PDA

View Full Version : Kiếp Người



giavui
01-20-2015, 11:53 PM
Kiếp Người

Đặng Tiến Huy




Hè năm nay có dịp về thăm quê, vợ chồng tôi mới biết "U Hảo" đã mất. "U Hảo" là người quen gọi theo cách của "người ta", chứ chúng tôi thường gọi thân mật là Dì Hào. Dì là em họ xa của mẹ tôi. Như mẹ tôi kể thì đã xa đến bốn, năm đời. Bố mẹ dì nghèo lắm, làm thuê làm mướn quanh năm mà chẳng biết mặt đồng tiền, nên ông bà đặt tên các con đều có hơi hướng đồng tiền để nhắc nhở chúng ngay từ bé phải biết quý trọng tiền và biết cách làm ra đồng tiền. Đầu lòng là cái Chinh, rồi đến cái Hào, thằng Xu, thằng Xèng, con Chục, con Trăm, thằng út đặt là Nghìn.

Dì Hào lớn lên được gả chồng cho làng bên. Có được yêu thương tìm hiểu gì đâu. Mặt người chồng tương lai còn chẳng biết đầu cua tai nheo làm sao. Về ăn ở với nhau, lựa mà sống. Ban đầu gia đình hoà thuận, êm ấm. Chồng chăm chỉ làm ăn, biết thương vợ, thương con. Dì Hào đẻ năm bận, đậu ba. Hai trai một gái. Có nếp, có tẻ. Kinh tế gia đình tàm tạm đủ ăn. Các con đều được học hành. Ở nông thôn thế là tiến bộ, là quý hoá lắm rồi. Nào ngờ, sự đời thật là éo le!...

Trở lại đám ma của dì tôi. Theo dân làng kể lại, cả làng, xã, huyện nữa chưa có đám nào vừa đông, vừa sang trọng đến nhường ấy. Hàng trăm vòng hoa chứ ít của à. Có người nhẩm tính, mỗi vòng vị chi là năm, sáu mươi ngàn đồng, tổng cộng dễ đến sáu, bảy triệu chứ chả chơi. Cả năm ở cái đồng chiêm mùa thối này mà có ky cóp đến bao giờ mới kiếm nổi. Lại hàng trăm ô tô to nhỏ đưa đám mới ghê chứ. Tiền mua xăng dầu cũng đủ nuôi hàng chục gia đình cánh dân cày mình trong cả năm chứ chả ít của à. Người đưa đám toàn quan khách ăn mặc sang trọng. Đàn ông thì com lê cà vạt, chân đi giày đen bóng lộn. Đàn bà áo váy đủ màu, đủ kiểu, mặt bự son phấn trông như phường tuồng cả lượt. Họ đi nhở nhơ, mặt bóng lạnh, chẳng có chút thương cảm. Lại còn hỉ hả đủ thứ chuyện. Đám trẻ choai choai, con trai đứa thì đầu húi trọc, quần áo đen tuyền như Ăngka, võ sĩ thời trung cổ, đứa thì tóc tai bù xù, râu ria tua tủa, quần bỏ gấu, ống thì nhiều túi to nhỏ như lính Tây trên phim. Đám con gái quần mỏng bó sát như dán vào đùi, vào mông, áo hở rốn, môi tím, tóc cắt ngắn kiểu con trai, lông mày vẽ, mi giả... Ông chủ tỏ vẻ tất bật, cũng chân đất, áo xô, đầu đội mũ rơm, tay chống gậy vông, mặt rầu rĩ, thiểu não. Chỉ tươi lên đôi chút khi có khách phúng viếng, trên mâm ngũ quả có chiếc phong bì to, sau đấy được lấy ra nhét vào chiếc hòm trước mặt chủ, để ở dưới chân bàn thờ được niêm phong như hòm bỏ phiếu. Mặt hòm có dán hàng chữ đen: Cung tiến lễ đen kính viếng. Đứng túc trực ngay đấy là hai anh thợ ảnh, thay nhau chớp máy ghi hình những quan khách lúc nhét phong bì vào hòm cung tiến... Bà vợ ông ta cũng áo xô, khăn trắng tùm hum, chạy lăng xăng chỗ này chỗ kia bảo ban, sai khiến người nhà, người giúp việc đón khách, mời trầu, mời nước sao cho phải phép. Các đứa con của ông bà chủ thì tha hồ trổ tài đóng kịch, coi như được một dịp thỏa thích chơi đùa lạ lẫm độc đáo hiếm có. Vì chúng còn ông bà nội ngoại đâu mà được dịp ma chay như thế này. Chờ đến dịp bố mẹ chúng thì còn lâu. Ông bà bô còn khoẻ như vâm. Mộ được đặt ở phần đất cao ráo đẹp nhất nghĩa trang xã. Nghe nói phải mua ối tiền bạc đấy. Ai cũng mừng cho dì Hảo. Người ta kháo với nhau: "Đời người ta chẳng biết thế nào, đời bà ấy tưởng khổ hơn kiếp trâu, khi chết lại hoá ra sướng như bà hoàng, cô chúa". Sự thắc mắc, ngờ vực về đám ma của dì tôi cũng lắm, nhưng không ai dò tìm được những điều bí ẩn kia. Rồi thời gian và công việc phôi pha dần cái sự rỗi hơi ấy. Khi thấy vợ chồng tôi về mọi người như bắt được của, cái đám ma lạ lùng bỗng dưng sống động trong trí óc tò mò của bà con ở làng quê này, vốn rất chuộng những sự lạ, túm lấy, vây lấy chúng tôi mà hỏi han, mà yêu cầu giải đáp. Chúng tôi cũng mù tịt, cũng thấy thật là lạ. Về đến đây chúng tôi mới biết dì Hảo chết cơ mà.

Đời Dì Hào, chúng tôi biết rõ lắm. Dì bị đuổi khỏi cái gia đình tưởng hạnh phúc, đầm ấm kia là sau khi con trai cả lập gia đình, rồi dắt díu nhau đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới tận trong Nam. Cô con gái thứ hai đi lấy chồng, sau đó cũng theo chồng lên xây dựng nông trường ở một tỉnh miền núi phía Bắc xa lắc nào. Anh con trai út lớn lên đi bộ đội. Bố ở nhà điện về cưới cho cô vợ không biết mặt mà chỉ qua thư từ và tấm ảnh 3x4. Một tuần sau ngày cưới, anh về đơn vị rồi bặt tin tức chẳng thư từ gì. Cô vợ trẻ ở nhà ngao ngán, dan díu với bố chồng. Dì tôi bị chồng hắt hủi, đánh chửi từ đấy. Cắn răng nuốt nước mắt mà chịu cũng không được. Không thể chịu cảnh con dâu ngang nhiên ăn nằm với bố chồng, ngang nhiên thách thức, ghen ngược, coi thường mẹ chồng, Dì tôi bỏ nhà lên tỉnh cho khuất mắt, tìm mẹ tôi, nhờ cậy giới thiệu cho nơi tử tế để giúp việc, nương tựa.

Mẹ tôi rất thương tình cảnh dì, bà giới thiệu với những gia đình tử tế, cần người giúp việc. Ít lâu sau, người chồng phụ bạc bán hết cơ nghiệp cùng cô con dâu bụng chửa vượt mặt, không còn mặt mũi mà trông thấy làng xóm nữa, tếch đi biệt xứ nào không ai biết. Dì tôi thành người vô gia cư, bơ vơ nơi đô hội xô bồ, sôi động cái hay cái dở đan xen khó lường, thành con sen, kẻ hầu lăn lóc hết nhà này sang nhà khác kiếm bát cơm manh áo cho qua ngày. Hồi mẹ tôi còn sống, chủ nhật nào Dì cũng đến chơi. Hai bà quấn quýt nhau lắm, ngồi nói chuyện với nhau cả buổi. Tôi thấy Dì không vui mà chỉ sụt sùi khóc. Lần nào mẹ tôi cũng giữ Dì ở lại ăn cơm, tự tay gắp nhiều thức ăn ngon cho Dì và ép Dì ăn nhiều. Lại còn san sẻ những chiếc áo, chiếc quần không còn mới cho Dì nữa. Dì mặc quần áo đẹp vào trông cũng không đến nỗi chân quê, mà còn đầy đặn phúc hậu nữa. Dì chăm làm, cẩn thận, sạch sẽ, lời nói lại nhẹ nhàng, chân thật nên chủ nào cũng quý cũng thương.

Buồn một nỗi, Dì không làm được ở đâu lâu. Dăm bữa nửa tháng lại mất việc. Ngày ấy coi như cấm, không được mướn người làm thuê vì như vậy là làm ông chủ bóc lột người khác. Thế là phải mướn chui. Ai biết có người lạ trong nhà thì phải nói dối là: "Bà con ở quê lên chơi, thấy nhà neo bấn quá, ở lại trông cháu hộ ít ngày". Ngặt một nỗi, tất cả người có nhu cầu thuê người giúp việc đều neo đơn và đều là cán bộ công nhân viên Nhà nước, lương thấp, thu nhập kém nên kinh tế không dư dật lắm, phải tính toán chắt bóp, dè xẻn. Vì vậy họ ngại thuê người già cả, ốm yếu, sợ mang vạ vào thân, không những không giúp được việc gia đình mà lại phải chăm sóc, thuốc men tốn kém thêm. Chẳng may cụ tịch ra đấy lại phải ma chay phiền phúc trăm bề. Tuổi Dì tôi, cái già cứ sồng sộc chạy tới, đã có biểu hiện mắt mờ, chân chậm, tai nghễnh ngãng. Họ chỉ thuê Dì theo khoán công việc hoặc thời vụ. Có hồi Dì đến ở nhà tôi hàng tháng vì mất việc. Thường Dì dậy thật sớm, dù ngủ thật muộn, thu vén việc nhà giúp chúng tôi. Mẹ tôi không bằng lòng để Dì làm như thế. Coi Dì như khách. Đến khi tìm được việc làm, Dì trả tiền ăn, mẹ tôi vừa không lấy vừa mắng Dì là khách sáo. Dì thấy tủi, chỉ khóc. Anh con trai út mấy lần tìm đón Dì vào Nam, nơi anh lập nghiệp đã có vợ con nhà cửa vườn tược, để đoàn tụ gia đình, nhưng Dì kiên quyết không đi đâu cả. Dì bảo sống nhờ vả bà con, chết về quê hương bản quán.

Hôm mẹ tôi chết, Dì khóc rất lâu, rất thảm thiết, đưa ra tận mộ, ở lại thật lâu mới về. Rồi sau đó, Dì ít đến chơi. Đôi khi gặp Dì ở ngoài đường, tôi trách, Dì chỉ cười buồn. Có một lần trông Dì vui lắm. Tôi chưa thấy mặt Dì rạng rỡ, nụ cười tươi tắn hiền hậu và đôi mắt lá dăm đẹp thế bao giờ. Dì nói ngắn gọn với tôi: "Cháu à, cái nhà ngày xưa mà Dì bỏ việc ấy, vừa cho người tìm Dì mời trở lại làm. Họ bảo sẽ đảm bảo việc làm cho Dì đến hết đời. Chết sẽ lo chu tất về tận quê". Tôi tỏ ra rất vui, chúc mừng Dì, Dì lặng lẽ chép miệng: "Giá còn mẹ các cháu thì còn hỏi han được đường đi nước bước, đằng này... Thôi thì Dì cũng liều nhắm mắt đưa chân một phen xem sao"...

Tối hôm ấy, tôi vui vẻ nói lại chuyện của Dì với vợ tôi, cô ấy không vui mừng cho Dì mà còn giãy nảy lên:

- Thôi chết... Dì lại dấn thân vào cái nhà xỏ lá ấy ư? Đời Dì rồi lại khổ đây. Để mai em gặp Dì xem sao.

- Sao cái gì? Em biết điều gì rồi à? Người ta hứa có việc làm phù hợp cho Dì cả đời. Ốm đau sẽ chăm sóc. Họ còn lo cả đại sự cho Dì nữa. Dì bảo bây giờ họ làm cán bộ to, giàu có chắc là sẽ khác trước.
Vợ tôi thủng thẳng dửng dưng, lạnh lùng hiếm thấy, nói:

- Bản chất con người thì đổi khác làm sao mà nhanh thế được. Càng nhanh tiến bộ, càng giàu có thì càng xảo quyệt tinh vi, ai lường được.

Và rồi công việc bộn bề cuốn hút tôi quên phắt những điều trên. Hôm sau không biết vợ tôi có gặp Dì không, sự việc diễn biến thế nào tôi cũng không hỏi lại. Và vợ tôi cũng không hề nói gì cả. Dì cũng không đến nhà tôi chơi lần nào nữa. Tôi thường đi qua chỗ Dì cháu hay gặp nhau cũng không gặp lại Dì. Cho đến hôm vợ chồng tôi về quê mới hay Dì đã mất. Và được nghe người làng kể về đám ma của Dì, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, chẳng còn hiểu ra làm sao cả. Vợ tôi không nói năng gì cứ nước mắt ngắn nước mắt dài thương Dì. Chúng tôi ra viếng mộ Dì. Thế mà hơn một năm đã trôi qua, cỏ xanh đã lan kín phần mộ. Tấm bia bị lún nghiêng ngả, đất lấp hết phần ngày tháng. Tôi bới đất dựng lại tấm bia ngay ngắn mới hay ngày 12 tháng trước là giỗ đầu. Thế mà phần mộ chẳng có dấu tích sửa sang hoặc hương khói gì. Như một nấm mộ hoang vô chủ. Tôi tìm kiếm quanh mộ cũng không còn thấy vết tích gì của đám ma to hơn trăm vòng hoa. Tôi vào làng mượn cuốc mượn xẻng, vợ chồng hì hục đắp lại mộ cho Dì cao to như những nấm mộ khác. Chúng tôi hương khói khấn lạy Dì. Trước khi về vợ tôi nói: "Từ giờ trở đi chúng con xin phép được chăm sóc phần mộ Dì. Xin Dì tha thứ cho sự vô tâm của vợ chồng chúng con. Chúng con sẽ tin cho các em được biết để về tạ tội trước Dì. Mong Dì an tâm nghỉ".

Một hôm có một bà lão khoảng trên bảy chục tuổi tìm đến nhà tôi. Bà tự giới thiệu là bạn hàng xóm của Dì tôi. Bà tìm đến đưa một số kỷ vật mà Dì tôi nhờ bà gửi đến cho chúng tôi trước lúc lâm chung vài ngày, trước khi bà bay sang Đức thăm vợ chồng thằng con. Tưởng đi ngày một ngày hai thì về, ai dè bọn chúng cứ giữ mãi đến hơn một năm mới về được. Bà về mới biết Dì tôi đã mất, vội tìm đến chúng tôi ngay. Tôi gọi vợ tôi lên tiếp bà. Bà đưa cho vợ tôi một cái gói nhỏ, được gói cẩn thận bằng cái khăn mùi xoa và bảo: "Chị mở ra đi, tôi cũng không biết trong đó có gì đâu, hai mặt một nhời để tôi khỏi áy náy". Vợ tôi mở gói ra, trong đó có một lá thư, bên trong gói một đôi khuyên vàng. Vợ tôi đọc thư cho cả bà và tôi nghe, thư viết vẻn vẹn mấy dòng: "... Cả đời Dì làm lụng dành dụm được có ngần này, con cái thì bạc bẽo, Dì gửi nhờ hai cháu hương khói cúng giỗ giúp Dì". Vợ tôi bật khóc. Bà cụ cũng bật khóc. Và tôi cũng không tài nào cầm được nước mắt. Hồi lâu, bà cụ nói: "Có người nhà ở đây mà bà lão kín tiếng thế đấy. Đời tôi cũng có đận khổ, bà lão còn khổ gấp trăm. Lúc đầu tôi cứ tưởng bà lão là mẹ đẻ của cái nhà ông cán bộ to ở cạnh nhà tôi cơ. Ông ấy nói với mọi người là mới đón cụ ở quê lên. Một điều U Hảo hai điều U Hảo ngọt xớt. Những đứa con cũng nheo nhéo gọi U Hảo như sai bảo, đôi lúc lại mắng té tát. Bà lão được cái tài nhịn, cấm nói một lời. Tôi thắc mắc hỏi các con, chúng nó chỉ cười mà bảo: "Ôi dà, mẹ kệ người ta. Bây giờ u thật u giả nhan nhản biết đâu mà lần". Thỉnh thoảng bà lão ra cổng gặp tôi nói dăm ba câu chuyện. Hôm nào không có ông bà chủ ở nhà tôi mới mời được bà vào nhà chơi. Cũng chỉ chân ướt chân ráo, uống vội chén nước, ngồi chưa dập bã trầu đã xin phép ra về. Một hôm bà ấy sang chơi tôi lâu hơn. Bà bảo vợ chồng nhà ấy đi nghỉ ở nước ngoài nửa tháng, thằng con trai kéo bạn bè về nhà nhậu nhẹt, đuổi khéo bà đi chơi. Bà nói giọng mếu máo, mắt rân rất nước, khuôn mặt sầu não tồi tội: "Đi ăn ở cho người ta nhục hơn con chó. Ăn thì cơm thừa canh cặn, làm thì quần quật suốt ngày, toàn những việc không tên. Quanh năm đầu chày đít thớt, làm thật ăn giả. Thế mà có được yên thân đâu, vẫn bị mắng chửi nhiếc móc. Mặc thì toàn đồ bỏ đi, thừa thãi của bà chủ. Thôi thì đủ màu đủ kiểu trông như đồng bóng mà không dám chê. Liều, nhắm mắt mà mặc, không thì bà chủ mắng té tát mất mặt. Lũ trẻ tha hồ trêu trọc gọi bằng đủ cái tên: "mẹ đốp", "mẹ mìn", "mẹ phường chèo"... cắn răng nuốt nước mắt vào trong mà nhịn nhục. Quần áo của mình không được mặc để khỏi mang tiếng trong nhà sang trọng thế mà chứa chấp con mẹ nhà quê. Vô phúc có khách trông thấy lại vu cho bôi xấu, trát gio trát chấu vào nhà họ. Nhục một nỗi là mặc loại quần áo ấy vào chẳng dám vác mặt đi đâu, tỉnh chẳng ra tỉnh, quê chẳng ra quê. Điên dở cũng không ăn mặc thế. Đành quanh quẩn só nhà, góc vườn, làm việc này việc nọ cho qua ngày. May mà còn bộ quần áo rung rúc bà bạn cho kiểu nhà quê nền nã đáo để cứ phải để dành. Cần đi đâu lắm mới mặc, về lại thay ngay giấu vào đáy tay nải đụp treo ở đầu giường. Ở thì trong gian chuồng nhà chủ trước kia nhốt chó béc giê, được sửa sang, quét vôi lại trước khi đón bà về, lại nằm kề dưới chân cầu thang, lối xuống nhà tắm và nhà vệ sinh nên hôi hám tối om om. Đêm ngày muỗi như trấu, dưới gầm giường chuột chù cắn nhau chí chóe hôi rinh rích. Những đêm không ngủ được bà ngồi chồm hỗm trên giường cầu trời khấn phật cho bà nhanh chóng rời khỏi nơi địa ngục trần gian này. Nhưng kiếp bà còn nặng nợ, còn bị đoạ đày. Chỉ khi ốm liệt giường bà mới được đưa lên nằm ở ô trên nhà trên để khách khứa đến thăm, đẹp mặt ông bà chủ. Ai ra về cũng có lời tấm tắc khen: "Ông bà đối với mẹ tận tình chu đáo quá đấy. Thật là có hiếu".

Bao nhiêu tiền của, cái ngon vật lạ khách đem biếu kẻ ốm cũng là dịp bày tỏ tình cảm với ông bà chủ; khách chưa ra khỏi cổng mọi thứ đã thu vén đem tót lên phòng bà chủ". Kể đến đấy rồi bà xin phép ra về. Trông dáng đi lọm khọm thiểu não, yếu lắm rồi của bà, tôi ái ngại quá.

Ngày hôm sau nhà bên ấy ầm ầm, tiếng mắng chửi bà thậm tệ. Bọn con cái nhà ấy vu cho bà quên đóng khoá cửa để trộm vào lấy mất cái xe máy. Chúng đã trình báo công an. Công an có đến hiện trường xem xét khá lâu, rồi đến gặp bà hỏi vặn vẹo một hồi. Vợ chồng ông bà ấy đi nước ngoài về, bên ấy lại ầm ĩ cả lên. Những ngày tiếp đó khách khứa nườm nượp chia buồn. Xe máy, ô tô đỗ chật cả cổng, cả đường phố. Hôm bà sang gửi tôi lá thư này trông bà yếu lắm, nhưng tôi không dám quở. Bà bảo: "Cò gì bà để ngoài tai cho nhé, tiếng là bảo mất xe máy nhưng có mất đâu, thằng con nghiện hút đem đi cầm nợ, ấy thế mà vừa được tiếng, vừa được miếng, họ đến biếu xén chả bằng hai ba cái xe máy ấy chứ. Tôi chỉ là u hờ thôi. Tên tục tôi là Hào cơ. Trước là con ăn đứa ở nhà này. Cái đận nhà bên ấy còn nghèo, ông bà chủ là cán bộ thường, lũ con ăn như phá. Hôm bà ấy đưa lũ trẻ về quê, ở nhà chỉ còn tôi và ông ta. Sau bữa cơm chiều, ông ta cho tôi một bánh xà phòng thơm (hồi ấy loại này hiếm lắm) bảo tôi đi tắm cho mát. Tôi lấy làm lạ nhưng không dám trái lời ông chủ. Ai dè, lúc tôi đang tắm ông ta gọi cửa rồi đẩy tung xồng xộc vào ôm chặt lấy tôi ngấu nghiến cầu xin. Hồi ấy tôi còn trẻ khoẻ, lấy hết sức dẫy dụa tuột khỏi vòng tay nhầy nhụa của ông ta chạy lên buồng đóng chặt cửa lại. Cứ thế đứng run lẩy bẩy rồi khóc. Ông ta đuổi theo đứng ngoài cửa nói ngon ngọt dỗ dành, lúc lâu vẻ ân hận, xin lỗi, hứa để tôi yên. Nào ngờ, vào hồi nửa đêm về sáng, ông ta gọi giật giọng, thảng thốt: "Nhà Hào đâu dậy, dậy mau, nhà như có trộm".

Ông ta sai tôi xuống nhà dưới kiểm tra các cửa xem đã đóng khoá, chốt kỹ lưỡng chưa. Tôi đang lúi húi kiểm tra từng ổ khoá, bỗng điện phụt tắt. Cả nhà tối om om. Nhìn sang hàng xóm thấy sáng trưng. Tôi linh tính thấy điều chẳng lành, tóc gáy cứ dựng đứng cả lên. ThìnhÕ lình ông ta ôm chặt lấy tôi, sặc sụa mùi rượu. Toàn thân ông ta chẳng thấy có quần áo, nhầy nhụa mồ hôi. Tôi kiên quyết chống cự. Một cuộc vật lộn khá lâu. Lúc hắn thở dốc định buông tay xé rách quần áo tôi, tôi nhanh gằm người xuống hẩy mạnh cho hắn ngã. Hắn chới với tay túm được ống quần tôi kéo mạnh. Quần tụt. Tôi tuồn khỏi hai ống quần lẩn vào xó tối, khe khẽ lần mò về phòng đóng xập cửa lại. Chốt chặt. Hắn đứng ngoài cửa, ôm cái quần của tôi, hậm hực chửi đổng: "Đồ nhà quê, làm bộ làm tịch. Tưởng danh giá lắm đấy. Rồi có lúc ngửa ra xin chả chó nào nó thèm". Chờ bà chủ về lấy cớ thằng con út đến tìm, tôi xin phép về không làm nữa. Bẵng đi đến hơn chục năm, khi ông ta giàu có lại tìm đến tôi xin lỗi, hứa phụng dưỡng tôi suốt đời, với điều kiện tôi làm u nuôi của ông bà và phải đổi tên là U Hảo, có giấy tờ đàng hoàng. Giữa lúc tôi không có việc làm, chồng con bạc bẽo bỏ đi hết, thân cô thế cô, người ta cũng nghĩ lại, tôi đồng ý. Ai dè chỉ là cái bình phong cho họ bòn rút tiền của người khác. Chả là cả ông lẫn bà không còn bố mẹ nữa. Tôi ốm đau người ta ùn ùn kéo đến thôi thì đủ loại quà cáp, phong bì. Nhưng tôi có được hưởng, được biết tí gì đâu. Đường sữa lũ trẻ ăn uống không hết nhờ người bán. Tôi chỉ được uống của thừa cốc cặn. Không biết lúc tôi chết họ còn bày vẽ thế nào đây. Tôi gửi bà gói này khi có mệnh hệ gì bà gửi giúp cháu tôi theo địa chỉ đây. Bà thương tôi bà giữ kín hộ nhé. Tôi thương bà lão quá. Sau lần ấy bà ốm nặng. Tôi nhiều lần định sang thăm bà, nhưng ngại vì nhà bên ấy kín cổng cao tường lại khách khứa lu bù, rốt cuộc, bà ấy mất mà chị em tôi không gặp được nhau. Khi về nhà nghe bà con lối phố kể về đám ma phúng viếng những ba bốn ngày, vòng hoa, ô tô đưa đám đếm không xuể. Tôi vừa mừng vừa xót xa cho bà. Mừng vì bỗng dưng bà được hưởng bả vinh hoa khi nhắm mắt. Xót xa vì thân phân bà bị người ta coi như một món hàng để lừa người, lừa đời mưu lợi riêng. Kiếp người ta cũng ba bảy đường thế đấy anh chị ạ.

Bà lão bạn dì Hảo ra về một úc lâu mà vợ chồng tôi cứ lặng đi. Đến lúc vợ tôi thôi sụt sịt, nói trong tiếng nấc dài, chua chát, tôi mới càng trách mình đã ngu lâu quá.

- Đão bảo mà, có sai đâu, hôm ấy em gặp Dì gàn thế nào cũng không được. Chán chả nói lại với anh nữa. Đời người ta sao lắm oái oăm, ngang trái thế. Cái giả dối được sơn son thiếp vàng trưng ra trước thiên hạ, còn cái thật, cái tốt thì cứ bị lợi dụng cho đến lúc chết cũng không buông tha.

Câu chuyện về Dì Hảo tôi (hay người ta đổi thành U Hảo để lợi dụng đi chăng nữa), tưởng chúng tôi chẳng dính líu gì, hoá ra rốt cuộc lại là người được hưởng quyền chăm sóc mộ phần, và cúng giỗ Dì tôi, theo di chúc Dì để lại. Vợ chồng tôi có dự định, khi nào mãn tang xin phép bốc mộ Dì về đặt cạnh mộ mẹ tôi để hai bà già gần gụi nhau tâm tình như thuở hai bà còn sống ở đời.