PDA

View Full Version : Ước mơ cơm có thịt



duyanh
02-05-2014, 12:28 PM
Nhiều người từng biết ông trên cương vị Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, song bây giờ, người ta biết đến ông nhiều hơn với Chương trình “Cơm có thịt” cho trẻ em nghèo.


http://static.xaluan.com/images/news/Image/2014/02/05/352f1ef0f27bae.img.jpg
Bước chân TS Trần Đăng Tuấn rong ruổi trên các bản làng xa xôi của Tổ quốc. Ảnh: Q.H Những bữa cơm rau

Từng rong ruổi trên khắp mọi miền Tổ quốc, làm biết bao phóng sự, chương trình truyền hình về cuộc sống của người dân vùng cao, nhưng những thước phim mà ông Trần Đăng Tuấn và các bạn có được trong chuyến thăm các xã vùng cao xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái hồi tháng 9/2011 để lại trong ông nhiều trăn trở.

Hồi ấy, khi mới thôi giữ chức Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ông Trần Đăng Tuấn cùng mấy người bạn ghé thăm Trường Tiểu học dân nuôi Suối Giàng, tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của 80 học sinh tiểu học và 45 học sinh trung học cơ sở trong khu nội trú. Một tuần, mỗi em chỉ có vỏn vẹn 2kg gạo và 5.000 đồng do cha mẹ đóng góp. Những bữa ăn chỉ có cơm trắng và canh rau cải loãng.

Tuổi thơ từng trải qua cảnh đói ăn, thiếu mặc, ông Tuấn thấu hiểu hơn ai hết nỗi khốn khó của người dân vùng cao. Bữa ăn chỉ có cơm và rau, các cháu lấy sức đâu mà học? Ông và những người bạn không khỏi xót xa, thương cảm. Khi đã trở về Hà Nội, suy nghĩ làm cách nào để học sinh nghèo vùng cao được ăn cơm có thịt luôn đau đáu trong ông.

Câu chuyện về bữa ăn không thịt của học trò nghèo vùng cao Suối Giàng đã được ông Trần Đăng Tuấn xúc động chia sẻ trên trang blog cá nhân của mình, với đầu đề “Hôm nay đi Suối Giàng”. Thật bất ngờ, những dòng tâm sự, chia sẻ của ông làm lay động hàng nghìn trái tim bạn đọc. Hàng trăm người đã qua trang blog của ông thúc giục lập ra một địa chỉ chung tay gắp thêm thịt vào bát cơm cho các em học sinh vùng cao. Chương trình “Cơm có thịt” ra đời từ đó, rất nhiều người đã đăng ký ủng hộ thường xuyên hàng tháng, góp tiền mặt, quần áo, sách vở... cho chương trình.
Từ giấc mơ bữa cơm đủ chất cho học sinh nghèo Suối Giàng, hôm nay, “Cơm có thịt” đã và đang lan tỏa khắp mọi miền của đất nước, vượt biên giới tới lưu học sinh người Việt ở Úc, Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Singapore... Chương trình đã đến với 5.841 học sinh ở 46 trường thuộc các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai…
Mãi thương trẻ nghèo

Bước chân rong ruổi nơi núi rừng Tây Bắc, đâu cũng ăm ắp kỷ niệm, sự xúc động khi chứng kiến những bữa ăn đơn sơ đến khó tưởng tượng trong thời buổi người ta không còn lo chuyện ăn no mà nghĩ nhiều hơn đến ăn ngon. Không có tiền đóng tiền ăn trưa cho con, nhiều phụ huynh Trường Mầm non số 2 Mường Nhà (Điện Biên) đành đưa con đến gần cổng trường rồi bảo con tự đi vào lớp. Các cô giáo Trường Mầm non Dền Thàng (Bát Xát, Lào Cai), lấy tiền lương ra chợ mua cá khô cho các bé ăn cơm. Có bé sau bữa trưa vẫn nắm chặt trong tay con cá khô, cô hỏi, bé nói để dành mang về nhà cho anh chị…

Chuyện cổ tích giữa đời thường về trường hợp bé Lưu Thị Thu Huyền, 6 tuổi ở Giao Thủy - Nam Định bị tim bẩm sinh mà ông cùng “Cơm có thịt” đã nỗ lực không mệt mỏi để giành sự sống cho cháu. Đến giờ mỗi khi nhắc lại, ông Tuấn vẫn bồi hồi xúc động. Hồi đó, vào tháng 3/1012, một người bạn của ông Tuấn kể và mong ông giúp đỡ cháu Huyền bị mắc bệnh tim bẩm sinh thân trung động mạch loại 3, nhiều bệnh viện đã chẩn đoán, tỷ lệ phẫu thuật thành công vô cùng thấp. Lúc đó, ông Tuấn đã viết về sự tuyệt vọng của cháu Huyền lên trang cá nhân, đồng thời kêu gọi những người có chuyên môn y học xem xét.
http://static.xaluan.com/images/news/Image/2014/02/05/A1-1d9ba.jpg

“Cơm có thịt” đã đến với bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học Tả Thàng, Mường Khương, Lào Cai. Ảnh: Q.H
Bác sĩ Lê Ngọc Thành - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E đồng ý nhận bé Huyền nhập viện vì thấy còn khả năng phẫu thuật thành công. Sau nhiều cuộc hội chẩn, bác sĩ Thành quyết định mổ cho bé Huyền. Căng thẳng, hồi hộp, lo lắng…, hạnh phúc vỡ òa, ca mổ thành công sau hơn 4 tiếng đồng hồ. Bé Huyền đã giành lại sự sống từ tay tử thần… Hơn 100 triệu đồng hỗ trợ ca mổ tim cho bé Huyền do các thành viên “Cơm có thịt” chi trả.

Không chỉ đến với trẻ em nghèo miền núi, hay đồng bào vùng lũ miền Trung, ông Tuấn và những người bạn của “Cơm có thịt” đang ấp ủ dự định xây một chiếc cầu sắt trên đường dẫn vào điểm Trường Mầm non Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai). Ông Tuấn kể, bình thường đường vào trường, xe phải vòng lên núi, đi hàng tiếng đồng hồ, cuối cùng phải vượt qua một ngầm tràn nước chảy xiết. Sáng 6/9/2013, chuyện đau lòng đã xảy ra, cô giáo Lý Thị Hồng trên đường vào trường lúc qua chỗ ngầm đập tràn bị lũ suối cuốn trôi. Trước cô Hồng, đã 6 người rơi xuống suối và chết ở chỗ ngầm này. “Các thành viên của “Cơm có thịt” muốn làm cầu sát chỗ đó và đang có nhiều cách hỗ trợ chăm nom con của cô giáo Hồng”, ông Tuấn nói.

Tính đến thời điểm đầu tháng 12/2013, đã có 14 tỷ đồng gửi vào tài khoản “Cơm có thịt”, không kể số tiền ủng hộ của các cá nhân thông qua việc mua sắm vật dụng và gửi trực tiếp tới các học sinh vùng cao. Với số tiền đó, đã có rất nhiều học sinh nghèo được ăn cơm có thịt, có thêm sức học chữ. Từ một ý tưởng khi thăm trường học ở Suối Giàng, đến nay “Cơm có thịt” đã trở thành một chiếc cầu nối đưa những món quà tình nghĩa đến với vùng cao và những địa phương còn nghèo khó.
Cháu chào chú!
Một ngày mới bắt đầu, cháu chúc chú và “Cơm có thịt” nhiều may mắn. Sáng nay, cháu lên tới trường đã thấy mấy phụ huynh đưa con đi học. Gặp cháu các anh ấy hỏi: "Bao giờ các bác ở Hà Nội lại lên trường hả cô Hiền? Chúng tôi không biết nói hay, nhưng mong muốn được cảm ơn các bác ấy. Khi nào các bác ấy lên trường, nhờ cô gọi để chúng tôi đến cảm ơn, mời các bác ấy về nhà ăn mì miến và canh đậu".
Cháu nói với các phụ huynh rằng, các bác trong Chương trình “Cơm có thịt” sắp lên trường thăm các cháu đấy, các bác cứ chuẩn bị mì miến và canh đậu nhé. Huyện ta còn nhiều trường khó khăn lắm, các bác ấy sẽ còn lên Mường Khương nhiều lần.
Cháu cảm ơn chú, cảm ơn Chương trình đã tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh học sinh. Bà con nhận thấy con em mình được quan tâm chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ..., góp phần cùng nhà trường tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ đạt kết quả cao.
Cháu, các phụ huynh và học sinh Mầm non Tả Ngài Chồ mong gặp lại chú và các bác trong Chương trình “Cơm có thịt” vào một ngày gần đây tại xã Tả Ngài Chồ.
Cháu chào chú!

(Thư của một giáo viên Trường Mầm non Tả Ngài Chồ - Mường Khương - Lào Cai gửi ông Trần Đăng Tuấn)