khieman
05-24-2015, 02:07 AM
.
Vấn đề triết học căn bản
Nguyên Sa
Những vấn đề triết học được đề cập tới trong lịch sử tư tưởng loài người đã làm cho ta ngạc nhiên, bỡ ngỡ không phải là ít. Chúng ta ngạc nhiên, bỡ ngỡ trước số lượng cũng như trước sự phức tạp mỗi ngày một biến thiên, một gấp khúc của những vấn đề...
Người ta đã suy nghĩ về đời sống, về con người, và cả đến những sự kiện bao quanh con người, muôn vật trong hoàn vũ.
Va chạm với vật giới, người ta đã ngạc nhiên như đứa trẻ ngạc nhiên trước tiếng trống, tiếng kèn, con ong, cái kiến, rồi người ta bước dần sang con đường dò hỏi về sự hiện hữu của vũ trụ. Đám mây vẫn bay, dòng sông vẫn luân lưu, dòng nước vẫn lưu thông dù có ta hay không có ta, hay tất cả chỉ là những hình ảnh giả tạo? Lửa đốt cháy tay, mưa làm ướt áo là những sự kiện có thực, chắc chắn, và ta là một nhân chứng hay ta đang sống trong tình cảm của một kẻ mơ ngủ bên nồi kê, không biết ta là bướm hay bướm là ta, tất cả chỉ là bóng sự thực, bởi vì ta bị giam cầm từ trứng nước trong một «hang kín» bịt bùng. Vũ trụ là một thực thể hay những điều chính xác chỉ là tư tưởng?
Rồi những người suy nghĩ còn ngạc thiên trước sự suy tư của mình, ngạc nhiên trước cái khả năng đặc biệt của mình làm cho mình khác biệt với muôn loài trong vũ trụ. Tại sao ta suy nghĩ? Tại vì ta có một linh hồn hay tư tưởng của ta vốn chỉ là trò chơi của một cuộc pha trộn, dao động giữa trăm nghìn nguyên tử nhỏ bé li ti? Nếu có một linh hồn thì hồn có chỉ huy xác không? Ta có tự do không? Tất cả những.tương quan giữa xác và hồn ta phải xác định ra sao? Nghĩ về vật, nghĩ về mình, ta sẽ dò hỏi đến nguồn gốc loài người (ai sinh ra ta?), đến lẽ luân lưu, điều trật tự sinh hóa, đổi thay, tuần tự của muôn loài.
Có những lúc những câu hỏi đó được nêu ra lẻ loi, từng lần riêng biệt. Như trong những bài học thực hành, những câu chuyện dậy răn của những bậc thầy Châu Á. Cũng có lúc những câu hỏi đó được nối liền, buộc chặt thành những hệ thống, xây dựng thành lâu đài đồ sộ. Đó là những tham vọng của những Aristote, St Thomas d’Aquin, Hegel ở trời Tây.
Cũng có lúc con người ngừng suy nghĩ, tìm hiểu, dò hỏi hay nói cho đúng hơn, muốn ngừng dò hỏi để dò hỏi về giá trị của những lời dò hỏi của mình, giá trị hiểu biết của con người, biên giới của trí năng. Một Lão Tử đã phủ nhận khả năng quy định thế nào là Đạo. Một Kant phủ nhận giá trị của siêu hình học (mặc dầu đó cũng là một thái độ, một cố gắng siêu hình). Phủ nhận khả năng hiểu biết của con người trước những phạm vi ở bên ngoài, ở bên kia hiện tượng, phạm vi của ẩn tượng (noumène). Có những người đã muốn ý thức về ý thức của con người, để tìm một lối thoát dù đó là một luân lý thực hành của Kant, dù đó là một ngõ «vô vi» của Lão, một suy tư đơn độc của Kierkegaard. Cũng có những người đã bi quan đến nỗi biến trạng thái tâm hồn đó thành một chủ nghĩa. Đặt vấn đề? Vô ích! Tìm hiểu vô ích! Bởi vì sự thật ta sẽ không bao giờ đạt tới. Muốn đi tìm sự thật, ít ra ta cần phải phân biệt được cái đúng và cái sai. Làm thế nào phân biệt được sự chính xác vả sự sai lầm bởi vì muốn phân biệt ta cần phải có một mấu chốt nào để nhận rõ cái đúng là đúng, sai là sai. Ta biết lấy gì làm tiêu chuẩn cho sự thật?
*
Có những vấn đề, trước sự đổi thay của thời gian, biến thiên của lịch sử đã mất lý do sinh tổn. Người của thế kỷ 20 không còn nghi ngờ, dò hỏi về sự hiện hữu của bản thân. Nhà triết học không còn ngờ vực «có ta hay không có ta». Cũng như toàn thể loài người, nhà triết học muốn sinh sống, muốn suy nghĩ cần phải ăn, phải ngủ, phải giải quyết một cách tối thiểu những đòi hỏi căn bản của đời sống. Thể xác không phải là một cái bóng. một ảo ảnh, một lớp khói bên nồi kê, và cũng không phải chỉ là một «con thuyền mà linh hồn là người phi tiêu dẫn đạo». Nếu có nhiều lúc những tình cảm phát xuất từ vật chất đã bị chế ngự bởi ảnh hưởng của những lý tưởng cao xa, thì cũng lắm khi khối óc, con tim đã phải sống liên đới với chân, tay, dạ dầy, gan, ruột. Khi người ta đói thì không những tâm thần không còn được sảng khoái, tình cảm không được vững vàng, mà đến cả «đầu gối cũng phải bò». Những nhà tư tưởng, dù họ chuyên khảo về tâm lý như Piaget, hay về siêu hình như G. Marcel, J. P. Sartre... cũng đã nhắc đến dưới những hình thức khác nhau điều mà ta có thể gọi là «hoàn cảnh có thể» đó. Những sự thật tầm thường, giản dị không còn bị coi như những sự kiện bỉ ổi, sai lầm.
Những sự kiện tầm thường, quen thuộc đó, dù chúng là cơ thể, là miếng cơm, manh áo, nét mặt, màu da, giai cấp, giống nòi, đời sống trăm năm, dù là những hoàn cảnh vật chất hay tinh thần, xã hội, cá nhân, người ta đều phải nhận rằng không thể nhất nhất gạt bỏ bằng một nét bút, bằng những lời trần thuyết hùng hồn. Nhà triết học còn phải nhận rằng mọi suy tư phải bắt nguồn từ những hoàn cảnh riêng tư đó. Hoàn cảnh của con người bị đe dọa bởi chiến tranh, chết chóc, bị giới hạn bởi thời gian, bởi bạo lực, bởi tình yêu (thí dụ tư tưởng và đời sống Kierkegaard)...
Chấp nhận những sự kiện tầm thường đó, người ta cũng gạt bỏ được một số tình cảm ít hay nhiều nặng màu sắc tự kỷ trung tâm (egocentrisme). Con người ngày nay biết rằng mình sống trong một hoàn cảnh nào đó, nên không còn kể mình như một thực thể đặc biệt trong vũ trụ, không gian. Người không được đặt trước vũ trụ như một sự kiện đối lập, riêng rẽ, không quen biết, dính líu, liên can, như một điều siêu việt, «một nước trong một quốc gia». Triết học đã trả hoa về vườn, người về giữa lòng vũ trụ.
*
http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/SangTao/NGUYENSA-VDTHCB_fichiers/image001.gif (http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/SangTao/NGUYENSA-VDTHCB_fichiers/image001.gif)Nhưng giữa những vấn đề đổi thay, có những vấn đề còn nguyên vẹn. Bên những vấn đề đã biến chuyển còn những vấn đề giữ hầu như trọn vẹn hình thể lúc ban sơ.
Người xưa đã suy nghĩ lung lao, đã lo âu vô hạn trước những biến chuyển của mọi vật trong vũ trụ, cõi đời. Nhìn quanh mình, con người dù Hy lạp, dù Á đông đã nhận biết có bao nhiêu là sự kiện: từ gỗ đá trơ trơ đến những sinh vật linh động. Tất cả muôn vàn sự vật đó luôn luôn đi lại không ngừng, luôn luôn sinh hóa, đổi thay - lẽ biến chuyển được kể gần như điều cốt yếu của vũ trụ, muôn loài. Có những đổi thay rõ ràng, cụ thể như gió thổi, mây bay, đời người trôi qua như dòng nước chảy. Nhưng cả những điều thoạt nhìn ta chợt tượng là vốn tĩnh, yên hàn như rừng rậm, núi cao, cá tính của con người hay những định đề toán học. Nhìn kỹ hơn, có lẽ ta phải nghĩ đến những sự chuyển dịch trong lòng những chuyển dịch khác. Người đi bộ nhìn tàu chạy, xe đi tưởng rằng mình đứng yên một chỗ. Sống trên trái đất quay nhanh ta tưởng như những vì sao đều bất động. Cái chuyển động nhỏ trong lòng chuyển động lớn tưởng rằng bất động nhưng cũng vẫn không ngừng sinh hóa đổi thay. Nên cả Héraclite, cả Khổng Tử đều ngạc nhiên trước sự biến dịch của muôn loài như nước chảy, và con người không thể tắm hai lần trong cùng một luồng nước của dòng sông.
Cho nên người xưa đã tự hỏi, đã phân vân không biết trong lòng những thực tại đổi thay có gì là vĩnh viễn. Nếu có những sự kiện biến dịch không ngừng thì chúng đã đến từ đâu? Có chăng một bản thể (être) nào là nguồn gốc, nền tảng của những sự vật biến dịch không cùng? Và người ta tự hỏi: Cái gì có trước tiên? Đó là một điều hư vô hay một điều có thực, đó là một lẽ huyền diệu hay là một sự kiện không thấu triệt được bởi tri năng: Thalès đã trả lời rằng nguồn là nước. Những kẻ đến sau lần lượt cho rằng tất cả đến tử lửa, từ không khí, tư vô định hay từ những nguyên tử nhỏ bé li li. Những nguyên tử đó dưới mắt ông thầy của đạo Khổng là âm dương biến hóa đến từ cái lẽ thái cực diệu huyền.
Rồi lần lượt Socrate, Platon, Aristote thay nhau đề cập đến vấn đề bản thể. Aristote còn bảo đó mới là vấn đề triết học chính thống. Bởi vì mỗi khoa học chỉ nghiên cứu được một cái khía cạnh của thực tại, nhưng không môn nào chuyên khảo về «cái có đó là gì?».
Có những người đã phủ nhận khả năng con người trước những vấn đề như vậy. Lão Tử cho rằng hiểu đạo lả bất khả, giải đạo lại càng bất khả, bởi vi đạo cường thịnh vô cùng, huyền diệu, vô biên. Kant bảo ta nhận biết bằng giác quan nên chỉ biết những gì là hiện tượng, là cái vẻ ngoài bán tín bán nghi. Còn ẩn tượng (noumène) cái thực, cái có đã vượt ngoài mức hiểu biết của nhân gian.
Nhưng dù muốn trả lời thẳng vào vấn đề: «cái có thực là gì?», «cái gì có trước tiên?», hay muốn tách ra khỏi vấn đề đó, người ta vẫn xây dựng triết học quanh vấn đề đó. K. Marx đã phải trả lời vấn đề bản thể (cái có trước tiên là vật chất). Cho nên phủ nhận triết học siêu hình, Marx vẫn ở trong vòng siêu hình như trong nghiệp chướng.
Heidegger sau Parménide ngoài hai mươi thế kỷ nhấn mạnh rằng «vấn đề triết học căn bản là vấn đề bản thể». Cuốn sách then chốt của Sartre mang tên «Bản thể và hư vô».
Triết học dù Âu dù Á, xưa và nay vẫn dò hỏi về vấn đề bản thể, vẫn phân vân về cái lý, cái đạo diệu huyền. Có lẽ đó là một nghiệp chướng, là số phận con người cho nên Kierkegaard đứng trước vấn đề bản thể đã bảo ta không thể hiểu thấu được nhưng cũng không thể ngừng tìm hiểu được. Như một con thiêu thân bay quanh ánh sáng của ngọn đèn.
*
Ta đi vào vấn đề bản thể như những con thiêu thân đi vào ánh sáng không phải chỉ vì cần thiết theo vết tiền nhân. Tất nhiên bánh xe lịch sử đã đi vào con đường triết học căn bản đó. Nhưng dù gạt rangoài những lý do lịch sử, những kinh nghiệm của thời xưa, ta cũng chưa ra ngoài được vấn đề bản thể.
Ta sẽ nghĩ về những gì trong khi sinh sống? Về sự thật của vật giới? Nhưng nếu ta quan niệm rằng giác quan vốn lừa đảo vô cùng, làm ta lẫn lộn thực và hư, nóng lạnh, tất cả những gì ta biết được chỉ là những bóng giả tạo in trên vách đá của một hang kín, thì ta sẽ cho rằng cái có thật sẽ chỉ là tư tưởng, lý giới (monde des idées). Sự thật của vật giới bị phủ nhận tức thì nếu ta cho rằng bản thể là tư tưởng. Ta dò hỏi về vấn đề trí tuệ, linh hồn, sự hiện hữu của thượng đế? Tất cả mọi giải đáp về những vấn đề đó ít hay nhiều cũng trực thuộc vào quan niệm của ta về bản thể. Nếu cái có trước tiên, cái có thậtnhất chỉ là vật chất thì trí tuệ ta sẽ chỉ là tổng hợp, là sự dao động tinh vi giữa trăm ngàn nguyên tử tạo nên khối óc, đường gân. Và sự tin tưởng ở thượng đế có thật sẽ bị gạt vào một «giai đoạn thần bí»nào đó như quan niệm của A. Comte. Trả lời rằng «cái có trước tiên», «bản thể của mọi sự vật» không phải là vật chất, ta sẽ tin ở linh hồn, ở thượng đế, và thế giới bên kia không phải là hư vô, ảo ảnh.
Chính vì tùy theo quan niệm của một người về bản thể mà người ta liệt người đó vào lập trường duy vật, duy tâm hay một lập trường vượt ra ngoài sự chống chọi của chủ thể và khách thể (hiện hữu, nhân vị...)
*
Nhưng bên cạnh những lý do lịch sử, những tương quan giữa vấn đề bản thể và mọi vấn đề triết bọc khác, còn một lý do đã luôn luôn thúc đẩy con người tìm cách giải quyết vấn đề bản thể mặc dầu chưa bao giờ đạt tới. Cả những người ý thức được rằng ta sẽ thất bại như Kant, Jaspers cũng lăn mình vào.
Lý do chính là vì con người âu lo cho đời sống, cho số phận của mình.
Vấn đề «cái gì có trước tiên», «cái gì có thật sự» không phải là trò chơi của những người cuồng chữ. Mỗi hành động của đời sống đều mang ý nghĩa của một sự tin tưởng ở giải đáp nào đó. Kẻ ăn chơi đàng điếm cho thỏa mãn không nghĩ ngợi đến phần hồn, đến kiếp sau, đã nói lên một ý nghĩa «tất cả đến từ vật chất» mỗi khi nâng cốc rượu, mỗi ngày đêm mài miệt truy hoan. Người tu nhân, tích đức tin tưởng có Chúa, có Trời đã nói 1ên niềm tin tưởng ở cái có thực đầu tiên vốn là một sự kiện tinh thần.
Mỗi hành động của con người đều mang nặng ý nghĩa địa ngục hay thiên đàng, đó là nhận xét của Kierkegaard.
Con người luôn luôn phải lo âu vì vấn đề bản thể, bởi vì con người luôn lo âu phải sống như thế nào. Không tin tưởng, tìm kiếm một giải đáp cho câu hỏi này thì sẽ vô ý thức trong sự sống hàng ngày.
Biết tất cả sự luân chuyển của hành tinh, sự sinh sống của tế bào, thông tỏ ngọn ngành về văn chương, khoa học mà không biết phải sống ra làm sao là đủ bỏ qua điều kiện thiết yếu. Pascal đã nhấn mạnh«biết phải sống thế nào là thâu tóm được một kho vàng mà những sự kiện khác là phụ tạp».
Và chính vì ta lo âu về đời sống của ta nên phải dò hỏi về ta. Những giải quyết «ta phải làm gì», «nên làm gì» liên quan đến bản thể của ta, tùy thuộc ở câu hỏi: «ta là gì?». Đó là mối tương quan giữa cái nên có, phải có và cái có thực, đạo đức và tâm lý, xã hội, cơ cấu của con người. Vấn đề bản thể cũng là vấn đề bản thể ta, nên liên hệ đến ta, đến cách sống của ta, nên dù muốn dù không ta vẫn không gạt bỏ được vấn đề vì không tránh được lo âu về số phận của mình.
*
Vấn đề bản thể vì thế vẫn là vấn đề triết học then chốt. Những câu hỏi có tính cách thông thái «bản thể là gì» phản ảnh một trạng thái lo âu của tâm hồn, thiết yếu của đời sống.
Câu hỏi đó có hiện ra dưới những hình thể đơn giản hơn «ta là gì?», ta không thể không suy nghĩ bởi vì mỗi giây, mỗi phút ta phải quyết định không ngừng «ta phải sống ra làm sao?»
Cho nên những chủ nghĩa cực đoan trong lịch sử đều có một vài điểm giá trị, nhưng đã sai lầm khi độc đoán trong sự trả lời về vấn đề bản thể.
Phải chăng sự thất bại của thực thể học (ontologie) là dấu hiệu của một nghiệp chướng dính liền vào đời sống con người, là dấu hiệu của số phận con người phải tự quyết về sự sống của mình. Phải chăng đó là dấu hiệu của tự do, và lẽ sống của cuộc đời?
Sáng Tạo, số 8, tháng 5 - 1957, tr. 11-16
Nguyên Sa
(Trích: Triết học nhập môn)
Vấn đề triết học căn bản
Nguyên Sa
Những vấn đề triết học được đề cập tới trong lịch sử tư tưởng loài người đã làm cho ta ngạc nhiên, bỡ ngỡ không phải là ít. Chúng ta ngạc nhiên, bỡ ngỡ trước số lượng cũng như trước sự phức tạp mỗi ngày một biến thiên, một gấp khúc của những vấn đề...
Người ta đã suy nghĩ về đời sống, về con người, và cả đến những sự kiện bao quanh con người, muôn vật trong hoàn vũ.
Va chạm với vật giới, người ta đã ngạc nhiên như đứa trẻ ngạc nhiên trước tiếng trống, tiếng kèn, con ong, cái kiến, rồi người ta bước dần sang con đường dò hỏi về sự hiện hữu của vũ trụ. Đám mây vẫn bay, dòng sông vẫn luân lưu, dòng nước vẫn lưu thông dù có ta hay không có ta, hay tất cả chỉ là những hình ảnh giả tạo? Lửa đốt cháy tay, mưa làm ướt áo là những sự kiện có thực, chắc chắn, và ta là một nhân chứng hay ta đang sống trong tình cảm của một kẻ mơ ngủ bên nồi kê, không biết ta là bướm hay bướm là ta, tất cả chỉ là bóng sự thực, bởi vì ta bị giam cầm từ trứng nước trong một «hang kín» bịt bùng. Vũ trụ là một thực thể hay những điều chính xác chỉ là tư tưởng?
Rồi những người suy nghĩ còn ngạc thiên trước sự suy tư của mình, ngạc nhiên trước cái khả năng đặc biệt của mình làm cho mình khác biệt với muôn loài trong vũ trụ. Tại sao ta suy nghĩ? Tại vì ta có một linh hồn hay tư tưởng của ta vốn chỉ là trò chơi của một cuộc pha trộn, dao động giữa trăm nghìn nguyên tử nhỏ bé li ti? Nếu có một linh hồn thì hồn có chỉ huy xác không? Ta có tự do không? Tất cả những.tương quan giữa xác và hồn ta phải xác định ra sao? Nghĩ về vật, nghĩ về mình, ta sẽ dò hỏi đến nguồn gốc loài người (ai sinh ra ta?), đến lẽ luân lưu, điều trật tự sinh hóa, đổi thay, tuần tự của muôn loài.
Có những lúc những câu hỏi đó được nêu ra lẻ loi, từng lần riêng biệt. Như trong những bài học thực hành, những câu chuyện dậy răn của những bậc thầy Châu Á. Cũng có lúc những câu hỏi đó được nối liền, buộc chặt thành những hệ thống, xây dựng thành lâu đài đồ sộ. Đó là những tham vọng của những Aristote, St Thomas d’Aquin, Hegel ở trời Tây.
Cũng có lúc con người ngừng suy nghĩ, tìm hiểu, dò hỏi hay nói cho đúng hơn, muốn ngừng dò hỏi để dò hỏi về giá trị của những lời dò hỏi của mình, giá trị hiểu biết của con người, biên giới của trí năng. Một Lão Tử đã phủ nhận khả năng quy định thế nào là Đạo. Một Kant phủ nhận giá trị của siêu hình học (mặc dầu đó cũng là một thái độ, một cố gắng siêu hình). Phủ nhận khả năng hiểu biết của con người trước những phạm vi ở bên ngoài, ở bên kia hiện tượng, phạm vi của ẩn tượng (noumène). Có những người đã muốn ý thức về ý thức của con người, để tìm một lối thoát dù đó là một luân lý thực hành của Kant, dù đó là một ngõ «vô vi» của Lão, một suy tư đơn độc của Kierkegaard. Cũng có những người đã bi quan đến nỗi biến trạng thái tâm hồn đó thành một chủ nghĩa. Đặt vấn đề? Vô ích! Tìm hiểu vô ích! Bởi vì sự thật ta sẽ không bao giờ đạt tới. Muốn đi tìm sự thật, ít ra ta cần phải phân biệt được cái đúng và cái sai. Làm thế nào phân biệt được sự chính xác vả sự sai lầm bởi vì muốn phân biệt ta cần phải có một mấu chốt nào để nhận rõ cái đúng là đúng, sai là sai. Ta biết lấy gì làm tiêu chuẩn cho sự thật?
*
Có những vấn đề, trước sự đổi thay của thời gian, biến thiên của lịch sử đã mất lý do sinh tổn. Người của thế kỷ 20 không còn nghi ngờ, dò hỏi về sự hiện hữu của bản thân. Nhà triết học không còn ngờ vực «có ta hay không có ta». Cũng như toàn thể loài người, nhà triết học muốn sinh sống, muốn suy nghĩ cần phải ăn, phải ngủ, phải giải quyết một cách tối thiểu những đòi hỏi căn bản của đời sống. Thể xác không phải là một cái bóng. một ảo ảnh, một lớp khói bên nồi kê, và cũng không phải chỉ là một «con thuyền mà linh hồn là người phi tiêu dẫn đạo». Nếu có nhiều lúc những tình cảm phát xuất từ vật chất đã bị chế ngự bởi ảnh hưởng của những lý tưởng cao xa, thì cũng lắm khi khối óc, con tim đã phải sống liên đới với chân, tay, dạ dầy, gan, ruột. Khi người ta đói thì không những tâm thần không còn được sảng khoái, tình cảm không được vững vàng, mà đến cả «đầu gối cũng phải bò». Những nhà tư tưởng, dù họ chuyên khảo về tâm lý như Piaget, hay về siêu hình như G. Marcel, J. P. Sartre... cũng đã nhắc đến dưới những hình thức khác nhau điều mà ta có thể gọi là «hoàn cảnh có thể» đó. Những sự thật tầm thường, giản dị không còn bị coi như những sự kiện bỉ ổi, sai lầm.
Những sự kiện tầm thường, quen thuộc đó, dù chúng là cơ thể, là miếng cơm, manh áo, nét mặt, màu da, giai cấp, giống nòi, đời sống trăm năm, dù là những hoàn cảnh vật chất hay tinh thần, xã hội, cá nhân, người ta đều phải nhận rằng không thể nhất nhất gạt bỏ bằng một nét bút, bằng những lời trần thuyết hùng hồn. Nhà triết học còn phải nhận rằng mọi suy tư phải bắt nguồn từ những hoàn cảnh riêng tư đó. Hoàn cảnh của con người bị đe dọa bởi chiến tranh, chết chóc, bị giới hạn bởi thời gian, bởi bạo lực, bởi tình yêu (thí dụ tư tưởng và đời sống Kierkegaard)...
Chấp nhận những sự kiện tầm thường đó, người ta cũng gạt bỏ được một số tình cảm ít hay nhiều nặng màu sắc tự kỷ trung tâm (egocentrisme). Con người ngày nay biết rằng mình sống trong một hoàn cảnh nào đó, nên không còn kể mình như một thực thể đặc biệt trong vũ trụ, không gian. Người không được đặt trước vũ trụ như một sự kiện đối lập, riêng rẽ, không quen biết, dính líu, liên can, như một điều siêu việt, «một nước trong một quốc gia». Triết học đã trả hoa về vườn, người về giữa lòng vũ trụ.
*
http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/SangTao/NGUYENSA-VDTHCB_fichiers/image001.gif (http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/SangTao/NGUYENSA-VDTHCB_fichiers/image001.gif)Nhưng giữa những vấn đề đổi thay, có những vấn đề còn nguyên vẹn. Bên những vấn đề đã biến chuyển còn những vấn đề giữ hầu như trọn vẹn hình thể lúc ban sơ.
Người xưa đã suy nghĩ lung lao, đã lo âu vô hạn trước những biến chuyển của mọi vật trong vũ trụ, cõi đời. Nhìn quanh mình, con người dù Hy lạp, dù Á đông đã nhận biết có bao nhiêu là sự kiện: từ gỗ đá trơ trơ đến những sinh vật linh động. Tất cả muôn vàn sự vật đó luôn luôn đi lại không ngừng, luôn luôn sinh hóa, đổi thay - lẽ biến chuyển được kể gần như điều cốt yếu của vũ trụ, muôn loài. Có những đổi thay rõ ràng, cụ thể như gió thổi, mây bay, đời người trôi qua như dòng nước chảy. Nhưng cả những điều thoạt nhìn ta chợt tượng là vốn tĩnh, yên hàn như rừng rậm, núi cao, cá tính của con người hay những định đề toán học. Nhìn kỹ hơn, có lẽ ta phải nghĩ đến những sự chuyển dịch trong lòng những chuyển dịch khác. Người đi bộ nhìn tàu chạy, xe đi tưởng rằng mình đứng yên một chỗ. Sống trên trái đất quay nhanh ta tưởng như những vì sao đều bất động. Cái chuyển động nhỏ trong lòng chuyển động lớn tưởng rằng bất động nhưng cũng vẫn không ngừng sinh hóa đổi thay. Nên cả Héraclite, cả Khổng Tử đều ngạc nhiên trước sự biến dịch của muôn loài như nước chảy, và con người không thể tắm hai lần trong cùng một luồng nước của dòng sông.
Cho nên người xưa đã tự hỏi, đã phân vân không biết trong lòng những thực tại đổi thay có gì là vĩnh viễn. Nếu có những sự kiện biến dịch không ngừng thì chúng đã đến từ đâu? Có chăng một bản thể (être) nào là nguồn gốc, nền tảng của những sự vật biến dịch không cùng? Và người ta tự hỏi: Cái gì có trước tiên? Đó là một điều hư vô hay một điều có thực, đó là một lẽ huyền diệu hay là một sự kiện không thấu triệt được bởi tri năng: Thalès đã trả lời rằng nguồn là nước. Những kẻ đến sau lần lượt cho rằng tất cả đến tử lửa, từ không khí, tư vô định hay từ những nguyên tử nhỏ bé li li. Những nguyên tử đó dưới mắt ông thầy của đạo Khổng là âm dương biến hóa đến từ cái lẽ thái cực diệu huyền.
Rồi lần lượt Socrate, Platon, Aristote thay nhau đề cập đến vấn đề bản thể. Aristote còn bảo đó mới là vấn đề triết học chính thống. Bởi vì mỗi khoa học chỉ nghiên cứu được một cái khía cạnh của thực tại, nhưng không môn nào chuyên khảo về «cái có đó là gì?».
Có những người đã phủ nhận khả năng con người trước những vấn đề như vậy. Lão Tử cho rằng hiểu đạo lả bất khả, giải đạo lại càng bất khả, bởi vi đạo cường thịnh vô cùng, huyền diệu, vô biên. Kant bảo ta nhận biết bằng giác quan nên chỉ biết những gì là hiện tượng, là cái vẻ ngoài bán tín bán nghi. Còn ẩn tượng (noumène) cái thực, cái có đã vượt ngoài mức hiểu biết của nhân gian.
Nhưng dù muốn trả lời thẳng vào vấn đề: «cái có thực là gì?», «cái gì có trước tiên?», hay muốn tách ra khỏi vấn đề đó, người ta vẫn xây dựng triết học quanh vấn đề đó. K. Marx đã phải trả lời vấn đề bản thể (cái có trước tiên là vật chất). Cho nên phủ nhận triết học siêu hình, Marx vẫn ở trong vòng siêu hình như trong nghiệp chướng.
Heidegger sau Parménide ngoài hai mươi thế kỷ nhấn mạnh rằng «vấn đề triết học căn bản là vấn đề bản thể». Cuốn sách then chốt của Sartre mang tên «Bản thể và hư vô».
Triết học dù Âu dù Á, xưa và nay vẫn dò hỏi về vấn đề bản thể, vẫn phân vân về cái lý, cái đạo diệu huyền. Có lẽ đó là một nghiệp chướng, là số phận con người cho nên Kierkegaard đứng trước vấn đề bản thể đã bảo ta không thể hiểu thấu được nhưng cũng không thể ngừng tìm hiểu được. Như một con thiêu thân bay quanh ánh sáng của ngọn đèn.
*
Ta đi vào vấn đề bản thể như những con thiêu thân đi vào ánh sáng không phải chỉ vì cần thiết theo vết tiền nhân. Tất nhiên bánh xe lịch sử đã đi vào con đường triết học căn bản đó. Nhưng dù gạt rangoài những lý do lịch sử, những kinh nghiệm của thời xưa, ta cũng chưa ra ngoài được vấn đề bản thể.
Ta sẽ nghĩ về những gì trong khi sinh sống? Về sự thật của vật giới? Nhưng nếu ta quan niệm rằng giác quan vốn lừa đảo vô cùng, làm ta lẫn lộn thực và hư, nóng lạnh, tất cả những gì ta biết được chỉ là những bóng giả tạo in trên vách đá của một hang kín, thì ta sẽ cho rằng cái có thật sẽ chỉ là tư tưởng, lý giới (monde des idées). Sự thật của vật giới bị phủ nhận tức thì nếu ta cho rằng bản thể là tư tưởng. Ta dò hỏi về vấn đề trí tuệ, linh hồn, sự hiện hữu của thượng đế? Tất cả mọi giải đáp về những vấn đề đó ít hay nhiều cũng trực thuộc vào quan niệm của ta về bản thể. Nếu cái có trước tiên, cái có thậtnhất chỉ là vật chất thì trí tuệ ta sẽ chỉ là tổng hợp, là sự dao động tinh vi giữa trăm ngàn nguyên tử tạo nên khối óc, đường gân. Và sự tin tưởng ở thượng đế có thật sẽ bị gạt vào một «giai đoạn thần bí»nào đó như quan niệm của A. Comte. Trả lời rằng «cái có trước tiên», «bản thể của mọi sự vật» không phải là vật chất, ta sẽ tin ở linh hồn, ở thượng đế, và thế giới bên kia không phải là hư vô, ảo ảnh.
Chính vì tùy theo quan niệm của một người về bản thể mà người ta liệt người đó vào lập trường duy vật, duy tâm hay một lập trường vượt ra ngoài sự chống chọi của chủ thể và khách thể (hiện hữu, nhân vị...)
*
Nhưng bên cạnh những lý do lịch sử, những tương quan giữa vấn đề bản thể và mọi vấn đề triết bọc khác, còn một lý do đã luôn luôn thúc đẩy con người tìm cách giải quyết vấn đề bản thể mặc dầu chưa bao giờ đạt tới. Cả những người ý thức được rằng ta sẽ thất bại như Kant, Jaspers cũng lăn mình vào.
Lý do chính là vì con người âu lo cho đời sống, cho số phận của mình.
Vấn đề «cái gì có trước tiên», «cái gì có thật sự» không phải là trò chơi của những người cuồng chữ. Mỗi hành động của đời sống đều mang ý nghĩa của một sự tin tưởng ở giải đáp nào đó. Kẻ ăn chơi đàng điếm cho thỏa mãn không nghĩ ngợi đến phần hồn, đến kiếp sau, đã nói lên một ý nghĩa «tất cả đến từ vật chất» mỗi khi nâng cốc rượu, mỗi ngày đêm mài miệt truy hoan. Người tu nhân, tích đức tin tưởng có Chúa, có Trời đã nói 1ên niềm tin tưởng ở cái có thực đầu tiên vốn là một sự kiện tinh thần.
Mỗi hành động của con người đều mang nặng ý nghĩa địa ngục hay thiên đàng, đó là nhận xét của Kierkegaard.
Con người luôn luôn phải lo âu vì vấn đề bản thể, bởi vì con người luôn lo âu phải sống như thế nào. Không tin tưởng, tìm kiếm một giải đáp cho câu hỏi này thì sẽ vô ý thức trong sự sống hàng ngày.
Biết tất cả sự luân chuyển của hành tinh, sự sinh sống của tế bào, thông tỏ ngọn ngành về văn chương, khoa học mà không biết phải sống ra làm sao là đủ bỏ qua điều kiện thiết yếu. Pascal đã nhấn mạnh«biết phải sống thế nào là thâu tóm được một kho vàng mà những sự kiện khác là phụ tạp».
Và chính vì ta lo âu về đời sống của ta nên phải dò hỏi về ta. Những giải quyết «ta phải làm gì», «nên làm gì» liên quan đến bản thể của ta, tùy thuộc ở câu hỏi: «ta là gì?». Đó là mối tương quan giữa cái nên có, phải có và cái có thực, đạo đức và tâm lý, xã hội, cơ cấu của con người. Vấn đề bản thể cũng là vấn đề bản thể ta, nên liên hệ đến ta, đến cách sống của ta, nên dù muốn dù không ta vẫn không gạt bỏ được vấn đề vì không tránh được lo âu về số phận của mình.
*
Vấn đề bản thể vì thế vẫn là vấn đề triết học then chốt. Những câu hỏi có tính cách thông thái «bản thể là gì» phản ảnh một trạng thái lo âu của tâm hồn, thiết yếu của đời sống.
Câu hỏi đó có hiện ra dưới những hình thể đơn giản hơn «ta là gì?», ta không thể không suy nghĩ bởi vì mỗi giây, mỗi phút ta phải quyết định không ngừng «ta phải sống ra làm sao?»
Cho nên những chủ nghĩa cực đoan trong lịch sử đều có một vài điểm giá trị, nhưng đã sai lầm khi độc đoán trong sự trả lời về vấn đề bản thể.
Phải chăng sự thất bại của thực thể học (ontologie) là dấu hiệu của một nghiệp chướng dính liền vào đời sống con người, là dấu hiệu của số phận con người phải tự quyết về sự sống của mình. Phải chăng đó là dấu hiệu của tự do, và lẽ sống của cuộc đời?
Sáng Tạo, số 8, tháng 5 - 1957, tr. 11-16
Nguyên Sa
(Trích: Triết học nhập môn)