lòng”. Song không vì thế mà tôi sẽ ngoảnh ngơ trước những điều chưa hay, chưa đẹp ở đây. Hy vọng những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ gục - ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một.

Tôi có một nước Nhật để tự hào

Tôi tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng biển bạc. Song, “trong đêm tối nhất, người ta mới thấy được, đâu là ngôi sao sáng nhất". Thế đấy, với một xứ sở thua thiệt về mọi mặt, nghèo tài nguyên, hàng năm gánh chịu sự đe dọa của hàng trăm trận động đất lớn nhỏ lại oằn mình gánh chịu vết thương chiến tranh nặng nề, vươn lên là cách duy nhất để nhân dân Nhật tồn tại và cho cả thế giới biết “có một nước Nhật như thế”.

Tôi tự hào vì đất nước tôi không có bề dày văn hiến lâu đời nên chúng tôi sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận tinh hoa mà các dân tộc khác “chia sẻ”. Từ trong trứng nước, mỗi đứa trẻ đã được học cách cúi chào trước người khác. Cái cúi chào ấy là đại diện cho hệ tư tưởng của cả một dân tộc biết trọng thị, khiêm nhường nhưng tự trọng cao ngời.

Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất sóng thần kép diễn ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ. Chỉ chưa đầy một năm sau khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như chưa từng có biến cố nào đã xảy ra. Thế đấy, không có những thành tích to lớn để nói về nước Nhật nhưng thương hiệu “made in Japan”, là thương hiệu uy tín vượt trên mọi khuôn khổ, tiêu chuẩn khắt khe, được toàn cầu tôn trọng nhất mà tôi từng biết.

Bạn cũng có một nước Việt để tự hào

Nói Việt Nam là một “nhà giàu”, quả là không ngoa. Giàu tài nguyên, giàu truyền thống, giàu văn hóa… Nhưng con cháu của nhà giàu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải của nhà giàu. Và không phải ai cũng biết cách sống có trách nhiệm trong sự giàu có ấy.

Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?

Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày.

Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy Bird đã không phải chết yểu đau đớn; người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mun, lọc lừa.

Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi?

Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?

Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt – khó lắm! Thật vậy sao?"

giavui
04-21-2014, 03:44 AM
Tôi đọc xong bức thư và chẳng thấy có vấn đề gì đáng phải xôn xao, vì đó là vấn đề vẫn được người Việt Nam nói tới hằng ngày. Có chăng là các bạn trẻ Việt Nam tung hô thái quá, trong khi rất ít bạn có những bình luận để bảo vệ mình và bảo vệ sự thật. Tôi thấy bạn trẻ người Nhật này có phản hồi không tích cực sau bốn năm học ở Việt Nam, nên có mấy lời gửi bạn ấy như sau:

- Bạn viết: “Những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ gục - ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một”. Đó chính là những lời ảo tưởng nhất. Vì sao? Xin đọc đoạn tiếp theo.

- Bạn viết: “Tôi tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng, biển bạc… Tôi tự hào vì đất nước tôi không có bề dày văn hiến lâu đời… Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai”. Dân Việt Nam tôi có câu, con cái không ai có quyền chọn bố mẹ sinh ra mình. Bố mẹ nghèo, bố mẹ giàu đều là bố mẹ mà ta vô cùng yêu thương và tự hào. Bạn không thể tự hào vô lối khi bố mẹ bạn nghèo, còn người khác có bố mẹ giàu thì không được tự hào như bạn. Bên Việt Nam cái đó gọi là AQ! Bạn không nên và đừng bao giờ lấy hiện tượng để nói về bản chất, rằng chúng tôi sống không có trách nhiệm với sự giàu có về tài nguyên của đất nước mình. Không có trách nhiệm, đâu có được Việt Nam như hôm nay!


http://i5.photobucket.com/albums/y198/GioBui/tttraloi_zpsb3c76ec1.jpg (http://i5.photobucket.com/albums/y198/GioBui/tttraloi_zpsb3c76ec1.jpg)
Người Nhật hay người Việt đều có niềm tự hào riêng.

- Nói về động đất, sóng thần bạn viết: “Chỉ chưa đầy một năm sau khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như chưa từng có biến cố nào đã xảy ra. Thế đấy, không có những thành tích to lớn để nói về nước Nhật nhưng thương hiệu “made in Japan” là thương hiệu uy tín vượt trên mọi khuôn khổ, tiêu chuẩn khắt khe, được toàn cầu tôn trọng nhất mà tôi từng biết”.Đoạn đầu không sai, chúng tôi cũng rất khâm phục các bạn ở điểm này, nhưng đoạn sau thì rất thông cảm vì bạn còn trẻ và chưa đọc lịch sử Việt Nam. Nếu đọc hoặc có biết nhạc Trịnh Công Sơn, bạn sẽ biết Việt Nam bị “một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây…”. Và Việt Nam chúng tôi đã quét sạch bọn chúng, đó là thương hiệu "made in Vietnam" được toàn cầu công nhận mà bạn không biết hoặc cố tình không biết nên chỉ biết ca ngợi mình bằng cách nói “từng biết”.

- Bạn viết: “Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4.000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4.000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày”. Đó là những lời miệt thị vô lối nhất mà tôi từng nghe. Bạn dẫn ra chuyện hôi bia, chuyện giữ sạch ngôi nhà còn ngoài ra thì không quan tâm… đó là những chuyện cá biệt chứ không phải là bản chất của người Việt Nam. Tôi thừa nhận về chuyện phân loại rác, chuyện vệ sinh môi trường chưa được như nước bạn, chứ nói không quan tâm thì có lẽ trong bốn năm học ở Việt Nam, bạn đã ngập đầu trong rác!

- Bạn viết: “Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong một năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư…”. Bạn nên biết, nước Nhật có tỷ lệ ung thư còn cao hơn cả Việt Nam. Điều bi kịch nhất là nó do các bạn tạo ta. Đó là hậu quả của những nhà máy điện hạt nhân không an toàn. Lời cảnh báo của bạn không sai nhưng cách nói thì sai. Đất nước nào cũng có một thời kỳ quá độ của nó. Cũng như nước bạn hiện đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng là dân số ngày càng già cỗi. Bạn cũng có một thời kỳ quá độ để khắc phục vì điều này chẳng hay ho gì.

- Bạn viết: “Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi? Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình”. Bạn từng sống và học tập ở Việt Nam bốn năm nhưng bạn có mắt như mù. Bạn không nhìn thấy để tri ân những người thầy đã truyền thụ kiến thức cho bạn. Bạn không nhìn thấy thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang làm những gì. Bạn không có thông tin. Chắc cũng không biết chuyện sau động đất, sóng thần, người Việt Nam đã dành cho đất nước bạn những tình cảm thế nào?

Đất nước chúng tôi còn nhiều vấn đề cần giải quyết mà tôi gọi là "thời kỳ quá độ". Cũng như nước Nhật của bạn, cũng khối vấn đề… Cũng như Mỹ, họ cũng đối mặt với những vấn đề của họ và tôi sợ nhất là xả súng, giết người hàng loạt trong trường học. Điều ở Việt Nam không hề có.

Cuối cùng, tôi xin nói với bạn thế này: Xét về kiến thức, bạn đã không thành công sau bốn năm du học ở Việt Nam vì bạn chẳng tiếp thu được gì trong nét tinh hoa của người Việt. Xét về nhân cách, bạn là một người tự cho mình cao hơn người khác và có một cái nhìn không thiện chí. Nói như người Việt Nam, bạn hơi bị tự sướng!

Tôi đi học, thầy dạy, trong mọi vấn đề nên phản hồi tích cực. Bạn đang phản hồi tiêu cực. Bạn chê Việt Nam nhưng tôi thấy bạn khá giống một số người Việt Nam luôn chê bai nhưng chưa bao giờ tự hỏi mình đã làm được gì, chưa bao giờ hành động. Tôi quen nhiều người Nhật, họ không nói như bạn mà sang Việt Nam tình nguyện, tức là làm. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản thành công ở Việt Nam là nhờ họ thấu hiểu văn hóa Việt Nam.

Tôi nghĩ, bức thư này do một người Việt mạo danh người Nhật viết ra. Nếu thế thì may cho người Nhật vì không làm mất đi hình ảnh trong tôi như bạn đã làm.

Theo Nguyễn Vũ | Thanh Niên
Là một người Việt Nam, tôi cảm ơn bạn (tác giả bức “tâm thư” gây bão Facebook) về những chia sẻ chân thành và thẳng thắn. Nó như một liều thuốc đắng nhưng sẽ làm cho một bộ phận không nhỏ người Việt chúng tôi ngộ ra rằng, chúng tôi có nhiều tiềm năng và nhiều điều đáng tự hào.

Ngày xưa chúng tôi có “rừng vàng, biển bạc” nhưng nay "vàng" hết, "bạc" cũng dần cạn và chúng tôi cũng không thể trông chờ vào tự nhiên để tồn tại như trước nữa. Biết vậy nên không ít người Việt đã tự thân vươn lên bằng trí tuệ, chất xám. Vì thế mới xuất hiện những nhân vật như: Ngô Bảo Châu, Lê Quang Liêm, Nguyễn Hà Đông, Phạm Nhật Vượng, Đặng Lê Nguyên Vũ...

http://i5.photobucket.com/albums/y198/GioBui/TT_zps784f8b8b.jpg (http://i5.photobucket.com/albums/y198/GioBui/TT_zps784f8b8b.jpg)
Tâm thư của người Nhật gửi các bạn trẻ Việt Nam.

Nước Nhật tự hào về văn hóa thì nước Việt tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Một dân tộc anh hùng tạo nên những con người vang danh khắp năm châu. Cả thế giới nghiêng mình trước đất nước bị áp bức đã giành được độc lập tự do vì có một Hồ Chí Minh vĩ đại, một Võ Đại tướng huyền thoại cùng cả một thế hệ cha anh đi vào sử sách của nhân loại.

Những người Việt trẻ bây giờ không thể chỉ “trơ mặt” ăn bám vào hào quang quá khứ của cha ông.

Chúng tôi không đúng như những gì bạn nói: "Không có văn hóa xếp hàng" hay vô tổ chức, vô kỷ luật; đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia; manh mún và tham lam, chỉ biết vun vén cho bản thân; chuộng hình thức hơn thực chất; nói một đằng làm một nẻo… đó là loại tính cách và văn hoá của một bộ phận nhỏ hiện nay, nhưng không phải tất cả người Việt đều như vậy.

Tôi thấy, ở Việt Nam, vẫn có những người kiên trì xếp hàng để lên xe buýt, hàng ngàn em nhỏ nhắc nhở cha mẹ dừng đèn đỏ, hàng ngàn học sinh xếp hàng ngay ngắn khi đi tham quan du lịch.

Có thể ví ông, bà, cha, mẹ, người lớn tượng trưng cho cái gốc mà cái gốc không tự ý thức xây dựng vun đắp lại tự đầu độc và phá hủy đi những mầm non tương lai bằng những hành động manh mún tư lợi cá nhân thì cái ngọn cũng dần mục ruỗng.

Để bắt một đứa trẻ vâng lời không khó nhưng để dạy nó văn hóa, truyền thống tốt đẹp thì người lớn phải có văn hóa và hiểu truyền thống mới dạy được. Dạy trẻ không chỉ bằng sách vở và lời nói mà trên hết là hành động.

Theo đó, tôi nghĩ không cần dạy con cách xếp hàng, chỉ cần hàng ngày người lớn xếp hàng khi đi xe buýt, đến quầy thu ngân siêu thị giờ cao điểm, xếp hàng khi đến điểm du lịch… để làm gương cho bọn trẻ, chúng sẽ làm theo.

Không cần dạy trẻ cách ứng xử có văn hóa nơi cộng cộng khi người lớn biết bỏ rác đúng nơi quy định, đừng ngại gói vỏ kẹo cao su vào tờ giấy nhỏ và cho vào túi đợi đến thùng rác mới bỏ vào; đừng ngại nhặt một tờ giấy, cọng rác nơi thang máy hành lang, đừng ngại nói một lời xin lỗi, cảm ơn khi có lỗi hoặc được giúp đỡ dù chỉ là việc nhỏ nhất khi tính tiền hoặc nhận một đồ vật từ cô nhân viên phục vụ.

Không cần phải dạy trẻ phải biết “kính trên nhường dưới" khi người lớn biết nghe lời cha mẹ, biết tôn trọng và không cãi vã nhau. Không cần phải dạy đứa trẻ giữ lời hứa nếu người lớn luôn biết giữ lời hứa, dù là chuyện nhỏ nhất.


http://i5.photobucket.com/albums/y198/GioBui/NMH_zps29a0c7fd.jpg (http://i5.photobucket.com/albums/y198/GioBui/NMH_zps29a0c7fd.jpg)
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư giáo dụcThink Big Group.

Tôi có đứa con nhỏ mới 2 tuổi, có một lần, tôi hứa cuối tuần tôi cho cháu đi chơi nhưng do bận rộn công việc nên tôi quên mất vì trong suy nghĩ của tôi, giá trị của việc giữ lời hứa nhỏ hơn giá trị của công việc trước mắt. Tối hôm đó khi tôi về tới nhà, con tôi không còn hồ hởi ra đón như tôi như mọi khi, nó không còn hào hứng đùa nghịch với tôi như bao ngày khác. Khi đó tôi nhận ra rằng, tôi đã dạy con mình một bài học xấu, bài học về sự thất hứa. Tôi đã chọn một lợi ích tưởng rằng lớn hơn mà không hiểu rằng lợi ích lớn nhất của lời hứa là tính cách của cả một con người.

Câu chuyện về những doanh nhân Do Thái khi nhận được một kiện hàng mà bên gửi cố ý gửi nhiều hơn như một lời tri ân vì bên gửi nghĩ rằng sẽ làm vui lòng đối tác. Nhưng thật bất ngờ là bên nhận đã kiên quyết không nhận hàng chỉ đơn giản vì không có trong thỏa thuận đã ký từ trước đó. Kiện hàng được gửi lại và bên gửi đã phải đền hợp đồng và gửi đúng số lượng như ban đầu. Nhiều người sẽ cho rằng đó là sự cứng nhắc tuy nhiên, thực tế là bởi người Do Thái luôn tôn trọng lời hứa giống như người Nhật luôn xếp hàng dù trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

Từ đó, người Việt cũng hiểu rằng không thay đổi thì sẽ tự tụt lại phía sau so với các dân tộc khác trên thế giới.

Chúng tôi biết hội nhập là không hòa tan nhưng nếu không mở mắt học hỏi những cái hay của các dân tộc khác mà cứ manh mún cục bộ thì sẽ bị lùi bước trong thê thảm.

Chúng tôi tự hào vì truyền thống lịch sử, những nhân vật xuất chúng nhưng người Việt sẽ không ngủ quên bằng hào quang chói lọi của lịch sử, không ăn bám vào những kỳ tích của cha ông. Tôi tin rằng, khi người lớn thay đổi thì những đứa trẻ cũng sẽ thay đổi và mỗi người dân sẽ tiếp tục được tự hào vì là người Việt Nam.

Theo Đời sống & Pháp luật