PDA

View Full Version : Thực tại của David Bohm và Chân Như Quan Phật Học



khieman
02-23-2014, 07:44 AM
.


Thực tại của David Bohm và Chân Như Quan Phật Học

Đặng Công Hanh

Bối cảnh lịch sử

Năm 1714, nhà Toán học G.Q.Von Leibniz, người khai sinh bộ môn toán vi tích phân và đồng thời là nhà triết học tên tuổi lúc bấy giờ, đã phát biểu rằng “có một thực tại siêu hình cội nguồn của thế giới vật chất“. Hơn hai trăm năm sau, những thành tựu của vật lý học và vũ trụ học hiện đại đã khám phá ra những huyền bí của vật chất và năng lượng, của không gian và thời gian của tâm thức và thế giới…

Mô hình lý thuyết cơ giới qui giản trong thế kỷ 18 đã đứng bên lề, nhường lối cho những mô hình mới vi tế hơn, khó tiếp cận hơn đối với kinh nghiệm của con người.

Vào thời điểm đầu thập niên thế kỷ hai mươi, nhân loại chứng kiến sự thành tựu của hai lý thuyết: lý thuyết tương đối ở thang vĩ mô và lý thuyết lượng tử ở cấp độ vi mô.

Hai lý thuyết này có những điểm trái ngược nhau, có thể đối chiếu sơ bộ: Lý thuyết tương đối đòi hỏi tính liên tục, tính nhân quả chặt chẽ và tính định vị. Trong khi đó, thuyết lượng tử có bản chất gián đoạn, phi nhân quả và bất định vị. Do đó hai lý thuyết này chưa bao giờ thống nhất một cách nhất quán, hay là sự thống nhất khó có khả năng thực tế.

Những bộ óc kỳ tài nhất của các thế hệ các nhà vật lý đã miệt mài chiến đấu với bài toán thống nhất và kết quả là thỉnh thoảng lại thấy một đột phá sắp xảy ra nhưng rồi sự chờ đợi hy vọng lại phai mờ và thế là chương trình nghiên cứu lại trở thành ký ức. Phải kể đến nhà vật lý người Nhật Yoichiro Nambu đã đề xuất lý thuyết dây (tiền thân của lý thuyết siêu dây). Theo đó, thực thể cơ bản không phải là hạt mà là dây, đối tượng một chiều, kín hoặc hở có kích thước vô cùng nhỏ cỡ 10-33cm và khi dao động thì các hạt được tạo ra.

Sau đó người ta đưa thêm vào lý thuyết này tính siêu đối xứng nên gọi là lý thuyết siêu dây và tìm được 5 loại lý thuyết dây khác nhau chủ yếu do nhóm đối xứng toán học. Sự liên kết về mặt toán học này, số chiều không – thời gian trong lý thuyết phải lên đến 10, ngoài 4 chiều không – thời gian thì 6 chiều dư còn lại đã cuộn lại.

Năm 1995, Edward Witten đã chỉ ra 5 loại lý thuyết dây chỉ là 5 biểu diễn của lý thuyết M trong 11 chiều, công trình đưa ông nhận giải Fields.

Tuy vậy, cho đến thời điểm này, lý thuyết dây chưa đưa ra được bất kỳ một tiên đoán nào có thể kiểm tra bằng thực nghiệm, thậm chí trong một tương lai gần, vì nó đòi hỏi năng lượng gần với mức năng lượng xảy ra trong quá trình sáng tạo vũ trụ để kiểm chứng được dự đoán của nó.

Sự thất bại kéo dài dai dẳng hơn nữa thế kỷ trong việc thống nhất trong ngành vật lý, phải chăng có nguồn gốc sâu xa để lộ ra những giới hạn của phương pháp tư duy khoa học ít nhất cho đến hiện nay. Theo David Bohm các nhà vật lý phải nghĩ đến việc thay đổi cách suy tư về thế giới vật lý và như ông đã mô tả đó là “một trật tự mới“.

Trật tự mới theo giáo sư Bohm có ý nghĩa rộng hơn nghĩa thông thường, ông đưa ra một phương pháp chung để nhận thức: cái trật tự này là “tập trung chú ý vào cái giống nhau trong những khác nhau và cái khác nhau trong những cái giống nhau”. Trật tự của ông bao hàm tính vận động.

Trật tự mới theo kiến thiết của Bohm đã phủ lớp bụi lên con đường hoàng gia đầy vẻ đẹp kỳ ảo của lý thuyết dây, một thời đã quấn quít những bước chân phiêu bồng các nhà vật lý, thậm chí còn che khuất tầm nhìn nhiều ý tưởng mới lạ ngoài lý thuyết dây.

¨ Suy tưởng của David Bohm

Ông là giáo sư vật lý lý thuyết Đại học Luân Đôn sau đó là Đại học Princeton. Tại nơi đây ông cùng làm việc với Einstein và tham gia dự án Manhatton. Vì thiên hướng nghiên cứu của mình nên ông kết thân, đàm đạo với nhà triết học Ấn Độ J. Krishnamurti và Đức Đạt-lai-Lạt-Ma.

Quan điểm của giáo sư David Bohm là phải cần thiết xây dựng một “lý thuyết mới về chất và là nơi tốt nhất để xuất phát những điểm mà chúng giống nhau về cơ bản: Ông gọi đó là cái “toàn thể không phân chia” (unbroken wholenenss). Nói cách khác thay vì đi từ những bộ phận riêng rẽ rồi đi tìm sự liên hệ tương quan giữa chúng, vật lý phải xuất phát từ cái “toàn thể không phân chia” . Từ đó cả hai lý thuyết Lượng tử và Tương đối cần phải biểu lộ rõ một cách tự nhiên như những trường hợp riêng rẽ.

Như vậy mỗi lý thuyết đi đến cái toàn thể bằng con đường khác nhau, nhưng đây là điểm mà cả hai lý thuyết cùng nhắm tới.
Theo David Bohm, cái ‘toàn thể không phân chia“ trước hết không chỉ hàm ý trong nội dung của vật lý mà còn cả trong cách làm việc của vật lý tức là những phương thức và dụng cụ quan sát có quan hệ với nhau theo một cách nào đó.
Thế giới mà chúng ta đang sống hằng ngày có không gian, thời gian, có vật chất và qui luật nhân quả. Mỗi vật thể chiếm một vị trí tách bạch, chúng tương tác thông qua trường lực hoặc chuyển động va chạm nhau… Bohm gọi đó là “trật tự hiện” (explicate order). Trật tự loại nầy được mô tả qua ngôn ngữ toạ độ.

Ngược lại thế giới lượng tử lại khác hẳn, Bohm gọi là “trật tự ẩn” (implicate order) bởi tính toàn khối và ôm bọc lẫn nhau A vừa chứa B vừa đồng thời nằm trong B. Điều này nghe ra nghịch lý đối với “trật tự hiện” nhưng lại hoàn toàn tự nhiên đối với “trật tự ẩn“.

Con chim nhạn qua trong một dòng sông, in bóng lên con nước lạnh và dòng sông lại hiện bóng hoàn toàn trong đôi mắt của chim. Không gian buổi chiều ôm trọn người đưa tiễn, nhưng đôi mắt sầu muộn người tiễn biệt lại gói trọn cảnh hoàng hôn mênh mông của tà dương.

“Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong"
"Thâm Tâm)

Không gian tuy mênh mông nhưng một địa phương cũng có thể ôm bọc cả bốn phương. Tuy trời đất bao la rộng lớn như thế nhưng nhìn vào hạt bụi ta thấy cả đất trời trong đó. Ta có thể đem mặt trời, mặt trăng đặt trong một hạt cỏ, đem cả thiên thu chứa đựng vào một giây phút.

“Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương
(Vũ Hoàng Chương)

hay là

“Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”
(Thiền sư Việt Nam)

Toàn bộ vận động của trật tự hiện và trật tự ẩn có thể khó lãnh hội đối với chúng ta, David Bohm gọi toàn bộ đó là sự “toàn lưu” hay “vận động toàn thể” (halomouvement). Theo ông cái đang là chính là cái toàn lưu và mọi sự vật được hiểu là hiện thể dẫn xuất từ toàn lưu mà có.

Đối với Bohm, cái toàn thể là một sự vận động không ngừng. Bên trong nó có thể khám phá được vô hạn các quá trình của sự biểu lộ (trật tự hiện) và rồi lại biến mất để các trật tự ẩn lại biểu lộ những khía cạnh của nó thành trật tự hiện. Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta cảm giác tiếp cận cái bề mặt của sự vật, sự ổn định của trật tự hiện, thay vì nhận thức được sự vận động thường xuyên tiềm ẩn bên dưới của nó. Đó là một điều thú vị khi nhận ra sự hiện hữu của vô thường và rằng thế giới liên tục dao động giữa sự tồn tại và phi tồn tại.

Khái niệm trật tự ẩn giải thích được nguyên lý bổ sung của N-Bohr về lưỡng tính sóng- hạt của ánh sáng. Theo đó, có một số khía cạnh của trật tự ẩn hé lộ tại thời điểm ta có trật tự hiện (tức là hạt) thì một sự khía cạnh khác lại mất dạng vào trong trật ẩn (tức dạng sóng). Do đó trật tự ẩn không thể giải thích đầy đủ được sự vận động toàn thể và vượt quá phạm vi thế giới vật lý lượng tử.

Ngoài cách mô tả qua ngôn ngữ toán học trong việc xây dựng mô hình, ông còn tìm kiếm một số hình ảnh đơn giản nhằm làm sáng tỏ bản chất của trật tự ẩn

Hình ảnh 1: Xét một hệ thống 2 xy lanh đồng trục để thẳng đứng: xy-lanh nhỏ bên trong quay được bởi một trục quay, xy-lanh ngoài to hơn cố định chứa đầy 1 dung dịch glycêrin. Nhỏ 1 giọt mực đen vào dung dịch và quay trục chậm rãi. Giọt mực bắt đầu chuyển động quấn quanh xy-lanh theo vật đen mỏng dần đến mức mất dần. Ban đầu nó là 1 điểm trong không gian của trật tự hiện sau đó biến thành trật tự ẩn. Bây giờ nếu quay chiều ngược lại chậm chậm, giọt mực sẽ tái hiện lại trở thành trật tự hiện sinh từ hư không. Nếu ta tiếp tục nhỏ giọt mực thứ 2 và quay xy-lanh, thì giọt mực này sẽ quấn vào giọt mực thứ 1. Quá trình này có thể tiếp tục nếu quay với tốc độ hợp lý và khi quay ngược lại thì các giọt mực liên tiếp biểu lộ nối tiếp nhau.

Hình ảnh 2: Đây là phép chụp ảnh 3 chiều, sáng kiến nhà vật lý Dennio Gabor nhận giải Nobel Vật lý năm 1971: ánh sáng là chùm tia laser chiếu đến 1 tấm gương mạ bạc một nửa phân để chùm tia chia làm 2 phần

- Phần 1 đập lên (phần mạ bạc) phản xạ chiếu sáng lên 1 vật thể, và phản chiếu lại tấm phim ghi ảnh.
- Phần 2: Xuyên qua gương phần không mạ đến thẳng tấm phim ghi ảnh.

Hai dòng ánh sáng của phần 1 và phần 2 giao thoa tại trên phim ảnh tạo nên ảnh 3 chiều của vật thể, ảnh 3 chiều này thể hiện như vật thật được nhìn qua khung cửa nên gọi ảnh toàn ký (halogram). Muốn nhìn ảnh 3 chiều phải nhìn qua ánh sáng laser. Khi cắt 1 mảnh nhỏ nào đó của phim bất kỳ, quan sát qua ánh sáng laser ta vẫn thấy toàn cảnh của vật thể. Như vậy, toàn cảnh vật thể đã ôm bọc trong mỗi một vùng nhỏ của ảnh toàn ký hay mỗi một vùng nhỏ đều chứa toàn bộ thông tin của đối tượng.

Có thể nói rằng, cả hình thức và cấu trúc toàn bộ đối tượng được “cuộn vào” mỗi miền nhỏ trong phim ảnh, và khi ta chiếu ánh sáng laser vào bất kỳ một miền nhỏ thì toàn hình thức và cấu trúc đối tượng lại “giở ra“.

¨ Đề xuất của Bohm

Theo Bohm, “cái toàn thể không chia” “mang” trật tự ẩn là “vận động toàn thể“. Trong ý nghĩa tính tổng thể, vận động toàn thể không bị giới hạn bằng bất cứ cách nào có thể xác định rõ, và như thế “vận động toàn thể là không xác định được và không đo lường được” nói theo ngôn ngữ Phật học là “bất khả tư nghị, bất khả thuyết“.

Bohm đề xuất: việc cần khởi đầu bằng trật tự ẩn xem như là một nền tảng theo nghĩa “những gì quan trọng nhất là tồn tại độc lập, phổ quát đều phải hiển thị bằng trật tự ẩn“. Còn trật tự hiện sẽ là cái gì đó trừu xuất từ trật tự ẩn theo những điều kiện thích hợp nhất định. Trật tự hiện được mô tả là những cái gì rắn, có thể sờ mó bằng tay và ổn định một cách rõ ràng hoặc quan sát được qua dụng cụ.

Trật tự ẩn có nền tảng trong vận động toàn thể, mà sự thể như một dòng chảy mênh mông, bất tận, lúc cuộn vào, giở ra với một quy luật thất thường và thậm chí không thể biết trong tính tổng thể.

Theo F.David Peat, nhà vật lý chất rắn và lý thuyết lượng tử, giáo sư Viện nghiên cứu tích hợp California, thì hiện nay chưa có một lý thuyết khoa học nào của “trật tự ẩn” có thể thay thế cho lý thuyết lượng tử dù những nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục sau khi Bohm mất.

Trong các nhà khoa học tâm đắc mạnh mẽ với ý tưởng của Bohm là Karl Pribram, một nhà thần kinh học có tầm cỡ, Pribram tin rằng bộ não được cấu trúc theo cách tương tự tấm ảnh 3 chiều (ảnh toàn ký).

Karl Pribram đã nghiên cứu thực tế nhiều người bị tổn thương ở não, chẳng hạn người bị đột quỵ, thương tích bị đạn trúng đầu, trí nhớ riêng biệt không bị mất. Như vậy trí nhớ được phân bổ trên toàn thể bộ não chứ không khu biệt vào từng vùng não cả. Bộ não làm việc bằng cách ôm bọc, lưu trữ và phục hồi thông tin từ khắp nơi trên bộ não.

Các nghiên cứu của Pribram đã nêu lên một minh chứng khoa học rằng vũ trụ vận hành theo một trật tự ẩn đang được nhận thức từ bên trong trí não tư duy ba chiều. Trật tự ẩn không phải là nền tảng theo nghĩa vật chất mà là một quá trình vận động không ngừng. Trong sự vận động này, thế giới bên ngoài và thế giới bên trong, vật chất và tinh thần thống nhất làm một.

Toàn bộ hiện thực từ nguyên tử nhỏ nhiệm, bộ não, vũ trụ bao la đều là hiện thực của trật tự ẩn. Nhưng bởi vì đâu, có lẽ do những thối thức sinh tồn thậm chí cả khát vọng hình hài, chúng ta đã có thiên kiến sáng tạo nên thế giới theo trật tự hiện và từ đó đi tìm bản chất cuối cùng hiện thực thông qua những sự vật hữu hình.

Khoa học luôn luôn tự hào về tính khách quan và năng lực trực diện với tự nhiên xuyên qua các thí nghiệm được thiết kế tinh vi thông qua sự quan sát cái trật tự hiện. Đây phải chăng là kết cục bế tắc khó tránh khỏi trong thế giới quan khoa học, ít nhất cho đến thời điểm này.

Thế giới quan Phật học

Trong Phật học, Chân như bao hàm nhiều ý nghĩa, nhưng cốt lõi thì Chân như chỉ cái tướng chân thật, tức là cái chân tướng bất biến của mọi hiện tượng, hay cái nguyên tắc – khiến cho hiện tượng giới trở về trạng thái như như bất động. Đó là ý nguyên sơ của thuật ngữ Chân như.

Khi còn tại thế, mục đích của Đức Phật trên con đường tu tập là đạt đến cảnh giới Niết bàn giải thoát. Muốn đạt được mục đích như vậy thì phải hiểu được chân tướng của mọi sự vật. Lấy sự hiểu biết này để làm nền tảng xác lập cái tướng chân thật của thế giới, mà tạo nên một thế giới lý tưởng. Do đó phần trí kiến là bước đầu quan trọng.

Tư tưởng Chân như đã có từ thời Phật giáo nguyên thuỷ, vốn nằm trong phần giáo lý uyên áo, và sau đó được phát triển qua các thời kỳ để trở thành giáo lý hết sức to lớn. Rực rỡ nhất là Đại Thừa Khởi Tín Luận, được xem là bộ sách cương yếu thuyết minh nền triết học Đại Thừa và đứng về giáo sử của Phật học phải kể đến tư tưởng Bát Nhã là sản phẩm đầu tiên của Đại Thừa.

Chủ trương căn bản của Bát Nhã là nguyên lý “Vạn pháp tức không“. Có thể giải thích: tuy thế giới có những hiện tượng sai biệt, nhưng đứng trên lập trường tuyệt đối để thấu suốt thì chân tướng của nó đều giả hiện, là không/. Trí tuệ Bát Nhã không phải là trí tuệ do phân biệt mà là trí tuệ phủ định mọi sai biệt hiện tượng, siêu việt tương đối, trực nhận được thực trạng của vũ trụ là không.

Cái không đó không phải trống rỗng, hư vô mà là cái không linh động, cái không “Diệu hữu“. Vì vậy, ý nghĩa “Chân Không Diệu Hữu” là thực tướng của pháp. Tư tưởng Chân Như của Bát Nhã, đứng về phương diện nhận thức luận tựu trung phát xuất từ điểm này.

Vạn pháp vốn là không vậy tại sao có thế giới này? Theo giải thích của Kinh thì do chấp trước và hoạt động tình ý, rồi biểu tượng và hoạt động nhận thức hỗ tương kết tập mà tạo ra những hiện tượng của vạn hữu. Như vậy bản tính Chân như của hiện tượng không ngoài cái tâm tính của sự chấp trước và biểu tượng, từ đó ta hiểu thêm Chân như của hiện tượng tức là Chân như của tâm không thể khác được.

Trích dẫn đoạn kinh trong Bát Nhã, phẩm Thậm Thâm Nghĩa, Phật hỏi:

- Nay ông Tu Bồ Đề! Theo ông thì Chân như có sâu xa không?
- Bạch Thế Tôn, rất sâu xa
- Theo ông thì trong Chân như có Tâm không?
- Thưa không
- Như vậy ông có cho rằng Tâm tức là Chân như không?
- Thưa không
- Nếu thế thì ông cho Tâm và Chân như là 2 cái khác nhau?
- Bạch Thế Tôn cũng không phải thế…”

Như vậy, Tâm và Chân như không phải một, cũng không phải khác. Thông thường khi nói đến Tâm tức là Tâm hiện tượng cho nên nói là một với Chân như thì không đúng, nói khác cũng không xong. Tâm theo lập trường Bát Nhã là Tâm tuyệt đối duy nhất như tư tưởng của Khởi Tín Luận “duy thị nhất Tâm cổ danh Chân như“. Lập trường của Bát Nhã, bản tính của Tâm vốn trong sạch, nhưng vì phiền não che khuất nên thành ra mê mờ và cái lý do của Chân như tuỳ duyên cũng là do “hốt nhiên một niệm vô minh sinh khởi“.

Thế thì rốt cuộc thế giới hiện tượng này do đám mây vô minh che khuất Chân như, mà đám mây này chẳng qua là do chấp trước và biểu tượng đã bám rễ ngay trong Chân như chứ không ở nơi nào khác. Khi phá tan được màn vô minh thì thấy được tự thể của Chân như. Mọi hiện tượng giới chỉ là những biểu tượng của Chân như. Nói khác đi Chân như là bản thể của hết thảy tất cả hiện tượng. Chân như tuy sinh ra các pháp nhưng Chân như không sinh, đó gọi là Pháp thân.

Ở một đoạn kinh trong Thắng Thiên Vương Bát Nhã, Đức Phật trả lời:

- Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là pháp giới?
''Này Tối Thắng Thiên Vương! Pháp giới là tính không hư vọng.
- Bạch Thế Tôn, thế nào là tính không hư vọng?
''Tính không hư vọng là cái tính không biến dịch.
- Thế nào là tính không biến dịch?
''Tức là Chân như của vạn pháp
- Bạch Thế Tôn, Chân như của vạn pháp là gì?
''Ông nên biết Chân như rất thâm diệu: chỉ dùng chân trí mà trực nhận chứ không dùng lời nói mà diễn tả được, Chân như của vạn pháp vượt ra ngoài văn tự, xa lìa ngôn ngữ…
''Này ông Thiên Vương! Đó là “pháp giới” vậy


** *
Nhà bác học lừng danh Niels Bohr, cây đại thụ của vật lý lượng tử đã nói:

“Mục đích của khoa học là làm tăng thêm và sắp xếp kinh nghiệm của chúng ta. nó không có mục đích phát hiện ra cái cốt lõi thực của các hiện tượng“,

... ý tưởng cho thấy khoa học không có tham vọng hiểu được bản chất của thực tại và cho rằng hiểu được bản chất là ảo tưởng.

Trong khoa học, trí tuệ phân biệt và lý trí có vai trò quan trọng trong việc đo đạc, phân tích, đối chiếu và tìm các quy luật chi phối thông qua ngôn ngữ toán học. Vì vậy khoa học nghiên cứu những gì quan sát được theo nghĩa rộng và cho đến nay cùng với công nghệ thích họp đã tỏ ra có hiệu quả giải thích được một phần nhỏ theo khuôn mẫu xác định các hiện tượng quan sát.

Tuy nhiên thế giới quanh con người vẫn đang bao bọc dày đặc các lớp sương mù bí ẩn. Nhưng với tâm tính chấp trước và biểu tượng, gắn liền với niềm tin tính hiện thực của các hiện tượng: các vật tồn tại đúng như ta thấy chúng. Định kiến này đưa lối cho các nhà khoa học lao vào biến tấu các phát minh của vật lý lượng tử sao cho hoà điệu với cảm nhận thông thường của chúng ta về các sự vật. Đây là một sự khó khăn, khó khăn do phải đối chiếu với các hiện tượng mà họ phát hiện và đôi khi tin chính là hiện thực của hiện tượng?

Theo David Bohm, con đường mòn đó dẫn đến kết cục là cái mà khoa học đã nghiên cứu khác với bản chất thực tại. Sự thật này đã đưa đến ý tưởng của ông là khoa học phải xoay ngược chiều hướng nghiên cứu như đã thực hiện từ lâu nay.

Phải chăng ông muốn khai triển một triết lý về tính toàn thể của tồn tại, một mô thức của “Pháp giới duyên khởi“.
Những công trình nghiên cứu của ông không phải là những tiên đoán siêu hình mà chính là khả năng kinh nghiệm tính Không của vạn hữu, đồng tình với ngài Long Thọ. “Do tánh Không mà tất cả pháp đều thành tựu và hợp lý” và mọi quan sát và phân tích khoa học phải dựa trên lập trường Chân đế và Tục đế. Nhưng phần chính yếu là bằng những phương pháp khoa học hiện đại và phương tiện công nghệ tinh vi họ nỗ lực tìm hiểu cái cách thức “Diệu hữu” trừu xuất từ cái “Chân không“, cái Duyên khởi trong cái Chân như, cái Vô thường trong cái Chân thường bất khả thuyết mà họ tin là phải như thế.

“Chim vẫn bay quanh từ vạn kỷ
Gió thật xưa, mây thật già mua”

Đối với người con Phật, quán được Duyên khởi từ Chân như là pháp tắc vận hành trong thế gian để có cái nhìn như thật, mới thể hiện được lý tưởng tối cao là sự giải thoát cho kiếp người trôi nổi trong biển khổ mênh mông.

* * *TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ David Bohm – Cái toàn thể và trật tự ẩn
Dịch: Tiết Hùng Thái – NXB Trí Thức 2011

2/ Đại Thừa Khởi Tín luận: Bồ Tát Mã Minh
Dịch: Thích Thanh Từ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh 2011.

3/ Đại Thừa Phật giáo tư tưởng luận:
Kimura Taiken, Dịch: Thích Quảng Độ. NXB Tôn giáo 2012


http://dangconghanh.wordpress.com/2013/06/01/thuc-tai-cua-david-bohm-va-chan-nhu-quan-phat-hoc/ (http://dangconghanh.wordpress.com/2013/06/01/thuc-tai-cua-david-bohm-va-chan-nhu-quan-phat-hoc/)