PDA

View Full Version : Ăn Cơm Mới... Thưởng Thức Chuyện Cũ



khieman
01-30-2014, 04:43 PM
.

Trở về Little Saigon đón Tết Việt Nam
Trịnh Hảo Tâm


Little Saigon là nơi có cộng đồng Việt Nam đông nhất hải ngoại nằm trên phần đất của 3 thành phố Westminster, Garden Grove và Santa Ana thuộc quận Orange County, tiểu bang California Hoa Kỳ. Tuy gọi là Tiểu Sài Gòn nhưng cộng đồng người Việt ở đây “ăn nên làm ra” có mức thu nhập rất lớn (20% gia đình có lợi tức hơn 100,000 $ một năm) và là một trong những yếu tố khiến giá bất động sản tại đây lên cao nhất nước Mỹ. Tuy cách Sài Gòn lớn nửa vòng trái đất nhưng “Ta Ði Mang Theo Quê Hương”, vì vậy những gì ở VN có, tại đây đều có hết kể cả những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Trong suốt năm qua, độc giả Người Việt đã cùng tôi đi khắp bốn phương trời, ngao du các thắng cảnh, ngắm nhìn hoa thơm cỏ lạ, nếm thử các món ăn đặc sản và nghe những chuyện thần tiên, nhiều khi khó tin nhưng...không có thật! Nhưng “đến đâu thì đến, đi đâu thì đi, nếu đi hết biển... cũng về Bolsa!” Hôm nay nhân dịp năm tàn, ngày Tết sắp đến, xin mời các bạn trở về đón Tết ở Little Saigon để nghe câu hát: “Bolsa có gì lạ không em? Mai anh về em có còn ngoan...?”

CON ÐƯỜNG BOLSA

Bolsa là con đường chính của Little Saigon dài 5.75 miles đi từ đường Bolsa Chica ở Huntington Beach, qua thành phố Westminster, một phần nhỏ của Garden Grove và đến ranh giới của thành phố Santa Ana (giữa đường Ward và Euclid) thì chấm dứt và trở thành đường First khi vào thành phố Santa Ana.

Khu thương mại sầm uất nhất đồng thời cũng là trung tâm của Little Saigon nằm trên đường Bolsa đoạn từ Magnolia cho đến Brookhurst dài đúng 1 mile. Những ngày cuối tuần dân Việt đổ về đây mua sắm, ăn uống khiến đoạn đường này rất kẹt xe. Những năm trước thường có tổ chức diễn hành trong dịp Tết Nguyên Đán người đi xem rất đông như trẩy hội. Tưởng rằng diễn hành sẽ trở thành một truyền thống hàng năm cho Little Saigon nhưng rất tiếc Tết năm nay cuộc diễn hành sau mấy tháng tranh qua...nhường lại rốt cục không ai tổ chức hết!

Có lẽ Tết năm nay diễn hành cũng hơi khó vì năm qua thành phố Westminster muốn tô điểm thêm cho phố Bolsa nên xây “con lươn” (landscape divider) nằm giữa đường từ Magnolia cho đến đường Ward. Chẳng lẽ diễn hành chỉ đi một bên đường? Trên con lươn um...tùm đó người ta trồng những cây Queen Palm mà người Việt ta thường gọi là “cây cọ” và cây đào peach. Hoa đào năm mới tuy còn bé nhưng đã ra hoa (trong khi hoa đào năm ngoái.còn chờ... gió đông) và dọc hai bên đường là hai hàng đèn lantern theo lối cổ Paris “thắp nến lên hai hàng”cũng khá thẩm mỹ, đúng theo quy hoạch về “style” kiến trúc của thành phố Westminster cho khu Little Saigon là phối hợp giữa hai lối Âu Á với rất nhiều đường nét hoa văn trang trí.



(http://www.aihuucongchanh.com/dulich/littlesaigon1.jpg)http://www.aihuucongchanh.com/dulich/littlesaigon1.jpg (http://www.aihuucongchanh.com/dulich/littlesaigon1.jpg)
Cổng tam quan trước Asian Garden Mall,
thương xá lớn nhất của Little Saigon

(http://www.aihuucongchanh.com/dulich/littlesaigon1a.jpg)http://www.aihuucongchanh.com/dulich/littlesaigon1a.jpg (http://www.aihuucongchanh.com/dulich/littlesaigon1a.jpg)

Tượng 3 ông Phước Lộc Thọ
trước Asian Garden Mall


LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT BOLSA

Bolsa là tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “cái túi” (pocket) lấy ra từ chữ “Bolsa Chica” có nghĩa “cái túi nhỏ” (little pocket) tên một vùng đất ở đầu đường Bolsa, về phiá tây của thành phố Westminster ngày nay. Quanh vùng là một vùng đất thấp đầm lầy gần biển mà hiện nay là công viên Bolsa Chica Wetland và căn cứ hải quân Seal Beach Naval Weapons Station.

Ngày xưa khi chưa có những hệ thống sông đập điều hòa nước mưa, ngăn ngừa lũ lụt, mùa mưa nước từ vùng núi phía Bắc đổ vào sông Santa Ana nhưng con sông nhỏ rất cạn không kham nổi nên nước tràn vào làm ngập khắp một vùng rộng lớn giữa thành phố Westminster và Seal Beach ngày nay. “Bolsa Chica” ở đầu đường Bolsa là vùng đất cao, người da đỏ che chòi sinh sống, chăn nuôi, trồng trọt và sau này trong mùa lũ lụt người Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ lùa bò ngựa lên tạm trú ở khu đất này nên gọi nơi đó là Bolsa Chica nghĩa là “cái túi nhỏ”.
Người ta tìm thấy dấu vết, vật dụng của con người sống từ 8,000 năm về trước ở vùng Bolsa Chica. Dân da đỏ bộ tộc tên Shoshone là dân du mục đã từng sống ở đây, họ xuống biển bắt cá rồi vào đầm lầy Bolsa Chica Wetland bắt chim chóc để sinh sống.

Trong thời người Tây Ban Nha và Mễ Tây Cơ sinh sống, họ lập ra những nông trại nuôi bò ngựa và trồng rau cỏ. Cuối những năm 1700 những nhà truyền giáo Tây Ban Nha thuộc nhóm của linh mục Junipero Serra xây nhà truyền giáo trong vùng để làm địa điểm dừng chân mỗi khi đi lại giữa hai nhà thờ truyền giáo lớn là San Juan Capistrano và San Gabriel.

Năm 1821 Mễ Tây Cơ tuyên bố độc lập từ người Tây Ban Nha, sau đó năm 1834 một trận lụt lớn, nhà thờ truyền giáo của người Tây Ban Nha bị cô lập xung quanh là ao đầm và biển cả, địa danh Bolsa Chica (little pocket) được gọi từ năm đó. Manuel Nieto là một nhà chăn nuôi được chính quyền chia cho môt vùng đất và ông ta đặt tên cho trại chăn nuôi của mình là Rancho Las Bolsas và trang trại của ông Joaquin Ruiz lấy tên là Rancho Bolsa Chica. California thuộc về Hoa Kỳ năm 1848 và trở thành tiểu bang năm 1850, đất được phân lô và bán để trồng rau cần celery, khoai tây và đậu lima song song với nghề chăn nuôi bò ngựa, dê cừu cung cấp thực phẩm kể cả cho những đoàn người đi tìm vàng ở miền bắc.

Vùng đầm lầy Bolsa Chica năm 1895 được bán cho hội săn bắn Gun Club để những tay thợ săn vào đây tìm bắn chim chóc, vịt trời, nai mễn, chồn thỏ. Vùng Westminster ngày nay từ năm 1870 có một mục sư giáo hội Presbyterian tên Lemuel P. Webber đến mua 6,000 mẫu đất để lập trại chăn nuôi lấy tên là Stearns Rancho. Theo lời mời gọi của mục sư, ông John Y.

Anderson quê ở Virginia cũng sang đây lập nông trại và xây nhà ở góc đường Westminster và Monroe. Cộng đồng chăn nuôi nông nghiệp được thành hình lấy tên Westminster từ Westminster Assembly 1643 là cuốn giáo lý của hội thánh Presbyterian. Vùng Westminster là một vùng quê nông nghiệp nghèo nàn, năm 1930 dân chúng rất cơ cực vì nuớc Mỹ lâm vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Kế đến năm 1933 bị trận động đất Long Beach nhiều nhà cửa ở Westminster bị sụp đổ, tiếp theo lại bị lũ lụt trong mùa mưa năm đó.

Sau đệ nhị thế chiến, các hãng chế tạo võ khí quốc phòng có kinh phí hoạt động, bắt đầu dọn về vùng Long Beach,

Westminster để chế tạo sản xuất tàu chiến, hỏa tiển, máy bay chiến đấu. Cùng lúc với Long Beach, Westminster bắt đầu có đông dân và thành phố Westminster được thành lập năm 1957 với 16,000 dân. Thời kỳ chiến tranh lạnh, nhiều hãng kỹ nghệ quốc phòng mở cơ xuởng trong vùng và thành phố tăng lên 60,000 dân vào năm 1970. Năm 1974 Westminster Mall khai trương và là thương xá bán lẻ đầu tiên của thành phố.

Biến cố 30-4-1975 ở tận Việt Nam lại ảnh hưởng đến thành phố Westminster mà thành phố này lại không bao giờ nghĩ tới khi người tỵ nạn VN từ trại Pendleton (phía nam Orange County) đổ xô ra đi tìm việc làm và bắt đầu sinh sống ở Santa Ana, Garden Grove và Westminster để đi làm trong các hãng xưởng điện tử, quốc phòng. Thương mại của người Việt ở Orange County trước năm 1978 chưa có, muốn đi chợ mua thức ăn, gia vị Á đông phải chạy xe lên tận China Town Los Angeles.

Năm 1979 có chợ Dân Tiếp Vụ là chợ VN đầu tiên ở đường Westminster và một tiệm phở (sau đó thành tiệm phở Hòa đầu tiên), phòng mạch bác sĩ ỏ ngả tư đường First Street và Fairview thành phố Santa Ana. Phòng trà ca nhạc có Làng Văn ở đường Edinger, buổi tối cuối tuần khách vừa nghe nhạc sống với các ca sĩ nổi tiếng vừa...ăn phở!

Những năm kế tiếp Bolsa Mini Mall là khu thương mại VN đầu tiên trên đường Bolsa, có nhà hàng Thành Mỹ một thời là nhà hàng sang trọng nhất mà bên kia đường Bolsa tôi còn nhớ có một ruộng bắp. Sau đó là khu chợ Hòa Bình gần đường Weststate, rồi khu chợ 99 (đối diện với Phước Lộc Thọ) trong những năm 1982, 83 là thương xá đông đảo nhất. Kế tiếp là thương xá Phước Lộc Thọ và những chợ khác được xây dựng dọc theo đường Bolsa.

Ngày nay thành phố Westminster có 86,637 dân, khi nói tới thành phố này là người ta phải nói tới Little Saigon. Từ trên phi cơ đáp xuống phi trường John Wayne, ra quày hướng dẫn du lịch, du khách lấy tờ brochure thành phố Westminster là được giới thiệu ngay Little Saigon với những quán cà phê bánh ngọt theo kiểu Pháp, tiệm phở VN và các cửa hàng nữ trang vàng bạc, kim cương, cẩm thạch...

TẾT VỀ TRÊN PHỐ BOLSA

Trên đường Bolsa gần về phía Magnolia, một thương xá có lầu đồng thời cũng là một kiến trúc lớn nhất trong vùng có tên là Asian Garden Mall xây theo phong cách Á Ðông, phiá trước là cổng tam quan vượt cao lên trên với mái ngói âm dương màu xanh. Dưới cổng tam quan là tượng 3 ông Phước Lộc Thọ tạc bằng đá hoa cương trắng nên người ta thường gọi là thương xá Phước Lộc Thọ. Theo phong thuỷ trước cửa phải có dòng sông sinh động, nước luôn luôn chảy nên quanh 3 tượng Phước Lộc Thọ là một hồ nước với những vòi phun luôn luôn phun lên trắng xóa.

Sân trước là bãi đậu xe có trồng xen kẻ những cây gừa (Fig) nhánh lá được cắt tròn từng chùm. Bên trong thương xá ngày nay đa số các cửa hàng là nữ trang vàng bạc và đá qúy cũng như một số quán ăn, áo quần, mỹ phẩm và băng dĩa nhạc. Hiện nay thương xá Phước Lộc Thọ là địa điểm tập trung đông đảo nhất du khách Việt từ xa về thăm Little Saigon đến viếng qua, mua sắm và ăn uống.

Năm nay cũng như năm qua khoảng 3 tuần trước ngày Tết, thương xá Phước Lộc Thọ cho dựng những gian hàng bán Tết trước thương xá nơi bãi đậu xe. Hàng hóa bán nơi đây đa số là những thứ trang hoàng trong ngày Tết như hoa (hoa thật cũng như hoa giả), tranh tượng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ chơi, câu đối, liễn treo, pháo đỏ, phong bao lì xì.... Hoa Tết ở VN thì người ta thường chuông hoa mai, hoa đào, cúc, thược dược, vạn thọ nhưng hoa Tết ở Little Saigon có vẻ vương giả hơn nên người ta chơi hoa lan (lan đất cũng như phong lan).

Mai vàng VN ở đây không có nên thay bằng 2 loại mai rừng, một loại bán nguyên cả cây đựng trong chậu, loại này lá dài nhỏ, bông cũng nhỏ hơn mai VN nhưng không chỉ thiên mà hay...úp mặt gục đầu! Loại khác không biết phải là mai không vì hoa tuy có cánh vàng nhưng dài không giống hoa mai được bán từng nhánh. Hoa đào đơn cánh nơi đây nhà ai cũng có trồng nên chợ Tết phải bán hoa đào loại hoa có nhiều cánh và đoá hoa đan khít vào nhau, khi chưa nở nụ hoa bụ bẫm, lúc nở ra chi chít như những đoá hồng nhỏ. Ngoài ra chợ hoa còn có cúc vàng đại đóa, nhiều cánh cong lên như luỡi câu, cây hoa mộc lan (Chinese magnolia) nhiều loại, các cây cho vẽ đẹp vì trái chứ không phải bông như ớt nhiều màu, quất vàng, tắt, Phật thủ.



(http://www.aihuucongchanh.com/dulich/littlesaigon2.jpg)http://www.aihuucongchanh.com/dulich/littlesaigon2.jpg (http://www.aihuucongchanh.com/dulich/littlesaigon2.jpg)
Chợ tết Xuân Ất Dậu trước thương xá Phước Lộc Thọ

(http://www.aihuucongchanh.com/dulich/littlesaigon3.jpg)http://www.aihuucongchanh.com/dulich/littlesaigon3.jpg (http://www.aihuucongchanh.com/dulich/littlesaigon3.jpg)
Bánh mứt không thiếu món nào cho Tết Ất Dậu


BOLSA NGÀY MÙNG MỘT TẾT



Năm rồi tôi xuất hành theo hướng nam ra Bolsa vào sáng mùng một Tết. Ða số các cửa tiệm thương mại quán ăn đều đóng cửa nhưng du khách VN cũng rất đông và bãi đậu xe khu Phước Lộc Thọ một ngày cũng như mọi ngày quanh năm không còn một chỗ trống. Tôi phải đậu xe bên quán cà phê Gala, mua một cà phê đen đá “to go” rồi lơn tơn đi vào thương xá Phước Lộc Thọ. Xa gần tiếng pháo từng tràng nổ vang khiến bồi hồi nhớ đến không khí những cái Tết năm xưa ở quê nhà.

Những lều bạt chợ Tết trước thương xá mấy ngày trước nhộn nhịp, sáng hôm nay dọn dẹp hết, trả lại bãi đậu xe sạch sẽ. Vào bên trong thương xá, đa số các cửa tiệm đều đóng cửa chỉ trừ vài quán ăn, nhưng sao người đông qúa vừa tản bộ đi chơi Tết vừa tụ lại thành từng nhóm chen vai chăm chú nhìn vào giữa. Tôi ghé vào xem, té ra là những sòng bầu cua cá cọp. Mỗi sòng thường là một cặp vợ chồng trẻ làm nhà cái, người chồng lắc hột, người vợ thu và chung tiền. Tiền đặt thường từ 1$ cho đến 20$. Sau khi tiền đặt an vị xong đâu đó, nhà cái hô lên “Rồi chưa?” và bắt đầu lắc hột đựng trong dĩa đậy bằng chén nhưa. Khi nhà cái lắc 3 cái, không khí xung quanh lắng đọng, im tiếng, hồi hộp chờ kết qủa. Khi nhà cái mở chén nhựa ra, bày 3 hột vuông thì không khí ồn ào trở lại. Người thắng thì cười khoái chí, kẻ thua thì xuýt xoa tiếc rẻ. Tôi thử thời vận ném xuống 1$ và trúng, chỉ chơi lấy hên đầu năm nên một lần là đủ. Thiên hạ đang mải mê đen đỏ thì những sòng phiá ngoài cửa mọi người đứng lên tan hàng và như cờ domino, những sòng phía trong người chơi lấy tiền lại và nhà cái xếp đồ nghề vô túi xách, đứng lên rảo bước. Các nhà cái cũng liên kết tạo một hệ thống truyền tin khá hữu hiệu. Có lẽ một người ngồi băng đá ngoài cửa gọi cell phone thông báo vào mỗi khi thấy xe cảnh sát đi vào chỗ đậu xe. Hình như bầu cua trong Phước Lộc Thọ chơi có tính cách truyền thống phong tục quê nhà nên chỉ chơi có 3 ngày Tết.

Tiếng trống lân âm vang từ phía cửa, đoàn lân đi vào và múa ở các tiệm vàng. Các khu phố quanh Phước Lộc Thọ cũng vang tiếng trống lân và rộn rã tiếng pháo. Có rất nhiều đoàn lân toàn là các em trẻ 18-20. Ðến trưa thì lân múa trước tiệm bánh mì Lee’s Sandwiches, cửa tiệm đóng không bán nữa, các em bán hàng đều ra ngoài cửa theo lệnh của ông security guard người Mỹ mặc áo gấm thêu nhưng là áo ngắn theo lối Tàu chứ không phải áo dài VN. Lân múa và một người trong bộ áo vest có lẽ trong ban giám đốc đứng trên nóc tiệm cầm một cây sào treo những phong bao lì xì cho đoàn lân. Một tràng pháo dài cả thước được ông Mỹ châm ngòi và nổ tưng bừng kéo dài mấy phút. “Lân gặp pháo, rồng gặp mây” nên hai con lân và ông địa múa rất hăng nhất là thấy các phong đỏ lì xì. Pháo dứt mọi người đứng xem vỗ tay và tiệm bắt đầu mở cửa khai trương buôn bán cho một năm mới.

Tết này chưa chắc em về được,
Em gửi về đây một tấm lòng.
Chao ôi! Tết đến mà không được
Trông thấy quê hương thật não nùng!
(Xuân Tha Hương - Nguyễn Bính)

Ngày xưa đường xá khó khăn cách trở, ngày nay muốn trở về ăn Tết ở quê hương lúc nào mà không được! Hết vé economy thì đi hạng business, hết hạng business thì ngồi first class ghế nằm thoãi mái, rượu ngon uống thã dàn lại do các tiên nữ (vì ở trên mây) chiêu đãi viên hàng không (mẫu hạm) dâng rót. Nhưng “chúng ta đi mang theo quê hương” nên nơi này cũng có đủ thứ và có những cái mà quê hương không có, đó là...đốt pháo!

Nhân dịp năm tàn, ngày Tết cổ truyền sắp đến, thân chúc qúy độc giả thường bỏ công theo dõi các ký sự du lịch của tôi một năm mới Ất Dậu Hạnh Phúc An Bình.

TRỊNH HẢO TÂM
(Bánh chưng, pháo đỏ, mai vàng
Bolsa đón Tết Hai Ngàn Lẻ Năm)