PDA

View Full Version : Vùng Biển Mất Tích



giavui
10-28-2010, 12:27 AM
Vùng Biển Mất Tích

Đào Hiếu

http://i796.photobucket.com/albums/yy249/hangnga_01/NXBTreStoryFull_10482013_034828.jpg




1. Dấu chân con ngựa thần

Trong mấy ngày gần đây cứ mỗi lần thức dậy là Sơn nghe tiếng con chim non kêu chiêm chiếp trước nhà. Hình như nó vừa bay vừa kêu. Tiếng kêu nhỏ, thơ ngây, theo gió đưa tới rồi to dần lên khi ngang qua trước cửa. Ðó là lúc Sơn còn ngái ngủ. Sơn nghe mơ hồ có tiếng cái lá dầu to, nặng nề rơi xuống mái nhà.

Tiếng chim đã bay qua nhưng vẫn còn vang mãi trong trí nhớ của cậu bé. Nó gợi dậy nỗi bơ vơ, lạnh lẽo cô đơn của kiếp vô gia đình.

Tại sao con chim ấy cứ bay đi đâu một mình vào lúc sáng sớm như thế?

Ðến ngày thứ tư Sơn quyết định trở dậy từ khi nghe gió đưa tiếng chim tới. Em đi ra cửa, ghé mắt nhìn qua khe. Tiếng chim tới gần nhưng đồng thời trên con đường mòn nhỏ trước nhà cũng hiện dần một cái bóng đen mảnh khảnh. Bóng đen ấy mang tiếng chim đến.

Thì ra không phải tiếng chim mà là tiếng một bộ phận nào đó trong chiếc xe đạp trành của người nọ cọ xát khi ông đạp xe.

Sơn quay vào giường nhưng chợt thấy ánh lửa sáng rực trong bếp, em tỉnh ngủ hẳn và lại gần má.

-Khoai chín chưa má?

Má Sơn mở nắp nồi, lấy chiếc đũa tre cắm thử vô một củ khoai, thấy còn cứng, bà đậy nắp vung lại.

-Chưa chín. Sao bữa nay con dậy sớm vậy?

-Con nghe tiếng chim, nhưng dậy coi thì là một người cưỡi xe đạp, đạp cút kít đi đâu về hướng Bến Nôm. Ba bốn bữa nay rồi đó.

-Mấy người đi làm rẫy.

-Không phải. Ông này như ở đâu mới lại.

Bà mẹ không để ý đến câu nói của con nữa, quay sang sửa soạn ấm nước trà, diêm quẹt là những thứ mà bà phải mang theo xuống đò.

giavui
04-20-2015, 09:16 PM
Trong mấy ngày gần đây cứ mỗi lần thức dậy là Sơn nghe tiếng con chim non kêu chiêm chiếp trước nhà. Hình như nó vừa bay vừa kêu. Tiếng kêu nhỏ, thơ ngây, theo gió đưa tới rồi to dần lên khi ngang qua trước cửa. Ðó là lúc Sơn còn ngái ngủ. Sơn nghe mơ hồ có tiếng cái lá dầu to, nặng nề rơi xuống mái nhà.

Tiếng chim đã bay qua nhưng vẫn còn vang mãi trong trí nhớ của cậu bé. Nó gợi dậy nỗi bơ vơ, lạnh lẽo cô đơn của kiếp vô gia đình.

Tại sao con chim ấy cứ bay đi đâu một mình vào lúc sáng sớm như thế?

Ðến ngày thứ tư Sơn quyết định trở dậy từ khi nghe gió đưa tiếng chim tới. Em đi ra cửa, ghé mắt nhìn qua khe. Tiếng chim tới gần nhưng đồng thời trên con đường mòn nhỏ trước nhà cũng hiện dần một cái bóng đen mảnh khảnh. Bóng đen ấy mang tiếng chim đến.

Thì ra không phải tiếng chim mà là tiếng một bộ phận nào đó trong chiếc xe đạp trành của người nọ cọ xát khi ông đạp xe.

Sơn quay vào giường nhưng chợt thấy ánh lửa sáng rực trong bếp, em tỉnh ngủ hẳn và lại gần má.

-Khoai chín chưa má?

Má Sơn mở nắp nồi, lấy chiếc đũa tre cắm thử vô một củ khoai, thấy còn cứng, bà đậy nắp vung lại.

-Chưa chín. Sao bữa nay con dậy sớm vậy?

-Con nghe tiếng chim, nhưng dậy coi thì là một người cưỡi xe đạp, đạp cút kít đi đâu về hướng Bến Nôm. Ba bốn bữa nay rồi đó.

-Mấy người đi làm rẫy.

-Không phải. Ông này như ở đâu mới lại.

Bà mẹ không để ý đến câu nói của con nữa, quay sang sửa soạn ấm nước trà, diêm quẹt là những thứ mà bà phải mang theo xuống đò.

Sơn để dành khoai lang cho má trong cái rổ nhỏ đan bằng tre xong giúp má đem các thứ ra bến đò. Bà má nhìn về phía chân trời ửng hồng:

-Bữa nay nắng tốt đây. Con đi học xong về nhà liền, giúp ba phơi bánh dầu nghe chưa.

Sơn dạ và xô thuyền của má ra giữa dòng rồi em leo dốc bờ sông, theo lối mòn đầy cỏ ống đi lẫn vào trong đám mì xanh rậm rạp. Bình minh bắt đầu thắp sáng những ngọn cây cao vút mọc hai bên con đường đất vàng xám. Bao giờ từ trong đám mì, đám mía hay từ dưới suối lên đường cái em cũng có cảm giác vui mừng như tìm lại được một cái gì thân yêu mặc dù con đường nhỏ ngoằn ngoèo này Sơn đã qua lại nhiều lần. Những buổi sáng như thế này em thấy con đường trở nên thân mật lạ lùng. Con đường nhỏ, vào những buổi sáng tinh sương cũng hiền lành như con chó đốm nằm ngủ bên đụn rạ sau nhà. Nó yên lặng, thanh thản và nhiều khi có vẻ mơ mộng. Lát nữa, những tia mặt trời đầu tiên sẽ giọi xuống những chòm hoa cỏ may, làm sáng lên những giọt sương đọng long lanh trên các mạng nhện giăng ở đó. Con đường nằm đợi Sơn không một tiếng động. Bước chân của Sơn là bước chân đầu tiên khua trên đoạn đường này. Cả những con gà cũng chưa ra tìm trùn ở đây. Những con trùn to như ngón tay, nâu sậm và có vằn như những con rắn con, bò chậm chạp từ bên này bờ cỏ sang bên kia bờ cỏ. Lũ gà ở ấp Thanh Giang II này chẳng cần phải đi tìm mồi đâu xa mà vẫn mập ú nhờ những con trùn chậm chạp và ngu dại này.

Lát nữa đây thì không còn con trùn nào nữa trên đường cái, con đường sẽ đón nhận những dấu chân của đàn trẻ nhỏ, những guốc dép hay bàn chân trần nhỏ xíu, mốc thếch. Nó đón nhận cả tiếng noí chuyện rầm rì, tiếng cười khúc khích, tiếng la hay tiếng chân đuổi nhau.

Sơn thấy mình may mắn hơn những đứa trẻ khác bởi chỉ mình em biết được vẻ tĩnh lặng của con đường lúc chưa có ai đi qua, cũng như cái hoang vắng lạ thường của những buổi trưa đứng gió Sơn đi học về, ăn cơm xong, sửa soạn ra bến đò thay cho má trở về. Và những chiều tối con đường thu hẹp lại, trũng xuống như một dòng suối nhỏ câm lặng nằm nghe tiếng giun dế rỉ rả. Ðó là những lúc Sơn cột thuyền ở bến sông và trở về nhà với mấy con cá ngựa câu được lúc đợi khách. Buổi chiều là những lúc Sơn nhớ má nhất, dẫu chỉ mới xa có một buổi, dẫu lát nữa đây em sẽ trở về ngồi bên mâm cơm có ba, có má và con chó đốm. Bao giờ tới đầu dốc em cũng thấy cái mái tôn xi-măng xám bạc và tưởng tượng ra cảnh gia đình sum họp, thế rồi em bước nhanh hơn.

Nhưng những sáng tinh sương như hôm nay, không bao giờ đem lại cho Sơn tình cảm đó. Khi lên tới đầu dốc em nhìn mặt trời đang lên, đỏ chót trên những đọt mì xám đen và lòng cậu bé rộn lên một nỗi vui, náo nức lạ thường. Em bước đi nhanh, miệng huýt sáo.

Người cha đã trở dậy, ông ngồi yên lặng uống trà trên cái phản gỗ, cổ quấn một chiếc khăn rằn lớn. Sơn biết ông đang buồn nên em thôi không huýt sáo nữa. Người đàn ông thì cũng chẳng ngó ngàng gì tới con. Sơn lấy cặp, quẹo vô bếp.

-Ba ăn khoai chưa, ba?

-Con ăn đi.

-Con ăn rồi. Thôi, con đi học.

Sơn nhảy qua hàng rào xương rồng và đi thẳng đến trường.

Vào khoảng giữa tiết thứ hai có mấy anh trên ấp đến trường quyên tiền cho công trình thủy điện Trị An. Mấy lần trước các anh cũng có đến nói chuyện xây đập, làm nhà máy thủy điện, rồi sau đó đi đâu Sơn cũng nghe nói chuyện ấy. Những người lớn hơn thì bàn tán chuyện dọn nhà đi chỗ khác. Có người vui, có người buồn rầu lo lắng, có người tức giận. Sơn hiểu đại khái là nhà mình phải dời đi vì nước sẽ ngập qua đó, ngập luôn cả vườn trái cây của ba nên ba tức. Nhưng thủy điện là cái gì mà phải buộc người ta dời nhà đi?

Sơn bắt chước mấy đứa bạn đóng góp năm mươi xu, rồi khi mấy anh trên ấp đi rồi em mới hỏi thầy giáo:

-Chừng nào xây đập, thầy?

-Sắp xây.

-Sao người ta không đem ít cái máy điện về chạy mà phải xây thủy điện làm gì cho khổ vậy thầy?

-Sao khổ? Thầy giáo hỏi lại. Xây nhà máy xong mình có điện xài chớ.

-Nhưng phải dời nhà đi chỗ khác biết ở đâu?

Một đứa khác hỏi:

-Nhưng sao xây đập mà có điện được thầy?

-Ồ nói ra mấy em không hiểu đâu. Ðại khái là minh không cần dầu, mình chỉ cần ngăn nước lại, cho nước ở trên cao đổ xuống làm quay máy điện. Khỏi tốn xăng.

-Nhưng sao nước trên cao đổ xuống lại làm quay cái máy điện được. Bộ nó không làm ngập cái máy à?

Thầy giáo bực mình

-Thôi, hết giờ. Các em hiểu đại khái vậy được rồi. Lấy vở toán ra.

Tiếng lật vở loạt xoạt khắp nơi. Sơn vừa lật vừa nghĩ: không có điện thì mình thắp đèn dầu cũng được chớ có gì quan trọng đâu mà phải khổ vậy. Và lòng em cứ băn khoăn mãi cho đến khi về tới nhà dọn cơm cho ba, nhìn thấy những giọt mồ hôi to chảy dọc xuống lưng ba, Sơn thương ba quá. Em đến phụ ba lấy xác đậu phộng ra khỏi khuôn, rải trên cái nong lớn. Ba Sơn uống một bát chè nóng và lấy mo cau quạt phành phạch. Những ngón tay ông dính đầy đậu phộng bóng nhảy. Sơn lấy khăn đưa cho ba lau rồi mời ông ăn cơm. Người cha uống một chút rượu, tươi tỉnh hơn. Ông nói:

-Lúc nãy đi qua vườn con có nghe mùi gì không?

-Con không để ý.

-Ba đứng trong này ép dầu mà nghe mùi mít chín. Lát ăn xong con ra kiếm thử. Ðể chuột nó phá.

Ðó là việc Sơn thích nhất. Cây mít cao tán rộng, lá không dày lắm nhưng mượt và to bản. Sơn chuyển ra nhánh lớn, mũi hít hít đánh hơi, bàn tay vỗ lên những trái mít lớn lòng thòng.

Mùi thơm đã dẫn em đến đúng chỗ. Trái mít chín vỗ nghe bịch bịch như vỗ vào cái túi nước. Sơn đổi thế ngồi cho chắc rồi một tay bợ phía dưới một tay cắt cuống. Em ôm trái mít như ôm con heo con trong lòng.

Sơn đặt trái mít dưới chân ba, ông Thái dùng ngón chân cái lăn lăn nó rồi nói:

-Trời ơi, cây trái tốt tươi như thế này. Công lao của cha con mình đổ ra biết là bao nhiêu.

Sơn ngoảnh nhìn ra vườn. Những hàng cây ăn trái vẫn xanh mượt, lấp lánh trong nắng trưa, tạo ta những bíng mát thần tiên, những lối mòn đầy kỷ niệm với hang dế, hang chuột, những tổ chim bất ngờ nơi một cành cao, những cây cong như mái vòm với chiếc võng cột bên dưới đong đưa, đong đưa trong những trưa thanh vắng. Sơn khó có thể tưởng tượng được một ngày nào đó mình sẽ rời bỏ khu vườn đầy kỷ niệm này để đi đến một vùng nào xa lạ.

Một con cò trắng bất ngờ từ ngọn cây xoài vụt bay lên. Sơn giật mình đứng bật dậy.

-Con đi thay má.

Em vơ lấy một cuốn sách toán và nhảy qua hàng rào xương rồng. Em băng qua đám mì thật nhanh và tụt xuống bờ cỏ. Những con cào cào bị quấy rầy bay lên lách tách. Tiếng nước chảy róc rách qua những khe đá nhỏ nghe đã rõ dần. Có ai đó đi giặt ở bến sông về, tiếng bước chân dẫm lên lá khô dòn. Ði được một lúc nữa đã nghe tiếng các em lớp một đi học buổi chiều. Chúng nói chuyện ríu rít, rúc rích như lũ gà con giành ăn thóc.

-Má anh có ngoài bến không?

-Má anh mới đưa tụi em qua. Một đứa bé gái nói.

Sơn tát nhẹ vào cái má bầu bĩnh của cô bé:

-Cảm ơn. Chiều nay anh sẽ đưa mấy em về.

Sơn vừa nói vừa nhảy xuống đò. Bà Thái hỏi:

-Sao con ra trễ vậy?

Sơn đáp:

-Ba biểu con hái mít. Hôm nay nhà mình có trái mít chín má à.

Bà Thái gom mớ rau càng cua bỏ vô rổ rồi lên bờ đi về. Sơn cho thuyền trở đầu và thả trôi nhẹ xuống theo dòng nước. Buổi trưa nắng rực rỡ trên sông. Nắng vàng tươi nhưng vẫn dịu mát êm ả. Bóng cây ngã xuống mặt nước lăn tăn, rập rình, nhấp nhô.

Sơn không đi đâu xa, em cho thuyền ghé lại một bến đá quen thuộc, chờ những bác thợ rừng để đưa họ đi làm buổi chiều ở lâm trường Mã Ðà. Sơn đưa được mấy chuyến thì không còn ai nữa, em cho thuyền vào dưới bóng cây quen thuộc của mình bên một tảng đá lớn. Ðó là giang sơn riêng của Sơn, một hang động nho nhỏ, một gốc cây sung già có cành sù sì, chi chít những trái xanh, đỏ, có chỗ nước xoáy tung bọt trắng xóa. Nơi đây không cách xa thác Trị An bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước nên nằm ngửa trên tảng đá Sơn có thể nghe thác gầm lên khúc nhạc hùng tráng của nó, khúc nhạc mạnh mẽ bất tận giữa một vùng mây nước, rừng núi và vách đá hùng vĩ.

Và nơi đây, ngay trên nóc hang, một hôm tình ngờ nằm ngửa mặt nhìn lên Sơn khám phá ra một dấu vết gì in lờ mờ trên đá xanh. Sơn bật dậy, lấy cái que nhỏ khều những cát đất bám nơi đó và để lộ ra những vết in khá sắc sảo của một vật gì có hình như cái móng ngựa nhưng lại có nhiều khía đều nhau, nhin kỹ thì lại giống như một đóa hoa cúc. Những đường nét đặc biệt và rất đều đặn ấy không thể nào là những vết rạn nứt tự nhiên được. Nhưng ai đã khắc lên hình cái móng ngựa này?

Sơn đã dẫn mấy đứa bạn đến và chỉ cho chúng xem nhưng cũng chẳng đứa nào biết đó là cái gì. Cả ba má Sơn đều không biết. Hôm trước Sơn có hỏi thầy giáo nhưng thầy bảo phải tới coi tận mắt mới thì mới có thể biết nó là cái gì. Ðến nay vẫn chưa có dịp nào thầy giáo đến tận nơi xem xét và vì thế mà bọn trẻ – trong khi chờ đợi lời giải đáp – tạm gọi đó là “dấu chân con ngựa thần” vì theo chúng thì chỉ có ngựa thần mới có thể in được vết chân của mình trên đá cứng và chỉ có ngựa thần mới có thể lưu lại vết chân của mình nơi tảng đá lửng lơ trên cao. Sơn còn tưởng tượng ngày xưa có một hoàng tử rất đẹp trai, vì phạm lỗi nên hóa thành rồng và bị đày xuống ở dòng sông này. Về sau có nàng công chúa tuyệt đẹp bị chim đại bàng bắt, bay ngang qua thác Trị An. Rồng thấy vậy bèn bay lên đấu với đại bàng, hạ được con ác điểu và hóa thành con ngựa thần đưa nàng công chúa về triều đình. Khi đi ngang qua cái hang của Sơn, con ngựa thần lấy đà vọt bay lên mây vì thế mà để lại dấu chân trên tảng đá. Ðó là câu chuyện hoàn toàn do Sơn tưởng tượng nhưng khi đem kể cho tụi bạn nghe đứa nào cũng khen hay. Sơn kể đi kể lại nhiều lần, càng kể Sơn càng bịa ra thêm nhiều tình tiết gay cấn. Ðến nay trong đám học trò ai cũng rành câu chuyện cổ tích đó nhưng không ai ngờ là do Sơn đặt ra.

Sơn nằm cười một mình rất thú vị về chuyện đó. Vết chân ngựa thần vẫn còn đây, ở ngay trên đầu Sơn, chỉ cách em có hai thước. Nằm im một chỗ Sơn có thể quan sát nó, càng nhìn em càng thấy nó giống hệt một cái hoa cúc, lớn như một cái bàn tay, sắc sảo, đều đặn. Có lẽ mình phải nghĩ ra một câu chuyện cổ tích nào khác về đóa hoa cúc kỳ lạ này và nó bắt đầu nghĩ, nhưng chợt nhớ ra cái me chín còn nằm trong túi quần, Sơn lấy ra bóc vỏ, cầm cái cuống lôi tuộc trái me ra, đưa lên miệng cắn ngay đầu chỏm. Thế là nó không còn nghĩ ngợi gì đến câu chuyện cổ tích về cái hoa cúc. Trái me chín ngọt lịm và gió sông mát mơn man trên bụng Sơn. Nó thấy khoan khoái dễ chịu lạ thường. Ðằng kia dòng thác vẫn rầm rì tung bọt trắng xóa. Ánh nắng chiếu xiên trên mặt sông làm cho thác ngời lên nhiều vẻ sáng long lanh. Khu rừng bên kia sông đứng im lặng, vươn những thân cây cao to và thẳng tắp lên trời và nổi rất rõ trên cái nền xanh đen nhiều tầng, nhiều sắc độ của lá và bóng mát. Từ trong ruột rừng sâu đó thỉnh thoảng vọng ra tiếng rú của máy cưa và tiếng chim chèo bẻo la hoảng lên rối rít.

Rừng và sông chứa trong nó biết bao nhiêu điều vĩ đại và bí mật. Cả đá nữa, trong sự lặng câm ngàn đời của đá chứa muôn ngàn thần thoại nhưng tuổi thơ không cần biết đến những điều đó. Sơn có thắc mắc của em về rừng, về sông về đất đá nhưng em lại có cách giải thích riêng của em, tự thú vị về những điều đó và vì thế em sống hồn nhiên giữa thiên nhiên, coi thiên nhiên như người bạn tốt chăm chỉ, ân cần và dịu dàng. Có khi Sơn thấy như cả dòng sông này là của riêng mình, là căn nhà của mình. Em thuộc lòng những khúc quanh, những hóc đá, những gốc cây. Em biết cón rắn nước kia lúc nào thí quấn mình trên ngọn dây leo, chùm phong lan nọ sáng nay nở mấy cái hoa, cũng như em biết là đến mấy giờ thì thợ rừng về và lúc nào phải đến bến để đưa các em nhỏ lớp I sang sông. Chính những hình ảnh quen thuộc đó khiến em yêu mến dòng sông của mình hơn và em nghĩ rằng ngàn đời sau nó vẫn vậy.

giavui
04-20-2015, 09:16 PM
Nhưng em có như hôm nay mãi đâu, em phải lớn lên, se trở thành người thợ, một người lính hay là thầy giáo… thì dòng sông có khi cũng phải lớn lên để trở thành một cái gì đấy, và cả trái đất này nữa, nó cũng phải ngày càng lớn lên để trở thành một cái gì khác hơn bây giờ chứ.

Trong giấc mơ có chàng hoàng tử đẹp trai từ hình ngựa biến thành hình người đã đến bên Sơn và nói với em như thế.

-Nhưng dòng sông này sẽ biến ra như thế nào?

-Một cái hồ nước khổng lồ. Hoàng tử bế Sơn đặt lên lưng ngựa và nói, một nhà máy điện khổng lồ và điện thắp sáng rực rỡ như những chùm quả chín mọng trên từng nhánh cây quanh hồ.

-Nhưng lúc đó nhà em ở đâu?

Sơn tự nhiên thấy mình và vị hoàng tử đang ngồi trên ngựa đi thong dong bên bờ hồ rộng bao la và lộng gió. Hoàng tử chỉ một ngôi nhà gỗ xinh xắn trong khu rừng thưa bên bờ hồ và nói:

-Ðó là ngôi nhà của em.

-Nhưng ba, má em đâu? Có còn làm nghề ép dầu nữa không? Và chiếc thuyền nhỏ của em đâu?

Tức thì Sơn thấy mình và hoàng tử đang ngồi trên thuyền và lướt đi trên mặt hồ sóng lăn tăn. Gió mát làm Sơn cười khúc khích. Em thức giấc trong tiếng cười ấy. Giấc mơ nhẹ nhàng làm Sơn nuối tiếc. Em vẫn nằm im nghe thác reo trầm ấm đàng xa. Kỳ lạ thật, em vẫn rất yêu mến ngôi nhà và khu vườn của mình, vẫn không bao giờ nghĩ đến chuyện lìa bỏ chúng để ra đi. Em cảm thấy rằng mình sẽ mãi mài sống bên cạnh vùng thiên nhiên bao la xanh tươi này.

Sơn ngồi dậy, con đò vẫn còn đậu ở đó, rập rềnh trong bóng mát. Rồi bỗng nhiên, ở đầu gió thoảng đưa lại tiếng con chim non chiêm chiếp mà Sơn vẫn nghe lúc sáng sớm.

Sơn biết rằng người đàn ông bí mật ấy sắp đi ngang qua đây.

Bỗng “tiếng chim” ấy im bặt. Sơn chờ đợi một lúc nhưng vẫn không nghe nó kêu lại. Một lúc sau có tiếng chân dẫm trên lá khô và từ trong đám mì thấp xuất hiện một người đàn ông gầy gầy, có trán cao, khuôn mặt khắc khổ. Ông ta dựng chiếc xe đạp trành của mình bên một gốc cây và mở xách lấy đôi kính trắng đeo vào mắt.

Ông băng theo bờ dốc đi xuống mé sông.

Sơn hơi nép mình vào trong hang để xem ông ta định làm gì. Người đàn ông đã xuống tới mé nước và chọn một tảng đá bằng phẳng có bóng mát ngồi nghỉ mệt.

Ðó là một người trung niên khắc khổ, mặc một chiếc quần tây đen, sơ mi màu xám đã cũ. Ông không mang gì theo ngoài một cuốn sổ tay, máy ảnh, và cây bút chì. Thoạt đầu Sơn tưởng đó là một người ở thành phố xuống tìm mua gỗ hay mua đậu phộng, nhưng bây giờ nhìn kỹ em thấy người này có dáng băn khoăn riêng, có cái nhìn đăm chiêu xuống dòng thác đang cuồn cuộn chảy và không biết cái gì trên mặt ông, có lẽ là vầng trán hay đôi mắt, đã đem lại cho Sơn niềm kính trọng.

Người đàn ông mở cuốn sổ tay ra ghi chép những gì trên giấy rồi vẽ hình lòng sông. Ông vạch những nét xiên, những đường gãy gập rồi dừng lại nghĩ ngợi, rồi lại tiếp tục vẽ. Sơn tò mò và cũng có lẽ vì một tình cảm thân ái vô danh nào đó vừa nhóm lên trong lòng em. Sơn lần xuống mấy bực đá và bước rất nhẹ đến bên người đàn ông.

-Bác vẽ gì vậy, bác?

Người đàn ông giật mình quay lại, gọng kính sệ xuống sống mũi. Ông bỏ mắt kính ra.

-Cháu ở đâu lại đây?

-Cháu đưa đò ở bến này. Bác có muốn qua sông không?

Người đàn ông tiếp tục quan sát dòng sông nhưng vẫn trả lời cậu bé:

-Ít hôm nữa sẽ có dịp bác nhờ cháu. Bây giờ thì không. Cháu vẫn đậu chỗ này chớ?

-Cháu đậu nhiều bến. Khi thì đưa thợ, khi thì đưa học trò. Nhưng buổi sáng cháu đi học thì má cháu đưa. Bác muốn qua lâm trường hả?

-Không. Bác sẽ cùng đi với mấy người nữa ra cái cù lao giữa dòng kia kìa.

Ông đưa tay chỉ cái cù lao nhiều cây mọc. Sơn nói:

-Cháu đến đó hoài. Chẳng có gì đẹp đâu. Bác muốn chụp hình thì lên thác mà chụp. Thác đẹp lắm.

Người đàn ông quay lại cười với Sơn và gấp cuốn sổ tay lại. Ông cất các thứ vào túi xách, thân mật vỗ lưng Sơn và hỏi:

-Cháu học lớp mấy rồi?

-Cháu học lớp năm.

-Cố học nhé. Thôi bác đi đây. Hẹn gặp lại.

Nói xong ông bước qua một nhánh cây gãy, đi tắt qua lối mòn tiến về phía chiếc xe đạp trành.

Khi ông dắt chiếc xe đạp đi khuất vào trong đám mía rồi Sơn mới nhớ là đáng lẽ mình phải hỏi xem cái gì trong chiếc xe đạp của ông lại kêu lên giống tiếng chim non như vậy.


2. Người trễ chuyến đò

Phố chợ mọc lên hai bên liên tỉnh lộ 24. Buổi chiều nấn ná lại rất lâu trên những mái tranh thấp của các hàng quán bên đường. Quán bán cà phê, bán hủ tíu, thuốc là và rượu đế. Chừng mười cái mái tranh và một khu chợ xổm bán một ít thịt rừng, thịt bò, vài thứ khoai và rau quả. Khu chợ đã vắng tanh nhưng các hàng quán thì đã lên đèn, những ngọn đèn hột vịt bóng xanh, bóng đỏ lập lòe đây đó cộng với một chút nhạc xập xình phát ra từ những máy cát-xét cũng mang lại được ít nhiều hơi hướng của một góc phố nào đó của Sài Gòn. Chỉ có tiếng đàn ghi-ta là giữ nguyên được vẻ lãng tử của nó trong những đêm tối hay bên một bếp lửa giữa trời. Có khi một chàng trai nào đó mặc quần jean, áo lính rách vai ngồi gãy đàn hát nghêu ngao ở một góc quán. Hình ảnh đó là một thứ pha trộn giữa rừng rú và thị thành, giữa sự chất phác, ổn định và màu sắc lưu dân.

Anh chàng ngồi chơi ghi-ta suốt buổi tối. Cô chủ quán người Huế là hoa hậu của ấp Thanh Giang này. Mọi khi người ta còn thấy thầy giáo Phúc ra ngồi nhâm nhi cà phê ở đây từ khi nắng vừa tắt. Những người khách ở thành phố Hồ Chí Minh lên đều biết đến người đẹp đất Thần Kinh này nhưng chắc chẳng có ai hiểu vì sao nàng lưu lạc đến chốn đây. Vùng đất màu mỡ ven sông này đã thu hút biết bao nhiêu con người. Như chàng thanh niên ngồi hát kia là dân Biên Hòa, những người đang ăn hủ tíu là dân xứ Quảng, nhóm thanh niên đang ngồi hút thuốc là ngoài sân là người thành phố Hồ Chí Minh.

Cho nên giữa cái vùng quê hẻo lánh này vẫn thường vang lên điệu nhạc Jazz hay Disco… và những người rất trẻ, mặc áo rách vai, quần thủng đít, những cô gái khoác áo lính, đội nón cời, vác rựa kia vẫn có dáng dấp thanh thoát, lịch thiệp hay điệu nghệ của người tình thành.

Ðêm tối, phố chợ chìm mất cùng với rừng cây và con đường đất vàng cháy. Giờ này chỉ còn những ánh đèn leo lét, những khuôn mặt rạm nắng, những đôi mắt, những hàm răng bóng ngời trong ánh thuốc lá và chỉ còn âm thanh. Tiếng nhạc và tiếng cười. Tiếng nói chuyện thì rầm rì, nhỏ nhoi hơn có khi không ai còn nghe thấy, có khi chìm mất hoàn toàn trong tiếng cười của trẻ thơ. Ðó là đám học trò của thầy Phúc, là những đứa bé nhà quê, gốc gác ở đây từ lâu đời. Thời chiến tranh cha mẹ các em đã rời bỏ vùng đất này đi tản mát khắp nơi để tránh bom đạn Mỹ. Bây giờ hòa bình, họ trở về và đem theo các em. Có em chỉ mới sinh ra sau ngày giải phóng, có em vừa mới chập chững biết đi hay bập bẹ vài câu hát vụng về. Nhưng cũng có em không phải gốc gác ở đây mà là con cái của những lưu dân từ bốn phương đổ về: Quảng Trị, Ðà Nẵng,CamRanh…. Các em sống ở đây đã năm bảy năm rồi. Giữa trẻ thơ với nhau thường thì sự ngăn cách rất mong manh. Thời gian ấy đủ để cho các em gần nhau, thân nhau và thân với rừng núi, dòng sông, ghềnh đá. Tất cả các em đã họp thành một thế giới thuần nhất, trong trẻo và mới mẻ. Các em ăn mặc giống nhau, cười nói, suy nghĩ và vui chơi giống nhau. Tất cả như những viên đá cuội trong dòng suối xanh biếc, như những củ khoai tròn đầy nằm lăn ra bãi cỏ. Các em không no đủ, không sung sướng gì lắm nhưng sống hồn nhiên và tự do giữa mây nước, cây cỏ và hoa trái. Ðó là những người công dân tương lai của vùng đất nhiều hứa hẹn này.

Vào những đêm không trăng, cuộc vui của các em cũng ngắn ngủi, các em đi ngủ sớm nhưng những hàng quán vẫn thức đến khuya. Khi đèn đóm đã tắt hết thì dòng sông ngân lên điệu nhạc bất tận của nó. Dòng sông nói chuyện suốt đêm với rừng cây, câu chuyện rầm rì không dứt, tiếng nói hùng tráng, mạnh mẽ, trầm ấm. Dòng sông Ðồng Nai khi đổ về đến đây thì lòng đã náo nức về biển lắm rồi cho nên nó không còn lặng lẽ nhu mì hay lững lờ thơ mộng như khi nó hãy còn lượn quanh những cánh rừng ở La Ngà, Vĩnh An. Ở đó đêm nằm không nghe tiếng của dòng sông mà chỉ thỉnh thoảng mới có tiếng mái chèo, tiếng con cá quẫy đuôi, nhưng ở đây – đêm – dòng sông réo gọi, sôi nổi và reo mừng. Dòng sông khuất sau những cánh rừng, khuất sau đêm tối mù mịt nhưng lời hát của nó vang đi rất xa, thủ thỉ trong từng giấc ngủ và vì thế những em bé ở ven sông chắc là sẽ ngủ say hơn, nhiều giấc mớ đẹp hơn bất cứ đứa trẻ nào trên đời, bởi vì lời ru của dòng sông vỗ về suốt đêm dài.

Nửa đêm trong ngôi trường nhỏ bắng gỗ có bóng một người thanh niên ngồi thu mình ở một góc hút thuốc lá. Ðó là anh sinh viên địa chất ngồi gác cho đồng đội mình ngủ. Ly cà phê anh uống lúc sập tối ở quán người đẹp cố đô làm anh rất tỉnh táo. Anh ngồi nghe tiếng thác đổ và tiếng gió về. Nửa đêm sương xuống mù trời đất, mảnh trăng lưỡi liềm làm cho sương đục hơn và trời đất bao la hơn. Sương trắng che khuất rừng cây, che khuất tất cả nhưng không che khuất được tiếng thác đổ. Anh hình dung tới những bọt nước trắng xóa, tới những đồi cổ thạch bị chẻ dọc ngang qua nhiều triệu năm. Những điếu thuốc nối nhau chờ hết phiên gác. Người kế tiếp đên thay anh, rồi người kế tiếp nữa.

Và trời sáng dần. Ðoàn người thức dậy trước khi mặt trời lên. Bếp lửa đã cháy sáng giữa sương mù. Những cô gái ngồi nhóm lửa, mặt ửng hồng, những cô đi xách nước thì mặt áo lạnh dáng rụt rè.

Sương tan dần, quanh bếp lửa đông vui hơn. Bọn con trai ngồi hút thuốc lá. Một người đàn ông đứng tuổi, cổ choàng chiếc khăn rằn từ phía trường học đi lại.

-Mời thầy ăn cơm. Các cô sinh viên địa chất reo lên.

Người đàn ông dừng lại. Ông không buồn nhưng nét mặt ông lúc nào cũng khắc khổ.

-Cám ơn các chị, ông nói. Tôi ăn ở đàng kia.

Ðàng kia là mâm của các giao viện địa chất trẻ trước đây cũng là học trò của ông. Họ nay là đồng nghiệp nhưng vẫn gọi ông là thầy.

Thầy Văn. Một giáo sư tiến sĩ địa chất và cũng chính là người đàn ông sáng sáng cỡi chiếc xe đạp trành đi ngang qua nhà Sơn.

Ðiều này có thể làm Sơn bất ngờ nếu em hiểu thế nào là một giáo sư tiến sĩ. Nhưng vì Sơn chưa hề biết cái danh vị đó nên khi gặp lại giáo sư dẫn các học trò của mình ra bến sông thì em cũng coi như gặp lại “ông già” chiều hôm trước.

Giáo sư hỏi em:

-Ðò cháu chở được mấy người?

Sơn đưa tay chỉ về phía đám thanh niên, thiếu nữ đang đứng lố nhô trên bến nước:

-Cháu chở hết được cả bây nhiêu đây.

Một anh sinh viên hỏi:

-Không nhận nước tụi anh chớ?

Sơn cười:

-Anh không biết bơi à?

-Anh thì biết, nhưng các chị đây thì sẵn sàng chìm đấy.

Tiếng cười thiếu nữ trong trẻo, lấp lánh. Giáo sư bước xuống thuyền trước:

-Cẩn thận. Ông nói.

Các cô gái xuống sau cùng. Chiếc thuyền tròng trành một chút. Sơn ngồi xuống thanh gỗ bắt ngang đàng sau đuôi thuyền, giữa hai mái chèo. Em đưa thuyền đi bằng hai bàn chân. Hai bàn chân quẫy mái chèo đều đặn, thoăn thoắt. Thuyền đi nhanh và êm như chiếc lá tre trôi theo con nước. Ði được một quảng khá xa, ra tới giữa dòng sông chợt nghe có tiếng gọi ới ới trên bờ. Giáo sư Văn hỏi:

-Cái gì đấy?

Mọi người quay lại. Sơn cũng quay lại. Một thiếu nữ đang vẫy tay gọi. Anh sinh viên đeo kính cận nói:

-Phượng. Lúc nãy Phượng đi đâu mà không xuống thuyền?

Một chị kêu lên:

-Chết cha. Hồi nãy chị Phương đi mua chuối ra trễ. Làm sao? Quay lại được không?

Sơn nói:

-Ðể lát em quay lại rước. Thuyền đang có trớn, quay lại bất tiện lắm.

Ba bốn người đưa tay lên vẫy Phượng và nói to lên:

-Ðứng đấy đợi.

-Ðứng đấy đợi.

Rồi họ cười, hồn nhiên vui vẻ. Thuyền lướt đi qua một nhánh cây sà thấp xuống mặt nước khiến mọi người phải cúi rạp mình xuống, có chị té nhủi vào mình người khác. Tiếng cười, la rộn lên tươi trẻ như hoa nắng từ trên cao lọt qua tàng cây rải xuống đầy mặt sông.

Cái cù lao ở giữa dòng đến thật gần rồi. Sơn ngưng chân đạp nhưng trớn của con đò vẫn còn nhanh. Nó lướt tới, hơi nghiêng nghiêng và tấp dần vô bờ.

Giáo sư Văn nhảy lên một mô đá. Không đợi các sinh viên lên bờ hết, ông đã hăng hái chỉ tay về phía một chỏm đá cũ xì bảo những người đứng cạnh ông:

-Tôi dành nó cho các anh chị. Các vết cắt ở đó rất lạ. Ðến mà xem đi.

Các sinh viên địa chất đổ xô nhau leo lên mỏm đá nọ. Ðó là một phiến sa thạch đầy những thớ chẻ chằng chịt xiên xiên về hướng Tây Nam, nhưng bỗng nhiên trên chóp lại xuất hiện những thớ chẻ khác về hướng Ðông Bắc. Các sinh viên nằm mọp xuống đất quan sát, nghe ngóng để tìm cho ra câu trả lời. Giữa lúc ấy thì Sơn một mình một thuyền lặng lẽ quay lại bến đò lúc nãy. Khi qua chỗ cành cây sà xuống mặt nước, Sơn thấy có con rắn nước mới đến quấn mình nơi một nhánh nhỏ ngay cạnh một khóm phong lan đang hé nở một cái hoa tím đỏ. Hôm qua nụ lan còn búp vậy mà chỉ qua một đêm nó đã hé ra khuôn mặt tươi tắn rực rỡ. Sơn hơi ngừng lại một chút để quan sát chú rắn nước dạn dĩ. Thỉnh thoảng đi ngang qua đây Sơn vẫn hay gặp nó nhưng chưa lần nào lại thấy nó nằm ngắm hoa một cách tình tứ như thế.

Thuyền đi ra chỗ rực rỡ ánh nắng nhất của dòng sông. Mặt nước sáng lên chảy bần bật qua những thân cây rù rì ngâm mình trong nước. Sơn đi tránh mỏm đá và hướng vô bờ.

-Em ơi. Ghé đây đi.

Một chị rất trắng mặc quần lãnh đen và áo màu nâu đen đang ngồi tựa gốc cây. Lúc nãy anh sinh viên đeo mắt kính gọi tên gì hè? À, chị Phượng.

Thuyền chưa tới mà Phượng đã xách quầy chuối đứng dậy làm như sắp sửa nhảy xuống. Sơn xoay mũi thuyền ra phía trước và tấp vô. Phượng bước lại sát mé nước.

-Làm sao xuốg hả em?

Sơn nhảy xuống nước. Nước ngập tới đầu gối em.

giavui
04-20-2015, 09:17 PM
-Xuống đi. Sơn vừa giữ cho thuyền khỏi tròng trành vừa bảo: Không sao đâu.

Nhưng Phượng cứ loay hoay. Sơn phải đến bên và đỡ quầy chuối trên tay chị. Phượng bước xuống và bất ngờ chụp lấy cánh tay Sơn, bấu chặt để giữ thăng bằng.

-Ối, ối. Phượng la lên nhưng Sơn lại bật cười.

Em đặt quầy chuối xuống khoang thuyền và dùng sào đẩy thuyền ra. Thuyền nhẹ tênh đi thong dong giữa nắng. Phượng nghiêng qua nghiêng lại xem các vết bùn bám trên bàn chân mình rồi khoát nước rửa. Sơn nghe động, ngoái cổ lại nhìn. Phượng hỏi:

-Mấy anh mấy chị ấy có nói gì chị không?

-Không. Ðâu có sao đâu.

Phượng rửa chân xong, hất tóc ra sau và cột lại bằng sợi dây thun.

-Sao em chèo bằng chân?

-Chèo bằng chân thì rảnh hai tay, có thể cầm cái gì ăn được, hoặc là đọc sách.

-Em học lớp mấy rồi?

-Lớp năm.

-Có phải cái trường bằng gỗ ngay lộ đó không?

Thuyền đột ngột tới chỗ cành cây sà thấp. Sơn kêu lên:

-Cúi xuống.

Phượng nghiêng người và bỗng nhiên thấy mình đang ở trong bóng mát, mặt sông thì êm ả và đầy hoa nắng lấm tấm. Phượng thích thú khi thấy trên đầu mình là một cái mái vòm mát rượi.

-Dừng lại chút đi, em.

-Mấy người đang đợi chị đó.

-Không đợi đâu. Bây giờ thì họ đã quên chị rồi. Em đứng lại chút đi. Em tên là gì?

-Sơn.

Cậu bé cho thuyền dừng lại và đưa mắt về phía cụm phong lan. Nhưng Phượng cũng vừa nhận ra cái màu tím đỏ rực ấy, chị reo lên như trẻ thơ:

-Trời ơi lan kìa Sơn ơi. Chèo nhích tới chút nữa đi.

Sơn nghe lời, nhích tới một chút, nhưng Phượng bỗng trố mắt kêu lên:

-Thôi, thôi. Dừng lại.

Sơn cười rất tươi, thích thú nhìn dáng sợ hãi của người thiếu nữ xinh đẹp như người trong bức tranh lụa mà em có dịp xem ở đâu đó trong một tờ báo ảnh nhiều màu. Sơn nhìn con rắn nước và nói:

-Nó hiền lắm. Nó không cắn đâu.

Nhưng Phượng đã co rúm người lại:

-Thôi, đi. Chèo đi!

Nhưng Sơn đã vít cành cây xuống và thận trọng bứng khóm lan rừng ngay trước đầu con rắn. Con vật đã quen mặt Sơn, cũng chẳng thèm nhúc nhích.

Sơn để cụm lan vào trong khoang thuyền và cho thuyền đi. Phượng nhìn cụm lan nhưng nỗi sợ hãi vẫn chưa dứt. Ra khỏi lùm cây rồi Sơn mới hỏi:

-Chị thích không? Cho chị đấy.

Phượng cầm giò lan lên nhưng lại hỏi một câu khác:

-Em không sợ nó cắn à?

-Nó là bạn của em mà. Ngày nào em cũng gặp mặt nó.

-Ghê thấy mồ.

-Ghê gì. Bắt nó bò trên tay chơi cũng được. Nó có nọc độc đâu.

-Thôi, thôi.

Phượng đưa giỏ lan lên cao trong ánh nắng sớm mà ngắm. Sơn chợt thấy tóc chị sáng lên một đường viền quanh đầu như thủy tinh. Trên cồn có tiếng cười nói của nhiều người Sơn bơi chậm lại và từ từ ghé vô. Mấy anh sinh viên vừa thấy Phượng đến đã nhao nhao lên hỏi:

-Chuối đâu?

-Ði không chờ người ta mà còn hỏi chuối. Thầy đâu?

-Thầy ở đàng kia. Ðang chụp hình.

Những sinh viên trẻ tranh nhau bê cái quầy chuối bỏ mặc Phượng bước khó khăn qua các mô đá nhỏ từ dưới nước lên. Sơn để ý thấy nãy giờ anh sinh viên kính cận dáng cao cao, không cười không nói, không tranh quầy chuối nhưng đứng yên lặng ở một góc. Khi các anh kia đã đi hết, anh sinh viên nọ mới đến bên Phượng lặng lẽ đưa tay cho Phượng nắm và giúp Phượng bước lên bờ đá.

Sơn quay lại với mái chèo của mình và xô thuyền ra. Nhưng đã nghe tiếng Phượng gọi:

-Ðể chị trả tiền.

Sơn quay lại nhìn hai người đang đứng trên hòn đá, một lát sau em nói:

-Hồi này thầy trả tiền rồi.

Thực ra thì giáo sư Văn chỉ mới trả tiền cho chuyến đò thứ nhất thôi. Sơn đưa thuyền ra giữa sông, thả nó trôi theo dòng nước. Em chợt thấy lòng mình dịu lại, và thiên nhiên chung quanh như yên tĩnh hơn.



3.Chiếc tua-bin bằng cây sậy

Các anh các chị ấy tìm gì trên những mỏm đá này? Người thì nằm sấp, rình mò, người thì ngồi nghiêng dùng kính lúp soi lên vách đá. Có anh chị lại dùng thước đo một chỗ đá nứt làm cho vách sụp xuống, so le. Vài ba người không làm gì, đi lang thang trong rừng tìm hái hoa lan.

Nhưng họ có liên quan gì tới chuyện xây đập thủy điện trên thác Trị An?

Ðó là câu hỏi thỉnh thoảng vẫn hiện ra trong đầu Sơn lúc ấy đang đưa thuyền sang sông đón các bạn nhỏ đi học về.

Trên đồi đá mấy thầy trò cũng đã đến giờ nghỉ. Những sinh viên tìm được địa khai đem tới khoe thầy Văn và khoe với nhau. Những con vật nhỏ tròn tròn như vỏ sò. Những con khác trông giống như nòng nọc. Tất cả chỉ còn để lại dấu vết trong đá. Các sinh viên phải dùng búa bửa đá ra mà tìm, nhưng không phải chỗ nào cũng có.

Phượng lấy được một mẫu đá có in dấu sóng biển và đem đến hỏi giáo sư Văn. Ông xem, có vẻ thích thú, lấy sổ tay ra ghi và coi theo hình mà vẽ các vết lăn tăn trên mặt giấy.

-Chỗ này là vùng biển cạn. Gió thường xuyên thổi theo hướng Ðông Bắc nên sóng nhỏ lăn tăn và hướng sóng xô về phía ấy.

Phượng cũng ghi chú trong sổ tay của chị. Lát sau Phượng nghe có tiếng gọi tên mình, chị biết là Thành nên đi lại phía có anh sinh viên đeo kính cận đang ngồi.

Nơi ấy là một tảng sa thạch màu nâu đen khá bằng phẳng. Bên cạnh có một cây ru rì lớn mọc từ dưới đáy sông nhô lên quá đầu của Thành một tí.

-Anh gọi em? Phượng hỏi nhỏ.

Thành ra dấu cho Phượng ngồi xuống và hỏi:

-Cây phong lan em hái ở đâu hay quá vậy?

-Thằng bé đưa đò hái cho em đó. Em gặp trên đường đi. Anh lấy cái vỏ cây hay cái gì bọc nó lại đi.

Thành ngắt một trái rù rì. Ðó là một thứ trái nhỏ như một cái pháo màu xanh, hai đầu nhọn. Thành đưa nó cho Phượng.

-Em coi nè. Ðây là một cái địa khai rất kỳ lạ.

Phượng tách đôi mẩu vật ấy ra.

Bên trong có một con tôm nhỏ đã chết nhưng hãy còn tươi. Phượng kêu lên:

-Xạo. Anh này cứ chọc quê người ta hoài hà.

-Xạo sao? Em đến hỏi thầy đi.

Phượng làm thinh thấy con tôm vần còn ngo ngoe mấy cái chân nhỏ, chị bắt nó ra để trong lòng bàn tay rồi ngâm tay xuống nước đợi cho nó sống lại. Một lúc sau con vật động đậy rồi lập lờ bơi đi.

-Anh bắt nó ở đâu vậy?

-Trong kẹt đá.

-Hay quá vậy. Chỉ chỗ đi.

Họ vây bắt những con tôm nhỏ trong khi các anh chị sinh viên khác lấy cơm và bánh mì ra ăn.

Hai giờ chiều họ làm việc trở lại. Thầy Văn nói:

-Chúng tôi đã có kết luận về vị trí tối ưu để xây đập nhưng tôi muốn các anh chị hãy tự tìm dọc theo dòng sông, từ thác trở lên xem chỗ nào sẽ là nơi tốt nhất để xây đập. Năm thứ hai và năm thứ ba chia nhau đi khảo sát đề tài ấy, năm thứ tư và thứ năm sẽ khảo sát các mội nước ngầm để lập cho được một bản đồ về sự rò rỉ quanh vách hồ. Ðây là một công tác rất quan trọng. Khi đậy xây xong, mực nước trong hồ sẽ lên tới trên sáu mươi mét, nếu vách hồ có những hang ba-dan hay những lòng sông cổ thì nước hồ sẽ theo những hang ấy, hoặc thấm qua lớp cát của những dòng sông cổ kia mà chảy tuột đi mất và chúng ta sẽ không chứa được nước trong hồ và nhà máy không thể hoạt động được. Do đó lập một bản đồ chi tiết về chế độ rò rỉ quanh vách hồ cần phải được quan tâm đúng mức. Tôi phát hiện ra một lỗ mội khá lớn ở ấp Thanh Giang II này, cái này cùng dạng với cái ở Bến Nòm nhưng nhỏ hơn. Ngay từ sáng sớm ngày mai, các anh chị năm thứ tư, thứ năm nên bắt đầu công việc của mình.

*

Mặt trời vừa lên, khi sương mù còn phảng phất trên những bông cỏ đuôi chó, Phượng và các bạn đã cầm la bàn, thước và sổ tay lên đường. Hôm nay, những nhà địa chất trẻ tuổi này không mang búa vì công việc khảo sát này không cần dùng đến nó.

Toán của Phượng có ba người nữ học năm thứ năm. Họ đi qua những vườn mít um tùm, những đám mì xanh cao quá đầu người. Con đường đất vàng nhiều cát sạn và dốc dẫn các chị đi sâu vào trong xóm. Cáng đi tới thế đất càng trũng xuống và phẳng lần ra thành một cánh đồng khá rộng. Mương nước chảy xấp xấp nổi đầy váng gạch cua. Phượng theo một cái lối mòn giữa hai hàng cây để vào trong sân một ngôi nhà tranh nhưng khá cao ráo sạch sẽ.

-Mình xem cái giếng nước này một tí. Phượng bảo các bạn, thầy nói nên để ý thành phần cấu tạo của đất dưới giếng. Nếu có cát nhiều thì cũng có khả năng rò rỉ.

Ba chị sinh viên địa chất đứng vây quanh cái giếng, ngay bên dưới một tàn cây mận lớn. Nước giếng trong vắt nhưng vì khá sâu nên không nhìn thấy đáy. Phượng hỏi các bạn:

-Không biết khi đào giếng người ta đổ đất ở đâu. Mình quan sát đống đất cũng có thể biết được thành phần cấu tạo bên dưới.

Nhưng cả ba cô sinh viên thành phố nhìn quanh mà đều không thấy dấu tích gì của những đống cát. Các em có biết tại sao không? Vì trước khi xây nhà người ta đào cái giếng và người ta dùng đất ở dưới giếng để xây nhà, như thế rất tiện lợi. Các chị sinh viên thành phố không làm sao biết được điều ấy nên đứng ngó lui, ngó tới hoài. Họ vừa định vào nhà để hỏi thăm chủ nhà thì nghe từ phía trong có tiếng người cãi cọ càng lúc càng to. Ba người thiếu nữ lắng nghe. Tiếng một người đàn ông nói vọng ra:

-Tôi không ăn xin các người. Các người đừng tưởng các người đến đây để bố thí tiền cho tôi, nhiều hay ít là tùy lòng hảo tâm của các người. Ðây là nhà của tôi. Tôi sanh cơ lập nghiệp ở đây từ đời cha đời ông tới bây giờ. Thời đánh Pháp tôi đã ở đây rồi, sang thời đánh Mỹ, bà con ấp này dời lên thành phố, khi hòa bình lập lại thì gia đình tôi là gia đình đầu tiên trở về quê, đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt tạo dựng cái nhà, cái vườn. Các ông nói chuyện sao dễ dàng quá vậy?

Tiếng một người đàn ông khác nghe cũng rõ tuy có nhỏ hơn:

-Chúng tôi biết mồ hôi nước mắt của bác nhưng đây là việc chung. Nhà nước góp từng đồng để xây cái đập này, bác đòi bồi thường nhiều quá lấy tiền đâu xây dựng nhà máy thủy điện.

Tiếng một người đàn bà nổi lên:

-Ôi, xây nhà máy là chuyện bạc tỉ, bạc triệu chớ sá gì mấy chục ngàn. Chẳng lẽ vợ chồng tụi tôi lợi dụng chuyện này để kiếm tiền sao?

-Ðâu có. Tụi cháu đâu dám nói bác như thế. Nói chung là bồi thường như thế cũng không xứng đáng đâu nhưng làm việc ích lợi chung thì mỗi người nên hy sinh một chút.

Tiếng người đàn ông lúc này lại vang lên, kèm theo một chuỗi cười khô khan:

-Một chút? Ha… Ha… một chút à? Thôi, các ông về đi. Tôi không chịu đâu. Tôi còn phải xây dựng lại gia đình, còn phải nuôi con tôi ăn học nữa chớ. Các ông về đi.

Sau đó là bước chân ba bốn người đi ra phía sau vườn. Ba chị sinh viên hoảng quá, không biết làm gì bèn núp sau đám mì. Ba người đàn ông và một người đàn bà đi ra. Hai người đi đầu trẻ hơn, chắc là cán bộ lo bồi thường thiệt hại cho các gia đình nằm trong khu vực sau này sẽ thành hồ chứa nước, người đàn bà theo sau là bà chủ nhà, còn người đàn ông trạc năm mươi tuổi thì mặt mày hầm hầm, tay xách một cái rựa to bản, sáng giới.

Bốn người lặng thinh đi bên nhau, không ai nhìn ai. Bước chân họ đi trên lá khô trong vườn nghe sột soạt rất rõ. Khi ra đến cổng hai người cán bộ chào ông già rồi ra đường. Ông già đứng dạng chân nhìn theo, dáng chắc nịch. Khi họ đi khuất rồi ông già quay lại bảo vợ:

-Bà đi vô đi.

-Ông làm gì đấy?

-Kệ tui.

-Ông đưa cái rựa đây tui vô chẻ lạt.

Ông già nghiêm sắc mặt, nói một cách lạnh lùng:

-Tôi bảo bà vô.

Cái nhìn của người đàn ông làm người đàn bà sợ hãi, bà lẳng lặng quay vào nhà. Còn lại một mình, ông già cầm ngang cái rựa, chậm rãi bước đến chỗ cây mít sum suê nhứt trong vườn. Ðó là cây mít ở gần giếng nước, trên cành lủng lẳng hàng chục cái mít to phình phịch như những con heo. Ông già đứng ngắm cây mít của mình bằng con mắt bất động, rồi bất thình lình, ông vung cây rựa lên bổ mạnh vào thân cây. Những nhát rựa đầu tiên đã khơi đậy cơn giận trong lòng ông khiến ông cảm thấy mình đang run lên. Ông bửa tới tấp vào thân cây mít tội nghiệp. Nhựa mít từ trong thân ứa ra trắng đục chảy thành dòng như những dòng máu. Cành lá rung chuyển, những trái mít to rung chuyển đau đớn.

Ba cô sinh viên núp trong đám mì sợ tái mặt nhưng không dám động mạnh. Cà ba đều ngồi xuống, nép vào nhau như những cô bé con trong chuyện cổ tích bị lạc giữa rừng.

Trong nhà chợt vang lên tiếng khóc và một cái bóng nhỏ nhắn hiện ra giữa lối đi đầy lá khô, bên dưới những tàng cây râm mát. Cái bóng ấy chạy rất nhanh về phía người đàn ông đang giận dữ.

-Ba ơi, đừng chặt nữa, ba ơi.

Phượng giật mình quay lại. Em bé đó chính là Sơn. Em đã đến sau lưng ba và níu lấy áo ông. Người cha dừng tay lại, quắc mắt nhìn con:

-Ði! Ông ra lệnh. Lẹ lên!

Nhưng Sơn vận đứng yên, nhìn chăm chăm vào những dòng nhựa cây đang cuồn cuộn chảy ra. Ông già lại ra lệnh cụt ngủn:

-Ði!

giavui
04-20-2015, 09:17 PM
Một cái bạt tai bất thình lình xáng vào mặt Sơn làm em xiểng liểng. Em chưa kịp hoàn hồn thì người cha đã xốc tới co chân sắp đá khiến em ôm mặt bỏ chạy. Người cha nổi sùng rượt theo khiến Sơn phải chui tọt vào đám mì mà chạy. Ông ta dừng lại, ném cái rựa xuống đất, đứng thẩn thờ một lát rồi buồn bã ngồi xuống thềm giếng, móc hộp thuốc rê trong túi ra, vấn hút.

Ðến lúc ấy ba chị sinh viên núp trong đám mía mới đỡ sợ. Cả ba người đều chạy theo Sơn, giống hệt ba con cút, lủi trốn trong bụi rậm. Chạy được một lúc họ nghe tiếng nước chảy róc rách nên chui ra khỏi đám mì và gặp ngay dòng sông quen thuộc của mình. Phượng nhận ra ngay cậu bé đang ngồi trên mỏm đá cao nhìn dòng nước. Phượng đến bên bảo:

-Xuống đây chơi.

Sơn nhớ lại rất nhanh cái dáng nghiêng nghiêng của Phượng trong vùng sáng của nắng sớm viền qua tóc lúc em đưa đò. Các dáng Phượng bây giờ cũng nghiêng nghiêng như thế nhưng không có viền sáng của nắng.

-Xuống đi. Phượng cười rất tươi.

Sơn ngoan ngoãn leo xuống, đứng bên Phượng nhưng không nhìn Phượng mà nhìn dòng nước. Phượng nói:

-Lúc nãy chị cũng có mặt trong vườn nhà em.

Sơn quay lại nhìn Phượng nhưng không nói gì. Hai cô bạn của Phượng vừa khám phá ra một cái tổ chim gì treo tận trên một cành nhỏ trên cao. Họ chỉ chỏ, cãi nhau, không để ý gì tới Phượng. Phượng cũng không để ý gì tới hai người bạn của mình. Chị hỏi:

-Sao sáng nay em không đi học?

-Ba nói, ít bữa trường cũng phải dời đi. Học làm chi.

-Trường dời đi chỗ khác còn đàng hoàng hơn. Sao lại không học.

Sơn làm thinh, em tìm một hòn đá bằng phẳng và ngồi xuống. Có tiếng hai chị sinh viên gọi:

-Về, Phượng ơi.

Sơn quay lại:

-Ðừng về. Em muốn hỏi chị vài chuyện.

-Chuyện gì vậy?

-Gia đình em có nhiều chuyện buồn lắm. Chị ở lại với em một lát đi.

Phượng ra hiệu bảo các bạn mình về trước nhưng hai người đã đi khuất sau những lùm cây rồi. Sơn ném một viên sỏi xuống dòng sông.

-Chị thấy cái vườn trái cây của em ngon lành không?

-Ba em bắt đầu trồng từ lúc nào vậy?

-Từ hồi giải phóng tới giờ đó. Hồi mới về chỗ đó cũng đầy gai góc. Ba em, má em đổ công vô đó nhiều nên bây giờ ông tiếc ghê lắm. Em cũng tiếc. Sao mình không câu điện ở đâu về xài mà làm nhà máy ở đây chi cho phiền vậy, chị?

-Ðiện mình có dư đâu mà câu. Nước mình thiếu điện kinh khủng lắm em à. Em không lên thành phố mà coi. Cúp điện liên miên. Nhà máy còn phải nghỉ, mỗi tuần làm việc có bốn, năm ngày. Mai mốt mở thêm những nhà máy lớn nữa lấy điện đâu mà xài.

-Chớ không phải thiếu điện do mình không có dầu chạy máy điện sao?

-Ðó cũng là một nguyên nhân, nhưng ví dụ như mình có đủ dầu chạy tất cả các nhà máy thì cũng không đủ điện cung cấp cho các nhà máy. Lâu nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải xài điện của nhà máy thủy điện Ða Nhim là chính. Nhà máy điện chạy bằng dầu ở Thủ Ðức chỉ cung cấp một phần điện cho thành phố thôi.

-Ủa, vậy điện Ða Nhim không xài dầu à?

-Không. Thủy điện không cần xăng dầu gì cả. Vậy mới quý chớ. Chỉ cần sức nước làm chạy máy và phát ra điện thôi. Mình làm cái Trị An này còn mạnh gấp đôi lần cái Ða Nhim nữa. Tha hồ mà xài.

-Nhưng người ta dùng sức nước để chạy máy như thế nào? Sao em không thấy có cái máy nào chạy bằng nước?

Phượng bật cười:

-Máy chạy bằng nước thì cũng có, ví dụ như đầu máy xe lửa loại cổ lổ sỉ đấy. Nhưng nước làm chạy máy điện lại khác.

-Khác sao?

-Như thế này nè….

Phượng ngập ngừng cố tìm cách nào giản dị nhất để nói cho cậu bé học lớp năm hiểu.

-Như thế này…. Thôi, em lại đây. Ðứng lên.

Phượng kéo tay cậu bé. Hai chị em đi tìm một khe đá nhỏ. Ðó là chỗ tảng đá bị nứt ra thành một cái rãnh để nước chảy qua như một con suối nhỏ. Phượng bẻ hai nhánh cây dài độ một gang tay có chảng ba ở đầu và cắm chúng xuống hai bên dòng nước nho, xong chị bảo Sơn kiếm mấy ống sậy. Sơn nhảy qua mấy mô đá một cách lẹ làng và chỉ vài phút sau em đã đem đến nguyên một bó sậy.

-Không cần nhiều như thế. Chị chỉ lấy một đoạn nhỏ.

Phượng lựa một đoạn suông sẻ, bẻ nó ra thành ba khúc, mỗi khúc độ một tấc rồi đem xâu chúng vào nhau như cái chong chóng. Xong chị gác cái trục chong chóng ấy lên hai cái chảng ba. Cái chong chóng ở giữa bị dòng nước nhỏ, cuốn đi, quay tít.

Sơn khoái quá reo lên:

-Số một. Số một! Chị Phượng làm hay quá.

Phượng hỏi:

-Em đã thấy sức nước làm quay chong chóng chưa?

-Rồi sao nó thành điện?

-Chong chóng quay sẽ kéo cái máy phát điện quay theo nó. Thế là sinh ra điện.

-Hay quá hén. Vậy thì dễ ẹc.

-Nhưng mà không dễ đâu. Vì một nhà máy phát điện với công suất một tỉ bảy trăm triệu kilô watts tức là gấp hai lần Ða Nhim thì đồ sộ lắm. Ðầu tiên người ta phải đắp đê và xây một cái đập lớn để ngăn nước lại thành một cái hồ khổng lồ, lớn hơn cái biển. Xong người ta mới tháo nước từ cái hồ đó từ trên cao đổ xuống như một dòng thác rất mạnh. Dòng nước ấy sẽ làm quay một cái chong chóng khổng lồ chớ không phải bằng cây sậy như mình đang làm đâu. Cái chong chóng khổng lồ ấy, người ta gọi là tua-bin. Người ta dự tính ở nhà máy thủy điện Trị An sẽ làm bốn cái tua-bin như thế để quay bốn cái máy phát điện lớn.

-Thế rồi nước từ bốn cái thác ấy đổ xuống chảy thẳng vô nhà máy, làm sao chứa cho hết?

-Chứa à?

Phượng bật cười, lấy ngón tay trỏ chận cái chong chóng bằng cây sậy lại một lúc xong lại thả ra cho nó tiếp tục quay tít. Phượng nói:

-Làm sao người ta có thể chứa một lượng nước khổng lồ như thế. Người ta sẽ dẫn cho nó chảy trở lại ra sông và tiếp tục trôi về biển hoặc lấy một ít dẫn vô những cánh đồng để tưới cho lúa, hoa màu… Rồi em sẽ thấy chung quanh đây mọc lên một thị trấn đông đúc, có khách sạn, trường học, bệnh viện, khu giải trí, khu dân cư. Ðiện sáng choang trên các đường phố, vườn hoa. Người ta tính xây dựng một khu du lịch lớn. Khi nào có dịp chị sẽ chỉ cho em xem cái khu du lịch ấy. Ðó là một chỗ rừng cao trên sáu mưới mét. Khi nước dâng lên thành cái hồ lớn thì chỗ ấy vẫn chưa bị ngập nước và sẽ trở thành một cái cù lao giữa biển, có cây cối cao vút, có hoa phong lan, có chim chóc. Người ta sẽ xây nhà, xây công viên trên đó. Những chiếc du thuyền sẽ đi qua đi lại.

Sơn nhìn chăm chú vào cái miệng của Phượng. Em nghe mê nhưng càng nghe lòng em càng băn khoăn. Khi thì em thả trí tưởng tượng theo những viễn cảnh tươi đẹp mà chị Phượng vẽ ra về một thị trấn bên bờ hồ kia, khi thì nó nghĩ tới ngôi nhà, khu vườn trái cây và ba má nó. Nó chợt hỏi:

-Thế sao người ta không cho em ở trong cái thị trấn ấy mà bắt em phải dọn nhà đi. Em thích ở quanh bờ hồ như chị nói. Có rạp xi-nê không?

-Ðương nhiên là phải có. Một nơi đẹp đẽ như vậy mà không có rạp xi-nê sao được. Còn gia đình em phải dời đi là vì chỗ đó nằm trong lòng cái hồ nước.

Sơn phát một cử chỉ phản đối. Em nhăn mặt:

-Làm gì có. Nhà em ở chỗ cao lắm. Năm nào đó người ta nói lụt lớn chưa từng có vậy mà nước có vô được nhà em đâu.

-Nhưng đây không phải là nước lụt. Mà là người ta đắp đập ngăn sông lại, không cho nó chảy nữa, nó sẽ dâng lên dần cao tới sáu mươi mét.

Phượng ngước lên chỉ ngọn cây sao cao vút:

-Em nhìn đi. Cái ngọn cây sao đó. Thấy nó cao chưa? Nhưng không ăn thua gì. Nước sẽ dâng lên ngập nó luôn. Dù cho cây cao gấp đôi như thế cũng ngập luôn. Ðó. Nhà em chịu nổi không? Mấy cây mít, cây xoài nhà em chịu nổi không?

Sơn làm thinh. Em có vẻ hiểu. Và hiểu thấm thía nữa là khác. Những điều em biết vừa làm em thích vì thỏa mãn tính hiếu kỳ vừa làm em sợ vì em tưởng tượng ra một trận lụt khủng khiếp. Ngôi nhà của em đang chìm dần, chìm dần xuống và mất hút đi. Biệt tăm. Cả cái chỗ em nằm, cái nơi em thường treo võng, cái giếng nước má em thường trộn cám heo… tất cả đều chìm lỉm, mất tăm.

Tự nhiên Sơn rùng mình. Phượng hỏi:

-Em lạnh à? Thôi về.

-Em phải ra chỗ bến sông một chút để đưa các em đi học. Chị lên đó với em đi rồi về gần hơn.

Sơn dẫn Phượng đi qua các hốc đá, những mô đá phiến màu nâu đen sần sùi, bị nứt nẻ như những thân gỗ mục nhưng những cạnh của nó còn sắc bén. Sơn leo qua một gốc cây lớn, chuyển qua các cành thấp cố ý để cho Phượng không nhìn thấy. Nó núp sau một cái rễ to và chờ Phượng đi tới. Phượng qua khỏi gốc cây không thấy thằng bé đâu, đứng dáo dác nhìn quanh. Lúc ấy thiên nhiên yên lặng vô cùng, chỉ có tiếng thác phía trước gầm lên là nổi thật rõ. Và thốt nhiên Phượng cảm nhận hết tắt cả sức mạnh của dòng thác qua tiếng nước đổ hùng tráng, trầm ấm.

Sơn ghé mắt nhìn qua những rễ cây chằng chịt và em lại nhớ cái dáng nghiêng nghiêng của Phượng hôm ở trên thuyền. Gió thổi bay tóc Phượng dữ dội, bay tung từng sợi. Phượng có vẻ thích thú vì cơn gió còn Sơn thì vẫn ngồi im chờ đợi.

-Sơn ơi!

Phượng cúi nhìn các hốc đá tìm kiếm. Rồi chị bước tới mấy bước, đi một đoạn khá dài.

-Sơn ơi!

Sơn giả tiếng con chim cheo bẻo kêu làm Phượng dừng lại, ngó quanh quất, lại gọi:

-Sơn!

Tiếng chèo bẻo đáp lại, Phượng gọi một tiếng nữa vẫn chỉ có tiếng chèo bẻo đáp. Chị khám phá ra trò chơi của cậu bé nhưng làm bộ không biết, nói như nói một mình:

-Bỏ về trước rồi. Thôi mình về đường của mình.

Và chị rẽ vô đám mì. Nhưng Sơn đã bật dậy:

-Ðừng đi. Ngõ đó có rắn đấy.

Phượng hoảng quá chạy trở lại. Sơn cười ngặt ngoẽo.

-Em ở đâu vậy?

-Ðây là nhà của em. Sơn chỉ cái hốc đá phía dưới những rễ cây chằng chịt. Trưa nào em cũng ngủ ở đây.

Sơn chỉ cái tảng đá phẳng mà em thường nằm và bảo Phượng:

-Lại đó đi. Em chỉ cho chị coi dấu chân con ngựa thần.

-Dấu chân ngựa thần à? Ai nói với em vậy?

-Rồi chị sẽ biết. Ðó là sự thực.

Sơn phóng lên tảng đá, lăn một vòng vào tận phía những rễ cây ở trong cùng.

-Lên đi.

Phượng đưa tay cho thằng bé nắm, tay kia chị bám vào một cái rễ cây.

-Ðâu? Ngựa đâu?

Ngay lúc hỏi câu hỏi đó Phượng nhận ra “dấu chân con ngựa thần” ở ngay trên đầu mình. Chị reo lên như trẻ thơ:

-Ô. Trời ơi!

Sơn thích thú ngắm nhìn vẻ ngạc nhiên của chị sinh viên năm thứ năm địa chất.

-Thấy chưa. Em nói có sai đâu.

Nhưng Phượng không để ý đến những lời của thằng bé. Chị nhìn cái dấu vết đó một cách say sưa rồi lại lấy tay rờ rẫm lên những nét lồi lõm in trong đá. Miệng cứ lẩm bẩm “trời ơi” hoài, khiến Sơn phải ngạc nhiên:

-Có chuyện gì vậy?

Bây giờ thì Phượng nghe câu hỏi, nhưng chị vẫn săm soi các vết tích trên đá ấy. Rồi bỗng nhiên chị quay lại thật nhanh, ôm lấy thằng bé và hôn lên tóc lia lịa. Sơn ngộp đi vì những cái hôn bất thần ấy. Em cảm thấy như đột nhiên mình được nâng lên trên một cụm mây và bay đi trong một rừng hoa và tâm hồn em rung lên một cảm xúc bâng khuâng mới lạ. Phượng buông thằng bé ra và hỏi em:

-Em biết đó là cái gì không? Không phải là dấu chân con ngựa thần đâu.

-Ðó là cái gì vậy?

-Chị sẽ giải thích cho em nghe. Nhưng hãy đợi chị một lát.

Nói xong, Phượng mở túi xách của mình ra lấy cuốn sổ tay, cây thước và cái kính lúp, vẻ mặt rất chăm chú.

giavui
04-20-2015, 09:18 PM
4. Vùng biển mất tích

Phượng biến thành một người kể chuyện cổ tích. Ðối với Sơn đây là một chuyện lạ không thể nào tưởng tượng nổi. Một chuyện cổ tích không giống chuyện “Con Tấm con Cám”, không giống chuyện Thánh Gióng hay Aladin và cây đèn thần. Ðây là chuyện cổ tích xưa nhất, thuở trái đất chưa có con người, chỉ có cây cối, đất đá và một số sinh vật sống dưới nước.

Một điều khác lạ nữa là câu chuyện cổ mà Phượng kể không phải là chuyện thần thoại hoang đường mà là chuyện có thật.

-Cách đây khoảng 200 triệu năm. Phượng kể, vùng thác Trị An này là một cửa biển. Lúc ấy nơi đây chưa có đá, chưa có rừng cao như bây giờ. Một vùng sông nước lợ tiếp giáp với biển nhưng lại chưa có các loài cá loài tôm, cua như bây giờ. Những thủy sinh vật lúc ấy cũng chỉ là mấy con sò, con ốc nhỏ có những tên khoa học rắc rối. Ngoài ra còn có một sinh vật biển hình dáng như cái hoa cúc nở, có con nhỏ như cái móng tay, có con lớn như một cái đĩa bàn. Nhưng dù lớn hay nhỏ nó cũng có hình một cái hoa cúc sắc sảo, đẹp đẽ. Tên sinh vật ấy là con Cúc Ðá.

Sơn đang chăm chú nghe chợt kêu lên:

-A. Vậy thì đây không phải là vết chân ngựa thần mà là con Cúc Ðá.

-Ðúng. Nó là con Cúc Ðá.

-Nhưng sao nó không ở dưới nước như chị nói mà nó lại lơ lửng trên không như thế này?

-Ban đầu thì nó cũng ở dưới nước, nhưng rồi một chuyển động dữ dội của vỏ trái đất xảy ra, nó co lại. Lớp bùn sình và cát ở cửa biển bị nén ép lại rất mạnh. Con Cúc Ðá bị vùi trong bùn và cũng bị nén lại. Vậy là cả cái vùng cửa biển này bỗng chốc biến thành một vùng đá cứng nằm giữa những lớp đá gồ lên thành đồi, thành rừng. Và con Cúc Ðá của em, sau những lần chuyển động kế tiếp, lại bị đẩy lên tận trên cao.

Sơn nghe rất chăm chú nhưng lòng cứ băn khoăn. Em hỏi:

-Nhưng sao chị biết là chuyện đó xảy ra cách đây hai trăm triệu năm?

-Có nhiều cách để biết. Ví dụ như phương pháp đồng vị phóng xạ. Nhưng cách ấy em chưa hiểu được đâu. Chị chỉ nói đơn giản rằng người ta có thể căn cứ vào sự có mặt của con Cúc Ðá mà biết được tuổi của đá… Bởi vì sinh vật này chỉ xuất hiện cách đây khoảng hai trăm triệu năm mà thôi, sau đó bị diệt chủng luôn. Do đó hòn đá chứa nó bên trong phải có tuổi tương đương với nó. Hơn thế nữa, con Cúc Ðá là một sinh vật sống ở vùng ven biển, do đó người ta có thể kết luận vùng Trị An này lúc ấy là vùng ven biển cũng giống như vùng huyện Duyên Hải của ta bây giờ.

Sơn lại hỏi:

-Thế dòng sông này ở đâu mà ra?

-Dòng sông Ðồng Nai xuất hiện sau này, nhỏ tuổi hơn con Cúc Ðá của em rất nhiều. Nó chỉ mới ra đời cách đây chừng một triệu năm. Phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên ở Ðà Lạt chảy xuống Long Khánh, La Ngà, Vĩnh An, Ðịnh Quán rồi tới đây, uốn éo lượn vòng theo những chỗ trũng của mặt đất. Nó chảy trên những nền đá. Tại vùng Trị An này lòng sông là cả một nền đá phiến dày hàng ngàn mét, vững chắc vô cùng. Em có thấy những mẫu đá khoan được người ta để trong cái chòi gần trường em đó không?

-Thấy. Sơn đáp. Ðá cứng, xanh lè.

-Người ta khoan sâu xuống tới cả ba mưới mét đấy. Toàn đá. Ngon lành lắm. Toàn bộ cái nền đá khổng lồ và vững chắc ấy là do bùn và cát ở vùng cửa biển này bị nén ép mà tạo nên cả. Em đã thấy mặt đất kỳ diệu chưa?

Sơn cười, thích thú:

-Lạ quá. Ở đây không ai biết những chuyện đó. Em phải kể cho má em nghe. Chắc má em ngạc nhiên lắm. À, mà chị có ghé Bến Nôm không?

-Có. Chị ghé đó mấy lần để khảo sát, trước khi khảo sát ở đây. Nhưng em muốn hỏi cái gì ở đó?

-Em thấy ờ Bến Nôm có nơi đất đỏ lòm. Sao kỳ vậy há? Cách nhau có hơn mười cây số mà đất ở đây lại vàng còn ở đó lại đỏ.

Phượng như chợt nhớ ra điều gì vội lấy sổ tay ra ghi rồi vừa ghi chị vừa nói:

-Ðất đỏ là đất ba-dan đấy. Em có nghe người ta nói về đất ba-dan chưa?

-Chưa.

-Ðất đó do núi lửa phun ra. Cách đây chừng một triệu năm. Vẫn nhỏ tuổi hơn con Cúc Ðá của em rất nhiều. Hồi đó ở vùng Bến Nôm có núi lửa phun lên. Ở trong ruột trái đất là một chất lỏng sền sệt nóng vô cùng nóng. Bởi vì nó là đá chảy lỏng ra mà. Khi vỏ trái đất nứt thì nó theo kẻ hở phun vọt ra tạo thành núi lửa. Chất lỏng sền sệt ấy theo triền dốc núi chảy tràn xuống, chảy đến đâu đốt cháy rụi cây cỏ đến đó. Chảy một thời gian thì cái lớp đá lỏng trên mặt khô dần đi và cứng lại thành đá nhưng lớp phía dưới vẫn còn lỏng. Cứ tiếp tục chảy cho tới khi núi lửa hết phun thì nó chảy tuột đi chỉ còn trơ lại cái vỏ ngoài đã khô đi và thành đá. Thế là ta có một cái hang đá rỗng ruột. Người ta gọi đó là những hang ba-dan. Ở Bến Nôm có một số hang ba-dan như thế. Ðó cũng là một mối lo cho những người làm đập thủy điện.

-Sao lo?

-Lo chứ. Em cứ tưởng tượng đi. Một vùng đất cứng chắc như thế, bỗng nhiên lại chứa trong nó những cái hang lớn, rỗng ruột chẳng khác nào cái thùng chứa nước lại bị mấy cái lỗ mọt. Mai mốt xây xong hồ chứa nước thì nước sẽ theo mấy cái hang ba-dan ấy mà chảy tuột đi mất thì làm sao hồ đầy được, làm sao đủ nước để làm quay tua-bin được? Em đã thấy cái hang ba-dan ở Bến Nôm chưa?

-Chưa. Ở chỗ nào vậy?

-Thì ở ngay cái dốc xuống bến sông đó. Chỗ vườn chuối có con suối cứ rỉ nước ra hoài, người dân ở quanh quanh đấy thường ra suối gánh nước, giặt đồ. Em nhớ chưa?

-Tưởng chỗ nào. Chỗ đó em biết rồi. Chỗ đó có đá ong.

-Ðúng rồi. Ðá ong chính là dung nham trong núi lửa, khô lại rồi bị mưa nắng lâu đời làm tiêu hủy dần mà thành đá ong. Tiêu hủy nhiều hơn nữa thì thành đất ba-dan, tức là đất đỏ. Như em thấy đấy. Cái mội nước như ở Bến Nôm coi vậy chớ rầy rà lắm đó.

Sơn suy nghĩ một lúc, lại hỏi:

-Làm sao mình bít nó lại được?

-Bít được chớ. Người ta có máy bơm rất mạnh, bơm xi măng vô, hàn lại. Nhưng cái quan trọng là ngay bây giờ phải tìm cho hết những cái hang ba-dan như thế, rồi còn phải tìm những dòng sông cổ. Tìm không sót cái nào để bơm xi-măng vô bít hết mới được.

Sơn lại bị đưa vào những thắc mắc mới.

-Dòng sông cổ là cái gì?

-Nó là những dòng sông đã mất tích từ lâu đời. Tức là đã cạn khô từ đời nào. Có thể ngày nay nó đã bị đất đá phủ lên trên, cây cối mọc lên trên nhưng bên dưới nó vẫn là cát. Mà em đã biết là cát thì thấm nước cho nên mai mốt mình chứa nước trong hồ thì nước cũng có thể thấm theo cát mà chảy tuột ra ngoài.

Sơn thở dài lắc đầu:

-Cha. Cực quá. Làm nhà máy thủy điện sao mà khó quá chị Phượng, há? Vậy mà trước đây em tưởng làm chơi chơi.

-Khổ lắm em ạ. Bao nhiêu người phải đổ mồ hôi công sức, phải mất ăn mất ngủ vì nó. Có khi toàn dân phải lo cho nó mới được. Tại vì nước mình nghèo mà. Phải đem sức cả toàn dân ra làm mới nổi.

Sơn lại thở dài. Không phải em buồn nhưng em thoáng nghĩ tới ba em và cái hôm ông vác rựa giận dữ chặt cây mít trong vườn. Tự nhiên em thấy vừa tội nghiệp ông vừa tức ông. Rồi em nghĩ thương má quá chừng. Chắc mình phải nói cho má biết hết những gì mình đã được biết về công trình thủy điện này. Nói cả cho ba biết nữa mới được. Sơn muốn chạy về nhà ngay lúc đó. Em tin chắc rằng em có thể truyền đạt hết cả những kiến thức mà Phượng đã nói, truyền lại được cả niềm say mê về một tương lai rất đẹp của vùng đất này. Nó nói:

-Thôi, em về.

-Em không đi đưa đò à?

Sơn mới chợt nhớ ra:

-Em quên. Thôi chị về đi. Em ra bến sông. Tụi nhỏ chắc đang đợi em. Chị có đồng hồ không?

-Không. Phượng nhìn bóng nắng. Nhưng chắc không muộn đâu.

Sơn quay đi. Nhưng Phượng đã nắm tay níu lại. Sơn nhìn sững vào đôi mắt rất đẹp của Phượng, chờ đợi một điều gì đó. Phượng nói:

-Tối nay em làm gì?

-Ôn bài một chút thôi.

-Tối nay có chiếu phim đấy. Ðội chiếu bóng ở thành phố lên chiếu. Chị sẽ lại dẫn em đi coi. Ðợi nghen.

-U-ra. Sơn bắt chước hồng quân trong các phim chiến đấu reo lên như thế. Rồi em bỏ chạy. Nhảy qua các mô đá nhanh như con sóc.



5. Chuyện bất ngờ

Xế chiều bà thái ngồi bóc vỏ đậu phộng trên bộ ván kê sơ sài bên gốc xoài. Sơn vừa ở bến sông về đã chạy đến bên mẹ.

-Má ơi. Tối nay có chị kia đến nhà mình.

-Chị nào vậy?

-Chị quen với con. Chị tên Phượng. Chị làm sinh viên đi nghiên cứu vụ xây đập.

Sơn đùa một mớ đậu về phía mình, vừa bóc vỏ vừa nói:

-Chị thân với con lắm má. Hôm trước con đưa đò cho chỉ qua sông. Chỉ thương con lắm, má. Chỉ nói tối nay lại dẫn con đi coi chiếu phim. Má cho con đi nghe má?

Bà Thái nhìn cậu con trai, thấy tóc dài quá bà lấy tay tém tém tóc con lại cho gọn rồi vuốt xuống ót thành cái đuôi rùa. Bà nói:

-Ờ, đi thì đi.

Sơn móc túi lấy mớ bạc cắc để ra tấm ván, xếp chúng lại thành từng chồng mười đồng. Ðược hai cọc còn thừa lại hai đồng, em búng cho nó quay tít trên tấm ván:

-Con xin mấy đồng lẻ nghe má.

Bà Thái vừa bóc vỏ đậu vừa nhìn đồng bạc cắc quay, bảo con:

-Cho năm đồng đó. Tối đi chơi uống nước.

Sơn cất tiền vào túi.

-Ba đâu?

-Trong nhà. Con vô dọn cơm đi.

Nhưng ông Thái đã dọn cơm rồi, chỉ chờ nồi canh chua sôi là ăn thôi.

Thấy con về ông Thái gọi lại:

-Nếm thử canh coi. Sao cái miệng ba nó lạt quá, nếm không thấy ngon.

Sơn cúi xuống cái vá bằng nhôm thổi phù phù cho nước canh nguội bớt rồi húp chụt một cái.

-Ðược đó ba. Số một đó ba. Lươn ba câu hồi nào vậy?

-Ông bảy cho. Hồi trưa ông bảy ghé lại đây. Thôi đi ra mời má đi.

Nhưng bà Thái đã vô nhà từ hồi nãy. Bữa ăn ngon thường ngày. Sơn ngạc nhiên về những cử chỉ dịu dàng của ba. Em thấy lòng sung sướng và tràn trề hạnh phúc.

Ăn cơm xong Sơn tự nhiên thấy muốn giúp má rửa chén bát, mặc dù phần việc mọi ngày của em chỉ là lau bàn ăn. Em thu dọn mọi thứ tươm tất rồi đem chén đũa dơ ra giếng. Lau bàn xong thấy má lui cui xách nước Sơn chạy ra đứng bên:

-Con rửa với má.

Má nói:

-Thôi, con trai đừng có rửa chén. Vô nhà pha trà cho ba đi.

Nhưng Sơn vẫn muốn gần gũi với má trong lúc này. Em vô bếp pha trà xong trở ra giếng coi má rửa chén. Em nói:

-Má rửa xong, con tắm.

Sơn nhìn lên phía mặt trời lặn. Ở đó chỉ còn những vệt sáng đỏ ối và mấy đám mây đen viền vàng rực rỡ. Những cây sao, cây dầu cao vút đã biến thành màu đen và đứng uy nghi thẳng tắp trên nền trời nám bạc. Sắc đỏ của ráng chiều nhạt nhòa rất nhanh và khi bóng tối lan đến thì tiếng thác đổ nghe rõ hơn.

Bà Thái bưng chén đũa vào nhà nhưng Sơn vẫn đứng ở thềm giếng. Vườn cây của em đã đầy bóng tối nhưng em vẫn còn mường tượng được từng gốc cây, từng chùm quả lủng lẳng.

Chợt có tiếng chó sủa. Sơn mừng rỡ chạy ra. Trong ánh sáng lờ mờ của buổi chiều hiện ra dáng một người thiếu nữ. Sơn định lên tiếng gọi nhưng cái bóng đen đó đã hỏi:

-Ba em có nhà không?

Ðó là giọng của chị Tư Lụa bán cà phê trước mặt trường. Sơn tiu nghỉu, đáp:

-Có.

Ngay lúc ấy nó nghe tiếng loa phóng thanh kêu: Một… Hai… Ba vang lại từ phía sân trường. Sơn vội vàng chạy vô nhà lấy bộ quần áo mới rồi đem ra giếng mắc trên nhánh cây ổi xá lị. Em múc nước tắm trong bóng tối.

Ngoài đường đã có tiếng trẻ con kéo nhau đi coi chiếu phim. Chúng vừa đi vừa nói chuyện líu lo, cười giỡn vang cả xóm. Những thứ ấy làm lòng Sơn nôn nao kỳ lạ, giống hệt như sắp sửa tới Tết. Chiều ba mươi Tết nó cũng thường tắm rửa sạch sẽ như thể để đón giao thừa. Có khi thì ba dẫn ra sông, ba khám kỹ từ cái móng tay. Ba bẻ cái gai tre dài khều cho sạch hết đất bám trong kẽ móng tay của Sơn mới thôi. Ba nói: năm mới thì mọi thứ đều phải sạch sẽ mới được. Tắm xong về, đã nghe khắp nơi rộn ràng. Sự rộn ràng ấy cũng giống hệt chiều hôm nay. Không phải chỉ có trẻ nhỏ mà cả các cô thiếu nữ, các anh thanh niên và người già nữa. Họ kéo nhau đi từng đoàn, từng tốp năm bảy người. Vòng vòng trong xóm đâu đâu cũng nghe tiếng cười nói vui vẻ. Tiếng loa lại vang lên như thúc giục. Rồi tiếp nhạc nổi lên nghe vui vô cùng. Ðáng lẽ tắm xong là Sơn “vọt” đi liền, nhảy qua hàng rào xương rồng chạy như bay ra chỗ chiếu phim liền nhưng lần này thì không. Em đang chờ đợi Phượng. Và sự chờ đợi ấy còn vui hơn là nhảy qua hàng rào, vui hơn là đùa giỡn với tụi nhỏ trên bãi cỏ nhiều.

Sơn thấy dễ chịu, vui sướng. Chân trời phía Tây không còn một chút ráng đỏ nào nữa, tuy vậy trời vẫn chưa tối hẳn. Sơn không vào nhà mà đi ra ngoài ngõ đứng thơ thẩn đợi. Có ai phía nhà bác Bảy đi lại. Sơn nhận ra ngay anh Hùng, du kích xã, Sơn hỏi:

-Chiếu chưa, anh Hùng?

-Chưa đâu. Còn sớm mà, chỉ có mấy đứa con nít.

-Hồi nãy vô đây anh có thấy ai đi sau không?

-Không. Mày đợi ai vậy?

-Ðâu có đợi ai.

Anh du kích cũng chẳng cần thắc mắc, đi khuất vào trong bóng tối của hàng rào dâm bụt. Sơn nghĩ hay là mình cứ ra ngoài đó, đi giữa đường thế nào cũng gặp chị Phượng. Nhưng mới đi được mấy bước Sơn đã quay lại. Rủi chị Phượng đi đường khác đến thì sao, lại tưởng mình bỏ đi trước.

Sơn lại đứng tần ngần nơi ngõ tối nhà mình. Lúc sau em bỏ vô nhà. Em vừa nhớ ra là chưa lấy năm đồng bạc bỏ túi. Má Sơn hỏi:

-Chị đó hẹn mấy giờ?

-Không nói giờ. Nhưng chắc gần tới rồi đó má. Chưa chiếu mà.

Sơn ngó ra cổng nhưng vẫn không thấy bóng ai cả. Nó lại gần bên ánh đèn dầu, lấy một đồng bạc cắc ra búng quay vòng trên bàn và nói thầm trong miệng:

-Số một là tới, ngôi sao là không tới.

Ðồng bạc quay một hồi, hết đà ngã xuống. Ngôi sao. Thế là chỉ không tới rồi. Chẳng lẽ không tới thiệt sao?

Lúc ấy có tiếng chân đi ngoài ngõ. Sơn lấy vội đồng bạc cắc rồi chạy vụt ra. Nhưng bóng người ấy đi thẳng trên con đường mòn. Ðồng hồ nhà bác Bảy điểm bảy tiếng. Từ phía bãi chiếu bóng tiếng loa phóng thanh lại vang lên:

-Các em nhỏ ở phía trước gần màn bạc hãy ngồi xuống. Buổi chiếu bóng sắp bắt đầu.

Tiếng vỗ tay vang lên rất rõ. Một phút im lặng rồi tiếng vỗ tay rộn rã hơn. Sơn biết rằng buổi chiếu đã bắt đầu. Nó có thể nhảy một cái qua hàng rào xương rồng và chạy thẳng ra bãi chiếu để xem nhưng tự nhiên nó không còn hứng thú gì nữa.

Sơn bỏ vô nhà. Người mẹ nói:

-Cổ không lại thì con đi đi. Ðợi làm chi. Chắc cổ bận chuyện gì đó. Hơi đâu mà đợi.

Nhưng Sơn chẳng muốn đi đâu nữa cả. Nó đi lại phía ngọn đèn, đứng im một lúc rồi lôi trong túi ra đồng bạc cắc. Nó nghĩ. Lần này mà ngôi sao nữa thì chắc chắn một trăm phần trăm chị không tới rồi.

Và nó bung đồng bạc quay tít trên bàn.

*

giavui
04-20-2015, 09:18 PM
Trong lúc ấy tại nhà trọ của các sinh viên địa chất, Phượng đang lo lắng vì cơn đau bất thình lình của Thành. Thầy Văn và mấy người bạn năm thứ năm cũng quây quần bên giường người bệnh. Phượng đi ra quán cà phê mua nước đá về chườm cho Thành nhưng anh vẫn quằn quại vì cơn đau dạ dày cố hữu của mình. Ðến nửa đêm cơn đau hạ xuống và Thành mệt lả người, ngủ thiếp đi. Lúc ấy Phượng mới nhớ ra là mình có hẹn với thằng bé đến nhà dẫn đi xem chiếu bóng. Nhưng buổi chiếu đã xong từ lúc nào, mọi người trở về và ngủ yên. Giờ đây ở vùng rừng rú này có lẽ chỉ mình Phượng còn thức, còn ngồi đăm đăm nhìn ngọn đèn dầu leo lét mà nghe tiếng dòng sông réo gọi, nghe tiếng gió rừng rì rào không dứt. Thành nằm im lìm trên chiếc giường tre nhỏ, đôi kính cận đã được tháo ra nên trông mặt anh khác lạ hơn ngày thường, chỉ có vầng trán và cái miệng là còn giữ nguyên cái vẻ thông minh lẫn chút gì bướng bỉnh đáng yêu. Phượng coi đồng hồ. Ðã hơn hai giờ sáng nhưng chị không thấy buồn ngủ. Chị tựa lưng vào ghế dựa và chợt thấy mình như đang sống trong một gia đình nhỏ ở ven sông, với một đôi vợ chồng nghèo mới cưới nhau chưa đầy năm. Chị ngạc nhiên không hiểu sao điều tưởng tượng ấy lại đem đến cho mình một cảm giác buồn mênh mông, hòa lẫn trong một thứ tình yêu đằm thắm, lễ giáo. Cái gì đã làm chị bâng khuâng không ngủ được. Chị thấy mình đang nhớ nhung một cái gì không rõ rệt, một cái gì đó như thể đang bị dòng sông ngoài kia mang đi dần, mang đi dần, hoặc là cơn gió rì rào ấy làm cho tan loãng ra, mất dần đi trong rừng mênh mông.

Chưa bao giờ Phượng sống trong một tâm trạng lạ lùng như thế. Có lẽ tại mình thức một mình với đêm ở chốn núi rừng heo hút này chăng? Ở thành phố, có nhiều đêm chị cũng thức khuya như thế nhưng không hề có cảm giác như vậy.

Phượng vẫn ngồi im nhìn ngọn đèn leo lét. Có lẽ cũng do ngọn đèn có thứ ánh sáng vàng yếu ớt này chăng? Chị đứng dậy và ra đứng ngoài hiên nhà. Sương xuống mênh mông trắng bạc cả rừng núi, cả trời đất. Làng xóm ngủ yên những mái tranh co ro những con thỏ con nằm tựa vào nhau quanh bếp tro đã tàn. Phượng ngạc nhiên không hiểu sao người dân quê ViệtNamlại có thể sống mãi một cuộc đời thầm lặng như thế. Có lẽ họ cũng tìm thấy được niềm hạnh phúc dưới mái tranh nghèo này, trong ánh đèn leo lét này, nhưng giá như nếu có thêm ánh sáng rực rỡ của những ngọn đèn nê-ông, những công viên tươi xanh, những khu giải trí, những ngôi nhà gạch tiện nghi sạch sẽ, giá như trẻ con được học trong những ngôi trường khang trang… thì hạnh phúc sẽ lớn hơn, đời sống sẽ phong phú hơn.

Ðàng kia, thấp thoáng bóng một người sinh viên đang ngồi gác cho đồng đội mình ngủ. Hình ảnh ấy đêm nay đối với chị đẹp như hình ảnh người chiến sĩ ngoài mặt trận. Phượng đứng âm thầm trong bóng tối của chái nhà nhìn anh đăm đăm, nhưng chị vẫn không nhận ra người ấy là ai mặc dù ánh thuốc lá cứ mỗi lúc lại ửng hồng lên trên khuôn mặt trẻ. Suốt dãy lớp học trống trãi xiêu vẹo kia, những tiếng thở đều đặn của các bạn nghe rất rõ, thỉnh thoảng có tiếng trở mình, tiếng nói mê của vài người và tiếng ho húng hắng của giáo sư Văn. Tất cả những tiếng động quen thuộc ấy làm lòng chị ấm áp dễ chịu. Phượng nhẹ nhàng bước vào nhà. Thành vẫn đang ngủ say, chị muốn đặt một bàn tay lên trán của bạn nhưng sợ Thành giật mình tỉnh giấc nên chị lẳng lặng bước về phía giường mình. Chị chui vào mùng, nằm xuống và bỗng nhiên nghĩ đến Sơn:

-Tội nghiệp thằng bé.


6. Những người khách lạ trên bến sông

Hai cha con đều mặc quần đùi. Oâng Thái vác lưới trên vai còn Sơn xách cái giỏ cá. Hai cha con cứ đi ngược lên, lội qua những chỗ nước chảy xiết qua các hốc đá, len vào giữa những bụi rậm, những tàng cây thấp phủ xuống như cái vòm. Buổi trưa nắng trên cao đổ xuống những vệt vàng óng vạch trên luồng nước nhỏ, chảy xiết qua các mô đá. Ngoài ra không còn trông thấy gì dưới đáy nước. Sơn theo cha đi lưới khá lâu nhưng con mắt em vẫn chưa nhìn thấy dấu hiệu của cá. Em chỉ nhìn thấy nước chảy bọt trắng, những vệt nắng và các mô đá có dấu rêu.

Nhưng cha em thì thấy. Ông nhìn lại một chút phía dưới hốc đá, nhìn chăm chăm xuống mặt nước rồi bất thình lình ông tung cái lưới nhỏ ra, mảng lưới xòe rộng thành hình vòng tròn như cái dù của chú phi công, chụp xuống mặt nước hiền lành rồi chìm nghỉm. Sơn nghe được cả tiếng những trái chì chạm vào đá. Một cái vung tay đơn giản như thế nhưng không phải ai cũng làm được. Ông Thái tóm lưới lại và kéo từ từ lên. Những cái bụng trắng như bạc đã thấy lấp lánh dưới nước. Những con cá lưới to bằng bốn ngón tay, ba ngón tay, kỳ và đuôi xanh lè như ánh thép. Con cá đẹp như con chim én của thủy cung. Hai cha con gỡ cá ra. Một lần vung lưới như thếbắt được cả chục con cá là ít. Ông Thái dạy cho cậu con trai:

-Buổi trưa cá nó ưa lội ngược ven bờ để đớp mồi. Con phải chú ý mỗi lần nó lách mình sẽ thấy một chút bụng trắng bạc.

Sơn cũng chú ý nhưng em chỉ thấy bọt nước, có lẽ em không phân biệt được màu trắng của bọt nước và màu trắng của bụng cá..

Ông Thái lại tung lưới lên.

Lưới vừa kéo lên đã nghe tiếng nói xôn xao phía sau lùm lá dày. Hai cha con ngừng tay gỡ cá lắng nghe. Không ai hiểu gì cả. Tiếng nói với tiếng lội nước nghe rõ dần. Hai cha con vừa ngẩng lên đã thấy đám đông đi về phía họ. Ðó là những người đàn ông da trắng. Không, còn có một người đàn bà da trắng nữa. Họ đi chung với mấy người ViệtNamtrong đó có giáo sư Văn và Phượng, Thành cùng ba bốn sinh viên địa chất năm thứ năm.

Sơn nhớ lại cuộc hẹn không thành, em liền ngó lơ, rồi cắm cúi gỡ cá. Bỗng nhiên em thấy có một bàn tay mềm mại nâng tấm lưới của em lên.

-Chị xin lỗi Sơn nhé. Tối hôm đó có người bạn trong lớp chị bênh nặng lắm nên chị không lại em được.

Phượng gỡ mấy con cá ra cầm tay, cúi chào ông Thái.

-Ðánh được nhiều cá không bác?

-Ðược mấy chục con. Mấy người nào vậy cô?

-Các kỹ sư người Liên Xô đấy.

Phượng vừa trả lời xong, chị Lút-mi-la đã reo mừng như trẻ con khi nhận ra những con cá luối trắng bạc trong cái lưới nhỏ. Chị bước nhanh đến, nước bắn tung tóe lên ướt cả cái “rốp”. Ông Thái đưa chỗ lưới có nhiều cá cho khách cầm. Chị Lút-mi-la nói một câu gì đó với Phượng. Phượng bảo sơn:

-Chị ấy muốn xem trong giỏ có nhiều cá không.

Sơn đưa cái giỏ cá cho Phượng. Chị Lút-mi-la ghé nhìn vô trong giỏ, ngạc nhiên thấy cá quá nhiều. Chị ôm lấy vai thằng bé vừa cười vừa nói chuyện với Phượng. Phượng nắm tay Sơn nói:

-Bà ấy khen em dễ thương lắm.

Sơn cười không thành tiếng. Lúc ấy có tiếng te te của máy Geiger Muller đo đồng vị phóng xạ vang lên từ một mô đá ở phía dưới. Một kỹ sư Liên Xô bấm đồng hồ và tính giờ. Ðoàn người khảo sát thủy văn bước lên bờ. Chị Lút-mi-la cẩn thận chào ông Thái, bắt tay Sơn và cùng Phượng đi theo đoàn người.

Hai cha con lại đi ngược dòng nước, lội len vào giữa những mô đá dốc.

Ðến trưa. Giỏ cá đã đầy, họ rẽ tìm lối lên bờ. Những con cá luối đã dẫn họ đi khá xa và bây giờ họ phải tim lối mòn để đi ngược trở lại. Hai cha con đi chừng năm phút đã nghe tiếng chân đạp nặng nề trên đất. Tiếng chân của nhiều người. Ðó là những thanh niên rất trẻ đang cố sức dựng một cột trụ điện nặng nề. Mặt người nào người nấy đỏ gay, mồ hôi thấm ướt lưng áo. Trong đám người ấy, nhìn kỹ thấy có một ông già. Thực ra người đàn ông ấy cũng chưa già lắm. Ông trạc năm mươi, người gọn chắc. Cái trụ điện nặng quá, lỗ đào khá sâu nhưng lại hơi nhỏ nên đưa trụ xuống khó khăn. Họ cố hết sức nâng thân trụ lên, số người khác từ đàng xa kéo đầu ngọn bằng những sợi dây thừng chắc chắn.

-Một… hai… ba….

Họ cố sức kéo nhưng vẫn chưa dựng đứng được cái trụ gỗ khổng lồ kia. Ông Thái vắt lưới lên một cành cây. Sơn cũng đặt cái giỏ cá xuống. Hai cha con nhào vô. Một… hai… ba… Lần này thì trụ được nâng lên từ từ. Ðầu gốc đã ngập sâu xuống.

-Ngọn kéo mạnh!

Thế là cây trụ được dựng lên thằng đứng.

Mọi người thở phào nhẹ nhỏm. Người đàn ông lớn tuổi đến bên hai cha con Sơn chỉ tay về phía cái xe cần cẩu đang nằm dưới bóng cây:

-Mấy hôm nay cần cẩu hoạt động liên tục nên hư rồi. Chưa sửa được. Anh em bọn tui phải tự làm đấy.

Ông Thái mời người bạn già điếu thuốc Mai rồi hỏi:

-Ủa sao nghe nói nhà máy thủy điện lớn lắm mà cũng xài trụ gỗ này sao?

-Không phải đâu. Ðây chỉ là đường dây bọn tui làm để kéo điện Ða Nhim về phục vụ các công trình xây dựng cơ bản ví dụ như: xây nhà, khách sạn, rạp hát, làm cầu phao v.v…

Hai ông già nói chuyện với nhau thân mật như những người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Những người thợ điện trẻ lấy cơm ra ăn. Ông Thái tình cờ nhìn sang phần ăn của các anh thợ trẻ {đặt trên cái lá dầu to hay tờ giấy báo hơi ngạc nhiên một chút rồi ông nói:

-Trời ơi, mấy chú làm nặng mà ăn cực quá vậy.

Ông già cười:

-Không cực gì đâu. Bữa ăn của tôi cũng vậy thôi. Hồi đi kháng chiến ăn còn cực hơn. Tui ở hai mươi năm trong rừng chiến khu Ð này đó anh.

Ông Thái ngó quanh quất, thấy cái bếp lửa đang cháy, ông đặt bàn tay lên vai ông bạn già.

-Anh đợi tui chút.

Và ông đứng dậy, bẻ nhánh tre nhỏ lụi mấy xâu cá rồi cùng với Sơn đem nướng trên bếp lửa.

-Mấy em. Ông Thái gọi, lại đây nướng cá ăn chơi.

Mấy anh thanh niên nghe nói mừng quá, chẳng khách sáo lôi thôi, họ nhãy xổ lại. Nhưng họ cũng không làm hết giỏ cá, họ chỉ nướng một ít dầm nước mắm.

Những con cá nướng làm cho đám thanh niên vui vẻ hẳn lên. Sự hồn nhiên của họ làm ông Thái cảm động. Ông nói với người bạn già:

-Hồi chiến tranh có một dạo tui cũng ở đây. Tui gốc người ở đây. Sau đó chiến sự ác liệt quá bà con tụi tui bỏ đi. Ði tứ tán hết. Sống cũng vất vưởng.

-Chắc nhà cửa cũng bị bom cháy hết. Hồi đó vùng này có còn cái nhà nào đâu?

-Không còn. Chỉ còn mảnh vườn hoang.

-Lúc đó tui cũng ở gần đây. Ở cánh rừng bên kia sông. Anh em bọn tui bám trụ ở đó khá lâu. Phải biết anh sớm tui lội qua anh chơi.

Ông Thái cười khà. Lúc đó ông tự nhiên nhớ rượu. Phải chi có một xị đế.

-Anh có nhậu không?

-Cũng lai rai.

-Anh còn công tác ở đây lâu không?

-Xong đường dây này là tụi tui rút. Khi nào họ xây dựng cơ bản xong tụi tui chắc lại lên bắc điện.

-Họ xây dựng cơ bản chỗ nào vậy?

giavui
04-20-2015, 09:19 PM
-Nghe nói đâu chỗ trường học.

-Vậy mà nhà tôi cũng ở gần trường học, sao họ cứ tới đòi dỡ nhà hoài.

-Chắc tại nhà anh ở dưới dốc chớ gì. Chỗ đó thấp, nước ngập.

Ông Thái chép miệng:

-Tui cũng nghe mấy ông cán bộ nói vậy. Khổ quá. Anh mà thấy cái vườn nhà tôi thì anh mê luôn. Mấy cây mít, xoài, vú sữa, mận… tôi trồng quá tốt. Còn cái nhà nữa. Vợ chồng tôi đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt vô đó. Quá tiếc anh à.

-Nhưng nhà nước cũng bồi thường chớ.

Ông Thái lám thinh, đầu cuí xuống. Ông gác đũa vơ một cọng cỏ may xỉa răng. Rồi ông nói:

-Không bao nhiêu. So với công lao của chúng tôi thì không bao nhiêu. Nhưng cái đó tui cũng không trách vì là việc chung mà. Mấy hôm nay suy nghĩ tôi thấy cũng nguôi ngoai nhưng giận là giận mấy thằng cha cán bộ đến lo chuyện bồi thường. Họ cứ làm như họ đi bố thí tiền cho mình. Tôi giận lắm.

Người bạn già cười khà mấy tiếng. Ông cũng gác đũa, cũng xỉa răng bằng cọng cỏ may.

-Tôi đây cũng có nhiều cái giận. Mà ai lại chẳng có cái giận, nhưng thôi chuyện lớn thì cứ làm cái đã. Bọn mình già rồi, có hy sinh chút gì cũng là cho bọn trẻ nhỏ đây.

Ông bạn già vừa nói vừa giúi đầu Sơn xuống mấy cái.

-Cháu no chưa?

-No. Trời nắng quá cháu chỉ muốn uống nước.

Nói xong Sơn gom mấy mảnh lá chuối và lượm cơm đổ cho sạch chỗ ngồi. Sơn chợt hỏi ông già:

-Hồi đó bác ở trong rừng này hả, bác?

-Rừng này.

-Bác có gặp sư tử không, bác?

-Sư tử thì không thấy nhưng cọp thì nhiều. Cháu có nghe người ta nói “cọp Tân Uyên” không?

-Cháu nghe nói có cọp nhiều. Nhưng con cọp Tân Uyên ấy ghế lắm hả bác?

Ông già cười. Uống tách nước trà nóng anh công nhân mới đem lại xong, ông nói:

-Rừng chiến khu Ð nhiều cọp nhưng cọp Tân Uyên lại không phải là cọp thường mà đó là biệt danh của một tay chọc trời khuấy nước ở xã Tân Uyên thời đánh Pháp. Ðó là Chín Quỳ, một người vạm vỡ, hơi thấp nhưng có sức mạnh phi thường. Chín Quỳ thường xuất quỷ nhập thần, hoạt động ở vùng các xã Tân Tịch, Tân Uyên gây cho quân Pháp những thiệt hại lớn. Chúng rất sợ hãi Chín Quỳ nên gọi anh là cọp Tân Uyên. Về sau một cán bộ của Thành Ủy Sài Gòn là Huỳnh Văn Nghệ về Tân Tịch chiêu hiền đãi sĩ đánh Pháp thì Chín Quỳ đến xin gia nhập. Thế là một lực lượng vũ trang nhỏ xuất hiện ở Tân Tịch, một vạt đất từ Tân Uyên chạy dọc sông Ðồng Nai theo lộ 16 dẫn về thượng nguồn. Ðó là chiến khu Ð.

Sơn nghe mê mẩn. Nó nghĩ chắc ông già sẽ kể tiếp nhiều trận đánh ác liệt, nhiều hành động ly kỳ nữa của Chín Quỳ nhưng ông già đã nói:

-Chuyện về truyền thống của chiến khu Ð còn nhiều lắm. Hôm nào chú em lại đây qua kể cho chú em nghe, bây giờ trưa rồi cháu phải theo ba về còn làm việc nhà, còn đi học chớ.

Ông Thái vuốt lưng con nói với người bạn già:

-Nó ghiền nghe kể chuyện lắm. Nhưng tui lại không có chuyện gì hay để kể. Mấy cái chuyện cũ như “Thạch Sanh – Lý Thông”, “Con Tấm Con Cám”… thì nó thuộc hết rồi. Ở đây không có truyện sách gì, cũng chẳng có cải lương, xi-nê nên nó ghiền nghe kể chuyện lắm.

Ông già cứ rờ rẫm thằng bé hoài. Ông có vẻ thích nó. Còn Sơn thì chỉ mấy phút đồng hồ nó đã tưởng tượng ra biết bao nhiêu điều kỳ thú về khu rừng bên kia sông, cái vùng đất mà người ta quen gọi là chiến khu Ð.


7. Cọp Tân Uyên và ông lão râu dài

Sơn không bao giờ chịu dừng lại ở những câu chuyện kể. Em thích tưởng tượng thêm trăm ngàn thứ quanh những câu chuyện em nghe được từ miệng ông già bởi vì những chuyện chiến đấu, những chuyện gặp cọp, gặp beo, những chuyện lạc trong rừng, những chuyện đặt mìn giựt đổ nhào tàu lửa của Tây, chuyện bắn cháy xe tăng địch… chỉ được ông già kể một cách sơ lược bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc, bằng cái trí nhớ đã bị năm tháng làm lu mờ của ông.

Cho nên Sơn không mấy bằng lòng với những câu chuyện kể ấy.

Chín Quỳ, theo em phải là một người cao lớn chớ không phải “hơi thấp” như ông già mô tả, búi một búi tóc to bằng nắm tay trên đỉnh đầu. Chín Quỳ không bao giờ mặc áo, chỉ mặc một cái khố bằng da cọp, bên hông đeo con dao găm sáng giới. Chín Quỳ đi chân đất nhưng không bao giờ sợ đạp gai hay dẫm phải rắn rít, đá nhọn, mẻ chai vì da bàn chân của ông rất dày, dày như da heo rừng. Ông bước tới đâu là in vết chân tới đó, kể cả bước trên đá cứng. Một hôm Sơn đi câu cá ngựa tận bên cù lao giữa sông, em đã khám phá ra một dấu chân của Chín Quỳ in mờ trên một tảng đá xanh đã bị rêu phủ kín. Em dùng cát chà sạch rêu đi và khoát nước rửa sạch tảng đá. Chín Quỳ đi ngang qua cù lao này lúc ông rượt theo một con cọp lớn.. Con thú hoảng hốt nhảy đại xuống nước bơi qua sông. Chín Quỳ nổi giận nhún mình phóng theo cỡi gọn lên lưng nó.

Người và thú tấp lẹ vô cù lao. Hai bên quần thảo nhau. Con cọp lớn như con trâu ghìm xuống thủ thế, cái đuôi của nó đập mạnh trên cỏ gai và lấy đà phóng tới, miệng nhe ra tua tủa răng nhọn. Chín Quỳ lách người qua một bên, thụp xuống thật sâu và đưa mạnh lưỡi dao vô bụng nó nhưng chỉ đâm rách một mảng da. Cọp ta đau quá xoay người nhào vô lần nữa. Lần này, Chín Quỳ không né tránh, ông đứng dạng chân, vũng vàng như một pho tượng đồng đen, chờ cho cái đầu to lớn dữ dằn của chúa sơn lâm lao tới sát mặt mình, ông mới đâm vào cổ nó. Nhưng con cọp dữ vẫn chưa chết, nó hất văng lưỡi dao của ông vào bụi rậm và tát một cái trời giáng vào lưng ông. Chín Quỳ né người, cái tát hụt khiến con thú té nhào xuống đất. Nhưng nó vùng dậy rất nhanh. Máu từ trong cổ nó chảy ròng ròng. Nó lại xông tới. Nhưng Chín Quỳ đã nhảy ra sau lưng nó, nắm chặt lấy cái đuôi dài của nó rị xuống. Cọp ta hoảng hốt cố sức giựt đuôi ra những giựt làm sao được khỏi hai bàn tay cứng như gọng kềm của Chín Quỳ. Thế là nó cứ chạy vòng vòng. Chín Quỳ đứng giữa vòng tròn ấy nắm chắc cái đuôi. Cái đuôi cũng thẳng như sợi dây cáp neo tàu. Con cọp xoay tròn một lúc rồi đuối sức. Máu từ cổ họng nó chảy ra càng lúc càng nhiều, cuối cùng nó quỵ xuống và nằm thở thoi thóp.

Từ đó tấm da của nó trở thành y phục của Chín Quỳ.

Khi bác Huỳnh Văn Nghệ về vùng rừng núi xã Tân Tịch lập chiến khu thời Nam Bộ kháng chiến 1945 thì Chín Quỳ đã mặc bộ da cọp rồi. Một hôm, bác Nghệ đang họp nghĩa quân lại để bàn kế tập kích đồn giặc thì nghe từ phía ngoài có tiếng hô:

-Ai đó? Dừng lại!

Vì ánh lửa rừng đêm chập chờn nên người gác không biết kẻ đang đứng trước mặt mình là ai, một người hay nhiều người. Anh lên đạn khẩu súng mút-cơ-tông định bắn, nhưng vừa giương súng lên thì “soạt” một cái bóng đen đã lướt qua và đánh rơi khẩu súng xuống đất. Anh du kích cũng không phải tay vừa. Anh lùi lại thủ thế rồi bất thần xông tới đá mạnh vào hông kẻ địch. Người nọ chụp gọn gót chân anh du kích nhưng thay vì đẩy cho anh té nhào thì lại nhẹ nhàng buông xuống. Lúc ấy nhiều chiến sĩ giải phóng đã cầm một que lửa xông ra bao vây hai người xem chuyện gì. Trong ánh lửa rực sáng hiện ra một người đàn ông cao lớn đen sạm, mình khoác một tấm da cọp, vai mang một cái túi vải. Bác Huỳnh Văn Nghệ hỏi:

-Người là ai, đến đây đêm hôm khuya khoắc có việc gì?

Người lạ cúi chào người lãnh tụ du kích và nói:

-Tôi là Chín Quỳ, đêm nay đến đây xin tặng nghĩa quân một món quà.

Nói xong Chín Quỳ mở cái bao vài, dốc ngược miệng bao xuống. Một chiếc đầu lâu lăn lông lốc dưới lớp đá khô của rừng. Mọi người trố mắt ra nhìn. Ðó là đầu của một thằng giặc Pháp mũi lõ, mắt xanh trợn trừng, tóc vàng dính đầy máu. Chín Quỳ nói:

-Ðó là thằng trưởng đồn Tây ở ga Gia Huynh. Ðó là lễ vật tôi mang đến để xin gia nhập vào nghĩa quân của tướng quân.

Nghe Chín Quỳ gọi mình bằng tướng quân, bác Nghệ thấy ngồ ngộ. Nhưng được một người như Chín Quỳ thì bác và anh em đều quá mừng rỡ. Bác nói:

-Tôi nghe danh anh đã lâu nay mới được hân hạnh gặp mặt. Lúc nãy anh em bảo vệ vì không biết nên có nhiều thiếu sót, xin anh bỏ qua cho.

Rồi bác Nghệ bước tới nắm tay Chín Quỳ đưa vào trong. Chín Quỳ dự luôn cuộc họp bàn đánh Tây đêm đó. Nhưng Chín Quỳ không chủ trương đánh ban đêm. Kế hoạch của ông rất táo bạo.

Ngày hôm sau, ông đi vào sâu trong rừng săn cọp. Gần sáng ngày hôm sau nữa ông mới hạ được một tay chúa tể sơn lâm khá to. Ông vác nó lên vai và đi thẳng tới đồn giặc. Ðó là lần đầu tiên ông cởi bỏ bộ áo da cọp nổi tiếng của mình để khoác lên mình bộ quần áo vải thô của người thợ săn.

Chín Quỳ vác cọp vào đồn giặc đúng vào giữa trưa. Bọn giặc thấy cọp khoái quá xúm lại coi rất đông. Chín Quỳ ba hoa về chuỵện săn bắn, mô tả tỉ mỉ cuộc theo dõi, săn lùng và bắn hạ con cọp ra sao. Bọn giặc thích chí cười vui vẻ. Ðồn trưởng là một thằng Tây cũng đến coi cọp, nó dẫn theo cả con vợ đầm của nó nữa. Chín Quỳ nói:

-Người Việt chúng tôi có nấu một loại cao từ xương cọp gọi là cao hổ cốt. Cao này không phải ai nấu cũng được đâu. Phải bắt cho được một con cọp nguyên vẹn đem về lóc thịt da, lấy nguyên bộ xương, không thiếu một đốt xương nào. Ðem nguyên bộ xương đó nấu lên thành một thứ cao đặc, trong suốt và đỏ óng lên như mật ong. Ðó mới là thứ cao tốt. Ông già bà lão tay chân run rẩy, uống vô một lạng là tráng kiện như thanh niên. Người nào ốm yếu gầy còm uống cao hổ cốt thì được mập mạnh, ăn được, ngủ ngon, lên cân, tăng lực….

Chín Quỳ nói một hơi làm thằng thông ngôn dịch toát mồ hôi thằng Tây mới hiểu được đôi chút.

Giữa lúc bọn giặc đang say sưa nghe thì súng từ bốn phía nổ ran. Nghĩa quân bất ngờ tập kích ào ạt. Chín Quỳ lẹ làng nhảy tới kẹp cổ thằng trưởng đồn Tây, rút con dao găm ra kề cổ nó:

-Ra lệnh hàng đi, tao tha chết.

Con mẹ đầm ngất xỉu. Lũ lính vừa định ra tay thì đã bị thằngTâytrưởng đồn xua tay:

-Bỏ súng xuống.

Lúc ấy nghĩa quân bên ngoài tràn vô. Tụi lính tay sai hàng hết. Bác Nghệ tha cho họ về nhà nhưng có một số xin theo cách mạng. Bác Nghệ nhận họ, còn thằng Tây và mụ đầm thì trói lại dẫn đi.

Dẫn đi đâu? Sơn suy nghĩ. Lúc đó chiến khu Ð chỉ có một đội du kích hoạt động, đâu có trại giam nào đâu, hay là cứ nhốt đại trong rừng, khi nào cần thì mình trao đổi tù binh chớ. Ông già không kể vụ bắt vợ chồng thằng Tây, chỉ nói hạ đồn giặc thôi nhưng Sơn thì khoái bắt Tây nên nó tưởng tượng ra thằng Tây và mụ đầm nhưng bắt chúng nó rồi lấy gì nuôi chúng, bánh mì và bơ sữa đâu mà nuôi chúng. Nhưng thôi, không lo, một người tài giỏi như Chín Quỳ thì ắt phải có cách giải quyết.

Ông già kể tiếp: Tháng 11 năm 1947, đội quân chiến khu Ð đánh tập kích một đoàn xe địch ở Ðồng Xoài. Ðoàn xe gồm hai mươi chiếc, có hai xe bọc thép đi hộ tống, một cái đi đầu, một cái đi đuôi.

Ðang chạy ngon lành thình lình chiếc xe bọc thép đi đầu cán mìn tự tạo nổ tung. Thực ra thì chiếc xe không nổ tung vì cái mìn tự tạo này làm bằng một cái đầu đạn 75 ly, anh em du kích đã lấy được và chế thành cái mìn. Vì thế mà khi chiếc xe bọc thép cán phải nó thì bị lật nghiêng không chạy được nữa. Thằng lái xe vừa ở trong xe chui ra thì bị Chín Quỳ bấm cò chiếc ná mọi. Mũi tên tẩm thuốc độc cắm phập vào ngực nó. Nó kêu rú lên một tiếng rồi giãy chết. Hai mươi chiếc xe quân sự chạy sau hoảng hốt thắng gấp lại. Bọn lính trên xe nhảy xuống chạy vô rừng. Vài chiếc cố lách tránh xe bọc thép để chạy tới nhưng đã bị quân ta bắn tỉa bằng ná mọi từ trong bụi rậm, trên các nhánh cây bắn ra.

-Tách.

-Tách.

Không cần nổ to ồn ào vô ích, chỉ cần tách. tách. Vài tiếng nhẹ nhàng là tụi lính rú lên. Tuy nhiên cũng có một số xe chạy được về tới Ðồng Xoài. Chúng đem viện minh tới. Ðó là một tốp ba xe bọc sắt kềnh càng như con bọ hung. Quân ta chỉ có súng mút-cơ-tông và vài chục viên đạn nhưng vừa thấy xe tăng địch đến, Chín Quỳ giả cách la lên:

-Ðiều ba-dô-ka đến mau.

giavui
04-20-2015, 09:19 PM
Nghe nói tới ba-dô-ka bọn bọ hung tưởng thiệt sợ quá quay đầu bỏ chạy. Thật đáng tiếc. Sơn nghĩ, giá mà lúc đó mình có một khẩu B40 là ngon lành. Mình sẽ bắn theo một trái cho chúng thành đống sắt vụn luôn. Nhưng cũng chưa đã, phải có trực thăng trang bị tên lửa mới ngon. Khi ba chiếc xe bọc thép tháo chạy, mình sẽ lái máy bay trực thăng bốc lên rượt theo. Ở dưới đất chúng bắn lên nhưng ăn thua gì, mình sẽ bay thật cao và phóng xuống mấy cái tên lửa là chúng đi đời. Sau đó, mình sẽ bay thằng tới Ðồng Xoài. Thế nào hai đoàn xe quân sự chúng nó cũng đậu ở trại lính, mình dứt luôn. Chỉ cần một tên lửa xẹt xuống, trúng ngay bình xăng là bùng, ngọn lửa sẽ bốc lên cháy dữ dội.

Còn trận La Ngà nữa. Trận đó trung đoàn 310 đánh lớn với quân Pháp. Ta thắng nhanh quá nên số lương thực dự trữ còn dư cả mấy tấn. Quân phải triển khai hành quân nhanh nên không kịp mang chừng ấy gạo dư theo. Một đồng chí được cử ở lại trông coi số gạo đó, ngay giữa rừng, gần ngã ba sông Ðồng Nai và La Ngà.

Ðó có phải là Chín Quỳ không?

-Không. Cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta thần kỳ lắm, nhiều anh hùng dũng sĩ tài ba lắm, không phải chỉ có một mình Chín Quỳ. Chiến trường ở chiến khu Ð cũng ngày càng ác liệt, lực lượng ta ở chiến khu Ð cũng ngày càng lớn mạnh không ngừng chớ đâu phải chỉ có mỗi một đội du kích của bác Huỳnh Văn Nghệ và Chín Quỳ thôi sao?

-Vậy người đồng chí coi kho gạo ở trong rừng là ở đơn vị nào? Tên gì?

-Tên thì không ai còn nhớ, nhưng đơn vị thì là trung đoàn 310, lúc nãy qua đã nói rồi. Trung đoàn ấy sau này được phân ra thành nhiều đơn vị, chính vì thế mà không còn ai nhớ đến người du kích và hai tấn gạo còn lại trong rừng sâu.

Bảy năm trôi qua. Ngày kia, một đơn vị vũ trang của tỉnh Biên Hòa hành quân qua vùng rừng chiến khu Ð. Ðã hai hôm, đơn vị này cạn hết lương thực, mọi người phải ăn lá cây và quả rừng để cầm hơi nhưng ai cũng đói lả, không còn đủ sức để đi nữa. Thình lình họ nghe tiếng cu cườm gáy. Kinh nghiệm cho biết hễ nơi nào có cu cườm gáy là nới đó có người ở. Thế là anh em bộ đội mò tới. Nhưng họ cũng tiến tới một cách thận trọng. Qua đám lá họ nhìn thấy một sinh vật gì cao lớn, tóc dài phủ xuống tới quá gối, râu dài chấm đất, hình thù cổ quái. Nhìn kỹ thì sinh vật này không mặc quần áo chỉ có một tấm da thú quấn quanh hông. Tuy vậy, tóc và râu đã che kín tất cả. Sinh vật ấy đang xách một cái lồng cu mồi và cây sào dài. Anh em bộ đội bảo nhau:

-Một con vượn người hay người tiền sử còn sót lại?

-Ðể xem.

Sinh vật ấy rướn người đưa cây sào có mắc lồng cu mồi lên nhành cây cao. Trong tư thế rướn người ấy sinh vật đã để lộ một mảng da bụng tuy sạm đen nhưng rõ ràng là da người.

Anh em bộ đội bảo nhau:

-Hình như là một con người.

-Ta bắt đi.

Thế là anh em xông vô chĩa súng vào ngực:

-Giơ tay lên!

Sinh vật nọ đưa thẳng hai tay lên trời, nhưng không phải để đầu hàng mà để reo lên bằng tiếng người

-Trời ơi, các đồng chí!

Rồi người ấy bật khóc. Anh em bộ đội sững sờ. Người nọ vén tóc lên, để lộ một khuôn mặt người. Lúc ấy người và người mới cầm tay nhau.

Người cjiến sĩ cách mạng ấy đã sống một mình trong rừng sâu suốt bảy năm trời để bảo vệ kho gạo chờ quân mình đến. Nhưng chiến tranh có rất nhiều cái bất ngờ ngoài ý muốn. Ðơn vị của anh sau trận La Ngà đã được phân tán ra, bổ sung cho nhiều đơn vị khác. Ðồng đội anh ai cũng tưởng là anh đã trở về và được điều đến bổ sung cho một đơn vị nào đó nhưng không ai ngờ anh vẫn còn ở trong rừng.

Anh thì không hiểu được trường hợp đặc biệt ấy. Anh vẫn chờ đợi, một tháng rồi hai tháng, rồi mười tháng, một năm rồi hai năm… Anh cứ chờ đợi. Ðã bao lần anh muốn bỏ kho gạo để tìm về với xã hội loài người, với đồng đội nhưng kho gạo là sinh mạng của cả một đoàn quân, đó là sự sống mà cách mạng và nhân dân đã giao phó trong tay anh, anh đâu dám bỏ nó lại giữa rừng. Thế là anh cứ ở lại chờ đợi. Anh một mình chặt cây, cất một cái nhà kho rồi lại phải phá đi để cất một cái khác cao hơn để bảo vệ gạo trong mùa mưa lũ, bảo vệ gạo khỏi bị chuột rừng, chim rừng phá phách, khỏi bị sâu mọt tác hại….

Năm tháng trôi qua. Quần áo anh đã rách hết, râu tóc anh đã mọc dài ra, trông anh cổ quái như một người rừng tiền sử. Ngoại hình anh đã thay đổi đến đồng loại, đồng chí của mình cũng không nhận ra, nhưng tấm lòng trung kiên của anh vẫn không bao giờ thay đổi. Bảy năm trời anh vẫn sống bằng củ mài, củ năng, muông thú, anh không dám động đến một hạt gạo nuôi quân, vì anh biết cuộc kháng chiến còn dài, còn nhiều gian khổ.

Những người bộ đội trẻ ngồi nghe anh kể chuyện bên nồi cơm bốc khói thơm lừng mà rưng rưng nước mắt. Họ đã đói lả mấy ngày qua nhưng không ai ăn uống vồ vập. Họ trân trọng từng hạt cơm đầy tình nghĩa vì họ biết trong mỗi hạt cơm đều có cả tấm lòng của người chiến sĩ trung kiên ấy.


8. Cuộc hội thảo trên bến sông

Bỗng nhiên ông già được mơi tham dự cuộc hội thảo. Các sinh viên của giáo sư Văn chỉ nghe Sơn kể lại sơ sơ chuyện truyền thống chiến khu Ð đã mê ông già ngay. Thế là đích thân giáo sư Văn phải đến làm quen với người chiến sĩ lão thành ấy.

Ông già đến, gặp ngay các kỹ sư người Liên Xô đang ngồi nói chuyện vui vẻ với các sinh viên địa chất. Chị Lút-mi-la thấy ông già đến vội đứng dậy bắt tay ông. Chị nói với một nụ cười rất tươi:

-Không ngờ chúng tôi lại được dự một buổi họp mặt của ba thế hệ nối tiếp nhau trên vùng đất sắp mọc lên nhà máy thủy điện. Thế là chúng ta có đại diện cho một quá khứ hào hùng đánh Pháp, đánh Mỹ của Trị An, chúng ta cũng có đại diện cho lớp người hiện tại đang góp sức xây dựng nhà máy thủy điện, đó là kỹ sư trẻ, những người thợ trẻ Việt Nam và các kỹ sư Liên Xô, các sinh viên Việt Nam và chúng ta còn có đại diện của lớp người sẽ kế tục sự nghiệp của chúng ta trong tương lai, đó là bé Sơn.

Mọi người quay nhìn bé Sơn làm em đỏ mặt. Giáo sư Văn giới thiệu “ông già” với các bạn Liên Xô rồi tiếp tục phần việc của mình với cây thước và tấm bản đồ móc trên một nhánh cây.

-Tôi xin được phép tiếp tục. Lúc nãy tôi đã trình bày đến phần cấu trúc nền móng đập. Năm 1933, một nhà địa chất lỗi lạc của Pháp là Saurin đã khảo sát và định tuổi đá của Trị An là 100 triệu năm. Ðến năm 1980 thì viện định tuổi của Liên Xô đã xác nhận điều này và còn xác nhận thêm là chiều dày của đá phiến và đá cát ở đây là từ 2000 đến 3000 mét. Với một chiều dày như vậy thì đập thủy điện Trị An của chúng ta quả là đã có được một nền móng đá trầm tích vững chắc và bình ổn.

Sự vắng mặt của đá vôi cũng là một thuận lợi rất cơ bản trong việc xây đập vì đá vôi chính là ung thư của đất, nó dễ dàng bị nước mưa phá hủy, tạo thành những khoảng trống giữa lòng đất đá và gây ra những vụ sụp đổ khủng khiếp đã từng xảy ra trong lịch sử địa chất thê giới. Như trường hợp đập Malpassé của Pháp. Do việc điều tra cơ bản về cấu trúc nền móng không chu đáo nên không phát hiện ra sự có mặt của đá vôi trong vùng khiến cho đập bị sụp đổ. Trường hợp đập Fréjus lại là sự sụp đổ của một trái núi do đất bị sạt lở. Trái núi đổ xuống hồ chứa tạo nên một đợt sóng thần làm trôi cả một ngôi làng đông dân trong thung lũng.

Sơn ngồi nghe say sưa. Ðó là những điều nó chưa từng được nghe nói tới bao giờ. Ngồi giữa cuộc họp này, nó cảm thấy mình trở nên rất quan trọng vì rõ ràng là ở đây người ta nói toàn là những chuyện to lớn vĩ đại, chuyện dời non lấp biển, chuyện xẻ núi lấp sông. Một phần vì ham thích, một phần vì đã được Phượng giảng giải cho hiểu những nét chính về địa chất và thủy điện cho nên khi nghe giáo sư Văn nói nó cũng hiểu được phần nào. Ðến khi kỹ sư Liên Xô lên nói thì nó ngổi chồm tới. Ðây là lần đầu tiên trong đời nó nghe một người nước ngoài nói chuyện mà có thông dịch cho nó hiểu hẳn hoi. Người thông dịch ấy lại chính là Phượng nên nó càng khoái. Sơn vừa nghe vừa nhìn miệng người nói:

-Trên thế gian này ngày nay thủy điện đóng một vai trò rất quan trọng. Hiện nay, ở Liên Xô thủy điện chiếm 20 phần trăm tổng số sản lượng điện cả nước. Hiện nay đập thủy điện cao nhất thế giới là của nhà máy thủy điện Nurếch ở nước Cộng Hòa Tatgikixtan Liên Xô, cao 300 mét. Trước đây đập cao nhất thế giới là đập Ðích-xen của Thụy Sĩ cao 285 mét. Các bạn nên nhớ rằng, Thụy Sĩ là nước có hệ thống thủy điện quimô nhất thế giới với 99,5 phần trăm số điện sử dụng là thủy điện.

Sơn suýt kêu lên vì khoái chí. Nó kề tai Phượng nói nhỏ:

-Vậy thì Thụy Sĩ đâu có cần dùng xăng. Chắc xăng ở đó rẻ lắm hả chị Phượng?

Phượng nhéo lưng thằng bé một cái rồi cười, không ngờ từ chuyện thủy điện nó lại liên tưởng tới giá xăng.

Ðồng chí kỹ sư Liên Xô lại nói về một công trình thủy điện lớn khác đang được xây dựng của Liên Xô.

-Chỉ cách đập Nurếch – đập cao nhất thế giới hiện nay – có tám chục kilômét, chúng tôi đang xây dựng một nhà máy thủy điện khổng lồ, đó là nhà máy Rôgunxcain với đập chắn nước cao 350 mét, trữ lượng nước là 13 kilômét khối và công suất lên tới ba triệu rưỡi KW.

Sơn lại ồ lên. Nó nói với Phượng:

-Vậy là lớn gấp ba lần rưỡi nhà máy thủy điện Sông Ðà của mình.

-Ðúng đấy. Và lớn gấp mười lần Trị An.

-Dễ sợ.

Sơn lại hỏi nữa nhưng Phượng ngăn em lại để dịch. Thực ra thì Phượng dịch cũng không trôi chảy lắm vì chị học tiếng Nga chỉ mới hơn bốn năm ở đại học. Tuy vậy, chị vẫn truyền đạt được gần hết ý của người kỹ sư bạn.

Phần nói chuyện của người kỹ sư Liên Xô mất đúng một tiếng đồng hồ. Mọi người giải lao bằng nước ngọt, mít và đu đủ chín. Trong lúc ăn, Phượng đến bên “ông già” và nói nhỏ với ông:

-Lát nữa bác kể chuyện về chiến khu Ð cho tụi cháu nghe. Các chuyên gia Liên Xô cũng rất muốn nghe.

Ông già nói:

-Tôi kể chuyện không có đầu, có đuôi. Hay là để cho Sơn nó kể đi. Nó kể chuyện khá lắm.

Phượng nói:

-Chính bác kể mới hay. Bác cứ kể y như kể với Sơn vậy là hay lắm rồi.


9. Hòn đảo thần tiên

Sơn vừa ôm cặp ra tới cổng thì thằng Thân cũng ôm cặp tới:

-Bữa nay thầy cho nghỉ.

-Ủa, sao vậy?

-Không biết nữa. Nghe nói có lễ gì đó. Ðánh dích tán chơi.

-Số một. Sơn reo lên, bữa nay tao làm bài chưa xong. Vô cất cặp đi.

Nhưng chúng chỉ ném cặp bên gốc mít.

Thằng Thân cắm cúi đào rãnh, Sơn vẽ cái vạch dài phía trước. Buổi sáng nắng nhưng chơi trong bóng cây mát vô cùng. Cái sân sáng bừng lên màu lá non mịn màng. Chúng chơi với nhau được ba ván. Sơn phải cõng Thân một lần, hai lần kia thì thằng Thân cõng nó chạy ngư ngựa trong sân, vừa chạy vừa phải tu mỏ lại mà “u, u” liên tục, không cho đứt quãng. Sơn ngồi trên mép lưng nó khoái chí xòe bàn tay đập đập vô mông mình như quất ngựa.

Bỗng có tiếng xe rầm rì phía trước ngõ cùng với tiếng trẻ nhỏ reo hò. Sơn nhảy xuống lưng thằng Thân nhìn ra đám bụi bốc cao lên trong nắng sớm.

-Chết cha. Sơn kêu lên, bữa nay sinh viên họ về thành phố.

-Kệ họ. Thân nói.

Nhưng Sơn đứng sững sờ. Rồi đột nhiên bỏ chạy ra ngoài lộ. Chiếc xe ca cũng vừa tới chở theo những sinh viên địa chất. Mặc cho xe chạy, họ cứ ca hát, gảy đàn và nhìn xuống những người đi đường, cười, vẫy tay, chọc ghẹo mấy cô gái gánh bưởi, gánh đu đủ, gánh khoai ra chợ. Sơn chờ cho xe đến sát mình mới kêu:

-Chị Phượng ơi, chị Phượng!

Nhưng tiếng của em bị tiếng cười, tiếng hát trên xe át đi mất. Chiếc xe chạy qua mặt Sơn nghiêng ngã vào đoạn đường dốc.

Sơn chạy theo sau xe, sát sau xe. Các anh sinh viên ngồi phía sau tưởng có thằng bé nghịch muốn bám theo để trèo lên nên xua tay và nói:

-Lên không được đâu.

Rồi họ tiếp tục hát.

Sơn vẫn chạy theo. Bụi đường cuốn lên mù mịt. Chiếc xe rấn tới nhanh hơn, bỏ rơi thằng bé lại trong bụi mù. Em đành dừng lại. Những khuôn mặt tươi cười trên xe cứ xa dần. Những mắt kính, mắt xanh, răng khểnh, râu mép, những áo sơ mi sọc, áo bộ đội, những hàm răng nám khói thuốc lá…. vẫn hiện lên, hiện lên… nhưng nó không nhìn thấy mái tóc của Phượng, không thấy có ánh mắt nào của Phượng. Chị Phượng ơi, chị ngồi ở đâu, có phải ở ghế đầu xe hay giữa xe? Tại sao chị về thành phố mà không cho em hay với?

Ðám bụi tan dần. Tan hết. Chiếc xe đã đi qua một khúc quanh và không còn thấy tăm dạng nó đâu nữa. Nhưng những mắt kính hippy màu tím, những đôi mắt vẽ xanh, những hàng râu mép và những cái miệng đang hát thì vẫn còn trong trí óc Sơn. Nó đứng ngẩn ngơ một lúc rồi quay lại. Con đường đất vàng đã hết bụi, nắng sáng rực trên khu chợ xổm lụp xụp bên đường. Khu chợ đầy màu sắc. Chỉ cần những trái ớt chín, những trái cà chua, những củ khoai lang tím, rau muống, những trái đu đủ chín vàng là đủ đem lại sự rực rỡ cho khu đất nhỏ còn đầy bóng râm ấy.

Nhưng Sơn không dừng lại ở chợ. Sơn đi chậm theo tiếng hát từ trong quán nước vọng ra. Sinh viên về hết, những hàng quán cũng thưa người. Sơn đi ngang trường, thấy người ta đang treo cờ, và biểu ngữ trên cái sân khấu nhỏ mới dựng mấy hôm nay. Em cũng không dừng lại ở đó.

-Sơn ơi.

Em biết ai đang gọi rồi nên không quay lại.

-Về chơi tiếp.

-Tao không chơi nữa đâu.

-Sao vậy?

-Không chơi đâu

giavui
04-20-2015, 09:20 PM
Rồi Sơn đi thằng ra bến sông, chỗ có vết chân con ngựa thần. Ở đó em có thể nhìn thấy chỗ rừng cao mà Phượng thường nói với em là “Cốt sáu mươi bốn” tức là cao 64 mét, trong khi mực nước hồ sẽ dâng lên là 60 mét vì thế mà vùng ấy sẽ nổi lên mặt hồ như một hòn đảo nhỏ. Chị Phượng bảo nơi đó sẽ là một trung tâm du lịch rất thơ mộng. Trí tưởng tượng của Sơn đã xây cất ngay ở đó một thế giới thần tiên không cần phải đợi nước dâng lên, không cần phải có điện.

Sơn ngồi một mình nhìn dòng sông chảy dưới chân mình. Những con học trò chân cao lêu bêu rượt đuổi nhau trên mặt nước. Chúng chạy ngang dọc, chạy ngược dòng nước nhanh nhẹn như không. Ðằng kia thác vẫn reo, nước vẫn bắn tung trắng xóa. Dòng nước cứ chảy đến đó là cuộn lại, gãy gập xuống, ngời lên những cái lưng sáng bóng như gương. Ánh nắng dọi vào bọt nước long lanh như những chùm đèn lấp lánh. Dòng nước vẫn cứ dồn tới, dồn tới và dâng lên, dâng lên cao. Mặt hồ hiện ra trong xanh, xanh biếc như bầu trời buổi trưa mùa hạ. Mặt hồ phẳng lặng êm ả. Hòn đảo thần tiên nổi lên với những ngọn cây sơn cao vút, những thảm cỏ nhung mượt mà quanh các lối đi trải nhựa đen bóng. Hoa nở từng vùng quanh các ghế đá, các sân chơi. Hoa nở vàng rực, hồng tươi, tím ngắt. Phong lan không treo trên mái nhà mà mọc tự nhiên trên cây. mọc đầy trong rừng thưa. Nhà thủy tạ mái lợp ngói bằng sứ men xanh màu rêu. Con nai nhỏ đứng ngơ ngác bên dòng suối róc rách. Thấy Sơn đến nó chạy lại, dụi đầu vào lòng em. Sơn vuốt ve nó một lát thì mẹ nai dẫn lũ con ở trong rừng thưa bước ra theo sau là con sư tử lớn như con bò mộng. Thấy sư tử đến Sơn buông nai con ra và chạy lại phía nó. Sư tử hỏi:

-Em thấy lũ con ta đi đâu không?

-Không. Sơn đáp. Hãy đến chỗ cầu tuột xem.

Thế là Sơn dẫn con sư tử đến chỗ cầu tuột xây bằng đá cẩm thạch đen láng có vân tím. Quả nhiên mấy con sư tử con đang chơi cầu tuột ở đó. Sư tử cha không lại bên con mà nằm khuất sau một gốc cây dầu to khổng lồ mà nhìn chúng chơi đùa. Sơn đến bên cạnh sư tử, em ngồi xuống lấy lược chải bờm cho sư tử và hỏi:

-Bác có cần nhổ tóc bạc không?

-Nhổ đi. Sư tử đáp. Cho ta ngủ một lát, gió mát quá.

-Nhưng cho cháu hỏi một tí nhé.

-Gì đấy?

-Từ sáng giờ bác có gặp bà tiên trên đảo này không?

-Có. Bà ấy đang cho chim ăn trong rừng.

Bờm sư tử đã được chải gọn. Sơn mới nhổ được ba bốn sợi tóc bạc thì sư tử đã ngủ rồi. Lũ sư tử con thì nghịch quá, chúng lao cả xuống bể bơi, té nước và la lối, gầm lên như sắp vồ mồi. Sơn sợ tiếng gầm của chúng sẽ đánh thức sư tử già dậy, nhưng không, chính nó đang được ru bởi tiếng gầm ấm áp của đàn con…

Cơn gió lớn chợt đến, mang theo cả ngàn tiếng ríu rít. Sơn nhìn lên, không thấy bầu trời nữa vì bầu trời bị che bởi những cánh chim sơn ca, chim bồ câu, két xanh và cả chim sẻ. Phượng đẩy chiếc xe nhỏ chở con gấu con đang bú sữa bình từ trong rừng thưa đi ra. Lũ chim đậu xuống những thảm cỏ. Lông chim câu trắng như những khóm hoa lài, chim bói cá thì xanh như hoa bìm bìm và hoàng anh thì vàng rực như hoa cúc. Phượng đặt cái giỏ mây xuống bãi cỏ, ngắt một đóa hoa cẩm chướng cho chú gấu con. Chị chợt nhận ra Sơn đang ngồi bên sư tử già. Chị gọi Sơn lại. Sơn bỏ quên cái lược đồi mồi trên bờm sư tử. Em ngồi bên chân bà tiên tóc đen, nữ hoàng của hòn đảo thần tiên. Hai chị em ngồi nhìn gấu con bú và nghịch bứt từng cánh hoa cẩm chướng màu hồng ném xuống cỏ. Thình lình có con chim bay đến. Nó hỏi Phượng:

-Còn thóc không?

-Em mới đi đâu về đấy? Phượng hỏi.

Chim sẻ bé bỏng lúc nãy mãi đuổi theo con chuồn chuồn kim nhưng con vật mong manh kia lẫn mất trong đám lá khiến nó phải tìm kiếm. Sơn với lấy cái giỏ mây của Phượng. Còn mấy hạt thóc sót lại trong giỏ. Em lấy chúng ra. Hạt thóc tròn trĩnh, vàng óng nằm lăn trong lòng bàn tay Sơn.

-Ăn đi. Sơn bảo.

Chim sẻ bay lên đậu vào ngón tay út của Sơn và mổ từng hạt một.

-Em không ăn hết đâu. Chim sẻ nói.

Và nó chợt thấy trên tóc của Phượng cũng có một hạt thóc. Nó bay lên. Không đậu vào đâu cả, đôi cánh nó đập liên tục để cho thân mình nó nổi trong khoảng không khi nó nhặt hạt thóc trên mái tóc Phượng. Ðôi cánh của chim sẻ quạt mát đôi má cô gái.

Chim lại đậu xuống cỏ. Rồi chợt nhìn thấy một giọt sữa dính trên mép gấu con, nó lại bay lên uống một giọt sữa. Gấu con khó chịu xua nó đi nhưng bây giờ chim sẻ đã no nê, nó thích nghịch với gấu con. Nó bay vòng vòng quanh đầu chú gấu và đậu trên cái mũi đen láng bóng.

Hai chị em Phượng thích thú ngồi nhì chim sẻ nghịch.

Nắng chuyển sang màu hồng vào buổi trưa. Con tàu nhỏ sơn trắng vừa đến và kéo còi. Tiếng còi rè rè, trầm trầm đã đánh thức sư tử già dậy. Nhưng nó vẫn nằm im nhìn con tàu đi qua, nhìn những cánh buồm đỏ, trắng, hồng xuất hiện trên mặt hồ bao la. Những cánh buồm lướt gió đến rất nhanh. Ðàn sư tử con đã chạy ùa ra cà bờ hồ. Và trong khi chờ đợi những cánh buồm đến gần chúng tranh nhanh nhặt trái sung chín đỏ rụng đầy mé nước. Chúng cãi nhau, vật nhau ngã xuống nước ướt sũng.

Con thuyền trắng cập bến và chú thuyền trưởng lên bờ. Theo sau là những chú thủy thủ. Họ tặng cho Phượng những vòng hoa và cho Sơn chiếc kèn đồng. Rồi họ đến và uống bia ở nhà thủy tạ.

Những chiếc thuyền buồm cũng cập bến.

Một trong những người lên bờ là ông Thái, cha Sơn, rồi mẹ Sơn. Cha Sơn ăn mặc giống chú thuyền trưởng và mẹ Sơn thì xách một cái giỏ đựng đầy trái cây. Gấu mẹ thì từ trên thuyền buồm đẩy nguyên xe trái cây xuống đảo. Nhưng gấu con không hề hay biết là mẹ nó đã trở về. Nó đang ngủ trong chiếc nôi nhỏ.

Ba má Sơn biếu Phượng những quả xoài chín vàng, những trái mận đỏ và đặt trên nôi gấu con một trái cam sành. Sơn theo ba má về nhà. Ðó là căn nhà ngói đỏ cất theo lối nhà sàn, nằm khuất dưới những tàng cây rậm rạp. Nhà Sơn bây giờ không trồng cây ăn trái nữa vì đảo thần tiên đầy những cây ăn trái, người dân ở đây và cả du khách từ khắp nơi trên thế giới đến, ai muốn ăn bao nhiêu thì ăn không mất tiền mua.

Một con tàu vàng lại vừa cặp bến, bỏ xuống một dàn nhạc đông người. Các nhạc sĩ, ca sĩ biểu diễn ngay trên bãi cỏ, chổ Phượng đang ngồi.

Ðàn chim của nữ hoàng đảo thần tiên bay lên. Và chia nhau đến đậu trên những cánh buồm. Chúng im lặng nghe dàn nhạc và các ca sĩ hát.

Ðêm xuống. Ngôi nhà Sơn rực rỡ muôn ngàn ánh điện. Khu công viên cũng sáng rực đèn màu. Ðèn treo trên cành cây như những chùm quả. Sơn đi trong rừng ban đêm với một chú voi con. Rừng đầy đom đóm nhưng từ ngày có thủy điện, đom đóm ở đây không chở ánh sáng trên lưng. Ðêm nay chúng rủ nhau bay đi ra công viên xem đoàn nhạc nhẹ thiếu nhi Liên Xô biểu diễn. Tất cả những đốm sáng trên lưng chúng đều cất ở nhà vì rừng rất sáng, công viên rất sáng và mặt hồ cũng đầy ánh sáng.

Giàn nhạc nhẹ nổi lên.

Sơn tỉnh giấc mà vẫn còn nghe tiếng nhạc.

Tiếng nhạc vang lên từ phía trường học, có cả tiếng trống lân nữa. Sơn nhảy qua mấy tảng đá và phóng lên bờ. Em theo lối mòn quen thuộc giữa các đám mì đi thẳng lên con lộ đất vàng. Tiếng trống lân thúc giục em.

Sơn đi như chạy. Pháo ở đâu nổ ran, giòn giã, thỉnh thoảng lại điểm những tiếng nồ đùng của pháo đại.

Ðến càng gần lễ đài tiếng nói nghe càng rõ hơn:

-Thưa các đồng chí. Ba công trình đường sắt Trảng Bom – Trị An, bến phà lâm trường Mã Ðà và tuyến đường dây dẫn điện Ða Nhim về Trị An là những thành tích mở đầu cho đợt một khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Trị An hôm nay….

Sơn dừng lại nghe một lát rồi lại đi về phía con lân đang múa. Nhưng em bổng dừng lại vì có tiếng ai gọi tên em.

-Sơn ơi.

Em ngó quanh, rồi chạy thẳng vô quán nước. Phượng ngồi một mình với lý đá chanh.

-Một chai nước ngọt.

Phượng gọi cho cậu em và kéo Sơn ngồi xuống. Sơn mừng quýnh, nói:

-Em tưởng chị về rồi. Sao chị không về?

-Công việc của chị chưa xong.

Sơn quên cả uống nước. Con lân đã đến trước cửa quán. Ðám đông đã đùn theo lân. Phượng choàng tay qua vai cậu bé:

-Con lân nó nhìn em kìa.

Quả thật con lân vừa quay lại nhìn Sơn, lúc lắc cái đầu.

ÐÀO HIẾU