PDA

View Full Version : Đứa Con Nuôi



giavui
10-28-2010, 02:00 AM
Đứa Con Nuôi

Tác Giả: Nguyễn Khải



Thế nào, cháu đã mỏi chân chưa?
Cừ, chủ nhiệm chính trị nông trường dừng lại hỏi rất âu yếm đứa con gái chừng mười ba, mười bốn tuổi đi sau anh vài bước. Đứa bé hai tay xắn lấy quần, chăm chú tránh mấy vũng nước, rồi ngẩng lên, ngước đôi lòng đen rất sáng nhìn người hỏi:
- Mới đi được có mấy bước bác đã sợ cháu mỏi chân... Có bác mỏi chân thì có.
Cừ để cho đứa bé đi trước mình, nhìn cái dáng nhỏ nhắn của nó cứ chao đi chao lại trên mặt đường nhầy nhụa bùn vì cơn mưa đêm trước. Lượt vải chiếc áo sơ mi nâu may quá rộng trườn qua trườn lại trên cái lưng rất ngắn, một mái tóc cắt đến gáy cũn cỡn, hai cái bụng chân rất gầy, tất cả cái vẻ đằng sau của đứa bé sao mà tội nghiệp và trái tim Cừ như bị thắt lại vì những ý nghĩ thương xót. Quê nó ở Hà Đông, bố mẹ đã hy sinh trong kháng chiến, từ đó nó đi ở cho hết nhà này đến nhà khác, cuối cùng theo vợ một đồng chí cán sự ở châu lên Điện Biên, giúp đỡ chị ấy khi sinh nở. Nó đã ở với gia đình nọ được nửa năm, sau không hiểu vì lẽ gì lại bị đuổi, bơ vơ mất mấy ngày ở ngoài phố. Chuyện ấy đến tai Cừ, anh nảy ra ý định nhận đứa bé ấy làm con nuôi. Anh đón nó về ban chính trị trưa hôm qua, và sáng nay nhân ngày chủ nhật anh đưa về chỗ vợ ở đội sản xuất số 6. Đồ đạc của nó vỏn vẹn chỉ có một cái ba lô đã sờn hết mép (không hiểu ai đã cho nó), chăn màn không có. Ngay chiếc ba lô anh đeo trên vai đây cũng rất nhẹ, tuy các cạnh rất vuông vắn. Anh lại hỏi:
- Cháu có áo rét không?
- Cháu chẳng thấy rét bao giờ bác ạ, có một cái áo trấn thủ nhưng cũng không mấy khi cháu mặc đến.
- Rét Điện Biên không như ở dưới xuôi đâu, mặc phong phanh là dễ ốm lắm đấy.
Hai người đến bờ sông Nậm Rốm thì đã gần trưa. Đứng bên này chiếc cầu bắc bằng những miếng sắt lát sân bay ngày trước, nhìn sang bên kia bờ Cừ ngạc nhiên vì mới có nửa tháng không qua đây mà khung cảnh đã như đổi mới hẳn. Tre măng mọc vút lên, vượt hẳn những lớp lá lăn phăn của bụi tre già. Mo nang ở các đốt tre ôm chặt lấy từng gióng, vàng nượm như bụng rắn, ở các đốt đã chìa ra những nhánh rất nhỏ, mấy chiếc lá non bám vào mỏng mảnh như những nét phảy. Những cụm cỏ nghệ mới đây còn xanh tốt như rừng, bây giờ đã bắt đầu vàng sẹm, chùm hoa ở giữa gốc màu tím điều cũng héo hon, sắp hết mùa cỏ dại rồi.
Bước qua cầu, Cừ đi sát cạnh đứa con nuôi, và bỗng nhiên anh thèm muốn được gọi nó là con, nhưng con bé vẫn coi anh như người xa lạ, nó gọi anh bằng bác với cái vẻ tự nhiên, vốn đã là một cách xưng hô quen thuộc của nó đối với nhiều người. Anh mỉm cười gượng gạo, nói khẽ:
- ở đây hơi xa phố cháu đừng buồn nhé.
Con bé lặng im một lát, mãi nó mới nói, giọng rất đanh như người lớn tuổi:
- Cháu ở đâu cũng được bác ạ.
Trò chuyện với một đứa con gái mới mười bốn tuổi trong một buổi tối và suốt dọc đường từ nông trường bộ về đến đây, Cừ luôn luôn ngạc nhiên vì những câu trả lời bất ngờ của nó. Anh vừa thương hại, vừa khó chịu vì nó đã khôn ngoan quá sớm, nó già hơn tuổi vì những lời lẽ đối đáp rất tinh khôn, và tính toán chi li đến từng câu trả lời. Nhìn những mái nhà nổi lên thành một dải vàng nhạt trên những ngọn me dại, xoan và những cây chó đẻ, con bé khẽ kêu lên:
- Đến rồi hở bác, chóng quá nhỉ, cháu tưởng còn đi xa nữa.
- Ta rẽ ra đồng thăm lúa một chút. Chỉ vài hôm nữa ở đây vào gặt rồi. Bận lắm đấy.
Trèo qua một cái giá tre có bực thang dựng lên trên hàng dây thép gai ngăn trâu bò là khu vực trồng lúa nương của nông trường. Những cây lúa cao ngợp đầu người, ngả ra che kín cả con đường mòn chạy ở giữa. Bông lúa đã sạm vàng, nhiều bông đã gục mặt, đôi bông mới uốn câu. Mép trấu hé mở để lộ ra những bao phấn mỏng mảnh nắng đã se dần màu trắng, ở những chẽ trên mép trấu đã ngậm lại còn lòi ra một chút đầu bao phấn hoe hoe vàng nhạt. Trong gió hanh tiếng lúa cọ vào nhau nghe rất nặng, vừa khô vừa sắc. Cừ lách mình vào giữa rừng lúa, vừa đi vừa cúi xuống nâng những cây ngả gạt sang hai bên. Hai cánh mũi anh co giãn rất nhanh, một thứ hương vị nồng nhạt, thoảng thơm phảng phất khắp mọi chỗ. Đi theo mãi cái vách thành kết bằng những hạt lúa dày kín ấy, hai người chợt bước ra một khoảng đất trồng lạc rộng mênh mông. Lạc ba tháng đã ra hoa, hoa lạc ẩn dưới gốc vàng chói, chập chờn như những cánh bướm, màu lá lạc được mưa xanh mỡ, trông non và ngọt như cốm. Và khu nhà trống để máy kéo cũng đã kề sát ngay phía đầu bãi bên kia.
Ngày chủ nhật, bộ đội và anh chị em công nhân ra chơi phố và đi thăm các đội bạn gần hết. ở mỗi nhà còn chừng mươi người đánh cờ tướng, tu-lơ-khơ, hoặc đẽo cán liềm, gắn lưỡi hái, chuẩn bị cho vụ gặt. Cừ vừa đi ngang sau khu nhà trung đội I, có tiếng gọi giật lại:
- Anh Cừ về chơi đấy ư?
Cừ ngoảnh lại, Quang tổ trưởng một tổ sản xuất đang nhìn anh cười, trước mặt ngổn ngang đến chục cây giang và một bó lạt đã chẻ.
- Lâu lắm mới lại gặp nhau. Lấy gỗ xong hôm nào thế? Không đi chơi đâu à?
- Lại về đội được nửa tháng rồi anh ạ... Cũng định ra phố một tí nhưng các cô tiểu thư lại nhờ chẻ hộ lạt. Mai vào gặt rồi... Cháu nào thế?
Cừ chưa kịp trả lời thì con bé đã nghiêng đầu nhìn Quang, cười rất tự nhiên:
- Cháu về đây để gặt giúp các chú mấy buổi.
Quang cười to:
- Ra thế, vậy chú xin xung phong cõng cháu ra ruộng nhé... Tối anh có rỗi tôi lại chơi.
- Thì về chơi chứ có về họp đâu mà không rỗi. Tối đến nhé, mình mới mua được gói chè hương.
Chị Lụa mấy hôm nay bị đau bụng nên nghỉ ở nhà. Chị ngồi một mình đang hí hoáy bóc lạc. Cừ đứng sững ngay ở ngưỡng cửa nói to:
- Đến nhà rồi đây !
Chị giật mình quay ra thấy chồng đang nghiêng mặt nhìn về phía sau.
- Ai đến chơi thế !
Vừa lúc ấy một cái đầu nhỏ bé, tóc cúp ngắn ló vào:
- Chào bác ạ.
Cừ đặt ba lô lên giường, giới thiệu:
- Đây là bác gái cháu, còn đây là cháu Tấm.
Chị Lụa ngắm một lượt đứa bé xa lạ mới đến:
- Con ai mà nhớn nhỉ?... Cháu mới ở quê lên hôm nào đấy?
Cừ gõ gõ điếu thuốc lá xuống bàn, cười:
- Con tôi chứ còn con ai, bố con tôi ngủ nhờ bà chủ đêm nay nhé...
Tấm liếc nhìn cả hai người, rồi nó bưng miệng cười, hai con mắt sáng lên rất ranh mãnh. Bằng một cử chỉ rất nhanh, nó chạy lại đầu giường xách chiếc ba lô để lên một góc cái hòm gỗ, thành thạo như đã từng đến đây vài ba lần. Chị Lụa vẫn còn đang theo dõi nó bằng con mắt dò xét thì nó đã cúi xuống gậm giường, hỏi:
- Nhà còn đôi guốc nào cho cháu mượn rửa chân với. Và không đợi người chủ nhà trả lời, nó đã lôi ra một đôi guốc mộc, quai dù từ góc một chân niễng:
- Đây rồi, quai này là bền lắm nhé. ở trên kia có chú tích trữ đến hai đôi, cháu hỏi xin một đôi chú ấy nhất định không cho... Sao có người độc bụng đến thế.
Mới phút đầu con bé đã ăn nói quá lém lỉnh, chị Lụa đặt giá lạc lên bàn, nét mặt lạnh nhạt hẳn, hỏi chồng:
- Có ăn cơm nếp không để tôi lấy thêm gạo?
Cừ cởi áo mắc vào chiếc đinh đóng trên tường, anh thấy vợ không vồ vập, ân cần đối với con bé nên lựa lời giới thiệu thêm:
- Con bé thông minh, nhanh nhẹn lắm, tôi nhận nó làm con nuôi đấy. Quê nó ở Hà Đông, bố mẹ chết cả, đi ăn đi ở từ bé. Mình hiếm hoi có nó cũng vui...
Anh định nói thêm thì tiếng Tấm đã léo xéo ở đầu chái:
- Cháu là người nhà bác Cừ đấy ạ. Chốc nữa mời chú sang chơi.
Nó định bước vào trong nhà thì chị Lụa gắt lên rất đột ngột:
- Lại tha đất vào đầy nhà bây giờ...
Nó đứng sững ngay lại, nét mặt đờ ra, nhưng rồi khẽ cúi đầu xuống đập đập đôi guốc vào thềm hè. Từ lúc ấy nó không nói một câu nào, ngồi im lặng trên cái ghế dài kê sát tường, lặng lẽ ngắm bà chủ nhà tính tình không lấy gì làm vui vẻ lắm...
Trong khi Tấm tính toán thầm với riêng nó thì Cừ cũng để ý xem xét thái độ của đứa bé khôn ngoan ấy đối với vợ mình ra sao. Càng nhìn anh càng ngạc nhiên vì cái khuôn mặt kỳ lạ của đứa con nuôi, phía trán hóp lại gần như nhọn, dưới cằm lại bành rộng ra theo hình vuông khiến nét mặt mất hết mọi vẻ thơ ngây, cái miệng rộng, hàm răng to và đều như hàm răng của người con gái dậy thì, hai con mắt đắn đo, dò xét, lấp lánh một vẻ tinh khôn, lanh lẹn đặc biệt.
Đột nhiên chị Lụa hỏi nó:
- Cháu năm nay mười mấy tuổi?
- Tính cả tuổi mụ là mười bốn, cháu tuổi Sửu đấy. Tuổi Sửu là vất vả lắm.
Cừ mỉm cười:
- Cháu còn bé mà đã tin ở tướng số rồi à?
Bữa cơm chiều Tấm tranh làm gần hết mọi việc. Mới đầu chị Lụa cũng giữ kẽ với chồng không cho làm. Nhưng sau thấy nó cứ nằn nì, quanh quẩn không chịu đi đâu, hơn nữa cơn đau bụng lại bắt đầu âm ỉ nên chị dặn dò một chút rồi đi nằm. Mâm cơm dọn lên rất ngon lành, rau sào, đậu phụ rán, lại thêm một đĩa rau thơm, hành sống. Vào bàn ăn Tấm cũng dành ngồi ngoài xới cơm. Vừa ăn nó vừa hỏi chị Lụa ở đây có vại muối dưa không, có lọ to để ngâm dấm đu đủ không, có biết cách làm đậu phụ nhự của miền Nam không?
Cừ nghe nó hỏi cặn kẽ mọi việc như một người nội trợ đảm đang, anh bật cười:
-Có làm được không mà hỏi lắm thế?
- Cháu vẫn làm mà lại.
- Vậy bác đề nghị bổ sung cháu vào tổ nuôi quân nhé.
- Nhưng lò bếp của các chú ấy đắp cao quá bác ạ.
Trong bữa cơm chị Lụa đã nhìn Tấm bằng con mắt dịu dàng hơn, con bé tuy ít tuổi nhưng làm ăn đâu vào đấy. Dù có phải nuôi mỗi tháng mất vài chục bạc nhưng khi ốm đau đã có người săn sóc, đỡ đần... Chỉ phải tội mặt mũi nó trông láu lỉnh, xảo trá quá. Rồi chị cứ miên man suy tính thiệt hơn, có lúc thấy nó cần thiết cho mình, có lúc lại thấy nó là gánh nặng cho mình, cho nên chị cũng không hẳn tỏ ra cởi mở, dễ dãi, nhưng cũng không đến nỗi lạnh nhạt, cau có như lúc đầu. Còn Tấm không phải chỉ hỏi một cách vô tư, nó cũng nghĩ về nó, về thái độ của hai người chủ nhà, và tự bảo thầm: "Mình ăn mấy vực cơm nhưng đã làm cho bà ấy cả buổi chiều, mình không ăn xin, nay mai bà ấy không thể kể ơn với mình được..."
Lên đèn được một lúc, chị Lụa đã đun sôi ấm nước thì Quang cầm một cây mía bước vào.
- Mía tăng gia của tổ đây, trồng được mấy bụi ăn phí ăn hoài gần hết cả, còn được vài cây phần anh.
- Có ngọt không?
- Mía Điện Biên còn phải nói... Cháu có ăn mía không hay sợ sún răng?
- Chú làm cháu như là trẻ con không bằng.
- Aỏi chà, thì người nhớn được với ai.
Cừ liếc nhìn Tấm ngồi thu lu ở một góc giường, định nói: "Nó bé nhưng có khi còn khôn hơn chú đấy", nhưng lại thôi. Chị Lụa đã đắp chăn đi nằm. Cừ lấy một lọ trà đưa ra trước đèn khoe với Quang:
- Cậu thử nhìn xem là nhãn hiệu gì?
Quang nhìn chăm chú rồi cười ầm:
- Sao lại đựng trà vào lọ thuốc điều kinh của bà ấy?
- Đấy ông xem, vợ thì thuốc điều kinh, chồng thì trà hương hảo hạng, cái này đựng vào cái nọ, hết lọ nhớn đến lọ bé làm gì mà không tiêu ma cơ nghiệp.
Quang nhìn đồng chí chủ nhiệm, người anh và cũng là người bạn tâm phúc từ ngày anh vào bộ đội đến nay. Sáu, bảy năm rồi, con người ấy hầu như không thay đổi mấy. Vẫn hàm râu quai nón không mấy khi được nhẵn nhụi, cái cười sảng khoái, rộng rãi, chan chứa thương yêu. Vẫn lối nói thẳng thắn, không e nể một ai, không giấu giếm một cái gì. Vẫn cách sống ồn ào, sôi nổi, thích đùa cợt.
Cừ dốc một ít trà vào lòng bàn tay, khẽ nghiêng nghiêng mé tay soi vào ánh đèn, rồi hỏi Quang:
- Uống đặc được chứ ! Hôm nay nói chuyện lâu một tí, cần gì ngủ sớm.
- Anh còn nhớ hồi đi chiến dịch nấu nước trà bằng ống cát cút không?
- ừ, ừ... thế mà lúc uống vẫn say sưa, thú vị nhỉ. Mình cứ nhớ một cái ống cát cút bọc giấy báo đút vào túi áo ca-pốt, đến chặng nghỉ múc ít nước suối, móc hai quai vào cành cây, ông "con rể" đốt một bó đuốc hơ, chỉ năm phút nước đã sôi ùng ục, cho vào một dúm trà búp, cái thứ trà chiến lợi phẩm ấy mà. Thế là bố con, bạn bè quây lại xuýt xuýt, xoa xoa, đến hay... Nhân nói chuyện xưa lại nhớ đến thằng "con rể", nó hy sinh ở Mường Khoa nhỉ. Thằng ấy còn sống thì không chừng cũng trở thành cán bộ kỹ thuật hạng cừ. Uống đi không nguội... Cháu Tấm có uống được nước trà không... không dám uống à... Cũng phải. Chè chén nên nhường cho bọn già... Thế nào, kỳ về phép vừa rồi có được vui vẻ không? Kết quả tốt đẹp chứ?... Không khéo cậu lại vượt vợ chồng mình cũng nên... Căn bản là phải trẻ mới ăn thua, chứ má đã răn, gối đã mỏi thì thuốc giời cũng đừng hòng.
Quang hớp một ngụm nước, nét mặt hơi buồn buồn:
- Anh cũng rõ hoàn cảnh gia đình của tôi rồi đấy. Từ ngày con bé cháu mất nhà tôi cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, mấy năm nay lại mắc chứng đau bụng, đi khám họ bảo bị viêm tử cung, nhà nghèo bệnh trọng là thế. Thành thử một tháng nằm nhà đến hai chục buổi. Một mình đã vậy, nhưng còn hai đứa em, một đứa lên mười, một lên bảy. Chúng nó là con ông chú ruột tôi, cả bố lẫn mẹ đều hy sinh trong kháng chiến, họ hàng chỉ còn mỗi vợ chồng tôi là gần. Dù rau cháo nhưng anh em đùm bọc lấy nhau vẫn hơn đi ăn đi ở cho người khác... Mỗi lần về trông thấy chúng nó tôi không sao cầm được nước mắt. Thằng nhớn đi học về rời quyển sách là đâm đầu vào bếp đun nấu, thằng em thì đi tha thẩn khắp xóm, mặt mũi lem luốc như thằng quỉ. Tội nghiệp, chúng nó biết là anh chị nghèo nên ăn thế nào cũng được, mặc thế nào cũng xong, được cái cả hai anh em nó đều có sức nên ít đau ốm. Tôi nghiệm ra những đứa bé đã từng nếm mùi cơ cực, lớn lên đều có chí cả, quẳng vào chỗ nào cũng sống nổi... Không hiểu các cậu khác về phép có nhàn nhã không chứ tôi thì vất vả gấp mười lần ở đơn vị. Vợ ốm, em thì bé, không xoay trần ra tranh thủ mấy chục điểm rồi đến mùa thì ăn gì. Kể ra nếu ngày ngày thắng bộ quần áo mới, đi đôi giày vải lấp ló hai cái cổ bít tất trắng, một bao Hoàn Kiếm hoặc Bông Lúa đút túi quần, la cà nhà này nhà khác, thăm hỏi trò chuyện, giảng giải chính sách thì trông ra vẻ anh bộ đội về phép hơn. Đằng này mới từ mờ đất trên giường đã lăn xuống đất rồi, chẳng kịp đánh răng rửa mặt gì, ăn vội vài bát cơm nguội, ngậm điếu thuốc lá là ra đồng ngay. Buổi đầu thì dỡ khoai, buổi thứ hai thì tát nước, từ buổi thứ ba trở đi là cày liệt vị, vì đang dịp cày mùa. Lại nói cái tối tâm sự trước ngày lên đường. Vợ tôi cũng thuộc vào loại cứng rắn, đảm đang, nhưng có điều cô ta chỉ cứng rắn được khi vắng mặt chồng, còn tối hôm ấy thì cứ khóc sướt mướt như trẻ con. Cô ta kể lể ra nhiều nỗi lo lắng lắm, nào vợ chồng ăn ở với nhau đã tám chín năm trời bây giờ một mụn con không có; nào là ốm đau luôn, cảnh nhà lại túng thiếu, anh em kiến giả nhất phận, các em thì bé, gượng được thì khá, rồi ra không gượng được nữa sẽ biết nhờ cậy vào ai. Tôi lại phải kiên nhẫn gỡ ra từng mối một, nhưng cũng là giải quyết quanh thôi, động viên tinh thần là chính, vợ vì thương chồng nên cũng dịu dần... Về nhà được mười lăm hôm tính ra những giờ được ngồi trò chuyện với vợ, với em chẳng được bao nhiêu. Suốt ngày phơi mặt ở ngoài đồng, tối họp hành xong về thì cũng đã khuya, đặt lưng nằm xuống là ngáy bằng sấm... Vợ nó thấy cái cảnh ấy chắc nó cũng chán.
- Nếu đem so với hoàn cảnh của cậu thì vợ chồng mình còn là dễ chịu hơn. Bây giờ định giải quyết ra sao... Mình có thể đóng góp được gì trong cái việc này không?
- Bây giờ đưa vợ và em lên đây thì cũng dở dang, vợ ốm, hai em dại, có miệng ăn mà không có tay làm, phụ cấp của tôi thì cáng sao nổi. Còn có nên nhờ anh em, nhờ tổ chức hay không thì tôi nghĩ chưa nên, mới bị cái gai đã kêu ầm lên là xổ ruột, người khác không cười thì tự mình cũng khinh mình là thằng nhát gan. Rồi ra đâu vào đấy cả... ở thời buổi này không nên quá lo xa...Nếu tôi có nghĩ ngợi là chỉ lo cho hai đứa em thôi. Nhưng tôi đã dặn dù thế nào chăng nữa nhất định phải cho thằng lớn đi học, và cả hai đều phải được ăn đủ, mặc ấm. Thiếu thốn đâu tôi sẽ trợ cấp thêm.
Câu chuyện về phép của Quang hấp dẫn con bé đặc biệt, mắt nó nhìn người nói không chớp và hình như nó cũng bị xúc động. Khi Quang nói xong nó khẽ thở dài, ngồi dựa vào vách liếp:
- Thế các em không phải làm gì để giúp thím à?
- Chúng nó còn bé thì đã cất nhắc được gì.
- Bé !... Cháu bằng tuổi chúng nó đã phải làm đủ mọi việc rồi đấy.
Quả nhiên con bé là một tay làm ăn khá, không thua kém người lớn là mấy. Khi đưa Tấm về tổ thanh nữ, đồng chí đội trưởng đã căn dặn Quang, người phụ trách tổ đó, không nên để Tấm làm việc nặng, có thể chỉ nên cho làm nửa ngày còn nửa ngày học văn hóa. Một tháng qua đi, khi phân công hàng ngày, chính Quang cũng đã quên rằng Tấm mới mười bốn tuổi, bất cứ việc nào con bé cũng làm được thành thạo, gọn ghẽ. Nó cũng bắt chước các chị lớn tuổi, lấy một mảnh vải bịt tóc, quấn mùi xoa vào cổ tay lau mồ hôi, sau giờ làm nó kỳ cọ tay chân rất tỉ mỉ, lấy kim băng nạy từng hạt đất nhét vào vết nẻ ở gót, chải chuốt, ngắm nghía, hầu như không có một chút mệt mỏi nào, không cần một sự cố gắng nào, bình thường, tự nhiên như vốn đã là một nếp sống từ ngày bé. Tấm dành một tình cảm rất đặc biệt đối với Quang, vì anh ấy là anh của hai đứa em mồ côi, anh ấy lại là người tốt nhất nó chưa bao giờ được gặp, gia đình neo bấn mà vẫn nuôi nấng hai đứa em được đầy đủ, không bắt chúng nó phải làm lụng vất vả, không hành hạ, đánh mắng. Nó tin anh, thích được tâm sự với anh, và ao ước có được một người anh trai như thế.
Một buổi đứng đạp máy tuốt lúa cùng với Quang, Tấm chợt hỏi:
- Cháu làm như thế này đã được coi là công nhân chính thức chưa hả chú?
Quang thầm nghĩ chắc con bé này muốn tỏ cho mọi người biết mình đã là người lớn rồi đây, muốn thành nữ công nhân để đi lấy chồng chăng. Anh mỉm cười:
- Nào có ai bảo cháu là bé đâu.
Nét mặt nó vẫn nghiêm trang, nó ngập ngừng một lát rồi hỏi tiếp:
- Như thế thì cháu có được chính phủ cấp lương cho không?
Quang đờ mặt ra không trả lời được, khi phân công anh coi nó như một người lớn, nhưng lúc trò chuyện anh vẫn nghĩ nó còn là một đứa trẻ con, làm được chút nào hay chút ấy, còn ăn uống, may mặc đã có vợ chồng anh Cừ rồi.
- Cháu cần tiền tiêu vặt à, ăn uống đã có nơi rồi còn gì.
- Không, cháu muốn tự kiếm lấy, cháu không thích ăn nhờ vào bác Cừ.
Chắc lại có chuyện gì xích mích giữa chị Lụa và con bé đây. Anh gợi chuyện:
- Bác Lụa là người tốt lắm đấy, chú xem bác ấy cũng rất quý cháu...
Nó lặng im, nhưng rồi khẽ "xì" một tiếng nhỏ:
- Tốt, cháu chẳng tin ai tốt cả. Các cô ấy làm được tiền còn may sắm cái này cái nọ, cháu muốn mua thước vải cũng chẳng biết xin ai.
- Cháu không nên giữ kẽ thế, thiếu gì phải nói các bác ấy mới biết.
- Cháu nói riêng với chú nhé, chú đừng nói lại với ai đấy... ở đây cháu thấy chỉ có chú là tốt thôi. Bác Cừ đưa cháu về cũng là muốn cháu hầu hạ vợ bác ấy. Nói là nhận làm con nuôi nhưng lại làm quá người ở. Cháu đi ở nhiều nơi rồi cháu biết. Bây giờ, cháu còn làm được thì nhận làm bố con, bác cháu, nay mai cháu thử ốm xem là người ta sẽ tìm cách đuổi đi ngay đấy... Chú ơi, chú thử hỏi cấp trên xem như cháu thì có được hưởng tiền lương không. Nếu có tiền cháu sẽ thổi cơm lấy, ăn uống thật tằn tiện, dành dụm được ít nhiều thì đỡ lo những ngày ốm đau...
Vừa nghe Tấm kể lể, Quang vừa nhìn hai cổ tay gầy guộc rám đen của nó xoay đi xoay lại lượm lúa, hai cái bả vai hơi co lên, nhìn qua những kẽ ô thưa của thứ vải mặc đã lâu ngày thấy lờ mờ những chấm trắng của da thịt, tự nhiên mắt anh cay xè, phía trong hai cánh mũi nóng ran xộc lên đến đỉnh óc. Anh định nói thêm một câu gì nhưng không thể nói được nên cứ cắn môi im lặng. Con bé vẫn nói miên man về những lo lắng của nó:
- Ví thử như cháu ốm thì có phải mua thuốc không hả chú, hay là được chú y tá phát? Cháu sợ ốm lắm chú ạ, ốm vừa buồn, lại hay tủi thân, nhưng cháu chẳng khóc bao giờ... Mấy cô ở đây mới đau bụng một tí đã khóc ầm lên để bao nhiêu chú phải đến dỗ, rồi nào thuốc uống, nào thuốc tiêm. Như cháu ấy à... cháu cắn răng lại mà chịu, không phải là cháu không muốn khóc đâu, không muốn rên đâu, nhưng nếu rên khóc người ta sẽ cho là ốm nặng, sẽ đưa cháu đi nhà thương, ở đấy chết không ai biết, cháu cứ nghĩ như thế là lại chịu đựng được, và rồi cháu vẫn không ốm...
Một buổi sáng chủ nhật, hai chú cháu Quang rủ nhau vào rừng đào măng. Đằng đông mặt trời vẫn nằm trong cái túi mây, nền trời trắng nhạt như cái bong bóng lợn. Bỗng nhiên giữa cái màu xám xịt ấy xuất hiện một vệt nắng vàng óng chạy dài suốt các bản dọc chân núi phía tây, và những cái mái nhà hình thang sáng rực lên như tách khỏi nền đất đen sẫm, bay lơ lửng. Quang vừa đi vừa giảng giải những vẻ đẹp mà anh rất mê say ở thung lũng Điện Biên này, buổi sáng như thế nào, vào lúc trưa như thế nào, tối đến khung cảnh lại biến đổi ra sao. Rồi anh hỏi Tấm:
- ở quê cháu có đẹp được bằng đây không?
Nó ngập ngừng một tí:
- Cháu cũng chẳng biết nữa.
- Thế cháu lên đây có nhớ nhà không?
- Nhớ mấy cái bà mà cháu ở ấy à. Cháu ghét cay ghét đắng. Đi được là thoát. Toàn những người bóc lột.
- Họ là địa chủ à?
- Không, không phải là địa chủ đâu chú ạ. Một bà làm bún, một bà gói bánh chưng đem bán các chợ... Nhưng họ ác lắm. Cháu vẫn tức cái bà làm bánh kiếm được nhiều lãi thế nhưng cho cháu ăn uống thật khổ, cơm một phần, sắn trộn vào đến bốn phần. Vậy mà cũng không được ăn no đâu. Thức ăn toàn cà ủng, dưa khú, không sao ăn được. Tính nết bà ta lại quắt quéo, ăn cắp như ranh. Có hôm bà ấy ra ruộng cà chua giả vờ đi ngoài, rồi vừa ngồi vừa vặt cà chua đùm vào váy. Một hôm cháu ốm bà ấy phải đi đưa bánh cho các hàng đặt. Đợi bà ta đi được một lúc, cháu lấy cặp tóc nậy khóa chiếc hòm gian mở ra xem. Chú có biết trong hòm bà ấy cất giấu những gì không? Một thúng gạo dự nhé, một niêu cá kho với thịt nhé, cà chua đi lấy cắp cũng còn rất nhiều xếp đầy một góc hòm. Thì ra bà ấy vẫn ăn giấu cháu, hễ cháu đi chợ là ở nhà bà ấy thổi cơm gạo dự ăn với thịt. Thảo nào lúc ăn với cháu bà ấy và nhỏ nhẹ, chỉ hai lưng xới đã đứng dậy. Cháu thì xanh rớt, còn bà ấy thì béo đỏ... Hôm ấy cháu tức quá, đã định đổ hết niêu cá đi, hay bỏ đất trộn vào cho bõ ghét. Sau lại sợ bà ấy biết sẽ đuổi cháu, nên cháu thôi... Bây giờ cháu chỉ ao ước làm được nhiều tiền, may mấy bộ quần áo thật đẹp như các cô ở đây, rồi cháu sẽ về quê chơi cho các bà ấy biết mặt. Nhất định là cháu không chết đói nhé, cháu lại làm được ra tiền. Lúc ấy rồi lại xun xoe, cháu cháu, thím thím ngay đấy, để xin xỏ, vay mượn mà. Đừng có hòng cháu cho vay, họ vay được là họ nuốt trôi ngay, mình bé cãi lại làm sao được...
- Bây giờ ở quê cháu chắc cũng vào hợp tác xã cả rồi. Đời sống các bà ấy khấm khá lên thì rồi tính nết cũng thay đổi, chứ không đến nỗi như cháu nghĩ đâu.
- úi giời, tính họ ác thì đến chết cũng vẫn ác. Cháu hỏi chú nhé, nhà chú cũng nghèo tại sao chú vẫn nuôi được hai em cháu, chú vẫn cho các em được đi học.
- à, à...
Anh định trả lời vì đó là hai đứa con của những cán bộ đã hy sinh trong kháng chiến, anh phải có trách nhiệm với chúng nó. Là vì anh là một quân nhân không thể giống một bà bán hàng rong, nhưng lại sợ sẽ làm nó tủi thân, nghĩ ngợi thêm... Quang vừa đi vừa chăm chú ngắm nghía những bụi tre rất dày, mo nang rơi đầy ở gốc óng ánh màu trắng ngà. Tấm xách cái túi vải người Xá đi tung tăng phía trước, chốc chốc lại ngoảnh lại hỏi:
- Bụi này có măng không chú !
- Đi sâu vào tí nữa, ở đây họ lấy hết cả rồi.
Đến một bụi rất rậm, anh dừng lại cắm lưỡi thuổng xuống đất, bẻ những cành gai sang hai bên, nghiêng nghiêng ngó ngó một lúc rồi nói to:
- Đưa cái thuổng cho chú !
- Chú cho cháu xem chú lấy như thế nào... Cháu chẳng trông thấy gì cả...
Những mầm măng nhú lên trên mặt đất màu xanh thẫm sát những gốc tre mốc trắng, Quang lách lưỡi thuổng qua những thân tre, luồn vào đúng chỗ có mầm, ướm ướm mấy cái rồi lao mạnh mũi thuổng xuống đất, chiếc măng khẽ nẩy lên, rung rung một chút rồi lại đứng ngay ngắn, anh khẽ lắc lắc tay cán, chiếc măng lùi dần vào phía trong rồi nằm dài dọc theo chiều lưỡi, và rất nhẽ nhàng anh rút thuổng ra qua những kẽ hở, cầm lấy cái măng đưa cho Tấm.
- Đây, măng đây... nhưng phải bóc lượt vỏ ngoài ra, lấy cái nõn trắng ở trong thôi. Để chú bóc thử cháu xem.
Anh rút lưỡi dao ngắn đeo ở sau lưng chặt phía đầu vỏ ngoài bọc kín nhọn như búp sen, rồi lại rạch một đường thẳng nữa, bóc lượt vỏ ngoài. Nõn măng thật đẹp, những sợi lông xếp lại, mịn màng, nhóng nhánh trắng như bọc bằng xa tanh. Cái Tấm không bỏ qua một cử chỉ nào của Quang, nó trầm trồ:
- Đẹp quá chú nhỉ, mà cũng dễ lấy thôi.
Quang vừa luồn lưỡi thuổng đào những chiếc măng khác, vừa giảng giải:
- Cháu có trông thấy những cái vai trâu bằng tre không. Không phải do mình uốn đâu nhé, tự nó uốn nó đấy thôi. Cháu xem, bụi tre dày thế kia, chen chúc nhau thế kia, mầm măng muốn lớn lên là phải lách theo những kẽ hở, cho nên sau này gốc nó mới bị cong queo. Âởy vậy mà đi tìm vai trâu phải mất hàng mấy buổi chưa chắc đã chọn được cái vừa ý. Dùng vai trâu bằng tre thì bền hơn vai gỗ nhiều... Được mấy chiếc rồi?... Thôi, sang bụi bên kia... Chiều nay hai chú cháu ta sẽ ngồi thái mỏng ra xâu dây phơi độ vài nắng là cẩm như măng bán ở Hà Nội ngay.
Con bé vẫn chăm chú theo dõi Quang, còn Quang thì vừa làm vừa kể những câu chuyện thuộc về những kỷ niệm đã qua:
- Ngày cháu lên trên này, cháu có để ý đến những rừng bương ở quãng giữa Mộc Châu với Yên Châu không?
- Có lẽ có nhưng cháu không để ý. Đến hôm nọ vào bản Cộng cháu mới được trông thấy cây bương đấy, ở quê cháu không có bương.
- ở Yên Châu thì nhiều rừng bương lắm. Ngày mở chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1952, đơn vị chú toàn trú quân ở rừng bương. Những cây bương to bằng cái cột cái ấy, cứ đẵn một khúc băm ra làm giát vừa một người nằm, lợp lán cũng lấy mo nang của nó, chứ làm gì có thì giờ đi cắt gianh. Các chú đặt tên cho khu ấy là "khu mo nang". Mùa đông có sương muối thì lá rụng hết, còn trơ lại những chùm quả lủng lẳng bằng cái nón một... Cháu đưa túi chú xách cho, được ngày đi chơi chú bộ đội lại bóc lột sức lao động.
Tấm hơi nghiêng nghiêng đầu, một mảng tóc xòe ra che gần kín nửa mặt, chỉ thấy đuôi mắt nó sáng lên óng ánh:
- Chú Quang này, chú đi bộ đội từ bé à?...
- Thôi, ta về đi, lấy thế đủ rồi... Đi thong thả chứ, vừa đi vừa nói chuyện cho vui... Chú đi bộ đội từ năm mười tám tuổi, năm nay chú đã hai mươi bảy. Có chắc sống được hai mươi bảy năm nữa không nhỉ? Tuổi thì mười tám nhưng chú chỉ nhỉnh hơn cháu một tí thôi, thế mà đã vợ con đàng hoàng rồi... cũng tại các cụ cả. Chú nhập ngũ được một tháng thì được đi chiến dịch Tây Bắc lần thứ nhất ngay. Ngày cháu mới lên đây cháu có nhớ đồng bằng không?... Lại không à... Cháu thì chẳng nhớ đến ai, chẳng vương vấn một cái gì. Bây giờ tiếng là cháu lên Tây Bắc nhưng lại ở cái đất Điện Biên này thì có khác gì đồng bằng. Còn như ngày ấy sao chú nhớ dưới xuôi đến thế. Bốn mươi lăm ngày toàn hành quân trong rừng, trời mưa tầm tã, chỗ nào hơi có ánh sáng rọi vào trong bụng đã mừng khấp khởi, chắc mẩm sắp được giải phóng con mắt đây, sắp ra đến đồng bằng rồi đây. Chẳng ngờ lại quặt vào những chỗ bóng tối còn dày đặc hơn, núi vây quanh còn cao hơn. Có đêm đồng chí đại đội trưởng đơn vị chú tuyên bố đêm nay chỉ đi mười hai cây thôi, chú đã nghĩ ngay đến giấc ngủ ngon lành khi đến chỗ trú quân mới, vì mười hai cây, chứ ngay đến hai mươi cây nào đã mùi gì, cùng lắm chỉ một hai giờ đêm là đến nơi. Ai ngờ đêm ấy vẫn đi suốt cho đến sáng, chú vừa đi vừa tấm tức, bụng bảo dạ: đã làm đến cấp chỉ huy mà còn nói dối chiến sĩ. Cháu có biết đêm ấy bộ đội đi được bao nhiêu đường đất không, chắc nhiều lắm hả, không đâu, chỉ đi được có sáu cây số thôi. Đường rừng mà. Anh em thì họ biết cả, chỉ riêng chú vì là tân binh, lần đầu sống đất rừng núi nên mới nghĩ khờ khạo như vậy... Đã thế lại phải cái tội hay ngủ, đang sức ngủ mà không được ngủ người nó cứ mụ mẫm đi, chân vẫn bước theo anh em, nhưng tâm trí đã mê man chẳng còn hay biết chuyện gì xảy ra chung quanh nữa. Chú tuy là tân binh nhưng đã láu, hễ bộ đội dừng lại năm mười phút qua cầu, qua suối là chú tranh thủ ngủ ngay, ngủ đứng thôi, nhưng tay vẫn đặt lên ba lô người đi trước, bên trên họ chuyển động là mình thức tỉnh ngay. Một đêm chú cũng làm theo cái mẹo ấy, và cứ yên trí ngủ, ngủ mãi, rồi do linh tính con nhà binh hay sao, tự nhiên mở mắt ra, thấy tay mình hình như vẫn còn bíu lấy một vật gì, nắn lại kỹ... ai ngờ lại hóa ra mấu cây ổi cạnh đường, ngơ ngác nhìn trước nhìn sau cũng chỉ còn lại một cây ổi với một chú... còn anh em thì họ đã đi đâu từ lâu rồi...
- Ngày cháu ở cho nhà bà bún cháu cũng thèm ngủ lắm chú ạ. Làm bún dùng đến là tốn nước. Nhà có hai cái ang rất to, mỗi ang đổ bốn gánh nước chưa đầy. Cháu phải gánh từ tờ mờ sáng cho đến quá trưa mới tạm đủ nước dùng, hai xương vai cứ tê đi. Đến chiều lại vắt bún, đi đưa hàng, tối về nấu cám lợn chẳng được nghỉ một phút nào gọi là có. Lắm tối ngồi băm rau cháu chặt cả vào ngón tay, máu chảy lênh láng. Có buổi cháu đang nấu cám thế mà ngủ thiếp ngay lúc nào không biết, rơm cháy lém cả ra ngoài, đến lúc bà chủ đi qua lấy que cời nện vào giữa đỉnh đầu cháu, cháu mới sực tỉnh, nhưng đau quá không sao há mồm nói được. Đánh lúc đang ngủ là dễ chết lắm đấy chú ạ. Thế mà từ ngày cháu lên đây lại không thấy buồn ngủ nữa, trưa cháu cũng chỉ thích đi chơi, bữa nào ngủ được một tiếng lúc dậy mắt cứ sưng húp như người khóc ấy.
Nó kể cái câu chuyện không lấy gì làm vui ấy với vẻ mặt rất bình thản. Đối với nó những hành động tàn nhẫn của người khác không có gì là lạ lùng, họ vốn là như thế, còn nó, nó sinh ra để mà chịu đựng và chỉ ước ao sao mau lớn lên, khỏe mạnh ra để chịu đựng được bền bỉ hơn. ở đời này làm gì có được mấy người tốt, còn đời nó thì chắc là không thể sung sướng như người khác được.
Không hiểu vào cái hôm nào đó thì Tấm bắt đầu thấy yêu chỗ ở của nó. Hồi nó mới về đây chỉ độc có mỗi cái ba lô đã bạc, dăn dúm, còn ngoài ra không còn đồ đạc nào khác. Nó có thể đặt vào bất cứ cái giường trống nào, hoặc ở nhà bác Cừ nó, hoặc ở văn phòng của đội sản xuất, hoặc ở tổ thanh nữ. Điều đó chẳng có quan hệ gì, và cũng chẳng làm cho nó nghĩ ngợi gì, đâu nằm được là nó có thể yên tâm rồi. Nhưng dần dần đồ đạc của nó cứ nhiều thêm ra. Trước tiên chú Quang đẽo cho nó một đôi guốc bằng gỗ lồng mực, đóng quai dù, đôi guốc trắng mịn, nét đẽo đều đặn, cân đối, thật đẹp. Chú Khôi đội phó đổi cho nó một cái ba lô còn mới, màu xanh biếc, vải rất dày. Chú Tý quản lý cho mượn một cái màn và một mền chăn. Rồi đến chú Khang ở tổ mộc ghép mấy mảnh ván lại đóng cho một chiếc hòm nhỏ, bào nhẵn nhụi, có cả ổ khóa làm bằng vỏ đạn hẳn hoi. Lần đầu tiên trong đời nó có một cái đựng quá rộng và chắc chắn. Cách ít lâu bác Lụa may cho nó một đôi quần láng đen Trung Quốc, hai cái áo sơ mi trắng, một chiếc khăn sợi quàng cổ. Các cô ở tổ thanh nữ cũng tặng nó những chiếc kẹp ba lá không dỉ, vài cái vòng bằng hạt cườm. Tất cả những thứ ấy nó đều cất vào trong hòm, và không quên bỏ vào mấy hạt băng phiến. Bây giờ thì chỗ nằm của nó đã đẹp mắt và giàu có rồi. Một cái chiếu dệt hoa cạp vải, đầu giường chăn, màn, gối thơm tho, sạch sẽ, trên nắp hòm một lọ hoa bằng quả mìn nhảy quét lượt sơn xanh và vẽ chim hòa bình. Hễ lúc nào rỗi nó lại sửa sang chỗ nằm cho đẹp mắt hơn, quét quáy khắp gian buồng cho sáng sủa hơn và mở nắp hòm lôi ra tất cả những đồ vật nhỏ bé nhưng thật đáng quý, xem xét, ngắm nghía. Và cái công việc trẻ con ấy đã gây cho nó sự thích thú rất mới lạ. Nó bắt đầu yêu chỗ ở của nó, yêu cái gian nhà nhỏ bé mà nó chiếm một khoảng giường.
Cho nên buổi trưa hôm ấy khi nó đi gánh cát về thấy ngay trên giường mình để ngổn ngang một cái tay nải rất to bằng vải xanh, một bọc chăn chằng dây ngoài rất kỹ thì không thể không bực mình. Nó treo cái nón lên vách rồi nói to:
- Đồ đạc của ai mà để mất trật tự thế này? Nó ghé đầu vào gian buồng phía trong thấy một người đàn bà rất lạ mặt đang thì thào nói chuyện với bác gái nó. Nó chào lí nhí rồi quay vội ra. Chị Lụa nói với người đàn bà kia:
- Cháu Tấm đấy, cháu nó ở với vợ chồng tôi được hơn hai tháng rồi. Có nó cũng vui cửa vui nhà.
Người đàn bà kia nhìn theo Tấm bằng đôi mắt buồn rầu, không nói gì cả. Người mới đến chơi là chị Lộc, vợ đồng chí Tề, trung đội trưởng ở tiểu đoàn 3, đơn vị cũ của Cừ. Cả hai vợ chồng đều là người Thổ Lạng Sơn, lấy nhau từ năm khởi nghĩa, nhưng ăn ở với nhau thì chưa đầy vài tháng. Chị lên Điện Biên với chồng đã được nửa năm, nhưng nửa năm ấy chồng lại đi tuyển tân binh ở Hải Dương mất ba tháng, về đơn vị được vài hôm lại đi học văn hóa. Rồi bị phù vì bệnh xưng thận phải về quân y viện ở Hà Nội điều trị. Cách đây vài hôm Hà Nội đánh điện lên báo tin bệnh tình anh ấy trở nên trầm trọng và mong vợ về thăm. Tiền riêng của hai người chỉ có hơn chục bạc, anh em trong đơn vị giúp thêm được hai chục nữa. Đi ô tô thì chậm, đi máy bay thì không đủ tiền. Trong lúc nguy ngập, bối rối chị tìm đến vợ chồng Cừ nhờ sự giúp đỡ. Suốt bữa cơm, Tấm hết sức chú ý đến người khách buồn rầu này. Cô ấy cũng phải trên ba mươi tuổi, răng bịt vàng ba, bốn chiếc, mặc cái áo cánh màu xanh trứng sáo, quần vải thô ruộm bùn, một tay đeo chiếc vòng nhựa màu đỏ. Cô ấy chỉ ăn được có hơn bát đã buông đũa đứng dậy, mắt cứ hoe đỏ, mòng mọng như sắp khóc. Gần tối thì Cừ đạp xe về. Vừa trông thấy Cừ, chị Lộc đã nức nở:
- Anh ơi, nhà em nguy mất anh ạ... Hà Nội họ đánh điện lên.
Rồi chị móc túi lấy ra một mảnh giấy màu xanh đưa cho Cừ. Anh cầm lấy xem rất kỹ, rồi khẽ hỏi:
- Chú ấy về nằm Hà Nội được gần tháng chưa nhỉ?
- Mới có mười tám ngày.
Chính Cừ cũng ngờ rằng người bạn chiến đấu cũ của mình khó mà qua khỏi, nhưng biết làm thế nào. Chị ấy đang cần những lời khuyến khích, những câu nói tràn đầy hy vọng để lấy thêm sức chịu đựng cho những ngày tới. Anh làm ra vẻ vô tư:
- Họ đánh điện như vậy là thường chứ có phải trường hợp đặc biệt lắm đâu. Tôi cho là chú ấy muốn cô về phục vụ cho tiện đấy thôi.
- Không biết có phải thế không... Chắc anh ấy cũng biết đi về tốn kém như thế nào, làm gì có tiền. Ai lại muốn cho vợ về phục vụ mà lại đánh điện bao giờ. Em khóc suốt mấy ngày hôm nay... Em chỉ lo bơ vơ một thân một mình.
- Đừng có nghĩ vớ vẩn, vậy cô định bao giờ về dưới ấy.
- Nếu chỉ là về phục vụ cho anh ấy thôi thì em sẽ đi ô tô. Chậm vài hôm nhưng đỡ tốn.
Cừ vẫn đi đi lại lại, anh nghĩ ngợi một cách đau đớn nhưng lại phải giấu dưới vẻ mặt bình thản: "Đi máy bay ngày mai thì may ra kịp. Từ hôm nhận được điện đến hôm nay cũng đã ba bốn hôm rồi. Liệu vợ chồng có được nhìn nhau lần cuối không. Tề ơi, nếu cậu mất đi thì cô ấy sẽ sống ra sao đây. Con cái không có..."
- Em đi ô tô vậy anh nhé?
- Đi ô tô xóc lắm không được đâu, thôi đi máy bay vậy. Ngày mai có chuyến đấy.
Thấy chị ngần ngừ, Cừ hiểu ngay:
- Thiếu tiền phải không, cô không lo, tôi sẽ biếu cô một cái vé máy bay. Còn lượt lên thì hai vợ chồng đi ô tô cũng được rồi.
Mặt người đàn bà tuyệt vọng kia sáng hẳn lên, không phải vì được một cái vé máy bay, mà vì chị nghĩ đến lượt lên của hai vợ chồng.
- Cứ miễn là nhà em còn sống là may - và chị buột nói một câu đầy tin tưởng - nhưng có khi cũng phải hơn nửa tháng nữa chúng em mới lên được.
Khi chị đi ra ngoài rửa chân, Cừ gọi vợ vào gian trong khẽ hỏi (nhưng Tấm vẫn nghe rất rõ):
- Nhà còn tiền không?
- Còn, cần lấy bao nhiêu?
- Đủ mua một cái vé máy bay, sáu chục.
- Thế thì thiếu mất hai chục, thôi được... giật tạm chị Vần đến tháng trả, cũng chỉ vài hôm nữa là lĩnh lương rồi.
- à, nếu chị ấy còn tiền thì cứ giật thêm ba chục, còn một chục để cô ấy ăn đường. Chốc nữa sang hỏi ngay đi thôi. Mai cô ấy đi sớm... Sáng mai có gì ăn chưa?
- Còn cá kho.
Rồi chị Lụa gọi Tấm:
- Tấm ơi, tối nay cô ấy ngủ với cháu nhé... có chật không? Trời rét nằm hà tiện một tí càng ấm.
Tấm mắc màn thì Cừ đẩy cửa bước vào:
- Cô Lộc này... cứ yên trí mà ngủ đi. Tôi đã gọi điện ra sân bay nhờ xếp chỗ rồi. Sáng mai ăn cơm xong, thủng thỉnh lên là vừa. Một giờ máy bay mới cất cánh kia.
- Vâng, em xin cảm ơn anh.
Suốt đêm ấy, hễ lúc nào Tấm thức giấc nó cũng nghe thấy tiếng xụt xịt rất kín đáo của người đàn bà nằm cạnh. Riêng nó cũng thao thức, trằn trọc vì những ý nghĩ lạ lùng. Cuộc sống của nó tuy còn ngắn ngủi, nhưng nó đã được chứng kiến nhiều nỗi thương đau, chỉ duy tình thương yêu, sự chăm sóc thành thực của những người chung quanh đối với kẻ không may mắn là chưa từng được thấy. Nó thường nghĩ đến cách đối xử của những bà chủ mà nó ở, của những người trong cái làng nhỏ bé mà nó đã quen biết. Sao những người ở đây chẳng giống chút nào với những người nó đã từng gặp. Bảy chục bạc đâu có phải ít! Chưa bao giờ nó dám ao ước được có một số tiền lớn như thế. ừ, nếu nó có thật nó sẽ biết dùng làm gì nhỉ? Nó có thoáng nghĩ đến một số vốn riêng và những chuyện phòng xa. Ô hay, tại sao những tính toán vốn đã rất cụ thể, rất chi li qua nhiều lần tưởng tượng của nó, đã thành một nếp nghĩ rất quen thuộc ở trong nó, trong đêm nay lại hóa ra mờ nhạt đến thế, hầu như không còn gây được sự thích thú như những lần trước nữa... Vậy nó sẽ dùng làm gì nếu có số tiền ấy? Hay là nó sẽ may mấy bộ quần áo thật đẹp... Thì cũng đến một cặp quần thâm, vài chiếc áo sơ mi trắng. Những thứ ấy bác Lụa nó đã may cả rồi, nó đã mặc rồi và như vậy cũng đã đủ. Rồi những băn khoăn của nó cứ lẫn lộn, vừa như thật vừa như giả, cho đến lúc nó ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng hôm sau ăn cơm xong, chị Lụa cầm bảy chục đưa cho bạn dặn:
- Về Hà Nội tiêu dè dặt một chút, không thì tốn lắm đấy.
Chị Lộc hai tay đỡ lấy tiền, đầu ngón tay cứ run bắn:
- Em xin anh chị.
Cừ hơi cười, nói một câu cốt để chị yên tâm thêm:
- Hai vợ chồng có lên thì nhớ lại qua đây nhé, tôi có mấy việc muốn nhờ chú ấy.
Nhưng qua một đêm suy nghĩ chị càng thấy hy vọng của mình rất mỏng manh, chị chỉ còn ao ước được gặp mặt chồng lần cuối.
- Em cũng mong thế nhưng chắc chẳng được đâu anh ạ. Lần này em xin chào anh chị thôi. Về Hà Nội chôn cất cho nhà em xong em cũng về Lạng Sơn ngay. Không biết đến ngày nào lại được gặp anh chị.
Cừ ngồi lặng đi, anh khẽ lắc lắc đầu rồi nói nhỏ:
- Cho vợ chồng tôi hỏi thăm chú ấy...
Chị Lộc đứng dậy lấy đòn gánh xóc một đầu vào bọc chăn, và đầu kia tay nải, với lấy cái nón, nước mắt ròng ròng chảy xuống hai bên má:
- Em xin chào anh chị. Anh chị giúp đỡ em lúc này em chẳng bao giờ quên. Cháu Tấm ở nhà nhé...
Thấm thoắt cái Tấm đã ở với vợ chồng Cừ gần bốn tháng. Những ngày đầu tiên chị Lụa không mến con bé lắm. Nó đi làm suốt ngày, tối đến lại học văn hóa, hoặc dự các buổi sinh hoạt chung, về mắc màn một lúc đã ngủ. Nó ít trò chuyện với chị, và nhìn chị bằng con mắt né tránh. Nhưng dần dần cách sống của nó đối với chị cũng trở thành quen thuộc. Một ngày hai bữa nó đi lấy cơm về, hai bác cháu cùng ăn với nhau, nó muối dưa cà, thái đu đủ ngâm dấm, quét quáy nhà cửa, ngày nghỉ lại giặt giũ chiếu chăn, có khi cả quần áo của chị. Có hôm nó xin trên văn phòng được một chồng báo cũ, quấy hồ dán kín những chỗ vách lở, cắt những tranh ảnh ở các tờ họa báo trang trí ở đầu giường. Nhìn chỗ nào cũng thấy có dấu vết của nó, rồi dần dần một cái bóng nhỏ bé ra vào, một mái tóc ngắn đen nhánh thấp thoáng đã trở thành hơi ấm của căn nhà, là hình ảnh không thể thiếu được trong sinh hoạt hàng ngày. Buổi nào nó đi làm về muộn phải chờ cơm, tối nào nó không về sớm, chủ nhật nào nó đi chơi cả ngày, chị bắt đầu thấy nhớ, và khi bóng nó xuất hiện ở khung cửa, chị thấy trong lòng mình rộn rã hẳn lên, muốn bật ra một câu âu yếm: "Con đã về đấy ư?". Chị ao ước được là mẹ, nhưng chưa bao giờ chị là mẹ, bóng dáng nó đã đánh thức trong lòng chị tình mẫu tử. Chị vá quần áo cho nó, để phần cơm nó, mua cho nó một cái cặp tóc, một cái khăn len với sự cần thiết rất tự nhiên, không gượng gạo, tính toán, và những lúc ấy trong lòng chị trở nên ấm áp, vui sướng lạ lùng.
Cừ thì ít có dịp được gần gũi đứa con nuôi, mỗi tuần anh chỉ về nhà được một hoặc hai lần. Nhưng mỗi lần về anh đều chú ý đến cách sống của con bé. Anh thích được nghe nó nói chuyện, xem xét rất tỉ mỉ quan hệ của nó đối với chung quanh. Ngoài tình bố con mà anh ấp ủ, anh còn thấy mình có trách nhiệm đối với một thế hệ đang lớn lên. Phải gây cho nó có lòng tin yêu, có cách sống thẳng thắn, cởi mở thì sau này nó mới trở nên một công dân tốt của cái xã hội hết sức mới mẻ. Anh là một cán bộ chính trị, lại là người từng trải, nên anh rất am hiểu những nguyên nhân của mọi hành động tội lỗi mà anh đã từng phải giải quyết. Hầu hết những con người đáng thương ấy đã bị những thành kiến xấu xa của cái xã hội đang chết đi đục khoét từ ngày còn thơ ấu. Họ sống và hành động theo những thói quen tai hại mà tự họ đôi lúc cũng nhận thấy nhưng lại không có nghị lực cưỡng nổi. Mỗi lần gặp những trường hợp đau đớn như thế trong lòng anh lại sôi nổi một ý nghĩ: phải chú ý đến trẻ con, phải giáo dục và cải tạo chúng nó, phải làm cho chúng nó được sống trong cái không khí hoàn toàn mới mẻ của thời đại xã hội chủ nghĩa. Đấy là phương pháp tích cực nhất có thể ngăn ngừa những tội lỗi sau này. Đấy là mối lo âu duy nhất hợp lý về hạnh phúc của con cái, giúp chúng nó thoát khỏi những tấn bi kịch thương tâm mà tự chúng sẽ gây ra...
Hôm ấy anh về đến nhà vào khoảng năm giờ chiều. Nhà đi vắng vì đang vụ gieo hạt. Khi anh mắc áo lên chiếc đinh đóng ở đầu giường Tấm, chợt thấy một cái làn mây nhỏ đan rất cầu kỳ chung quanh lại dán những bông hoa cắt bằng giấy xanh đỏ. Anh mở nắp làn giơ ra ngoài ánh sáng thấy ở trong có hai cái kén vàng và một cái kén trắng gài vào búi rơm nếp. Cái trò trẻ con này chắc chỉ là của Tấm. Bỗng dưng trong lòng anh lóe lên một niềm vui sướng lớn lao. Dẫu sao nó vẫn còn là một đứa bé, và cái phần trong trắng, thơ ngây ở trong nó chưa phải đã mất hẳn. Ăn xong bữa cơm chiều, Cừ pha một bình trà đặc, lấy ra một cái bánh nướng, và ít kẹo để trên bàn. Và khi gian buồng nhỏ bé lên đèn anh càng thấy nỗi vui sướng ngấm ngầm trong lòng mình lớn lên mãi.
Cái ước ao thầm kín đã từ lâu trong anh là có một đứa con, hạnh phúc tuy bé nhỏ, nhưng lại gần như hoang đường. Khi nói chuyện với vợ, anh có thói quen tránh những chuyện gì dính líu đến hạnh phúc của hai người, nhưng những cặp vợ chồng đã lấy nhau gần hai chục năm nay mà không nói với nhau về chuyện con cái thì cũng chẳng có gì để nói với nhau nhiều. Những buổi tối bên ngoài gió rét, một ngọn đèn để giữa, vợ ngồi khâu vá, và anh vừa xem sách vừa suy nghĩ mung lung. Đúng cái lúc ấy, lúc hai người im lặng theo đuổi công việc và ý nghĩ của mình, anh thường bắt gặp đôi mắt buồn rầu của vợ, đôi mắt ảo não như người có lỗi, và chính anh, anh cũng phải cố kìm mình lại để khỏi buột ra cái câu: "Nếu chúng ta có một đứa con". Tuy anh không dám nói, và vợ anh cũng không nói, nhưng cả hai lại như đều than thở với nhau rất nhiều. Từ ngày Tấm về ở với vợ chồng anh, thêm sự có mặt của nó ở gian buồng này, mỗi lần anh về cũng thêm những câu chuyện mới. Xen vào những giọng nói trầm lặng, quen thuộc, nổi bật lên giọng nói thanh thanh, ríu rít, tiếng nói của đứa trẻ. Cho nên mặc dầu nó vẫn sống rụt rè, giữ gìn, nó vẫn gọi vợ chồng anh là bác trai, bác gái, nhưng anh vẫn thấy sung sướng mỗi lần nghĩ tới nó, và càng ngày càng thấy gắn bó với đứa con nuôi. Qua mỗi lần về, anh lại thấy mắt con bé nhìn anh như thắm thiết hơn, quyến luyến hơn, và tiếng reo của nó "Bác đã về" cũng hồn nhiên hơn, thành thật hơn. Hình như nó đã bắt đầu yêu anh, tin anh, và hai tháng gần đây sự thay đổi ở nó càng rõ rệt. Nó nói nhiều hơn trước, kể cho anh nghe các thứ chuyện, toàn những chuyện vớ vẩn, những chuyện của trẻ con.
Tối nay sau khi Tấm kể lại rất nhiều chuyện bỗng nhiên nó hỏi Cừ:
- Bác có thích ăn bún không?
- Cái con bé này, cháu làm như bác là người ăn uống khó khăn lắm đấy hử!
- Nhưng bún ở trên này họ làm xấu lắm, sợi vừa to, vừa cứng lại đen xì. Để hôm nào cháu làm thì phải biết. Hồi ở nhà cháu vẫn làm bún mà... Thế bác đã được tắm nước vắt bún bao giờ chưa? Nó hơi chua chua, thơm thơm, rất bở ghét bác nhá!
Thế rồi nó tính toán ở đây nhà nào có nồi to có thể mượn ngâm gạo được. Nếu không có nồi thì ngâm vào chậu vậy. Nhưng lại không có cối xay bột. Chẳng nhẽ lại vốc từng nắm gạo cho vào cái mũ nhựa giã thì lách cách quá. Có công giã bột thà làm bánh trôi ăn lại thích, trên này đường bánh có rất nhiều. Nếu hai bác nó không thích bánh trôi thì nó quấy bánh đúc. Bánh đúc chan riêu cua thì còn phải nói. Nhưng bây giờ lại chưa phải là mùa có cua... Và cuối cùng nó bắt sang chuyện khác:
- Bác ơi, tháng này cháu được lĩnh lương rồi. Đấy, có bác gái cháu biết, cháu làm có kém các cô ấy đâu, các cô ấy còn đau bụng, nhức đầu nghỉ luôn, chứ cháu thì chỉ nghỉ có mỗi buổi. Hôm ấy cháu bị dây thép gai đâm vào chân sâu đến đốt ngón tay, chảy bao nhiêu là máu. Cháu cứ lo nó sưng tấy lên rồi thì què. Thế mà chỉ đến chiều cháu lại đi làm được. Da cháu lành lắm kia.
- Lương cháu thì được mấy chục?
- Chú Tý bảo cháu là được ba mươi đồng.
- ừ, bác mừng cho cháu. Cháu đã định dùng số lương tháng làm gì chưa?
Những tia vui sướng trong mắt con bé bỗng tắt phụt ngay, cái nhìn trở lại dò xét, nghi hoặc. Nó ngắc ngứ một chút rồi đáp:
- Cháu sẽ đưa cả hai bác.
Cừ nhìn vợ, mỉm cười:
- Cháu không để tiêu riêng à?
Nó nói một cách tiếc rẻ:
- Cháu cũng chả cần tiêu đến cái gì.
- Các bác không lấy tiền của cháu đâu, mua sắm cái gì đã có bác cho, số tiền ấy cứ dành lại mà làm vốn. Cháu bằng lòng không?... Nhưng bây giờ bác muốn nói với cháu một câu chuyện.
Nó thu người lại, vẻ mặt lo lắng. Chuyện gì thế, bác ấy không muốn mình ở đây nữa ư?
- Cháu làm được ra tiền là rất đáng khen. Cháu hãy còn ít tuổi mà đã có thể sống tự lập được, không cần ăn bám vào ai. Nhưng theo bác thì bác không muốn cháu đi làm, vì ăn mặc của cháu đã có hai bác lo, lớn lên cháu cần gì thì tùy theo khả năng của bác, bác sẽ chu cấp đầy đủ. Bác chỉ muốn cháu được đi học, bây giờ cháu không học thì rồi lớn lên cháu vẫn phải học. Thà rằng học bây giờ có phải chữ nó dễ vào đầu hơn không. Cháu đã nghe ra chưa? Năm nay cháu mới mười bốn tuổi, bác sẽ cho cháu học đến năm hai mươi, nếu cháu còn có sức học nữa thì cứ học cho đến năm hai lăm, hai sáu rồi ra phục vụ xã hội cũng vẫn vừa. Sau này các bác không cung cấp được đủ cho cháu thì đã có chính phủ cung cấp. Cứ lo mà học cho tấn tới, còn ăn đã có người khác lo, có xã hội lo... Thế nào, ý cháu ra sao?
Thấy con bé cứ cúi gằm mặt xuống, Cừ biết ngay nó đang xúc động, anh nói rất nhẹ nhàng:
- Thế thì chiều mai bác cháu ta lại lên đường về nông trường bộ nhé. Trường ở ngoài châu đến thứ hai thì mở. Giấy bút bác đã sắm cho cháu đủ cả rồi.
Chị Lụa đã hơi ngân ngấn nước mắt vì không ngăn nổi sự nhớ thương của mình đối với đứa con nuôi. Nó ở với chị thấm thoát đã được gần bốn tháng. Nó đã đem lại cho cuộc sống cô quạnh của chị những niềm vui chưa từng có. Bây giờ nó lại đi, và một mình chị ở lại cái gian buồng nhỏ bé này, cái gian buồng mà bất cứ chỗ nào cũng thấy dấu vết của con bé để lại.
Chiều hôm sau, trên con đường cái rộng nằm giữa thung lũng Điện Biên, Cừ đạp xe rất thong thả đi trước, sau yên xe buộc chiếc ba lô của Tấm và một cái mền bông. Tấm đi sau cùng với chú Quang nó. Nó mặc chiếc áo sơ mi trắng, cổ bẻ tròn, một bên mái tóc là chiếc cặp có giát những miếng đá xanh, đỏ, tay cầm cái làn mây dán giấy hoa.
- Đêm nay chú ngủ lại trên ấy chứ?
- Chú ở chơi với cháu một lúc rồi chú về ngay.
- Đêm mới về đến nhà à?
- Chân chú có ngắn như chân cháu đâu.
- Cháu với chú bước thi nào.
Rồi nó bước dài chân ra, sau nó bước ngắn lại nhưng đi rất nhanh gần như chạy, và nó đã thấy thích thú ngay cái trò chơi mới mẻ vừa nghĩ ra. Quang chạy vượt lên một quãng rồi dừng lại, cười:
- Đi chậm thôi cháu ạ, có chuyện gì kể cho vui đi.
Những bụi ké đồng tiền ở dọc đường đã rụng hết lá, chỉ còn để lại trên nhành cây mảnh dẻ những nụ hoa vàng nhỏ như cúc áo. Một cây vông vang mọc xen vào giữa bụi tre dại, hoa nở ra mướt vàng, nhị đỏ màu mận chín. Bày sẻ bay từng đàn vụt qua đầu hai người rồi đậu trên những ngọn xoan thẳng tắp và kêu ríu rít trong đám lá xoan non đỏ ửng vì ráng chiều. Xa xa những cánh cò trắng lóa, cánh cong như vòng cung bay rập rờn lướt trên màu tím thẫm của dãy núi. Khung cảnh lặng lẽ và thơ mộng. Và lần đầu tiên, bộ mặt mỹ miều đầy sức quyến rũ của thiên nhiên đã rung động được tâm hồn con bé Tấm. Nó quay lại nhìn Quang bằng đôi mắt đen nhanh nhánh:
- Chú Quang ơi, ở Điện Biên đẹp quá chú nhỉ?