PDA

View Full Version : 80 tuổi vẫn phải làm ruộng để nuôi các con tâm thần



duyanh
12-13-2013, 01:09 PM
Dù đã bước qua cái tuổi 80, tấm lưng đã còng gập vì gánh nặng cuộc đời, thế nhưng hai vợ chồng già vẫn phải nai nưng ra làm việc để kiếm thêm thu nhập nuôi các con.

http://static.xaluan.com/images/news/Image/2013/12/12/852a9181b6902d.img.jpg
Hai vợ chồng già và những đứa con tâm thần. Không phải các con của hai cụ bất hiếu, chỉ là họ đã mất đi tri giác, trở thành người vô năng. Nuôi một người bình thường đã khó, nuôi những đứa con tâm thần còn khó gấp bội lần. Và ngày qua ngày, cuộc đời vẫn đày đọa hai vợ chồng già bằng nỗi đau và nước mắt...
Cha mẹ già còng lưng gánh lúa...
Vào mỗi mùa gặt, trên những cánh đồng lúa tại thôn Đâu Kiên (xã Quốc Tuấn, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) người ta lại thấy tấm lưng còng ấy của bà cụ Đỗ Thị Miên. Đã ngoài 80 tuổi nhưng cụ vẫn cùng chồng là ông Phạm Văn Lương ngày qua ngày làm lụng việc đồng áng bất kể nắng mưa bão tố, chỉ mong kiếm được đồng ra đồng vào nuôi các con.
Trong ngôi nhà tuềnh toàng của mình, cụ Miên kể về số phận hẩm hiu đã khiến hai vợ chồng phải chịu cảnh "kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh". Sinh được 9 người con, hai vợ chồng hết tâm nuôi nấng để mong sau này nhận được sự phụng dưỡng khi về già. Nhưng rồi, ba người con đi bộ đội về lần lượt ra đi, một người mất vì bệnh ung thư, hai người còn lại tưởng chừng sự nghiệp đang thăng tiến thì bỗng nhiên cũng phát điên rồi lìa đời. Nỗi đau liên tiếp nỗi đau giáng xuống đầu hai ông bà nhưng nó chưa phải tất cả. Cũng giống như các anh, 3 người con khác của cụ Miên lần lượt bị căn bệnh thần kinh hành hạ. Bệnh trở nặng, họ lại bỏ đi khắp nơi xin tiền, những người dân có lòng lại báo cho hai cụ để đi đón. Cái cảnh hai ông bà lẽo đẽo đi tìm con rồi lại nài nỉ, dỗ ngon dỗ ngọt để đưa con về quả thật khiến ai nhìn cũng rơi nước mắt.
Thế rồi, khi tuổi đã cao, không còn sức để đi dẫn các con về mỗi khi có người đến báo, cụ Miên lại phải đi vay mượn tiền để xây hai chiếc buồng nhỏ có cửa sắt nhốt những đứa con tâm thần lại. Nói về việc này, cụ rơi nước mắt: "Mình thương con lắm nhưng không nhốt nó lại đi lang thang nhỡ bị làm sao thể mất con. Trước tôi với ông nhà còn khỏe thì mới đi tìm được, giờ tuổi cao lắm rồi, đành nhốt các cháu lại mà nuôi được ngày nào hay ngày ấy...".
Giờ đây, không nhờ vả được vào ai, hai cô con gái vào miền Nam lấy chồng thì cũng nợ nần khổ sở. Còn một anh con trai là Phạm Văn Cường cũng đã ngoài 40 tuổi nhưng chưa có vợ, thi thoảng lại nên cơn mất kiểm soát. Vì lí do đó mà trong một lần nhắc con đi khám, ông Lương đã ăn một nhát dao của đứa con, phải đưa đi cấp cứu. Cũng từ đó, hai vợ chồng không dám nói đến chữ "điên" trước mặt người con, ông Lương cũng phải dọn ra ngoài ở ngôi nhà của người con cả để lại vì sợ bị anh Cường hành hung. Tại đây, ông cũng xây một "buồng" để nuôi người con trai tâm thần, đỡ đần cho vợ.
Nước mắt trước cửa "buồng giam"
Chứng kiến những căn phòng nhỏ được xây theo kiểu "chuồng cọp" với cánh cửa sắt chắc chắn, khép kín và vệ sinh tại chỗ, tôi không khỏi ái ngại bởi mùi hôi nồng nặc bốc ra từ bên trong căn buồng. Cũng chẳng thể trách được hai cụ, tấm thân già 80 tuổi ấy chỉ mỗi việc kiếm tiền nuôi các con ngày ba bữa đã đủ vất vả lắm rồi. Lâu lâu hai cụ mới vệ sinh lại một lần nhưng chỉ sợ mở cửa vào dọn các con lại chạy mất. Đau lắm, thương lắm nhưng không biết phải làm thế nào, nhìn vào nơi nhốt các con, cụ Lương rơm rớm nước mắt nói: "Giờ chúng tôi còn thì phải cố mà kiếm đồng ra đồng vào nuôi các con, tuổi cao rồi nên làm được việc gì thì làm thôi. Vài năm nữa chết đi không biết chúng nó sống thế nào".
Nỗi đau của họ quả thật không thể thể hiện hết được qua từng câu chữ. Những câu nói của hai ông bà cụ như mang theo một sự lo toan trĩu nặng đè nén. "Nói gở, ông ấy mất thì tôi cũng khổ, còn tôi mất ông ấy cũng khổ. Giờ hai vợ chồng chẳng biết phải làm cách nào, xin cho các con vào trại tâm thần thì cũng thương các con vì giờ già rồi không vào thăm được nên đành phải tự nuôi. Ít nhất mình còn nhìn thấy chúng nó mỗi ngày..." cụ Miên cho biết.
Cô Nguyễn Thị Ngần - Hội phó Hội Phụ nữ thôn Đâu Kiên, một người thường xuyên qua lại giúp đỡ gia đình cụ Miên cũng cho biết: "Đây là một trường hợp khó khăn đặc biệt ở thôn, chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ hết mức về thuốc thang và trợ cấp đầy đủ cho các con của cụ theo như quy định. Hội Phụ nữ chúng tôi cũng tổ chức nhiều lần quyên góp để hỗ trợ gia đình hai cụ nhưng vẫn cần thêm nhiều sự giúp đỡ khác từ xã hội".
Cũng vì sự khó khăn nghiệt ngã và những nỗi đau mà hai vợ chồng già đã phải gánh chịu ấy, chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân đến với gia đình cụ Miên, giúp họ có thêm sức mạnh để chống chọi với giông bão cuộc đời.


theo cand.