View Full Version : Trông Về Quê Mẹ
giavui
12-18-2014, 12:09 AM
Trông Về Quê Mẹ
Kim Hài
http://i796.photobucket.com/albums/yy249/hangnga_01/TrongVeQueMe_resize.jpg
LOẠI HOA XANH: tình cảm nhẹ nhàng (gia đình, bạn bè).
Chương 1
Phiên ngồi dựa vào lưng mẹ, quay mặt về phía vách. Ánh lửa hắt ra từ cái bếp lớn làm bằng đất sét nặn soi chập chờn chiếc bóng phóng lớn của hai mẹ con. Gió từ ngoài sân thổi vi vút qua những khe hở lẫn tiếng xào xạc của những tàu lá chuối khô chạm nhau ngoài vườn. Cơn buồn ngủ chỉ muốn dẫn Phiên vào những giấc mộng như thường lệ, có chăn ấm, và vòng tay mẹ ôm kín. Nhưng mỗi lần tấm lưng mềm của mẹ nhô lên, thụp xuống là mỗi lần Phiên tỉnh người, lòng rưng rưng. Mẹ đang khóc. Phiên cũng yên lặng . Nỗi đau không lời đã dịu trong lòng Phiên từ lúc chiều, sau một chuỗi khóc dài và lớn. Bây giờ chỉ còn lại cơn buồn làm mềm lòng Phiên khi cảm biết mẹ đang đau khổ thầm. Phiên không dám quay hẳn người lại ôm lấy mẹ an ủi Người. Phiên cũng không dám động mạnh dù lưng đã mỏi, và hai mông đau cứng. Mi mắt Phiên phồng nặng đầy ắp nước , những giọt nước mắt chỉ muốn tràn khỏi mi, trào ra hai lỗ mũi.
Ngày mai này Phiên đã đi , xa mẹ, xa căn nhà quen thuộc, ngôi trường cũ kỹ thân yêu, con đường mòn bóng mát bốn mùa. Rồi ai sẽ chăm nom mẹ ? Rồi ai sẽ đỡ đần mẹ từng gánh nước trĩu nặng ? Mẹ có buồn, có khóc đến tràn sông, khóc như cơn mưa rào tháng chín, Phiên cũng không biết. Ở nơi xứ xa Phiên bơ vơ, Phiên thương nhớ. Ai vá cho Phiên những khuy đứt, ai mua cho Phiên vài tấm quà chiều xế ?
Ai ? Ai ? Không có ai cả ! Phiên đơn độc, Phiên bơ vơ, và mẹ cũng một mình.Luồng gió nào len qua kẽ liếp, làm mắt Phiên cay xè, từng giọt nước mắt rơi ; rồi từng giọt nước mắt tiếp nối. Cả dòng nước mắt như trữ sẳn chảy dài. Phiên không dằn được, nấc lên, một vòng tay nóng hổi vòng lấy vai Phiên. Phiên rũ người xuống như một chiếc lá mềm :
- Mẹ ơi, mẹ !
- Nín đi Phiên, nín đi con. Để mẹ tính lại xem sao ?
Giọng mẹ run run. Phiên càng khóc to, càng ôm chặt mẹ như sợ mất. Mẹ gỡ tay Phiên, ôm lấy đầu Phiên. Chờ Phiên dịu hẳn cơn khóc, bà nhè nhẹ với lấy cái khăn rằn treo bên cạnh lau mặt Phiên rồi nói :
- Phiên ơi ! Con có muốn nên người không ? Con có thích được học nữa không ?
Mẹ tin rằng con vẫn thích học. Vậy có gì mà con phải khóc ? Có gì mà con phải lo ? Mẹ chỉ muốn con sau nầy học hành thành tài như vậy là mẹ ưng bụng lắm rồi.
Phiên trệu trạo trả lời mẹ :
- Con thích đi học lắm, nhưng… nhưng con không muốn xa mẹ.
- Hừm, xa mẹ thì có gì phải khổ đâu ? Con trông con ông Tám đan giỏ tề, mất mẹ,
vừa rồi lại mất cả cha nữa, vậy mà nó vẫn ráng học nghề. Bây giờ đã có công ăn việc làm trên tỉnh rồi. Mau lắm con ơi, chỉ như quạt một cái là xong liền. Con phải gắng lên chớ.
Phiên ngồi im, những lời nầy Phiên đã nghe mẹ nói đi nói lại nhiều lần. Hình như bà không còn cách an ủi nào hơn nữa. Nhưng nói xong bà lại tìm chỗ vắng mà khóc. Phiên càng nghĩ lại càng thương mẹ, nước mắt lại bỗng ứa ra.
- Mẹ ơi, sao con ngại quá, con lo quá, con đi rồi ai gánh nước cho mẹ, ai nấu cơm để mẹ bán hàng ?
Phiên giật giật lấy tay áo mẹ. Bà mủi lòng cúi qua một bên rồi vờ đun thêm một khúc củi nhỏ vào bếp. Giọt nước mắt hồng ánh long lanh trên đôi má hóp. Mới một tuần nay mà bà bỗng già hẳn lại. Bà không biết nên buồn hay vui khi xa con. Phiên phải lên tỉnh học. Bà đã dự định chuyện này biết bao nhiêu lần. Mỗi một phiên chợ ế, mỗi một lần ngủ muộn trong đêm, mỗi một đêm trăng sang đẹp yên lành hiếm hoi, bà đã nghĩ là phải làm cách nào đưa Phiên lên tỉnh học. Những người khá giả trong xóm, những nhà có bà con anh em ở nơi nào đó, ở tỉnh, chợ, đều đã đưa con mình hoặc một phần gia đình đi. Chỉ có mẹ con bà nghèo nàn cơ cực và khốn khổ mới sống bám víu ở mãi nơi nầy. Nếu cứ để mãi thế này, rồi thằng Phiên lớn lên thì cũng chăn bò, chăn trâu, làm mướn, làm thuê. Thôi thì đành trót vậy. Bà nhớ lời ông Cả, chồng bà bạn, khuyên răn :
- Thằng Phiên nó thông minh lắm bà à. Bà ráng đưa nó lên tỉnh tiếp tục học cho yên
ổn. Chớ bà nghĩ nếu nó ở đây mãi thì làm sao.
Bà hốt hoảng :
- Trời ơi, vậy thì làm sao bây giờ ? Tôi có ai quen biết gì đâu, lại một mẹ một con.
Nó mà đi thì tôi chết còn gì. Nó mới có mười ba tuổi. Biết gì đâu !
- Mười ba tuổi mà còn không biết. Tôi có người quen trên tỉnh. Khi nào bà cho nó đi tôi giúp cho. Vả lại, dân xứ mình hiếm gì. Để bà xem. Rồi học hành thành tài, có nghề có ngỗng hết. Lúc đó bà theo nó mấy hồi.
Bà nghe để mà nghe chứ thật lòng không muốn. Phiên thì chả hay biết gì. Hai mẹ con cứ vậy sống sung sướng bên nhau dù có khổ đôi chút. Nhiều bữa, Phiên theo mấy đứa bạn chạy vội ra bên sông để nhìn những chiếc xe hàng đầy ắp người rểu rểu bên kia sông, lòng ao ước vu vơ. Tiếng máy xe vọng lại nghe rõ mồn một. Có lần, Phiên và các bạn bơi mãi tận giữa sông để nhìn cho kỹ những hành khách quần áo sặc sỡ ngồi ở vệ sông chờ anh lơ thay cái lốp xe, hoặc chữa máy móc ở thùng máy. Phiên nhìn họ và tự hỏi tại sao ngày nào cũng có người đi , ngày nào cũng có người về. Lạ thật ! Lạ thì lạ, nhưng Phiên vẫn giấu mẹ vì bà đã cấm tuyệt Phiên héo lánh gần nước, chả là ông thầy bói đã dặn mẹ Phiên như vậy.
Lòng mơ ước lớn mãi, nhưng chắc chắn không thoát lũy tre làng, vì thế khi nghe mẹ đề cập đến chuyện đi , Phiên chưng hửng và sợ sệt quá chừng. Cơn sợ đến chầm chậm và dai dẳng suốt tuần nay. Cái buồn bã khó chịu cứ canh cánh bên lòng. Phiên sợ và lo hơn cả cái phút Phiên nằm im hơi trong một đống rơm, là nguyên nhân của chuyến đi quyết định bắt buộc của Phiên bây giờ. Rơm xót, cứa vào thịt ngứa ngáy, nhưng Phiên vẫn không dám gãi mạnh, rướn người chịu đựng.
Tiếng chân bước nện quanh đống rơm làm Phiên đôi lúc như tắt thở. Song, khi những âm thanh rùng rợn đã xa, Phiên vui sướng thích thú chạy nhanh về nhà thầm thì với mẹ. Mẹ Phiên thì trái lại, nỗi mừng con thoát chết không át hẳn được cơn lo sợ cuống cuồng. Bà chạy vội đi một thoáng và lúc trở về bà ra lệnh cho Phiên thu xếp đồ đạc sửa soạn chờ ngày gởi Phiên lên tỉnh học. Phiên khóc và bỏ cơm mấy ngày liền. Bà Tư lo lắng và cũng buồn không kém. Dỗ được Phiên ăn cơm rồi thì bà cũng héo hon. Bà bỏ chợ, chỉ quanh quẩn ở nhà với Phiên. Đến hôm nay bà không dằn được nữa. Ngày mai, mẹ con bà đã xa nhau. Bà khóc trước mặt con, khóc ngon lành sao vẫn không vơi được chút buồn nào.
Nồi bánh ú đã sôi sùng sục. Nước trào khỏi chiếc nồi gang lớn kêu xèo xèo trong lửa. Những chiếc bánh đặc biệt nhân nhiều, mà béo, ít nếp nầy đã được tự tay bà gói với lá chuối vườn nhà và nếp ruộng quê hương. Bao nhiêu thương yêu bà cố gắng đùm bọc trong chiếc bánh để yêu con khi con đói lòng trên đường rời quê mẹ, để biết ơn và kính cẩn những người đã giúp đỡ con mình ở xứ lạ. Gói một chiếc bánh là lòng bà tan nát một phần. Nồi bánh sôi như cơn xúc cảm của bà rạt rào trong tim, trong óc. Bà nói với con :
- Đi ngủ sớm đi Phiên, sang mai mẹ đánh thức con dậy sớm.
Phiên lắc đầu, vùi vào lòng mẹ.
- Ngủ đi con. Mẹ vào giường ngay.
Bánh gần chín rồi. Mẹ chờ một tí nữa là vớt. Con lên nhà ngủ trước đi.
Phiên bíu lấy tay mẹ :
- Không, con chờ mẹ ngủ một lần.
Bà Tư không nói gì nữa, để yên cho Phiên gà gật trên chân. Ừ thì thôi, có còn bao lâu
nữa đâu. Thật sự từ giờ phút nầy bà chẳng muốn xa con lấy một giây nào cả.
Gió lùa càng lúc càng mạnh. Bà Tư đăm đăm nhìn ngọn lửa, nghe tiếng nước réo sôi, tiếng côn trùng ran ran ngoài vườn, tiếng gió thổi rì rào, tiếng cọ xát của lá. Bà khóc âm thầm. Thỉnh thoảng Phiên choàng dậy hỏi mẹ, ngái ngủ :
- Bánh chín chưa mẹ ?
Bà trả lời lơ lửng :
- Chưa con à. Chút nữa, ngủ đi.
Khi bánh đã chín hẳn thì Phiên đã ngủ say. Bà Tư nhìn xuống, gối đầu con lên đùi
mình. Trong cơn mơ Phiên đang cười. Bà Tư ngồi vậy một lúc, nắp nồi được mở cho bay hết khói, độ chừng lúc nước đã nguội bớt, bà đứng dậy nhẹ nhàng bế con lên nhà. Rũ mùng, khép chặt cánh cửa xong, bà Tư trở xuống nhà dưới, vớt bánh lên chiếc nong thưa cho ráo nước.
Bếp lửa đã cháy hết, chỉ còn than đỏ rực. Bà Tư thẫn thờ gắp từng cục than đỏ bỏ vào nước để dành. Chắc chắn là bà đã không quên một cái gì cho Phiên. Từ lọ dầu nóng, cây kim, sợi chỉ, đến những mụn vải để Phiên vá áo quần.
- Tội nghiệp thằng bé mới bây lớn đã phải xa mẹ, không hiểu người ta đối đãi với
mình có tử tế không ? Lạy Phật Trời phù hộ cho con tôi gặp được nhiều điều may!
Lẩm bẩm một mình, động mối thương tâm, nước mắt bà Tư lại ứa ra. Bà đứng dậy, hé cánh cửa liếp bước ra sau nhà. Gió lùa bọc vào cánh áo, bà Tư xuýt xoa vì lạnh. Trời mù nhưng không tối. Mặt trăng ở đâu đó vẫn đủ để chiếu ánh lung linh trên những hàng cây vừa đủ để phân biệt từng loại. Bà Tư hướng về phía gốc đa đầu làng in dáng đằng xa, chấp tay lâm râm cầu nguyện. Bà mong mỏi con cái được mọi sự bình yên, mong con mình học hành tấn đạt, mong ước ngày trở về rạng rỡ…Lời cầu xin đã gây trong lòng bà một chút hy vọng. Bà nghĩ đến ngày con bà đỗ đạt, gặp nơi hiền lành, thương tưởng thân phận đứa bé nghèo, chăm sóc đàng hoàng, bà thấy vui hơn,tin tưởng hơn.
Khấn vái xong xuôi, bà Tư quay vào nhà. Hình như đã khuya lắm rồi. Tiếng vạc ăn đêm cũng không còn nghe tiếng. Gió đã ngớt nhưng khí lạnh thì càng lúc càng xuống nhiều. Bà Tư lên giường khoát mùng nằm bên cạnh con. Chăn chiếu và hơi trẻ làm ấm chổ nằm. Cánh tay Phiên vắt ngang qua trán. Bà Tư nhổm người sửa lại thế nằm cho con. Thân hình Phiên duỗi dài. Phiên lớn con quá, thật không ngờ. Mới ngày nào Phiên còn chạy lạch bạch đuổi theo đàn vịt con, thế mà…Bà Tư nói một mình, giọng vui vui :
- Thằng chó này lớn mau thiệt. Chắc nó đi chừng hai năm mà không về thăm nhà thì
mình nhìn không ra.
Nhưng bà Tư đã nghĩ kỹ rồi. Bà đã nuôi được một con heo. Cứ mỗi năm vào lúc hè, bà sẽ bán heo để lên tỉnh đón con về nhà. Tiền còn lại, bà mua một con heo con để dành cho Phiên hè tiếp sau đó. Cứ vậy, năm nào Phiên về nhà thăm mẹ được. Mẹ con bà sẽ sum họp với nhau mấy hồi. Một năm thoáng chút là qua liền. Nghĩ lan man , bà Tư nhớ lại tường tận cảnh sống của mẹ con trong những ngày vừa qua. Tuy bà yêu con nhưng không kém việc răn dạy. Nhiều lần bà cắn răng đánh con đến rướm máu. Nghĩ lại, bà thấy thương con quá. Nếu bà biết trước cảnh mẹ xa con diễn ra như hôm nay thì bà đã đối xử khác, thương hơn, chìu hơn. Bà nhớ cách đây hai tháng, bà đã hứa cho con một bộ quần áo mới, nhưng vì ngại giá heo lên cao bà đã góp tiền dành dụm để mua bằng được hai con heo giống. Phiên đã khóc suốt buổi khi thấy giấc mộng được mặc áo mới của mình tan theo mây khói. Nhưng vì sợ mẹ, Phiên không dám kỳ kèo. Bà hứa với con là Tết này sẽ may cho Phiên bộ khác, đẹp hơn. Nhất định Phiên sẽ có một bộ quần áo mới. Nhưng bây giờ Phiên sắp sửa đi xa rồi. Tết này chưa chắc Phiên có được một bộ quần áo tươm tất. Bà Tư chắt lưỡi :
- Thôi cũng đành vậy, nghèo phải chịu phận nghèo chớ biết sao bây giờ. Nhờ trời làm ăn nên nỗi may bộ đồ khác cũng không muộn.
Bà Tư trở mình. Tiếng giường tre kêu lẹt kẹt dưới lưng. Con thạch sùng chắt lưỡi đâu đó ở vách. Bụi tre sau nhà cũng kẽo kẹt vọng từng chặp theo cơn gió. Ngần ấy tiếng động, đêm nào cũng có, nhưng sao hôm nay lại có vẻ buồn buồn và đơn độc. Ngày mai chỉ còn một mình bà ở lại. Đêm đêm bà trở mình cô đơn trằn trọc nhớ con, thương con. Biết nói sao cho vừa. Phiên còn đây nên bà chưa định được mình sẽ thương nhớ như thế nào, bao nhiêu ? Chưa một lần xa con, bà thấy mình như bỡ ngỡ, lo ngại trước cuộc sống và âu lo trước mặt. Dù Phiên chỉ là một đứa bé con, nhưng niềm than thích, sự thương yêu biến Phiên vừa là đứa con trai vừa là người bạn quý. Niềm nhớ xót xa bây giờ đã bắt đầu. Bà Tư thấy mình rã rượi cả người, chân tay như yếu đi. Bà cố nhắm mắt dỗ giấc ngủ, trong khi bên ngoài, tiếng ếch nhái ì ộp kêu đêm.
giavui
12-18-2014, 12:10 AM
Chương 2
- Xe đi Sài Gòn đây ! Bà con cô bác làm ơn lên xe lè lẹ dùm chút. Còn năm phút nữa xe bắt đầu chạy. Còn năm phút nữa. Bà con lên xe dùm cho…
Bác Sáu đã lên ngồi phía trước xe từ lâu mà Phiên vẫn còn dùng dằng bên mẹ. Nước
mắt không biết từ đâu bỗng tràn ra như suối. Bà Tư đẩy con về phía cửa xe. Phiên bíu chặt lấy áo mẹ. Trước khi ra bến, bà Tư đã khuyên nhủ Phiên hết lời. Phiên đã nguôi ngoai.
Thế nhưng, khi nhìn thấy chiếc xe hàng đầy ắp người, Phiên thấy chân mình như bủn rủn. Bà Tư nén nỗi cảm xúc nói nặng, nói nhẹ đủ điều để Phiên dịu đi.
- Phiên ơi, con không thương mẹ sao ? Theo bác Sáu lên Sài Gòn học đi con. Má
đâu muốn xa con, nhưng con phải đi học chớ, ở dưới mình chẳng còn lớp cho con đi học. Con ráng đi, thỉnh thoảng mẹ lên thăm con. Đi đi không mẹ giận bây giờ.
Phiên ngước nhìn mẹ nức lên :
- Không, mẹ ơi. Con muốn ở nhà với mẹ, con không muốn đi.
Bà Tư làm mặt giận, đẩy Phiên về phía trước :
- Nói mãi mầy không nghe. Thôi đi đâu thì đi. Con mà không nghe lời mẹ thì còn gì
nữa…
Anh lơ xe nóng ruột hối ngang :
- Đi thì đi quách cho rồi còn chần chờ. Xe chạy bỏ lại rồi la nghe. Lên xe đi chú bé.
Bác Sáu vói xuống :
- Đi cho rồi Phiên, thỉnh thoảng má mầy lên thăm. Chị Tư đi về mạnh giỏi, để cho
cháu nó đi. Trăm sự có tui hết. Mẹ con chị bịn rịn hoài thì đến khi nào mới đi được.
Bà Tư dắt tay con đỡ lên xe. Phiên ngồi vào chổ mình ngoái nhìn ra. Thôi thế là hết. Đến khi nào nó mới được nhìn lại vóc dáng thân yêu ấy. Vạt áo nâu kia. Chiếc khăn đầu này. Hơi hám thơm ấm của mẹ. Rồi nó sẽ sống bơ vơ một mình. Mẹ Phiên sẽ một mình thui thủi ở quê nhà. Rủi ro bà đau ốm, lấy ai đi mời thầy thuốc, lấy ai nấu cháo cho mẹ. Nghĩ đến đó Phiên tủi lòng ôm mặt khóc nức nở.
Chiếc xe từ từ rồ máy. Bà Tư đứng tránh sang vệ đường. Bụi khói bay mù mịt. Phiên chùi vội nước mắt, chồm người nhìn về phía mẹ. Bà Tư đứng đó, mặt xanh xao và mắt buồn rầu.
- Thôi đi nghe chị Tư. Tháng sau tui về đem tin chị biết. Chị đừng lo gì hết.
Tiếng bác Sáu vang vang. Phiên sực tỉnh cũng hét to giữa tiếng máy xe, tiếng người
nói ồn ào.
- Con đi nghe mẹ. Mẹ... mẹ nhớ...
Nói đến đó Phiên nghẹn ngào. Nước mắt tràn ra mờ nhòe. Chiếc xe đi nhanh dần. Qua
làn nước mắt, Phiên nhìn thấy bóng dáng mẹ càng lúc càng nhỏ. Bà vẫn đứng nhìn theo. Tà áo nâu bay bay.
Vài phút sau, bà Tư chỉ còn là một chấm nâu lẫn trong bụi đường. Phiên vẫn còn ngoái cổ nhìn lại. Xe quẹo hẳn sang con đường ngang. Phiên không còn trông thấy dáng mẹ nữa. Nhưng được một lúc, khi xe lên dốc, Phiên chồm ra cửa xe. Bóng bà Tư đang bước trên bờ đê lủi thủi trở về. Dáng đơn độc buồn phiền. Tấm áo nâu nổi bật trên nền đất xanh mạ. Phiên tủi thân kêu lên :
- Mẹ ơi !... Mẹ ơi !...
Rồi bật khóc nức nở.
- Anh nhớ mẹ anh lắm hả ?
Phiên giật mình ngẩng đầu lên, một cậu bé trai trạc bằng tuổi Phiên đang chăm chú
nhìn Phiên. Câu làm quen mở đầu lại có vẻ ái ngại làm sao khiến Phiên tủi thân lại nấc luôn. Cậu bé ấp úng một giây rồi lay nhẹ vai Phiên, khẽ bảo :
- Thôi, anh đừng khóc nữa. Con trai khóc không tốt. Mẹ em thường bảo vậy.
Phiên nín khóc vì ngạc nhiên, trố mắt nhìn. Nước mắt, nước mũi chưa kịp chùi, chảy
ròng ròng. Phiên cảm thấy hơi thẹn, bèn cười méo mó.
Cậu bé được thể nói già :
- Má em bảo con trai phải chịu đựng đau đớn. Không được khóc. Nhưng chắc anh thương mẹ anh lắm phải không ?
Phiên nói bâng quơ :
- Mẹ thì ai chả thương.
- Nhưng làm sao mà anh khóc ?
- Tui phải đi học xa. Chứ bộ anh không xa mẹ lần nào sao ?
Chú bé trố mắt cãi :
- Í, tui có xa mẹ chứ bộ ! Má tui có lúc đi chơi với ba tui cả tuần mới về. Tui chỉ nhớ
sơ sơ thôi chứ đâu có khóc như anh vậy.
Phiên lau sạch nước mắt, bình tĩnh :
- Anh xa vậy là chỉ xa một chút thôi. Còn tui phải xa nhà cả năm lận. Nhà tui nghèo
lắm, không đi đi về về thăm được.
- Ờ há, bồ nói trúng ghê !
Phiên ngạc nhiên hỏi :
- Anh nói gì, bồ là gì ?
- Trời ơi, có vậy mà anh không biết. Bồ tức là anh đó. Anh với tui nói chuyện với
nhau, kêu cho thân nhau thì phải gọi là bồ cho vui, cho thân đó mà.
- Kêu cái gì kỳ thấy mồ.
- Ai cũng kêu vậy hết. Anh không tin thử về hỏi má anh coi.
Nghe nhắc đến mẹ, cơn buồn nhớ từ đâu đùng đùng kéo đến nhanh như chớp. Phiên
mủi lòng nước mắt rưng rưng. Nhưng chợt nhớ đến người bạn nhỏ mới quen đang chăm chú nhìn mình, Phiên giả đò dụi mắt như có bụi và nói :
- Chứ anh ở đâu mà đi xe nầy ?
- Tui ở trên Sài Gòn đó. Bữa nay má tui cho tui về thăm ngoại. Vui ghê. Vài bữa
nữa lại phải đi học, buồn chết đi được. Nè, mà anh đã đi xem xi-nê lần nào chưa ? Có bữa tui trốn học đi xem phim cao-bồi bắn nhau vui quá, nhất là phim « Vì một nắm đô-la » đó. Trời anh biết không « Ít - guốc » đóng cao bồi hay pa chê. Bắn đoàng, chết một thằng. Đoàng đoàng, chết hai thằng, chết hết, rùng rợn lắm…
Phiên há hốc mồm nghe cậu bé trước mặt nói chuyện. Phiên chưa từng nghe một câu
chuyện, một lối kể chuyện nào giống như cậu bé đang kể. Phiên say sưa nhìn, cậu bé chỉ trạc bằng tuổi Phiên,nhưng thân hình ốm yếu hơn. Cậu mặc một chiếc áo xanh nhạt, quần tây dài kẻ ca rô màu thẫm trông sang trọng và nổi bật hẳn giữa những người nhà quê khác. Cậu chỉ đi một mình nhưng mạnh dạn và lanh lợi, không có vẻ gì sợ sệt cả.
- Lên Sài Gòn nhớ coi « Vì một nắm đô-la » nghe, hay tuyệt đó, bỏ qua rất uổng.
Phiên ngẩn ngơ gật đầu đại.
- Ừa, mà bồ đã lần nào xem xi-nê chưa ?
Phiên ngạc nhiên :
- Xi-nê là gì, chớp bóng đó phải không? Dưới tui người ta thường gọi là chớp bóng chứ không nói như vậy.
- Ừa, chớp bóng cũng được. Nhưng bồ đã xem lần nào chưa ?
- Có, tui xem mấy lần rồi chớ.
- Bồ xem phim nào rồi ? « Hắc Bạch kiếm khách » rồi chưa, «Thiên sơn đại hiệp » rồi chưa, « Rin-gô » rồi chưa ?
Phiên ngỡ ngàng :
- Tui không có xem mấy tuồng đó, cái khác tề.
Cậu bé hỏi dồn :
- Khác là phim gì, bồ kể thử coi để rồi tui coi tui có xem mấy phim đó chưa ?
Phiên kể lể :
- Cứ hai ba tháng, mấy cái xe ở quận đến làng chiếu phim ngoài trời. Phim giết
chuột ngoài ruộng nè. Phim đề phòng bệnh truyền nhiễm nè…Cũng hay thật là hay. Dạo sau nầy, má tui cấm tui đi ra đình coi vì tui hay bỏ đi chơi quên cả ăn cơm.
Cậu bé nhấc nhổm cười trên nệm xe :
- Trời ơi, mấy cái đó đâu phải là xi-nê. Phim xi-nê như Rin-gô vậy… vậy mới đúng.
Phiên cãi :
- Thế mấy thứ đó là gì, cũng chớp bóng chớ bộ.
- Thì là chớp bóng, nhưng đó là phim thời sự mà.
- Thời sự là gì ?
- Thì thời sự là là… như mấy thứ phim của bồ coi đó. Thời sự là là… thời sự chứ gì
nữa ?
- Cái gì cũng chớp bóng cả chớ. Bồ giải thích vậy ai mà hiểu cho nổi.
Cậu bé xem chừng không giải nghĩa được bèn đổi sang chuyện khác :
- Nè, mà bồ tên gì vậy ? Tui là Linh. Nguyễn Thái Linh.
Phiên cười hơi thẹn :
- Tên tui là Phiên.
- Họ gì ?
- Họ Nguyễn. Nguyễn Văn Phiên.
Cậu bé Linh gãi đầu, gãi tai, định kiếm chuyện nói với người bạn mới ít lời. Nhìn
ngang nhìn ngửa một lúc, chợt nghĩ ra, Linh nhanh nhẩu :
- Thế bồ lên Sài Gòn học lớp mấy ? Ở trên đó nhiều trường lắm, bồ định học trường
nào ?
Phiên ngạc nhiên :
- Tui không biết, tui năm ni lên lớp Đệ Thất ; tui nghe thầy tui nói là ở dưới làng hết
trường rồi, phải lên tỉnh học, tui mới lên chớ bộ ai điên chi mà lên…
- Nhưng bồ học ở đâu ? Trường Võ Trường Toản, Trương Vĩnh Ký hay Chu Văn An ? Ba tui biểu tui vào trường Trương Vĩnh Ký đó.
Phiên lắc đầu lo ngại :
- Tui đâu có nghe mẹ tui nói gì đâu ? Chắc chờ bác Sáu dẫn tới nhà người quen rồi
mới biết được.
Linh làm khôn :
- Xời ơi, bây giờ mà chưa biết học trường nào, vậy làm sao mà thi vô cho kịp. Học
trường ngoài nhiều tiền lắm bồ ơi. Tui nghe má tui nói tốn đến bốn hay năm trăm tiền học một tháng lận.
- Chết rồi, chi mà dữ vậy. Ở dưới tui chỉ có hai mươi đồng một đứa thôi mà.
- Dưới bồ khác, ở Sài Gòn khác. Thôi bồ ráng lên nộp đơn thi với tui đi nghe. Mình
học một lớp cho vui.
Phiên ngẩn ngơ lo sợ. Ừ nhỉ, rồi lên Phiên sẽ học trường nào ? Học ở đâu, có tốn tiền lắm không ? Sao Phiên không nghe mẹ nhắc gì đến chuyện đó cả. Rủi học trường tư như thằng Linh nói thì tiền đâu mà học. Nỗi nhớ nỗi lo muốn phá vỡ tung đầu Phiên. Phiên rơm rớm nước mắt nghĩ đến ngày mai. Bác Sáu ngồi theo dõi câu chuyện của hai đứa bé. Bác tuy thạo về buôn bán nhưng cũng không rành lắm về chuyện học hành. Bác chẳng biết nói sao cho Phiên đỡ lo. Bác cảm thấy thương hại đứa bé hiền lành, nghèo khổ. Nhìn Phiên trong bộ đồ bà ba vải cạnh đứa bé liến thoắng, chững chạc, bác buồn lây với Phiên. Nhưng bác cũng nghèo như dân làng bác. Nhờ có chút vốn đắp đổi qua ngày, nuôi một lũ con đông, bác đã mệt nhoài. Bác chỉ giúp được gia đình Phiên ngần ấy. Giúp bằng công khó, bằng cách lặn lội cực khổ, tìm chỗ cho Phiên trọ học. Còn bây giờ, trước những vấn đề phức tạp đặt ra, bác ngạc nhiên, bỡ ngỡ vì đã không chú ý đến. Mà ác thay, chính đó là những điều quan trọng nhất. Bác Sáu vuốt tóc Phiên an ủi. Ý nghĩ bác lóe ra một chút hy vọng. Bác nói với Phiên :
- Thôi cháu đừng lo. Bác gởi cháu cho ông Cả. Người cùng làng mình ngày xưa, nay
khá giả. Bác chắc chắn là họ sẽ vui lòng giúp đỡ cháu. Vả lại, như theo bác biết, ngày xưa nhà người nầy cũng đã nhờ vả ba cháu rất nhiều, nên bác nghĩ là không đến nỗi nào. Cháu cứ yên chí. Có bác Sáu cháu đừng lo, phải vui lên cho mẹ cháu đừng buồn.
Phiên cũng thấy mình yên ổn hơn. Câu nói của bác Sáu làm Phiên đỡ đi gánh nặng lo âu. Linh ngồi bên tuy ái ngại, nhưng cũng thêm vào một câu chứa chan hy vọng để Phiên không còn buồn :
- Phải rồi Phiên, tui tưởng bồ không có ai quen chớ có người quen là nhất rồi. Nhớ
thi vô trường Trương Vĩnh Ký nghe.
Phiên vui hơn một tí :
- Ừ, tui sẽ thi vô trường Trương Vĩnh Ký. Mà trường đó ở đâu vậy ?
- Ở đường… Bữa hôm trước, ba tui có chở tui đi ngang qua đó, trường đẹp ghê, có
cây, có sân chơi rộng. Oai lắm…
Phiên tưởng tượng đến ngôi trường lớn, tường gạch, mái ngói đỏ rực. Tầm mắt của Phiên chỉ hiển hiện ra một ngôi trường to lớn bằng cái dinh quận mà mẹ Phiên đã kể cho Phiên nghe trong những ngày rảnh rỗi.
Hai mẹ con đã thủ thỉ hết chuyện lớn đến chuyện nhỏ, chuyện cái sân nhà ông Cả vì sao lại có cái ao ở giữa. Chuyện cái đình một mái. Chuyện căn nhà bác Phán toàn bằng đất sét và tre bện. Thỉnh thoảng cao hứng bà Tư lại kể cho con nghe những hình ảnh mờ nhạt thời con gái, bà đã buôn bán từ chợ huyện này sang chợ huyện khác. Những ngôi nhà mái đỏ rực, có người canh, những chiếc xe tay chạy như bay làm bà hoảng hốt. Vô tình bà đã vẽ nên trong óc Phiên những hình ảnh ước lệ đó. Vì Phiên chỉ biết đến đó là cùng.
- Nầy bồ Phiên, lên Sài Gòn bồ ở đâu ? Nhà ở khoảng nào ?
Phiên lắc đầu, chỉ bác Sáu :
- Tui không biết, hỏi bác Sáu đi !
Bác Sáu nghe nói đến mình nhìn sang trả lời :
- Ở Gia Định lận. Chưa biết nhà, phải đi tìm.
Linh reo lên :
- Ơ, nhà Linh ở Đakao, vậy là tụi mình ở gần nhau rồi. Nhớ đến nhà Linh chơi nghe.
Nhớ nghe Phiên.
Phiên nhoẻn miệng cười :
- Ừa, tui sẽ chạy qua chạy lại chơi với Linh luôn. Tui rủ Linh đi học, đi đá banh, đi
bắt dế nè. Tui có nhiều trò chơi lắm.
Linh cướp lời :
- Trời đất, làm sao mà đi chơi luôn được. Nói là gần chớ ít nhất cũng mất năm đồng
tiền xe lam. Còn lại đi đá banh nữa. Xa lắm, mà sân như sân Hoa Lư thì chán thấy mồ. Cỏ mất hết, mỗi lần ngã đau quá xá. Còn bắt dế thì bồ qua Lăng Ông được đó, nhưng cái đó má tui cấm, mà coi chừng mấy ông giữ cửa Lăng Ông bắt chết.
Phiên cụt hứng :
- Vậy thì tui chơi gì ? Tui thả diều được không ?
- Thả diều được, nhưng không chạy được xa đâu. Xe cán chết. Nhà bồ phải có sân
mới chơi được. Thôi tui rủ bồ đi xem xi-nê là chắc ăn nhất. Bồ đi với tui nghe.
- Nhưng đi ở đâu ?
- Trời ơi, gần xịt hè. Mình đi coi rạp Văn Hoa đi, gần nhà tui lắm, có máy lạnh « ác
ôn ». Còn rạp Cao Đồng Hưng thì gần nhà bồ hơn, nhưng rạp đó ẹ lắm.
Phiên không vui, thẫn thờ hỏi lại :
- Thôi, chắc tui không đi được đâu, tui phải lo học hành nữa chớ. Nếu đi chơi mãi
thì rớt làm sao ?
Linh trố mắt nhìn Phiên. Nó không ngờ thằng Phiên từ chối mau lẹ cuộc vui mà nó
xem là thích thú nhất. Ngẫm nghĩ hồi lâu, nó chợt buột miệng :
- Sao bồ siêng học quá vậy ?
Phiên cười buồn :
- Tui không học sao được. Tui xa mẹ, nhà tui nghèo. Tui không chịu học thì làm
sao. Má tui dặn dò tui mãi là phải chăm học. Tui không thiết đi chơi hoài đâu.
Linh nhìn Phiên có vẻ nể phục hơn. Nó không dám nói gì nữa, ngồi dựa ngửa ra thành ghế nhìn ra ngoài xe, những cánh đồng lúa, những dãy làng mạc xa xa chạy vun vút. Nó chợt thấy thương người bạn mới. Chưa từng nếm cảnh thiếu thốn nó không biết cảnh nghèo quá như thế nào. Nghèo đến mức nào. Nghèo ra sao. Chợt nhớ đến bài học tập đọc Nhà mẹ Lê, nó nghĩ chắc nghèo như gia đình mẹ Lê, da nhăn nheo như quả táo khô, còn những đứa bé con thì quần áo rách rưới, da thịt thâm tím lại vì rét. Chúng đói lả đi, mà không có cái ăn. Và những đứa trẻ lớn như Phiên lại phải đi mót từng bông cau, từng hột lúa ngoài cánh đồng dưới cái lạnh cắt ruột. Song ngẫm lại, Linh thấy hình như không đúng vậy. Nếu nói nghèo là như vậy thì đâu phải là hoàn cảnh của Phiên. Mẹ Phiên vẫn đẹp đẽ, áo quần lành lặn, Phiên cũng to con và được đi học, lên tỉnh học là khác. Như vậy Phiên nghèo đến mức nào. Nó định quay lại hỏi Phiên điều đó, nhưng nhớ đến cặp mắt rưng rưng của Phiên, nó đâm ái ngại, xoay tìm chuyện khác :
- Thôi, tụi mình không đi xi-nê thì đi học chung với nhau vậy. Tui có ông thầy dạy kèm, bồ với tui học chung đi.
Phiên mừng rỡ :
- Thật hả, vậy thì tui chịu gấp.
Phiên nắm lấy tay Linh dục dặc vui mừng. Ảo tưởng là sẽ được người dạy kèm, học
hành giỏi dắn, tháng tháng gởi phiếu điểm về cho mẹ. Chắc mẹ vui mừng lắm, còn gì hơn nữa đâu. Rồi cuối năm, Phiên được phần thưởng. Phần thưởng ôm trên tay, Phiên được thầy khen, bạn bè mến phục. Ôi giấc mơ của Phiên trên con đường đi học chỉ ngần ấy, để hãnh diện, để vui sướng, để trả công lao dưỡng dục của cha mẹ. Chỉ nghĩ đến thôi, Phiên cũng thấy mát cả lòng. Trong niềm vui vừa tìm thấy cạnh người bạn mới, Phiên im lặng dõi mắt nhìn ra xa. Con lộ vẫn chạy dài không ngớt, nhưng đường bớt xóc xách hơn trước nhiều. Cảnh vật hai bên cũng thay đổi lần. Những ruộng lúa bây giờ đã ở sâu trong xa, đằng sau những dãy nhà nối nhau có vườn rộng, cây to đầy quả. Thỉnh thoảng một cái chợ nhỏ hiện ra nghèo nàn với những túp quán tranh xiêu vẹo, rác rến, không trật tự. Đó là lúc chuyến xe dừng lại trong giây lát. Có những người khách xuống, khệ nệ hành lý. Có những quang gánh cồng kềnh được đưa lên trần xe. Xe ồn ào bằng đủ loại chuyện được nổ như pháo ran, bằng những tiếng rao hàng inh ỏi, chạy dài bám víu theo xe ngay cả lúc xe mới bắt đầu lăn bánh được một khoảng ngắn. Linh mua đãi Phiên một cây cà-rem có que cắm. Chất nước đá ngọt lạnh buốt ê răng làm Phiên nhăn mặt. Thật là một loại khó ăn. Thế mà ngày xưa Phiên thích lắm. Phiên nhìn những đứa bạn ăn đâm thèm thuồng. Nhưng mẹ Phiên lại cấm ngặt. Bà sợ Phiên bị hư răng, không có tiền chữa.
Chưa được nếm mùi vị trông ngon lành của nó, Phiên ức lắm. Nhưng bây giờ được một mình thong thả thưởng thức cây cà-rem lạnh giá, Phiên thấy chán. Hàm răng, lưỡi, lợi buốt lạnh tê cóng như không thể cảm được mùi vị. Phiên sợ hãi tưởng chừng răng mình đã sâu hết cả. Nó muốn vứt cây cà-rem đi, nhưng trông thấy Linh ăn ngon lành lại còn cắn từng miếng thật lớn, nhai lạo rạo tự nhiên, Phiên đâm thẹn.
Cố gắng mãi Phiên mới mút gần hết cả cây. Nước đá để lâu tan ra chảy từ miệng xuống cằm. Phiên luống cuống đưa tay áo lau nhanh, động đậy mạnh, cà-rem bở ra khỏi que cắm rơi xuống sàn xe tan loang thành nước. Phiên thẹn thùa đỏ mặt, liếc nhìn sang Linh. May quá , Linh mãi ăn không để ý gì. Cà-rem tan thành nước từ miệng Phiên, chảy xuống bụng cồn cào sau hàng ngàn cái nhồi xóc của chiếc xe lô. Phiên thấy đói bụng. Nhớ đến mấy chiếc bánh ú mà mẹ đã gói sẳn bỏ riêng cho Phiên ở góc giỏ. Phiên lấy ra, ngần ngừ một giây rồi đưa cho Linh. Linh nhìn chiếc bánh mà lá chuối xanh đã ngã màu bầm đo đỏ cầm lấy, hỏi :
- Ủa, bồ mua bánh này hồi nào mà tui không thấy ?
- Đâu… cái nầy mẹ tôi làm đó.
- Có ngon không ?
Phiên bắt chước câu nói của Linh :
- Ngon pa chê !
Hai đứa bật cười. Phiên dành lấy bánh của bạn bóc giúp. Màu xanh của nếp mới trông
bắt mắt. Phiên nuốt nước bọt khi lá chuối cuối cùng vừa được bóc hết. Hơi bánh thơm tho tỏa ra ngan ngát cả xe. Linh chép miệng :
- Bánh thơm ghê đi !
Phiên đưa bánh cho bạn. Linh lắc đầu không nhận, nháy mắt chỉ về phía bác Sáu.
Phiên biết ý kêu :
- Ủa, quên…
Rồi cầm chiếc bánh đã bóc lá đưa mời bác Sáu :
- Bác ăn bánh của má cháu làm đi bác. Cháu mời bác.
Bác Sáu đón bánh cười cười :
- Bánh của má mầy làm tao ăn hoài. Tao nhớ ngày má mầy lấy ba mầy đó, ngày đầu
về nhà chồng, chỉ trổ tài làm bánh ú ngon nhất làng đãi bà con họ hàng, lối xóm. Không biết bây giờ có còn ngon như hồi còn con gái không ?
Bác cầm chiếc bánh ngắm nghía gật gù, rồi đưa lên miệng cắn một miếng lớn.
- Ý chà, coi bộ ngon hơn á Phiên !
Bác vừa nhai ngồm ngoàm vừa nói. Phiên và Linh mỉm cười nhìn nhau. Phiên hãnh
diện vì đã « quảng cáo » được tài nấu bánh của mẹ. Nó nhanh nhẩu bóc vội hai chiếc nữa, một cho Linh và một cho mình. Mùi thơm của nếp lẫn đậu xanh ngầy ngậy tỏa ra. Vài hành khách ngồi băng trên đưa mắt nhìn ra sau chép miệng nói bâng quơ :
- Bánh ở đâu thơm dữ. Tự nhiên thấy đói cả bụng.
Linh đã ngốn hết nhẳn cả một chiếc bánh và đang bóc dở chiếc thứ hai thì bỗng nhiên
xe dừng lại, giật mạnh. Chiếc bánh văng khỏi tay Linh nhưng may mắn còn nằm lắc lư trên đùi Phiên.
- May quá …
- Tới nơi rồi hả ?
Phiên đưa mắt nhìn quanh. Chú lơ xe vội nhảy xuống la lên :
- Xe nghỉ nửa giờ. Bà con cô bác ai muốn ăn trưa gì thì ăn lẹ đi cho no bụng.
Chú lơ vừa la vừa chạy vào một cái quán gần đó. Bác tài xế cũng mở cửa xe đóng
đánh rầm một tiếng mạnh. Hành khách nhốn nháo lên xuống. Tiếng nói năng ồn ào vang vang. Cửa hông xe mở toác. Phiên nhìn bác Sáu dò hỏi. Bác Sáu biết ý nói :
- Vừa ăn bánh xong chắc mấy đứa không thấy đói phải không ? Nhưng mình cũng
nên xuống đây một chút cho đỡ mỏi cẳng.
Linh khều Phiên :
- Mình uống xi-rô đi, tui đãi bồ đó.
Phiên ngại ngần :
- Tui sợ bác Sáu la hà.
- Đừng lo, để Linh xin phép cho.
Phiên và Linh cùng rời khỏi chỗ, xuống xe. Xương cổ, xương lóng chân, lóng tay kêu
rôm rốp. Phiên duỗi chân, duỗi tay cho đở mỏi. Chuyến xe đang dừng trước một chợ lỵ nho nhỏ. Vì là buổi trưa nên chợ có vẻ im ắng. Nắng hanh hanh rải xuống lòng con chợ bằng toàn lá dừa nước. Vài cái xe bán nước đá ế khách đứng im lìm. Đám hành khách đã tản mác hẳn vào bên trong chợ. Chắc họ đang kiếm cái ăn. Mấy tiếng đồng hồ xóc xách đã làm bụng họ đói meo. Những căn nhà tiếp nhau cạnh chợ thì đã đóng cửa nghỉ trưa. Vài gương mặt non choẹt hé cửa nhìn ra ngoài trông vui thích. Cảnh im lìm một buổi trưa có nắng hanh hanh dễ ru giấc ngủ, cái oi bức lỡ dở chừng đè nặng lên mí mắt. Đây là thời gian của im lặng ban ngày. Thời gian của giấc ngủ lơ mơ. Của bóng cây im tăm tắp, của mọi người, mọi vật lim dim. Đó là những buổi trưa rảnh rỗi của các bà mẹ, sau bữa cơm trưa, chén bát dọn dẹp vừa xong. Con cái vào giường yên lặng. Chồng con thiêm thiếp nghỉ. Bà ngồi nơi hè vắng, đón từng cơn gió mát hiếm hoi, xõa tóc chải chấy hoặc nhổ tóc sâu, hoặc giả may vá chậm chạp. Cơn nắng hanh trải dài gợi nhớ đến những cơn nắng hanh khác vào cuối mùa xuân, vào giữa mùa hạ và đầu mùa thu.
Khi là bóng cây cao im lặng. Khi là những làn gió chạy dài trên những ngọn cây lao xao đùa những đám lá vàng. Phiên nhớ không nguôi từng bữa trưa tương tự. Nơi đó có mẹ, có Phiên. Những phút gối đầu lơ mơ vào giấc ngủ bên mẹ, Phiên nghĩ đến bà trong cơn nhớ thật nhanh và thật đậm. Nhớ mà hình dung, mà tưởng tượng. Bây giờ mẹ đang làm gì. Có nhớ Phiên ? Có nhớ đến đứa con đang trên đường đi đến nơi xa lạ ? Phiên rưng rưng.
- Nè tui xin bác Sáu rồi, mình uống xi-rô cho đỡ khát đi.
Phiên bước theo Linh. Ý vẫn nghĩ về làng cũ, giờ trở thành thật xa. Mới đó mà đã như
đi từng mấy năm rồi. Nhớ, nhớ quá. Phiên buột miệng :
- Tui nhớ nhà quá Linh ơi !
Thằng Linh đang cầm ly nước đá trên tay định đưa cho Phiên thì dừng lại :
- Trời ơi, đã nói là bồ đừng nghĩ đến. Nhớ một chút thôi. Lên học rồi quên và quen lần
đi mà. Tui thấy có nhiều người đôi khi còn không muốn về lại nhà nữa.
Phiên buồn bã lắc đầu :
- Chắc không khi nào tui quên được đâu.
- Đã nói là để lên tỉnh rồi xem mà. Thôi uống xi-rô nghe. Ly nầy ít nước đá lắm.
Phiên đón ly nước trong tay bạn. Ngụm đầu tiên mát lạnh, Phiên tỉnh cả người.
Uống xi-rô xong, hai đứa dắt tay nhau đi sâu vào trong chợ. Những dãy chợ còn nằm
im lìm trong buổi trưa. Các bà hàng ngồi dậy uể oải khi hay tin có chuyến xe hàng vừa dừng lại. Có bà chả cần bán buôn gì cả, thản nhiên nằm khèo ngủ, nhưng hai mắt thỉnh thoảng he hé để ngừa những người thó đồ trộm. Hàng họ phơi bày cũng nghèo nàn như chợ. Hàng tạp hóa thì lèo tèo dăm cái ô kính đã long bản lề, bụi bám viền nhôm quanh ô đen kịt, bên trong đựng những hộp nút nho nhỏ, kim băng, chỉ màu, chỉ đen trắng. Ô kia đựng những cuộn dây thun lớn dùng để làm lưng quần, trà trộn với ít dây đăng-ten quê kệch màu trắng nằm trơ vơ như thách thức những bộ quần áo bà ba trẻ em may sẵn giản dị. Lược lớn, lược nhỏ, gương soi mặt nằm lẫn lộn với xà phòng rửa mặt hiệu Cô Ba, cạnh những cây xà phòng loại xấu làm bằng bột dừa khô và nước tro, mầu ngà ngà mà Phiên thường thấy. Nước mắm, muối, ớt, lọ lớn, lọ nhỏ trơ vơ dưới đất. Phiên không thấy gì hơn, có gì đẹp hơn, có gì lạ hơn quê nhà. Lòng Phiên chợt thấy nản.
Nó dừng lại kéo tay Linh :
- Thôi tụi mình lên xe đi, chợ gì mà buồn hơn cả chợ làng tui nữa.
Linh cười :
- Chợ trên Sài Gòn đẹp mê hồn luôn. Bữa mô lên trển tui dắt bồ đi đi chợ một bữa
cho biết mùi.
Hai đứa dắt tay nhau thân mật đi về phía xe đậu, len qua hai dãy chợ vắng. Vài người
khách nằm thiu thỉu bên gói hành lý mà họ đã cẩn thận vác xuống lúc nghỉ trưa. Chuyến xe vẫn nằm im lìm như không buồn chạy. Nắng vẫn đổ lửa trên con đường nhựa lồi lõm bốc hơi. Linh kêu lên :
- Nóng quá trời, sao mới lúc nãy trời còn hơi mát mà bây giờ lại nóng quá sức. Tụi
mình lên xe ngó bộ chết thiêu luôn.
- Đừng có nói gở nghe, bác Sáu đi đâu mất rồi ?
Phiên nhìn quanh. Bác Sáu đã biến đi tự đằng nào. Chết, đống áo quần, giỏ bánh ú để
trên xe rủi đứa nào lấy trộm thì khốn. Phiên cuống quít chạy vội đến bên xe, leo lên cửa, ngoái đầu nhìn vào trong. Bác Sáu nằm chổng cẳng ngáy pho pho. Trần xe hắt nắng vào chói chang, hừng hực. Phiên thở một cái phào bước xuống xe, kịp lúc Linh chạy đến kịp hỏi :
- Cái gì mà mầy chạy quá trời. Có chuyện gì vậy ? Bác Sáu ở đâu ?
Phiên không nói, chỉ chỉ vào xe. Bác Sáu ngáy to như kéo gỗ. Cả hai đứa ôm vai nhau
giavui
12-18-2014, 12:10 AM
nín cười chạy phăng đến gốc cây gần đó. Chỉ có một mình ông tài xế nằm ngủ khò. Hai đứa rón rén ngồi xuống. Bóng cây mát rượi thật thích. Thảm cỏ dưới mông mềm êm như nhung lại mát, chả bù với cái nệm xe nóng và bí hơi khó chịu. Phiên rủ Linh ngã lưng trên nệm cỏ mượt. Linh thì thầm :
- Chỗ này mát quá sao chẳng có ai tới nằm Phiên há ?
Phiên làm khôn :
- Trời ơi, bộ tưởng mấy người kia họ không biết sao. Có điều lúc nãy ở đây có nắng
chiếu vào nóng lắm. Tui để ý rồi. Bây giờ mặt trời hơi xế, đụng gốc cây đầu kia nên nơi nầy mới mát đó chớ.
Linh cười :
- Ờ há, tên này thông minh thiệt.
Phiên đưa tay vòng lên đầu, ngẩng nhìn trời. Trời thật cao và xanh, nhưng ánh nắng
chói dể làm Phiên mỏi mắt. Phiên nhắm mắt lại để nhớ một ngày mùa hạ nào đó bây giờ bỗng thật xa. Cũng trên con sông làng. Bờ bên kia trơ trụi một con đường nhựa tiếp giáp là một khoảng ruộng rộng và dài. Đã bảo ruộng ở miền Phiên lớn lắm. Lớn đến nỗi cò bay thẳng cánh lận mà Phiên chỉ thấy xa xa là những lũy tre nhạt màu xa tít không di động. Nước sông ban trưa lặng lờ bốc hơi mát lên mặt. Phiên vẫn có cái thú lội xuống bờ nước, cạnh bụi hoa chuối nuớc trở hoa đỏ vàng rực rỡ, để ngâm những ngón chân nóng hổi. Nước mát ve vuốt hai chân, dần đưa hơi mát lên đùi, lên thân hình. Nghịch nước chán, Phiên leo lên duỗi dài trên một nhánh cây đa duy nhất, thò tay rễ dài tận bờ, một chân gác lên nhánh đa đong đưa, một chân thò hẳn xuống nước. Trời xanh thật xanh vào mùa Hạ. Mây trắng nở đầy đùn đùn ở phương tây. Trời êm thật êm vào mùa Thu với dòng nước bỗng ấm dưới chân. Trời mát lạnh thật mát vào mùa Xuân với dòng nước hơi gây gây lạnh, cái lạnh chắc còn sót lại ở mùa Đông có mưa, có gió lạnh buốt da. Phiên không biết dòng sông ra sao vào mùa Đông. Bui chuối nước có nở hoa đẹp không. Và sông có trong không. Bởi Phiên chỉ nhìn được cái dáng sông vào mùa Đông từ đầu xa từ mỗi buổi trưa đi học về. Buổi sáng lạnh quá, Phiên quên nhìn. Phiên chỉ thấy mưa giăng mờ con sông quen thuộc. Bây giờ nằm đây nhớ về con sông quê hương, Phiên thấy lòng mình man man…
- Ê tụi bây dậy đi chớ, trễ hết rồi đó mấy cha nội.
Bác tài xế cáu gắt nhặng cả lên. Mặt trời đã nghiêng chiều. Cơn mệt nhọc khó chịu của
buổi trưa mùa Hạ đã làm bác ngủ quên, hành khách ngủ quên, anh lơ xe ngủ quên. Không ai gượng dậy nổi và ai cũng muốn nằm ráng thêm một giấc. Phiên và Linh lồm cồm bò dậy. Linh càu nhàu :
- Tức quá, mới ngủ được chút xíu. Tối nay về nhà phải ngủ một giấc đến sáng thứ
hai luôn.
Phiên cười thầm một mình : hôm nay là thứ hai cơ mà.
Bác Sáu đã dậy từ lúc nào đang nồi nghiêm chỉnh phì phà điếu thuốc lá. Bác thấy hai đứa bảo liền :
- Ngủ ngon quá ta. Có bữa trễ cả xe rồi kêu.
Phiên độ chừng bác Sáu trở dậy kiếm hai đứa và thấy cả hai cùng nằm ngủ. Bác không
kêu dậy vì biết bọn trẻ bị mệt. Đám hành khách khi ngủ im lặng bao nhiêu, bây giờ lại ồn ào bấy nhiêu. Tiếng la, tiếng cười, tiếng chửi lộn vì bị dành mất chỗ kéo dài mãi đến khi xe chạy. Gió mát lại ùa vào xe. Có người tiếc giấc ngủ dở hồi trưa tựa đầu vào thành xe gà gật nốt đoạn đường cuối. Phiên cũng thấy mình buồn ngủ chi lạ. Tiếng hỏi của Linh như bay mất trong hai cơn gió lùa liên tục. Cái mát phả vào da thịt Phiên như che hết mọi giác quan. Phiên nhắm mắt lại ngủ vùi, đầu ngoẻo về một phía. Linh hỏi mãi không thấy đáp, quay lại chau mày một tí rồi bỗng nó cảm thấy như cơn ngủ hồi nãy kéo đến. Nó cũng nhắm mắt và vài phút sau nó chỉ còn nghe tiếng xe loáng thoáng nhịp nhàng mơ hồ như những lời ru.
- Phiên, Phiên đến nơi rồi, dậy đi, đến nơi rồi.
Phiên dụi mắt nhổm đầu dậy. Hình ảnh đầu tiên Phiên nhìn thấy là những bóng đèn
xanh đỏ chớp rực rỡ. Những dây đèn điện sáng loáng từng hàng trong cơn nắng chiều vừa chập choạng. Rồi những âm thanh, tiếng động, nghe ồn ào như một buổi họp hội đình làng, như buổi chiếu bóng công cộng; nhưng không, ồn ào hơn, khác lạ hơn, vì không có tiếng trẻ con ồn ào, tiếng rao quà vang vang, tiếng người lớn ồn ào. Mà ở đây, tiếng máy xe, hàng trăm hàng ngàn. Phiên mở to mắt ngắm nhìn, vểnh tai to lên để nghe. Hai dãy phố sang trọng, nhà cao lớn rộng rãi. Người ta, xe cộ áo quần. Phiên chồm hẳn người ra ngoài, vượt lên thân hình Linh làm Linh chợt thức giấc.
- A, tới nơi rồi ! Sài Gòn đó !
Sài Gòn đó ! Phiên thấy lòng mình lắng lại. Có cái gì không ổn ở đây. Tuy đẹp, tuy
sang, nhưng lòng Phiên thấy lại càng xa lạ. Phiên ngửi thấy mùi khen khét, không phải gió mát. Không phải không khí trong lành ngoài đồng ruộng. Phiên chợt nhớ đến bộ quần áo mộc mạc quê mùa mình đang mặc. Phiên chợt nhớ đến đỉnh đồi đầy gió trong lành, nhớ đến dòng sông một thời đầy kỹ niệm. Thôi thế là hết. Phiên sẽ không còn bao giờ thu nhận được một hình ảnh tương tự nào cả. Những người đang đi dưới đường, những bà già đang đứng bên kia đường chờ xe qua, không có hình ảnh người đàn bà nhà quê áo nâu hiền từ, không có cả cái nhìn âu yếm thương yêu. Phiên thấy lòng se lại. Linh đang nói tíu tít. Phiên không nghe, không nhìn, không để ý gì đến bên ngoài nữa. Nỗi lo lắng cho những giờ sắp đến lại tràn trề trong lòng Phiên. Gần quá đi thôi. Phiên sẽ phải làm gì , Phiên sẽ phải nói gì. Sài Gòn xa lạ, người người xa lạ, ai quen, ai biết, Phiên thấy mình lạc lõng trước cái to lớn, trước sự đông đúc, trước những bộ mặt xa lạ quá, quá xa lạ không ngờ. Bác Sáu cúi xuống dặn dò Phiên :
- Tí nữa cháu nhớ thưa gởi cho lễ phép nghe. Bác chắc là họ sẽ không đến nỗi tệ, nhất là đã có lời giới thiệu của ông Cả. Chỉ cần cháu ăn ở hiền lành chăm chỉ là họ sẽ vui lòng. Cháu gắng lo cho các con của ông ấy đàng hoàng Con họ học hành tiến bộ thì cháu đỡ phải bị trách móc. Cháu ráng học nghe.
Phiên hỏi :
- Mấy đứa nhỏ của bác Quất học lớp mấy hả bác Sáu ?
- Ờ, bác Sáu đã hỏi dò rồi, mấy đứa đó còn nhỏ, một đứa học lớp năm, một đứa học
lớp tư, một đứa học lớp ba. Còn đứa út thì học mẫu giáo. Dễ ợt hè.
Phiên yên bụng tính nhẩm một mình. Học những lớp đó thì Phiên dư sức dạy.
Chỉ mong tụi nó ngoan ngoãn là Phiên đỡ khổ.
Xe tới bến. Bến xe với đủ loại xe to nhỏ nằm nghỉ ngơi trên một khoảng đất rộng gần
đường cái. Bến xe nhớp nhúa đầy rác rến. Phiên đỡ lấy hành lý của mình. Xe đậu cạnh một đống rác lớn, ruồi nhặng vo ve. Những chiếc đèn nê-ông sáng rực tương phản với màu đen nhớp của rác, của đất sâm sấp nước.
Bác Sáu tiến đến chiếc xe xích lô máy trả giá. Sau một lúc kỳ kèo hơn thua, bác Sáu chịu đi với giá tám mươi đồng. Một số tiền thật to. Phiên nghĩ, mẹ chắc không bao giờ chịu cho đi xe với giá thật đắc đó. Khi nào bà cũng đi bộ mặc dù mỗi chuyến xe ngựa chỉ tốn năm đồng là cùng. Bác Sáu giục Phiên trèo lên. Lúc ngồi đàng hoàng rồi, Phiên mới chợt nhớ đến Linh. Phiên đưa mắt tìm kiếm, bóng dáng người bạn đường mất hút đâu rồi. Phiên nghĩ chắc Linh nó quên mình chăng ? Mà Phiên cũng quên nữa, xuống xe là xăm xăm đi thẳng, không để ý gì đến bạn bè. Chết, Phiên lại quên hỏi nhà Linh ở đâu, rồi biết đàng nào mà đến chơi. Nghe nói là ở Đa Kao, Đa Kiếc gì đó. Chắc lúc ấy muốn tìm, Phiên hỏi mấy nhà bên cạnh chung quanh đó là xong chứ gì. Yên chí, Phiên quay sang bác Sáu. Bác đang trầm ngâm. Gió phả hai bên tai mát rượi. Phiên thấy quen dần với cảnh đông đúc, thị tứ, xe cộ ồn ào. Những con đường ôi lớn sao là lớn ! Những ngôi nhà cao ngút mắt và sang trọng quá đi thôi. Như một chân trời xa lạ nào khác đang hiện ra trước mắt Phiên. Quê nhà thu lại nhỏ nhoi. Trời chạng vạng tối, ánh sáng nhòe nhoẹt hẳn mặt. Phiên không nhìn rõ mặt bác Sáu. Nó chỉ thấy lờ mờ gương mặt bác, không hiểu bác nghĩ gì. Điếu thuốc lá trên môi bác chốc chốc lại lóe lên và tiếp theo là khói thuốc bay ập vào mắt vào mũi Phiên. Phiên cúi xuống tránh khói cay xè. Mặt đường nhựa loang loáng chạy dài. Không một bóng cây quen thuộc nào. Khói thuốc ngột ngạt làm Phiên muốn ho. Bỗng thấy tay mình lạnh dần rồi đầu óc quay quay, Phiên chóng mặt. Nó nhắm mắt lại, gục đầu lên vai bác Sáu, tai còn nghe loáng thoáng trong gió tiếng bác Sáu lặp bặp :
- Tội nghiệp thằng nhỏ. Nó mệt suốt cả ngày đường…
Tâm trí Phiên bỗng hiện ra hình ảnh ban sáng, mẹ buồn rầu thấm nước mắt bằng vạt
áo nâu. Dáng đơn độc của bà trên bờ ruộng mới cấy. Nồi bánh ú đêm hôm qua sôi sùng sục, bếp lửa lèo xèo, tấm lưng thổn thức. Tất cả xáo trộn lại không thứ tự làm cơn nhớ nhà vụt lên cao ngất. Phiên nghe lòng mình nức nở. Những giọt nước mắt Phiên cố giữ lại không được lăn tròn trên má Phiên lặng lẽ.
Tiếng xe phanh rít lại cùng lúc tiếng bác Sáu la to :
- Dừng lại đây. Cho xuống đây.
Phiên nhổm đầu dậy. Bóng tối ập vào mắt Phiên. Có mùi thơm ngọt ngào của thịt kho
từ đâu đây đưa ra, Phiên nghe đói bụng. Bác Sáu trả tiền xe, cúi xuống nói nhỏ với Phiên :
- Chắc cháu đói bụng lắm chớ gì ? Bác cũng vậy. Nhưng nếu bây giờ mình đến nhà họ
ăn cơm thì phiền phức, bác cháu mình ra chợ ăn đỡ gì cũng được. Đi đi…
- Chợ ở đâu hả bác Sáu ? Còn nhà ông nào đó ở chổ nào bác ?
Bác Sáu lắc đầu :
- Nhà người ta thì phải vòng qua bên kia đường quẹo đó. Còn chợ thì đầu nầy, gần
đây.
Rồi bác chỉ về phía trước. Phiên thấy một khoảng sân rộng, cây cối và một cái cổng
lớn như cửa chùa.
- Đây là Lăng Ông. Cháu học chắc biết lăng của ông Lê Văn Duyệt chứ gì ?
Phiên ngạc nhiên « à » một tiếng. Tối trời quá, Phiên không thấy rõ Lăng. Nhưng nhìn kỹ thấy thật giống như trong sách sử đã chụp hình. Hai bác cháu vòng qua hông Lăng Ông, Phiên thấy đằng xa ánh đèn sáng rỡ một khoảng chợ. Người đi lại đông đảo. Bước chân Phiên chỉ muốn chạy. Cái đói đã át mất nỗi lo. Giờ đây Phiên chỉ nghĩ đến bữa ăn có cơm ngon cá kho, rau luộc. Những bữa cơm thơm mùi lúa mới của quê nhà. Tiếng xì xụp, ồn ào của các thực khách bình dân làm gia tăng cơn nôn nóng. Phiên đứng lại cùng lúc với bác Sáu để chọn quán.
Phiên lưỡng lự. Nghe nói mì Phiên cũng thích. Những sợi mì ngon lành đã một lần
được thưởng thức vàng ngọt, những miếng thịt xá xíu bùi thơm điểm một cái bánh tôm mỏng. Phiên nuốt nước bọt. Phiên muốn ăn mì. Nhưng bác Sáu lại nói khác :
- Thôi ăn cơm cho chắc bụng. Mình vào trong đi.
Phiên thấy tiêng tiếc. Lúc đi ngang qua hàng mì, Phiên liếc nhìn.Tiếng nước sôi sùng
sục, cử chỉ nhanh nhẹn của chủ quán. Những sợi mì dài dằng dặc tung lên tung xuống cho tơi ra, cho ráo nước, Phiên hít vào thật mạnh. Mùi mì không có, nhưng mùi thịt kho lại thoang thoảng đâu đây. Phiên bỗng nhớ đến bữa cơm. Hàng cơm nằm về phía trong cùng so với các quán bán hàng ăn. Hai dãy bàn kê dài, một cái bàn tròn kê đơn độc ở góc trong cùng. Bác Sáu kéo Phiên ngồi vào chiếc bàn đó. Phiên đưa mắt nhìn chung quanh. Khách hàng ngồi đông và ăn uống ngon lành. Những tô canh bốc khói, những đĩa xào thơm mùi tiêu hành. Đĩa thịt kho ngào ngạt mũi. Phiên nuốt nước bọt ừng ực. Bác vừa đi vừa chỉ vào Phiên :
- Ông cháu tui ngồi đây. Anh làm cơm lè lẹ lên nghe. Đói bụng ghê lắm rồi… Phiên, mày uống gì, nước ngọt hay xá xị ?
Phiên bối rối. Từ bấy lâu nay, Phiên chưa từng biết nước ngọt, xá xị cái nào ngon hơn,
mặc dù đã trông thấy hình dáng dễ thương của các chai xá xị màu vàng xanh đỏ, những chai cô -ca đen nâu, Phiên ấp úng :
- Bác cho cháu uống xá xị đi.
Bác Sáu quay lại người chạy bàn, dõng dạc :
- Cho một chai xá xị. Còn tôi một ly đế.
Chai, ly, nước đá sẵn sàng. Phiên uống vội vã trong cơn khát tự dưng kéo đến không
biết từ khi nào. Đổ nửa chai xá xị còn lại vào ly, Phiên bớt đói. Bác Sáu thì đang khề khà ly rượu đế với dĩa đậu phụng rang để trên bàn sẵn sàng. Đĩa đậu mà Phiên từ lúc mới ngồi xuống đã thấy và tưởng của ai bỏ quên lại. Té ra nhà hàng bán cả đậu phụng rang nữa. Bác Sáu thấy Phiên nhìn chăm chăm vào đĩa đậu, lại ngỡ Phiên thích ăn, nhúm đưa Phiên mấy hột. Phiên nhai lạo rạo mà không thấy thích thú bao nhiêu. Đậu rang mằn mặn, nguội ngắt. Chả bù với những hạt đậu rang khi còn ở nhà, mẹ đã rang cho Phiên ăn. Những hạt đậu sao ngon lành đến thế, nóng hổi, dòn tan và bùi bùi. Những hạt đậu không cháy vì được rang cả vỏ ngoài. Bốp một cái, trái đậu vỡ ra sau khi kêu một tiếng dòn. Hạt đậu nóng vừa đủ để phá cái bọc ngoài mỏng và lộlần đậu vàng đều đặn. Đậu rang như vậy mới ngon mới ngậy, Phiên thấy những hạt đậu ở đây vô duyên và dở quá chừng. Phiên bỏ lại vào đĩa những hạt đậu ăn thừa khi thấy cơm đã được dọn ra. Một đĩa cơm nóng bốc khói nghi ngút. Một đĩa thịt kho có quả trứng bầm nâu. Một bát canh cải xanh nấu với miếng cá tràu nằm lộ trên mặt cải. Một đĩa rau xào với tôm. Một chén nước mắm có ớt có chanh để riêng. Sang quá.
Bác Sáu xoa hai tay vào nhau bảo Phiên :
- Ăn cho no đi nhé. Ăn một bữa cho đã đi.
Bác sới cơm vào chén ấn vào tay Phiên. Bác tiếp đồ ăn đầy bát. Phiên lúc đầu ăn nhỏ
nhẻ, sau nhanh dần và tự nhiên như ở nhà.
… Bác Sáu đẩy ly nước trước mặt ra xa, rồi nói với Phiên :
- Bây giờ mình đi được rồi. Cháu đã uống nước chưa ?
Phiên nhanh nhẹ đứng dậy đáp :
- Dạ cháu xong rồi.
Bác Sáu kéo Phiên ngồi xuống nói :
- Khoan đã, để bác trả tiền đã. Ngồi đây chờ bác. Trả xong rồi mình đi.
Bác Sáu đến đằng quầy hàng trả tiền. Phiên cúi xuống sửa lại hành lý.
Bọc hành lý đã xệch xạc. Phiên mở giỏ sửa lại ngay ngắn. Mùi bánh ú thơm thơm. Phiên nhớ đến mẹ một thoáng. Không biết nên cho hết bánh hay là dể lại vài cái. Mẹ bảo mình để lại mấy cái để ăn dặm thêm bữa cơm, chắc bà biết Phiên sẽ không dám ăn no vì ngượng nghịu và không quen nhà.
- Thôi, đi cháu. Nhớ lời bác dặn hồi chiều không ? Nhớ ăn ở cho lễ phép nghe.
- Dạ…
Phiên theo bác Sáu đi về phía trái. Khách ăn uống vẫn còn đông nhưng đường lại hơi
vắng. Phiên đi nhanh vượt khỏi bác Sáu lúc nào không biết. Chợt nghe tiếng bác Sáu kêu sau lưng :
- Ơ kìa, đi đâu đó. Quẹo ngã nầy nè.
Phiên giật mình đứng lại; bác Sáu đứng ở đầu ngã quẹo tay chỉ chỏ vào bên trong. Phiên quày quả quay lại, đi nhanh về phía bác.
- Cháu quên mất.
- Kheo khéo…Mầy mà lạc đường chỉ có nước chết thôi con ạ. Đăng báo tìm nửa tháng cũng không thấy đâu. Xe hơi nó lại cán cho dẹp ruột vào.
Phiên lặng thinh đi theo bác. Con ngõ quẹo tối, chập chùng gồ ghề dưới chân. Phiên đạp nhầm vũng nước. Chân hơi nhớp nháp. Phiên chùi mạnh chân vào đám cỏ ở bên cạnh. Mùi cỏ hăng hăng như thế nào ấy. Ngõ vẫn sâu và dài quá. Phiên bắt đầu thấy mỏi cả hai cánh tay. Hành lý trở qua trở lại hoài, hai dây đai buộc làm quai giỏ để xách miết vào lòng bàn tay Phiên thấy nóng hổi và hơi xót. Phiên kéo tấm áo phía trước lót vào tay để xách. Bước chân theo đó lại vướng víu khó đi. Nhiều lần suýt ngã, Phiên đành bỏ áo ra và nâng quai xách cho vào cánh tay. Đến lúc Phiên thấy mình cần làm một cử động ngơi nghỉ nào đó để đở mỏi thì bác Sáu dừng lại trước một ngôi nhà ngói, có hiên và rào ngõ. Cửa chính đóng kín, nhưng Phiên biết trong nhà còn thức, vì những ánh đèn hắt ra và có tiếng trẻ con reo cười đùa giỡn bên trong.
Bác Sáu vừa mở cánh cửa ngõ, vừa lầm bầm cái gì trong miệng không rõ; rồi ngồi sụp xuống, sờ soạng tìm chỗ cài then. Cánh cửa bật ra sau vài phút đó. Phiên theo bác xách đồ để ngoài hiên. Bác Sáu gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Cánh cửa vẫn đóng im lìm, tiếng cười trẻ con vẫn không dứt. Bác Sáu gõ một lần nữa nhưng mạnh hơn. Tiếng cười bỗng im bặt, có tiếng lào xào và tiếng dép lẹp xẹp đến bên cửa. Tách ! Cánh cửa mở toang. Ánh đèn chan hòa từ bên trong òa ra ngoài hiên, bác Sáu lùi một bước rồi tiến lên một bước. Một gương mặt nhỏ nhắn nheo nheo nhìn ra ngạn nhiên dò hỏi. Bác Sáu khua tay :
- Có ba má ở nhà không cháu ? Đứa bé dừng lại một giây ngắn, rồi quây nhanh vào
bên trong la to :
- Ba ơi, có khách.
Một đám con nít lớn nhỏ khoảng ba, bốn đứa chạy ùa ra cửa nhìn bác Sáu và Phiên
mặt xa lạ, tò mò. Một vài đứa lau nhau :
- Có khách, có khách, ba ơi…
- Ai đó vậy mầy. Hổng quen chút nào.
Có tiếng người đàn ông, giọng nói còn âm người miền quê Phiên :
- Tụi bây ồn ào quá, có khách mà chạy ào ào vậy hả.
Mấy đứa nhỏ tản mác vào trong nhà. Bác Sáu bước hẳn vào nhà :
- Anh Quất, nhớ tui không ?
Người đàn ông mặc chiếc quần dài và chiếc áo may ô trắng, nói lớn :
- Trời, bác Sáu đây mà. Lâu quá mới gặp bác. Tui có được thơ của ông Cả nói là bác
sắp lên và giới thiệu một chú bé dạy cho sắp nhỏ ở đây. Vậy chú nhỏ ấy đâu rồi. Nghe nói là con anh Tư Cần phải không bác Sáu ?
Bác Sáu cười nhẹ và đưa tay ngoắt Phiên :
- Nó đứng ngoài hiên đó. Vô đây cháu. Vô đây…
Phiên rón rén bước vào, cúi đầu chào :
- Dạ chào bác !
Anh Quất đưa tay xoa đầu Phiên :
- Nó ngoan quá trời, mà nó cũng giống ba nó như đúc, bác Sáu hả. Nè coi mặt nó
với anh Tư Cần như đúc khuôn.
- Đó, tao gởi nó lại cho mầy đó. Chị Tư chỉ nói với tao là nhờ mày trông coi giùm.
Coi như con cái trong nhà, có gì thì rầy la chớ đừng để nghe.
Anh Quất tươi cười nói với Phiên :
- Đem đồ vô nhà đi cháu. Coi như nhà cháu vậy. Đừng nghĩ gì hết nghe.
Phiên thấy vui vui trong lòng. Chắc biết được cảnh nầy mẹ mừng lắm. Phiên ra ngoài
xách đồ vào, trong lúc anh Quất kêu vợ :
- Nè mình ơi, có bác Sáu ở dưới quê lên đó. Cả con chị Tư Cần nữa nè. Mình ơi, lên
chào bác Sáu đi, người cùng quê, lâu ngày mới gặp…
Phiên khệ nệ xách cái giỏ của mình và giỏ của bác Sáu vào nhà. Chị Quất cũng từ dưới
nhà bước lên. Chị cười với bác Sáu :
- Lâu ngày quá mới gặp bác. Ở dưới đó khỏe chớ bác ?
- Khỏe chi mà khỏe. Nếu khỏe thì thằng Phiên đã không lên đây học. Nếu khỏe thì tao buôn bán ở dưới đó chớ lên đây làm gì.
Chị Quất nghe nhắc đến Phiên, quay lại nhìn Phiên :
- Phiên con chị Tư đó hả ? Thôi vào nhà thay quần áo đi con. Tắm rửa đã chớ.
Phòng tắm ở dưới bếp đó.
Rồi chị quay vào trong nhà kêu lớn :
- Thanh ơi, dẫn anh Phiên vào nhà trong đi con.
Một đứa bé gái nhỏ hơn Phiên một chút, ngại ngần đi ra. Nó không nói không rằng,
ngoắt Phiên một cái. Phiên xách giỏ đồ đi vào nhà trong. Tụi nhỏ dừng chơi trố mắt nhìn Phiên, xì xào…Tất cả đều nhỏ, không đứa nào lớn hơn Phiên cả. Phiên hỏi cô bé tên Thanh :
- Nhà tắm ở đâu vậy em ?
Thanh trả lời, giọng Sài Gòn :
- Ở đó kìa, nơi cánh cửa màu xanh đó. Anh thay đồ rồi tắm luôn.
Nói xong nó chạy vù mất. Phiên tức cười một mình. Phòng tắm có thắp đèn sáng choang. Mới ăn xong, Phiên không dám tắm, sợ tức bụng. Phiên lấy khăn lau mình mẩy. Nước đục bẩn. Phiên thấy mình cần phải tắm vì người nhớp quá, bụi ghét đầy mình. Tắm xong sạch sẽ. Phiên thay bộ đồ cũ, mặc cái quần trắng dài và áo bà ba mới. Phiên xuống bếp mượn cái đĩa lớn, để chục bánh ú rồi bưng lên nhà. Bác Sáu và vợ chồng anh Quất đang ngồi nói chuyện về Phiên.
Chị Quất nhác thấy Phiên bưng đĩa bánh thì nói :
- Trời ơi, cháu bày vẽ làm gì cho nó tốn. Lại mắc công đem nó từ dưới lên
đây,đường xa xôi mà…
Bác Sáu khẽ cười, đỡ lời Phiên :
- Không có chi, tụi bây ăn thử mấy cái bánh ú chị Tư chỉ làm. Tài nấu bánh ú của
chỉ chắc tụi bây biết quá mà.
Anh Quất reo lên :
- Chà, bánh ú của chị Tư Cần, tuyệt phích, nhớ lần anh Cần cưới chỉ, chỉ làm bánh
cho cả nhà ăn. Ăn xong, cả nhà đâm thương chỉ luôn.
Chị Quất nguýt chồng một cái thật dài :
- Ngon gì mà ngon dữ vậy ?
Anh Quất cười, không trả lời. Rồi kêu con :
- Thanh, Hải, Hương, Giang đâu, ra đây anh Phiên phát bánh cho nè.
Bốn đứa con lớn nhất trong nhà chạy xô ra. Chúng đứng kề cận Phiên, tự nhiên thân
mật :
- Anh Phiên cho em trước nghe. Anh cho em trước nghe…
Phiên cười :
- Nhỏ trước, lớn sau. Từ từ nghe…
Phiên phát bánh từ từ cho mấy đứa nhỏ, còn bao nhiêu để cả lên bàn. Chị Quất với lấy
một cái mời bác Sáu :
- Bác dùng một cái cho vui.
Anh Quất chợt nhớ hỏi nhanh :
- Ủa, bác và Phiên ăn cơm chưa ? Đẻ mấy đứa mua phở về cho bác dùng nghe. Bậy
quá nãy giờ quên hết.
Bác Sáu xua tay :
- Thôi, tao ăn cơm rồi. Ăn xong rồi mới ghé nhà đây. Tụi bây có tốt thì tìm cho tao cái
giường ngủ thật yên là được rồi. Có chỗ không ?
- Trời, chỗ ngủ mà bác còn hỏi, thiếu gì. Chật bụng chớ chật chi nhà. Bác đã tới đây,
chẳng lẽ lại ra phòng ngủ hay sao. Mời bác vào bên trong nầy. Còn Phiên thì ngủ trong phòng mấy em, mai bác dẹp chỗ lại, có chỗ nằm đàng hoàng.
Phiên vâng dạ rồi vào gian phòng mà anh Quất đã chỉ. Nói là phòng chứ thật ra là một
góc nhà ngăn riêng ra bằng bốn bức tường bằng gỗ mỏng không sơn phết gì cả. Tường chỉ cao tới lưng chừng, bên trên trống. Trong phòng có hai cái giường một cái lớn, một cái nhỏ. Đầu góc để một cái tủ nhỏ, đầu kia treo đầy áo quần trẻ con, chắc là quần áo của con anh Quất. Con Thanh rón rén đến gần Phiên chỉ cho Phiên cái giường nhỏ :
- Anh ngủ giường nầy. Má nói vậy.
Phiên gật đầu, soạn sơ sài lại giỏ quần áo rồi trèo lên giường. tụi nhỏ chưa chịu đi ngủ
chạy ra chạy vào chóng cả mặt. Chúng phá phách la hét inh ỏi. Phiên buồn ngủ quá nhưng mỗi lần thiu thiu thì giường lại rung mạnh vì chúng chạy đụng nhằm vào giường. Hai ba lần như vậy, Phiên thấy mình không còn buồn ngủ nữa. Phiên đâm nghĩ ngợi lan man. Thời gian qua là hừng sáng đến bây giờ một ngày chưa tròn thế mà biết bao thay đổi. Từ một nơi, một cái giường êm ấm có mẹ thân thuộc thương yêu đến một nơi xa lạ cách nhà cả một ngày đường. Sao mà xa xôi, cách trở. Phiên trở mình. Chiếc giường sắt có lò xo bật kêu lẹt kẹt. Phiên lại nhớ đến cái chõng tre ở nhà, nhớ tiếng kêu cò kẹt mà Phiên cố tình tạo ra bằng cách lăn mình thật mạnh vào mỗi lúc giận mẹ. Phiên nhớ đến tiếng kêu của bụi tre sau nhà. Tiếng ru con hời hời trong đêm tối của nhà hàng xóm. Tiếng khóc khuya của trẻ con lẫn tiếng la, tiếng dỗ dành ngái ngủ. Phiên nhớ rõ mồn một. Bây giờ chắc mẹ cũng trăn trở không nguôi trên chiếc giường tre một mình trong căn nhà vắng. Hoặc bây giờ mẹ đang ngồi bên bếp lửa, ủ rũ, mắt ngấn lệ nhớ con. Hồi sáng, mẹ dầm sương đưa Phiên đi. Hồi hôm mẹ thức khuya nấu bánh. Phiên sợ mẹ trở bệnh cảm hàn; Mẹ vẫn thường hay bị bệnh cảm. Trái gió trở trời hoặc một cơn mưa bất thường buổi chiều, một cơn giông cũng đủ để mẹ sụt sùi mấy ngày. Những lần vậy, Phiên thường chạy đi tìm lá ổi hái về cho mẹ. Một nắm lá tre, một nắm lá sả. Nấu lên bằng lửa than. Mẹ trùm mền xông chừng mười lăm phút. Mồ hôi mẹ ra ướt cả áo. Phiên chùi vào một cái khăn khô. Vài lần như vậy, cơn bệnh mất hẳn. Hoặc đôi khi Phiên vuốt gió cho mẹ. Hai ngón tay cái miết vào trán. Máu gió đọng lại ở giữa hai lông mày. Phiên ngắt từng cái mạnh. Mẹ dặn phải đủ chín cái, đàn ông bảy cái, đàn bà chín cái. Máu đọng lại, cơn đau đầu dứt lần. Đôi khi Phiên còn cạo gió cho mẹ. Mẹ nằm sấp, lưng trần. Phiên cầm đồng bạc cắc, quết một chút dầu cù là hiệu con cọp rồi cạo nhè nhẹ trên da lưng. Làn da rướm máu bầm. Phiên cạo cổ, cạo thắt lưng. Tất cả là những cử chỉ đền bù sự nhọc nhằn, công khó nhọc mà mẹ đã dành cho Phiên. Mẹ thức hàng đêm chăm sóc Phiên khi Phiên đau yếu. Mẹ ngồi hong bụng Phiên hàng giờ bên bếp lửa nóng. Giọt mồ hôi mẹ chảy dài theo gánh hàng trĩu nặng để kiếm tiền cơm áo nuôi Phiên. Những câu nói ngọt ngào, những lần mẹ an ủi vỗ về, Phiên không sao quên được. Phiên nhớ mẹ quay quắt. Đến khi nào Phiên mới có dịp về thăm mẹ. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, ba ngàn sáu trăm giờ. Thời gian lâu, tóc mẹ có bạc hơn, mẹ có khỏe hơn ? Mẹ đau như thế nào ? Mẹ mệt như thế nào ? Mẹ có buồn không ? Phiên thương mẹ. Phiên nhớ đến nghẹn ngào, và nước mắt lại bắt đầu thấm ướt gối. Đèn nhà vẫn sáng. Mấy đứa nhỏ tò mò nhìn qua mùng; Phiên quay mặt vào trong để giấu nước mắt. Nhưng cánh mũi như muốn cứng lại, tràn đầy nước. Hơi thở trong lồng ngực như muốn vượt thoát thật nhanh. Phiên thở mạnh và âm thoát ra là một tiếng nấc to. Đứa nhỏ đứng gần bên bạo dạn chúi mũi vào và khều đứa bên cạnh chỉ vào mùng nói :
- Anh nầy ảnh khóc mi ơi.
Phiên nén lòng nằm im. Lặng lẽ, mắt nhắm lại, mặt vùi trong gối. Tiếng một đứa khác
nói sau vài giây làm thinh :
- Mầy xạo, người ta ngủ mà…
giavui
12-18-2014, 12:11 AM
Chương 3
Hôm nay là ngày tuyên bố kết quả kỳ thi vào Đệ Thất trường Trương Vĩnh Ký tức là trường Pétrus Ký. Phiên dậy từ lúc trời vừa tảng sáng. Nỗi hồi hộp, lo âu đã đuổi nhanh vào giấc ngủ. Hồi hôm, Phiên vào giường thật sớm, nhưng cứ nằm thao thức mãi. Phiên nhớ lại lúc đi thi, sợ ôi là sợ. Đáng lẽ Phiên thi vào trường Lê Văn Duyệt cho gần nhà, chị Quất bảo thế, nhưng anh Quất gạt đi, bảo ở đó đâu có trường cho con trai. Trường Võ Trường Toản thì gần nhà hơn. Phiên chọn trường nào giữa hai trường ? Anh Quất thì rộng rãi hơn, khi nghe Phiên bày tỏ ý muốn thi vào Đệ Thất trường Trương Vĩnh Ký, anh cũng hài lòng ra mặt, gật gù bảo :
- Ừ, thì trường đó tốt hơn, chỉ có cái bất tiện là xa nhà, nhưng nếu cháu muốn thì
phải ráng chịu khó đi xa.
Chị Quất có vẻ không bằng lòng và cho là Phiên nhiều chuyện, trường nào thì chả
giống trường nào, bày đặt khó khăn. Nhưng Phiên thì thích lắm. Phiên nhớ đến lời nói của Linh. Vẻ mặt hân hoan khi rủ Phiên thi vào trường Trương Vĩnh Ký. Đã ba tháng nay kể từ khi ngồi chung nhau trên xe đò, Phiên không được gặp Linh lần nào nữa. Có vài lần Phiên được phép dẫn mấy đứa nhỏ trong nhà đi chơi Sở Thú, xe lam chạy qua Đa Kao, Phiên đưa mắt cố tìm kiếm xem may ra Linh đang thơ thẩn trước cửa nhà, hay đang đi đâu đó. Nhưng vẫn hoài công. Phiên muốn gặp Linh để báo tin cho Linh biết là mình cũng thi vào trường Trương Vĩnh Ký như Linh thích, để nhắc với Linh lời đề nghị cùng học chung mà ngày nào Linh đã rủ Phiên.
Phiên xuống bếp rửa mặt. Trên nhà chưa ai thức giấc cả. Phiên nhè nhẹ khép cánh cửa ăn thông với nhà ngang rồi bật đèn . Tủ đồ ăn có để sẵn sữa và cà phê. Phiên pha một tí sữa với cà-phê. Lúc mới lên Sài Gòn, Phiên chưa bao giờ được uống cà-phê . Sữa thì một đôi khi. Nếu chỉ sữa không thì ớn mà cà-phê không thì khó uống, đắng chát. Anh Quất bày Phiên pha một ít cà-phê với sữa, Phiên uống được và từ bây giờ cà-phê sữa là bữa điểm tâm của Phiên mỗi buổi sáng. Nhà cũng có mua bánh mì, nhưng Phiên không muốn ăn, không dám ăn thì đúng hơn. Nhiều lúc Phiên đói bụng quá chừng, song cũng đành chờ đến buổi cơm trưa. Phiên tuy nhỏ nhưng tính không háu ăn, ở một mình với mẹ nên khôn sớm. Phiên biết mình vào trọ nhà thiên hạ là một điều phiền phức, nên Phiên cố gắng thu mình nhỏ lại chừng nào hay chừng ấy, bớt gây tốn kém chừng nào là dễ sống chừng đó. Trong nhà đàn ông tính tình rộng lượng hơn đàn bà, đàn bà ai cũng hơi nhỏ nhen, ích kỷ hơn đàn ông. Mấy ngày đầu, chị Quất còn ép Phiên ăn nhiều, nhưng từ những ngày sau chị lơ lần, Phiên ăn uống ra sao mặc kệ. Có đồ ăn gì ngon, chị giấu bớt phần cho con. Phiên những lần như vậy, lại kiếm cách lẩn lơ để chị Quất đỡ ngượng.
Phiên uống nhanh ly cà-phê sữa, mẩu bánh mì ngày hôm qua còn mềm, Phiên ngần ngừ rồi cầm lấy. Bửa ăn sáng này tạm đủ. Phiên rửa mồm rồi sửa soạn áo quần. Bộ áo quần mà mẹ Phiên đã gởi bác Sáu mua dùm để Phiên mặc đi học. Chiếc áo sơ-mi cánh tay màu trắng. Chiếc quần ka-ki xanh dài. Bộ đồ đẹp nhất mà Phiên được mặc từ nhỏ đến nay. Lại còn có thêm một đôi giày ni-lông trắng ngà. Đôi giày có vẻ bền, Phiên thích lắm. Khi Phiên sửa soạn xong xuôi thì cả nhà cũng vừa thức dậy. Anh Quất nhìn Phiên dò hỏi. Phiên nhanh nhẩu :
- Thưa bác, bữa nay có bảng thi.
- À, hèn chi thấy mầy cứ loay hoay suốt đêm hôm qua. Thế nào có hy vọng gì
không ?
Chị Quất đang cắt bánh mì dừng tay chắt lưỡi trả lời :
- Chà, thi thì thi chứ tôi thấy không ổn, người ta gởi gắm da diết lắm có đâu đến
phần mình. Giỏi ghê lắm mới dính bảng. Có đứa lại rớt lên rớt xuống om sòm.
Anh Quất không bằng lòng :
- Mình cứ hay nói để người ta nản lòng. Tôi cứ thấy đứa nào học hành đàng hoàng
thì đậu. Có ai dốt mà đậu được. Còn đứa có học mà rớt thì chắc cũng rủi ro gì đó thôi.
- Ối… « học tài thi mạng » mà ! Nhưng năm nay người ta thi đông quá, liệu có đỡ
đần gì được không đây ?
Phiên đứng nghe lòng hơi buồn. Trước hy vọng bao nhiêu, bây giờ như có vẻ xa vời.
Nếu mình rớt … Phiên không dám nghĩ đến nữa. Mắt rưng rưng. Phiên xin phép anh chị Quất rồi ra khỏi nhà nhanh như bị đuổi. Con ngõ buổi sáng sớm tràn ngập những gánh quà sáng. Bánh cuốn, xôi, chè, bánh mì đậu dọc một bên hẻm. Người ngồi ăn thản nhiên ngồi cả ra giữa đường. Phiên len lỏi thận trọng đi cho hết con hẻm để ra ngoài đường đón xe. Bến xe chạy ra Sài Gòn nằm ngay ở đầu ngõ nên Phiên khỏi phải đón xe lâu lắc. Phiên leo lên một chiếc xe trống. Vài người lục tục theo lên. Không đầy năm phút sau chuyến xe lam bắt đầu chạy. Hình như đường đông hơn mọi ngày. Phiên thấy cùng xe mình cũng có một học sinh trạc bằng Phiên. Phiên chắc là cậu học trò ấy đi xem bảng thi như Phiên vậy. Mãi nghĩ đến kỳ thi, bài thi đậu rớt, xe đến Sài Gòn lúc nào không biết. Khi bác tài hỏi tiền, Phiên mới giật mình, trả mười đồng xe, Phiên leo xuống đi ngược lại về phía chợ, vòng qua bên chỗ trạm Phạm Ngũ Lão đón một chuyến xe khác đi ngõ An Đông – Cây Gõ. Xe này sẽ đi ngang qua hông trường.
Phiên không phải là người đi sớm nhất. Trên sân trường đã lác đác năm bảy học sinh. Mặt cậu nào cũng đăm chiêu suy nghĩ. Có vài cậu không phải đi một mình mà dắt díu thêm anh chị hoặc cha mẹ. Cổng vào các lớp học vẫn đóng im ỉm. Phiên thơ thẫn đi từ góc sân này đến góc sân khác. Thông cáo viết trên bảng đen đặt ở trước cổng trường cho đến tám giờ rưỡi mới có bảng, đồng thời yêu cầu các thí sinh không được bóc xé bảng danh sách thí sinh trúng tuyển. Phiên kiếm một chỗ ngồi trên bực thềm một lớp học. Chả bao lâu sân trường đông đảo dần dần. Phiên vẫn chưa tìm thấy Linh. Không biết Linh có đi coi bảng không hay là nó không thèm đi coi cho mất công. Nếu gặp được Linh, Phiên sẽ đãi nó một ly nước mía. Nhớ lại hôm Linh đãi mình xi-rô trên đường đi Sài Gòn, Phiên hơi cảm động. Phiên lầm thầm trong miệng cầu nguyện cho hai đứa cùng đỗ.
Nếu rớt, Phiên không biết rồi mình sẽ làm gì ? Nhưng chỉ biết chắc là bây giờ mỗi lần Phiên nghĩ đến rớt là run bắn cả người lên, mặt tái lại. Sân trường ồn ào hẳn lên. Mỗi người một câu, một lời cũng đủ tạo thành một cái chợ. Phiên nghe người bên cạnh nói to :
- Chà, đông quá. Hơn hai nghìn người thi mà chỉ lấy có một trăm năm mươi người
thì đúng là chỉ mành treo chuông. Lơ mơ…rớt là chuyện chắc !
- Tui cũng nghĩ vậy. Thằng nhỏ nhà tui nó làm bài cũng tạm được, nên tui không hy
vọng cho lắm.
Phiên quay lại nhìn. Hai người đàn ông ý chừng là phụ huynh của trò nào đó đang nói chuyện với nhau. Câu chuyện vẫn tiếp tục như pháo ran :
- Thằng nhà tôi lại chỉ làm có một bài toán, bài kia thì mới làm được nửa chừng thì
hết giờ.
- Toán mà làm không xong thì cũng khó mà đậu được. Thằng nhà tui thì tệ ở bài
luận. Mà tức thật, ai dè bài luận lại ra đề khó đến thế.
Phiên mỉm cười. Hai ông già sau lưng cũng cười lớn, nhưng đượm vẻ lo lắng. Phiên cũng bí đề bài đó. Nhưng may thay, Phiên được một lần xem ti-vi ở đầu xóm và lại nhằm mục « đố vui để học ». Lần đó Phiên thích lắm nên đi thi gặp được đề bài thật hên. Bỗng dưng Phiên có nhiều hy vọng. Nỗi mừng vừa nhô lên trong lòng như một cái mầm đậu nhỏ. Phiên đứng dậy, bỏ đi tìm Linh. Chen qua rừng người đi xem bảng, ai ai cũng bàn tán đến chuyện đậu rớt. Người than phiền cái nầy, người than phiền cái kia. Không một ai vô tư để mừng mình sẽ đậu. Đi gần giáp hết một vòng, tìm Linh không ra mà Phiên lại nghe như nỗi mừng lụn tắt. Phiên lại u sầu ngồi ủ rũ một phía, nhủ thầm nhất định không để ý đến lời ai nói nữa.
Mặc dù đang để hết tinh thần vào việc đậu rớt, nhưng Phiên cũng cảm thấy buồn và lo sợ lây. Không biết số phận mình ra sao ?
Đến vần K rồi. Phiên chợt nhổm dậy lắng tai nghe ngóng. Gần đến vần L rồi ? Phiên lẩm nhẩm tên Linh :
- Nguyễn Thái Linh. Nguyễn Thái Linh. Không biết nó có thi ở trường nầy không ?
Tiếng vị giáo sư đọc danh sách thí sinh thi đậu vẫn đều đều, thản nhiên và bình
thường.
- Chín bốn hai Nguyễn Văn Là, chín năm mươi Trần Lên, chín năm mốt Tạ Văn Linh, chín năm hai Thái Ngọc Linh, chín năm ba Nguyễn Thái Linh,…một ngàn lẻ một…
Phiên không nghe gì nữa, nó reo lên một tiếng sung sướng. Linh có đi thi, Linh đậu rồi, chì thật. Chú bé đứng bên cạnh ý chừng nóng ruột hỏi mát :
- Mầy đậu rồi hả, về nhà khao đi. Đứng đây la quá trời, để người ta nghe tiếp chớ.
Phiên lắc đầu :
- Đâu…bạn tui đó chớ !
Cậu bé xí một tiếng lớn :
- Xí, lãng xẹt, tưởng mầy đậu chớ bạn đậu mà la lối hoài.
Tuy bất bình nhưng chợt nhớ còn phần mình nữa, Phiên đâm lo.
Nỗi lo bây giờ lớn hơn lúc trước nhiều. bởi ở đó có sự ganh đua. Nếu Phiên rớt thì ê mặt lắm. Chắc Phiên sẽ không bao giờ nhìn mặt Linh nữa. Rớt thì dị quá rồi còn mặt mũi nào mà chơi nữa. Mặt tái như bị cảm, Phiên đứng yên, tai lắng nghe mà trí lại rối bời.
Càng đến vần P, Phiên càng lo nhiều. Đôi lúc Phiên như muốn kéo dài thời gian đọc
danh sách học sinh thi đậu. Đôi lúc Phiên muốn đọc thật nhanh hoặc ước gì coi được bản danh sách đang ở trong tay vị giáo sư đứng trên kia. Mỗi lần số ký danh nhảy vọt là mỗi lần tim Phiên cũng vọt theo. Mãi cho đến khi số ký danh một năm năm hai Nguyễn Văn Phiên được kêu tên, Phiên vẫn còn ngẩn ngơ đứng sững. Một phút sau, cơn vui mừng mới òa vỡ cùng lúc với hai giọt nước mắt mấp mé ở rèm mi trên gương mặt thật tươi. Phiên chạy nhanh ra cổng trường và khi dừng lại để đón xe, Phiên mới thốt ra được tiếng nói đầu tiên. Không nói với ai, chỉ một mình và nhỏ, thật nhỏ tựa nói thầm :
- Mẹ ơi ! Con đậu rồi !…
° ° °
- Hải, ra đây anh biểu ! Hải, Hải…
Phiên kêu mấy tiếng thật lớn. Thằng Hải đứng im trong xó tủ không thèm trả lời, Phiên nhịp cây roi trên mặt bàn :
- Hải không biết vâng lời gì cả. Anh nói bao nhiêu lần rồi, vở phải sạch sẽ, không được làm đổ mực lên vở, không được vẽ bậy lên bìa. Không được xé giấy làm tàu bay, tàu thủy để chơi. Thế mà sách vở như thế nầy hả ? Lại còn bài vở nữa. Cả buổi chiều nay không chịu học hành gì hết. Có mỗi một bài sử cũng không chịu học là nghĩa làm sao ?
Quyển vở nhầu nát bê bết mực nằm chỏng chơ trên mặt bàn. Thằng Hải đưa mắt liếc nhìn quyển vở, cười mím chi.
- Ra ngồi vào ghế học bài, mau lên !
Thằng Hải vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Gương mặt lầm lì. Nó nhìn chiếc roi trên tay
Phiên rồi khẽ đưa cùi chỏ tay về phía Phiên. Phiên bắt gặp. Cơn giận nổi lên. Phiên cố nén, nhưng không được. Phiên quất mạnh vào mông đứa học trò lì lượm. Thằng Hải khóc thét lên như bị cắt vào da thịt. Phiên chùng tay lại.
- Bây giờ Hải có chịu ra ngồi học bài đàng hoàng không ?
Thằng Hải vừa khóc vừa la lớn :
- Không ra đó, làm gì không ? Làm tàng tao về tao méc má cho coi, hu hu…
Phiên ngao ngán bỏ cây roi xuống. Mười bữa như chục, không bữa nào thằng Hải
không cãi lại đôm đốp vào mặt Phiên. Ngọt ngào có, đe dọa có, dỗ dành có, nhưng thằng Hải vẫn không lúc nào chịu học bài. Nó lười biếng đến độ Phiên không tha thứ nổi. Mà lạ thay, có bốn đứa thì ba đứa kia ngoan ngoãn thương Phiên vô cùng, chỉ có Hải là khó dạy.
Chắc là tại anh Quất cưng chiều nó quá trớn. Phiên nghe đâu như ngày xưa lúc đẻ Hải,
chị Quất gặp nhiều khó khăn, đẻ khó, lúc mới sinh thằng Hải èo uột đến sợ, đau ốm hoài, anh chị Quất phải tốn biết bao nhiêu tiền của mới giữ được Hải cho đến bây giờ. Vì nó ốm yếu nên anh chị Quất không bao giờ la mắng hoặc đánh đập nó. Trái lại luôn luôn cưng chiều, muốn gì được nấy. Thằng Hải đâm lì lượm, hư đốn là vì vậy. Mới tám tuổi đầu mà nó lì lượm đến phát ghê, lại rắn mắt. Nó nghịch ngợm quá chừng, cứ lấy sách vở, bút mực của Phiên ra phá. Thậm chí chiếc áo sơ-mi trắng để đi học của Phiên, nó cũng vấy mực vào. Tay dơ đầy đất cát, nó dám lau mạnh vào quần áo của Phiên giắt phơi sau nhà. Chỉ mỗi một mình thằng Hải làm Phiên mất bao nhiêu thời giờ, bao nhiêu hơi. Tuy vậy Phiên vẫn luôn luôn ngọt ngào dỗ dành nó hầu mong nó đổi tánh bớt. Còn cứng rắn quá thì không được với anh chị Quất, vì nóng lòng thương con, chị Quất đâm ra có ác cảm với Phiên.
- « Má ơi, thằng Hải nó lì quá nên bị anh Phiên đập nó , má ơi ! ».
Tiếng con Thanh mách lại với chị Quất khi chị Quất đi chợ về. Phiên nhìn về phía
thằng Hải. Nó đang vênh tai nghe ngóng.
- Nó ở đâu rồi ?
Vừa nghe đến đó bỗng thằng Hải tru tréo lên. Miệng há to như bị ai đập vào người.
- Trời ơi, đau quá, hu hu…đau quá má ơi !
Chị Quất hốt hoảng chạy vào. Giỏ đồ ăn rơi dưới chân, mấy trái cà chua đỏ nằm lăn
dưới gầm giường. Thằng Hải được thế lại khóc già. Nước mắt không biết ở đâu tuôn ra như máng xối. Phiên đứng dậy phân bua :
- Bác nghĩ coi, Hải nó hư quá đi mất. Sách vở đầy mực nhòe nhoẹt, bài vở lại không
thuộc, cháu mới đánh một cái mà nó khóc vang nhà.
Chị Quất không nói không rằng cởi quần Hải tìm dấu roi. Chỉ thấy một dấu chạy từ mông này sang mông bên kia. Chị lau nước mắt cho con rồi quay lên nói với :
- Có đánh thì đánh nhẹ. Thằng Hải nó còn nhỏ mà đánh quá, không ngu nó cũng
đâm ra ngu mất thôi !
giavui
12-18-2014, 12:11 AM
Chị quay lại chỉ vào mặt thằng Hải, nói mát :
- Ai bảo mầy ngu quá vậy. Dạy mãi không được tao gởi quách vào trường nội trú là
xong chuyện.
Phiên im lặng không nói. Quyển vở nằm trơ vơ trước mặt như mờ nhòe. Phiên không
muốn nghĩ gì hơn ngoài việc học bài cho ngày mai. Nhưng sao ý nghĩ lại không vâng theo ý muốn. Óc Phiên vẫn loãng ra. Phiên đâm giận mình. Tiếng chị Quất dỗ con sau nhà vẳng lên rõ mồn một. Mắng con mà chị Quất chỉ nói gần đến việc đánh đòn đau. Đồ ăn hại. Phiên ôm sách bước ra ngoài hiên. Thằng Hải vẫn chưa chịu nín khóc, khóc mãi. Hình như chị Quất vẫn chưa dằn được cơn tức, đánh thằng Hải một vài cái tát vào má, chị vẫn thường đánh kiểu đó. Phiên nghe tiếng thằng Hải khóc thét lên đằng sau nhà. Tiếng khóc xoáy mạnh vào tai Phiên nghe khó chịu hơn cả tiếng móng tay rít trên bảng đen. Cơn gió lao xao ở ngoài sân cho biết trời bắt đầu đã về chiều, anh Quất cũng sắp sửa trở về nhà. Phiên mong thằng Hải nín khóc, nhưng tiếng khóc vẫn lì lượm kéo dài lên xuống từng chặp.
Anh Quất đã về. Tiếng xe Honda nổ ròn tan. Anh Quất đẩy xe vào. Anh nhíu mày khi
nghe tiếng khóc vẳng lên từ nhà dưới. Anh hỏi Phiên :
- Gì mà thằng Hải khóc quá vậy Phiên ?
- Dạ, nó đọc bài không thuộc còn không chịu vâng lời. Cháu đánh nó một roi thôi
mà nó cứ khóc mãi nãy giờ.
Anh Quất đi thẳng vào nhà. Thằng Hải lại thét lên. Anh Quất kéo con lên nhà trên, vừa
đi vừa quát nhỏ :
- Thôi im đi, kẻo ba giận đập chết bây giờ.
Thằng Hải không nín khóc, nó ré lên từng hồi, anh Quất chợt thấy cơn giận lên cao.
Sau một ngày làm việc vất vả ở sở với hai lỗ tai lúc nào cũng đầy ắp tiếng hàng chục cái máy đánh chữ đồng loạt kêu lên, anh không còn đủ sức để nghe những tiếng động chói tai khác. Anh thét lên :
- Im ngay, khéo lại bị đòn ngay bây giờ !
Thằng Hải vẫn lè nhè khóc hoài. Nó không chịu đi theo chị Quất để rửa mặt. Chị Quất
kéo tay thằng Hải. Nó ngồi phệt ngay xuống đất, hai chân đạp lia lịa. Cáu tiết, anh Quất tiện tay cầm ngay cái áo sơ mi đập vào gáy thằng Hải. Anh lại xách luôn cả chiếc giày đang cầm ném vào người thằng Hải. Chị Quất ôm sấn lấy con chạy bay xuống bếp. Phiên còn nghe tiếng nó khóc nhỏ đến mãi gần bữa cơm mới dứt.
Khi bữa cơm được dọn lên, Phiên không thấy mặt thằng Hải và chị Quất. Chị Quất đã giận vì mấy cái đánh con của chồng mình. Phiên ái ngại kêu con Thanh đi tìm má. Anh Quất nổi tức nạt con :
- Tìm gì mà tìm. Ai không ăn thì thôi, tụi bây cứ ăn đi.
Vừa nói, anh Quất vừa kéo ghế đánh xoạc một tiếng, cầm đũa xới cơm chan canh.
Nhưng anh Quất cũng không ăn được gì. Mới có mấy miếng, anh ném đũa đứng dậy ra đi văng ngồi đọc báo. Phiên bảo Thanh :
- Thanh đi mời má về ăn cơm đi.
Thanh chạy đi. Một lúc sau, nó chạy vội về bảo với Phiên :
- Má nói không ăn không uống gì cả. Ai đói thì cứ ăn.
Phiên xuống bếp, lấy chén bát, dĩa lên sớt bớt đồ ăn để phần anh chị Quất. Phiên giục mấy đứa ăn cơm nhanh để học bài. Tự dưng Phiên thấy no khan. Đã nhiều lần vì giận chồng, giận Phiên, chị Quất bỏ cơm ngang. Mặc dù mình không có lỗi gì cả, hoặc nếu có thì cũng rất nhỏ mọn không đáng kể và nhất là Phiên có xin lỗi đàng hoàng, đôi khi suy nghĩ gần xa, Phiên nghĩ là mình ở đây chắc gây khó khăn và phiền phức cho gia đình anh Quất nhiều lắm. Nhưng dù biết vậy, Phiên vẫn không biết làm sao hơn được. Gần một năm trời ăn trong nhà anh chị Quất, Phiên thấy mình lớn và già dặn hẳn lên. Thật đúng như lời mẹ Phiên thường bảo, ăn cơm thiên hạ rồi mới khôn được. Mải suy nghĩ vẩn vơ, Phiên không để ý đến anh Quất đã bực dọc đứng dậy thay áo quần đi ra ngoài. Mãi đến khi tiếng xe Honda rồ máy vọt mạnh, Phiên mới giật mình và vội miếng cơm còn lại trong bát. Nhìn theo bóng anh Quất khuất ngoài sân, Phiên thu dọn chén bát bưng xuống bếp. Có tiếng chị Quất cay chua trên nhà :
- Ăn uống cho no say sung sướng rồi đi. Đi đã rồi về báo hại vợ con. Không có bữa
nào vợ chồng vui vẻ thử. Trăm bữa đủ trăm về nhà là đánh đập con cái. Mà đánh đứa lớn lao nào cho cam. Thằng nhỏ đã ốm yếu lại nhỏ bé.
Phiên súc miệng. Có cái gì như chặn cổ họng. Phiên uống nhanh một ngụm nước cho
đỡ tức.
- Mà có người cũng ác nữa, đánh đập con người ta cho sướng tay rồi còn xúi người
khác đánh, người này đập. Thằng nhỏ mà đau bệnh là chết với tui.
Phiên không có can đảm đứng nghe tiếng dằn vặt, mắng mỏ của chị Quất.
Vòng ngã sau nhà, Phiên ra sân ngoài ngồi dựa mép dậu. Con ngõ hẹp vẫn còn xôn xao tiếng người qua lại. Có tiếng cười rộn rã từ căn nhà trước mặt. Phiên tò mò nhìn vào. Mâm cơm ý hẳn đã vơi. Một gia đình năm người đang tề tựu chung quanh. Đứa nhỏ cố xúc nhanh những muỗng cơm lớn đổ vào mồm. Nó phồng má, nhắm mắt ăn, nhưng cứ tràn ra ngoài, rớt xuống cằm, xuống má, dính tùm lum trên mặt. Cả nhà ngồi nhìn cười quên thôi. Phiên chợt nhớ nhà lạ lùng. Bữa cơm sốt dẻo chỉ có hai mẹ con ngồi ăn song vẫn vui vẻ và hạnh phúc biết bao. Nồi canh rau khoai nấu với cá lòng tongngọt ngào bữa cơm trưa mùa hạ, dĩa cá kho tiêu mặn mòi buổi chiều mưa. Mẹ xúc cho từng chén cơm. Mẹ ép ăn nốt dĩa cá, con tôm. Nhà tuy nghèo mà vui. Bây giờ, miếng cơm chan canh đưa vào cổ đôi lúc nghẹn cứng. Miếng thịt cá nằm trên dĩa xa lạ như thách thức Phiên, nhắc cho Phiên luôn luôn nhớ đây không phải là nhà của mình. Câu nói ngọt ngào của mẹ được thay bằng những câu nói chót lưỡi đầu môi và thường là trách móc, lắt léo. Phiên nghĩ mãi không hiểu tại sao người ta lại đối xử với mình như vậy. Phiên đổi lấy công khó của mình bằng nhà ở, chén cơm. Phiên phải hao hơi, rát cổ một ngày hai, ba tiếng đồng hồ. Sao công của Phiên không ai để ý đến ; mà bữa cơm, miếng nước lại được nhớ đời đời ? Trí óc nhỏ bé của Phiên muốn nổ tung như những vì sao băng trên nền trời đen. Một ngày nào trước đó, Phiên đã đến đây. Cũng trời tối như hôm nay. Cũng những vì sao chiếu lấp lánh. Cũng con hẻm nhỏ gập ghềnh. Nhưng lòng Phiên khác xa hẳn. Ngày đầu đến trọ, lòng Phiên vui mừng bao nhiêu thì bây giờ Phiên buồn bực bấy nhiêu. Đó chỉ mới là năm đầu, chưa hết một năm đầu. Và mới cuối niên học. Phiên sẽ còn phải học năm bảy năm nữa. Phiên sẽ còn ở được đây đến bao giờ. Phiên chỉ lo cho mẹ. Hôm Tết, mẹ không lên thăm Phiên. Mẹ gửi một bức thư và một ít bánh ú, bánh chưng. Mẹ hứa là hè mẹ sẽ lên đón Phiên về. Mẹ vẫn mạnh luôn. Có khi nào mẹ nói mẹ đau đâu. Con heo nái đã có mang như mẹ đoán . Do đó, hè mẹ có thể lên Sài Gòn đón Phiên về. Tết Phiên nằm nhà mà buồn mà nhớ mẹ. Mồng một, mồng hai, mồng ba, khách khứa liên miên, Phiên phải giúp chị Quất dọn dẹp chén bát không hở tay thì lấy đâu ra thì giờ để nghĩ ngợi lôi thôi. Nhưng từ mồng bốn Tết trở đi, khách đầu năm thưa lần, tụi nhỏ chưa đi học, Phiên có thì giờ để nghĩ về mẹ.
Mẹ hẳn đang ăn một cái Tết buồn thật buồn ở quê nhà. Và Phiên ở đây, giữa một nơi đẹp đẽ và ồn ào nầy, Phiên cũng ăn một cái Tết đầy ắp thương và nhớ. Ngày qua, mùa Xuân hết, mùa Hè lại. Ngày bãi trường, Phiên ôm một chồng sách bao giấy kiếng đỏ trên tay. Kết quả của trí thông minh, tính cần cù, chăm chỉ, nhẫn nại. Phần thưởng Ưu hạng mà Phiên chưa muốn mở xem. Phiên chỉ mở gói phần thưởng khi có sự hiện diện của mẹ. Phiên thèm một bàn tay chai cứng, gân guốc nhưng hơi hám quen thuộc, trìu mến của mẹ xoa đầu. Phiên thèm một ánh mắt thương yêu từ đôi mắt nhăn nheo nhưng sáng rỡ của mẹ. Và Phiên chờ đợi ngày gặp mặt giữa hai mẹ con. Gặp được mẹ, nhất định Phiên sẽ giới thiệu Linh với mẹ, mẹ với Linh. Ngày khai trường ở đầu niên học Phiên đã gặp được Linh, hai đứa học chung lớp, học nhà không mất tiền. Cùng chơi, cùng học, Phiên-Linh tiến bộ rất nhanh. Linh vẫn nhớ nhiều chiếc bánh ú thơm ngon hôm nọ. Phiên hãnh diện để nói với Linh đây là mẹ Phiên. Nhưng ngày nào mẹ mới lên. Rủi có gì trục trặc mẹ không lên được. Phiên sợ một cái thư thay người.
- Em em, đây có phải là… ?
Phiên ngẩng đầu lên. Trời tối.
- Trời ơi Phiên, mẹ đây nè.
Có cơn vui nào lớn nhanh như cơn vui nầy. Có cảm giác nào nẩy nở lẫn lộn như cảm
giác lúc nầy. Phiên như ngộp thở. Hai bàn tay đưa ra phía trước bám víu vào tấm áo mềm. Phiên nghe quen thuộc vô cùng. Hai giọt nước mắt đậu trên mi mắt lúc nào không hay. Mãi Phiên mới thốt nên lời :
- Mẹ, mẹ…
Bà Tư cũng cảm động vô cùng. Bao nhiêu mệt nhọc vất vả của mấy trăm cây số xe đò
đã mất từ giây phút đầu gặp con. Bà ôm lấy con như sợ mất. Bà xoa đầu con, vuốt tóc, vuốt mặt, má, mũi, miệng con. Bà sờ soạng khắp người con để đoán biết sức khỏe của con. Mới xa con một năm mà bà Tư tưởng như mấy trăm năm dài. Trong bóng tối, bóng sáng bà Tư không nhìn rõ mặt mũi Phiên ra làm sao. Phiên có đen hơn. Có khỏe hơn. Có hồng hào hơn. Đi thăm Phiên cốt để biết sức khỏe Phiên như thế nào. Nhưng bây giờ ôm Phiên trong tay, bà Tư thấy hình như mình không còn ao ước gì thêm nữa.
- Phiên, con có mạnh không ? Con…
Nước mắt xúc động đã ngăn bà nói tiếp, tay bà vuốt tóc Phiên liên hồi. Bà cảm thấy
như ngực áo mình tắm ướt. Phiên cũng đã khóc trong lòng mẹ. Lòng mẹ bao la như biển thái Bình rạt rào. Lòng mẹ yêu mến như dòng suối hiền ngọt ngào. Lời ru man mác êm như sáo chiều rì rào… Thương con khuya sớm bao tháng ngày. Lặn lội gieo neo nuôi con đến ngày lớn khôn…Tiếng hát của một ca sĩ nào vẳng ra từ cái radio bên nhà hàng xóm. Tiếng hát xoáy mạnh vào lòng Phiên. Phiên sung sướng trong cảm động vì biết mình còn mẹ. Bà Tư gỡ tay Phiên ra hỏi con :
- Có hai bác ở nhà không con ? Để mẹ vào thăm hai ông bà một chút.
Phiên không trả lời thẳng câu hỏi của mẹ.
- Mẹ ơi, khi nào mình về nhà ?
Bà Tư cười xòa :
- Gớm, chưa vào thăm chủ nhà lại đòi về nhà. Mẹ tính ngày mai nghỉ một ngày cho
đỡ mệt, nhân tiện mua bán vài thứ hàng, xong mốt mình về. Con có cả ba tháng hè để ở nhà với mẹ cơ mà. Thôi đi vào để mẹ chào hai bác đi.
Hai mẹ con dắt tay nhau đi vào nhà. Phiên vân vê tà áo nâu của mẹ, đưa lên mũi ngửi ngửi.
- Áo mẹ sao thơm mùi cỏ đồng quá. Bộ mẹ đi ngã tắt đón xe hả ?
- Ừ, sáng nay, đi ra ngõ rồi mới biết để quên lại túi trầu. Quay trở lại lấy, lúc trở ra
mẹ sợ trễ xe nên đi đường tắt cho mau. Năm nay ít người đưa trâu qua ngã đó cho ăn cỏ nên cỏ mọc nhiều quá xá. Lúa thì mọc chậm mà cỏ thì mọc nhanh thế không biết. Ủa mà sao nhà không có ai cả ?
Phiên chạy vội nhìn ra sau nhà. Chị Quất đang ngồi ăn cơm với thằng Hải. Phiên đến gần thưa :
- Thưa bác, có má cháu lên.
- Ai ? Mầy làm ơn nói cho to to một chút.
- Tui, má thằng Phiên đây chị. Lên thăm anh chị, luôn thể thăm cháu.
Chị Quất ngước nhìn, hình như cơn giận khi nãy vẫn chưa dứt. Mặt chị không vui,
nhưng chị vẫn đứng dậy đon đả :
- Ủa, chị Tư lên khi nào vậy ? Vợ chồng tui có nhận được thơ của chị luôn. Mời chị
lên nhà trên uống nước.
Phiên rót hai tách nước bưng lên cho mẹ. Bà Tư kéo Phiên lại gần ve vuốt :
- Cháu nó học hành được là cũng nhờ hai anh chị. Tui mang ơn lắm. Nếu không có
ông Cả giúp đỡ và có hai anh chị đây thì cháu Phiên chưa chắc được tiếp tục học hành.
Chị Quất đãi đưa :
- Chị Tư nói vậy chớ bà con quen biết nhau lâu rồi, giúp đỡ nhau không sao. Tui thì
nói thiệt chớ ăn ở làm sao có tình có nghĩa mới là ăn ở.
- Thì tui cũng nghĩ vậy. Từ khi ba nó chết đi tới bây giờ, tui vẫn mong làm sao cho
nó học hành được tới nơi tới chốn. Có công ăn việc làm chứ không phải chăn trâu cuốc cỏ cả ngày lam lũ thì đến đâu mới mở mặt với người ta.
Chị Quất chấm dứt câu chuyện bằng cách hối thúc bà Tư đi ngủ sớm vì mệt nhọc. Bà
Tư qua quít hỏi thăm thêm vài câu về nhà cửa, sức khỏe rồi cũng cáo lỗi đi ngủ cho đỡ mệt. Phiên bám theo mẹ từng bước. Chị Quất chỉ cho mẹ Phiên chỗ ngủ.
- Chị nằm giường lớn kia với thằng Phiên. Còn mấy đứa nhỏ treo màn ở nhà ngoài
cũng được.
- Dạ, chị cứ để tui tự nhiên.
Chị Quất lui ra nhà ngoài gọi với mấy đứa nhỏ dọn lại bàn ghế để mùng ngủ. Bà Tư
chợt nhớ hỏi Phiên :
- Ủa, mà anh Quất không biết ở đâu rồi hả. Anh đi làm đêm chắc ?
- Dạ không, bác Quất đi chơi đó mẹ ạ.
- Chơi gì mà khuya vẫn còn chơi.
Phiên nói nhỏ :
- Hình như hai ông bà giận nhau đó mẹ ạ.
Bà Tư « à » một tiếng ngạc nhiên nhưng không nói thêm gì. Bà bảo Phiên xách cái giỏ
đến lựa ra một chục xoài và một ít bánh ú. Phiên biết ý chạy đi lấy cái mâm nhỏ. Bà Tư xếp mọi thứ vào mâm rồi bảo Phiên bưng ra theo bà. Chị Quất đã nằm trên giường, gác tay ngang trán.
- Tui có chút ít đem biếu anh chị đây. Cây nhà của vườn cả.
Chị Quất ngồi nhỏm dậy. Chị bối rối nửa muốn nhận, nửa muốn không :
- Trời, chị bày đặt quá. Vợ chồng tui không dám nhận đâu.
Bà Tư mỉm cười quay sang đón lấy mâm trái cây trên tay Phiên đặt lên bàn giữa nhà.
- Để đây rồi sáng mai hãy cất, đồ nầy nên để chỗ thoáng hơi cho nó khỏi thúi.
- Cám ơn chị Tư.
Chị Quất ngượng nghịu. Chị định kể lại việc làm của Phiên cho đỡ tức. Ít ra chị cũng
mắng vốn được bà Tư để bù lại cơn giận dữ hồi chiều. Bao nhiêu tội lỗi chị đổ dồn lên Phiên. Trước khi có Phiên, gia đình chị có bao giờ cơm không lành canh không ngọt nầy đâu. Thật tức quá. Nhưng bây giờ cơn tức của chị không có ngõ thoát. Mâm quà biếu xén của bà Tư đã chận ngang lời chị nói. Thôi thì vuốt bụng làm thinh, chẳng lẽ người ta cho đồ mình mà mình lại nói kháy họ sao. Chị tự nhủ thầm : bao nhiêu lỗi là do Phiên cứng đầu, dại dột chứ không mắc mớ gì bà Tư cả. Chị sẽ không nói gì với bà để giữ vẻ « cao thượng ». Nếu sau nầy còn những chuyện ấy xảy ra nữa, chị sẽ nói cũng không muộn.
- À, mà anh nhà đi đâu giờ nầy chưa về hả chị ?
Cơn tức chồng ùn ùn nổi lên, chị Quất kể lể gãy gọn :
- Chồng với con thêm mệt chị Tư ơi ! Sống không như chị thế mà sướng. Đó chị
nghĩ coi, giận vợ, đánh con rồi bỏ nhà đi biền biệt, tui chán hết sức lận đó.
Bà Tư an ủi :
- Thôi, « Chồng giận thì vợ làm lành, mỉm cười han hỏi rằng anh giận gì ? »
giavui
12-18-2014, 12:12 AM
Chương 4
Hôm Phiên lên đường trở lại trường bà Tư đứng lặng nhìn theo bóng con đến khuất bóng. Phiên bùi ngùi thổn thức. Nỗi nhớ lại bắt đầu nhức buốt trong lòng đồng lúc với cơn ấm ức tiếc nuối.
Con đường Lê Văn Duyệt nắng gắt buổi trưa làm Phiên mờ cả mắt, nhưng căn nhà lộng lẫy có vườn chơi xanh tốt của Linh vẫn quyến rũ Phiên năng lui tới. Bữa trưa, lúc trong nhà ai cũng còn ngủ say, Linh đứng đợi Phiên ở cổng. Hai đứa kiếm một chiếc chiếu ny-lông ở nhà bếp nằm nép với nhau dưới tàn rộng của cây vú sữa. Cây vú sữa có trái căng xanh bóng gợi thèm. Cây chùm ruột có trái xinh xắn như sáp nặn. Cây khế già lấm tấm hoa tím. Cây xoài chua lơ lững những quả non. Màu xanh mát dịu của cây lá quen mắt vô cùng. Phiên mến khu vườn nhà Linh hơn cả Linh nữa. Bài hình học, số học, theo nhịp vui, thanh thoảng vào óc Phiên một cách tự nhiên. Nhiều buổi trưa, Linh thủ thỉ với Phiên :
- Thôi mầy tới nhà tao ở đi. Học với nhau cho vui.
Phiên lắc đầu từ chối. Mơ ước đó khó mà cầm chắc trong tay. Phiên không
nghi ngờ lòng tốt của Linh, nhưng Phiên cũng không dám để cho niềm mong ước đó lôi cuốn mình vào.
Linh thì giận dỗi bảo Phiên chê. Nhưng khi nhìn nét mặt buồn bực của Phiên, Linh hiểu ý, hiểu một cách mơ hồ là Phiên không thích ở chung với mình vì sợ ba má mình, sợ má Phiên. Một vài lần , ba má Linh ra vườn chơi, gặp Phiên và Linh ngồi bên nhau, bà nói đùa thôi để hai đứa sống một nhà cho vui. Những lúc ấy, Linh sáng mắt chờ Phiên trả lời, nhưng Phiên chỉ cúi đầu không nói. Chưa bao giờ giận nhau, chưa bao giờ hờn nhau, tình bạn giữa Phiên và Linh ngày càng bền chặt, thắm thiết…
Buổi trưa hôm nay, trời nắng gắt. Hơi đất trên mặt nhựa bốc lên ngun ngút trông xa như có một con nước lung linh tràn lan trên mặt đường. Những tia nắng châm chích vào da thịt, căng nóng từng mạch máu. Đầu Phiên nóng hừng hực. Chân mang đôi dép cao-su như muốn dính vào mặt đường. Phiên men theo hai dãy hiên nhà tránh nắng. Phiên nghĩ chắc là Linh mừng lắm. Từ quê lên, Phiên không có gì hơn là cho Linh mấy cái bánh ú quê nhà. Loại bánh ú mẹ làm và Linh thì nhắc mãi hương vị thơm ngon mà nó đã được thưởng thức trên chuyến xe đò làm quen năm ngoái. Gói giấy báo xộc xệch trên tay, Phiên đưa nó lên che nắng. Con đường muốn dài ra. Một chiếc xe lam đi gần Phiên. Ông tài xế thò đầu ra hỏi :
- Đi xe không cậu ? Trời trưa nắng !
Trời trưa nắng. Nắng thật nắng. Nắng cháy cổ. Nắng cháy da. Nắng cháy tóc. Nắng
phỏng chân. Phiên leo vọt lên xe ngồi. Đặt gói bánh lên đùi, Phiên đưa tay sờ mấy đồng bạc kẽm trong túi yên chí khi những đồng kẽm mát lạnh trong tay. Phiên đem đi theo ba mươi đồng mất năm đồng xe lam còn lại hai mươi lăm đồng đủ mua hai que kem. Lần nầy Phiên phải ăn kem mới đã. Không khi nào Phiên dám động đến của quý lạnh đến ê răng đó !
Nhưng bữa nay trời nắng quá. Phiên nghĩ đến chất lạnh của cây kem mà thèm. Phiên nuốt nước bọt giữa hai hàng lợi khô, tưởng tượng đến que kem nhễ nhại nước, cốc dừa tươi ướp lạnh và cuối cùng là một thảm cỏ mịn mát như nhung trong cơn gió hây hẩy hiếm hoi.
Ngôi vười vắng lặng. Tiếng ve râm ran ngái ngủ. Cánh cửa sắt chỉ khép hờ.
Phiên lách người bước vào. Hơi mát của lá cây xanh đuổi nhanh cơn nóng bức như một dòng nước giá lạnh lan tới thật nhanh. Phiên rùng người. Chắc giờ nầy Linh đang ngủ. Giấc ngủ buổi trưa chắc làm Linh mệt mỏi lắm. Linh đâu biết là Phiên đã lên Sài Gòn ngày hôm nay. Tưởng đến đôi mắt của Linh mở dọc hô hố khi trông thấy Phiên bất ngờ dưới cây vú sữa, rồi cười to thật tươi, Phiên mỉm cười một mình. Không dám vào nhà làm mất giấc ngủ của Linh, Phiên gối đầu giữa hai cánh tay nằm xuống. Hình như không có ai quét vườn cả. Lá rụng hơi nhiều, và Phiên để ý đầu kia, hoa tàn rủ xuống tận gốc. Lòng không một chút vướng bận, nỗi vui sắp gặp lại bạn thân là Linh, ngây ngây bay bổng. Phiên nghiêng người áp má xuống làn cỏ non. Những cọng cỏ tiên nhỏ xíu ngoay ngoáy vào lỗ mũi Phiên nhột nhạt. Phiên bứt cọng cỏ đưa lên miệng nhai. Vị cỏ đăng đắng. Cơn khát biến mất. Phiên lăn người qua trái rồi lăn mình qua phải cho phần nào của thân thể cũng được áp xuống thảm cỏ. Lăn một chút đâm chán, Phiên nằm ngửa đưa mắt nhìn trời qua kẽ lá. Trời xanh thẳm, chói chang ánh nắng. Phiên nhắm mắt lại vừa kịp lúc cơn buồn ngủ kéo đến…
Đến khi Phiên tỉnh dậy, bóng mặt trời đã chênh chếch xen kẽ song song với bóng nghiêng của hai hàng chậu huệ tây. Mặt cỏ nơi Phiên nằm âm ấm hơi người. Phiên nhỏm người lên :
- Ủa, sao giờ nầy mà Linh không ra đây kìa. Hay là nó đi chơi xa ?
Để trả lời Phiên, có tiếng xe nghiến bánh trên đường lát sỏi. Cửa xe mở. Một người
đàn ông áo quần lịch sự tay xách một cái va-li nhỏ xăm xăm bước lên ngạch cửa. Tà áo xanh hoa trắng quen thuộc của mẹ Linh lấp ló sau cánh cửa mở vừa đủ cho người lạ vào rồi khép lại trước mắt Phiên. Phiên ngơ ngẩn. Linh không đi vắng. Vậy có chuyện gì, bao nhiêu ý nghĩ lượn tròn trong óc Phiên. Phiên đi lần vào phía cửa lúc nào không biết. Có tiếng lao xao ở bên trong. Tiếng chân đi vội vã. Tiếng nước chảy ồn ào. Phiên mấp mé ở bậc thềm. Phiên chưa bao giờ tự ý bước vào nhà mà không có Linh. Hành động không quen làm Phiên như có mặc cảm mình phạm tội. Bỗng cánh cửa mở ra. Phiên giật mình lùi lại. Người đàn ông lúc nãy đã trở ra, theo sau là ba má Linh. Phiên nghe lọt câu nói sau cùng của mẹ Linh :
- Cám ơn bác sĩ. Đến tối, xin mời bác sĩ đến một lần nữa. Chúng tôi lo quá.
- Vâng, được rồi ! Xin ông bà cứ bình tĩnh. Tôi sẽ gắng sức.
Ai đau, nếu không phải Linh thì ai nữa ? Trời ơi ! Linh đau mà Phiên chẳng biết gì cả. Bệnh nặng hay nhẹ ? Có cả bác sĩ tới nữa. Phiên nhớ đến những bà con dưới làng. Họ chỉ mời thầy thuốc đến nhà khi con bệnh khá ngặt nghèo. Phiên phải vào thăm Linh để xem sao. Phiên nói to để ba má Linh nghe thấy :
- Thưa hai bác ạ ! Cháu mới lên.
Cánh cửa đóng lại nửa chừng ngừng lại, rồi mở to. Hai gương mặt buồn nhìn ra. Phiên
nuốt nước miếng, nói lại một cách khó khăn :
- Cháu tới thăm Linh. Cháu mới ở quê lên. Cháu đem cho Linh mấy cái bánh
Phiên cầm gói giấy báo đưa về phía trước.
Má Linh lắc đầu nhìn Phiên. Ba Linh trở lui vào nhà. Không ai nói với Phiên lời nào. Hình như không ai nghe Phiên nói. Phiên lại đưa gói quà lên cao, nhắc lại một lần nữa :
- Cháu biếu Linh gói quà. Cháu đến…
- Linh đau nặng lắm.
Giọng nói của bà âm vang niềm thất vọng, buồn rầu đến nỗi Phiên nghe như hai chân
mình rùn xuống. Phiên lắp bắp trong vô thức :
- Cháu biếu Linh mấy cái bánh ú. Cháu thăm Linh. Cháu cho Linh…
- Linh đau nặng cháu ạ. Linh không ăn được. Cả sữa cũng không uống được nữa.
Má Phiên ướt đẫm nước mắt. Phiên quay lại, lòng nặng trĩu như bước chân không
muốn nhấc.
- Cháu có muốn vào thăm Linh không ?
Phiên quay lại nhìn má Linh. Bà mở cửa gật đầu. Phiên rón rén bước vào nhà. Gian
nhà mọi hôm trông sáng sủa tươi đẹp và sang trọng biết bao, nay hình như u ám, buồn bã. Ba Linh ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành rộng. Ông hút thuốc lá liên miên. Mắt ông nhìn về phía trước, nhưng hình như ông không thấy gì cả. Phiên chào ông. Mặt ông không biến đổi, cũng không gật đầu. Căn phòng khách im lặng đến nỗi Phiên nghe rõ từng vòng xoay của chiếc quạt trần. Bước chân Phiên vang động. Má Linh dẫn Phiên vào trong. Chiếc màn màu xanh được vén lên. Linh nằm trên giường thiêm thiếp. Hình như Linh ốm hơn nhiều. Má Linh tiến lên trước sửa lại nếp chăn lệch. Phiên đứng dán người xuống đất. Biết bao giờ Linh mạnh lại để nằm chơi với Phiên dưới tàn cây vú sữa. Linh có khỏe kịp trước ngày khai trường đầu năm mới. Sao Linh nằm mê man một cách đáng sợ như vậy. Gói bánh như nặng trĩu trên tay, Phiên đứng mãi như vậy không biết trong bao lâu. Cho đến khi Phiên thấy nếp chăn lay động, hai tay Linh thò ra ngoài quơ quơ trong không khí. Phiên ngồi thụp dưới chân giường. Má Linh kéo tấm chăn vừa rơi một nửa xuống đất. Linh mở mắt từ từ nhìn ra.
- Cho con uống nước.
Tiếng nói nhẹ và yếu như hơi thở. Má Linh rót một chén nước nhỏ, bà âu yếm đổ từng
muỗng vào miệng Linh.
- Má không mở cửa sổ ra má.
Má Linh mừng rỡ. Bà quay lại nhìn Phiên bảo Phiên mở một cánh cửa ra, mở he hé
thôi. Bà nói thầm với con :
- Có Phiên lại thăm con kìa. Ráng uống thuốc cho mau mạnh mà đi chơi.
Phiên tiến lại gần. Linh cười. Hai vành môi khô nứt nẻ da.
- Phiên hả ?
Phiên gật gật đầu. Má Linh ra dấu bảo Phiên nói chuyện với con.
Phiên ấp úng mãi mới nói được một câu :
- Mình mới ở quê lên.
Bàn tay Linh nóng hổi. Linh quơ tay cầm lấy tay Phiên:
- Bữa nay ở lại luôn với tao nghe. Bồ khỏi ở đằng nhà đó nghe.
Phiên bối rối nhìn má Linh. Linh nói với má:
- Má cho Phiên ở với con nghe.
Bà gật đầu lia lịa, mắt nháy Phiên. Hiểu ý, Phiên nói:
- Ờ mình hỏi má rồi, má bằng lòng, còn hai bác Quất cũng bằng lòng rồi. Mình ở
đây luôn với Linh cho vui.
Linh cười ra vẻ hài lòng lắm, mắt nhắm lại. Má Linh kéo Phiên ra khỏi phòng. Bữa cơm chiều đã dọn ngay trong phòng khách. Ba Linh không muốn ăn . Ông mời Linh ở lại ăn cơm tối rồi kiếu vào phòng nằm. Bữa ăn chỉ có hai người: Phiên và má Linh. Có sườn chiên, canh bí đao nấu cua, chả giò ăn với bún nhỏ. Những món mà Phiên thích. Má Linh gắp lia lịa vào chén Phiên. Bà nói giọng đầy nước mắt:
- Cháu ăn phần của Linh đó. Nó đau cả ba tuần nay, không ăn uống gì được. Nó mê
sảng luôn, kêu tên cháu hoài. Nó mến cháu lắm.
Phiên nuốt vội miếng chả giò còn nghẹn trong cổ họng. Chén Phiên đầy thức ăn. Phiên
hỏi:
- Mà Linh đau bệnh gì vậy bác?
- Đầu tiên nó nóng sơ sơ thôi. Sau nó bỗng nôn oẹ nhiều ra cả máu nữa. Đem vào
nhà thương, nó bớt được vài hôm rồi lại trở bệnh nặng hơn. Bác trai đòi đem nó về nhà để săn sóc cho tiện và rủi ro nó có bề gì thì cha mẹ con cái được…được…
Không dằn được, bà khóc nức nở. Bữa cơm bỏ dở nửa chừng. Phiên thấy mình no ngang. Phiên cũng nghẹn ngào. Linh tính như báo trước điều không may sắp xảy ra.
- Hôm trước Linh có xin bác cho cháu lại ở với nó. Đối với hai bác điều đó không
đáng ngại gì mà còn tốt đẹp nữa. Hai bác thì đi xa luôn, còn Linh cứ ở nhà một mình mãi cũng buồn. Nhân tiện đây bác hỏi thật cháu, là nếu bác mời cháu ở lại nhà, cháu có chịu không?
Phiên ấp úng:
- Cháu…cháu…
- Cháu đừng lo gì hết. Cơm nước có hai bác, cháu coi hai bác như người thân vậy.
Có cháu chỉ thêm đôi đũa cái chén chớ bao nhiêu. Trái lại, bác được thêm một đứa con nữa.
Bà nín lặng chờ phản ứng của Phiên.
- Dạ thưa bác, được ở gần Linh, lại ở trong nhà đầy đủ như thế nầy còn gì hơn,
nhưng cháu sợ má cháu không bằng lòng.
- Hay để khi nào Linh nó mạnh, bác thưa với má cháu cho. Cháu đừng ngại gì hết.
- Bác để cháu viết thơ cho má cháu thì hay hơn.
- Thôi được, lúc nào bác cũng sẵn sàng xem cháu như Linh. Cháu là một người bạn
tốt, bác bằng lòng lắm. Tối nay, cháu ở lại với Linh nhé. Có cần về nhà xin phép không?
Phiên suy nghĩ giây lâu. Nếu vắng mặt đêm nay, ở nhà anh chị Quất sẽ giận lắm. Nhưng chắc nếu ngày mai Phiên về nhà trình bày tự sự hẳn đằng nhà sẽ thông cảm lắm. Còn nếu bỏ đây mà về, Phiên thấy thương Linh quá. Đau mê man mà vẫn nhớ đến Phiên, nhớ như in ước muốn của Phiên. Phiên thấy thương bạn lạ lùng. Ba má Linh đã đi vào phòng từ lúc nào sau khi chỉ cho Phiên gian phòng dành cho khách. Phiên đẩy cửa bước ra ngoài sân.
Khu vườn dầy đặc lá, có tiếng chim kêu đêm khắc khoải. Phiên bó gối ngồi trên bậc thềm. Một mình giữa ngôi nhà rộng lớn bao vây bởi một vườn cây sai lá quả thật quá cô đơn. . Hèn gì Linh cứ nài nĩ Phiên đến ở chung. Luồng gió lạnh ào ào thốc tới làm Phiên lạnh cả người. Đột nhiên, Phiên lạnh toát xương sống. Nếu Linh chết? Nếu Linh chết? Phiên lẩm bẩm. Tiếng nói thầm vang vọng thật sâu như một tiếng thét. Phiên đi nhanh vào nhà. Bóng tối sau lưng đen như một lời đe dọa. Phiên hé cửa phòng Linh nhìn vào. Dưới ánh đèn màu xanh nhạt, chăn đắp nhịp nhàng lên xuống theo hơi thở. Bàn tay Linh động đậy dưới làn chăn mỏng. Phiên yên chí thở phào, khép cửa tìm phòng dành cho mình. Căn phòng nhỏ có chăn nệm ấm áp. Phiên đóng chặt cửa sổ. Phiên sợ. Trời mùa hạ mà ban đêm lại ơn ớn lạnh. Phiên nằm im. Giấc ngủ đến một lần với mộng mị.
Lúc Phiên thức dậy, đã có tiếng lào xào ngoài phòng khách. Hình như bác sĩ tới. Phiên tốc mền chạy ra.
- Cháu đỡ nhiều rồi, thật là may, nhiệt độ hạ xuống dần dần. Bà nhớ cho cháu uống
thuốc đều đặn như toa đã ghi.
Tiếng bác sĩ dặn dò má Linh, Phiên nghe như lời vui buổi sáng. Cơn bệnh của Linh lui
dần. Linh có thể đi chơi với Phiên rồi. Hai tháng nghỉ hè nữa. Thời gian còn dài lắm.
- Cháu vào thăm Linh không ?
Má Linh vui hơn được một tí. Bà đang sửa soạn bữa ăn sáng.
Phiên vui vẻ đáp:
- Dạ để cháu vào.
Linh có vẻ tỉnh hơn ngày hôm qua. Thấy Phiên vào, Linh ngoắt lại gần:
- Bồ ở luôn đây với mình rồi há.
Phiên ngần ngừ:
- Ơ…Ừ…
- Tui có đem quà cho Linh đó. Để ở bên phòng kia.
Linh cười:
- Bánh ú phải không? Mà bữa nay đau ăn không được. Thôi bồ ăn hết đi, để nó hư
uổng lắm. Khi nào mình lành bệnh hẳng hay.
- Linh thấy bớt đau chưa?
- Mấy bữa như có ai đốt bụng đó. Tưởng chết chớ.
Linh nắm chặt tay Phiên. Cơn mê lại đến bất chợt. Phiên chạy ra kêu má Linh, bà đi
vào đổ thuốc. Linh lại đi dần vào giấc ngủ.
Phiên thẫn thờ ra vườn. Nắng buổi sáng bắt đầu nóng dần. Bữa nay phải báo cho bác
Quất hay kẻo ông bà lại không biết mình đi đâu thì nguy. Mấy đồng bạc kẽm vẫn còn nguyên trong túi quần. Phiên xách gói bánh ú định đem về phân phát cho mấy đứa nhỏ, vào trong thưa với ba má Linh xin về.
Đón được xe về nhà thì đã trưa. Con ngõ hẹp vắng lặng. Phiên độ chừng cả nhà đang sửa soạn dọn cơm lên bàn. Phiên đắn đo cân nhắc để kể với anh chị Quất câu chuyện của Linh. Vả lại, anh chị Quất cũng mến Linh lắm. Chắc mọi sự sẽ dễ dàng.
Hai cánh cửa chỉ khép hờ, Phiên đẩy nhẹ. Nhưng cánh cửa vừa mở được một cánh, Phiên đã phải cúi rạp đầu tránh một vật bay ngang.
- Xoảng…Xoàng…
Âm thanh vỡ vụn của sứ kêu loảng xoảng sau lưng. Phiên tái mặt nhìn lên. Phiên cảm thấy run run trước quang cảnh cả nhà. Mấy đứa nhỏ đứng thút thít ở các góc nhà. Chị Quất đầu tóc rũ rượi nằm phục trên phản, miệng kể lể. Anh Quất vớ tay đụng gì quăng nấy. Mặt anh đỏ gay hầm hầm. Thoáng thấy Phiên bước vào nhà, chị Quất tru tréo:
- Đó, cháu đó, đồ ăn hại đó. Đi cả đêm không cho ai biết, không nói cho ai hay thì
quý, còn vợ con ở nhà thì coi như đống giẻ rách. Giỏi thì đập nữa đi, đánh nữa đi. Trời ơi nè trời, xuống đây mà coi chồng với con!
Anh Quất trợn mắt nhìn Phiên. Cơn giận đổ xuống làm anh như quẩn. Anh hỏi gằn:
- Mầy đi đâu suốt đêm hả Phiên? Có phải tao nuôi mầy để mầy đi chơi luôn canh
vậy đâu. Không muốn ở nữa thì đi chỗ khác ở. Tao không muốn có đồ ăn hại trong nhà…
Phiên run rẩy, nước mắt ràn rụa trên mi. Phiên không kịp nói được câu nào. Hết chị Quất nói lại đến anh Quất tiếp, từng câu cay chua, ác độc đổ dồn vào khối óc nhỏ bé của Phiên. Phiên như muốn khụy hẳn.
- Tao không biết chị Tư chỉ dạy mầy ra làm sao chớ mầy không được một cái nết gì
hết. Về mà chăn trâu kéo cày. Thứ đồ mầy mà cũng bày đặt học hành…
Như những mũi dao xuyên nhọn vào tim. Như những giọt nước sôi đổ dồn lên mặt. Như ngọn lửa phừng phực trong óc. Mắt ráo hoảnh, Phiên đưa mắt nhìn anh chị Quất, đôi mắt mở lớn kinh sợ, ngạc nhiên. Người ta có thể nói với nhau những lời nầy chăng. Người ta có thể cho nhau sự ganh ghét cực cùng vậy à. Phiên đâu muốn vậy. Phiên nhìn xuống đôi bàn tay của mình. Phiên quên hết. Quên sách, quên vở. Quên những bài học. Quên niên học mới. Chỉ còn đôi bàn tay có thể làm việc. Phải làm cái gì để họ khỏi khinh khi gia đình, khinh khi mình chứ. Phiên nắm chặt hai bàn tay lại, nói thản nhiên, chắc nịch:
- Thưa hai bác, nếu hai bác thấy cháu ở lại đây bất tiện, cháu xin đi.
Có đôi mắt nào đó nhìn sững ngạc nhiên. Có cơn giận nào vừa hạ xuống. Nhưng cũng
có đôi mắt hả hê bằng lòng. Phiên không thấy. Không cần thấy. Bởi nước mắt đã ràn rụa chảy. Bởi can đảm chỉ thu lại được ngần ấy chữ để nói. Phiên chạy vụt vào nhà. Quần áo,sách vở, không bao nhiêu, một cái rương nhỏ xíu làm bằng vỏ bia hộp cán mỏng đầy chữ xanh cũng vẫn còn dư chỗ. Thôi giã từ chăn giường quen thuộc. Một thoáng ngần ngừ bên niềm tủi nhục, lựa chọn sự đi là đúng lắm rồi. Không ân hận gì hết. Phiên xách va-li, tay kia còn ôm bánh ú bọc trong giấy báo.
Hình như có tiếng ai gọi giật đằng sau. Phiên không thèm quay lại. Trời nắng gắt trong suốt không gợn một vần mây. Con đường Phiên sẽ đi chắc cũng thênh thang vô định như vậy. Phiên đi bộ. Lòng không vui, không buồn mà chán nản. Phiên nghĩ đến ngày mai. Rồi mẹ sẽ nghĩ sao khi biết Phiên đã bỏ đi. Rồi mẹ sẽ nghĩ sao khi biết những ước vọng của mình đã mất. Phiên sẽ sinh sống ra sao ngày mai.
Phiên phải làm thế nào để tiếp tục học hành. Một ý nghĩ chợt đến như dòng nước ngọt. Tại sao Phiên không đến nhà Linh? Một nơi xua đuổi, một nơi mời mọc. Phiên đang cần chỗ tạm trú, Phiên đang cần nơi nương dựa quen biết. Phiên chỉ cần chỗ ở. Một buổi đi học, buổi kia ở nhà, Phiên sẽ kiếm việc làm để trả tiền cơm. Phiên không ăn nhờ thôi. Phiên chỉ ở nhờ. Có Linh, Phiên như mọc cánh. Có Linh, Phiên sẽ đỡ buồn ngần nào. Mẹ chắc cũng sẽ yên lòng. Miễn làm sao Phiên cố gắng đến trường đầy đủ. Việc làm, rồi Phiên sẽ chọn nghề gì? Phiên sẽ đến tòa báo lãnh báo đi bán. Phiên xin ăn huê hồng thôi. Phiên có một người bạn cùng lớp làm nghề đó. Nó rủ Phiên mấy lần, chắc lần nầy Phiên phải nhờ nó giới thiệu. Bán báo thì ít tốn thì giờ hơn. Phiên còn được đọc báo, được học hỏi. Phiên yên lòng trước ý nghĩ trong sáng. Phải đến nhà Linh thật nhanh. Nắng đã nhạt và ngọn gió nào phe phẩy, nước dưới chân cầu đầy ứ bùn đen, Phiên nhớ đến một dòng nước nào ở con sông ngày xưa quen thuộc. Con sông bình yên, nước trong vắt óng ánh từng mảng rong vàng. Đàn vịt bầu lội nước trên sông cạp cạp kêu chiều. Những buổi chiều xuống nhẹ như hôm nay, có ráng hồng đằng chân trời, có ánh sáng xiên tỏa hình rẻ quạt đúng năm màu. Bầy chim xa in bóng đen trên nền mây ngồn ngộn. Vành trăng lưỡi liềm phai màu trắng nhạt ở phương đông. Bờ đê vang động tiếng cười đùa của lũ học trò vừa tan học. Mái ấm nhà tranh uốn éo gợi buổi cơm chiều. Mẹ cắm cúi vo gạo bên lu nước lớn, vói dặn con nhớ tắm rửa cho sạch sẽ đừng chạy đi chơi nữa. Chiếc lồng bàn làm bằng nan tre được giở trộm vụng về. Bát nước rau xanh, vài con cá kho khô. Cơn đói bụng ồ ạt. Nhón vội một sợi rau, sau khi nhìn trước nhìn sau, chạy vội ra trước nhà nhai nuốt nhanh như chớp. Nhà mẹ là đó,quê mình là đó, Phiên thấy nhớ thương lạ lùng. Ở đây người thì đông mà chả ai biết đến ai. Ai cũng gói tròn trong cái vỏ ích kỷ của mình.
- Đèn đỏ rồi, đi đi chớ.
Phiên bị thúc mạnh sau lưng. Dòng người ồ ạt qua đường. Xe cộ đông như mắc cửi.
Còn một khoảng nữa tới nhà Linh, mình sẽ không còn nói dối với Linh nữa. Đàng hoàng mà nói là mình sẽ xin ở lại với Linh trong căn nhà rộng rãi đó. Linh sẽ không còn sợ cô đơn mỗi khi ba má Linh đi vắng. Và Phiên cũng không còn cô đơn buồn nản cạnh người bạn thân nhất từ ngày lên tỉnh. Hai đứa sẽ cùng nhau đi học. Cùng nhau làm bài chung, giải toán chung, chơi đùa chung. Dưới gốc vú sữa, dưới gốc chùm ruột liên tục có hai đứa suốt bảy ngày một tuần, suốt ba mươi ngày một tháng.
Nắng đã tắt hẳn. Đèn đường lên ngọn trong bóng tối chập choạng. Ngôi vườn nhà Linh cũng chan van. Người nhà quên thắp đèn theo lối đi. Phiên đẩy cửa vườn. Con đường lát sỏi trắng nhập nhòe như một miếng vải trắng kéo dài đến tận cửa chính. Ngôi nhà như vắng lặng. Ánh đèn nê-ông hắt ra từ cánh cửa khép hờ. Phiên bước vào phòng khách. Ba Linh ngồi yên lặng ở chỗ ông đã ngồi hồi trưa. Ông không hút thuốc mà gục đầu vào hai bàn tay. Ông không buồn ngẩng đầu lên khi nghe thấy tiếng động. Phiên không hiểu gì hết, chuyện gì đã xảy ra cho Linh? Gói đồ vẫn còn chặt cứng trên tay. Mồ hôi toát đầy lưng áo. Hay là Linh đã chết? Không, Phiên không tin. Phiên đi thẳng vào phòng Linh. Có tiếng xôn xao. Ồ, Linh chưa chết mà. Phiên đẩy nhẹ cửa. Cầu trời chẳng có việc gì xảy ra. Bác sĩ và má Linh đang kề cận bên giường. Tấm chăn đã tụt xuống tận bụng. Ngực Linh thở yếu ớt. Bác sĩ lắc đầu sau khi tháo bỏ ống nghe. Má Linh ràn rụa nước mắt nức nở. Thế nghĩa là sao Bác sĩ ? Phiên lặp lại trong lòng. Dạ thế nghĩa là sao Bác sĩ? Một chút tuyệt vọng âm thầm len lỏi vào ý nghĩ để trả lời cho câu hỏi. Phiên cúi mặt lặng thinh. Bác sĩ quay ra. Má Linh không đưa tiễn như thường lệ.
- Trời ơi, sao vậy bác sĩ? Bác sĩ! Trời ơi…Linh! Linh!
Tiếng kêu thảng thốt như tiếng xé, tiếng đổ vỡ. Phiên giật bắn mình. Những bước chân
rầm rập. Những cánh tay xô đẩy. Những bóng người thấp thoáng. Phiên bị đẩy về phía sau. Phiên đứng đó mà vẫn còn ngơ ngác.
- Cháu đi rồi.
Linh chết rồi. Thật hay mơ. Lòng Phiên chưa kịp khóc thì nước mắt đã nhỏ ra tràn đầy
hai má. Có hàng trăm âm giọng nức nở quanh đây. Mầy chết rồi hả Linh. Tại sao vậy? Mầy mới nói chuyện với tao đây mà. Mới hồi trưa đây mà. Tao ôm áo quần tới ở với mầy cho vui đây mà. Mầy không thể chết được. Mầy vẫn còn đó kia mà. Những chiếc bóng thoáng qua. Đèn cầy được thắp lên nhanh chóng. Qua mi mắt đầy nước, Phiên thấy một thỏi trắng dài lớn trước mắt. Phiên đưa tay áo chùi nước mắt. Linh đã được trùm kín bởi một tấm vải trắng toát từ đầu đến chân. Một ít tóc ló ra ở đầu phe phất như cử động, như Linh còn sống. Có người đứng sau lưng Phiên. Phiên quay lại:
- Cháu đến với Linh kịp lúc. Linh đã chết rồi cháu ạ!
Ba Linh. Giọng ông nghẹn ngào. Mắt ông đỏ ửng. Giọt nước mắt không ngăn chặn
được chảy dài. Phiên nấc lên. Linh ơi Linh. Thì ra, chết là thế đó. Không nói, không thưa, gọi không trả lời. Chết là nằm im lìm với chiếc mền trùm kín. Phiên mất mát thật sự. Tại sao mầy bỏ tao đi Linh ơi!
- Tại sao con bỏ mẹ con đi Linh ơi! Linh ơi, con tôi!
Linh ơi, mầy có nghe tao không? ! Những tiếng khóc kể từ ngoài đập vào. Những tiếng thầm kể từ bên trong muốn thoát qua môi, qua kẽ mắt. Phiên không chịu nổi nữa. Phiên hết sức chịu đựng rồi. Phiên chạy ra ngoài phòng. Khu vườn ngoài kia, gió bay tung lá. Buổi tối vẫn đến bình thường. Thấy bơ vơ, thấy cô độc không cùng, Phiên ngồi thụp xuống gốc cây vú sữa. Ánh sáng từ lối đi trải đá được thắp sáng tự hồi nào cắt xén từng mảng tối của cỏ. Đồ đạc vất tung bên cạnh. Phiên nhớ đến phận mình.
Thôi Phiên đã mất hết rồi. Nhà ở, bạn bè. Rồi ngày mai, Phiên sẽ đi đâu đây? Phiên nằm úp mặt xuống cỏ, nước mắt buồn lo lại chảy dầm dề. Cánh tay Phiên gác ngang vài chiếc bánh ú tung ra góc cạnh, lá thâm nâu, mùi lá chín, nếp thơm chỉ còn thoang thoảng. Những chiếc bánh nầy cho Linh, mà Linh không còn nữa. Những chiếc bánh này của mẹ làm. Mẹ ở quá xa. Mẹ có biết con khổ thế nào không? Lá chuối vườn nhà, bóng mẹ cần cù, Phiên nhớ nhà đến nát cả lòng. Con đâu còn ai nữa. Chỉ còn mẹ. Ở đây đất người xa lạ. Có tiếng chim ríu rít trên cành cây. Có tiếng ếch nhái vọng âm từng hồi. Gió quạt từng đợt lá vàng lả tả trên lưng. Gió xua những lá cỏ úa rập rờn ống chân. Một ngôi vườn quen cách xa. Bóng cây đen thẫm của từng đêm yên giấc in dáng tối khi nhìn từ cửa sổ. Tiếng à ơi não nề trong cơn trở giấc nửa đêm. À ơi…chiều chiều vịt lội kêu chiều, bâng khuâng ruột thắt chín chiều quặn đau…Ầu ơ…chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều…. Những câu hát ru con làm mi mắt sụp xuống giữa cái êm đềm ấm áp của chăn chiếu, giường nhà, hơi mẹ ủ. Dưới gốc vú sữa vừa kết trái xanh non. Trên lớp nệm cỏ hơi úa vàng vì nắng hạ. Nhưng bây giờ Phiên không thấy được màu sắc của từng loại. Chỉ một màu đen tối và cành cỏ thì ong óng nước mắt. Nỗi buồn nhớ làm Phiên héo người. Đầu váng vất nặng trịch, Phiên thấy thèm một bàn tay ấm của mẹ, của Linh. Phiên thấy thèm một lời nói thân thiết dù là trách mắng. Nhưng không có gì cả ngoài bóng đêm hòa điệu với những âm thanh thui chột. Phiên nhướng người. Tiếng gọi thầm về với mẹ thật mãnh liệt. Nhưng đằng xa, miền chân trời không bao giờ Phiên thấy được từ thành phố, trong khu vườn của ngôi nhà đã trở nên xa lạ. Đêm đã ủ kín tứ bề. Hình dáng những cây lá chung quanh vây chặt Phiên vào giữa. Chúng tiến lại gần xoay tít. Phiên ngợp đi như gặp cơn say. Hai bàn tay bíu hụt trượt dài trên đám cỏ ươn ướt. Phiên gục xuống, đầu dựa vào cạnh thép lạnh ngắt của rương quần áo, tay kia phá tung lớp giấy báo gói bánh ú. Những chiếc bánh bị ép bởi sức nặng của Phiên, bị hâm nóng bởi cơn nắng mùa hạ tươm nhựa nhớp nháp. Phiên vẫn không hay biết gì cả. Phiên đã thiếp vào cơn chóng mặt giữa khu vườn không phải nhà mình để mơ về một ngôi nhà khác có khói thổi cơm chiều hôm, có tiếng mẹ cười rung hai đuôi mắt. Có tà áo nâu bạc màu. Có đồng ruộng vàng óng trải dài như con sóng lớn mỗi ngày gió thổi. Mẹ và quê hương.
Kim Hài
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.