PDA

View Full Version : Mái Chòi Bên Cội Mù U



giavui
06-02-2014, 02:44 AM
Mái Chòi Bên Cội Mù U

http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1401677019_images547497_Ta_Dong_1.jpg



Tiếng chim hót líu lo ngoài vườn đón chào bình minh làm Nhân mở bừng mắt ra. Không khí vườn quê trong lành mát rượi, Nhân hít vào một hơi dài, vươn vai khoan khoái. Mặt trời lấp lánh trên ngọn tre, chiếu những tia nắng nhỏ xuyên qua tàng lá, rãi từng chùm hoa nắng đong đưa trên những tàu dừa khô nằm trên mặt đất lầy lội còn ướt sũng sương mai. Men theo con đường làng rảI rác vài cô thôn nữ quảy gánh ra chợ. Hai bên đường làng ruộng mạ xanh rì, uốn mình gợn sóng, đuổi theo đôi cò trắng dang xoãi cánh bay xuôi theo chiều gió. Bầu trời trong xanh cao vút, lấm tấm vài cụm mây trắng như bông. Dưới ruộng con trâu đang nằm vũng, thư thả nhơi mớ cỏ non chờ mùa lúa chín.

Lâu rồi Nhân không có dịp theo cha mẹ về quê. Con đường làng đất thịt vẫn như xưa. Đây là nơi Nhân cùng mấy đứa cháu đuổi bắt chuồn chuồn ớt, kìa là con lạch nhỏ hai bên vàng bông điên điển. Dưới gốc dừa nước, có những chú còng gió nho nhỏ, thân màu xanh biếc, hay đưa hai chiếc càng một lớn một nhỏ, màu cam rực rỡ ra thách thức những ai tới gần. Cây mù u đầu làng năm nào vẫn còn ngạo nghễ dang tay che bóng mát cho bọn trẻ nô đùa chung quanh. Cạnh gốc mù u giờ có thêm chiếc chòi lá, có lẽ do các bác nông phu dựng lên để nghỉ trưa. Quán xá đầu làng đông đúc tấp nập hơn xưa.

Nhân theo ba vào quán ăn sáng, tô hủ tíu nhỏ xíu chỉ có hai lát thịt mõng dánh, vài cọng hẹ lưa thưa, gắp vài đủa đã hết. Ba Nhân và bác Tư chủ quán đang hàn huyên chuyện thiếu thời coi mòi tâm đắc. Nhân chợt thấy ai gánh bắp nấu đang đi tới, nó kêu vào mua. Cô bé gánh bắp chừng 11, 12 tuổi, thân hình còm cỏi hơn gióng gánh trên lưng, mau mắn cuộn miếng lá chuối xanh cắt sẳn, xúc vào đó vài muổng bắp nấu trắng tình, bỏ lên vài lát dừa, rắc it đường và muối mè, chiếc muổng làm bằng lá dừa xanh cắt ngắn. Mùi bắp nấu lâu rồi mới có dịp nếm lại, thơm lừng ngọt dịu, Nhân buộc miệng

- Bắp nấu ngon quá, Ba và bác Tư ăn không?

Bác Tư mua dùm cho cô bé mấy gói bắp, rồi chia cho mấy đứa nhỏ trong nhà. Cô bé cúi đầu cám ơn lí nhí rồi quảy gánh đi. Nhìn theo cô bé gánh bắp rời xa, bác Tư chắt lưỡi thở dài nói với ba Nhân

- Tội nghiệp con bé, mới bây lớn mà phải chịu cảnh mồ côi. Mấy năm trước ba má nó bị tai nạn xe cộ mất đi để lại hai chị em. Tứ cố vô thân, có người thương hại muốn đem hai chị em về thành phố nuôi, nhưng nó không chịu xa rời mồ mã cha mẹ, thà buôn gánh bán bưng để nuôi em.

Bác Tư dừng lại, rít một hơi dài, điếu thuốc rê trên tay rực đỏ, bác phì phà khói thuốc rồi mơ màng nói tiếp

- Năm ngoái, giữa đêm khuya hai chị em đang ngủ say, không biết tại sao mà đèn dầu bị ngả, cả ngôi nhà lá trùm trong lửa đỏ. Bà con lối xóm, chạy tới kêu la chộn rộn, thấy nó đạp tung chiếc cửa đang phừng phừng lửa đỏ, chạy ra tới ngoài thì quỵ xuống sặc sụa, tay này bồng em, tay kia ôm khung ảnh thờ của cha mẹ, dầu tóc cháy khét lẹt, giống như Triệu Tử Long bồng Á Đẩu tả xông hữu đột. Sáng ra trên nền đất còn âm ỉ khóI, nó lục lạo trong đám tro tàn tìm được cặp tô đá, vài chiếc muổng. rồi thẩn thờ dẫn em ra bên con lạch, đứng ngó mông. Hàng xóm khuyên nó nên tìm nhà nào mà ở, nhưng nó từ chối nói là sợ người ta không thương em nó. Chẳng thà nó chịu cực khổ mà chị em có nhau, mà có nơi để lập bàn thờ nhang khói cho cha mẹ. Chòm xóm thương tình xúm nhau cất cho nó mái chòi lá bên cây mù u đầu làng kia kìa.

Nhân chợt ngẫng đầu nhìn lên, nhưng bóng cô gái bán bắp đã khuất dạng tự lâu rồi.

Trời mới Lập Xuân nhưng đã sớm nhiều nắng gắt. Con Vện rút vào bóng mát hiên nhà le lưởi thở hào hễn. Vạn vật im lìm lười biếng, chỉ còn đôi bướm đuổi nhau nhởn nhơ trong vườn. Nhân ngồi đong đưa, tiếng võng đưa kẻo kẹt trong tỉnh mịch vườn quê. Thỉnh thoảng một cơn gió thổi đến mang theo tiếng lá đong đưa xào xạc.

"Ai ăn sương sa hột lựu hông?" Tiếng rao hàng ngọt lịm, văng vẳng từ xa làm xao động bâu không gian tỉnh mịch.

Nhân nhìn lên, một người sùm sụp trong chiếc nón lá, quảy gánh, vừa đi vừa rao. Đang khát nước Nhân đưa tay ngoắc vào. Cô gái bước vào sân vườn đặt gánh xuống. Nhân nói

- Cho tui một ly đi

Cô gái dở nón lá ra, Nhân hơi ngạc nhiên vì nhận ra đây chính là cô gái bán bắp hồi sáng. Nó hỏi trỏng

- Ủa hình như hồi sáng bán bắp phải hông?

Cô gái mĩm cười vừa múc sương sa hột lựu ra ly vừa nói

- Hình như hồi sáng anh ăn ngon miệng lắm nên kêu nữa phải hông?

- Tui khát nước nên tui kêu, chứ nón lá che sùm sụp tui đâu có thấy ai là ai. Ủa mà sao biết tui hồi sáng ăn ngon mà kêu nữa?

- Bộ hong phải hồi sáng anh nói bắp ngon sao?

Nhân bật cười. Cô gái nói chuyện hồn nhiên vui vẻ quá, không giống như người đã trải qua những thảm cảnh mà Bác Tư kể hồi sáng. Cô gái đập nước đá bỏ vào ly rồi đưa cho Nhân. Nhân ăn thử, mùi dầu chuối thoang thoảng, sương sa mêm mại, hột lựu dòn dòn, nước cốt dừa và nước đường hòa vào nhau vưa ngọt vừa béo, nước đá đập nhỏ tan vào nóc giọng mát rượi. Nhìn Nhân ăn một hơi hơn nửa ly, cô gái hỏi

- Ngon hong vậy anh?

Nhân im lặng suy nghĩ, rồi chợt bông đùa

- Hong ngon.

- Hong ngon sao anh ăn một hơi gần hết rồi

- Tại trời nắng, khát nước quá nên ăn nhanh vậy thôi.

Nhân lại bật cười hì hì rôi nói

- Cho tui ly nữa đi.

Trong khi cô gái múc sương sa, Nhân nói tiếp

- Ly gì mà nhỏ xíu, ăn hong đã khát.

- Ly vầy mà nhỏ sao?

- Ừa nhỏ xíu, ở Sài Gòn người ta bán sương sa hột lựu bằng ly cối không hà.

Cô gái trố mắt nhìn Nhân bán tín bán nghi, rồi chợt nhận ra, nàng mĩm cười nói nhỏ

- Tin anh chắc bán lúa giống quá.

Nhân cười hì hì, ăn mội hơi hết 3 ly sương sa hột lựu mới đã khát, rôi hỏi

- À mà đằng ấy tên gì?

- Dạ, Thảo

- Dạ Thảo - cỏ đêm khuya, tên ngộ quá hen

- Dạ, em tên là Thảo chứ hong phải Dạ Thảo

Nhân lại phì cười nói

- Tui tên là Nhân.

Thảo thu dọn rồi quảy gánh đứng lên

- Thôi em đi bán tiếp nghen.

Nhân dúi tiền vào tay Thảo. Thảo nhíu mày nhìn tờ giấy bạc lớn trong tay, ngần ngừ rồi mở kim tây gài túi áo bà ba, lấy ra một cuộn tiền gói trong bì bóng, đếm tiền thối và đưa lại cho Nhân. Nhân đẩy ra và nói

- Thảo giử lấy đi

- Dạ cám ơn anh, Thảo không thể nhận được

- Thảo ngại thi coi như quà của tui cho em Thảo cho nó vui

- Ủa sao anh biết Thảo có em?

- Bác Tư có kể cho tui biết gia cảnh của Thảo, tui thật tình xúc động lắm. Nhưng tui thấy Thảo vui vẻ quá không giống như chuyện bác Tư kể

- Mình buôn bán phải vui vẻ người ta ăn mới ngon, với lại buồn hoài đâu có thay đổi được gì.

Nhân ngẩn người nhìn Thảo một hồi, rồi nói

- Tiền đó Thảo cứ coi như quà của tui cho em Thảo được không?

Thảo cúi đầu tủm tỉm cười và nói

- Dạ, nhà Thảo nghèo, ba má dạy Thảo không nên nhận ân nghĩa của người, vi mình không có điều kiện đền đáp. Xin anh đừng làm khó Thảo.

Lại một lần nữa Nhân ngơ mắt nhìn Thảo. Thảo nhét tiền thối lại vào túi Nhân rồi quảy gánh ra đi. Nhân đứng tần ngần trông theo. Ngày mai phải về lại Sài Gòn rồi, quê mẹ quả để lại trong lòng bao kỷ niệm khó quên.

oOo

Xe du lịch chở gia đình Nhân về tới trước cửa nhà. Má Nhân mở xách tay ra trả tiền tài xế, bỗng sựng lại khi phát giác đã bị mất đi một số tiền. Nhân vội nói với mẹ

- Con thấy mẹ bỏ xách tay tùm lum, con sợ người ta ăn cắp nên cất tiền dùm mẹ, một lát con đưa lại đầy đủ, mẹ đừng lo.

Nhân vào phòng trút ống heo ra lấy tiền, chạy ra ngoài đổi tiền lớn, rồi vào phòng mẹ trả lại đầy đủ.

Tối hôm ấy Nhân nằm gác tay lên trán, nghĩ về căn chòi lá bên gốc cây mù u đầu làng, nơi mà hồi sáng này nó ghé vào thăm. Căn chòi mái tranh vách lá đơn sơ quá làm sao giử ấm khi trời trở lạnh. Trên chiếc bàn nhỏ, chân buộc vào cột tre nằm giữa nhà, có để một khung ảnh cháy sém của hai người, một bình hương nhỏ nhắn cắm đầy chân nhang. Trên chiếc chỏng tre cũ kỉ nhỏ nhắn chiếm nửa căn nhà, có một chiếc chiếu rách và hai chiếc gối đen đủi như cuộc đời của những người nằm lên nó. Nhân thấy lòng se lại, nó nghĩ tới căn phòng nệm ấm chăn êm của mình, bừa bãi đồ chơi và mền gối. Tranh tuổi với mình sao đời Thảo sớm chịu nhiều nỗi gian lao. Đang chìm trong suy nghĩ, bỗng chợt nghe tiếng rao hàng văng vẳng từ xa, Nhân vội vã đặt gói gì vào dưới gôi, rồi len lén ra khỏi chòi khép cửa lại.

Nhân xếp một chiếc mền, vài bộ quần áo cũ bỏ vào trong thùng cùng vài món đồ chơi, nó đi xuống phòng ăn sáng và hỏi mẹ

- Mẹ ơi, chừng nào mình lại về thăm quê hở mẹ?

oOo