View Full Version : Tiếng Gọi Của Rừng Thẳm
giavui
05-04-2015, 08:28 PM
Tiếng Gọi Của Rừng Thẳm
Lan Khai
Con cá chép vẫy vùng làn nước biếc
Chim phượng hoàng bay liệng thẳm trời cao
Chim trời cá nước tiêu dao
Rừng cây thanh vắng ra vào mặt ta
(câu hát Mèo)
Chương 1
TRONG lòng cái thùng rộng khuất nẻo giữa rừng, có một động Mằn lèo tèo năm mươi nóc nhà dựng tản mát trên mấy ngọn đồi xanh.
Nhà nào cũng một kiểu mẫu như nhau: - cái kiểu mẫu tổ truyền bất dịch - trên người ở, dưới chuồng trâu. Giữa nhà để một cái khuôn bếp, than lửa lúc nào cũng rừng rực. Đó là chỗ nấu ăn ngày hai bữa. Đó là cái lò sưởi chung của hết thảy mọi người trong gia đình. Về mùa đông, khi cơm chiều xong và trước lúc đi ngủ, ai nấy xúm quanh ngọn lửa, rì rầm nói chuyện mùa màng, săn bắn, hoặc kể lể những việc của tích xưa... Thời khắc ấy là cái thời khắc nghỉ ngơi, mơ mộng; cái thời khắc êm đềm nhất của cuộc đời chìm đắm giữa hoang vu và luôn luôn phải tranh đấu với tạo vật.
Hai gian gần đấy thì một bày bàn thờ, một để tiếp khách; còn hai chải đầu hồi thì làm buồng ngủ.
Tuy cách tỉnh lỵ có sáu bảy cây số, mà cái động Mằn hẻo lánh kia - động Đèo Hoa - đã tự biệt thành một thế giới riêng.
Cuộc đời ở đấy. bình nhật điềm đạm. tĩnh mịch, bữa nay bỗng náo nhiệt khác thường. Trong động có việc vui mừng, đám ăn hỏi Cang-Ngrào, con trai cụ tổng Khoan lấy Peng-Lang, gái một ông trưởng Mằn.
Trên nhà gái, hai họ đông vui.
Mặt sàn lộng lẫy những chiếu hoa xanh đỏ.
Cỗ bàn bày ra hai dẫy, mỗi mâm kèm mấy quả bầu ăm ắp rượu.
Khi mọi người đã yên chỗ, Mằn - phá (ông mai) cất tiếng hát rằng:
Nay đã được ngày lành tháng tốt.
Lòng thành đem lễ vật kính dâng.
Ước gì, tài tử giai nhân,
Phượng loan tốt lứa, Châu Trần đẹp đôi
Mằn - tả (bà mai) đáp:
Con trai việc phụng thờ tiên tổ.
Con gái đem bán gà cho người.
Ví bằng trai - gái vừa đôi.
Đã lòng dạy đến , dạy thời xin vâng.
Mong cháu, chắt đông đàn dài lo
Nghìn muôn năm tục cũ lưu truyền.
Sắt cầm trôi khúc triền miên.
Ngàn năm muôn thủa rừng thiêng vui vầy.
- Ví đã có lòng thành chiếu cố.
- Thời kíp xin phân tỏ một lời;
Kể trong thân họ bao người,
Kim ngân bao lạng,(để) kịp thời lo theo.
Trong thôn họ nào có lắm,
Kim ngân xin mươi lạng đủ dùng.
Còn như bày vẽ tùy lòng,
Miễn sao đôi trẻ vợ chồng kính yêu....
Mằn - phá, Mằn tả hát xong, mọi người đều cất chén rượu mừng.
Rồi đến lượt trai gái hai bên, bắt đầu cuộc " áy dủng". Họ thi nhau xướng họa, đem những điều ước vọng của tấm lòng ngu vào trong những câu hát thực thà! Giọng hát và tiếng kèn lau họp thành một điệu cũ kỹ. hơi buồn.
Trai muốn ướm lòng gái:
Thấy cô mình tươi tốt dung nhan.
Tốt tươi như một cánh hoa ngàn.
Ước gì lên nghĩa đá vàng.
Như đôi gâu nọ cho cam một đời.
° ° °
Yêu cô mình lắm, yêu cô mình như nén vàng mười,
Quí cô mình như hòn ngọc bích:
Vàng mười, ngọc bích trên đời gì hơn!
° ° °
Gặp em từ ba bốn hôm trời,
Nhớ em rượu chuốc không uống, cơm mời biếng ăn;
Tóc biếng chải; đầu, khăn biếng quấn;
Nằm lại ngồi; ngơ ngẩn bâng khuâng.
Gái muốn làm cao thì:
Đây như con chim chích ăn quẩn bên đường.
Đây như phượng hoàng bay tít thẳm mù khơi.
Thấy phượng bay, thấy được chăng ai?
Toan đem tên nỏ bắn rụng mặt trời được ru!
Trai mỉa lại:
Gà rừng, nợm, ra điều chê thóc ruộng,
Phượng hoàng kiểu ham chuộng những cành trên.
Có ngày phượng, quạ cùng chen,
Lâm cảnh đói, nhái đen còn nuốt trửng!
Thấy cỏ rác, trâu già lững thững,
Vùi đầu nhai rơm bẩn ồ gà!...
Nhưng nếu đôi bên ưng nhau:
Yêu nhau thì yêu nhau cho trót
Mến nhau thì mến trọn một bề.
Bao giờ trâu thấy cỏ mà chê.
Nai, hươu lìa rừng thẳm, bấy giờ ta hãy quên nhau.
Họ vừa ăn uống, vừa kèn hát rất vui. Những dịp họa hoằn ấy chính là để cho họ tạm khuây cái tẻ ngắt của cuộc đời.
Ông khán Thi, chú ruột Cang-Ngrào, mãi lúc ấy mới rửa chân lên nhà. Mọi người hớn hở đón chào. Phải, một cuộc vui mà thiếu ông khán Thi, sao gọi là cuộc vui được. Ông ta thực là một nhân vật lạ lùng. Người bé loắt choắt, tuổi độ bốn mươi nhăm, năm mươi, mặt săn soăn, gò má cao, mắt hấp hìm, mũi đỏ như quả nhót chín, môi mỏng dính luôn ngậm chiếc điếu can đồng. Trông vẻ người đã ngộ nghĩnh, tính nết lại hay vui đùa; rát như cáy mà hay làm mặt bạo. Gặp ai cũng giở những chuyện hùm beo gớm chết. Phòng thử ông ta chỉ giết được chỉ một phần trăm cái số hùm gấu, cầy cáo, ông vẫn khoe khoang thì, nội vùng đó, dễ chẳng ai còn thấy bóng con thú rừng nào nữa!
- Kìa ông khán!... Sao chậm thế?
- Hứ! các ông từng thấy dùi cho beo gấu đéng đau là chiện choóng đợc à?
Câu mở đầu kỳ quặc ấy làm cho mọi người rúc rích cười.
Chỉ riêng một mình bà trương vẫn lạnh lùng. Hai mắt nhìn đăm đăm ngọn lửa bếp, bà trương đối với một cuộc vui hôm ấy, hình như hơi nặng một nỗi buồn. Việc nhân duyên của Peng-Lang, thực vậy, đã trái hẳn ý bà mong ước. Vẫn hay Cang-Ngrào là một chàng trẻ tuổi nết na chịu khó, nhưng Cang-Ngrào nghèo lắm. Càng thấy con gái mình xinh đẹp, khéo léo vào bậc nhất hang động, bà trương càng ước ao một chàng rể như bac cánh Trung ở Hoăng-pháp chẳng hạn, vừa trẻ tuổi , danh giá lại vừa giàu.
Khốn nỗi Peng-Lang thiết Cang-Ngrào lắm. Ông trương đối với cụ tổng lại là chỗ nể nang.
- Beo, gấu đánh nhau làm sao, hở ông khán?
Nghe mọi người hỏi, ông khán Thi nhìn đó là vẻ mặt bà trương, và thủng thẳng nói:
- Sáng sớm, mìng vác nỏ vào rừng. Lúc ồ đá ra đi, trời sáng sủa tốt đẹp quá. Chẳng ngờ vừa vào đến rừng thì sương mù ở đâu buông kín mít, kéc ba buốc chân. Chă..ẳng còn thấy cóc khô gì nở!...Vầy mìng nghị, thế này nếu cứ đi liều, chổ vào gốc cây hay lăn cổ xuống hố chết toi mà thôi. Nhân gần đấy có cái hang đá, mìng đành vào ngồi tạm, chất lở sởi. Chờ đợc ấm chỗ, một oong gấu ngợ ở đâu lù lù dẫn đến... Mìng ghét mựt, mặc hắn, mà lão ta thì xem ý cũng coi ngòi nở con mắt, chả thế mà mìng nín hôi nép troong lòong hang,! Gấu vừa xoay lưng sởi một lát, lá lau lại động sột sạt..Gùng nỉ ọ! ... một ôông kễng tởng cooloo cũng mò đến ngồi chơi!...
Cái nầy thật chết á! Mình đành ngồi bẹp dí đấy hết ngày thôi!...Lại khổ thêm là muỗi đói ở đâu kéo đến như oong, cứ nhè mặt mũi chân tay mình mà đốt nhoi nhói mãi. Thở không dám thơ, cọ không dám cọ. eng em nghị có khổ khôông nè!...
Ông khán Thi vừa nói vừa nhăn nhó khó khăn, làm cho mọi người không sao nín cười được.
- Mìng tức quá, nghĩ ngay đợc một mẹo... Eng gấu sơ này tính bẩn, ming nếu làm thế nào cho hắn phát cáu, tát nhiêng hẳn choảng eng beo. Lúc xô xát ấy, mìng có thể lần đợc . Nghị thế "câu" rút dao lung lùi vào lở cho thật boỏng đoạn gí vào môông eng gấu một cái. Quả nhiên, gấu tức hôộc lên, quay đi quay lại chỉ thấy có beo liền ngờ eng chàng vèn vèo đó nghịch tinh. Bèn tát ngay beo một cái đỏ đom đóm mắt.
Tiếng cười như pháo nổ.
Ông khán Thi sẽ cắn môi tức giận. Câu chuyện nực cười như thế mà không khiến nổi bà trương phải động dung...
Peng-Lang cũng hiểu ý mẹ. Cô ái ngại Cang-Ngrào, không muốn để chàng phải chú ý đến cái thái độ khó chịu ấy, nên cứ nhìn chàng cười nụ, đoạn đứng dậy ra ngoài. Cang-Ngrào theo ra.
- Cang-Ngrào à, thử nhìn xem còn thấy rõ Pú-nỏi (mặt trời) không nè!
- Peng-Lang ngờ tôi say rượu hẳn. Tôi có bê tha bao giờ đâu!
Thấy chàng chịu khó trả lời câu mình nói bỡn, Peng-Lang cười một cách âu yếm, tựa vào vai Cang-Ngrào, nhìn khuâng mặt trời ta, rồi sẽ cất tiếng êm đềm hát:
Yêu nhau thì yêu nhau cho trót,
Mến nhau thì mến trọn một bề,
Bao giờ trâu thấy cỏ mà chê,
Hươu, nai lìa rừng thẳm, bấy giờ ta hãy quên nhau.
Cang-Ngrào thổn thức, như say về tình về cảnh...
Rồi hai người yên lặng mơ màng..Dưới chân đồi, suối lấp lánh chảy như một dòng lửa. Trên mặt đồng bát ngát, màu lúa chín nhuộm ánh chiều đỏ rực. Cả những cây móc thướt tha quanh bờ ruộng cũng sáng rực như thếp vàng. Rừng cây thu bóng, lù lù từng khối xanh đen. Chỏm núi xa màu phớt tím vẽ một nét dìu dịu trên nền lòng trai. Trời đất phẳng lặng như tờ. Không khí sực nức những hương thơm đặc biệt của đồng ruộng. Trong cái yên tĩnh của sự vật, người ta thấy một cảm giác lạ, mốt cảm giác buồn nhè nhẹ, chỉ riêng của những buổi chiều thu nơi hoang tịch.
Rồi vut chốc, trong thẳm không gian, xuất hiện vô số những vì sao. Đêm trường lẳng lặng vào canh. Những sắc vàng son lần lượt tắt dần. Dưới bóng xanh xanh, cảnh vật trời nên chập chờn, mang điều...
Ngoài mặt đồng không mờ mịt, con tắc kè buông thủng thẳng mấy tiếng đều đều...
Peng-Lang thở dài, quay lại bảo Cang-Ngrào bằng cái giọng ngơ ngẩn:
- Cang- Ngrào nhỉ, cảnh đẹp vừa mất đi, y như là giấc chiêm bao!...
giavui
05-04-2015, 08:29 PM
Chương 2
ANG-NGRÀO bước dài nhưng đi chậm. Giọng nói hơi lè nhè mà quả quyết. Dễ không đâu người ta hay nhầm cái bề ngoài bằng ở đây. Người ở đây trông bộ rụt rè khiêm tốn mà thực ra bản tính cực kỳ ương ngạnh và tự cao.
Trong động, không mấy kẻ biếng lười: muốn sống trong cuộc đời sơn lâm, người dân không thể một phút nào không chiến đấu với cả tạo vật.
Sáng hôm ấy, Cang-Ngrào dậy thật sớm lên nương gặt lúa.
Bình minh.
Trên cỏ cây tha thướt dấu sương mù.
Những chỏm núi xa vươn lên chân mây phơn phớt hồng, chờ đợi Thái dương. Trong lòng thung, lúa chín gục đầu dưới những hạt sương lấp lánh. Suối róc rách chảy, tung bọt trắng lên những hòn đá phủ rêu xanh. Chim chóc trên cành đua nhau hót. Trong không khí mát dịu thơm tho, vạn vật đều tưng bừng với ánh sáng, với sự không khoáng, sự thở hút, sự vẫy vùng giữa cái khung cảnh mỹ miều…
Tuy vậy, một người giản dị như Cang-Ngrào, không thể đắm đuối trong sự mơ mộng vẩn vơ. Bối cảnh đẹp ấy, Cang-Ngrào chỉ thấy hớn hở tự cao.
Tự cao về nỗi gì? Nào chàng ta có biết. Nhưng mỗi cá nhân há chẳng là cái cùng điểm của cả một giống nòi? Trong tâm hồn người tuổi trẻ ấy có cả cái đức tính kiên quyết, cũng như trong bắp thịt chẳng có cả cái sức khỏe của tổ tiên di truyền. Mà cảnh phì nhiêu nọ thì lại chính là cái công phu bao đời tích lũy cho đến ngày nay. Trăm năm về trước, đất này vốn là một cõi hoang vu, một nơi sào huyệt của cầm thú.
Một ngày kia, dân động kéo nhau đến đấy, bói được quẻ tốt, bèn dừng bước phiêu lưu, quả quyết phá thiên hoang làm đất sinh cơ lập nghiệp. Họ xúm nhau chặt cây phát cỏ, đánh gốc bốc trà. Chỗ nào khô khan thì bắc nước vào; chỗ lụt lội quá, sẻ rãnh cho tiêu bớt nước đi. Công cuộc khai hoang cực kỳ nhiêu khê vất vả.
Chẳng kể chi những bệnh tật, những hùm beo rắn rết, chính ngay cỏ cây cũng chưa dễ đã một lần thắng đoạt xong. Hôm nay phát được khoảng đất này, đốt rõ kỹ, dọn rõ sạch, mấy ngày sau nom lại, cỏ xanh đã mọng bằng đầu!
Thế mà lâu dần sự chinh phục cũng phải thành công, thì đủ rõ trong cảnh mầu mỡ tốt đẹp kia, mỗi hòn đất, mỗi luống cày đã thấm biết bao giọt mồ hôi nước mắt.
Cang-Ngrào nhìn những ruộng nương bát ngát lấy làm thỏa lòng.
Cuộc chinh phục thiên nhiên, người xưa đã bắt đầu, thì ngày này chàng đang tiếp tục. Chàng rất tin cậy ở sức mình. Đã đành rằng hiện giờ không cần đến những trận công khai nữa, nhưng lúc nào cũng phải sẵn sàng để ứng phó với những cái mưu hại ngấm ngầm. Cỏ cây, có lẽ tự biết là con cưng của thợ Tạo, dù sao cũng chẳng cam lòng khuất phục hẳn người. Nó vẫn rình những lúc người trễ nhác, ngầm lẻn vào giữa hoa mầu, lấn hiếp giống ngô lúa, phủ kín hẳn vườn tược, len lỏi cả vào trong nhà…
Cang-Ngrào - cũng chẳng như hết thảy mọi người đồng chủng - vẫn lấy sự cần cù nhẫn nại ấy làm phận sự, lấy sự tự do làm lẽ sống. Những dân tiếp cận ít khi thấy khoe khoang rằng đã chiếm được lòng yêu của một cậu trai hay một cô gái động Đèo Hoa. Mà chính vì lẽ ấy, cuộc nhân duyên với Peng-Lang khiến cho Cang-Ngrào bội phần sung sướng. Trai gái một động lấy nhau cỗi rễ hai bên càng thêm khăng khít trong cái nguồn sâu của dòng giống.
Cang-Ngrào vẫn nhớ rằng cuộc nhân duyên của anh ta và Peng-Lang đã bắt đầu chính cũng ở trên nương lúa hiện giờ anh đang gặt.
Câu chuyện gặp gỡ ấy cách đây đã bốn năm tròn.
Nguyên một hôm, cảnh nương này vừa phát xong, Cang-Ngrào đang cặm cụi đánh nốt mấy gốc lau già, anh bỗng nghe tiếng động, ngẩng đầu trông thì, trên đỉnh gò, Peng-Lang đứng lặng nhìn anh, in cái bóng dáng thướt tha lên nền mây trong biếc. Năm ấy, Peng - Lang mới mười sáu tuổi, đẹp lắm. Áo xiêm theo chiều gió phất phơ. Đôi nụ hoa rung động dưới chiếc yếm thêu lộng lẫy. Lần ấy là lần thứ nhất, Peng-Lang búi tóc quàng khăn ,vuông khăn vải gai trắng nõn viền mấy đường hoa lối triên dịu dàng: Peng-Lang đã đến tuổi cặp kề. Cô nhoẻn miệng cười:
- Cang-Ngrào! Anh làm gì đấy?
Cang-Ngrào trả lời ấp úng.
Peng-Lang lại gần. Chiếc khăn bịt tóc bỗng bị gió thổi bay xuống đất. Cang-Ngrào cúi nhặt đưa trả Peng-Lang, dưới lần vải mỏng, mười ngón tay gặp nhau, hai linh hồn cùng rung động…
Cang-Ngrào nhìn Peng-Lang, sắc mặc hồng hồng diễm lệ, cả tâm tình lưu lộ trong tia mắt long lanh…
Cang-Ngrào muốn nhân dịp ấy ngỏ lời cầu thân, nhưng chỉ ấp úng được một câu: - "Peng-Lang à!"
Peng-Lang nhìn Cang-Ngrào và rút cái trâm ngà đưa cho, đoạn thủng thỉnh xuống đồi…
Bốn năm trời! Thời gian chỉ thay đổi cái dung nhan ấy. Peng-Lang vẫn thướt tha yểu điệu, xxieem áo vẫn phất phơ theo chiều gió thổi. Đôi nụ hoa vẫn thổn thức dưới làn yếm mỏng và chiếc khăn thêu vẫn làm rạng rỡ gương mặt trắng hồng…
giavui
05-04-2015, 08:29 PM
Chương 3
Hai vợ chồng ông trương giàu có vào bậc nhất hàng động. Được thế, ai cũng biết là nhờ ở bà trương, một người nội trợ đảm đang cơ chỉ.
Hiện giờ, chán ruộng cấy, hai ông bà có ngót trăm mẩu, trâu cày năm chục con. Ấy là chưa kể những nương sắn, nương ngô rải rác chỗ một vài mẩu, nơi năm bảy sào.
Mà càng giàu, ba trương càng tham công tiếc việc. Bà biết rằng ruộng nương là những của cải chắc chắn hơn là tiền bạc bỏ hòm, nên vẫn cố sức làm cho mỗi ngày một nhiều một tốt thêm.
Từ sáng sớm bà đã cuốc xới, vun gốc , nhổ cỏ chất đống phơi khô để rồi đốt lấy tro. Cái vui thích nhất của bà là ngắm nghía những thửa ruộng, những cánh nương xanh tốt, không lẫn một sợi cỏ xấu nào.
Trừ những ngày có công việc hệ trọng, thỉnh thoảng nếu ông trương muốn xơi thịt một con gà, con vịt thì lần nào cũng bị bà gạt phắt đi:
- Ông tưởng vợ chồng mình giàu lắm à? Nhờ trời tuy đủ bát ăn thật, nhưng đã lấy gì làm thừa thãi mà ông vội vung tay quá trán.
Ông bà hiếm hoi chỉ được một mình Peng-Lang là gái. Nếu mai sau gả chồng, cơ nghiệp tất sẽ về tay con rể. Vì vậy, bà trương chỉ ước ao cho Peng-Lang một người lắm của, không cần phải tiêu lạm sang cái gia tài này. Bà rất không bằng lòng Cang-Ngrào. Từ sau bữa ăn hỏi, bà lại càng mong có dịp nào phá cuộc nhân duyên tai hại ấy.
Anh chàng kiết xác mùng tơi có ngấp nghé Peng-Lang, hẳn chỉ vì tiền. Nhưng hắn có quyền gì được dòm nom thế? Nhà hắn, từ cha đến con đều nghèo khổ. Vậy cớ sao hắn không an phận? Đống tiền mồ hôi nước mắt của bà khi nào lọt vào tay những thứ ấy mà hòng!
Peng-Lang ở ngoài vào, định múc cháo ngô cho đàn vịt con ăn.
- Dị (mẹ) ngồi làm gì đấy?
- Dị toan ra chợ mua cho con mấy vuông nhiễu để che mặt hôm nhà trai đến đón dâu. Nhưng sau nghĩ kỹ lại thôi...
- Sao lại thôi?
- Vì dị không muốn gả con cho Cang-Ngrào nữa.
- Ai làm thế?...
- Ta làm thế. Peng-Lang à, thử nghĩ...
- Con nghĩ rồi. Con xin đoan rằng...
- Đừng đoan ước gì cả!... Hãy cho vịt ăn đi rồi vào đây dị bảo.
Peng-Lang lo ngại, nhưng cũng lại bếp múc cháo ngô quãi cho đàn vịt đang ríu rít chờ ăn dưới gầm sàn. Mấy nái lợn lang ụt ịt lại tranh. Peng-Lang phải vớ cái sào nửa xua đuổi luôn tay, đàn vịt mới được no. Chặt diều, chúng kéo nhau xuống ngòi bơi lội đến chập tối mới về.
- Dị bảo gì con?
- Gùng nỉ ọ! Dị quyết không gả con cho cái thằng đồ khốn Cang-Ngrào!...
- Cang-Ngrào không phải thằng đồ khốn đâu nè!
Lịch sự và giàu có nhất động, con phải chọn người chồng tươm hơn nó mới coi được.
- Cang-Ngrào tươm lắm!... Cang-Ngrào rất yêu con!...
- Yêu của thì có!
- Phấy! Dị nói sai! Dị không biết Cang-Ngrào!
- Có, dị biết Cang-Ngrào là một thằng ăn cắp!
- Không đâu! Dị coóng lảo!
Hai mẹ con lúc ấy hệt như hai kẻ thù. Một đằng quả quyết bênh vực ái tình của mình. Một đằng tàn khốc cho thỏa lòng ngờ ghét. Bà trương đứng phắt dậy, quắc mắt nhìn Peng-Lang:
- Ừ, tao không cần phải nói nhiều. Tao là mẹ, là chủ cái nhà này. Sau khi tao chết, Peng-Lang muốn làm gì tùy ý. Nhưng tao còn, tao muốn Peng-Lang phải vâng lời. Đồ gái hư! Tao vất vả nuôi con, giờ con khôn lớn, con cãi vã đấy chăng?... Gùng nỉ à! Gia mấn thẩy nè!...
Peng-Lang ôm mặt khóc.
Ông trương đi thăm «lần» nước vừa về, thấy vậy hỏi:
- Cái gì thế, Peng-Lang?...
Bà trương rít lên:
- Cái gì à?... Tôi bảo nó... tôi nghĩ kỹ rồi... không bằng lòng gả nó cho Cang-Ngrào... nó cãi nhau với tôi... xấu lắm! Mun sả!...
- Phá (cha) xem! Dị bảo Cang-Ngrào là đồ ăn cắp, con bảo nội Đèo Hoa chẳng ai bằng Cang-Ngrào...
- Ừ, Cang-Ngrào nết na, thật thà lắm! Nhưng thôi, Peng-Lang hãy xuống bảo nó cho trâu về, cho lợn ăn và đuổi gà vịt vào chuồng đi nè. Để phá nói chuyện với dị.
Cổ họng như thắt lại, Peng-Lang gạt nước mắt xuống thang.
Lúc công việc xong, Peng-Lang rửa chân lên nhà, thì cơn phong ba chừng đã tạnh. Tuy vậy bữa cơm chiều hôm ấy lặng lẽ khác thường...
Trời tối lâu rồi: ông trương, bà trương đã đi nằm. Bên cạnh bếp, Peng-Lang âm thầm ngồi xe sợi. Cô buồn lắm! Việc nhân duyên của cô ai ngờ bị ngăn trở. Mà cái trở lực lại chính là dị cô! Peng-Lang thở dài bỏ guồng ra ngồi bên cửa sổ. Trước mặt cô là cái lặng lẽ của đêm trường. Trên nền trời ràng rạng ánh trăng suông, mây đen ngổn ngang từng đám như những con quái vật nằm yên. Dựng lên đằng chân trời, rừng cây biến thành những khối lù lù bí mật. Không khí ráo hoảnh, hơi có tiếng động cũng rung lên như pha lê.
Trên mặt đồng phẳng lặng, mấy khóm cây đứng cù rù...
Peng-Lang lắng nghe những tiếng mà phàm người không sinh trưởng ở đây không sao thấy được. Cái tịch mịch vô cùng ấy, đối với cô, ngầm chứa không biết bao nhiêu tiếng thì thầm kín nhiệm. Ban ngày, tiếng người, vật át đi cả, nhưng đêm đến cái đại huyền bí lại bắt đầu.
Peng-Lang mơ màng...
Thốt nhiên, cô chú ý: xa xa có tiếng chân người đi lại.
Con chó vàng nằm ngoài thích cũng đánh hơi, hậm hực.
Một cái bóng đen lại gần cổng. Peng-Lang cúi nhìn : Cang-Ngrào! Chắc Cang-Ngrào đi canh nương, nhân qua lối ấy, dừng lại nhìn suông cho đỡ nhớ...
Peng-Lang bồi hồi cảm động, muốn gọi, muốn nói mấy lời êm ái, nhưng chỗ cô ngồi chỉ cách buồng mẹ cô nằm có một bức phèn...
Cang-Ngrào đứng lặng một lúc lâu mới thủng thỉnh bước đi, đầu cúi gục, dáng buồn rầu...
Mặt trăng thoáng hiện qua kẽ mây thưa. Sương mù gói cảnh vật trong bức màn sô trắng.
Trong cõi đìu hiu, vụt nghe chim từ-qui ra rả:
- Quéc quéc!... Quéc quéc!...
Một tiếng bên đông, một tiếng bên tây, hai tiếng gọi của hai tấm lòng cô tịch vượt tìm nhau qua khoảng đêm tăm...
Đôi ta như chim từ qui,
Ngày thì họp mặt, tôi đi đàng nào?...
giavui
05-04-2015, 08:29 PM
Chương 4
PENG-LANG à, sắp sở áo rét đi thôi, mồ đôông rồi!
Thực ra mới cuối mùa thu. Nhưng, khí hậu đường rừng lạnh sớm; vả, nói gì thì ông khán Thi cũng trừ hào như thế. Nhân qua đây, ông ghé thăm ông trương. Thấy vắng chủ nhân, ông hút xong điếu thuốc lào, liền vớ vội cái nỏ ra ngay, nói còn phải đi rừng kiếm con gà, con rim gì về làm rau ăn.
- Peng-Lang ổ nhé! Gia ning báo chây!
Tiễn chân ông khán ra đầu thang, Peng-Lang nhìn trên cảnh vật, quả nhiên cái vẻ thắm tươi của những ngày mùa hạ đã tàn rồi.
Trời mây ủ rũ, cây cỏ phai màu. Những dải núi xa càng xa thăm thẳm, chìm ngập trong khoảng sương mù. Rừng cây lặng lẽ xác xơ. Mặt đồng không phơi gốc rạ, trống rỗng đìu hiu... Thỉnh thoảng, con quạ đen thẳng cánh bay xa, kêu mấy tiếng thì trong tâm hồn người ta cũng như trên cảnh vật, cái cảm giác về sự chết càng bâng khuâng, mau mác.
Mưa lạnh lẽo sắp tới rồi.
Ngày mưa gió sẽ tiếp theo ngày mưa gió, triền miên và ray rứt.
Cuộc đời rồi sẽ đầm đìa những nước, giá rét căm căm...
Trên nhà, dưới ruộng, ngoài ngõ, trong vườn, từ chỗ ăn nằm, đến nơi chuồng chan, hết thảy đều ướt át, nhớp nhúa, bẩn thỉu, lầy lội.
Nước làm cho chuột bọ kéo lên nhà.
Nước làm cho áo xống mốc meo, lúa má nảy mầm đâm mộng.
Nước làm cho củi đuốc ẩm ướt, rừng núi khó khăn, cuộc sống gieo neo cơ cực...
- Ừ, mùa đông sắp tới, nhưng này, Peng-Lang, không xuống thăm ổ gà, đứng làm gì đấy?
Peng-Lang vâng lời mẹ, xuống ổ gà lượm trứng, đoạn, cô thắt dao ra cổng, nói là vào gò kiếm mấy đoạn vỏ khoai. Kỳ thực, Peng-Lang đi tìm Càng-Ngrào.
Từ khi biết ý bà trương chẳng ưa mình, Cang-Ngrào không thường lui tới nhà Peng-Lang nữa, hết sức tránh sự phiền lòng cho bà «mẹ vợ».
Nhưng Peng-Lang... Peng-Lang vẫn tìm cách gặp Cang-Ngrào.
Những cuộc gặp gỡ ấy chẳng lâu la gì.
Những người, suốt đời sống với sự lặng lẽ của tạo vật, có cần chi nói nhiều. Chỉ một vài câu cũng đủ hiểu lòng nhau.
- Cang-Ngrào nhỉ, sắp trở rét rồi!
- Không đâu, Peng-Lang à... rét thế nào sớm vậy... sương mù rồi sắp tàn...
- Gia sẳng (1) Cang-Ngrào!...
- Gia-sẳng Peng-Lang!...
Thế là hai người chia tay, ai về nhà nấy, cũng thổn thức, cũng hớn hở như đã đứng cùng nhau hàng giờ, đã cùng thề non hẹn biển...
° °
°
Sau bữa cơm trưa, ông trương có việc phải sang Xuân-huy, bà trương ra xem gặt nốt cánh ruộng Cầu-giang.
- Peng-Lang ở nhà nhớ đem cái áo bông của dị vá lại mấy chỗ chuột cắn nhe.
- Chém chuối cho lợn ăn xong, con sẽ vá áo của dị.
Bà trương ra cổng.
Peng-Lang xuống nhà làm việc.
Lúc nàng rửa chân lên thang, bỗng có tiếng gọi:
- Trong nhà có ai không?
- Có, hỏi gì?
Ngay cổng vào, Peng-Lang thấy một người trai trẻ lạ mặt, đầu đội mũ trắng, mình mặt bộ áo tay vàng, chân đi giầy ống, một tay dắt ngựa.
Peng-Lang ngần ngừ, sau đánh bạo đi ra. Cô bỡ ngỡ nhìn thì thấy người lạ sắc mặt tuy hơi trắng xanh mà có vẻ tươi cười ý nhị, cặp mắt to, đen lay láy và sáng như đèn.
Người lạ ngả mũ chào. Cách cử chỉ lễ phép ấy cảm Peng-Lang vô cùng.
- Tôi muốn hỏi ông trương.
- Ông trương đi vắng rồi.
- Cô có biết lúc nào ông về không?
- Không... tối.
Người tuổi trẻ tiến sát đến trước mặt Peng-Lang, nhìn chằm chặp. Cô phát ngượng, quay ra chỗ khác, hai má đỏ hồng. Peng-Lang chưa thấy người con trai nào có cặp mắt nhìn êm ái như thế.
- Thưa cô, cái gò Sắn ở cánh rừng kia là của ông trương nhà ta phải không?
- Phải đấy.
- Cả cái đầm lớn dưới chân gò?
- Cả cái đầm.
- Ông nhà ta có định bán hoặc cho thuê cái gò và cái đầm ấy chăng?
- Tôi không biết. Ông muốn mua à?
- Tôi muốn dựng trên gò ấy một cái nhà để mùa đông này thỉnh thoảng có vào đây săn đêm lấy chỗ nghỉ chân.
- Ông thích săn bắn à?
Chàng lạ mặt cười:
- Thích lắm!
- Mai ông lại mà hỏi phá tôi xem.
- Vâng, mai tôi đến. Nhưng phần có, cô cũng nói giúp tôi nhé.
- Nói giúp ông? Tôi biết thế nào mà nói giúp được. Tôi quen biết ông bao giờ!...
Peng-Lang lúc ấy đã hết rụt rè, nhìn thẳng vào mặt người lạ.
- Cô không quen tôi nhưng tôi quen cô lắm!...
- Mai ông cứ chịu khó đến nói chuyện với phá tôi lần nữa.
- Chịu khó? Cô làm như tôi ở tỉnh vào đây vất vả lắm?
- Đường xa mà khó đi thật đấy chứ.
- Đường xa đã có ngựa. Vả, cô không biết đó thôi, tôi mến cảnh Đèo Hoa, vì Đèo Hoa có một vài vật quí giá vô cùng...
Peng-Lang ngạc nhiên hỏi :
- Vật quí giá ấy là?
- ... là cặp mắt đẹp nhất đời của Peng-Lang!
Cô thẹn đỏ mặt. Chàng trẻ tuổi mủm mỉm cười, nhảy lên lưng ngựa đi thẳng.
Peng-Lang nhìn theo. Chưa bao giờ cô nghe ai nói với mình như thế. Người ta lại biết cả tên cô nữa!...
Peng-Lang cảm động, linh hồn nàng như thoáng qua một trận gió xuân. Cô nghĩ đến những câu nói của Cang-Ngrào so với lời người lạ, một đằng êm đềm khéo léo, một đằng thô kệch nặng nề biết chừng nào! Cô ngẫu nhiên so sánh như thế, chứ thực ra chẳng có ý gì! Ồ! Cang-Ngrào hãy yên lòng! Cang-Ngrào có thể yên lòng được!...
----------------
(1) Tôi yêu
giavui
05-04-2015, 08:30 PM
Chương 5
Những lời nói của chàng trẻ tuổi chốc chốc lại văng vẳng bên tai Peng-Lang.
Cô thú thật với lòng rằng những lời ấy đã cảm động cô một cách dịu dàng thấm thía, đã mở cho cô thấy một thế giới lạ, có những hương sắc tản kỳ...
Sáng hôm nay, tưởng rằng cái cảm giác say sưa lúc đầu đã qua, mình đã trở về với khung cảnh cũ, Peng-Lang cố làm mặt thản nhiên:
- Chà! Dù sao anh chàng ấy cũng chỉ là một «người lạ»!
Một người lạ! Nghĩa là một người tính tình khác, ý nghĩ khác, thói quen khác, tiếng nói khác, tóm lại là một người cô không thể sao hiểu được.
Nghĩ vậy, Peng-Lang nhất định quên chàng trẻ tuổi, chẳng thèm nhớ rằng hôm nay chàng lại đến. Phải, khi nào vì một người lạ mà Peng-Lang thay đổi cả thói thường!...
Peng-Lang ngồi cạnh cửa sổ để quay guồng. Mười ngón tay mềm mại như tranh vẻ trắng với sợi bông.
- Ông trương có nhà không?
À, người lạ đã đến. Nhưng Peng-Lang vẫn ngồi yên không động.
Ông trương đáp:
- Có... mời ông khách lên chơi!
- May quá, chẳng hay cô em đã thưa chuyện cùng ông về việc tôi đến hôm qua?
- Có, Peng-Lang cũng có nói qua với tôi...
- Thế ý ông?...
- Ông hay ngồi chơi đã... Peng-Lang ọ, ao num mà nè!
Peng-Lang dừng tay guồng đứng dậy, xách bẳng nước đổ vào ấm đất để lên kiềng đun. Ông trương lẳng lặng lấy mũi dao cạo những tàn thuốc dính trong lòng điếu can, đoạn với cái hợp đồng mắt cua, nhúm ít thuốc nạp vào điếu, gắp hòn than đỏ để lên châm, ghé môi bầm bập hít mấy hơi dài... Cặp mắt lờ đờ nhìn làn khói toả, ông trương hình như đã quen người khách lạ...
- À, ông muốn tôi nhượng lại cái gò Sắn và cái đầm ở trong rừng kia cho ông?
- Phải, tôi mong rằng...
- Tôi cũng chưa nói hẳn là thuận hay không... để còn xem đã...
- Ông nhượng hẳn hay cho thuê cũng được...
- Chỗ ấy bắn tốt lắm... tôi cũng có khẩu súng một lòng... Ông ở ngoài tỉnh à?
- Tôi ở ngoài tỉnh, là chủ hiệu Đức lợi... Này, nhưng ông định thế nào?
- Không, nghĩ kỹ ra, tôi không muốn nhượng hoặc cho thuê chỗ đó... Nếu tôi nói giá tiền cùng ông... cũng là một cách từ chối mà thôi.
- Thì ông cứ nói xem.
- Nhượng đứt thì phải sáu chục...
- Vâng, sáu chục.
Ông trương giật mình. Sao? Không do dự, không so kè, ông khách lạ thuận mua ngay cái gò sỏi và cái đầm lầy nọ những sáu chục bạc à? Nếu ông ta chỉ trả độ mươi lăm đồng...
- Ông mua thực đấy chứ?
- Tôi xin trả tiền ngay mà lại...
- Nể lời ông quá... Để tôi làm văn tự đã.
- Không cần.
Ông trương trố mắt lên nhìn.
- Chỗ thực thà tin lời nhau là đủ mà!...
- Ồ, ông tử tế quá! Mời ông xơi nước.
- Mời ông... Tôi muốn phiền ông đưa tôi ra gò xem. Mỗi khi tôi chỉ nhìn qua vì không biết lối vào.
Ngoài cổng có người gọi : «Ông trương! Ông trương! Đi thôi nè!»
- Tôi không dám sợ khó, nhưng ông xem, tôi còn bận chút việc phải đi ngay bây giờ. Ông đi một mình vậy, cứ theo con đường bờ ruộng kia... đường quang lắm!
Ông trương nói đoạn, vớ chiếc khăn xanh quấn vội lên đầu. Hoài-Anh, chàng trẻ tuổi, cũng đứng dậy rồi hai người cùng xuống thang ra cổng. Đi được một quãng không biết chàng nghĩ thế nào lại lộn lại, trèo lên nhà, hỏi Peng-Lang rằng :
- Cô có thể đưa tôi vào xem gò được không?
- Phấy, ai đi thế!
- Cô trỏ hộ tôi con đường vào đấy vậy.
- Phá tôi nói, ông chưa nghe ra à?
Cô nói đoạn bước ra sàn phơi, giơ tay trỏ con đường nhỏ theo bờ suối chạy mất hút vào rừng. Peng-Lang trỏ thật xa, Hoài-Anh nhìn thật gần, nhìn cặp má hồng hồng dưới lượt tơ mịn, nhìn tia mắt nồng nàn như đốt lòng người...
- Ông cứ theo con đường kia thôi mà.
- Vâng, cảm ơn cô.
- Ông định làm nhà ở trên gò ấy thật sao?
- Thật!
- Rồi ông đem cả nhà vào ở đấy chứ?
- Cả nhà! Cô làm như tôi đã vợ con hàng đàn hàng lũ rồi ấy. Tôi chỉ có một mình. Còn cửa hiệu và đầy tớ thì vẫn để ở tỉnh.
- Tôi biết đâu!
Hoài-Anh bỗng đột ngột:
- Peng-Lang bao giờ lấy chồng nhỉ?
Peng-Lang đỏ mặt:
- Ông này!...
- Đẹp như Peng-Lang mà chưa chồng à?...
- Ông chê tôi?
- Đứa nào chê cô thì trời đánh! Tôi mến cô lắm. Ngày hôm qua, lúc ra về, cô có biết tôi nghĩ gì chăng?
- Không!
- Tôi nghĩ rằng cô nếu chưa lấy chồng thật là may quá. Con trai ở đây trông như ngợm cả, không xứng đáng lắm...
- Ông bảo con trai ở đây như ngợm cả à? Cang...
Hoài-Anh biết mình nói lỡ, vội lảng sang chuyện khác.
- Này ông! Ông bảo con trai Đèo Hoa như ngợm cả... Thế ngộ ai bảo con gái ngoài tỉnh là đồ mất nết cả thì ông nghĩ sao?
- Tôi nghĩ... cũng có lẽ!
Peng-Lang đã giận lại ngạc nhiên quá. Cái tình liên lạc đối với người cùng xứ sở ấy cô thực không hiểu.
- Sau này ông định lấy vợ tỉnh hay lấy vợ nơi khác?
- Lấy đâu được người vợ tốt thì thôi, dù có phải bỏ tỉnh đi xa như vào các làng chẳng hạn.
- Tôi thì không bao giờ bỏ động Đèo Hoa.
- Cái đó là ý riêng của cô, nhưng sự thực thì chưa chắc.
- Ông nói thế nào? Chưa chắc à? Người Mán chúng tôi chẳng khi nào ra khỏi rừng xanh... À, nhưng thôi, ông đã nhớ đường vào gò rồi chứ?...
giavui
05-04-2015, 08:30 PM
Chương 6
O i!... khô... Ông có đàn lộn nào tốt bằng đàn lộn dà tôi. Nó ăn rõ diều, hìng dư đó đâu xem con nào đợc làm thịt tước để cới Cang-Ngrào vậy!...
Ngồi lên những bó củi, những trũa gỗ đặt quanh cái bàn rất thấp, mọi người đang uống rượu mừng cơm mới ở nhà cụ tổng Khoan.
Mặt bàn phủ lá chuối đầy ộn những thịt lợn thái to bằng cái lượt thưa, những đống muối ớt, những bát canh bí, những nắm cơm nương và những quả bàu đầy rượu.
Ông trương, ngồi cạnh cụ tổng, lúc đó đã say, mặt tía hắt, mắt lờ đờ. Nghe cụ tổng nhắc đến việc cưới Cang-Ngrào, trên nét mặt ông bỗng thoáng có vẻ buồn bực. Ông giận bà trương cố tình gàn quải cuộc nhân duyên đã gần mỹ mãn ấy.
- Ừ, con lộn đầu đàn bỏ sỏ, bỏ loòng còn đợc đèn ngót tạ... Kể nó cũng thục thú lắm, ăn cổ mìng, nó món giả nộ mìng lá vẻ!...
Ông trương thì khoe:
- Lúa nhà tôi, mùa này thực không đủ chỗ chứa... Gùng ni ọ, năm nào cũng thế thì...
- Còn tôi - ông khan Thi ngoạm cả một khúc dồi, ngồm ngoàm nói - không thấy năm nào săn bắn khó khăn bằng năm nay!... Hưu nai, gà vịt, hình như sợ mình trốn đâu mất cả!...
Mọi người, nghe ông khan nói thánh chợt nhớ đến câu chuyện hùm gấu đánh nhau, đều bật cười.
Peng-Lang cau mày nghĩ ngợi, nào chuyện dị cô ngăn trở việc nhân duyên của cô với Cang-Ngrào; chuyện anh chàng lạ mặt ngoài tỉnh đã gọi trai Đèo Hoa là một lũ ngợm, chuyện Cang-Ngrào bị hất hủi vì chẳng giàu có bằng ai...
Bấy nhiêu tâm sự ngổn ngang, khiến cho Peng-Lang không giữ nổi vẻ buồn rầu hiện trên nét mặt.
- Peng-Lang à!... Ngồi ăn với Peng-Lang, «gia» vui sướng lắm nè!... cứ nhìn nhau cũng đủ no.
Peng-Lang nhìn Cang-Ngrào một cách ái ngại :
- Gia cũng vui sướng lắm, Cang-Ngrào ọ!
Ông khan Thi nháy mắt bảo hai người:
- Eng chị vui lắm à! ...cóóng cổ con lộn đây nè!
Nói đoạn ông bê cả một cái chân giò đưa lên miệng gặm:
Peng-Lang đỏ mặt:
- Phẩy! Ông khan cóóng lảo bệ!
Cang-Ngrào nắm tay Peng-Lang cười:
- Gia sẵng mề!
Cô gục đầu vào vai anh, âu yếm:
- Gia sẵng Cang-Ngrào!...
Trên mặt bàn, thịt, lòng, xôi, rượu kế tiếp nhau hết nhanh như biến. Cái vui trong cuộc rượu đó là cái vui nặng nề thô kệch của một hạng người còn dã man.
Cụ tổng đứng dậy, khật khưỡng nói :
- Vôống rượu mừng côm mối mà khôông hát à?
Dứt lời, cụ cất cái giọng lệnh vỡ hát bài tả cảnh làm ruộng :
Giào chinh giề!...
Nào chá tàng tô man mô oa tê...
- Phấy! hát thế không vui đâu nè. Để yên nghe câu này nhé!
Tài săn bắn... nhưng ôông khán Thi ta
Suốt đời nghè... èo... kh ó... ó...
Của troong dà chỉ co... ó... ó... nái lộn lang
Mắt thì híp... bụng thì oỏng, lại gầy làng dàng.
Mà tíng cũng ong ong như... bà khán...!
Mọi người cười sặc sụa!
Bà khán Thi nhăn mặt lườm chồng:
- Coóng lảo nè!.. để cho Cang-Ngrào hát!
- Vảy, bà khán khôông thích nghe ông khán hát à?...
- Cang-Ngrào áy dủng páy!
Cang-Ngrào vốn nổi tiếng về cái giọng hát não nùng làm cho người nghe dễ cảm. Anh hát một cách tự nhiên, không lấy giọng điệu gì cả, hình như cần phải giải tỏ những tình tự chứa chất trong tâm hồn.
Cang-Ngrào ưa nhất bài hát kể tâm sự một chú quyền bị tình nhân phụ bạc:
Xưa có anh Tô-Chố,
Mãn việc quan ngày nọ về làng.
Mừng làm sao!... lại gặp Gầng-Phầng,
Anh chẳng biết... Gầng-Phầng đà phụ nghĩa.
Gầng-Phầng ném bỏ hết thề xưa,
Đau và giận, Tô-Chố ngẩn ngơ buồn bã...
Lên rừng xanh, hoa xưa rơi lả tả,
Xuống bờ khe, nước cũ đã khan dòng...
Gầng-Phầng ơi!... nỡ phụ lòng!...
- À nỏ, Cang-Ngrào áy dũng mấn thảy nè! Cang-Ngrào hát buồn lắm nhỉ!
Mọi người cùng khen một câu gọn gàng thành thực đủ diễn được cái cảm giác chung.
Peng-Lang cười đau, gạt thầm nước mắt. Cô tự nghĩ «cái anh chàng mắt xanh ở ngoài tỉnh, nếu được nghe Càng-Ngrào hát hay thế chắc chẳng còn dám bảo là ngợm nữa!» Cô đồ ghét anh và càng yêu mến Cang-Ngrào vô hạn.
Trời xế chiều.
Mọi người còn ngồi chuyện vãn. Peng-Lang cáo từ về trước, lấy cớ còn phải đỡ mẹ, xem việc vặt ở nhà. Cang-Ngrào biết ý, đứng dậy theo ra...
- Cang-Ngrào à! sao hay hát những câu đứt ruột thế?
- Gia quen nết đi rồi!
Hai người đi rất thong thả, vì thời khắc đó là cái thời khắc thần tiên.
Khi ra đến bờ suối, Peng-Lang ngồi lên một tảng đá lớn, nói rằng:
- Ta ngồi đây nói chuyện đã chứ?
- Ừ!
- Giờ Cang-Ngrào lại hát đi, hát cho gia nghe một mình!
- Cang-Ngrào bằng lòng lắm, Peng-Lang à!
Rồi Cang-Ngrào sẽ cất tiếng hát, như thổn thức giữa cảnh yên tịnh nên thơ...
° ° °
Mừng làm sao!... lại gặp Gầng-Phầng,
Anh chẳng biết... Gầng-Phầng đà phụ nghĩa.
° ° °
Đằng xa, mõ trâu rung lốc cốc, điểm theo tiếng hát bằng cái dịp cổ lổ buồn tênh...
Lên rừng xanh, hoa xưa rơi lả tả,
Xuống bờ khe, nước cũ đã khan dòng...
Gầng-Phầng ơi!... nỡ phụ lòng!...
Cang-Ngrào hát xong, cúi nhìn Peng-Lang. Hai tay ôm mặt, Peng-Lang thổn thức khóc thầm:
- Peng-Lang đừng làm thế!
- Cang-Ngrào à!... Mai sau dù có xảy ra sự gì đi nữa thì Peng-Lang cũng chỉ yêu mến, chỉ một lòng với Cang-Ngrào mà thôi!...
giavui
05-04-2015, 08:31 PM
Chương 7
Quần sắn móng lợn, bùn lấm bê bết, vai đeo khẩu súng một lòng, ông trương lại gần thang, nghiêng báng nước rửa vội chân tay, đoạn tất tả lên nhà.
Bà trương đang dọn cơm.
- Trời sao mưa mãi, phá nhỉ?
Nhưng lúc đó nào phải lúc nói chuyện thời tiết! Ông trương còn có điều gì quan hệ hơn :
- Ta vừa ở gò Sấn về...
- Vẩy nỏ!
- Gùng nỉ lồi!... quá lắm!
Phàm đã than đến câu đó, tất ông trương bị sự gì cảm kích rất mạnh.
- Cái gì thế?
- Anh chủ hiệu Đức-Lợi sang quá, nhưng chẳng biết cóc gì cả! Dựng một cái túp để lấy chỗ thỉnh thoảng vào săn ban đêm, dị có biết anh ta làm thế nào không?
- Không!
- Anh ta xây hẳn một tòa nhà... một tòa «lâu đài» như người tỉnh thường nói. Cái ấy mà gọi là cái túp! Phấy! Nó chính là một cái nhà ở sang trọng!
- Thật à? Có lẽ người ta làm nhà ở thật đấy.
- Ngoài tỉnh thiếu gì chỗ ở tốt lại phải vào tận đây?
- Người giàu họ hay thế! Ngoài cửa hiệu ở tỉnh, người ta muốn có một chỗ nghỉ ngơi vắng vẽ biết đâu.
- Hay là thế chăng, chứ bảo đây là cái túp tạm thì ai mà nghe được! Cái nhà xinh thật: tường đắp bằng đất quét vôi vàng, mái lợp tranh dày, cửa lớn của sổ y như cái nhà tây vậy...
- Ồ, nỏ!...
Xong bữa cơm, bà trương tò mò quá, vội vàng thắt dao đi xem. Bà rũ cả Peng-Lang cùng đi, nhưng nàng từ chối.
- Gia không đi đâu, xem lúc nào cũng được.
Thực ra thì Peng-Lang nhút nhát. Cô e lại giáp mặt chàng tuổi trẻ chăng. Nếu để cho người ta ngờ được rằng mình thóc mách thì xấu hổ biết chừng nào!
Vả lại, lúc ấy trời đương mưa gió. Ông trương ở ngoài về mặt còn tím ngắt, ngón chân ngón tay còn cóng đờ...
° ° °
Vừa lên đỉnh gò, bà trương cũng kêu:
- Gùng ni lồi!... quá lắm nò!
Bà gặp Hoài-Anh đang đốc xuất đày tớ khuân các vật dụng lên nhà. Chưa bao giờ bà trương thấy lắm cái đẹp và quý giá như thế. Vì vậy, khi về đến chân thang, bà đã nhiệt liệt tán dương sự giàu có của Hoài-Anh.
Nếu Peng-Lang được xem... Ô lô... Ối!... không nói hết được!...
Rồi, bà làm ra vẻ chểnh mảng, bảo Peng-Lang rằng :
- Dị có gặp cậu ta ở đấy. Người trẻ tuổi mà tử tế quá thật! Mình nếu giúp đỡ được cậu ta việc gì, tưởng chẳng nên tiếc công.
- Cái đó đã hẵn!
- Cậu ta muốn tìm người quét dọn nhà mới. Ta đã hứa cho con sang giúp...
- Dị ạ!...
- Đây cậu ta gửi dị chiếc thìa khoá này.
- À, thế thì được!
Đã giao thìa khóa cho bà trương, Hoài-Anh tất không có đấy nữa. Peng-Lang có thể đến xem cái nhà kỳ dị kia được. Và, giờ thì Peng-Lang không tức giận chàng tuổi trẻ mắt xanh ấy nữa. Hôm qua, Hoài-Anh chàng đã khen ngợi Cang-Ngrào, đã làm quà cho cô một cái cháp trầu sơn đỏ. Đáp lại sự tử tế ấy, cô có giúp đỡ người ta một chút cũng là phải.
Sáng hôm sau, Peng-Lang lên đến nhà mới cũng giật mình kêu :
- Gùng ni à!...
Tuy đã nghe cha mẹ nói nhiều về cái nhà đẹp nọ, Peng-Lang vẫn lấy làm ngạc nhiên quá đỗi. Cô không thể tưởng tượng ra một sự lạ thế. Ngay lúc nhận chiếc thìa khóa tây bóng nhoáng nọ, Peng-Lang đã có một cảm giác không thể nói. Ở trong động, cửa ngõ chỉ cài then tre.
Tay run run, cô mở cửa bước vào trong nhà. Ừ, phải có người xếp dọn thật, vì những rơm khô, những giấy lộn bừa bãi. Ở gian giữa, quay lưng vào vách, Peng-Lang thấy một cái gì như cái hòm gian kiểu rất lạ, cửa lòng kính, nhìn qua bên trong có vô số những cái chén bằng thủy tinh, những bao chè tầu, những chai nước xanh xanh, đỏ đỏ. Phía trước cái hòm kỳ hoặc ấy, kê một bộ bàn ghế vuông và thấp lè tè. Trên mặt bàn để một khay tròn đựng ba cái chén lớn nhỏ khác nhau với một cái đĩa, Peng-Lang đồ là bằng vàng. Trong mỗi cái ghế lót một chiếc nệm đỏ thêu hoa. Hai gian cạnh đấy, một bên kê giường tây, màn nệm trắng tinh, và một cái giá chậu: một bên để chiếc ghế mây dài; giữa lòng gian và một cái tủ kính sát lưng vào đầu hồi, trong chứa đầy những cái gì như những quyển sách của Sa-thúng (thầy cúng) nhưng dày hơn và có bìa xanh đỏ in những cái dấu ngoằn ngoèo.
Ngoài ra, mỗi chỗ để một ít các đồ lặt vặt, những hộp bột ngũ sắc, những chai «dầu lạc», một cái yên ba chân và mấy bức vải, trên vẽ những người con gái áo xống nom hệt như lối ăn mặc của chị em trong động.
Peng-Lang lấy làm bỡ ngỡ quá. Mọi vật trong nhà đó, Peng-Lang đều coi như một cái bí mật hay hay... Lần ấy là lần thứ nhất Peng-Lang thấy một cách sinh hoạt khác hẳn với đời mình. Cô không bao giờ tưởng tượng rằng người ta lại có thể có được những thứ tốt đẹp như thế để mà dùng. Mới ngày hôm qua đây, phàm cái gì ngoài thế giới Đèo Hoa, Peng-Lang đều không cần biết, mà cũng chẳng bao giờ ngờ đến. Nhưng nay, thốt nhiên, hàng trăm cái ý nghĩ mới lạ bỗng đua nhau kéo vào trí não cô...
Peng-Lang mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Trên mặt đầm, mưa bay mù mịt. Cây cối ủ rũ, chốc chốc rùng mình trước làn gió lạnh thì lại tuôn những giọt nước nhỏ rào rào. Cuộc đời bên ngoài sao mà nhọc nhằn, cực khổ, thảm đạm, ủ ê! Chẳng bù với trong nhà này, mọi vật đều như một bài hát nho nhỏ ca ngợi sự an nhàn sướng thích.
Peng-Lang nghĩ lẩn thẩn:
- Tại sao ở đây, bọn ta sống vất vả, thế mà, nơi khác, họ lại sung sướng dường kia?
Câu hỏi ấy, Peng-Lang không đáp. Nó chỉ lướt qua trí nghĩ cô. Tuy nhiên, ta có thể đoán trước rằng rồi nó sẽ ăn sâu in chặt vào não chất người thiếu nữ sơn lâm kia, cũng như cỏ xấu lan đầy ruộng lúa... Peng-Lang lại chợt nghĩ đến Cang-Ngrào, rồi, qua cảnh gió mưa nọ, cô cố tưởng tượng ra một ngày hè nắng ấm. Lúc ấy, lúa đồng vàng rực, Peng-Lang còn cần gì phải thèm muốn cái số phận của ai ở những chỗ xa xôi...
Peng-Lang nhặt nhanh những rơm giấy, quét tước cho sạch sẽ, đang làm thì cửa vào sịch mở:
- Ồ hay quá!... Cô lại làm ơn thu vén cho thì còn gì bằng!
- A lối! Ông... sao ông vào được đây?
- Tôi mở cửa vào chứ sao nữa!
- Nhưng, thìa khóa đây kia mà?
- Đấy một, đây một chứ sao!
- Ồ...
Hoài-Anh bật cười vì cái vẻ mặt ngớ ngẩn của Peng-Lang.
- Xong việc rồi, tôi về đây.
- Thì cô hãy thong thả đã nào. Tôi còn muốn nhờ cô một việc này.
Hắn vừa nói vừa kéo ghế mời Peng-Lang ngồi, đoạn mở buffet lấy chai rượu quít rót ra hai cốc nhỏ bưng để lên bàn.
- Cô uống chơi với tôi cốc rượu.
Peng-Lang nghĩ ngại :
- Mời ông!... tôi không quen.
- Cô thử nếm xem, tốt lắm!
Bị nài ép mãi, Peng-Lang nhắp thì thấy mùi thơm vị ngọt khác hẳn thứ rượu ngô vẫn dùng trong động.
- Tốt thật nhỉ!
- Vâng, tôi bảo tốt lắm mà lại... Những khi cô lại đây xem nom giúp, xin mời cô cứ tùy tiện lấy mà dùng.
- Tôi không lại luôn đâu.
- Sao? Tôi định giao cho cô trông coi cái nhà này, cô từ chối à?
- Tôi chỉ giúp ông đến lúc thuê được người thôi.
- Thì hãy cho đến ngày ấy.
- Thôi, tôi đi về đây, ông nhé?
- Sao Peng-Lang vội thế! Bao giờ cô lại lại?
- Năm hôm một lần tôi quét dọn hộ ông. Mà lần sau lại đây, tôi sẽ dắt Cang-Ngrào theo một thể cho Cang-Ngrào xem...
- Ô hay! Cang-Ngrào lại đây làm gì?
- Ông không muốn để Cang-Ngrào đến đây à? Từ hôm tôi đưa Cang-Ngrào làm quen với ông, thấy nói ông hay săn bắn, Cang-Ngrào thích lắm mà!
- Tôi không ưa tiếp người lạ!
- Tôi cũng lạ chứ?
- Cô khác.
- Vậy thôi, chào ông.
- Peng-Lang!...
- Cái gì?
- Tôi xin cảm ơn Peng-Lang đã đến đây.
- Ông cảm ơn dị tôi thì phải, vì dị tôi sai tôi lại hộ ông đấy.
Nói đoạn, cô mở cửa xuống đồi.
Hoài-Anh nhìn theo hồi lâu, thở dài quay vào nằm lăn trên ghế mây, đánh diêm châm thuốc hút...
Tuổi trẻ, tự do vì cha mẹ đã mất cả, nhà giàu, thích săn bắn, ưa mỹ thuật, Hoài-Anh sở dĩ lần mò vào tận đây chủ ý là tìm một chỗ phong cảnh đẹp, dựng một nóc nhà xinh xinh, rồi những khi nhàn rảnh vào đọc sách, vẽ tranh, nghỉ ngợi mơ mộng hoặc lần theo dấu vết của thú nội chim rừng... Chúng có ngờ đâu từ bữa gặp Peng-Lang, được ngắm một cái vẻ đẹp của rừng xanh, tấm lòng chàng bỗng thắc mắc tơ vương...
Hoài-Anh băn khoăn lắm. Không biết đối với người thiếu nữ sơn lâm kia, mình chỉ bỡn cợt hay đã mắc sâu vào cạm bẫy của Ái tình? Ngoài tỉnh thiếu gì gái đẹp, nhung xưa nay chàng có lưu ý đến ai bao giờ?...
Mà Peng-Lang chẳng qua chỉ là một cô Mán.
Cũng như cảnh vật nơi cô sinh trưởng, Peng-Lang tính tình cổ lỗ, mọi rợ quá, thực thà đến nỗi thành ngớ ngẩn. Cô có cái tâm hồn của cây sậy, chỉ một con chim sáu bay vụt qua cũng đủ làm cho rung động ngay lên. Cô lại có cái vui của một con khướu, tuy nhởn nhơ cười cợt nhưng hồ ai lại gần là bay vụt đi xa... Thế thì yêu Peng-Lang, Hoài-Anh sẽ chẳng bị coi như một anh chàng hiếu dị nực cười...
Khói thuốc từ từ bay bổng lên trần nhà... Tro tàn lả tả trong lòng dĩa. Càng cố nhìn rõ tâm sự mình, Hoài-Anh càng thấy mờ ảm cả tư tưởng...
giavui
05-04-2015, 08:31 PM
Chương 8
NÀO-TSÀ!
Ngày tết đầu năm. Cái ngày trăm công nghìn việc đều xếp xó cả. Người ta bày ra hội hè đình đám, chè rượu tưng bừng để chung vui cùng vạn vật. Cái ngày mà linh hồn trai gái thanh niên thổn thức rung động theo tiếng kèn điệu hát, như cùng hòa với khúc nhạc xuân tình đầm ấm trong thiên địa gian. Cái ngày mà sương mù khí lạnh tiêu tan đi như một giấc mộng thê lương...
Cái ngày long trọng ấy, từ sáng sớm, người ta đã kéo nhau đến bãi đất phẳng ngay trước nhà cụ tổng để dự cuộc tung «còn» năm mới.
Cảnh bãi «còn» mỗi lúc một ồn ào náo nhiệt vì không những dân động Đèo Hoa lấy làm một cái bổn phận thiêng liêng phải đến dự cuộc, ngay những người ở các vùng lân cận, cũng chẳng quản băng rừng vượt suối, tìm lại mua vui.
Các khu rừng chung quanh kế tiếp nhả ra những lớp sóng người cuồn cuộn, tràn lan... Trên nệm gấm thiên nhiên xanh dịu, áo xiêm, khăn yếm rỡ ràng san sát đủ các màu lạ vẻ kỳ.
Đàn ông con trai, người nào cũng to lớn khỏe mạnh. Đầu họ quấn những khăn vải chàm mới tinh, hoặc thêu những đường sóng ngũ sắc, hoặc dính những bông hoa tròn bằng bạc. Mình mặc áo xanh dài viền ngũ sắc, chân bó kha cắt hồng. Người nào cũng thắt dao, cài trong những vỏ gỗ bị trổ hoa, vai thì đeo kèn lau buộc bằng dây chỉ sặc sỡ.
Đàn bà con gái, đứng quây thành từng bọn, mặn mà tha thướt như những khóm hoa quí trong một cảnh vườn Thượng uyển. Trên những mái tóc mây bóng nhoáng, những chiếc khăn thêu quấn chểnh mảng mà hữu tình. Cũng có người để đầu trần, chỉ cài sơ mấy cành hoa rụng, nom lại càng mỹ miều khả ái vì đã phô hết được cái màu da đằm thắm, những cái trán sáng sủa, những cặp má hây hây, những nụ cười tươi, những cặp mắt lóng lanh dưới những nét liễu cong cong... Cổ và cổ tay người nào cũng nặng trĩu những vòng bạc, phản ánh triều dương, lập lòe rực rỡ. Tiếng kim sang sảng hòa với giọng nói dịu như hơi xuân, với tiếng cười dòn như pha lê, thành một thứ âm nhạc kỳ tuyệt...
Trên bãi cầu, người đến đã đông lắm. Mấy ông đàn anh lúc đó mới tự trong nhà cụ tổng kéo ra. Cụ tổng Khoan, người già tuổi và danh vọng nhất, cầm một nắm hương đi đầu. Theo sau là hai đứa đồng nam đồng nữ bưng mỗi đứa một cái khay gỗ trên để tám quả còn làm bằng mo cau cắt tròn như đồng bạc, giữa cắm mấy chiếc lông gà nhuộm phẩm ngũ sắc. Cụ tổng làm lễ khai cuộc, đọc những lời khấn Trời, khấn Đất, khấn Núi, Sông, Thần, Thánh. Tà ma có thể giáng phúc, chiêu họa cho người. Rồi, cất cái giọng nghiêm trang đĩnh đạt, cụ hát một bài ca về tôn giáo, một bài Tụng thần ca rất cổ, truyền lại từ mấy mươi thế kỷ này. Bao nhiêu kèn lau nhất thời hoạ theo... Đám đông im lặng đến nỗi con muổi rừng bay nghe tiếng.
Hát xong, cụ tổng điểm những người dự cuộc bắt sắp thành hai hàng, nam đông nữ tây, đoạn trao cho mọi bên tám quả cầu xanh đỏ.
Trai gái cứ mỗi bên một cặp, lần lượt tiến ra giữa bãi đua tài. Cuộc chơi phảng phất như ta chơi quần vợt, chỉ khác cái là họ giao cấu bằng bàn tay. Bên nữ giao trước. Bên nam phải đón cầu trả hắt lại, cứ như thế độ mười lần. Bên nào để cầu chạm đất là thua. Mà, hể thua, tất phải trụt khăn, tháo vòng nộp phạt, cho đến lúc tan cuộc mới lấy về.
Bên ngoài, khán giả hò reo khuyến khích, tiếng vang động như một cảnh chiến trường. Thấy ai đánh hay, họ gọi tận tên để khen ngợi. Ai bị hụt thì họ chê cười nhạo báng kỳ cho đỏ mặt tía tai. Những đấu thủ, vì vậy, phải hết sức trổ tài. Mà cả hai bên đều càng đánh càng dẻo, chạy nhảy càng lanh lẹn, cuộc chơi càng hăng hái vô cùng.
Cứ hết mọi ván thi, sau tiếng hoan hô nhiệt liệt của công chúng, bao nhiêu kèn lau lại cử một khúc mừng phe đắc thắng...
Trong đám đông ai cũng vui cười ấy, Cang-Ngrào thành ra một kẻ lẻ loi. Anh thẫn thơ khắp bãi cầu, chỗ nào các cô tụ hộp, anh cũng lần đến tìm tòi. Hơi thấy bóng người thiếu nữ nào ở xa đi tới, trái tim Cang-Ngrào cũng đập thình thình, hy vọng rằng bóng thướt tha kia tức là người mình đang mong đợi...
Ô hay? Sao Peng-Lang không đến?
Peng-Lang không đến thì Cang-Ngrào vui với ai?
Anh nhớ rằng cũng ngày này năm ngoái, khi hai người chưa hỏi nhau, Peng-Lang đã đến bãi «cồn» sớm nhất, để tặng anh cái nụ cười đầu tiên của mùa xuân mới.
Sau, Cang-Ngrào không thể gan được nữa, chạy lại hỏi ông trương:
- Con không thấy Peng-Lang đâu?
- Ừ nhỉ? Chẳng biết sao nó không đến, lại bận việc gì hẳn.
- Ngày hôm nay còn ai bận việc gì nữa!
- À thôi! Có dễ Hoài-Anh vào mừng tuổi, dị nó bắt ở nhà dọn rượu...
- Hoài-Anh à?
- Ừ... Cang-Ngrào đã thấy cái nhà của cậu ta ở gò Sắn chưa?
- Có, con có thấy một lần.
- Ồ nỏ, sang trọng quá đi mất!
Cang-Ngrào yên lặng.
Thốt nhiên, pháo nổ vang trời. Cuộc đánh cầu đã kết liễu. Trai gái đôi nào cặp ấy, kèn hát tự tình với nhau...
Em đừng hẹn,
Em đừng quá ngại ngùng,
Anh cũng như
Gà sống kia đi dạo khắp vùng,
Gặp gà mái trên mặt đồng, đang bới đất.
Gà sống lại ra chiều hấp tấp,
Bới chán rơm, nhặt thóc gọi vang lên!
Hễ có đôi, muôn việc đều nên,
Vật vô tri còn biết vậy, đáng khen chăng là?
Gặp nhau đây, ta lại với ta?
Ước gì
Như chim liền cánh, như hoa liền cành!
° °
°
Em cười như hoa xuan phô cánh thắm,
Em nhìn như sóng gợn mặt hồ thu!
Gặp em rồi, long ngớ ngẩn, ngẩn ngơ
Trên cành trông nhện vuong tơ mà buồn.
° °
°
Khúc ruột sầu như dao cắt làm đôi!
Chỉ vì anh mà em những đứng ngồi khôn ôn.
Lược biếng chải, cơm ăn chẳng thiếc,
Ngẩn ngơ nhìn bóng chiếc khóc thầm...
Núi rừng xa cách... bao giờ cho kết chặt dải đồng?
Muốn đi tìm thấy cụ Tơ hồng mà hỏi cho ra?
Cang-Ngrào nghe mọi người tình tứ, lòng càng đau xót. Cả tâm hồn như chìm đắm trong lớp mây mù. Anh thủng thằng trở về, ngẫm thấy rõ những sự thiệt hại do cái nhà lộng lẫy trên đỉnh gò kia đã ép anh phải chịu. Cang-Ngrào không thể đem lời nói diễn tả hết những điều mình nghĩ, nhưng anh cũng có cái cảm tưởng đau đớn rằng cái hạnh phúc đời anh đang gặp bước nguy nan. Ừ, đi lại mãi cái nhà ấy, Peng-Lang biết đâu rồi sẽ chẳng có những sự ham muốn không hay? Biết đâu rằng sau khi được nếm mùi xa xỉ, Peng-Lang sẽ chẳng đem lòng chán nản cuộc sinh hoạt thuần túy, đạm bạc chốn rừng xanh?
giavui
05-04-2015, 08:32 PM
Chương 9
Buổi sáng hôm ấy, Peng-Lang dậy sớm để ra bãi «còn». Cô trang điểm cực kỳ diễm lệ. Từ hôm nghe Cang-Ngrào bi ca, trên bờ suối, Peng-Lang càng thấy yêu anh một cách thiết tha. Cô định, hễ có dịp, sẽ làm cho Cang-Ngrào được vẻ vang, sung sướng vì sắc đẹp, vì lòng yêu của mình.
Bà trương hỏi:
- Peng-Lang đi đánh cầu đấy à?
- Phải, con đi đánh cầu. Cang-Ngrào chắc đã chờ con ngoài bãi. Nếu con chậm ra, e Cang-Ngrào chẳng yên lòng...
- Hấy! mai ngày kia, lúc nào gặp Cang-Ngrào không được! Chiều qua, cậu Hoài-Anh có đem cho một gói chè tàu, hai cân mứt, lại làm quà riêng cho Peng-Lang đôi khăn lụa thêu, vậy hôm nay...
- Con tưởng dị không bắt ép con phải bỏ cuộc vui năm mới.
- Bỏ thì không bỏ, nhưng ra chậm một tí cũng được. Hãy đem bó hoa này sang bên nhà gò, cắm vào cái lọ thủy tinh giữa bàn nè. Trưa, chiều, cậu Hoài-Anh vào, thấy ta đem hoa biếu lại, mới không chê mình là chỉ biết ăn của người.
- Con e Cang-Ngrào...
- Thì mày hãy để yên cái thằng ấy đấy. Tao không thèm nghe tên nó đâu!
Peng-Lang buồn rầu. Cô toan cố cãi nhưng biết nói cũng vô ích. Chi bằng cứ đem hoa sang nhà kia rồi tự đấy đi thẳng ra bãi «còn» là hơn cả.
° ° °
Peng-Lang thấy vắng người đã mừng thầm. Chẳng ngờ cô đang lúc lúi húi cắm hoa vào lọ thì Hoài-Anh mở cửa lù lù tiến đến, mùi nước hoa tây ngào ngạt...
- Trời ơi, cô lại đem cho hoa đấy ư?
- Dị tôi bảo tôi đem hoa sang đây cắm cho đẹp.
- Sao Peng-Lang cứ phải chối bai bải thế! Dù tự cô đem cho tôi thì đã làm sao?
- Tôi không biết nói dối! Vì, nếu không có dị tôi ép sáng đây, thì tôi đã ở ngoài bãi «còn».
- Thế thì còn may cho tôi quá!
- May thế nào?
- May là tôi trước nhất được ngắm cái vẻ đẹp của nàng Tiên.
Peng-Lang thẹn, cúi ngầm mặt xuống: Hoài-Anh khe khẽ nắm lấy hai tay cô...
Peng-Lang toan chạy thì... toàn thân cô bổng nhiên bị rung động vì một cái cảm giác mới lạ quá, say sưa như một thứ men nồng... Mùi nước hoa sực nức, tia mắt rất êm đềm, cách cử chỉ vuốt ve kín đáo và giọng nói dịu đang lễ phép của Hoài-Anh làm cho bao sức phản động của cô tiêu tan hết...
Hoài-Anh ép Peng-Lang ngồi xuống ghế, mở rượu thơm khẩn khoản mời.
Không khí quanh chỗ hai người mỗi lúc một ngọt ngào đầm ấm. Peng-Lang lúc đó đã không thể phân biết được những cảm giác của mình nữa. Hết thảy những cái êm ái, đẹp đẻ của cuộc đời không bao giờ biết có sự cực khổ, đều như nũng nịu ve vuốt, phỉnh phờ tâm hồn cô gái tân ngay dại.
Hoài-Anh ngồi xuống cạnh Peng-Lang, lẳng lặng nhìn cặp môi hé mở, lộ màu răng trắng như ngà, nhìn tia mắt xa xôi, nhìn đôi nụ hoa thổn thức sau mảnh yếm thêu...
- Peng-Lang nghĩ gì thế?
- Không.
- Peng-Lang có đẹp lòng không?
- Có.
- Em muốn sống mãi cái đời tốt tươi này chứ?
- Cái gì? Ông nói thế nào?
- Tôi nói Peng-Lang có muốn cái cảnh êm ái này cứ kéo dài mãi mãi, không bao giờ phải vất vả, không bao giờ phải dải nắng dầu mưa như trước nữa!
- Tôi không nghe ra.
- Tôi định...
- Ông định thế nào?
- Tôi định một việc... thong thả sẽ nói em nghe.
- Nói ngay bây giờ.
- Tôi yêu Peng-Lang lắm... yêu em lắm!
- Đừng nói thế, ông à!
- Tôi cứ nói thế... tôi cứ yêu Peng-Lang...
Hoài-Anh muốn kéo Peng-Lang vào lòng. Cô chống cự nhưng rồi cũng để Hoài-Anh hôn được. Peng-Lang rùng mình.
- Tôi hôn, em có thấy sung sướng không?
- Không!
- Em đừng sợ; em cứ nói thực.
- Thế nhưng...
Cặp môi Hoài-Anh bỗng gắn chặt lấy miệng Peng-Lang.
Vừa lúc ấy thì tiếng pháo nổ xa xa bổng đánh tan sự mê lạc của Peng-Lang. Cô đứng phắt dậy, trong khóe mắt thoáng ra một tia sáng lạ.
- Cái gì thế?
- Không... tôi về đây.
- Có lẽ nào!
- Thật đấy! Chào ông.
- Tôi van Peng-Lang...
- Không.
Hoài-Anh làm mặt lần khân, nắm chặt lấy cổ tay thiếu nữ.
- Ô hay, buông ra mà!
Nói đoạn, cô vùng chạy ra cửa.
- Peng-Lang! Peng-Lang!
Vô ích. Cô đã không nghe thấy gì nữa, cô đã xuống khỏi gò...
Peng-Lang đi rất nhanh, vẻ mặt sượng sùng... Thốt nhiên, cô thở dài, ứa nước mắt. Câu hát của Cang-Ngrào cuối thu năm ngoái tự nhiên thấy văng vẳng bên tai:
- Găng-Phằng ơi! Nỡ phụ lòng!
giavui
05-04-2015, 08:32 PM
Chương 10
Hôm sau, Cang-Ngrào vội sang nhà ông trương. Lúc ấy, chỉ có một mình bà trương ở trên nhà, đang làm cơm sáng. Bà đáp lời chào hỏi của Cang-Ngrào một cách nhạt nhẽo.
- Peng-Lang vẫn đi vắng à, bà trương?
- Peng-Lang cùng phá nó đang chống lại cái giàn mướp ở sau vườn.
Cang-Ngrào không nói thêm gì nữa, lập tức xuống thang.
- Chào ông trương, chào Peng-Lang.
Hai cha con cùng đáp:
- Ô kia, Cang-Ngrào.
- Giàn mướp đổ à?
- Phải, mấy cái cột đã ải quá, phải thay lượt mới.
Cang-Ngrào lại gần. Dây mướp tốt quá. Những lá xanh hoa vàng bị chìm ngập bê bết những bùn.
- Đổ xuống thế này, sao nó cũng chột.
- Thế mới phải chống lại ngay.
- Để con nâng cho.
- Ừ, anh giúp một tí, em đã cố đở phá mà không được.
Cang-Ngrào sắn tay áo, nhấc bổng cả cái giàn lên. Ông trương thay hàng cột mới vào.
Peng-Lang nhìn hai người làm. Thực ra, cô cố dò la vẻ mặt Cang-Ngrào. Nhưng anh vẫn thản nhiên lắm, không hề đá động đến chuyện Peng-Lang vắng mặt bữa qua. Có lẽ Cang-Ngrào vì lòng tốt, không muốn nhắc lại việc đã rồi. Cái lặng lẽ đó, trái lại khiến Peng-Lang rất bực mình.
Bà trương đứng trên nhà gọi :
- Lên ăn cơm thôi! Xong cả rồi...
- Đẩy giá. Rửa tay lên bây giờ đây. À Cang-Ngrào ở đây kin ngài né!
Để ông trương đi trước, Cang-Ngrào và Peng-Lang lùi lại sau.
- Đã hai hôm không gặp nhau, sao Peng-Lang chẳng nói gì thế?
- Cang-Ngrào không thèm nói với tôi thì có!
- Peng-Lang trách tôi! Hôm qua ai làm cho ai đợi cả ngày?
- Dị tôi bắt phải đem hoa sang cho Hoài-Anh.
- Bà trương bảo thế phải đấy! Sang với Hoài-Anh chẳng hơn ra với bãi «còn» ư?
- Cang-Ngrào!...
Hai người phải bỏ dở câu chuyện vì đã lên tới nhà.
Bữa cơm ngày tết nhưng «thanh đạm» lắm. Đó là cái nét tiết kiệm của bà trương.
- Bao giờ Cang-Ngrào phát nương?
- Năm nay «nom cu» (chim gáy) kêu sớm, mùa màng hễ muộn là mất ăn. Con định sang tháng hai đã bắt đầu làm.
- Tôi cũng tính thế.
- Con định có bao nhiêu ruộng cấy nếp máy cả. Thứ ấy vừa dễ làm vừa đôi hạt.
- Có quải dưa không?
- Có làm cũng ít thôi.
- Cang-Ngrào đủ trâu làm chứ?
- Con chỉ có hai trâu cá và một nái lại gần đẻ.
- Nếu có thiếu...
Bà trương vội nói chặn :
- Nhà này tiếng nhiều trâu cày, nhưng năm nay thêm ruộng, chỉ đủ dùng là tốt.
Cang-Ngrào vẫn điềm nhiên:
- Con thiếu độ hai con thì đã nhờ ông quản Xuân giúp cho rồi.
Trong lúc mọi người nói chuyện, Peng-Lang vẩn vơ nghĩ ngợi nên chẳng nghe gì cả. Cô nhớ tới việc hôm qua, nhớ tới Hoài-Anh, nhìn Cang-Ngrào...
Cơm xong, ông trương bảo Peng-Lang lấy bánh tro và mật ong để tráng miệng. Thứ bánh ấy chính tay Peng-Lang làm, khéo lắm. Tiếc thay, Cang-Ngrào chẳng để ý khen ngợi như Peng-Lang đã chắc thầm. Ừ, phỏng thử Cang-Ngrào là Hoài-Anh thì Peng-Lang đã được nghe vô số câu tán tụng êm tai.
Cang-Ngrào còn bận hỏi ông trương xem rằng giữa những luống ngô, bỏ dưa hay quải đậu đằng nào lợi hơn. Rồi hết chuyện ấy, anh lại xoay sang chuyện khác :
- Ông trương ạ, lẫn ruộng Món hơi thụt, có nên kéo phân nữa không nhỉ?...
Không bao giờ Peng-Lang thấy Cang-Ngrào tầm thường quá như hôm ấy! Ngô, đậu, lúa nếp, lúa tẻ, kéo phân, tháo nước! Suốt đời có lẽ Cang-Ngrào chỉ loanh quanh có từng ấy ý nghĩ. Peng-Lang một khi đã thấy những bàn ghế đẹp, những cốc chén quý, những rượu thơm ngon, những nước hoa ngào ngạt thì những cái chết giẫm kia, cô thấy chẳng đủ cung sự sướng thích cho đời người. Cuộc đời bình dị giờ cô coi là một cảnh nhem nhuốc bần cùng...
Thành ra, trong bốn người ngồi đấy, ai cũng có điều chẳng được như lòng; duy chỉ một mình bà trương là đắc ý. Thấy con gái đằm thắm Cang-Ngrào, bà tức giận bao nhiêu thì nhìn cái vẻ nguội lạnh của Peng-Lang lúc đó, bà thấy khoan khoái bấy nhiêu.
Cang-Ngrào nghe suốt bữa cơm, không thấy vợ chồng ông trương đá động gì đến việc cưới xin của mình, anh lấy làm sượng sùng đứng dậy ra về.
Peng-Lang theo anh xuống cổng. Lúc hai bên từ giã nhau, Cang-Ngrào nắm lấy tay Peng-Lang:
- Những lời nói bên bờ suối nước Peng-Lang còn nhớ chứ?
Peng-Lang cúi đầu yên lặng; Cang-Ngrào buồn rầu bước ra, khẽ cất tiếng hát:
Yêu nhau thì yêu nhau cho trót,
Mến nhau thì mến trọn một bề,
Bao giờ trâu thấy cỏ mà chê,
Nai, hươu lìa rừng thẳm, bấy giờ ta hãy quên nhau...
Peng-Lang nhìn theo và lắng nghe Cang-Ngrào hát, cô bổng thổn thức cả tấm lòng...
Hết
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.