giavui
08-29-2014, 09:04 PM
Buổi học cuối cùng
Như Phong
http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1409346246_is.jpg
Buổi ấy qua đã ngót mười năm nay rồi. Thế mà tôi còn nhớ mãi như vừa hôm qua. Cái kỷ niệm xa xôi của buổi ấy cứ theo đuổi mãi tôi như một điều hối hận. Trong xó chiếc nhà tranh trống trải, có lẽ một đêm kia, ông đồ già - thầy học cũ của tôi - đã nhắm mắt từ trần. Tôi đã tưởng tượng ra cái chết, vây phủ bởi muôn ngàn cái túng thiếu, ông già nghèo khổ, ốm yếu ấy. Có lẽ một đêm kia... giữa cơn thịnh nộ của trời đất bên ngoài, trong khi cơn gió ào ào vặn chuyển tấm mái tranh mỏi mệt và những giọt mưa dầm thi nhau rả rích tuồn xuống nền nhà thì ông đồ, trên giường bệnh, đã gượng nâng chút sức tàn nhổm dậy và cất tiếng gọi trong đêm tối; trả lời ông chỉ có sự quạnh hiu. Vợ con ông không còn ai, hàng xóm thì ở xa. Ông gọi mãi cho đến khi hơi thở ông đứt, không còn gọi được nữa. Cái chết rùng rợn đến lôi ông đi. Và, mãi đến tận ngày hôm sau, người ta mới thấy ông nằm chết còng queo trong gian nhà lạnh ngắt. Thương tình, người ta bó ông lại và vùi ông xuống dưới nấm đất đen. Lâu lâu, không ai nói đến ông nữa. Bây giờ, có lẽ, dưới một vùng cỏ thê lương, ông đồ già đã nằm trầm ngâm một cách yên tĩnh và ngủ một giấc êm thấm nhất của đời ông.
Tôi đã tưởng tượng ra như vậy và tôi yên trí là ông đã chết rồi. Đối với một số người, cái chết cũng đáng mong như một sự giải thoát.
Vậy thì ông đồ đã chết rồi. Thế nhưng cớ sao, trong những giờ quạnh quẽ của đời tôi vẫn thấy ông đồ trở lại như một ám ảnh? Cái bóng ma ấy hình như muốn tôi một điều gì! Cho đến cả chiều nay, trong khi ngả những dòng trên mặt giấy, tôi lại phảng phất thấy ông đồ già ngồi dưới bóng đèn... Như những ngày nào, vẫn cái nụ cười kín đáo, sâu sắc và đôi mắt nghiêm nghị nhưng hiền từ. Cả người ông bọc trong sự yên lặng, cái tấm vải khâm liệm cuối cùng của người chết...
Ngày ấy, ông đồ sống một cách hầu như trơ trọi trong một gian nhà cũ nát ở đầu làng. Nhà chia làm hai gian nhỏ, mái tranh thì thủng lỗ chỗ, trời nắng còn khá chứ gặp ngày mưa thì dột lung tung. Gặp những đêm mưa to, thường khi ông đồ phải bó gối ngồi thức tới sáng! Phần thì không có chỗ nằm, phần thì ông lo ướt mất chồng sách cổ, cái mà ông quý hơn cả tính mệnh. Một mảnh sân đầy rêu và đầy nước đọng bao bọc cái nhà ở tiêu điều ấy.
Bà đồ mất đã lâu rồi. Cả ba người con, hai trai một gái, cũng lần lượt đi theo chân bà. Ông đồ nuôi một đứa cháu họ xa, năm ấy lên mười một tuổi. Chừng thằng bé vừa ở hầu hạ ông vừa ăn mày ông đôi ba chữ.
Cách sinh nhai đạm bạc của ông đồ trông vào lũ trẻ con của dăm bảy nhà trong làng. Tôi và anh tôi cũng có ở trong số học trò đó. Tuy hồi đó ai ai cũng biết rằng chữ nho đã vô dụng rồi nhưng, trong những gia đình nề nếp, người ta vẫn muốn cho trẻ biết qua loa dăm ba chữ gọi là vớt vát lại đôi chút cái học căn bản ngày xưa. Một lẽ nữa gần sự thực hơn là khi ấy trường trong làng chưa mở mà để trẻ con ở nhà lêu lổng là một sự không nên.
Nhờ có lũ học trò "nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi", cắp sách đến trường nếu không phải để bôi nhoèn mực vào tay và quần áo thì cũng đấm đánh nhau chí chóe; nhờ có lũ trẻ con ấy, ông đồ cũng sống được một cách thư thả và suốt ngày làm cái phận sự của một nhà nho là nằm dài trên phản để đọc thơ đọc phú. Đôi lúc thích chí, ông lấy mấy đầu ngón tay móng để dài vút gõ xuống giường và ngâm thơ vang nhà...
Được hai năm.
Một ngày kia, người ta khánh thành nhà học trong làng. Một tòa nhà sừng sững trên một cái nền cao ráo, màu ngói mới đỏ rực và màu tường vôi trắng xóa nổi bật lên trên nền men chàm lộng lẫy của da trời. Những nhà có trẻ đều được chức dịch trong làng đến tận nhà khuyên nên cho con đi học.
Thế rồi số học trò của ông đồ cứ mỗi ngày một sụt xuống. Đứa nào cũng nói là xin nghỉ ở nhà; rồi chỉ độ hôm sau, ông đồ đã thấy chúng ung dung cắp sách đến trường làng học. Tội nghiệp! Ông đồ vẫn làm ra vẻ thản nhiên, không lo lắng. Nhưng mỗi ngày ông một đổi khác. Người ta ít thấy ông ngâm thơ nữa. Lưng ông còng thêm xuống; trông ông như già lên mấy tuổi nữa.
Số học trò của ông đồ dần dần chỉ còn có ba: tôi, anh tôi và thằng Tý, cháu ông.
Ngày ấy, tôi hãy còn nhỏ. Vậy mà khi cắp sách bước qua cái ngưỡng cửa tối om của nhà ông đồ, cảm thấy cái nghèo túng cơ cực của ông một cách rõ rệt, tôi cảm thấy trong lòng tự nhiên chua xót, rây rứt mãi không thôi.
Có một bận, đến học hơi sớm hơn lệ thường, chúng tôi gặp ông đồ, mặc cái áo cánh rách bẩn, đương ngồi nhặt rau ở ngoài thềm để cho thằng Tý cắm cúi nhóm bếp thổi cơm. Thấy chúng tôi vào, ông đồ mỉm cười một cách ngượng nghịu rồi buông rổ rau đứng dậy; trông ông có vẻ bối rối của một đứa trẻ đang chơi nghịch mà gặp người lớn. Không hiểu thấy như vậy, anh tôi nghĩ sao chứ đối với tôi cảnh ấy như mở một cái cửa sổ con trên cái cuộc đời nghèo túng, vất vả, cay đắng của ông nhà nho lỡ thời.
Mọi ngày thường, tôi không bao giờ dám nhìn tận mặt ông đồ, không hiểu sao hôm ấy tôi lại tò mò ngắm ông đồ như muốn in sâu trong óc hình ảnh ông cùng cái khung tiều tụy của đời ông.
Ông đồ năm ấy đã già lắm. Mái tóc và chòm râu thưa của ông đã lơ phơ bạc. Người ông bé nhỏ và gầy yếu; đôi vai mỏng mảnh, trơ xương, nhô lên sau lần áo rộng lùng thùng. Mặt ông dăn deo như một quả táo tàu. Mồm ông móm và thụt sâu vào như có ai lấy tay ấn xuống; khi ông nói thì giọng ông hơi phều phào, khó nghe một chút. Đôi mắt ông toét nhoèn và đầy rử nên thường thường ông vẫn có một cái khăn tay đỏ vắt ngang vai để thỉnh thoảng chùi mắt.
Hình ảnh ông như bao giờ cũng ở trước mắt tôi.
... Một hôm thày tôi gọi chúng tôi ra dặn:
- Thôi ngày mai chúng mày sang xin phép thầy đồ nghỉ ở nhà nhé!
Nghỉ ở nhà? Để ông đồ trơ vơ lại trong khi ông chỉ còn nương tựa vào hai cái hy vọng cuối cùng là chúng tôi? Tôi thấy ái ngại không nỡ làm sự tàn nhẫn ấy!
Tôi hỏi thày tôi:
- Thế thưa thày nghỉ để làm gì ạ?
- Tao định xin cho hai anh em chúng mày vào trường làng để kiếm lấy dăm ba chữ tây chứ cái chữ nho bây giờ không sống được, các con ạ!
Tôi đánh bạo:
- Nhưng thưa thầy con không thích học chữ tây, con chỉ muốn học ông đồ.
- Im đi! Trẻ con biết gì nào - Thày tôi quát.
Thế là, sáng sớm hôm sau... buổi học cuối cùng của chúng tôi!
... Chúng tôi đến nhà ông đồ muộn hơn ngày thường. Đến cửa, chúng tôi còn thập thò mãi không chịu vào. Sau khi đùn nhau đi trước mãi, tôi với anh tôi mới khe khẽ bước qua cổng và len lén vào như hai đứa ăn trộm.
Ông đồ ngồi đợi chúng tôi trên phản.
- Sao hôm nay đến chậm thế?
Ông đồ hỏi bằng cái giọng làm ra nghiêm khắc nhưng vẫn hiền từ. Vừa hỏi, ông vừa hạ thấp cặp kính trắng xuống gần giữa sống mũi và ngước mắt nhìn chúng tôi.
Chúng tôi ngồi vào cái yên dài để cạnh phản và giở sách ra. Như lệ thường, ông bắt chúng tôi đọc bài rồi mới đưa cái bản mẫu phỏng cho chúng tôi tập viết. Chưa đến lượt tôi, tôi khoanh tay ngồi nghe anh tôi đọc bài, giọng đọc y như nhai chữ, vang trong gian nhà trống trải, hôm ấy đối với tôi như có một cái gì thống thiết, não ruột lạ thường! Tôi hết nhìn ông đồ lại nhìn những cột nhà đã mọt ruỗng, như kẽ hở ở đầu nhà có ánh sáng lọt vào... Tôi âm thầm nghĩ rằng, chỉ bắt đầu từ mai, tôi không được nhìn những cái ấy nữa!
- Tý, đọc bài. Làm gì mà ngẩn người ra thế?
Tôi đứng lên như cái máy. Miệng tôi ấp úng. Tôi không đọc được chữ nào, tuy bài ấy tôi đã thuộc từ tối hôm trước. Vì lúc ấy lòng tôi xốn xang quá; cổ họng tôi như nghẹn ngào... Thấy ông đồ ngước mắt nhìn tôi ra ý đợi, tôi muốn gào to lên một tiếng: "Vô ích! Vô ích! Tôi không cần phải thuộc bài hôm nay. Vì chỉ ngày mai... ngày mai thôi..." Nhưng tôi không nói lên được. Mà ông đồ cũng không hiểu. Ông lấy cái roi mây khe khẽ gõ vào đầu tôi và cho tôi ngồi xuống.
Giờ tập viết.
Rồi cái phút cuối cùng, phút mà tôi lo sợ nhất. Trống ngực tôi đánh thình thình. Như sợ ông đồ biết được những ý nghĩ lộn xộn đương xô đẩy nhau ở trong óc tôi, tôi cúi gầm mặt xuống. Tôi đợi anh tôi nói. Tôi đếm từng phút. Tôi nín thở...
Xong rồi, anh tôi đã đứng dậy. Anh tôi khoanh tay. Tôi liếc mắt, rình nét mặt ông đồ. Anh tôi nói:
- Thưa thầy, từ ngày mai xin phép thầy cho chúng con nghỉ ở nhà...
Mặt ông đồ hình như hơi đổi khác.
- Thế à?... Thế... các con nghỉ ở nhà làm gì?
- Thưa thầy... thưa thầy, chúng con không biết.
- Các con không biết... Vì thày ở nhà dặn con nói thế, phải không?
- Thưa thầy... vâng ạ.
- Vậy thì các con về thưa với thày rằng từ ngày mai thầy bằng lòng cho các con nghỉ. Các con có thể ở hẳn nhà hay là... xin vào trường làng học chữ tây cũng được... Vì rằng...
Cặp môi ông cụ bỗng phác thành một nụ cười và sau cặp kính hình như mắt ông rơm rớm ướt. Ngoảnh đi nơi khác, ông hạ thấp giọng nói xuống:
-... Vì rằng chữ nho bây giờ vô dụng rồi!
Chúng tôi khoanh tay đứng yên lặng nhìn ông đồ. Tiếng mọt trong một cái cột nào đó, kẽo cọt đục gậm sự yên lặng... Một lúc.
Ông đồ quay lại chúng tôi:
- Kìa! Thôi thầy cho phép các con về.
Anh tôi và tôi nắm tay nhau, ngần ngại không biết nên đi ra hay là nên ở lại. Ông đồ giơ tay với lấy một cái gối sơn đã cũ rồi từ từ ngả lưng xuống phản. Một tay ông vắt lên trán còn tay kia ông ra hiệu cho chúng tôi lui ra.
- Lạy thầy ạ!
Anh tôi cắp sách bước ra trước. Còn tôi, đến lượt tôi nhắc lại tiếng chào ấy, tôi thấy làm sao ở trong cổ họng. Lòng tôi thổn thức... Tôi muốn òa lên khóc.
Thời gian đã đưa tôi đi xa buổi ấy rồi. Nhưng tôi còn nhớ mãi như vừa mới hôm qua. Ông đồ già, ngày nay, có lẽ cũng đã chết. Nhưng kỷ niệm của ông cứ theo đuổi tôi mãi mãi, cứ ở lại trên đường tôi đi như một sự ám ảnh... không sao mất được!
Tiểu thuyết thứ bảy
Số 163 (1937).
Như Phong
http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1409346246_is.jpg
Buổi ấy qua đã ngót mười năm nay rồi. Thế mà tôi còn nhớ mãi như vừa hôm qua. Cái kỷ niệm xa xôi của buổi ấy cứ theo đuổi mãi tôi như một điều hối hận. Trong xó chiếc nhà tranh trống trải, có lẽ một đêm kia, ông đồ già - thầy học cũ của tôi - đã nhắm mắt từ trần. Tôi đã tưởng tượng ra cái chết, vây phủ bởi muôn ngàn cái túng thiếu, ông già nghèo khổ, ốm yếu ấy. Có lẽ một đêm kia... giữa cơn thịnh nộ của trời đất bên ngoài, trong khi cơn gió ào ào vặn chuyển tấm mái tranh mỏi mệt và những giọt mưa dầm thi nhau rả rích tuồn xuống nền nhà thì ông đồ, trên giường bệnh, đã gượng nâng chút sức tàn nhổm dậy và cất tiếng gọi trong đêm tối; trả lời ông chỉ có sự quạnh hiu. Vợ con ông không còn ai, hàng xóm thì ở xa. Ông gọi mãi cho đến khi hơi thở ông đứt, không còn gọi được nữa. Cái chết rùng rợn đến lôi ông đi. Và, mãi đến tận ngày hôm sau, người ta mới thấy ông nằm chết còng queo trong gian nhà lạnh ngắt. Thương tình, người ta bó ông lại và vùi ông xuống dưới nấm đất đen. Lâu lâu, không ai nói đến ông nữa. Bây giờ, có lẽ, dưới một vùng cỏ thê lương, ông đồ già đã nằm trầm ngâm một cách yên tĩnh và ngủ một giấc êm thấm nhất của đời ông.
Tôi đã tưởng tượng ra như vậy và tôi yên trí là ông đã chết rồi. Đối với một số người, cái chết cũng đáng mong như một sự giải thoát.
Vậy thì ông đồ đã chết rồi. Thế nhưng cớ sao, trong những giờ quạnh quẽ của đời tôi vẫn thấy ông đồ trở lại như một ám ảnh? Cái bóng ma ấy hình như muốn tôi một điều gì! Cho đến cả chiều nay, trong khi ngả những dòng trên mặt giấy, tôi lại phảng phất thấy ông đồ già ngồi dưới bóng đèn... Như những ngày nào, vẫn cái nụ cười kín đáo, sâu sắc và đôi mắt nghiêm nghị nhưng hiền từ. Cả người ông bọc trong sự yên lặng, cái tấm vải khâm liệm cuối cùng của người chết...
Ngày ấy, ông đồ sống một cách hầu như trơ trọi trong một gian nhà cũ nát ở đầu làng. Nhà chia làm hai gian nhỏ, mái tranh thì thủng lỗ chỗ, trời nắng còn khá chứ gặp ngày mưa thì dột lung tung. Gặp những đêm mưa to, thường khi ông đồ phải bó gối ngồi thức tới sáng! Phần thì không có chỗ nằm, phần thì ông lo ướt mất chồng sách cổ, cái mà ông quý hơn cả tính mệnh. Một mảnh sân đầy rêu và đầy nước đọng bao bọc cái nhà ở tiêu điều ấy.
Bà đồ mất đã lâu rồi. Cả ba người con, hai trai một gái, cũng lần lượt đi theo chân bà. Ông đồ nuôi một đứa cháu họ xa, năm ấy lên mười một tuổi. Chừng thằng bé vừa ở hầu hạ ông vừa ăn mày ông đôi ba chữ.
Cách sinh nhai đạm bạc của ông đồ trông vào lũ trẻ con của dăm bảy nhà trong làng. Tôi và anh tôi cũng có ở trong số học trò đó. Tuy hồi đó ai ai cũng biết rằng chữ nho đã vô dụng rồi nhưng, trong những gia đình nề nếp, người ta vẫn muốn cho trẻ biết qua loa dăm ba chữ gọi là vớt vát lại đôi chút cái học căn bản ngày xưa. Một lẽ nữa gần sự thực hơn là khi ấy trường trong làng chưa mở mà để trẻ con ở nhà lêu lổng là một sự không nên.
Nhờ có lũ học trò "nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi", cắp sách đến trường nếu không phải để bôi nhoèn mực vào tay và quần áo thì cũng đấm đánh nhau chí chóe; nhờ có lũ trẻ con ấy, ông đồ cũng sống được một cách thư thả và suốt ngày làm cái phận sự của một nhà nho là nằm dài trên phản để đọc thơ đọc phú. Đôi lúc thích chí, ông lấy mấy đầu ngón tay móng để dài vút gõ xuống giường và ngâm thơ vang nhà...
Được hai năm.
Một ngày kia, người ta khánh thành nhà học trong làng. Một tòa nhà sừng sững trên một cái nền cao ráo, màu ngói mới đỏ rực và màu tường vôi trắng xóa nổi bật lên trên nền men chàm lộng lẫy của da trời. Những nhà có trẻ đều được chức dịch trong làng đến tận nhà khuyên nên cho con đi học.
Thế rồi số học trò của ông đồ cứ mỗi ngày một sụt xuống. Đứa nào cũng nói là xin nghỉ ở nhà; rồi chỉ độ hôm sau, ông đồ đã thấy chúng ung dung cắp sách đến trường làng học. Tội nghiệp! Ông đồ vẫn làm ra vẻ thản nhiên, không lo lắng. Nhưng mỗi ngày ông một đổi khác. Người ta ít thấy ông ngâm thơ nữa. Lưng ông còng thêm xuống; trông ông như già lên mấy tuổi nữa.
Số học trò của ông đồ dần dần chỉ còn có ba: tôi, anh tôi và thằng Tý, cháu ông.
Ngày ấy, tôi hãy còn nhỏ. Vậy mà khi cắp sách bước qua cái ngưỡng cửa tối om của nhà ông đồ, cảm thấy cái nghèo túng cơ cực của ông một cách rõ rệt, tôi cảm thấy trong lòng tự nhiên chua xót, rây rứt mãi không thôi.
Có một bận, đến học hơi sớm hơn lệ thường, chúng tôi gặp ông đồ, mặc cái áo cánh rách bẩn, đương ngồi nhặt rau ở ngoài thềm để cho thằng Tý cắm cúi nhóm bếp thổi cơm. Thấy chúng tôi vào, ông đồ mỉm cười một cách ngượng nghịu rồi buông rổ rau đứng dậy; trông ông có vẻ bối rối của một đứa trẻ đang chơi nghịch mà gặp người lớn. Không hiểu thấy như vậy, anh tôi nghĩ sao chứ đối với tôi cảnh ấy như mở một cái cửa sổ con trên cái cuộc đời nghèo túng, vất vả, cay đắng của ông nhà nho lỡ thời.
Mọi ngày thường, tôi không bao giờ dám nhìn tận mặt ông đồ, không hiểu sao hôm ấy tôi lại tò mò ngắm ông đồ như muốn in sâu trong óc hình ảnh ông cùng cái khung tiều tụy của đời ông.
Ông đồ năm ấy đã già lắm. Mái tóc và chòm râu thưa của ông đã lơ phơ bạc. Người ông bé nhỏ và gầy yếu; đôi vai mỏng mảnh, trơ xương, nhô lên sau lần áo rộng lùng thùng. Mặt ông dăn deo như một quả táo tàu. Mồm ông móm và thụt sâu vào như có ai lấy tay ấn xuống; khi ông nói thì giọng ông hơi phều phào, khó nghe một chút. Đôi mắt ông toét nhoèn và đầy rử nên thường thường ông vẫn có một cái khăn tay đỏ vắt ngang vai để thỉnh thoảng chùi mắt.
Hình ảnh ông như bao giờ cũng ở trước mắt tôi.
... Một hôm thày tôi gọi chúng tôi ra dặn:
- Thôi ngày mai chúng mày sang xin phép thầy đồ nghỉ ở nhà nhé!
Nghỉ ở nhà? Để ông đồ trơ vơ lại trong khi ông chỉ còn nương tựa vào hai cái hy vọng cuối cùng là chúng tôi? Tôi thấy ái ngại không nỡ làm sự tàn nhẫn ấy!
Tôi hỏi thày tôi:
- Thế thưa thày nghỉ để làm gì ạ?
- Tao định xin cho hai anh em chúng mày vào trường làng để kiếm lấy dăm ba chữ tây chứ cái chữ nho bây giờ không sống được, các con ạ!
Tôi đánh bạo:
- Nhưng thưa thầy con không thích học chữ tây, con chỉ muốn học ông đồ.
- Im đi! Trẻ con biết gì nào - Thày tôi quát.
Thế là, sáng sớm hôm sau... buổi học cuối cùng của chúng tôi!
... Chúng tôi đến nhà ông đồ muộn hơn ngày thường. Đến cửa, chúng tôi còn thập thò mãi không chịu vào. Sau khi đùn nhau đi trước mãi, tôi với anh tôi mới khe khẽ bước qua cổng và len lén vào như hai đứa ăn trộm.
Ông đồ ngồi đợi chúng tôi trên phản.
- Sao hôm nay đến chậm thế?
Ông đồ hỏi bằng cái giọng làm ra nghiêm khắc nhưng vẫn hiền từ. Vừa hỏi, ông vừa hạ thấp cặp kính trắng xuống gần giữa sống mũi và ngước mắt nhìn chúng tôi.
Chúng tôi ngồi vào cái yên dài để cạnh phản và giở sách ra. Như lệ thường, ông bắt chúng tôi đọc bài rồi mới đưa cái bản mẫu phỏng cho chúng tôi tập viết. Chưa đến lượt tôi, tôi khoanh tay ngồi nghe anh tôi đọc bài, giọng đọc y như nhai chữ, vang trong gian nhà trống trải, hôm ấy đối với tôi như có một cái gì thống thiết, não ruột lạ thường! Tôi hết nhìn ông đồ lại nhìn những cột nhà đã mọt ruỗng, như kẽ hở ở đầu nhà có ánh sáng lọt vào... Tôi âm thầm nghĩ rằng, chỉ bắt đầu từ mai, tôi không được nhìn những cái ấy nữa!
- Tý, đọc bài. Làm gì mà ngẩn người ra thế?
Tôi đứng lên như cái máy. Miệng tôi ấp úng. Tôi không đọc được chữ nào, tuy bài ấy tôi đã thuộc từ tối hôm trước. Vì lúc ấy lòng tôi xốn xang quá; cổ họng tôi như nghẹn ngào... Thấy ông đồ ngước mắt nhìn tôi ra ý đợi, tôi muốn gào to lên một tiếng: "Vô ích! Vô ích! Tôi không cần phải thuộc bài hôm nay. Vì chỉ ngày mai... ngày mai thôi..." Nhưng tôi không nói lên được. Mà ông đồ cũng không hiểu. Ông lấy cái roi mây khe khẽ gõ vào đầu tôi và cho tôi ngồi xuống.
Giờ tập viết.
Rồi cái phút cuối cùng, phút mà tôi lo sợ nhất. Trống ngực tôi đánh thình thình. Như sợ ông đồ biết được những ý nghĩ lộn xộn đương xô đẩy nhau ở trong óc tôi, tôi cúi gầm mặt xuống. Tôi đợi anh tôi nói. Tôi đếm từng phút. Tôi nín thở...
Xong rồi, anh tôi đã đứng dậy. Anh tôi khoanh tay. Tôi liếc mắt, rình nét mặt ông đồ. Anh tôi nói:
- Thưa thầy, từ ngày mai xin phép thầy cho chúng con nghỉ ở nhà...
Mặt ông đồ hình như hơi đổi khác.
- Thế à?... Thế... các con nghỉ ở nhà làm gì?
- Thưa thầy... thưa thầy, chúng con không biết.
- Các con không biết... Vì thày ở nhà dặn con nói thế, phải không?
- Thưa thầy... vâng ạ.
- Vậy thì các con về thưa với thày rằng từ ngày mai thầy bằng lòng cho các con nghỉ. Các con có thể ở hẳn nhà hay là... xin vào trường làng học chữ tây cũng được... Vì rằng...
Cặp môi ông cụ bỗng phác thành một nụ cười và sau cặp kính hình như mắt ông rơm rớm ướt. Ngoảnh đi nơi khác, ông hạ thấp giọng nói xuống:
-... Vì rằng chữ nho bây giờ vô dụng rồi!
Chúng tôi khoanh tay đứng yên lặng nhìn ông đồ. Tiếng mọt trong một cái cột nào đó, kẽo cọt đục gậm sự yên lặng... Một lúc.
Ông đồ quay lại chúng tôi:
- Kìa! Thôi thầy cho phép các con về.
Anh tôi và tôi nắm tay nhau, ngần ngại không biết nên đi ra hay là nên ở lại. Ông đồ giơ tay với lấy một cái gối sơn đã cũ rồi từ từ ngả lưng xuống phản. Một tay ông vắt lên trán còn tay kia ông ra hiệu cho chúng tôi lui ra.
- Lạy thầy ạ!
Anh tôi cắp sách bước ra trước. Còn tôi, đến lượt tôi nhắc lại tiếng chào ấy, tôi thấy làm sao ở trong cổ họng. Lòng tôi thổn thức... Tôi muốn òa lên khóc.
Thời gian đã đưa tôi đi xa buổi ấy rồi. Nhưng tôi còn nhớ mãi như vừa mới hôm qua. Ông đồ già, ngày nay, có lẽ cũng đã chết. Nhưng kỷ niệm của ông cứ theo đuổi tôi mãi mãi, cứ ở lại trên đường tôi đi như một sự ám ảnh... không sao mất được!
Tiểu thuyết thứ bảy
Số 163 (1937).