PDA

View Full Version : Tổng Cục Thống Kê CSVN 'báo cáo láo'



duyanh
12-23-2013, 02:14 PM
HÀ NỘI 22-12 (NV) .- Báo chí Việt Nam xem báo cáo mới nhất về “thu nhập bình quân theo đầu người” của Tổng Cục Thống Kê là trường hợp “bắt quả tang” cơ quan này “báo cáo láo”.


http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1387808049_179467-VN-BaoCaoLao_400.jpg
Tư vấn để xin trợ cấp thất nghiệp. Doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tăng, cả xã hội lao đao nhưng thống kê thì chỉ toàn những con số đẹp. (Hình: Thanh Niên)

Việt Nam vốn nổi tiếng về các số liệu thống kê mâu thuẫn, không đáng tin nhưng chưa bao giờ chuyện thống kê, “báo cáo láo” lại rõ ràng như báo cáo mới nhất về “thu nhập bình quân theo đầu người” của Tổng Cục Thống Kê.

Hôm 5 tháng 12-2013, trong hội nghị với các nhà tài trợ nước ngoài, nơi gặp gỡ đại diện của các chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế nhằm tìm kiếm những thỏa thuận về viện trợ và vay tiền, chính phủ loan báo, năm nay, “thu nhập bình quân theo đầu người” tại Việt Nam là $1,960.

Năm ngoái, “thu nhập bình quân theo đầu người” tại Việt Nam chỉ có $1,600. Tính ra chỉ trong một năm, “thu nhập bình quân theo đầu người” tại Việt Nam tăng thêm $360. Nói cách khác, tỷ lệ tăng “thu nhập bình quân theo đầu người” tại Việt Nam trong năm nay lên tới 22.5%.

Chuyện năm nay, “thu nhập bình quân theo đầu người” tại Việt Nam tăng 22.5% được xem là vô lý, không thể chấp nhận được. Lý do: Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục suy thoái. Cuộc sống càng ngày càng thêm căng thẳng, khó khăn. Mức sống càng ngày càng giảm. Đây là một thực tế mà bất kỳ ai cũng thấy. Thậm chí, chính quyền trung ương đã xin Quốc Hội cho phép giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống 5.3% vì ngân sách thất thu nghiêm trọng do doanh nghiệp phá sản hàng loạt.

Theo chân Tổng Cục Thống Kê, tại Sài Gòn, cho dù chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay của thành phố này không đạt, Cục Thống Kê Thành Phố cũng loan báo, “thu nhập bình quân theo đầu người” của dân Sài Gòn năm nay đã tăng lên thành $4,513/người,

Số liệu mới về “thu nhập bình quân theo đầu người” của dân Sài Gòn năm nay phi lý đến mức Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố phải phản bác. Tuần vừa rồi, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân, cho rằng chỉ tiêu tăng GDP không đạt mà “thu nhập bình quân đầu người” lại tăng như thế là “chuyện rất lớn,” phải giải thích rõ để các đại biểu tin.

Lãnh đạo Sở Kế Hoạch - Đầu Tư của thành phố thú thật, năm ngoái “thu nhập bình quân đầu người” được tính theo giá cố định năm 1994 nên “thu nhập bình quân đầu người” là $3,600/người. Sau đó, cơ quan thống kê yêu cầu tính toán theo “phương pháp mới,” dựa trên giá cố định năm 2010, nên “thu nhập bình quân đầu người” của năm ngoái được sửa lại thành $4,000/người.

Dường như chưa thỏa mãn với “phương pháp mới”, Tổng Cục Thống Kê lại tiếp tục đưa ra một “phương pháp mới hơn,” đó là “tăng quy mô giá trị gia tăng của lĩnh vực ngân hàng và khấu hao nhà tự có tự ở của dân cư.” Thành ra, bất kể kinh tế suy thoái, mức sống càng ngày càng suy giảm, nhưng năm nay, “thu nhập bình quân đầu người” của dân Việt Nam tăng thêm $360/người và “thu nhập bình quân đầu người” của dân Sài Gòn tăng $553/người/năm.

Trong bài “Giàu nhờ bánh vẽ,” tờ Doanh Nhân Sài Gòn nêu thắc mắc: Tại sao tính tốc độ tăng trưởng GDP lại theo giá so sánh (đã khử lạm phát và quy về cùng một gốc), còn tính “thu nhập bình quân đầu người” lại tính theo giá hiện hành? Tai sao tăng quy mô của khu vực này mà không tăng khu vực khác?

Tờ báo này yêu cầu Bộ Tài Chính và Bộ Kế Hoạch Đầu Tư cho biết, khi lập kế hoạch ngân sách, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ… thì dựa vào GDP trước hay sau khi điều chỉnh, bởi chỉ riêng GDP của năm 2012 trước và sau khi điều chỉnh lệch nhau đến gần 300 ngàn tỉ, nếu chỉ tính riêng mức bội chi ngân sách vừa được Quốc Hội Việt Nam duyệt là 5.3% GDP thì chênh lệch về bội chi ngân sách trước và sau khi điều chỉnh GDP đã lên đến hàng chục ngàn tỉ.

Tờ Doanh Nhân Sài Gòn nhận định, với lối thống kê nhằm tạo ra các “con số đẹp,” các chỉ tiêu kinh tế khác như nợ công, tổng vốn đầu tư toàn xã hội hay kế hoạch giảm nghèo trở thành chông chênh, khó đoán định. Cũng vì vậy, việc hoạch định chính sách không thể đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các chủ trương đúng, khiến cho các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế không phù hợp.

Báo giới Việt Nam xem trường hợp vừa kể là một vụ “bắt quả tang” Tổng Cục Thống Kê “báo cáo láo” và niềm tin vào các số liệu thống kê của Việt Nam, vốn đã rất mong manh, lại thêm một lần bị tổn thương. (G.Đ.)