PDA

View Full Version : Khi nhà văn không chỉ là kẻ đồng loã



khieman
06-14-2016, 02:06 PM
.


Khi nhà văn không chỉ là kẻ đồng loã
Phùng Nguyễn




http://pp2.s3.amazonaws.com/1e6c99f68a664dc6/764e0fec37c14845b63828e0ffcdfb6f.jpg (http://pp2.s3.amazonaws.com/1e6c99f68a664dc6/764e0fec37c14845b63828e0ffcdfb6f.jpg)


Nhà văn Phùng Nguyễn


Vài nét về tác giả

Nhà văn Phùng Nguyễn, tên thật Nguyễn Đức Phùng, sinh năm 1950. Đi lính năm 1968. Đến Hoa Kỳ năm 1984. Cao Học ngành Quản Trị Kinh Doanh. Làm việc trong ngành Tin Học tại California.

Bắt đầu viết từ năm 1994, đã cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, talawas.org, tienve.org, damau.org…


Chủ bút tạp chí Hợp Lưu (năm 2002). Đồng chủ trương tạp chí mạng Da Màu (2006). Chủ trương thư viện online Trên Kệ Sách (2008). Chủ trương Trung tâm ấn hành eBook Kệ Sách (2011). Phụ trách Blog Phùng Nguyễn: Rừng & Cây trên VOA (Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ)

Sách đã xuất bản: Tháp Ký Ức, nxb Văn, 1998; Đêm Oakland và Những Truyện Khác, nxb Văn, 2001



***



Trong bài tham luận “Khi kẻ đồng loã là nhà văn” [1] đăng trên diễn đàn Hội luận Văn học Việt Nam gần đây, tôi có đề cập đến vai trò và trách nhiệm của nhà văn (ở đây được sử dụng như là một từ chung cho nhà văn, nhà thơ, và các nghệ sĩ sáng tạo thuộc các bộ môn nghệ thuật khác) như là một nhân chứng quan trọng của lịch sử.

Cần phải nói thêm là vai trò này đòi hỏi không chỉ có trách nhiệm bảo vệ và xiển dương Sự Thật mà còn cần thiết phải lật mặt nạ, đưa ra ánh sáng những trá nguỵ, như là đối nghịch của Sự Thật, mà từ đó nọc độc văn hoá mọc ra như những chiếc vòi bạch tuộc âm độc. Tại sao điều này lại vô cùng cần thiết sẽ được trình bày dưới đây.

Tôi có niềm tin rất lớn vào lòng tự hào của nhà văn. Họ luôn muốn được xem như là một ngòi bút công chính, đầy lòng nhân ái. Chỉ có điều là không có mấy ai đạt được "cảnh giới" cao quý của lòng công chính thực sự. Có quá nhiều điều luôn rắp tâm kéo nhà văn xuống thấp, có khi thấp hơn cái mức độ cho phép. Đó là khi họ, vì một hay nhiều lý do, phải nín thở qua sông, phải viết điều không muốn viết, phải ca tụng điều không xứng đáng, phải báng bổ điều họ thực sự quý trọng. Họ buộc phải đứng về phía của kẻ mạnh. Nhưng cũng có khi, không phải luôn luôn là vô tình, họ chọn đứng cùng phía với những thế lực đen tối một cách tự nguyện, gieo rắc mầm độc hại xuyên qua việc xiển dương điều trá nguỵ. Chính là ở đây, nhà văn trở thành không chỉ là kẻ đồng loã.

Vào tháng 11 năm 2002, tôi có cơ hội đọc Đi tìm nhân vật[2]của Tạ Duy Anh trên mạng talawas. Tác giả của "Bước qua lời nguyền" nằm trong danh sách những ngòi bút ưa thích của tôi đã từ lâu. Tôi "khám phá" Tạ Duy Anh qua tập Truyện ngắn chọn lọc 1975-1990 [3]của Nhà xuất bản Văn Học in năm 1993 cùng lúc với Phạm Thị Hoài ("Chín bỏ làm mười") và Nguyễn Huy Thiệp ("Tướng về hưu"). Tôi theo dõi Đi tìm nhân vật một cách thích thú, cho đến gần hết chương 6. Cũng trong năm 2002, tôi có dịp đọc Cõi người rung chuông tận thế [4]của Hồ Anh Thái. Vào lúc bấy giờ, hình như ông là Chủ tịch Hội Nhà văn thủ đô Hà Nội. Ở một trang nào đó cũng nằm trong chương 6, tôi ngừng đọc. Nơi tôi đã dừng lại ở hai tác phẩm, có một điểm rất chung.

Phần trích dẫn dưới đây từ Đi tìm nhân vật đề cập đến sự tàn bạo của chiến tranh. Tôi không biết Tạ Duy Anh đã gặp những khó khăn nào trong việc cho ra đời cuốn sách này với phần diễn tả sự thống khoái bệnh hoạn của người lính bộ đội trong khi tàn sát lũ "lính nguỵ" và đám "nguỵ cái" dưới đây, nhưng tôi phải thú thực đã cảm thấy có sự khiên cưỡng trong tâm lý nhân vật:

"... Quân ta ào lên, bắt giết, đâm, giẫm đạp. Một mụ nguỵ cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa tắt hy vọng. Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế! Một thằng nguỵ bị mình xọc lê vào bụng, nghe ‘thụt’ một cái. Mình nghiến răng vặn lê rồi trở báng súng phang vào giữa mặt hắn. Hắn lộn một vòng, gồng mình giãy chết như con tôm sống bị ném vào chảo mỡ."


Đoạn kế tiếp là một xung đột đầy kịch tính, phục vụ cùng một mục đích: diễn tả sự tàn bạo của chiến tranh, trong đó người lính là con thú mắc bẫy. Người lính chọn ném đứa bé hai tuổi xuống ao nước cho chết đuối thay vì để nó, một cách chắc chắn, bị sát hại bởi "Mỹ nguỵ" sau đó. Bất kể có đồng ý với cách hành xử của người lính hay không, tôi ghi nhận nỗ lực của Tạ Duy Anh trong việc chuyên chở khá thành công điều xem chừng như một nghịch lý: những tư duy nhân bản có khi được thể hiện dưới những dạng tàn bạo nhất. Đoạn này chấm dứt như sau:

"Hai ngày sau bọn địch phản công. Cả trung đội mình bị băm nát. Thằng Thiết bị đạn găm đầy mình, vừa đưa tay ấn ruột vào, vừa bóp cò. Bọn nguỵ ào lên như lũ quỷ, quyết bắt sống thằng Thiết. Như sau này anh em trinh sát kể lại, chúng quay thằng Thiết như quay một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội. Nó đã hy sinh như một người anh hùng trên chiến trận."

Dưới đây là đoạn trong chương 6 của Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc:

"Hùng lao người bơi xuôi theo dòng suối tương đối cạn, xa hẳn chỗ Hoa đang nấp. Lũ thám báo văng tục chạy men bờ đuổi theo. Có những chỗ suối cạn không bơi được, Hùng phải chạy. Bốn tên thám báo nhảy chồm chồm trên những tảng đá giữa lòng suối, rồi quây được Hùng vào giữa. Anh quật ngã một thằng. Nó cắm đầu xuống nước, không thấy động đậy gì. Nhưng những thằng kia đã xúm lại. Chỉ một lát sau, chúng đã lôi xềnh xệch Hùng lên bờ. Thân thể anh bầm dập đẫm máu. Chúng đấm đá túi bụi để lấy cung cho tới khi anh ngất đi. Anh tỉnh lại, chúng đánh tiếp. Hoa hiểu vì sao chúng không dùng đến súng. Chúng cũng không muốn gây ra tiếng nổ ở vùng rừng này.

Cuối cùng, điều Hoa không ngờ đã tới. Cô chỉ nghĩ rằng bọn thám báo sẽ lôi Hùng đi làm tù binh để tiếp tục lấy khẩu cung. Nhưng thằng cầm con dao găm của anh đã cúi xuống rạch một đường thành thạo trên bụng Hùng. Anh quằn quại hét lên một tiếng rùng rợn. Ở trên cao, Hoa nghiến chặt răng gần như ngất đi. Hai thằng kia đè chặt chân tay Hùng cho thằng mổ bụng moi tim gan ra. Chúng nổi lửa nướng tim gan ăn ngay tại chỗ. Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng chắc là cấp cao hơn."




Tạ Duy Anh là nhà văn có tay nghề cao. Chỉ cần một câu ngắn, "... chúng quay thằng Thiết như quay một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội", ông đã làm được nhiều việc.

Trước hết ông xác lập "thực tế" dựa vào cung cách diễn đạt ngắn, gọn như một mệnh lệnh của cấu trúc câu. Người đọc không có thì giờ, và do đó, cơ hội để hoài nghi khẳng định của ông.

Thứ đến, ông "tầm thường hoá", không phải bản chất và mức độ tàn độc mà là sự hiện hữu và khả năng tái diễn của, một tội ác khủng khiếp bằng cách nói về nó một cách thản nhiên như đang nói về một sự kiện vô cùng bình thường, cho dù có trông đợi hay không, sẽ chắc chắn xảy ra một cách đều đặn và tự nhiên như người Hà Nội sẽ tiếp tục đi ăn chả cá Lã Vọng.

Sau hết, ông xác định "ranh giới" của những tội ác được phép xảy ra: tất cả những gì khác hơn việc ăn thịt đồng loại, và trong Đi tìm nhân vật, đó là những tội ác xảy ra trước và sau câu văn ngắn gọn nói trên!

Không giống như những đoạn trích dẫn ở trên, Tạ Duy Anh xây dựng đoạn này một cách thoải mái và tự tin, tôi có thể hình dung. Ông không hề ngay cả trong một sát na hoài nghi điều mình viết xuống. Bởi vì "lính nguỵ ăn thịt người" là "điều có thực", cũng thực như mặt trời sẽ mọc ở hướng Đông vào mỗi buổi sáng. Ông không phải hư cấu, và ông yên tâm vô cùng.

So với câu văn nói trên của Tạ Duy Anh, có người sẽ bảo ít nhất Hồ Anh Thái đã bỏ công "hư cấu" đoạn tôi trích dẫn từ Cõi người rung chuông tận thế. Tôi e rằng mình không thể đồng ý với nhận định này. Nhân nhượng lắm thì tôi sẽ chấp nhận câu "Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng chắc là cấp cao hơn" là một công trình hư cấu bởi vì nó có thể đã được chuyển hoá từ kinh nghiệm ứng xử trong đời thường của chính tác giả.

Phần còn lại là một sao chép vụng về và mâu thuẫn từ một điều đã nghe/đọc/nhặt từ một hay nhiều nơi nào khác. Sao chép? "Thám báo nguỵ" và "ăn thịt người" luôn luôn là cặp bài trùng trong “cổ tích dân gian” kể từ hậu bán thế kỷ 20! Mâu thuẫn? Trong đoạn văn trích dẫn ở trên, có hai chi tiết không ăn khớp:


1 - Hoa hiểu vì sao chúng không dùng đến súng. Chúng cũng không muốn gây ra tiếng nổ ở vùng rừng này.
2 - Chúng nổi lửa nướng tim gan ăn ngay tại chỗ.

Tất nhiên Hồ Anh Thái chưa từng ở hay đưa trí tưởng tượng của mình vào cái khung cảnh ông đang diễn tả như là một người lính, thám báo “nguỵ” hay trinh sát “Việt cộng.” Cho nên ông không chỉ rón rén mồi lửa mà "nổi lửa" nướng thịt người và trong cùng một lúc lại rất cẩn thận không dùng đến súng vì sợ gây tiếng động!

Ông không hề biết gì về khoảng cách và tốc độ mà khói và mùi thịt [người?] cháy khét có thể đạt đến! Tôi ngạc nhiên là những tên “thám báo nguỵ” này đã không ăn… sống nhân vật Hùng, vốn có thể làm cho câu chuyện trôi chảy hơn! Khi Jorge Amado, trong "Phép lạ của bầy chim" [5] , tả Ubaldo Capadócio cu dái lòng thòng bay lên trời cùng với bầy chim đủ loại [một cách rất đáng tin], đó là hư cấu. Cần phải dùng đến một từ khác để diễn tả chính xác hơn công trình "sáng tạo" của nhà văn Hồ Anh Thái.

Không thể nói là tôi đã không cảm thấy xúc phạm ở cương vị một người lính của Quân lực Việt Nam Cộng hoà, một tập thể nay đã thuộc về lịch sử, và trên hết, như là một người Việt Nam khi đọc những đoạn trích dẫn nói trên.

Cái huyền thoại "lính nguỵ ăn thịt người," đối với tôi, là chuyện láo khoét, bắt đầu với những tuyên truyền dối trá vào những thời điểm rất sớm trong chiến tranh, và trong khi vô cùng bẩn thỉu khi xét trên các phương diện văn hoá và đạo đức, đã được áp dụng triệt để với mưu đồ gán ghép cái đầu ác thú lên thân thể của kẻ thù. Những tuyên truyền láo khoét và vô đạo đức này, bất kể xuất phát từ bất cứ từ phe nào, nếu có ai đó cho rằng cần thiết trong giai đoạn chiến tranh, lẽ ra phải được chấm dứt và mầm độc của nó phải được hoá giải ngay lập tức vào ngày hôm sau của ngày tàn cuộc chiến. Điều này đã không hề xảy ra, và càng tệ hơn nữa, điều trá nguỵ được tiếp tục củng cố, nuôi dưỡng không chỉ bởi những đầu óc ngu muội mà còn bởi những người mà dựa vào chức năng của họ, trí tuệ và khả năng tư duy phải vượt trội hơn những tầng lớp khác trong xã hội. Tôi muốn nói đến nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ sáng tác, và trong một giới hạn nhất định, trí thức.

Những người vẫn đang tin tưởng vào huyền thoại "lính nguỵ ăn thịt người" (hoặc những huyền thoại ghê rợn nhắm vào phe này hay phe kia trong cuộc chiến) sẽ nhảy lên đòi tôi trưng ra bằng chứng về sự "vô tội" của họ. Bằng chứng? Trách nhiệm đưa ra bằng chứng thuộc về kẻ buộc tội, phe công tố, những người đã dựng lên câu chuyện hoang đường này trước tiên, những người nay hoặc đã qua đời hoặc quá hèn nhát để đứng ra thú nhận tội ác làm ô nhiễm văn hoá dân tộc của mình. Về phần mình, tôi không có bằng chứng nào hết! Nói cách khác, bằng chứng của tôi về sự láo khoét và vô đạo đức của cái gọi là "lính nguỵ ăn thịt người" chính là sự thiếu vắng bằng chứng về cái tội ác vượt quá ranh giới giữa người và thú được đổ lên đầu cái tập thể bất hạnh này. Những người đã, đang, và sẽ tiếp tục tin tưởng, viết xuống, hoặc nói về cái tội ác tưởng tượng này, có trong tay mình những gì?

Có bao nhiêu chứng cớ cụ thể hoặc có thể kiểm chứng được về "lính nguỵ ăn thịt người" trong những phòng trưng bày "tội ác Mỹ nguỵ" trên cả nước? Hình ảnh? Tên tuổi nạn nhân? Ngày tháng, nơi chốn? Nhân chứng? Đã có những kết quả nào đến từ nỗ lực của nhà nước sau chiến tranh trong việc tầm nã hung thủ để thực thi công lý? Bao nhiêu phiên toà đã được dựng lên để xét xử những con "ác thú kinh tởm" này? Bọn chúng gồm những ai, tên tuổi, ngày tháng tội ác xảy ra, bản cung khai? Tôi e rằng không có bằng chứng nào hết ngoài những lời kể lể ỉ ôi đi kèm với những thề thốt long trọng về sự chân thực của những câu chuyện bịa đặt! Vạn nhất nếu có, và điều này vô cùng quan trọng, sẽ là vô cùng hiếm hoi và vô cùng cá biệt, không bao giờ đủ để bất cứ một ai có thể gán ghép những tội ác phi nhân tính này như là một thuộc tính lên bất cứ một tập thể, một nhóm người nào hết.

Trong một bài viết cách đây không lâu nhằm phân tích tiểu luận "The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction" [6] của “nhà thơ có tác phẩm nằm trong danh sách 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20” Nguyễn Bá Chung, tôi có đề cập đến vấn đề tương tự và áp dụng cho giới trường ốc Âu Mỹ, xin được trích dẫn ở đây:

"Làm thế nào để chúng ta có thể dễ dãi đến độ cẩu thả với chính mình như thế và trong cùng một lúc lại có cái nhìn vô cùng nghiệt ngã đối với người khác? Tôi cho rằng sự lười biếng có phần đóng góp không nhỏ trong đó. Chúng ta tránh, càng nhiều càng tốt, kiểm tra những 'thực tế’ đã được công nhận bởi đa số. Tệ hơn nữa, sự lười biếng cho phép chúng ta không chỉ chấp nhận mà còn áp dụng những 'thực tế’ này cho những điều tương tự hoặc có vẻ tương tự. Chúng ta lười biếng đến độ không thèm tự hỏi mình nếu bánh xe có hình tròn, liệu mọi hình tròn có phải là bánh xe hay không? Liệu trung uý William Calley, người chịu trách nhiệm tối hậu cho cuộc tàn sát Mỹ Lai năm 1968, có biến tất cả quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam trở thành những kẻ giết người hàng loạt? Liệu những kẻ chủ sự trong vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế có biến tất cả đảng viên cộng sản Việt Nam thành tội phạm chiến tranh? Liệu Jeffrey Dahmer[7] có biến dân tộc Mỹ thành bọn mọi ăn thịt người? Hoặc giả chỉ có người Mỹ tư bản và người Việt cộng sản mới được hưởng quyền đặc miễn tài phán?"

Có người sẽ bực bội nếu tôi bỏ qua/không bỏ qua những thước phim ghi lại giây phút tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan bắn bỏ một tù binh cộng sản giữa thanh thiên bạch nhật. Hành động này, bất kể động cơ thúc đẩy, là một tội ác khó thể biện bạch và đã biến Nguyễn Ngọc Loan thành một người vô cùng nổi tiếng và đồng thời một mục tiêu của chỉ trích và lên án trong và sau chiến tranh Việt Nam. Bên cạnh việc chà đạp lên công ước quốc tế về tù binh, coi rẻ mạng sống con người, hành động thiếu suy xét ở cương vị một tướng lãnh, Nguyễn Ngọc Loan còn bắt cả một tập thể vô cùng đông đảo phải trả giá cho hành động không thể bào chữa của một cá nhân riêng lẻ. Quân lực Việt Nam Cộng hoà, trong mắt của công luận thế giới từ sau biến cố đáng tiếc này, là một tập thể tàn bạo, giết người như ngóe! Đây là hiệu ứng độc hại nhất và khắc nghiệt nhất của “guilty by association”, tạm dịch một cách vô cùng lỏng lẻo là “con sâu làm rầu nồi canh”. Trên thực tế, trong suốt cuộc chiến tranh mười ngàn ngày, có bao nhiêu người lính miền Nam đã thực sự cầm súng hạ sát một người không có tấc sắt trong tay? Chắc là có, nhưng nhất định không ở cái mức độ để được gọi là "tàn sát” (massacre). Bởi vì không phải họ ở Mỹ Lai, Thanh Phong. Không phải họ ở Huế, vào dịp Tết!

Cũng không phải Hoàng Phủ Ngọc Tường, nếu chúng ta có thể tin vào lời tuyên bố của ông. Bất kể oan ưng, Hoàng Phủ Ngọc Tường là người may mắn. Ông được chiếu cố, được bào chữa, hoặc ít nhất, được cho cơ hội để biện minh, để được soi rọi. Một Ngô Minh viết bài minh oan. Một Nguyễn Đức Tùng tặng thơ, ước mơ xây nhà máy lọc để biến nước thành thuỷ tinh trong vắt cho chúng ta có thể nhìn thấy Lư Sơn chân diện mục. Đã có bao nhiêu nỗ lực tương tự dành cho những oan khuất, những ngộ nhận đến từ sự trá nguỵ phủ chụp lên đầu một hay nhiều tập thể bất hạnh khác chỉ vì thế đứng của họ trong cuộc tranh chấp áp đặt lên số phận của dân tộc bởi những thế lực ngoại lai? Tôi không nghe tiếng trả lời!

Hoặc giả chỉ có văn nghệ sĩ mới có đặc quyền được lên tiếng và được lắng nghe? Tôi e rằng điều này không xa lắm với thực tế. Nhà văn nhà thơ, bất kể ở phía nào của cuộc tranh chấp, quả thực có một số đặc quyền nhất định, trong đó có quyền, cùng với thời gian và cùng với lịch sử, được xem xét, phê phán, minh oan, và phục hồi. Có bao giờ họ tự hỏi cái đặc quyền này đến từ đâu, bởi vì cái gì. Có bao giờ họ nhận ra đặc quyền này thực ra là một trách nhiệm, một nghĩa vụ đến từ kỳ vọng chính đáng của lịch sử và của xã hội về họ, dựa trên chức năng cao quý của họ, như là một nhân chứng trung thực và công chính của đời sống, và đời sống ở đây không chỉ là đời sống ngắn ngủi và riêng tư của chính họ. Rất đáng tiếc, rất mỉa mai nếu cái đặc quyền này chỉ để phục vụ cho riêng bản thân của họ! Như Wiesel, trích dẫn trong bài tham luận xuất sắc “Hội nhập và nơi chốn” [8] của Đặng Thơ Thơ, đã viết: “Nhân chứng bắt buộc chính mình phải cung khai. Cho tuổi trẻ hôm nay, cho những đứa bé sẽ sinh ra ngày mai. Hắn không thể để quá khứ của hắn trở thành tương lai của những thế hệ sau.”


*

Bài viết này hoàn toàn không phải để bào chữa cho bất cứ tội ác nào của bất cứ phe phái nào trong chiến tranh hoặc trong bất cứ bối cảnh nào khác. Tôi không hề nghi ngờ cái sự thực là đã có những tội ác ghê rợn xảy ra trong chiến tranh Việt Nam xuất phát từ những động cơ cá nhân hay từ chính sách của một hay nhiều phe tham chiến nhân danh những điều cao quý nhất hoặc tệ hại nhất. Tôi là một trong số những người viết hiếm hoi ở hải ngoại đã quan tâm và lên án Bob Kerry, vào năm 2002 là thượng nghị sĩ liên bang Hoa Kỳ, về vụ thảm sát ở làng Thanh Phong[9] tháng 12 năm 1969 bởi toán người nhái hải quân Mỹ do ông cầm đầu (Có thể xem Thanh Phong như là một "mini" Mỹ Lai về số lượng nạn nhân (21) cũng như về tầm phổ biến trên các mạng truyền thông). Tôi tán thành việc truy nã và đưa ra trước công lý những tội phạm chiến tranh, bất kể thuộc về phe tham chiến nào, và buộc họ phải trả giá cho những tội ác họ đã thực hiện trong quá khứ, tương tự như thế giới vẫn đang truy tầm và kết án những hung thủ sống sót từ Đệ nhị Thế chiến. Nhưng tôi chống lại âm mưu liên kết tội ác cá nhân với tập thể liên hệ với mưu đồ bôi đen hình ảnh của tập thể đó. Tôi lên án những chính sách, những cử chỉ trá nguỵ ví dụ như "khoan hồng", "tha thứ" một người hoặc một tập thể về những tội ác tưởng tượng gán ghép cho họ và trong cùng một lúc, tiếp tục bằng cách này hay cách khác nuôi dưỡng và bơm đẩy những vi khuẩn độc hại vốn phát khởi và tăng trưởng từ trá nguỵ vào mạch máu văn hoá của dân tộc. Bởi vì, tầm tác hại của nọc độc văn hoá gây ra bởi những chính sách gian trá này vô cùng lớn lao ở cả ba chiều kích, rộng, dài, và sâu!

Chính vì bài viết này nhắm vào trước hết giới cầm bút, như đã được định nghĩa ở trên, "những người mà dựa vào chức năng của họ, trí tuệ và khả năng tư duy phải vượt trội hơn những tầng lớp khác trong xã hội", tôi hy vọng mình sẽ không phải kể lể, lý luận dông dài về những điều tôi muốn đề cập về ba chiều kích mà tầm tác hại của nọc độc văn hoá có khả năng chạm đến. Tôi tin rằng nhà văn, với khả năng phân tích tình cảm nhân vật và phản ứng tâm lý của người đọc, sẽ không khó hình dung những tác hại về phương diện tâm lý mà những huyền thoại kiểu "lính nguỵ ăn thịt người" gây ra cho tập thể "lính nguỵ" và những thành viên của gia đình họ. Điều gì sẽ xảy ra nếu con cái của "lính nguỵ" tin rằng họ, trong một thời điểm nào đó của quá khứ, đã thực sự ăn thịt người? Tôi e rằng mầm tác hại đã lan rộng và xa hơn tầm kiểm soát, và sâu hơn cả những toan tính/mưu đồ ác độc của những kẻ chủ mưu.

Nếu điều tôi trình bày ở trên vẫn chưa đủ, hãy cùng nhau thử một điều khác, theo đề nghị của Đặng Thơ Thơ, cũng từ "Hội nhập và nơi chốn?", "... chúng ta nên hoán vị cho nhau, đi vào đôi giầy của nhau, để những nỗi đau không tương phản mà nhập một." Bắt đầu như thế này, cứ cho rằng người Việt Nam từ Bắc chí Nam, lúc chào đời tâm hồn trắng như tờ giấy. Người miền Nam vì kém may mắn nhiễm phải nọc độc văn hoá đồi truỵ "Mỹ nguỵ", khi lớn lên đi lính giết hại nhân dân và ăn thịt người, đặc biệt thịt bộ đội. Trong khi đó, ở miền Bắc, dưới ánh sáng quang vinh của Bác và Đảng, thanh niên lớn lên xung phong đi bộ đội chống Mỹ cứu nước, luôn trung với Đảng và hiếu với dân, chỉ ăn lương khô. Giả thiết này đối với một số người xem ra có vẻ chấp nhận được. Số còn lại thì nhất định đang nhướng một hoặc cả hai hàng chân mày, và có lẽ không chỉ có vậy! Hãy kiên nhẫn để tiếp tục với phần kế tiếp của giả thiết. Thay vì sinh ra ở miền Bắc, toàn bộ cái tập thể anh hùng đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước này "bị" sinh ra ở miền Nam. Câu hỏi cho cái tập thể trên thực tế đã sinh ra ở miền Bắc nay "bị" sinh ra ở miền Nam trong giả thiết của tôi rất đơn giản, có bao nhiêu trong số họ lớn lên đi lính giết hại nhân dân và ăn thịt bộ đội? Dĩ nhiên là cũng nhiều bằng số người thực sự sinh ra ở miền Nam cho mỗi thể loại, "đi lính”, "giết hại nhân dân", và "ăn thịt bộ đội". Nói lại cho đúng: cũng nhiều bằng số người tin vào cái huyền thoại "lính nguỵ ăn thịt người". Yêu cầu còn lại là những nhà văn nhà thơ, kể cả Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái, một cách tình cờ "bị" nằm trong giả thiết này, xin vui lòng giúp tôi hình dung ra cảm giác của "mình" mỗi khi nghe, đọc về cái gọi là "lính nguỵ ăn thịt người." Tôi biết quý vị có thể làm được điều này, quý vị là nhà văn, chuyên trị việc chơi đùa với cảm giác của nhân vật và của người đọc!

Cái giả thiết “thú vị” ở trên dành cho việc đo lường sự tác hại về chiều sâu của những nọc độc văn hoá. Chúng ta vẫn phải tiếp tục thảo luận về những tác hại ở chiều rộng và dài. Theo cung cách cái huyền thoại/tín điều "lính nguỵ ăn thịt người" được phổ biến và tin tưởng trong các tầng lớp quần chúng bao gồm các thế hệ già trẻ và đặc biệt trong giới làm văn học/văn hoá ở Việt Nam trong mấy mươi năm qua, tôi cho rằng huyền thoại này đã hội đủ điều kiện về số đông cần thiết (“critical mass”, Wikipedia tiếng Việt dịch là “khối lượng tới hạn”) để trở thành một thuộc tính của "lính nguỵ", nghĩa là "lính nguỵ" thì đương nhiên là ăn thịt người, tương tự như lá cây có màu xanh hoặc chim thì bay và cá thì lội! Tiếp tục "tư duy" theo chiều hướng này, bởi vì tập thể "lính nguỵ" có đến hàng triệu người, "ăn thịt người" nhất định phải trở thành thuộc tính của người Việt Nam ở phía Nam, và sau đó là của cả nước. Xin được long trọng tuyên bố, Việt Nam, quê hương tôi, xứ sở của bọn ăn thịt người!

Về tác hại đường dài, có lẽ không cần phải dài dòng. Người Mỹ đã ngưng rải chất độc da cam lên đồng ruộng quê hương ta ngay cả trước khi chiến tranh chấm dứt, nhưng việc xuất hiện những trẻ sơ sinh quái thai, hậu quả của hoá chất độc hại này, vẫn chưa thấy chấm dứt. Trong khi đó, người Việt tiếp tục nuôi dưỡng và phun nọc độc vào nhau sau hơn ba thập kỷ. Đường xa vô tận!


*

Chúng ta thường nghe nói rất nhiều về những nọc độc văn hoá do tàn dư Mỹ nguỵ để lại. Chúng ta không hề nghe nói về điều tương tự ở phía những kẻ thắng trận. Điều này có thể hiểu được, kẻ thắng được quyền viết lịch sử, bên cạnh những đặc quyền khác, kể cả quyền nuôi dưỡng những nọc độc văn hoá do chính mình tạo ra. Tôi sẽ không ngạc nhiên nhiều lắm, cho dù vẫn tiếp tục cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, nếu một ông A bà B nào đó vẫn tiếp tục bám vào huyền thoại "lính nguỵ ăn thịt người". Tôi hiểu được hiệu quả của "tẩy não" hoặc của tuyên truyền nhồi sọ theo kiểu Đức Quốc xã. Nhưng tôi sẽ vô cùng ngạc nhiên, vô cùng thất vọng, và vô cùng bị xúc phạm nếu người đó là một nhà văn, một ngòi bút tài năng. Tôi đánh giá cao và do đó kỳ vọng nhiều vào văn nghệ sĩ, đặc biệt văn nghệ sĩ sáng tạo. Họ làm đẹp đời sống. Họ mang chúng ta đến gần với Chân, Thiện, Mỹ. Họ, trong nhiều trường hợp, là hy vọng và ngay cả là lương tâm của xã hội, đặc biệt trong những xã hội mà lương tâm bị què quặt hoặc hoàn toàn vắng bóng. Họ không thể là đồng loã của bóng tối, gieo rắc trá nguỵ, gieo rắc những nọc độc văn hoá vốn sẽ còn ở lại rất lâu sau khi họ ra đi vĩnh viễn. Đây là một điều ghê rợn, chỉ để nghĩ tới!

Việc lựa chọn trích dẫn Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái trong số nhiều tác giả viết về những điều dựa trên những "tín điều" mọc ra từ sự trá nguỵ không hề là chuyện ngẫu nhiên. Lại càng không phải đến từ ác ý. Vào năm 2002, tôi không tin rằng Tạ Duy Anh hoặc Hồ Anh Thái đã bị cưỡng bách hoặc khuyến dụ bởi nhà nước để viết về những điều trá nguỵ kể trên. Cả hai đều viết về "lính nguỵ ăn thịt người" một cách tự nguyện, và đã không hề đặt câu hỏi về sự chân thực của điều họ đang rao giảng. Sách của Hồ Anh Thái được tái bản vào năm 2004, phần đã khiến tôi ngưng không đọc tiếp vào năm 2002 vẫn còn nguyên trong ấn bản mới. Tôi không rõ lắm về khả năng phổ cập của Đi tìm nhân vật, nhưng tôi có thể phát biểu một cách an toàn là cách suy nghĩ của hai tác giả này về huyền thoại/tín điều "lính nguỵ ăn thịt người" đã không hề thay đổi. Cho đến thời điểm này của năm 2008, đã không có ai trong số họ lên tiếng cải chính về điều đã viết xuống. Tất cả những dấu hiệu ở trên mang một nội hàm quan trọng: Không hề có một nỗ lực nào để đánh giá lại kẻ thù cũ, hoặc nói cho đúng hơn, đánh giá lại cái nhìn của chính mình lên kẻ thù cũ. Tôi e rằng điều này không chỉ đúng cho Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái, và không chỉ đúng cho "phía" Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái!

Bằng cách phủ nhận tư cách và trách nhiệm nhân chứng lịch sử của mình, nhà văn phải đồng thời chấp nhận cái nguy cơ trở thành kẻ đồng loã với những thế lực đen tối. Bằng cách nuôi dưỡng và gieo rắc mầm độc hại phát khởi từ trá nguỵ vào mạch văn hoá dân tộc, bất kể vì vô tình hay cố ý, nhà văn trở thành không chỉ là kẻ đồng loã. Đây là một kết luận u ám, nhưng tôi không chắc là mình có được một lựa chọn nào khác.

Sẽ không công bằng với Tạ Duy Anh nếu tôi không đề cập đến nỗ lực đánh giá lại văn hoá và truyền thống trong tác phẩm của ông. Nỗ lực này được tìm thấy ở chương 5 của Đi tìm nhân vật, ở đó, thông minh và tinh quái, tác giả "biến thành thằng phi lịch sử, kẻ vong ân, đứa qua mặt các cụ" bằng cách công kích giá trị văn hoá của một số truyện cổ tích, ngụ ngôn ưa thích nhất của Việt Nam như "Rùa chạy thi với thỏ", "Trí khôn của ta đây", "Tấm Cám", và "Mỵ Châu - Trọng Thuỷ". Tôi đọc phần này lần đầu với sự cảm phục. Tạ Duy Anh có đủ các đức tính cần thiết của một nhà văn mà độc giả và xã hội kỳ vọng; ông sở hữu một khả năng tư duy nhạy bén, sáng suốt, và ngòi bút ông có đủ dũng khí để tấn công những thành trì kiên cố nhất của thiên kiến và lạc hậu: truyền thống văn hoá. Cảm giác khi đọc lại phần này sau khi đọc chương 6, là chua chát và nuối tiếc. Không lẽ chỉ có những nọc độc văn hoá cổ xưa, những điều đã từ lâu trở thành một phần máu thịt của văn hoá dân tộc mới cần được soi rọi và tái thẩm định? Không lẽ những mầm văn hoá độc hại tươi mới đang làm ô nhiễm mạch văn hoá dân tộc ngày và đêm và những oan khiên thống hận đang rỉ máu của những người còn sống và của con cháu họ không đáng được quan tâm? Tại sao người ta có thể, một cách ý thức, bước vào cái vũng lầy mà chính mình đã muốn cứu vớt kẻ khác ra khỏi chỉ vài trang giấy trước đó?


*

Những đều viết xuống ở đây, kể cả phần trích dẫn từ tác phẩm của Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái (trong số rất nhiều trường hợp tương tự) là một nỗ lực biện minh cho sự cần thiết của vai trò "nhân chứng của Sự Thật" của nhà văn với những dẫn chứng cụ thể, những điều có thực và luôn phơi bày trước mắt mọi người nhưng vì một hay nhiều lý do bí ẩn nào đó được đối xử như là vật vô hình vô tướng hoặc một thứ "cấm kỵ“ (taboo) không nên dây vào. Bằng cách nhắm mắt quay lưng, giả vờ không nhìn thấy và hy vọng vấn đề sẽ tự biến đi, người ta đang lừa dối chính mình một cách ngây ngô.

Tôi tin chắc ngộ nhận và trá nguỵ đã không chỉ đến từ một phía trong các phe tham chiến, và tác hại của chúng cũng không chỉ dành riêng cho phe phái nào. Trong hồi ký “Tố khổ Văn chương” ở Sài Gòn: Tiền đồn, Đoạn đường chiến binh,” [10] nhà văn Thế Uyên có nhắc đến việc buộc phải gọi "thằng huyện uỷ," "con du kích" trong sách của mình để Tiền đồn được xuất bản. Rõ ràng việc gọi nhau “thằng này con nọ” đã được chính quyền ở cả hai miền Nam Bắc trong thời chiến đưa lên hàng quốc sách, và xuyên qua việc này, đã có những cống hiến vô cùng to lớn trong việc biến Việt Nam trở thành đất nước của một lũ mất dạy! Vào những ngày này của năm 2008, mời bạn đọc vào truy cập các khoá chữ "tội ác Mỹ nguỵ" và "tội ác Việt cộng" ở phần tiếng Việt của Google để có được một ý niệm ban đầu, cái phần nổi của tảng băng sơn, của vấn nạn đang được thảo luận ở đây.

Bắt đầu với việc "giải ảo" và tháo gỡ nọc độc văn hoá "lính nguỵ ăn thịt người" đối với tôi là một lựa chọn cần thiết bởi vì mức độ nghiêm trọng và sự thách thức của huyền thoại/tín điều này. Trong tất cả những cây trái độc nằm rải rác trên mảnh vườn văn hoá Việt Nam, đây là một trong những mũi gai độc địa nhất, nhức nhối nhất, cần phải nhổ bỏ càng sớm càng tốt. Những người đã và đang là nạn nhân của những “cây gai độc” nói trên và đang chủ trương chính sách “đào sâu chôn chặt” với hy vọng rồi những điều tàn tệ như thế này sẽ lặng lẽ tan biến cùng thời gian thực ra đang vô tình trao tặng con cháu mình một di sản của ô nhục. Những vết nhơ văn hoá/lịch sử này sẽ cùng với thời gian đang trở thành một thực tế lịch sử không thể đảo ngược, và sẽ không dễ dàng bị quên lãng. Hãy thử thảo luận với hậu duệ nhà Mạc về một sự kiện lịch sử đã xảy ra ở Ải Nam quan và liên quan đến Mạc Đăng Dung hơn 400 về trước và áp dụng kinh nghiệm từ cuộc đối thoại này lên con cháu đời sau của chính mình. Mặt khác, những người, trong quá khứ, vô tình hay cố ý, đã bám vào sự trá nguỵ để gây thương tổn kẻ khác bằng ngòi bút, vốn lẽ ra phải dành cho điều ngược lại, chắc chắn đã để lại những vết trầy xước trong lịch sử và văn hoá dân tộc. Tôi hy vọng họ sẽ nhận thức được tầm độc hại của điều đã thực hiện và nhanh chóng bắt đầu công trình “giải độc”, trước hết cho chính mình.

Phá đổ một tín điều, tháo gỡ một nọc độc văn hoá không hề là điều dễ dàng. Đây là một điều vô cùng khó khăn, thậm chí đau đớn. Đau đớn ngay cả chỉ để nói đến. Nhưng vẫn phải nói, trong đau đớn, một cách đau đớn. Bởi vì, trích từ “Hoà giải phẫu” của Phan Nhiên Hạo, "đây là sự đau đớn không tránh khỏi trong giải phẫu chữa trị bệnh di căn."

Tôi hy vọng các nhà văn thân mến của chúng ta sẽ "sống sót" bài viết này. Họ sẽ biết mình phải làm gì với tư cách nhân chứng của Sự Thật. Hãy cầu chúc họ sức khỏe, nghị lực, và những điều tốt đẹp khác. Bởi vì họ là, nếu không phải tất cả, sự bắt đầu của hy vọng của chúng ta về một tương lai trong đó quá khứ của chúng ta KHÔNG là niềm ô nhục của thế hệ mai sau.

© 2008 talawas


[1]“Khi kẻ đồng loã là nhà văn”, tham luận, Phùng Nguyễn -http://hoiluan.vanhocvietnam.org/?p=146
[2]Đi tìm nhân vật, tiểu thuyết, Tạ Duy Anh -http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=453&rb=08 (11/2002)
[3]Truyện ngắn chọn lọc 1975-1990, tuyển tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1991
[4]Cõi người rung chuông tận thế, tiểu thuyết, Hồ Anh Thái, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2004 (tái bản)
[5]“The Miracle of the Birds”, Truyện ngắn, Jorge Amado, trích từ tuyển tập A Hammock Beneath the Mangoes, Dutton Book, 1991
[6]‘Đọc "The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction" của Nguyễn Bá Chung’’, tiểu luận, Phùng Nguyễn -http://damau.org/index.php?option=com_content&task=view&id=1527&Itemid=10171
[7]Jeffrey Dahmer, người Mỹ, giết người hàng loạt và ăn thịt nạn nhân -http://en.wikipedia.org/wiki/Jeffrey_Dahmer:
[8]“Hội nhập và nơi chốn?”, tham luận, Đặng Thơ Thơ - http://hoiluan.vanhocvietnam.org/?p=135
[9]Thanh Phong Massacre, Reference, http://en.wikipedia.org/wiki/Bob_Kerrey#Thanh_Phong_Massacre
[10]“Tố khổ văn chương ở Sài Gòn”, Hồi ký, Thế Uyên -http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=12447&rb=0505

_http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12752&rb=0102