View Full Version : Nhà Giáo, Một Thời Nhếch Nhác
khieman
06-11-2015, 10:23 PM
.
Nhà Giáo
Một Thời Nhếch Nhác
Nhật Tiến
http://img571.imageshack.us/img571/8397/84869758.png (http://img571.imageshack.us/img571/8397/84869758.png)
LỜI NÓI ĐẦU
Trước khi mời độc giả khởi sự đọc cuốn sách này, tôi xin có một vài lời muốn bầy tỏ.
Cứ theo lẽ thông thường, thì khi bước qua tuổi 70 để chuẩn bị đi vào cõi 80, con người ta dẫu có khỏe mạnh cách nào thì năng lực hoạt động cũng bị sút giảm đi rất nhiều, nhất lại là công việc của một người sáng tác.
Cũng thuộc lớp tuổi nói trên, về phần tôi trong mấy năm trở lại đây (năm nay là 2011), tôi đã tự cho phép mình ngưng việc viết lách. Bởi viết thêm nữa làm gì, khi mà điều mình muốn viết, muốn nói thì cũng đã có nhiều cây viết ở cả trong lẫn ngoài nước viết ra, nói ra rồi, mà có khi những bài viết ấy lại còn chuyên chở đầy đủ hơn những điều mình suy nghĩ.
Thế thì một cách đương nhiên, từ vị trí người của viết, tôi đã chuyển sang vị trí người đọc. Tôi đã đọc chăm chỉ, đọc miệt mài những gì tôi thích hay cần đọc, với một lòng biết ơn các tác giả, những người đã cho tôi được thưởng ngoạn các công trình tim óc của họ.
Tôi vẫn nghĩ, con người ta khi ở vào giai đoạn cuối của cuộc đời mà đầu óc còn minh mẫn để còn có thể đọc được, rồi lại còn đủ cả nhiệt tâm để thấy tâm tình trỗi dậy, biết cảm thông và chia sẻ với những điều mà tác giả đã phơi bầy trên trang giấy, như thế thì cũng đã là đầy đủ, không còn gì phải tiếc nuối.
Chính từ những ý nghĩ đó mà gần đây, tôi không còn có dự tính làm thêm điều gì trong lãnh vực văn chương chữ nghĩa của mình nữa.
***
Nhưng nào tôi có ngờ đâu rằng trong nếp sống nhàn nhã với thứ tâm trạng bình an ấy, thỉnh thoảng tôi lại cứ thấy trỗi lên trong lòng mình một nỗi niềm thao thức.
Sự thao thức không bắt nguồn từ thói quen viết lách qua nhiều chục năm để bây giờ nó giục giã khiến cho mình không được phép nghỉ ngơi.
Mà cũng không phải vì tôi được nghe bạn bè thân quen thỉnh thoảng vẫn khuyến khích việc sáng tác, riết rồi tôi lại tự hối thúc mình tiếp tục làm việc .
Và nhất là, càng không phải chuyện cứ thấy người khác vẫn thay nhau tiếp tục cho in tác phẩm mới, thì mình đâm ra cũng háo hức muốn đua theo.
Tất cả những nguyên do kể trên đều không giúp tôi giải tỏa được nỗi băn khoăn lâu lâu cứ trỗi dậy, dằn vặt tâm trí của mình.
Sau cùng, kỳ lạ thay, tôi bỗng phát hiện ra rằng nỗi niềm thao thức kể trên lại xuất phát từ một lãnh vực khác, cái lãnh vực mà tôi đã không còn dính líu gì tới trong nhiều năm qua.
Đó là nghề gõ đầu trẻ, cái nghề chỉ chuyên gắn bó với phấn trắng, bảng đen và những đám học trò mà tâm hồn còn trong veo của lứa tuổi đang vô tư trước ngưỡng cửa vào đời.
Rồi những ai đã từng đi dạy học thì không thể không biết tới thế nào là lương tâm và tinh thần trách nhiệm của một nhà giáo ! Vậy thì đích thị những thứ hành trang của nhà giáo mà tôi đã gác bỏ từ bao nhiêu năm qua, nay đã bất ngờ trở lại để dằn vặt tâm hồn tôi trong nhiều đêm dài mất ngủ.
Đúng vậy, trước khi được gọi là nhà văn thì tôi đã là một nhà giáo. Trong suốt cuộc đời dạy học, tôi đã trải qua nhiều ngôi trường, ở tại nhiều địa phương và giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò. Rồi khi ngành giáo dục mà tôi theo đuổi, do vận nước mà bị nổi trôi theo thời cuộc thì tôi cũng vẫn còn đeo đẳng để rồi lại cũng nổi trôi theo. Đó là thời kỳ đất nước lâm vào cảnh tan hoang sau khi người CS thành công trong việc lấn chiếm miền Nam và có cơ hội ùa vào Sài Gòn như những kẻ chiến thắng.
Khi thời thế thay đổi, nhất lại là sự thay đổi từ ý thức hệ này qua ý thức hệ khác thì hầu như mọi vốn liếng tinh thần của nhà giáo, tưởng sẽ tồn tại lâu dài với những chuẩn mực vốn đã trở thành truyền thống lâu đời, thì nay đã hoàn toàn bị đảo lộn, bị tróc gốc, đến độ như tôi đã có cảm giác rằng mình đang kiêm nhiệm cùng một lúc cả hai vai trò : vừa là thầy giảng dạy, vừa là tên học trò cứ bị nhà trường uốn nắn thường xuyên từ tác phong, cử chỉ cho đến lời ăn tiếng nói.
Nói cho đúng ra, trong suốt cả một đời người, dù bôn ba, bận bịu cách nào thì ai cũng vẫn có cơ hội để học. Cho nên trong những ngày sau 30-4-1975, tôi sẽ không oán thán gì về cái sự đã làm thầy giáo rồi mà vẫn cứ bị đè cổ ra để bắt học tiếp. Miễn là việc học ấy không bắt tôi phải chối bỏ chính mình, và nó thực sự đem lại cho tôi những kiến thức tốt đẹp để tôi có thể truyền đạt lại cho học sinh trong vai trò của một nhà giáo.
Nhưng trải gần 4 năm trầy trợt dưới một mái nhà trường XHCN, tôi phát giác ra rằng ở đấy người ta không cho phép các thầy cô được làm trọn vẹn trách nhiệm của một nhà giáo đúng nghĩa. Bởi vì, một nhà giáo đúng nghĩa thì không dối trá với học trò ngay trên bục giảng hay ngay trong bài giảng của mình. Nhà giáo cũng không thể tiếp tay với nhà trường để xô đẩy học sinh vào những vùng trời mê muội : lôi kéo, dụ dỗ, nhồi nhét vào đầu óc non nớt của chúng những thứ không nhằm phục vụ cho tương lai của chúng cũng như của đất nước mà chỉ cho những ý đồ đen tối của một guồng máy cai trị phi nhân bản.
Nói một cách cụ thể, nếu coi tâm hồn của những trẻ thơ như là một tờ giấy trắng, thì cũng đã có một số người trong đám nhà giáo chúng tôi sau 30 tháng 4-1975, cũng đã từng bôi đen lên những tờ giấy đó bằng thái độ ươn hèn, câm nín, a dua, bợ đỡ của mình.
Riêng trường hợp của tôi, cái giai đoạn hãi hùng phải kinh qua nhiều nỗi chuân chuyên ấy tuy chỉ kéo dài khoảng bốn năm, nhưng thật sự đã để lại trong tôi quá nhiều ấn tượng.
Đến nỗi trong nhiều năm sau này, đã có nhiều đêm choàng tỉnh dậy, tôi thảng thốt thấy như mình vẫn còn đang dẫn dắt một đám học trò lếch thếch đi khuân từng bó trúc mua ở các hợp tác xã đem về trường để cả thầy lẫn trò đều miệt mài biểu diễn việc sản xuất mành mành trúc trong những giờ học chính thức, được gọi là giờ lao động sản xuất.
Và cũng có nhiều hôm tôi choàng tỉnh sau một cơn mơ thấy mình đang ngồi chen chúc với các đồng nghiệp khác trong một hội trường chật chội, nóng bức vào mùa hè để nghe những lời giáo huấn của thuyết trình viên mà chúng tôi đều biết rằng ngay cả chính anh ta cũng đang nghĩ là mình đang nói dối. Người nói, người nghe cùng có khả năng nhận biết đó là những màn kịch giả trá, nhưng chẳng ai dám nói ra. Nói sao được khi toàn thể đời sống đã bị bao vây bằng đủ mọi hình thức, ở khắp mọi nơi, lúc nào cũng có cảm giác như đang bị rình rập, dòm ngó, nghi ngờ, và cứ sểnh ra là sẽ bị báo cáo, lên Phường, lên Quận, lên Ban Giám Hiệu nhà trường để nhẹ thì bị khiển trách, bị kỷ luật, nặng hơn dám có thể đi tù.
Cùng trải nghiệm như thế, chắc cũng có nhiều giáo chức đã một thời cùng với tôi lui tới, sinh hoạt dưới những mái nhà trường XHCN ngay sau khi miền Nam đổi chủ. Tôi hy vọng sẽ có nhiều vị còn lưu giữ được những kỷ niệm, còn ghi gói được những kinh nghiệm sống, và còn thấy xót xa cho thân phận của nhiều nhà giáo trong quãng thời gian ấy, để rồi sẽ đưa tất cả vào tác phẩm hồi ký của mình.
Nhưng cho đến nay, số người viết về những điều ấy xét ra không nhiều. Hầu hết nếu có thì cũng chỉ là những bài viết ngắn, được thu gọn trong một vài vụ việc đáng ghi nhớ mà tác giả viết ra để đóng góp cho một tờ báo vào một dịp đặc biệt nào đó trong năm.
Như thế, chúng ta chưa có một cuốn hồi ký nào của một nhà giáo viết về sinh hoạt của Thầy trò sau tháng 4-1975, dưới mái nhà trường XHCN .
Mà có thực sự cần thiết để viết lại những điều như thế hay không ?
Theo tôi nghĩ thì rất cần.
Bởi nó là cội nguồn của những sự tróc gốc đạo đức sẽ diễn ra trong xã hội VN trong nhiều năm sau đó. Khi nền tảng của chính sách giáo dục dựa trên những điều giả trá, những mưu toan ngoài giáo dục lại được điều hành bởi những đầu óc thiển cận, hẹp hòi, đầy tự kiêu, tự mãn thì thành quả của giáo dục nó sẽ ra sao, ai cũng có thể thấy trước. Thấy mà chẳng ai dám nói ra, có khi còn góp phần phụ họa làm cho bộ mặt giáo dục ấy ngày càng thêm thảm hại mà chứng cớ cụ thể là sự tuột dốc về đạo đức xã hội ngày nay đã hiện ra rõ rành rành. Bởi vì nó đã trổ hoa, kết trái, và tiết ra nhiều độc tố hơn là hương thơm sau nhiều chục năm được vun trồng.
Bởi chính nó, tức cái thành quả giáo dục ấy, đã tạo nên tình trạng đạo lý suy đồi ở cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội ngày nay. Nó cũng đã thể hiện chính xác câu nói của Lénine về “ quan hệ giữa người với người là chó sói”. Các trang tin tức quốc nội bây giờ đã đăng lên không thiếu gì những câu chuyện khó tin mà có thật với nhan nhản những con người không còn mang tính người. Mấy chữ “mác-kê-nô” tức “mặc kệ nó” nghe tưởng vô thưởng vô phạt nhưng đã hàm chứa một triết lý sống cực kỳ tồi tệ và bi đát của một xã hội vô cảm mà hàng ngàn năm qua ta chưa bao giờ thấy hiện diện trên đất nước.
Và cũng bởi chính nó mà những điều kiện an toàn của xã hội đã bị đảo lộn, như luật pháp không còn nghiêm minh, tiền bạc mua được công lý, chức quyền có thể đổi trắng thay đen, tiếng kêu của dân oan từ nhiều năm qua vẫn còn vang lên từ khắp mọi miền đất nước ..v..v…
Nói tóm lại, cái thành quả giáo dục trong hơn nửa thế kỷ qua dưới mái nhà trường XHCN cộng với sự tiếp tay của rất nhiều thế hệ những ngòi bút vô lương tâm, chỉ biết tô son điểm phấn cho những sai lầm to tát của chế độ nên đã đem lại cho đất nước triền miên những mùa hoa trái ung thối, nhiễm độc, kể từ khi có những vụ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm…và cho đến tận ngày nay vẫn còn xẩy ra những chuyện lạ lùng như bầy tỏ lòng yêu nước thì bị cấm đoán, triệt hạ, những người yêu nước thì lại bị bắt giữ, cầm tù.
Thành quả giáo dục đen tối như thế, chất chứa những nguyên nhân còn gây tác họa lâu dài như thế, vậy tại sao không ghi gói lại để các thế hệ sau tìm đến như tìm những vết xe đổ cần tránh xa, để không lập lại ?
Vì những lý do đó, và mặc dù có thể khả năng viết lách nay không còn được như xưa, nhưng tôi cũng cố gắng trong cái sức của mình để viết lên những trang sách này.
Tôi gọi đây là hồi ký của “một nhà giáo”, hiểu theo nghĩa chung chung là của một người đã từng cầm phấn và đứng trước bảng đen. Đấy không phải hoàn toàn là những kinh nghiệm riêng tư của một mình tôi. Bởi nếu chỉ viết riêng có chuyện mình thì bức tranh toàn cục có thể sẽ thiếu sót nhiều mặt, nhiều chi tiết. Chi bằng đặt dưới danh nghĩa “một nhà giáo”, tác phẩm sẽ gom góp được kinh nghiệm sống của nhiều người hơn và việc thể hiện trên trang giấy cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, dù có cố gắng cách nào thì thành quả nếu có cũng sẽ chỉ là nhỏ nhoi trong muôn một.
Ước vọng của người viết là mong mỏi rồi ra còn có nhiều đồng nghiệp đã từng kinh qua những khoảng thời gian đó, sẽ ngồi viết lại những trang sách cùng loại, để bức tranh khắc họa về ngành Giáo Dục VN sẽ mang một nội dung phong phú hơn, những sai lầm gây tổn hại lớn lao cho đất nước do những đầu óc thiển cận hẹp hòi trong quá khứ sẽ được nói lên rõ ràng hơn, và những thông điệp gửi gấm lại cho thế hệ đi sau sẽ mang được nhiều tâm huyết hơn.
Được như vậy hẳn chúng ta sẽ vô cùng hoan hỉ vì đã cùng nhau hoàn tất trách nhiệm cuối cùng của những nhà giáo trước khi buông xuôi hai tay về chốn vĩnh hằng.
Nhật Tiến
California, khởi viết tháng 11-2011,
hoàn tất tháng 2-2012
***
Đi dép da đừng quên một thời giẫm đất
1
Chọn lựa
Sau 30-4 -1975, tôi có hai cơ hội chọn lựa để khỏi phải đi kinh tế mới. Một là lui tới thường xuyên Hội Văn Nghệ Giải Phóng để lấy chỗ dựa hơi hòng qua mặt Phường, Khóm khi những nơi này đang lập danh sách các hộ gia đình phài rời thành phố, và hai là quay trở lại ngôi trường mà tôi đã từng dạy học ở đó trên 10 năm.
Dĩ nhiên là tôi chọn lựa việc quay trở lại trường cũ vì quả thực, dù có yêu quý gắn bó thế nào đối với văn nghệ thì tôi cũng không thể nào chứng kiến thêm nữa những khuôn mặt huênh hoang, phách lối, hay cung cách ăn nói hàm hồ, nhố nhăng của những kẻ nằm vùng như Thái Bạch hay những quan văn nghệ đến từ miền Bắc như Bảo Định Giang, Anh Đức, Mai Quốc Liên..v…v…trong các buổi học tập mang tên là “bồi dưỡng chính trị” dành cho giới văn nghệ được tổ chức ở ngay trong thành phố Sài Gòn vào dịp hè năm1976.
Sau cái gọi là khóa “Bồi dưỡng chính trị” này, tôi đã không bao giờ còn đặt chân trở lại trụ sở của Hội Văn Nghệ Giải Phóng hay tham gia bất cứ sinh hoạt nào của họ nữa.
Cũng may mà bộ môn giảng dạy của tôi trong nhà trường cũ không phải là bộ môn Văn. Trong hơn 15 năm cầm phấn, tôi chưa hề phụ trách một giờ Quốc văn nào. Bởi môn chính mà tôi đã từng phụ trách ở nhiều Tư thục hồi trước 1975 là môn Vật Lý và Hóa Học. Nhờ tính cách khoa học của hai môn này mà tôi được chấp nhận dễ dàng khi quay trở về trường cũ “đăng ký giảng dạy”. Tôi nghe nói hai môn Văn và Sử thì giáo viên cũ của miền Nam khó mà len được chân vào. Mà có nhờ quen thuộc, thần thế để len được vào, thì kiến thức có được cái gì để mà giảng dạy? Điều này càng thể hiện rõ hơn, khi sau này vào khoảng năm 78 hay 79, có lần tôi bắt gặp mấy tên học trò ngồi ở cuối lớp tôi đang giảng dạy, bỗng chui xuống gậm bàn rồi chuồn ra ngoài hành lang. Tôi chạy ra khỏi lớp, túm lại được, thì chúng nó khai :
- Chúng em đi coi cô giáo Văn khóc !
Tôi ngạc nhiên chưa hiểu Ất, Giáp gì thì có đứa giải thích :
- Tại vì tuần này cô giáo giảng về thơ văn Bác Hồ. Cứ tới đúng đoạn đó, chỗ đó thì cô khóc. Không phải khóc ở một lớp mà tại lớp nào Cô cũng khóc y như nhau. Vì thế chúng em kéo nhau …đi xem !!!
Ui chà ! Dạy Văn mà phải biểu diễn khó khăn đến thế thì sức nào các thầy cô thuộc chế độ cũ kham cho nổi ! Dĩ nhiên, không phải cô giáo Văn nào cũng bị bắt buộc hay có thể là tự nguyện “khóc” như thế. Nhưng chỉ cần một hình ảnh như kể trên thôi, cũng đủ cho thấy cái đời sống xã hội ở miền Bắc và con người sinh hoạt ở đó (nhất là trong môi trường Giáo Dục) tất nó sẽ phải ra làm sao rồi !
Riêng về cô giáo dạy môn Văn, chuyên viên khóc đúng chỗ này, thật tình tôi không nhớ tên nhưng hình ảnh của cô thì vẫn còn y nguyên trong trí nhớ của tôi. Cô trạc khoảng ngoài ba mươi, đến từ miền Bắc, ăn mặc rất giản dị tứ thời chỉ có chiếc áo sơ-mi trắng và cái quần dài đen. Tóc cô cắt ngắn đủ che sau gáy và hai bên tai. Khuôn mặt của cô hơi thô, mang vẻ cứng cáp, dắn dỏi nên hơi thiếu cái nét truyền cảm của nữ tính.
Ít khi tôi thấy cô cười dù chỉ là một nụ cười góp trong một đám đông trò chuyện ồn ào. Cô không ưa giao dịch, cũng không dòm ngó hay soi mói ai. Nhìn bề ngoài, tôi thấy Cô tỏ vẻ miễn cưỡng mỗi khi được xếp đứng chung trong hàng ngũ của đám cán bộ nhà trường. Cái tâm lý này cũng dễ hiểu vì tôi cũng đã rõ tâm trạng của nhiều người như cô : So khả năng với đám giáo viên chế độ cũ thì quả là mình yếu kém, nhưng so về thành tích chiến thắng thì bọn họ lại thua xa. Hẳn sự giằng co giữa hai trạng thái đối nghịch này đã khiến cho Cô cứ như phải nhấp nhổm, dè chừng để đối phó với ngay chính bản thân mình.
Dĩ nhiên hành động khóc trong lớp đúng lúc, đúng chỗ của cô không làm cho tôi mất cảm tình đối với Cô bởi vì chuyện “khóc” như thế không phải là điều gì quá mới mẻ đối với tôi. Có một lần , tôi tiếp một bà bác ở Hà Nội vào chơi, khi kể đến đám tang ông Hồ hồi năm 1969, bà chép miệng :
- Ôi dào ! Trời thì mưa nhé, mà dậy sớm từ tờ mờ để đi xếp hàng vào đám tang. Ai cũng khóc như cha chết!
Tôi hỏi ngay :
- Khóc thật không, hay giả vờ ?
Bà bác trợn mắt :
- Ai thì tao không biết. Chứ tao thì khóc thật, gào thật ấy chứ ! Không khóc thật, gào thật, nó báo cáo thì bỏ mẹ !!!
Thì ra cái sự giả dối trong xã hội miền Bắc nó đã lan tràn khắp cả mọi nơi, trong gia đình, ngoài xã hội và dĩ nhiên ở cả ngay trong nhà trường là nơi dạy dỗ uốn nắn con người kể từ khi còn bé. Bài hát “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ” mà trẻ con hát leo lẻo hàng ngày chẳng phải là một sự dạy con nít quen thói dối trá hay sao ?
Hồi cán bộ mới đến tiếp thu ngôi trường tôi đang dạy này, tôi thấy Quận gửi xuống toàn thành phần cán bộ của Mặt Trận Giải Phóng. Người đại diện Ban Giám Hiệu là một anh nghe đâu trước học ở Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn. Sau, anh rút ra bưng và bây giờ trở về trong vị thế của kẻ chiến thắng. Ấy vậy mà tôi không thấy vẻ nhố nhăng dù chỉ một câu nói hay cử chỉ nhỏ nhặt nào khi anh tiếp xúc với đám giáo viên tới trình diện để trở lại trường. Theo kinh nghiệm của tôi, tôi chỉ thấy cái đám văn nghệ sĩ đến từ miền Bắc, tham gia khóa bồi dưỡng chính trị cho đám văn nghệ sĩ miền Nam là hung hăng, phách lối như Bảo Định Giang, Mai văn Tạo, Phan Đắc Lập, Nguyễn Quang Sáng nhưng mục hạ vô nhân, nhố nhăng nhất phải kể tới Anh Đức và Mai Quốc Liên. Chính Mai Quốc Liên đã tuyên bố một câu hết sức hỗn xược khi trả lời Nguyễn thị Hoàng :
“Miền Nam của các anh chị làm gì có văn hóa !”
Phụ tá cho Ban Giám Hiệu, và sau này mang chức danh Hiệu Phó, tất cả có hai người. Một người là một thanh niên trạc hai bốn, hai lăm, khá đẹp trai, tính tình nhã nhặn, biết nghe, biết ăn nói chừng mực, nhưng trình độ giác ngộ cách mạng của anh ta thì phải nói là siêu việt. Bởi anh ta bỏ cả gia đình, bỏ cả học hành để ra bưng hoạt động. Khi trở về thành, anh dành tất cả thì giờ riêng tư cho công cuộc gây dựng ngôi trường mà tôi đang dạy trở thành một nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa. Điều đó có nghĩa là anh ăn ngủ ngay tại trong trường và việc gì cũng tham gia, cũng để tâm tới và góp phần trong những quyết định sau cùng. Anh sống cũng rất giản dị, tứ thời đánh chiếc sơ-mi trắng may bằng vải nội hóa không ủi, cái quần kaki mầu xanh bộ đội và đôi dép râu hẳn anh cũng tha nó từ trong rừng về.
Vị Hiệu Phó thứ hai là một “cựu nữ lao công” của nhà trường từ trước 1975. Bà này đã ngoài 50, ít học dĩ nhiên, vì bà làm lao công trong trường chúng tôi dạy từ nhiều năm trước đó. Bây giờ, trong cương vị mới, nom bề ngoài của bà thì có vẻ tươm tất hơn. Nghĩa là tuy cũng quần thâm, áo cánh trắng nhưng không nhếch nháp, cực nhọc vì phải làm việc như xưa. Bây giờ bà đã ngồi tham dự tất cả các buổi họp, tôi thấy bà cũng hí hoáy ghi chép nhưng cam đoan đấy chỉ là những con giun loằn ngoằn vì đã có lần bà sơ ý để cuốn sổ lộ ra và chính mắt tôi đã nhìn thấy. Bị cột vào cái cương vị này, tôi có cảm giác như bà ta bị miễn cưỡng. Bởi nếu là kẻ có tham vọng quyền lực mà bỗng nhiên trời cho rớt xuống một cái ghế Hiệu Phó như thế, hẳn bà ta phải huênh hoang, phách lối và mục hạ vô nhân như nhiều kẻ tiểu nhân đắc chí khác. Đàng này tuyệt đối không, tôi không thấy bà ta công khai “hỏi giấy” ai, nạt nộ ai hay dậm dọa gì ai. Bà chỉ lẳng lặng đóng đúng vai trò trên đặt đâu thì ngồi đó, chẳng cần ý kiến, ý cò gì hết, bởi nhiều khi nếu cứ sốt sắng quá lại ra đâm hỏng hết việc.
Với một “bộ sậu” điều hành như vừa kể, lại thêm đám học trò của miền Nam cũ quay về xin học lại hầu như chiếm toàn bộ sĩ số học sinh toàn trường, nên việc dạy dỗ của chúng tôi cũng đã diễn ra trơn tru, không có gì trở ngại, ngoại trừ cái vụ phải giảng bài theo giáo án là chuyện vô cùng nhức đầu mà tôi sẽ đề cập trong một chương tới.
Vào năm đầu tiên thuộc niên khóa của “nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa”, tức mùa Thu năm 1976, tôi lại ghi nhớ một kỷ niệm khó quên. Suốt mùa hè năm đó, mọi sự chuẩn bị từ danh sách giáo viên, thời khóa biểu các lớp đến tài liệu giáo khoa, giáo án, tất cả dưới tài điều khiển lanh lẹ và khôn ngoan của anh Hiệu Phó, đều đã xong xuôi hết. Đám giáo viên chúng tôi sau khi đã phải tập trung ở trường Tabert cả tháng trong mùa hè để học chính trị, nay cũng đã trở lại trường chuẩn bị cho Lễ Khai Giảng. Dĩ nhiên là phải có Chào Cờ, có Thông Điệp của Nhà Nước, có diễn văn của đại diện Sở Giáo Dục, có phát biểu cảm tưởng của đại diện Hội Nhà Giáo Yêu Nước..v..v…
Phần tiến hành thủ tục chào cờ được trao cho một Thầy vốn là giảng viên Thể Dục Thể Thao của nhà trường cũ trước đây. Học sinh xếp hàng ra sao, tiến lui theo nghi lễ thế nào, vào lối nào, ra lối nào, hô hoán khẩu hiệu gì..v..v… Thầy đều cho tập rượt kỹ lưỡng.
Ấy thế mà chính Thầy lại bị vướng phải một lỗi chết người.
Đó là cái lúc khi trong khi toàn trường và đông đủ quan khách tuyệt đối im lặng nghe hiệu lệnh của Thầy, thì Thầy hô :
- Chào cờ chào…Này công dân ơi quốc gia đến ngày giải phóng…
Ối trời ơi là trời ! Thì ra Thầy quen miệng hát lên bài quốc ca của chế độ cũ !
Cả học sinh lẫn các thầy cô đều chết sững ra trong vài giây, rồi những tiếng nhốn nháo bắt đầu dấy lên ở mọi chỗ. Phải nói anh Hiệu Phó là một tay nhanh trí và hành động rất nhậm lẹ. Anh bỏ phắt hàng ghế đang ngồi và nhẩy lên giật lấy cái micro mà nói to :
- Tất cả nghe tôi ! Chào Cờ…Chào…Đoàn quân Việt Nam đi sao vàng phất phới…
Những giọng hát lẻ tẻ cất lên, tiếng xôn xao tắt lịm, và bài hát cứ mỗi lúc một hùng hồn thêm làm bà con ai nấy thở phào.
“Cờ in máu chiến thắng vang hồn nước
Súng đằng xa vang khúc quân hành ca….
Về vụ ấy, tôi không rõ thầy Thể dục Thể thao phải nhận lãnh những kết quả gì, nhưng sau đó vài tuần, tôi vẫn thấy Thầy hướng dẫn tập thể dục cho các lớp ở dưới sân. Còn tay Hiệu Phó thì chỉ buông có một câu gọn lỏn:
- Thầy ấy quen mồm chứ không có ý đồ gì đâu !!
****
Trong mấy tuần lễ đầu, lớp học của tôi chỉ lác đác có vài đứa học trò vốn là con em cán bộ từ xa tới, còn hầu hết đều là những học sinh miền Nam cũ. Đứng trên bục giảng, nếu mắt không chạm phải tấm biểu ngữ nền đỏ chữ vàng treo ở bức tường phía cuối lớp thì tôi vẫn tưởng như mình đang giảng dạy trong một lớp học của hai năm trước đó. Nhưng cái cảm giác này bị tan biến đi ngay vì tôi biết rất rõ biểu ngữ này, trên có chữ “Không có gì quý hơn độc lâp tự do” đã nghiễm nhiên thay thế cho hàng chữ “Tiên học Lễ, hậu học Văn” vốn ngự trị ở đó từ hàng chục năm qua. Hồi đầu hè, đã có lần tôi hỏi một thầy trong Hội Nhà Giáo Yêu Nước là tại sao lại xóa bỏ câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” thì thầy nhún vai trả lời “ tàn dư lạc hậu, hay ho gì cái thứ lễ nghĩa đó”.
Tôi đã không cãi lại. Có cãi thì cũng vô ích, đâu có thể thay đổi được gì khi mình chỉ như một con ốc nhỏ xíu trong một guồng máy khổng lồ đang vận chuyển. Tuy nhiên, cứ đối chiếu vào thực tế thì tôi vẫn thấy rõ cung cách ứng xử của học trò miền Nam bao giờ cũng lễ độ và đúng mực hơn nhiều. Cụ thể là trong lớp học, bàn thầy giáo lúc nào cũng có một cái khăn trải bàn, có lớp thì lại thêm một bình hoa, dẫu là hoa nylon nhưng cũng đã thể hiện tấm lòng của trò đối với thầy, bởi vì công việc lo trải khăn, sắp xếp bình hoa đó là do Ban Chấp Hành Lớp tự nguyện chứ không luật lệ nhà trường nào bó buộc cả. Tiếc thay, cái mỹ ý đó của học trò chỉ sau vài tuần là bị tém dẹp. Một trưởng lớp đã nói với tôi:
- Ban Giám Hiệu bảo dẹp. Đó là tàn dư của phong kiến !
Tôi cũng không lấy thế làm ngạc nhiên, vì Thành đoàn còn tổ chức biết bao nhiêu là toán học trò đứng ở các đầu đường, sẵn sàng lấy kéo sởn tóc, cắt ống quần của nhiều người mà chúng cho là chướng tai gai mắt kìa. Ở thời buổi này, cứ cái gì thuộc chế độ cũ thì đều bị coi là “Tàn dư Mỹ Ngụy”, hèn chi ông Mai Quốc Liên chẳng lớn lối nói là miền Nam làm gì có văn hóa !!
Tuy nhiên không phải bất cứ ai đến từ miền Bắc cũng đều mục hạ vô nhân như thế. Tôi còn nhớ, sau ngày khai giảng niên học được ít bữa thì bỗng có hôm tôi nhìn thấy một ông cán bộ cứ đứng ngoài hành lang phía xa xa ngó vào lớp học tôi đang giảng dạy. Tôi biết rõ ông này không phải nhân viên nhà trường nên đoán ông ta là một phụ huynh học sinh. Ý hẳn ông băn khoăn không biết con mình theo học ở trường mới, lớp mới, lại ở trong Sài Gòn hoàn toàn xa lạ nên không biết nó sẽ học hành, xoay sở ra sao. Dĩ nhiên là tôi để cho ông mặc sức dòm ngó, quan sát, theo dõi từng đường đi nước bước diễn tiến trong lớp học của tôi.
Kể từ lúc tôi bước vào lớp, tất cả học trò đều đứng dậy và chỉ ngồi xuống khi tôi vẫy tay cho phép ngồi. Rồi qua các “khâu’ gọi học trò trả bài, đến sửa bài tập kỳ trước rồi giảng bài mới, hình như ông đã tới nhiều lần để quan sát được nhiều giai đoạn khác nhau. Cho đến một hôm, vào giờ tan học, tôi thấy ông tiến lại gặp tôi ở ngoài cổng trường và ngập ngừng nói :
- Chào thầy. Tôi là phụ huynh của con bé ngồi bàn đầu trong lớp của thầy.
Tôi “à” lên một tiếng và nói:
- Tôi biết rồi. Trò ấy tên Loan.
- Vâng, thưa thầy. Cháu Loan nhà tôi trình độ có thấp, mọi sự trông nhờ ở thầy.
Tôi vội vã đáp:
- Xin ông cứ yên tâm. Học sinh trong lớp, tôi biết rõ từng đứa và đứa nào cũng được quan tâm.
Ông ta cũng hấp tấp nói :
- Tôi biết…tôi biết…Tôi đã quan sát cung cách sinh hoạt ở các lớp học trong này. Tôi thấy mọi sự đi vào nề nếp đúng như chúng tôi mong mỏi. Ở…ở ngoài Bắc, chưa được như thế đâu.
Nói xong, ông ta ngừng lại nhìn trước, ngó sau rồi lại tiếp:
- Cái nề nếp ấy mong các thầy cô cứ giữ được mãi.
Câu nói ấy, sau này cứ vang vang mãi trong đầu của tôi. Trước thì tôi chỉ coi đó như một lời nhắn nhủ. Nhưng càng về sau này, đi sâu vào mọi sinh hoạt dưới mái một ngôi trường Xã Hội Chủ Nghĩa, tôi càng thấy nó như một lời khẩn cầu, một lời lẽ trao gửi trách nhiệm, đòi hỏi cả cái tập thể nhà giáo chúng tôi hãy giữ gìn kỷ cương trong sứ mệnh giáo dục con em.
Nhưng thử hỏi chúng tôi sẽ làm được gì, khi mà cái chế độ này đã trang bị cho công việc giáo dục một định kiến thật rõ ràng : Giáo dục không nhằm đào tạo con người mà chỉ gây dựng nên những thế hệ tuyệt đối trung thành và chỉ biết tuân theo sự dẫn dắt của Đảng cầm quyền.
Và hệ lụy của nó, không biết sẽ cần phải bao nhiêu thế hệ nữa mới gột rửa sạch !
(còn tiếp)
.
khieman
06-12-2015, 01:17 AM
(tiếp theo)
2
NHU YẾU PHẨM
Giờ “đứng lớp” của tôi hôm nay vẫn diễn ra như thường lệ mọi ngày. Hai chữ “đứng lớp” này hồi mới nghe nói thì có vẻ chối tai. Nhưng riết rồi cũng quen đi. Đối với các thầy cô ở đây, nó nghiễm nhiên trở thành một từ ngữ thông dụng, phát ngôn hằng ngày một cách tự nhiên cùng với nhiều từ ngữ khác xoay quanh đời sống, cứ như chúng đã lặn sâu vào trong đầu óc người ta tự bao giờ.
Như thể khi tôi nói “hôm nay tôi có 4 tiết Lý, 2 tiết Hóa, 2 tiết phụ đạo, tối về còn phải soạn giáo án cho tuần tới nữa”, thì chắc chỉ những giáo viên của nhà trường xã hội chủ nghĩa mới hiểu ngay. Mà thật ra nó cũng chẳng có gì bí hiểm. Ngày trước nói dạy học một giờ thì bây giờ đổi là đứng lớp một tiết. Hai chữ “đứng lớp” nghe có vẻ nôm na, không hay ho gì nhưng đổi chữ giờ thành chữ tiết là có cả một dụng ý. Trong vụ này, các nhà giáo dục của nhà nước XHCN biết phân biệt rạch ròi, tỉ mỉ lắm đấy. Bởi khi ta nói dạy 1 giờ nhưng có bao giờ thầy giáo vào lớp dạy đủ 1 giờ đâu. Nội việc khi có kẻng đầu giờ, nào thu vén tài liệu, nào sắp xếp cặp táp rồi di chuyển đổi từ lớp này qua lớp kia cũng mất của học trò 5, 7 phút rồi. Vậy phải gọi là một “tiết” thì mới hợp lẽ công bằng, để không mang tiếng ăn gian, ăn lận của học trò lấy một phút. Thực tình, vào cái thời gian đó, tôi đã phục lăn tính chất công bằng, minh bạch, đâu ra đấy của chế độ mới chỉ thông qua cái vụ gọi giờ thành tiết này.
Thế còn “phụ đạo” là cái quỷ gì ? Hồi mới nghe Ban Giám Hiệu phát ngôn, tôi có hơi bỡ ngỡ. Nhưng rồi tôi hiểu ngay ra rằng đấy là công việc nhà giáo phải tình nguyện dạy thêm giờ cho những học trò ‘cá biệt” tức là đám học trò có thành tích nghịch như ma, lười học như quỷ.
Nhưng đến cái vụ soạn “giáo án” thì mới thật là nỗi kinh hoàng của đám giáo viên mới bước chân vào nhà trường XHCH như tôi. Thật ra, nó cũng chỉ là sự soạn bài. Ai đã đi dạy học mà chẳng phải soạn bài. Đây là công việc âm thầm của riêng mỗi cá nhân thày hay cô giáo. Tức là tùy theo cung cách trình bày bài giảng của mỗi người, mạnh ai nấy soạn, chẳng phải trình ai, chẳng phải chờ ai thông qua. Bọn nhà giáo chúng tôi quen lệ như thế từ mấy chục năm qua rồi. Nhưng bây giờ, khi nói đến giáo án là nói đến những nguyên tắc chỉ đạo, đến những mục đích yêu cầu, đến những trình tự sinh hoạt từng phút của thầy và trò trong lớp học. Thậm chí thầy sẽ hỏi trò cái gì, câu giải đáp của thầy ra sao, lại còn cả cái vụ dự trù học trò hỏi quàng xiên thế này thế khác, thầy cũng phải dự bị sẵn câu đối phó để trả lời. Ôi, những thứ này tuy nhiêu khê, lỉnh kỉnh nhưng cũng có nhiều điều đáng nói đến. Xin sẽ đề cập tới ở những phần sau.
Nói chung thì từ ngữ nào tuy mới mẻ đến đâu cũng chỉ trong vòng vài tháng đầu các thầy cô ai cũng ngốn được hết, nhưng với riêng tôi, hai chữ “đồng chí” thì không đâu nhé. Ở ngôi trường này người ta gọi các giáo viên là đồng chí, một số giáo viên cũng gọi nhau là đồng chí. Nhưng với tôi thì nó quả một thứ rất khó nuốt vô. Đồng chí cái nỗi gì, khi mà trước ngày 30-4, tôi còn xán lại đám đông bu quanh tiệm hớt tóc ở đầu ngõ để nghe lỏm những lời bán tán om sòm. Giọng ông hớt tóc cứ oang oang :
- Các cô phen này là hết bôi son, má phấn nhớ. Lại còn cái vụ móng tay đỏ choét như tiết gà nữa. Việt Cộng mà vô thì nó chặt phăng đi hết!
Khi nghe những lời đồn đại ấy lòng tôi bán tín bán nghi, lại còn nghĩ rằng “ Việt Cộng dám làm đủ mọi thứ lắm”. Kiến thức về Việt Cộng đã mơ hồ đến như thế, lại nữa tôi có ra bưng ngày nào đâu mà xưng hô “đồng chí” với nhau được ! Hình như các cô giáo dạy môn Sinh vật, Vật Lý, Hóa Học ở cùng tổ Khoa Học Tự Nhiên cùng với tôi cũng thầm chia sẻ những ý nghĩ này nên các cô vẫn gọi tôi là thày, và tôi cũng gọi lại là các cô. Mấy chữ đồng chí, thì chỉ có Ban Giám Hiệu hay Chi đoàn Thanh Niên trong trường là ưa xài nhiều nhất !
Buổi sáng hôm ấy, tôi ôm sách vở, tài liệu đi vào lớp như thường lệ. Học trò vẫn đứng hết cả lên như nhiều năm trước đó. Chỉ riêng ở hai bàn đầu là tôi thấy những khuôn mặt lạ. Đó là những con em cán bộ từ miền Bắc vào và được xếp lớp theo tiêu chuẩn : lớp 7 ngoài Bắc thì vào ngồi lớp 9, lớp 8 leo lên lớp 10…v..v..
Lý do là bậc trung học của miền Bắc chỉ có 10 năm, còn trong Nam, học trò phải trải qua tới 12 năm lận.
Đối với tôi, học trò “miền” nào thì cũng như nhau. Tuổi trẻ ở đâu thì cũng hồn nhiên, trong sáng, nếu ham học hỏi thì chúng nó cũng đều tiến bộ như ai. Nhưng sở dĩ tôi gọi “những khuôn mặt lạ” là ở chỗ chúng nó có cùng một nước da sạm tái như nhau, y phục thì chỉ sơ mi trắng với quần tây màu cứt ngựa, và nhất là tia nhìn thì xoay xoáy cứ như muốn xuyên qua cái đầu của thầy giáo xem ông ấy đang nghĩ gì.
Nói đúng ra, tôi chẳng có ý nghĩ gì hết ngoài bài giảng tôi sắp trình bầy. Tôi chẳng dại gì mà làm cái việc lợi dụng bục giảng để đưa ra những lời nhạo báng chế độ qua đầy dẫy những chuyện bất toàn xẩy ra chỉ nội trong khuôn viên trường học. Như thể ông Hiệu trưởng, người sau này thay thế cho anh sinh viên Đại Học Vạn Hạnh vốn chỉ làm đại diện Ban Giám Hiệu có vài tháng rồi không biết bị rút đi đâu mất tăm, không có một lời thông báo chính thức. Còn ông Hiệu trưởng mới đổi về này, không cần giới thiệu chúng tôi cũng biết ông ta là gốc bộ đội vừa được chuyển ngành. Bởi trong cương vị một Hiệu trưởng một trường Trung học, ông ta vẫn bận bộ quần áo bộ đội tới trường để điều hành công việc. Hơn thế nữa, bên hông ông ta lúc nào cũng kè kè một khẩu súng lục, không biết để làm gì ngoài chuyện thị uy với đám giáo viên trong vùng mới “giải phóng”. Ấy vậy mà ông ta vẫn gọi chúng tôi là “các đồng chí”.
- Các đồng chí phải ráng phấn đấu để trở thành người giáo viên gương mẫu của nhà trường Xã hội Chủ nghĩa.
- Các đồng chí cũng nên nhớ rằng nhà nước chuyên chính vô sản sẵn sàng đập tan mọi âm mưu bạo loạn của bọn phản động, tàn dư của bè lũ tay sai nước ngoài để bảo vệ vững chắc nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chúng ta dân chủ với mọi đồng chí, nhưng dứt khoát là phải chuyên chính với mọi tàn dư phản động.
- Các đồng chí nên nhớ dạy theo đúng sách giáo khoa với giáo án đi kèm chính là một Pháp Lệnh. Ai không tuân thủ Pháp Lệnh là chống đối Nhà Nước, là phản động, là bán nước !
Nói xong câu này, ông ta còn đưa tay xốc cái thắt lưng quần khiến cho khẩu súng lục cứ bị đẩy lên, chìa ra trước mắt mọi người. Tôi không nhớ là ai, nhưng rõ ràng là một anh bạn đồng nghiệp ngồi bên cạnh tôi đã giơ khuỷu tay ra hích vào mạng sườn tôi một cái. Tôi muốn bật lên cười nhưng may quá, tôi còn đủ tỉnh táo để không làm cái chuyện khờ dại đó.
Bài giảng môn Vật Lý của tôi hôm ấy là một bài thuộc môn Quang Học. Sau khi vẽ hình trên bảng đen, ngay lúc tôi vừa bắt đầu nói : “ những tia sáng song song với trục chính sau khi đi qua Thấu kính sẽ hội tụ tại một điểm F gọi là Tiêu điểm chính. Khoảng cách từ tiêu điểm chính đến quang tâm O gọi là Tiêu cự ….” thì chợt tiếng loa từ khu văn phòng chính đã dội vào khắp các lớp. Cái giọng nghe đã oang oang mà lại còn có đôi chút gắt gỏng cứ như vừa hối thúc mà lại vừa giận dỗi :
- Yêu cầu đồng chí Bùi Nhật Tiến xuống ban tiếp liệu nhận nhu yếu phẩm.
Khổ thân tôi vì thấy tên của mình bị réo gọi, mà nó bị réo gọi tới hai ba lần. Hẳn điều này sẽ là nguyên do để tôi bị nhiều lớp khác nguyền rủa vì có mỗi chuyện như thế mà đến nỗi để loa phải réo làm mất sự yên tĩnh của các lớp khi thầy, cô giáo đang giảng bài. Mà đây đâu phải chuyện phân phối nhu yếu phẩm đột xuất. Ngay từ sáng, lúc vừa bước chân vô cổng trường thì cô giáo cũng thuộc bộ môn của tôi đã rỉ tai:
- Hôm nay nhu yếu phẩm về, Tổ mình phải cử người vào giúp Ban phân phối.
Tôi nhìn cô nài nỉ:
- Thôi, cô xuống giúp họ một tay đi. Khỏi họp Tổ, phân công lôi thôi.
Tưởng mọi sự thế là xong. Ai ngờ tên tôi vẫn bị réo gọi. Mà gọi để xuống nhận nhu yếu phẩm chứ đâu có phải làm lụng gì.
Phải nói rằng sau bao nhiêu ngày tháng triền miên trong thiếu thốn, nhu yếu phẩm là một niềm mơ ước của nhiều người. Đám giáo viên thuộc chế độ cũ chúng tôi, bất kể thâm niên hay cấp lớp giảng dạy, trong niên học đầu tiên mọi người đều được lãnh đồng đều mỗi tháng 30 đồng, và chỉ thay đổi bậc lương khi mỗi người được chính thức vào “biên chế”. Lương 30 đồng mà thời giá khi đó là 10 đồng 1 kí gạo, 1 đồng 1 lon ngô đong vừa đầy một ống lon đựng sữa bò, thì tất nhiên là phải có thêm nhu yếu phẩm cấp phát đi kèm. Hầu như mỗi tháng 2 kỳ, mỗi giáo viên được lãnh 1 hộp sữa bò, một túi đường trắng có khi là đường bổi, đường miếng (tôi chưa bao giờ cân xem nó nặng bao nhiêu gam), một túi nhỏ đậu xanh hay đậu đen, 1 thếp giấy viết khổ đôi, 2 cuộn giấy đi cầu ( loại giấy đã tái chế biến, dầy xộp, có mầu đỏ hồng chứ không phải mầu trắng). Lâu lâu thì có thêm 1 chai bia hay một gói thuốc lá. Nhưng mấy thứ này thì phải chia nhau. Bia thì cứ hai người một chai, thuốc lá hai người một gói. Ai không uống bia, hút thuốc thì đổi lấy đường, lấy đậu xanh, hay ngay cả cuộn giấy đi cầu. Nếu cả hai cùng muốn uống bia thì rút thăm, hoặc mở tại chỗ uống chung, thay phiên nhau mỗi người một ngụm !
Vào cái ngày được phát nhu yếu phẩm thì học trò cả trường đều biết, thậm chí dân chúng trong những khu phố gần trường cũng đều biết, vì khi tan trường thầy cô giáo ra về, trên tay ai cũng có một bịch ny lông, bên trong thồn đủ thứ, nhưng nhìn rõ nhất là lon sữa bò hay cuộn giấy vệ sinh.
Đấy là những thứ hàng tiêu dùng. Riêng về thực phẩm thì lại khác. Nó không có tiêu chuẩn nào theo định kỳ hay món ăn nào nhất định cả. Phần đông, thì giáo viên được lãnh thêm thịt, thêm cá, đôi khi lại còn được phân phối thêm cả nước mắm hay xì dầu nữa.
Hôm nào thịt về hay cá về thì ngôi trường như chộn rộn hẳn lên. Các cô giáo thì thào hỏi nhau :
- Bữa nay cá tươi không ?
- Thịt hôm nay nhiều mỡ không ? Nhớ dặn để cho tôi ít thịt nhưng nhiều mỡ.
- Tôi dạy tới tiết 4 xong mới về, nhớ dành giùm tôi một chỗ trong tủ lạnh. Kẻo thịt mang về thiu mẹ nó hết.
Mà thật tội nghiệp cho cái tủ lạnh ở trường tôi. Trước tháng Tư năm 75, nó chỉ là một cái tủ nhỏ đặt ngay tại phòng của các giáo sư, trong để vài chai nước lạnh mà ít ai buồn uống. Nhưng bây giờ thì nó khứ khự chứa đủ loại túi, gói mà bên trong là thịt, là mỡ, là những khoanh cá nhòe nhoẹt cả vẩy lẫn máu cá. Phía ngoài túi thì có người đánh dấu bằng những sợi dây mầu đỏ, mầu xanh, hay dây lạt có đeo thêm mảnh giấy ghi tên rõ ràng : Cô A, thầy B…lớp này lớp kia. Bởi chưng tủ thì nhỏ, điện thì yếu, mà đồ thì chen chúc nhau khứ khự nên hơi lạnh tỏa ra thì ít, khi mở ra chỉ thấy toát lên một mùi vừa chua, vừa hôi nó khiến cho ai cũng phải giật lùi người lại và đưa tay lên che mũi.
***
Đúng lý ra, khi thấy tên bị réo gọi thì tôi phải buông phấn mà chạy đi lãnh khẩu phần của mình. Nhưng khổ nỗi, bài giảng của tôi chưa chấm dứt. Tôi không muốn vì bất cứ lý do gì mà cái phần quan trọng nhất này của một buổi học lại phải gián đoạn. Đây là một nguyên tắc mà tôi tự ý đề ra, không phải bây giờ mà đã từ nhiều năm trước trong nghề. Tôi còn nhớ cái năm còn dạy ở trường Bồ Đề gần chợ Cầu Ông Lãnh do Thượng Tọa Quảng Liên làm Hiệu trưởng. Có lần tôi đang giảng bài thì thư ký văn phòng đi vào đưa cho tôi một danh sách gồm cả chục tên học trò cuối tháng chưa đóng học phí.
Theo nguyên tắc thì tôi phải đọc tên những trò này lên và mời chúng ra khỏi lớp học. Nhưng tôi đang giảng bài, và tôi không muốn vì hoàn cảnh khốn khó mà mấy đứa học trò bất hạnh của tôi bị mất bài giảng hôm đó. Vì thế tôi thản nhiên nhét cái danh sách vào túi rồi tiếp tục giảng bài trước con mắt bực tức của viên thư ký. Sau đó tôi được gọi lên văn phòng Hiệu Trưởng để nghe lời cằn nhằn. Nhưng tôi đã không nhượng bộ. Nguyên tắc đơn giản của tôi là :
“Gọi lúc nào thì gọi, nhưng tuyệt đối không xâm phạm vào lúc nghe giảng bài của học sinh”.
Có thể nhà trường bực bội vì tính bướng bỉnh của tôi, nhưng cuối cùng thì vẫn nhượng bộ để cho tôi làm theo ý mình. Như thế thì làm sao tôi có thể ngưng giảng bài để chạy đi “lãnh nhu yếu phẩm” !
Ở dưới lớp, tôi nghe có vài tiếng học trò nhắc nhở :
- Nhu yếu phẩm kìa thầy !!
- Thầy xuống mau lãnh phần ngon. Xuống chậm toàn đồ dỏm, uổng quá thầy !
Rồi lại có tiếng chúng nó hỏi nhau:
- Không biết hôm nay có cá hay có thịt?
- Cá hay thịt cũng chả tới phần tụi bay. Nghèo mà ham !!”
Ôi, mấy tiếng “nghèo mà ham” tôi vừa nghe thấy trong hoàn cảnh này, sao mà trọn ý, trọn lời đến thế ! Nhưng tôi cứ tảng lờ như không nghe thấy bất cứ tiếng xì xào nào. Tôi chỉ tay lên hình vẽ trên bảng định cất lời. Nhưng sao cổ họng của tôi cứ nghẹn lại. Tôi hình dung được rất rõ hình ảnh của những đứa học trò xanh xao, hai gò má đã hóp lại vì thiếu ăn và vành môi đã thiếu vắng những nụ cười hồn nhiên, tươi sáng. Tôi tự nhủ “mọi sự thay đổi rồi”, ở nhà, trong ngõ, ngoài phố và ở ngay cả nơi đây, trên cái bục giảng mà tôi đang cố nuốt nghẹn để cất lên lời.
Cuối cùng thì tôi cũng đã lấy lại được bình tĩnh để lên tiếng giảng bài mặc dù tôi biết lúc đó sẽ chẳng còn có đứa học trò nào để tâm tới :
- Tiêu cự của Thấu kính thì tỷ lệ nghịch với độ Hội tụ, nếu gọi độ Hội tụ là C, tiêu cự là f thì ta có C bằng 1 trên f…
Vừa lúc đó thì một cô giáo trong Tổ Vật Lý của tôi xuất hiện ở ngay cửa lớp. Những con mắt của đám học trò đang nhìn hình vẽ trên bảng đen bỗng dồn hết cả ra phía ngoài. Tôi cũng quay ra nhìn. Hẳn ai cũng trông thấy trên tay cô cầm một xâu cá vì cô vừa cầm vừa giơ cao nó lên. Tôi không nhận ra được đó là thứ cá gì, nhưng vẻ mặt hí hởn của cô thì tôi thấy rõ. Cô làm cứ như mình vừa trải qua một cuộc đấu tranh mà phần thắng đã về mình. Bây giờ thì cô vừa giơ xâu cá lên cao rồi lại làm một cử chỉ nhử nhử như hàm ý để cho tôi biết rằng “ Phần cá của thầy đây ! Ngon nhất đấy nhá !”.
Nhã ý của cô không khiến cho tôi vui vẻ được chút nào. Lòng tôi lại bỗng còn nhen nhúm một sự bực bội nữa ấy chứ. Tôi có nhờ vả gì cô đâu mà sao cô tự ý sốt sắng đến vậy. Đã thế, cô còn du tôi vào một tình trạng khó xử. Tôi đang giảng bài. Lớp học của tôi đang thơm tho mùi phấn trắng. Tôi sẽ phải làm gì với xâu cá tanh tưởi mà cô đã sốt sắng mang tới, lại bầy ngay ra trước cả trăm con mắt học trò đang hau háu nhìn ra.
Cái đồ nhanh nhẩu đoảng ! Tôi hậm hực thoáng nghĩ về cô như thế. Nhưng tôi không thể giận cô. Rõ ràng cô là một người tốt bụng. Cô đã vì tôi mà mua thêm việc chứ có đòi chia chác phần cá này bao giờ đâu. Hẳn cả giờ trước đây, trong khi chia cá cho mọi người, cô đã thay tôi lãnh phần, mà chắc chắn không phải là thứ cá dư thừa dồn lại cho những kẻ hẩm hiu vắng mặt. Đã thế cô lại còn sốt sắng mang tới tận lớp cho tôi để tên tôi khỏi bị tiếp tục réo gọi trên loa. Thế thì rõ ra mình là đồ vô ơn nên mới chê trách cô như vậy !
Loay hoay với những ý nghĩ đó trong đầu, rồi cuối cùng tôi cũng đành phải bước ra nhận xâu cá và cất lên một lời cám ơn cô, nghe rất nhạt nhẽo. Chắc cô cũng đã thấy vẻ mặt khó đăm đăm của tôi lúc đó, nên thẩy xâu cá vào lòng bàn tay của tôi xong là cô quay ngoắt đi thẳng, không bình luận thêm một lời về công khó của mình nữa.
Khi cô giáo đã đi khỏi rồi, tôi mệt mỏi tay cầm xâu cá, chân bước lên bục giảng. Đột nhiên cả lũ học trò cùng ùa lên cười, xen vào đó, tôi còn nghe thấy cả những tiếng vỗ tay. Tôi đột nhiên biến thành một thứ diễn viên hề đang ra mắt khán giả trên sân khấu. Vào cái giây phút này, bài giảng Quang Học về Thấu Kính chẳng có liên hệ gì tới xâu cá tôi cầm trên tay. Tôi có cảm giác như mình vừa bị đẩy tuột từ vai trò của một thầy giáo nghiêm chỉnh xuống vai trò của anh đứng bán xâu cá ngay ở giữa chợ trời!
Còn bọn học trò thì chắc chẳng nghĩ ngợi gì sâu xa hay dè bỉu gì về cái chuyện ấy đâu. Chắc chúng nó chỉ thấy vui vui khi thấy ông Thầy đang đứng trên bục mà tay lại cầm xâu cá, một hình ảnh trái khoáy so với dáng vẻ nghiêm chỉnh của thầy mọi ngày. Có lẽ trong cả cuộc đời lấm lem cùng bụi phấn, cả Thầy lẫn Trò chúng tôi chưa bao giờ lại bị nhập vai trong một pha như thế này, trên bục giảng và trong lớp học.
Thế rồi “Niềm vui” của lũ học trò bỗng đem lại cho tôi một ý nghĩ bất cần. Tôi chẳng còn ngần ngại hay giữ gìn ý tứ gì nữa. Cầm xâu cá trên tay, tôi cũng giơ lên cao cho cả lớp nhìn thấy. Bây giờ thì tôi nhận ra đó là một xâu độ 4, 5 con cá bạc má có vẻ còn tươi vì máu cá còn dính đỏ trên sợi lạt buộc. Qua sợi lạt buộc, tôi cũng thấy cả gần trăm con mắt của lũ học trò đang dổ dồn vào xâu cá. Một đứa lên tiếng:
- Cá còn tươi đó a thầy !
Một đứa khác ngồi ở cái bàn gần xế chỗ tôi đứng cũng lên tiếng:
- Xâu này đem chiên giòn với mỡ thì phải biết ! Hết cỡ !
Tôi bỗng liếc mắt về phía nó. Nó là một đứa học trò trước đây cũng thuộc loại hiền lành, ít nói, rất chăm chỉ học hành. Tuy nhiên dần dà tôi nhận biết được sự đổi thay trên nét mặt của nó. Xanh xao hơn. Vêu vao đi. Cặp mắt đôi lúc thấy thất thần. Đó là dấu hiệu của những cơn đói. Không chỉ một đôi lần mà hẳn phải là triền miên. Cho nên điều ước ao mà nó vừa nói ra, không phải chỉ là một câu nói vui đùa. Trong đầu nó hẳn đã nổi lên những cảm giác thèm thuồng khi nghĩ tới những con cá chiên mỡ cháy xèo xèo trong một cái chảo gang để trên lò lửa đỏ. Khuôn mặt của tôi bất chợt cũng thấy nóng lên. Tôi vụt hít một hơi thật dài để dằn một cơn giận dữ bỗng dưng nổ bùng lên trong đầu óc của tôi. Cái xã hội này, cái ngôi trường này từ ngày đổi thay sao đầy vô cảm đối với mọi thứ bất toàn đang hiện lên đầy dẫy ở chung quanh. Rồi cái số phận trớ trêu nào đã bắt tôi phải trực diện với một hoàn cảnh trái khoáy, tay cầm phấn, tay cầm xâu cá ở ngay trên bục giảng vốn là chỗ đứng quen thuộc của tôi từ bao nhiêu năm nay. Qua sợi dây lạt buộc, tôi nhìn lên bảng thấy cái hình vẽ ký hiệu Thấu kính Hội tụ với những tia sáng chạy song song với trục chính, sao trông nó cũng giống như hình thù của mấy con cá này.
Cuối cùng tôi cũng đành phải buông xuôi. Thôi thì dù Cá hay Thấu Kính vào lúc này cũng đều như bị cào bằng, cũng giống như ngoài xã hội mọi thứ cũng đều đang được cào bằng như nhau. Thế là tôi thản nhiên treo xâu cá vào một cái móc ở ngay dưới tấm bảng đen, cái chỗ mà lớp vẫn dùng để treo giẻ lau bảng. Tôi nghe thấy đám học trò lại đang rúc rích cười. Nhưng tôi vẫn cầm cục phấn và cất to giọng :
- Các trò lấy giấy bút ra làm bài tập. Cho một thấu kính có tiêu cự là 25 centimét….Vẽ đường đi của một chùm tia sáng song song với trục chính. Tìm độ Hội tụ…
Và vừa ngay lúc đó, tiếng kẻng chợt vang lên. Báo hiệu đã hết giờ học.
3
HỌC SINH CÁ BIỆT
Học sinh cá biệt là loại học sinh vừa kém, vừa lười, nhiều đứa lại bướng bỉnh, khó dạy. Thế cho nên nhà trường mới nẩy ra nhu cầu “phụ đạo”, tức là phải dạy thêm giờ cho các học sinh yếu kém này.
Tôi và hai giáo viên thuộc bộ môn khác được giao phó phụ đạo một lớp gồm hơn mười đứa. Đây là đám học sinh được gom lại từ nhiều lớp học khác nhau, nhưng chúng ở cùng một trình độ, tức là có chung một cấp lớp. Một cô giáo ghé vào tai tôi nói nhỏ :
- Cái đám quỷ sứ này toàn là những thứ đội sổ ở nhiều lớp được gom lại đây. Thầy coi chừng bị chúng nó ăn thịt!
Tôi mỉm cười :
- Cô hãy lo phần cô trước. Bề gì thì chúng nó cũng là học trò cả mà.
Cô ta bĩu môi quay đi, nhưng tôi cũng kịp nhìn thấy vẻ mặt lạnh tanh của cô. Hồi trước, khi ngôi trường này chưa bị tiếp thu, cô vốn là người khó tính và rất nghiêm khắc với học trò. Nhưng bây giờ tôi tự hỏi cái tính chất ấy của cô có còn tồn tại được ở ngôi trường mới mẻ này không. Niên học vừa rồi, vào dịp cuối năm, tôi đã thấy lũ học trò cho điểm các giáo viên và nạp cho Bí thư Chi đoàn để tuân theo lệnh không bằng văn bản mà chỉ bằng sự rỉ tai. Ngoài phiếu điểm ấy ra, có thể còn vài ba đứa khác âm thầm theo dõi Thầy, Cô để báo cáo ngầm với Ban Giám Hiệu nữa.
Tôi thầm mong cái lũ chỉ điểm này sẽ chỉ toàn là những con em cán bộ chứ không phải là những đứa học trò đã từng theo học ở đây từ nhiều năm về trước. Học sinh miền Nam không có thói quen rình mò thầy cô như một thứ chỉ điểm, nhưng rồi trong hoàn cảnh này không biết chúng còn giữ được những phẩm chất đó trong bao lâu nữa.
Lớp cá biệt của tôi tuy có hơn mười trò, nhưng tôi lại chỉ đặc biệt chú trọng đến có hai đứa. Một thằng trạc mười lăm, mười sáu, nước da đen đủi, đầu tóc bờm sờm và quần áo đã rách rưới lại còn hôi hám đến kinh người. Nó tên là Sơn, theo giấy tờ xin học thì thấy ghi nơi sinh là Đà Nẵng, bố chết, mẹ làm nghề bốc vác ngoài chợ, không có anh em, chị em nào khác. Ngồi bên cạnh nó là thằng Tửu, ít tuổi hơn nó, quần áo tề chỉnh hơn, nhưng tính tình cũng rất bậm trợn, nom nó rõ ra là con của một cán bộ ở ngoài Bắc được gửi vào.
Nhìn bề ngoài thì Sơn và Tửu là hai thái cực. Sơn thì cao lớn, ngông nghênh trong khi Tửu thì loắt choắt lại e dè, thứ e dè của kẻ lúc nào cũng muốn giữ thế thủ. Nhưng Sơn thì lại rách rưới hôi hám, trong khi Tửu thì lúc nào nom cũng tươm tất nếu không nói là tề chỉnh từ áo đến quần, ngoại trừ đôi dép râu làm bằng vỏ xe hơi, nom trái ngược với cái áo sơ mi trắng tuy không ủi nhưng cũng rất phẳng phiu.
Thằng Sơn thì tôi thấy nó ít khi mang dép. Đôi dép của nó tuy đã cũ mòn nhưng cũng là thứ dép da có quai xéo, thứ dép thông dụng của hầu hết dân Sài Gòn thời bấy giờ. Sở dĩ gọi là ít mang dép là vì nó chỉ sử dụng đôi dép để qua mặt mấy tay đeo băng đỏ của Chi đoàn vẫn hay đứng kiểm soát ở ngay cổng trường. Đi qua hàng rào kiểm soát là nó tụt ngay đôi dép ra, kẹp vào nách và thoăn thoát bước qua sân trường. Về sau này tôi mới biết ngoài giờ học Sơn còn phải hối hả phóng ra chợ để phụ với mẹ trong việc bốc vác, dọn dẹp đủ thứ linh tinh tại một khoảnh đất mà mẹ nó đang lui cui làm việc. Vậy là trong bản kê khai gia cảnh, nó ghi Mẹ làm nghề bốc vác là đúng chứ không phải bịa đặt để chứng tỏ ta đây là thành phần vô sản.
Có một hôm tôi hỏi nó:
- Bố mất lâu chưa ?
Nó nhìn tôi giây lâu rồi trả lời :
- Mới năm rồi.
Tôi ngạc nhiên :
- Mới mất thế sao không thấy em để tang ?
Thằng Sơn lại nhìn tôi như thăm dò cái mức độ quan tâm của tôi đối với nó, rồi nó ngậm ngùi :
- Tang tóc gì thầy. Em có đeo băng tang đó, nhưng chỉ gọi là cho có thôi.
Nói rồi nó tốc cái vạt áo lên để cho tôi nhìn thấy một mẩu vải đen được cài bằng kim băng ở phía sau túi áo của nó. Rồi nó giải thích thêm :
- Bố em chết trận trước ngày 30 tháng 4. Mẹ có tin báo, dắt em ra Huế tìm xác nhưng giữa đường thì kẹt lại. Sau trôi giạt về tới đây.
Ô ! Thế ra thằng Sơn là con của một người lính VNCH, một chiến sĩ vô danh đã chiến đấu và hy sinh trong những ngày cuối cùng trước khi miền Nam sụp đổ.
Tôi không còn nhìn Sơn như một đứa học trò “cá biệt” nữa. Không phải nó lười biếng mà vì nó đã phải để dành nhiều thì giờ giúp mẹ mưu sinh. Nó rách rưới hôi hám là vì vừa rời khỏi lớp học, nó đã phải vội vã chạy về giúp mẹ, vai áo đã bạc màu mà như còn tơi ra vì đã phải khiêng những sọt rau, rổ cá. Tôi chưa có dịp gặp mẹ của nó nhưng cũng hình dung ra một người đàn bà thân hình còm cõi, mặt mũi tiều tụy, với mảnh khăn tang trên đầu chắc đã thấm đẫm nhiều giọt nước mắt đau thương vì đã phải thân cô lăn xả vào cuộc sống và nhất là cứ bắt thằng con bằng mọi cách phải đi tới trường. Bà mẹ Việt Nam nào mà chẳng kỳ vọng vào sự học của con cái :
- Không học hành thì sau đời khốn khổ, con ơi !
Nhưng có vẻ như thằng Sơn chẳng mấy quan tâm tới tấm lòng kỳ vọng của mẹ. Nó tới trường với cái tâm lý mẹ bắt tới thì phải tới, thế thôi. Tôi hiểu rõ điều đó khi trong lúc giảng bài, tôi thấy đầu óc của Sơn như để đi đâu.
Mà thật ra, đời sống của nó có thay đổi được gì khi cứ phải nhồi vào đầu mấy công thức, mấy định lý cũ mòn ở trong hoàn cảnh đầy dẫy những biến động khốc liệt như thế này. Dĩ nhiên là muốn xây dựng cuộc sống thì phải vun trồng kiến thức từ những bài học căn bản, như cây thì phải có rễ, có lá, có cành thì mới đơm hoa, kết trái. Nhưng có thực là ở đây, trong ngôi trường này, với đầy dẫy những điều được coi là “phản giáo dục” sẽ có thể khiến cho thành quả cố gắng của nó đơm hoa kết trái được chăng ?
Tôi không vì bất cứ lý do gì để nói xấu, nói quá cho cái chính sách giáo dục mà tôi chứng kiến ở trong ngôi trường này. Cứ mỗi lần bước lên cầu thang để lên lầu vào lớp học, tôi đã phải nhìn thấy một kho sách báo vương vãi đến tràn ra cả lối đi, đang nằm chờ được chở đi làm bột giấy. Đó là toàn bộ những sách báo mà học sinh trong trường ùn ùn mang đến sau khi nhà trường phát động chiến dịch “tiêu diệt tàn dư sách báo đồi trụy, phản động”. Trong số tàn dư ấy, tôi thấy có cả những cuốn sách Y khoa, sách Kiến trúc, sách Học làm người, thậm chí cả những cuốn tự điển đủ loại mà học trò trong trường đã moi vét từ ở nhà mang đến để góp phần vào cái gọi là “kế hoạch nhỏ”.
“Kế hoạch nhỏ” nghe thế mà không nhỏ chút nào, vì trên đường phố tôi đã chứng kiến từng đoàn học sinh, ngay cả những đứa bé lít nhít thuộc cấp tiểu học một tay cầm túi đựng, một tay cầm que gắp đi moi móc những trang giấy vụn, những mẩu nylon thừa vương vãi trong lòng cống rãnh hay trên hè phố. Càng gom được nhiều, chúng càng được khen ngợi, được tuyên dương và nhất là mau chóng được mang danh hiệu “dũng sĩ kế hoạch nhỏ”. Người lớn đã có “dũng sĩ diệt Mỹ” thì trẻ em lạ gì lại không ham hố cái tên “dũng sĩ kế hoạch nhỏ”. Thế thì chúng còn thời giờ đâu để vui đùa với tuổi hồn nhiên, để vui vầy xum họp với gia đình và để học hành chăm chỉ những bài vở trong lớp học ?
Ngược với Sơn lầm lì, ít nói, thằng Tửu lại là đứa rất năng động, nghịch ngợm và gây ồn ào nhất lớp, đặc biệt là ở trong lớp phụ đạo. Ở đây, nó không bao giờ có một chỗ ngồi nhất định. Thoắt một cái, vừa thấy nó lúi húi chui xuống gậm bàn để bóc cái kẹo bỏ vào mồm hay làm điều gì đó giấm giúi thì đã lại thấy nó tuồn xuống cuối lớp cười tích toét với một đứa khác cũng nổi danh dốt như bò mà cũng lười như hủi. Sự có mặt của nó khiến cho vài đứa ngồi bàn trước cũng quay lại góp phần. Thế là lớp học lại ồn lên như họp chợ, bất kể lời giảng của thầy cô đang uể oải cất lên và rơi tõm vào khoảng không nào đó, mà có ai cần biết tới. Cũng đành là phải nhún vai, chịu đựng vậy thôi. Đây là lớp Cá Biệt mà ! Một cô giáo thì thào với tôi:
- Tụi nó là lũ bất trị, sao cứ bắt các thầy, các cô phí thì giờ vào những lớp như thế này ?
Tôi mỉm cười :
- Đây là màn trình diễn. Phải có nó thì mới có dữ kiện để báo cáo thành tích, cô không thấy sao?
Ngoài giờ học, Tửu theo bén gót thằng Sơn đi ra ngoài chợ. Sở dĩ tôi biết đuợc vì tôi thường thấy hai đứa cùng đi với nhau, lại chuyện trò ra vẻ tâm đắc. Tôi không hiểu một thằng như Sơn, có bố chết trận, có mẹ lầm than, đầu tắt mặt tối như thế thì làm sao lại có thể hợp với Tửu là con một viên chức cán bộ mới từ miền Bắc vào. Một lần tò mò, tôi chợt hỏi Sơn :
- Thằng Tửu thế nào ? Bạn bè như nó chơi được không ?
Sơn nhìn tôi như nghi ngờ tôi thăm dò điều gì, nhưng rồi nó cũng đáp:
- Thằng ấy ranh như ma. Nó mới vô mà rành Sài Gòn còn hơn bọn em trong này. Nó giúp em được nhiều thứ.
Tôi vui miệng hỏi tiếp:
- Vậy hả ? Những thứ gì vậy cà ?
- Bữa hổm, thằng gác chợ đeo băng đỏ đòi bắt giữ mớ cá của mẹ em, Tửu xông lại trừng mắt nói “ Này, đằng ấy đừng có rớ tới má nuôi của tớ. Mẹ Chiến sĩ đấy !”.
Thằng băng đỏ không vừa, cãi lại :
“ Cái đồ chỉ buôn đi bán lại, mất phẩm chất cách mạng, Mẹ chiến sĩ ở cái chỗ nào?”
Câu chuyện vui vui, thấy tôi chăm chú nghe, Sơn hào hứng kể tiếp:
- Thế là Tửu giở giọng chửi tục ngay. Nó nói y chang như thế này : “Đ….cụ nhà anh ! Cách mạng mới vừa thành công anh đã khoác ngay cái băng đỏ vào tay để lòe bà con, chớ anh biết chó gì về các mẹ nằm vùng che giấu cán bộ rồi chở cả súng đạn vô thành. Đừng có thối mồm giở giọng ta đây với mẹ chiến sĩ nhớ !”. Thế là thằng băng đỏ im re rồi lảng mất !
Một lần khác, Sơn lại kể :
- Nó rủ em ra chợ trời, đi theo mấy anh bộ đội đổi chác lương khô lấy búp bê nhựa hay lấy căm xe đạp. Cái lương khô nom như những cục bánh in, nghe nó nói là đồ viện trợ của Trung Quốc ấy. Chỉ cần cắn một mẩu rồi uống nước vào là no rất lâu !
Tôi gật gù :
- Cái thứ bánh này thầy đã thử. Giống như bánh đậu xanh nhưng nhạt phèo. Chắc nó nén kỹ lắm nên ăn vào rồi uống nhiều nước thì quả là no lâu. Thời buổi khó khăn này, chả cứ bộ đội trong rừng cần tới nó mà dân thường cũng ưa xài.
Sơn tủm tỉm cười :
- Em thấy ăn hột bắp còn ngon hơn nhiều. Ngoài chợ Cầu Ông Lãnh người ta bán 1 đồng một lon sữa bò hộp bắp mới tẻ xong. Luộc lên ăn còn hơn là cơm trộn với bo bo nữa.
Lại có hôm thằng Sơn hớn hở khoe với tôi :
- Thằng Tửu giúp nhà em khỏi phải đi kinh tế mới !
Tôi tròn mắt lên vừa ngạc nhiên vừa vui mừng cho nó :
- Vậy à ? Tửu nó tài thánh gì mà làm được chuyện ấy ?
Sơn kể :
- Cũng là nhờ bố nó, chắc là cán bộ cấp cao. Nó lấy cớ rằng em đã giúp đỡ nó tận tình trong lớp học, không có em thì nó chới với không theo được bài vở nhà trường. Thế là ổng chỉ viết có một mảnh giấy đem ra Phường là em với mẹ em có ngay hộ khẩu thường trú, lại khỏi phải đi kinh tế mới !
Tôi tủm tỉm cười :
- Vậy là cậu trúng số rồi đó. Thiên hạ thường trú ở đây từ bao nhiêu năm rồi mà nhiều người cũng phải tém dẹp để kéo bầu đoàn thê tử đi kinh tế mới.
Vào thời điểm ấy, tôi cũng đã chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Một gia đình ở gần cầu Công Lý, không biết thuộc diện “tư sản” nào mà vào một buổi sáng kia, cả gia đình chất lên một chiếc xe bò gồm nhiều thứ đồ đạc giường chiếu, áo quần, nồi niêu, bát đĩa cùng lũ con lếch thếch đi theo chiếc xe được đẩy ra ngoài thành phố. Nhìn quang cảnh não lòng này, điều mà tôi không bao giờ có thể quên được là những ánh mắt bi thương, sầu thảm của người chồng cũng như người vợ bên đàn con còn lít nhít. Họ nom như những người đang gồng gánh tài sản, gia đình con cái để dắt díu đưa nhau đi vào thế giới của những kẻ tội đồ.
Ai cũng biết đấy là những diện gia đình bó buộc phải ra đi. Theo chỉ thị của nhà nước thì có tới năm hạng dân thành thị phải chuyển ra vùng kinh tế mới, bao gồm Dân thất nghiệp, Dân cư ngụ bất hợp pháp, Dân cư ngụ trong những khu vực dành riêng cho cán bộ, bộ đội, và sau cùng là các thương gia, đại thương gia (sau khi tài sản đã bị kiểm kê, nhà bị niêm phong không cho vào nữa).
Về danh nghĩa thì mấy chữ “Kinh Tế Mới” nghe có vẻ tốt đẹp. Đất nước hết chiến tranh rồi, nhiều đồng ruộng bỏ hoang cần có người canh tác. Chỉ một vài năm sau, dân đi kinh tế mới sẽ làm chủ ruộng đồng xanh tốt, không còn cảnh thất nghiệp, lang thang đầu đường xó chợ như xưa. Tuy nhiên, trong thực tế, ai cũng thấy đây là một biện pháp áp dụng mà chẳng có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hay chuẩn bị chu đáo gì. Nhưng nó vẫn được vội vã thi hành vừa vì lý do trả thù giai cấp vừa cảnh giác về an ninh cho vùng đô thị mới được “giải phóng”. Đã thế, tài sản, cơ ngơi, nhà cửa, biệt thự của những người bị đuổi đi hẳn sẽ là miếng mồi ngon cho các quan chức cách mạng chia nhau xông vào chiếm đoạt.
Vì những lý do đó, biện pháp thi hành cưỡng bức dân đi kinh tế mới được tiến hành rất khẩn trương và nghiêm ngặt. Ngoài những nhà đã bị niêm phong, ở Phường, Khóm còn thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo, mua các loại nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập học các trường trong phạm vi thành phố. Trong tình cảnh ấy, thằng Sơn được Phường bỏ qua không rớ tới, lại có hộ khẩu đàng hoàng, hèn chi mà nó không mừng rỡ.
Nói đúng ra, trong việc đẩy dân đi kinh tế mới, nhà nước cũng có những chính sách ghi thành văn bản đàng hoàng. Nhưng chỉ là văn bản thôi, chứ từ một bản văn ra tới thực tế để thi hành mà không chuẩn bị kỹ lưỡng thì có cũng kể như không.
Một cách tổng quát, người đi kinh tế mới sẽ được hỗ trợ như sau:
Vé xe chuyên chở từ nhà đến vùng kinh tế mới. Mỗi hộ được mang theo tối đa 800 kg hành lý. Nếu thí điểm ở xa thì mỗi ngày phụ cấp thêm 1 đồng tiền ăn dọc đường cho mỗi người. Mỗi hộ lại được cấp hai dụng cụ canh tác, thường là cuốc, thuổng; tiền mặt từ 700 tới 900 đồng tùy theo số người trong hộ gia đình để dựng nhà, thêm 100 đồng để đào giếng, hay 100 đồng để mua ghe thuyền nếu ở vùng sông rạch. Ai đau ốm không lao động được thì được trợ cấp 1 đồng thêm 50 xu mỗi ngày tiền thuốc cho đến khi khỏi bệnh; rồi nếu có bỏ mình nơi đất khách quê người thì thân nhân cũng được trợ cấp 150 đồng để mai táng. Chi tiết kỹ lưỡng đến như thế còn gì !
Tuy nhiên, chỉ không đầy một năm sau đó, có khi chỉ vài ba tháng thôi, bỗng ở các gậm cầu, các khu vực hẻo lánh, thậm chí ở cả các công viên đẹp đẽ ngay giữa thành phố, người ta đã thấy xuất hiện đủ loại người nhếch nhác, gầy còm, mặt mũi vêu vao vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Họ bao gồm đủ loại già trẻ lớn bé, hỏi ra thì mới biết đó là dân bỏ trốn về từ vùng kinh tế mới ! Có người nói :
- Kinh Tế Mới con mẹ gì. Nó đầy con người ta vô xó rừng rồi bỏ mặc xác !
Hay diễn tả chi tiết hơn:
- Canh tác gì được ở những chỗ đó ! Đất thì cứng như đá tổ ong, nước thì không có, cái lều được cấp phát làm nhà ở thì chỉ có mái với vài cái cột. Bên trong cỏ mọc um tùm, muốn bước vô nhà phải lấy gậy khua để đuổi rắn trước!!!
Vậy thế còn những món tiền hỗ trợ theo chính sách đã đề ra như liệt kê ở trên thì nó biến đi đâu ?
Tưởng hỏi thì cũng như đã trả lời, vì một dịp chi tiền công quỹ mà lại khó kiểm tra như thế thì bao nhiêu mà không chi hết !
Chỉ xin ghi lại thảm cảnh dân đi Kinh Tế Mới xuất hiện trong mấy câu Ca dao thời đại:
Đuổi dân ra khỏi cửa nhà
Bắt đi kinh tế thật là xót xa
Không sao sống được cho qua
Nên đành lại phải trở ra Sài Gòn
Chẳng ai giúp đỡ chăm nom
Cùng nhau vất vưởng, lom khom vỉa hè
Màn sương chiếu đất phủ che
Sinh ra bệnh tật khò khè ốm đau
Hay là :
Thứ gì kinh nhất xứ ta
Là Kinh Tế Mới, nghe mà thất kinh !!
***
Có một lần tôi bắt gặp thằng Tửu hút thuốc lá vụng ở gậm cầu thang. Tôi nói :
- Ê ! Nội quy cấm học trò hút thuốc lá trong trường!
Tửu chẳng những không dụi tắt điếu thuốc mà còn lôi trong bụng ra một bọc thuốc lá có những sợi vàng hoe. Nó nói :
- Thuốc Lạng Sơn đây thầy. Mời thầy làm một điếu. Đảm bảo là thuốc không pha !
Tôi kêu lên lên :
- Ý ! Cậu định hối lộ tôi đấy có phải không ?
Tửu cười hì hì :
- Lộ liếc gì một điếu thuốc. Nhưng nếu em có một chỉ vàng thì em cũng “hối lộ” thầy liền!
Thấy thằng này ba gai quá, tôi đổi giọng nạt nộ :
- Ê ! Không có đùa giỡn đâu đấy nhé. Nói cho biết, Ban Giám Hiệu mà bắt được thì cậu bị đuổi học thẳng tay !
Trái với sự chờ đợi là lời đe dọa của tôi sẽ làm cho nó dụi tắt điếu thuốc, ấy thế mà thằng nhỏ lại còn cười ré lên rồi cất giọng đầy thách thức :
- Ơ ! Cái ông Hiệu trưởng Vũ ấy hả thầy ? Đuổi em đâu có dễ ! Em còn chưa tố lão về cái tội làm hư hết dàn máy móc của nhà trường cũ để lại khi bắt tắt hết máy lạnh bảo trì để tiết kiệm điện. Đã thế đi vào trường còn kè kè khẩu súng lục, cứ như lão lúc nào cũng có tinh thần chống Mỹ cứu nước cao, định tính bắn mấy thằng lính Mỹ tình nghi là còn ẩn núp trong trường. Nhưng em biết rõ gốc gác của lão ta rồi !
Thằng Tửu nói quả không sai ! Hồi trước, trong ngôi trường này có nhiều dàn máy móc, nào thu băng, nào quay phim, nào chụp hình rửa hình, tối tân nhất là dàn loa gắn trên tường ở tất cả các lớp để khi cần ra thông cáo, chỉ cần ngồi tại văn phòng đọc lên là toàn trường ai cũng nghe thấy hết, thư ký khỏi cần đi từng lớp để đọc. Ấy thế mà chỉ mới chưa tới một năm, toàn bộ máy móc trong trường đều “bất khiển dụng”. Có người nói là tại Ban Giám Hiệu cho lệnh tắt hết các máy lạnh bảo trì, cũng có người nghi hoặc là những thứ máy móc ngon lành đều bị tẩu tán đi hết. Chuyện tiết kiệm điện chỉ là cái cớ đấy thôi. Nhưng dù là do nguyên cớ nào thì ai nấy cũng chỉ lấm lét, thì thào với nhau.
Nói đến sự “lấm lét, thì thào” thì cũng là nói đến một sự thật đau lòng. Có một hôm tôi chợt phát giác ra rằng sự lấm lét, thì thào giữa các đồng nghiệp không biết nẩy nòi ra từ bao giờ, mà nay đã trở thành thói quen của tất cả mọi người. Tất nhiên, ai chẳng thấy một bầu không khí đe dọa bao trùm lên khắp mọi nơi, mọi lúc trong đời sống bây giờ. Người ta không những sợ quyền lực mà còn sợ cả những đồng nghiệp, những người quen biết nữa. Ai dám bảo đảm rằng những người ấy sẽ không bao giờ đi tố cáo mình, để hoặc vì chút lợi lộc, hoặc để được bỏ qua một lỗi lầm nào đó.
Tôi chợt nhớ đến 2 câu thơ của cụ Tú Xương:
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,
Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi.
Nhưng rụt rè như gà phải cáo thì có, còn chuyện liều lĩnh để cố đấm ăn xôi thì không. Khi phải chen chân trong cái môi trường giáo dục như thế này, hầu hết chúng tôi chẳng ai mong được ăn cái giải gì. Chẳng qua nương náu ở đây để còn có cớ không bị Phường, Khóm bắt đi kinh tế mới đó thôi.
***
Tất cả những chi tiết vụn vặt mà tôi thu thập được qua những lần nghe Tửu kể lại đã khiến cho tôi có một cái nhìn khác về nó. Tôi không còn chỉ đơn thuần coi nó như một đứa trẻ ngỗ nghịch, lười biếng và bất trị. Có vẻ như nó đã chất chứa trong đầu biết bao nhiêu mảng đen của đời sống mà tôi chưa bao giờ có kinh nghiệm trải qua. Như có bao giờ ở bất cứ một ngôi trường trong miền Nam này lại xẩy ra cái cảnh một lũ học trò lẵng nhẵng đi theo cô giáo, vừa đi vừa vỗ tay :
“ Cô giáo mất trinh ! Cô giáo mất trinh !” như đã từng xẩy ra ở miền Bắc đâu.
Ôi giời ! Học trò mà đem cô giáo ra bêu kiểu ấy thì còn nói chi đến việc dạy dỗ ! Mà sự thể đã như thế thì nguyên do là tại đâu, nếu không phải là từ một xã hội bất toàn, ở đâu cũng thấy nịnh bợ, dối trá, thậm chí nhu nhược hèn hạ, trong đó con người phải tự tước bỏ nhân phẩm của mình để mong được sinh tồn. Có thể nói đấy là những nạn nhân của một chính sách cai trị tồi tệ, nó biết vận dụng đến cả những hình thức tinh vi như Giáo dục hay Văn nghệ để đẩy sâu con người vào cái vòng tăm tối như thế.
Tửu đã đến từ xã hội ở miền Bắc, một nơi mà kiến thức của tôi đã rất tù mù về những hoàn cảnh sống ở đó. Nếu không tù mù thì tôi đã chẳng phải rất ngạc nhiên khi hỏi một bà chị họ rằng ở Hà Nội có còn xích lô đạp không ? Bà chị cứ rũ ra cười khiến tôi đỏ mặt cãi lại :
- Đạp xích lô là cảnh người bóc lột người. Vậy thủ đô Hà Nội làm sao có cảnh ấy.
Bà chị tôi ghé vào tai tôi thì thào :
- Cậu cứ nghe chúng nó nói thì cứ đổ thóc giống ra mà ăn !
Sự u mê này của tôi là hậu quả của những ngày tháng sau khi Sài Gòn sụp đổ, bọn giáo viên chúng tôi đã bị nhồi sọ đủ thứ. Nào lý thuyết về “ Ba dòng thác cách mạng” do Tổng bí thư Lê Duẩn đề ra: “ Dòng thác cách mạng XHCN, dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc và dòng thác các phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa”. Nào công cuộc đấu tranh giai cấp xóa bỏ chế độ người bóc lột người vì trong xã hội cũ “quan hệ người với người là chó sói! ”. Nào chế độ ưu việt ở miền Bắc đã đưa nước Việt lên đỉnh cao trí tuệ của loài người ..vân vân…và …vân vân….
Một đôi khi trong trường có người phàn nàn một điều thiếu sót chi đó thì cán bộ Chi đoàn đã giải thích ngay :
- Đó là hiện tượng, không phải bản chất. Bản chất cách mạng bao giờ cũng ưu việt. Nhưng cũng đừng đòi hỏi cái gì cũng phải có ngay. Mình đang còn ở thời kỳ quá độ tiến lên XHCN. Quá độ là qua đò, đang qua đò thì chưa tới bến ngay được…phải từ từ….các đồng chí ạ !
Giải thích như thế thì hết cãi ! Nhưng không cãi thì cũng không có nghĩa là đã đồng ý. Có điều ở thời buổi này ai mà dám nói ra sự không đồng ý của mình. Tôi đã một lần dại dột phát biểu trong hội trường mà sau này, mấy bạn đồng nghiệp thân thiết đã cứ cằn nhằn mãi :
- Cậu bạo gan như thế ích gì ! Coi chừng nửa đêm công an đến gõ cửa !
Số là lần đó nhà nước tổ chức bầu cử Hội đồng Nhân Dân Thành Phố. Tất cả quần chúng khắp mọi nơi đều phải học tập về ý nghĩa của cuộc bầu cử này. Các giáo viên trường tôi cũng phải tập trung trong hội trường để nghe thuyết trình viên giảng giải và giới thiệu thành phần ban tổ chức bầu cử cũng như danh sách các ứng cử viên. Đến phần nêu thắc mắc, tôi lên phát biểu :
- Theo sự hiểu biết của tôi nếu đã là ứng cử viên thì không thể tham gia tổ chức bầu cử. Điều đó đâu có khác gì vừa đi dự thi, vừa tổ chức chấm thi. Nay tôi thấy trong danh sách ban Tổ chức Bầu cử lại có cả tên của ứng cử viên. Vậy là thế nào ?
Hình như cả hội trường hôm đó đều xôn xao vì câu hỏi của tôi. Nhưng vị thuyết trình viên, cũng là một đồng nghiệp nhưng do Thành Ủy gửi xuống đã ôn tồn giải thích :
- Đây là sự ưu việt của chế độ ta, đồng chí ạ. Người có khả năng, lại có tinh thần chí công vô tư thì dù tham gia bất cứ công tác nào cũng đều là đóng góp cho sự nghiệp cách mạng cả. Ta không nên lấy cái kinh nghiệm xấu xa của chế độ cũ để làm thước đo cho những công tác cách mạng bây giờ.
Mấy hôm sau, thằng Tửu gặp tôi cũng cười hì hì :
- Em nghe chúng nó kể lại buổi học tập của các thầy cô trong hội trường. Thầy không biết ở ngoài Bắc, mọi người vẫn bảo nhau khi đi họp thì cứ “Thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý” à ?
Tới lúc đó tôi chợt cảm thấy mình ước ao giá có được những kiến thức dầy dạn y như nó để có thể ứng xử hàng ngày trong thời buổi thật sự đổi đời này. Ngẫm nghĩ ra, mấy cái công thức, mấy cái định lý mà tôi đang dạy cho nó thật ra chỉ là cái thứ đồ trang trí đem vẽ lên một khuôn mặt độc ác, dữ dằn. Rồi tôi tự hỏi là mình đang làm cái gì đây trong đời sống này ?
Kể từ hôm đó, tôi để ý đến thằng Tửu nhiều hơn. Tôi thấy nó sinh hoạt một cách hồn nhiên giữa đám học sinh cũ của ngôi trường này. Y phục của nó cũng dần dà thay đổi. Bây giờ nó đã biết mặc quần bò và sơ mi sọc bỏ áo ra ngoài quần. Nó biết hát cả những bản nhạc vàng vốn bị cấm tiệt trong thời buổi đó. Đã thế nó còn hát cả nhạc “chế ” nữa. Tôi cũng đã được nghe bản nhạc chế này nhiều lần, và nếu chỉ do dân chúng Sài Gòn hát lên thì là chuyện bình thường. Nhưng đằng này cái thứ nhạc chế đó lại được cất lên từ chính miệng của thằng Tửu thì mới là…vui và khiến cho mức độ hài hước của bản nhạc tăng lên rất nhiều. Giọng của nó ồm ồm cất lên giữa những tiếng cười ngặt nghẽo của đám học sinh cũ như sau :
- Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán nhà lầu
Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán xe hơi
Lâu lâu Thầy bán Honda
Lâu lâu Thầy bán giầy da
Lâu lâu Thầy bán cái quần xì…
Bài hát ấy tuy là giễu nhưng thật đâu có sai. Tôi thì không có nhà lầu, xe hơi, Honda để bán, nhưng đồ đạc trong nhà thì cứ lần lượt đội nón ra đi. Không bán đồ đạc thì lấy tiền đâu đi chợ. Trong nhà tôi đã bán nhiều thứ đến độ có một hôm anh công an khu vực tự tiện bước vào nhà tôi nhìn quanh rồi cất tiếng hỏi:
- Ơ ! Cái kệ tủ trước kê ở đây bây giờ đâu rồi ?
Tôi còn đang ngớ ra nhìn và thấy quả nhiên cái kệ tủ đã biến đi đằng nào, thì nhà tôi đã trả lời thay:
- Bán rồi anh ơi ! Nhà hết tiền đong gạo !
Cái cảnh bán đồ đạc lấy tiền đong gạo này chẳng cứ riêng ở nhà tôi. Một lần đến thăm một anh bạn đồng nghiệp dạy môn Hóa Học cùng trường, tôi thấy phòng khách của anh trống huếch trống hoác. Bộ Salon vốn choán gần hết chỗ nơi phòng ngoài đã tém dẹp đi từ lâu rồi, còn chính anh thì đang nằm bò nhoài người ra giữa sàn đá hoa để chấm điểm cho một đống bài thi của học trò. Anh nhìn tôi cất giọng thiểu não:
- Còn cái giường kỷ niệm ngày cưới, chắc rồi cũng phải cho đi !
Tôi ngậm ngùi nói :
- Bọn chúng mình bao nhiêu năm chỉ quanh quẩn với cái bảng đen và cục phấn trắng. Nếu vứt ra khỏi cổng trường thì chẳng biết xoay sở thế nào để mà sống.
- Tại cái mặc cảm mô phạm nó bó riết lấy mình. Chẳng lẽ bây giờ lại đi ra chợ trời, tay cầm mớ quần áo cũ, miệng rao “mua đi …mua đi….rẻ rồi… rẻ rồi…”
Tôi bật cười :
- Rồi lại có một cô học trò xà lại nói : “ Thầy bớt cho em đi. Em đang học môn Hóa của thầy mà!” . Vậy thầy có “bớt” không ?
Anh bạn cũng phì cười :
- Tới nước đó thì vất mẹ nó áo đi, bỏ của chạy lấy người, chớ ở đó mà bớt !
Ôi ! Bọn nhà giáo chúng tôi trước đây chỉ toàn nói chuyện văn chương chữ nghĩa với bài vở nơi nhà trường, thế mà mới chỉ không đầy vài ba năm, bây giờ sao câu chuyện đã xoay thành những đề tài thảm hại như thế !!!
(còn tiếp)
.
khieman
06-12-2015, 01:21 AM
(tiếp theo)
4
MỘT THỜI …GIÁO ÁN !
Các giáo viên miền Nam nếu còn tiếp tục được giảng dạy trong nhà trường XHCN thì không mấy ai là không ngán ngẩm về cái được gọi là “giáo án” vốn là một thứ bắt buộc mỗi người phải thực hiện cho từng giờ giảng dạy.
Giáo án hiểu một cách nôm na là bài soạn của thầy, cô giáo trước khi vào lớp. Dĩ nhiên, đã vào lớp thì phải soạn bài. Trước đây các thầy, cô giáo đều cũng đã làm thế. Nhưng mỗi người có cung cách soạn bài theo ý riêng của mình. Có người ghi chép vào sổ tay, có người chỉ đọc tài liệu mà không ghi chép, lại cũng có người vì dạy đã lâu năm nên bài giảng nằm sẵn trong đầu, khi đến trường sẽ tùy theo tình hình lớp học mà giảng dạy.
Nhưng dưới mái trường XHCN thì khác. Nó là một thứ “Pháp lệnh”, ai cũng phải tuân theo chứ không thể “tùy tiện” như trước. Cho nên mỗi giáo viên đều phải có một cuốn sổ gọi là Sổ Giáo Án dùng để soạn bài và bài soạn này phải được Ban Giám Hiệu kiểm tra, đóng dấu rồi mới được phép đem dùng. Đã thế, trong giờ học, cuốn sổ này lại phải đặt tại rìa bàn học ở cuối lớp, phía sát ngay hành lang để bất chợt Hiệu Trưởng hay Hiệu Phó đi kiểm tra thì có thể mở ra đối chiếu xem thầy, cô giáo có theo đúng tuần tự diễn tiến như đã ghi trong sổ hay không. Chính vì thế mà hầu như giáo viên nào cũng đều coi “giáo án” là một cơn ác mộng.
Vậy giáo án gồm những nội dung gì để khiến thầy cô phải ngán ngẩm đến thế ?
Đại thể nó có những mục như sau, dùng cho bất cứ môn học nào (trừ các môn không phải khoa học thực nghiệm thì không có khoản phải làm thí nghiệm) :
I/ Mục đích –Yêu cầu :
- Mục đích về chính trị.
- Mục đích về kiến thức khoa học.
- Yêu cầu về thái độ học tập của học sinh.
- Yêu cầu liên hệ bản thân của học sinh qua bài học.
II/ Hoạt động trong lớp:
1) Kiểm tra và ôn tập bài tuần trước.
2) Nội dung Bài Giảng:
- Tóm tắt nội dung sẽ giảng (có ghi thời lượng cho mỗi đoạn phải giảng)
- Các dụng cụ thí nghiệm sẽ dùng (thời lượng từng bước cho mỗi thí nghiệm).
- Các câu hỏi sẽ nêu ra, liên hệ tới bài học
- Các câu trả lời cho những câu hỏi nêu trên.
3) Thí nghiệm sẽ trình bầy trong lớp:
- Các vật dụng dùng trong thí nghiệm.
- Chia nhóm thực hiện thí nghiệm, thảo luận.
- Thầy giám sát, kiểm tra, đôn đốc.
III/ Tổng kết tiết học :
- Tóm tắt bài giảng.
- Đánh giá kết quả học tập.
- Rút kinh nghiệm cho tiết học kế tiếp.
IV/ Xác nhận:
- Xác nhận của Tổ trưởng tổ Chuyên môn.
- Xác nhận của Ban Giám Hiệu
Trong đủ thứ các điều kể trên - cứ dạy một giờ là phải soạn đủ từng ấy thứ - cái khoản khó nhằn nhất đối với chúng tôi là mấy chữ “Mục đích, Yêu cầu”.
Về mục đích dành cho kiến thức khoa học thì đã rõ ràng đi một lẽ rồi, nhưng sao lại còn thêm cái khoản “chính trị”và “liên hệ bản thân” nữa thì mới là oái oăm. Bởi vì với các môn học như Hình Học, Đại Số, Vật Lý, Hóa Học, Sinh Vật….thì tụi tôi làm sao “móc” được cho nó dính vào vấn đề chính trị đây? Chẳng lẽ một cái phương trình, một cái đồ thị hay hình tròn, hình vuông, hình đa giác..v..v…lại cũng có cả vấn đề chính trị trong đó nữa sao ? Đã thế lại còn bắt học trò “liên hệ bản thân” nữa thì mới là cơ khổ.
Hồi đó tôi dạy môn Vật Lý cấp II, và một anh bạn khá thân dạy môn Hóa Học. Anh này vốn cũng là đồng nghiệp của tôi từ nhiều năm trước ngày 30- 4 -1975. Chúng tôi than thở với nhau : ''Bài giảng Hoá Học về “Cách làm Xà Phòng” hay bài Vật Lý về “ Bình Accu chì ” thì cái vụ “chính trị” nó nằm ở chỗ nào''?
Ấy thế mà anh bạn của tôi cũng đã múa may được một cách tài tình trong giáo án của anh như sau :
“ Bài học Cách làm Xà Phòng sẽ bồi duỡng trình độ Khoa Học Kỹ Thuật, qua đó học sinh được nâng cao kiến thức trong công cuộc tiến hành cuộc Cách mạng Khoa học Kỹ thuật để đưa nền kinh tế nước nhà tiến mạnh, tiến mau lên Chủ Nghĩa Xã Hội!”.
Tôi đọc xong liền kêu lên:
- Ôi giời ! Cậu đúng là Thợ Vẽ chuyên nghiệp ! Thôi đổi quách qua dạy môn Hội Họa cho rồi !
Bạn tôi cứ tủm tỉm cười. Anh còn đích thân đọc cho tôi nghe đoạn nói về liên hệ bản thân như sau:
- Học trò sau khi học xong bài này phải biết giữ gìn thân thể luôn sạch sẽ, lại có ý thức luôn đề cao cảnh giác phòng chống buôn lậu xà phòng vốn đang còn là một vấn đề tồn tại trong các vùng mới giải phóng!
Ôi chà chà ! Chẳng biết đoạn này khi đem trình Ban Giám Hiệu thì có được thông qua không, nhưng theo tôi thì nó thật đúng kiểu, đúng cách, nói lên trúng phóc mối bận tâm của chính quyền cách mạng vào thời điểm đó, khi mà con phe, chợ trời đang buôn lậu, buôn chui đủ thứ, kể cả món….xà phòng !
Nhưng nói cho ngay, những ai cần xài xà phòng thì tôi không biết, chứ phần đông bà con Sài Gòn, nhất là các bà các cô thì không ai bảo ai cứ đem quần áo của mình ra nhuộm nâu, nhuộm đen hết ráo. Thì ra, mọi người đều có chung nhau một mối bận tâm :
“ Bây giờ mà ăn trắng, mặc trơn sẽ bị coi là giai tư sản cấp bóc lột. Tốt hơn hết là ta cứ đen hay nâu quách đi cho rồi.”
Chính vì thế mà đã có một thời thuốc nhuộm lên giá vù vù, đặc biệt là thuốc nhuộm mầu đen hay mầu nâu thì rất hiếm hoi tìm mua được.
Tôi lại đã nghe một vài cô giáo mách nhau :
- Cần gì thuốc nhuộm. Cứ móc cống rãnh lấy bùn lên rồi đem ngâm quần áo vào là xong tất. Tuyệt đối mầu không bao giờ phai.
Gớm ! Gái Sài Gòn quả có tinh thần thích ứng với thực tế thật là mau chóng. Các cô giáo hồi trước thì bao giờ cũng đến trường với những tà áo dài thướt tha đủ mầu, nhưng bây giờ thì ai cũng chỉ có cái quần đen với áo sơ mi mầu nâu hay trắng. Thậm chí phấn son, các cô bây giờ cũng ít xài. Một cô nói nhỏ:
- Còn bầy vẽ cái gì nữa ! Luớ quớ nó lại vu cho cái tội đồi trụy, phản động !
Thế là lại thêm một khía cạnh nữa cho thấy cái vẻ đẹp yêu kiều của phụ nữ Việt Nam, ở vào thời buổi này cũng đang âm thầm bị bóp chết !
Nói đến sự thích ứng với hoàn cảnh, tôi lại nhớ tới một buổi học tập dành cho các giáo viên tập trung ở ngôi trường Nguyễn Bá Tòng. Hôm ấy, một cô giáo rất xinh đến từ miền Bắc đã nói cho chúng tôi nghe về tinh thần khắc phục gian khổ và óc đầy sáng tạo của nhà giáo trong thời chiến tranh. Cô luôn mồm bảo:
“Phải vận dụng óc sáng tạo để thích hợp với hoàn cảnh !”.
Rồi cô nêu ngay thí dụ cụ thể trong thực tế ở miền Bắc. Cô bảo lớp học tiến hành ngay dưới hầm tránh bom thì đào đâu ra dụng cụ để thí nghiệm. Ấy thế mà thầy cô giáo miền Bắc cũng đã sáng chế được thuốc thử Acít thay thế cho rượu Quỳ để cho học trò làm thí nghiệm đấy. Rồi cô giải thích cái sáng chế thần tình ấy là hoa Râm Bụt. Hoa Râm Bụt có thể thay thế Rượu Quỳ để thử Acit, nó cũng đang mầu xanh hóa ra mầu đỏ khi nhỏ vào một giọt Axít. Nghe thật sướng tai, bọn chúng tôi ai cũng xuýt xoa đúng là các thầy cô miền Bắc biết vận dụng óc sáng tạo. Nhưng rồi tôi là người đã lên tiếng hỏi:
- Vậy thưa thuyết trình viên, việc biến chế hoa Râm Bụt thế nào để thay thế được Rượu Quỳ, xin cô cho biết.
Bỗng nhiên hai gò má hây hây của cô giáo mang danh hiệu Tiến sĩ Hóa học ấy chợt đỏ hồng lên. Cô nhìn thẳng về phía tôi, miệng chúm chím cười. Rồi thật bất ngờ, cô đã trả lời câu hỏi của tôi với một giọng nghe rất hồn nhiên:
- Ấy…cái đó …cái đó thì tôi cũng chỉ nghe báo cáo như thế, chứ chính bản thân tôi cũng chưa thí nghiệm thử bao giờ!
Cả nhóm chúng tôi chẳng bảo nhau cùng chợt ùa lên cười ! Cái cười hả hê vì vừa lột mặt nạ được một sự dối trá, nhưng cũng vừa thích thú khi được thấy chính Cô Tiến sĩ Hóa học này đã ngay thẳng nói ra sự thật mà không quanh co biến báo. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi không cảm thấy bất mãn về sự tuyên truyền huyênh hoang của cô, mà trái lại, chúng tôi lại còn rất quý mến cô ở chỗ cô đã cất lên lời nói chân thật. Hầu như đã lâu lắm rồi, dù ở ngay trong môi trường giáo dục này, chúng tôi chỉ toàn được nghe những lời giả dối. Cho nên, khi được nghe một lời nói chân thật từ một báo cáo viên đến từ miền Bắc, chúng tôi có cảm giác như được hưởng một cơn mưa rào sau những ngày nắng hạn.
Tôi còn nhớ, sau những ngày chấm dứt khóa học, chúng tôi có hùn tiền nhau mua tặng cô giáo một cái bút Pilot để trong hộp nhung cẩn thận. Một phần là để cám ơn cô đã tới thuyết trình cho chúng tôi về một đề tài nghe “rất vui vẻ”, nhưng phần khác, chúng tôi muốn cô đem về miền Bắc những ấn tượng tốt đẹp về thầy cô giáo của miền Nam, những con người chỉ thích nói thật và rất ngay thẳng trong các vấn đề dạy dỗ con em.
Mà đúng như thế. Hôm tiễn cô ra khỏi cổng trường, cô nói nhỏ nhẹ :
- Cái vụ Rượu Quỳ ấy, tôi tưởng cứ trình bầy xong thì thôi. Ai ngờ các anh các chị trong này lại cứ hay hỏi tới nơi tới chốn. Ở ngoài kia, có mấy ai cần hỏi ra đầu ra đuôi như thế đâu !
Thì ra cái sự nói dóc đã được nuôi dưỡng từ một môi trường quen thói giả trá. Một khi nó đã thành thói quen rồi thì biến thành quán tính, chứ hẳn trong thâm tâm, nào cô có muốn bịp bợm gì chúng tôi đâu !
Trở lại câu chuyện giữa các cô giáo mách nhau : “Cứ móc cống rãnh lấy bùn lên rồi đem ngâm quần áo vào là xong tất”. Tuy biết vậy, nhưng tôi chưa được nghe có cô giáo nào trình bầy lại cái kinh nghiệm “nhúng quần áo vô bùn cống để nhuộm đen cả”. Nhưng cũng không vì thế mà cái óc tò mò của tôi chịu nằm yên một chỗ. Nói của đáng tội, cũng chỉ vì lấn cấn cái vụ “bùn dưới cống” này mà nhiều hôm ở trường, khi có một cô giáo đi ngang qua, tôi đã không khỏi nhìn xuống cái ống quần để xem quần thâm của các cô nếu nhuộm bùn thì nó sẽ ra như thế nào! Nhất là những người đi qua đi lại có bị cái mùi nước cống bốc lên, xộc vào mũi hay không ?
***
Chuyện Mục đích, Yêu cầu và Liên hệ bản thân mới chỉ là phần mở đầu của Giáo Án. Qua phần Nội Dung Bài Giảng, tưởng dễ dàng mà cũng hóa ra rất chật vật. Trong các buổi hướng dẫn soạn Giáo án, chúng tôi đã được nghe chỉ thị:
- Các đồng chí phải dự phòng mọi tình huống khi học trò nêu câu hỏi sau bài giảng. Tuyệt đối không được nói năng linh tinh ra ngoài đề tài đang học. Vì thế, phải dự đoán trước học trò sẽ hỏi những gì xoay quanh bài học và soạn sẵn trước những câu trả lời. Khi trả lời cũng phải tập trung vào kiến thức của bài giảng chứ không được phát biểu bừa bãi ra ngoài lề. Mọi câu hỏi và đáp án phải ghi đầy đủ trong Sổ Giáo Án và đặt ở cuối lớp để sẵn sàng khi có kiểm tra.
Ý thức cảnh giác của Nhà Nước quả là cao độ. Họ lo đến cả chuyện đối đáp giữa thầy và trò trong lớp học. Có thế thì mới bắt chúng tôi soạn sẵn những câu hỏi mà thầy cô dự trù học trò sẽ hỏi, rồi lại phải soạn cả những câu trả lời. Có nghĩa là cả thầy lẫn trò “không được nói năng linh tinh ra ngoài đề tài đang học”. Đấy là một hình thức kìm kẹp rõ ràng chứ còn có ý nghĩa nào khác nữa đây ??
Ở các tỉnh phía Nam thì tôi không rõ có thầy cô nào bạo gan nói năng xuyên tạc ra ngoài lề không, nhưng tôi cũng đã được nghe kể những chuyện đã xẩy ra trong lớp học ở miền Bắc mà nhiều khi chẳng phải do ai có ý đồ phá phách gì, có khi chỉ là nói lên một vài sự thực xẩy ra hằng ngày.
Như có một lớp tiểu học ở ngoài kia được chọn lựa làm “Lớp học điển hình”. Cô giáo được lệnh chuẩn bị một tiết dạy để hôm đó, nhiều nhân sự thuộc các Ban Ngành trong Sở Giáo Dục sẽ tới tham quan tại chỗ.
Khỏi cần phải nói cũng biết cô giáo lo lắng và chuẩn bị tiết dạy của mình kỹ lưỡng đến như thế nào. Đề tài cô chọn để dạy học trò hôm ấy là “Kính yêu Bác Hồ”. Trong giáo án của cô cũng có đầy đủ Mục đích, Yêu cầu, Liên hệ bản thân đại để như làm cho học trò trong lớp hiểu được rằng Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại, có công lao to lớn đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Các em thiếu nhi qua đó phải có lòng kính yêu Bác, phải làm theo 5 điều Bác đã dạy gồm: 1) Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, 2) Học tập tốt, lao động tốt, 3) Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt, 4) Giữ gìn vệ sinh thật tốt, 5) Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Rồi cô còn liệt kê sẵn ra cả một vài công việc gợi ý để các thiếu nhi liên hệ bản thân sẽ cần phải làm để tỏ lòng kính yêu Bác. Cô còn bắt vài đứa phải học thuộc lòng để hôm ra “điển hình” chúng nó không bị ngấp ngứ. Riêng về trợ huấn cụ thì cô cũng đã chuẩn bị sẵn mấy tấm ảnh của bác Hồ, nào là ảnh chụp Bác đang bế và ôm hôn một cháu thiếu nhi, ảnh chụp Bác đang cùng các cháu múa hát, lại có cả tấm ảnh Bác đang chia kẹo cho các cháu nữa. Kỹ lưỡng đến thế còn gì !
Ấy thế mà trước cả chục con mắt lom lom của các thành viên tham dự buổi giảng dạy điển hình, một chuyện bất thường đã xẩy ra. Một trò gái ngồi ở khoảng giữa lớp bỗng nhiên cất tiếng ho húng hắng. Rồi nó cúi xuống quay sang lúi húi lục cái gì đó ở trong túi vải đặt ngay kế bên. Trong khi lục tìm, nó cố dằn cơn ho đến nỗi mặt của nó đỏ ửng lên. Tiếng ho của nó làm cả lớp quay lại nhìn. Bỗng bất chợt nó giơ tay lên và cất to giọng như để át tiếng ho lại sắp bật ra khỏi họng:
- Thưa Cô …thưa cô…hôm nay …hôm nay cô có mang bánh kẹo đi bán như mọi hôm không ạ ?
Cả lũ học trò ngồi chung quanh chợt ré lên cười. Ôi giời, đang thao thao về chuyện Bác Hồ mà con bé lái ngay sang chuyện bán bánh, bán kẹo trong lớp thì còn trời đất nào nữa, mặc dù nó chỉ cầu cứu tới món kẹo của cô giáo để làm giảm cơn ho trong những phút cần sự nghiêm chỉnh nhất.
Thế là lớp học nhốn nháo cả lên. Trong số mấy vị đi tham quan ngồi ở phía cuối lớp đã có vài vị nhấp nhổm đứng lên. Tiết học điển hình tuy không có lệnh của ai mà cũng tự nhiên rã đám. Riêng cô giáo thì chỉ còn biết đứng như trời trồng. Cô không thể mở miệng tác xác câu hỏi hỗn xược của con bé vì trong ngăn kéo bàn của cô, bịch kẹo bánh vẫn còn nguyên đó mà vì bận rộn nên cô chưa có dịp chào hàng. Chuyện này không biết là thật hay đùa, nhưng chính tôi đã nghe kể lại và đã tự hỏi không biết sau này cô phải nhận lãnh những kỷ luật gì.
Nghĩ cho cùng, cô giáo ấy và chính chúng tôi ở đây, nay cũng đều là đồng nghiệp và cùng dạy dưới mái nhà trường Xã hội Chủ nghĩa. Hoàn cảnh hiện nay của cô thì bi thảm như vậy, còn chúng tôi trong một tương lai không xa nữa rồi sẽ ra sao. Hay là rồi cũng lại rơi vào những tình trạng mà dân chúng miền Bắc đã từng diễn tả trong mấy câu ca dao thời đại:
Thày giáo lãnh lương ba đồng
Làm sao sống nổi mà không đi thồ
Nhiều thày phải đạp xích lô
Làm sao xây dựng tiền đồ học sinh?
Tiền đồ học sinh ra sao, câu trả lời sau đây nghe cũng khá rõ ràng :
Mười năm cắp sách theo thầy
Đến khi tốt nghiệp vác cầy theo trâu !!
5
LAO ĐỘNG
dưới mái nhà trường XHCN
Một trong những mục tiêu hàng đầu mà chính quyền mới nhắm vào dân chúng ở các đô thị miền Nam sau tháng 4-1975 là bắt họ phải học tập để biết giá trị của hai chữ Lao Động. Vì thế mà những từ ngữ vốn xa lạ trước đây nay đã trở thành những câu nói trên đầu môi chót lưỡi của nhiều người. Như thể :
“ Lao động là vinh quang”,
“Kẻ không lao động là kẻ ngồi không ăn bám xã hội”,
“Tích cực lao động để góp phần làm ra của cải vật chất…” ..v..v…
Học rồi thì tất phải thực hành ngay. Mọi công tác thực hành lao động, bao gồm nhiều phạm vi rộng lớn, được mang một cái tên tóm gọn là “Lao Động XHCN”.
Ở cương vị nhà giáo, chúng tôi được các thuyết trình viên giảng giải rằng :
“ Trong chế độ cũ, giai cấp tư sản đã dùng những hình thức đè nén, đàn áp, kể cả roi vọt cũng như sự đói rét, bần cùng để trói buộc những người làm thuê vào guồng máy bóc lột của nó. Giờ đây, tổ chức lao động xã hội cộng sản chủ nghĩa mà bước đầu là chủ nghĩa xã hội thì dựa vào và sẽ ngày càng dựa vào kỷ luật tự giác và tự nguyện của chính ngay những người lao động, những người sẽ bẻ gẫy gông cùm của bọn địa chủ tư bản. “
Chính vì thế mà chính quyền cách mạng phải :
“ Kiểm soát chặt chẽ các giai cấp bóc lột, tất cả những kẻ quen thói ngồi không ăn bám, những bọn con ông cháu cha, bọn ăn cắp, lưu manh, bắt chúng phải phục tùng, phải gánh vác nghĩa vụ xã hội - trước hết là nghĩa vụ lao động. Chỉ có cưỡng bức bọn bóc lột, bọn ăn bám, bọn lười biếng phải lao động thì chúng mới được sống chính đáng trong xã hội mới.”
Trên cơ sở lập luận này, riêng ở thành phố Sài Gòn, tôi đã thấy mọi sinh hoạt ở chung quanh đã bị xáo trộn hay bới tung cả lên. Như ở đầu ngõ nhà tôi có một tiệm hớt tóc. Gọi là tiệm cho nó sang, chứ thật ra cơ ngơi của ông thợ này chỉ là một khoảnh đất láng xi-măng kê vừa đủ một cái kệ trên có gắn một cái gương soi và vài thứ đồ hớt tóc linh tinh. Rồi đến một cái ghế gỗ có tay vịn trên có vắt một tấm vải trắng dùng làm khăn choàng khi có khách. Ở sát ngay rìa lối đi chung vào ngõ, ông còn căng thêm một tấm nylon mầu xanh đã cũ mòn để che nắng hay phòng khi mưa tạt. Ấy thế mà ông đã được cán bộ trên Phường xuống rỉ tai :
“ Phải tém dẹp ngay đi vì tiệm của ông là một hình thức làm ăn của bọn Tư sản”.
Ông thơ hớt tóc lắp bắp:
“ Tôi…tôi lao động mà….tôi đâu có bóc lột của ai?”
Cán bộ Phường nói như học thuộc lòng :
“ Lao động của anh là lao động cá thể. Cứ cái gì cá thể đều là mầm mống của Tư sản, nó sẽ nẩy sinh cái tinh thần bóc lột của giai cấp Tư sản. Vì thế phải tém dẹp !”
Vào thời điểm này, hai chữ “Tư sản’ giống như vi khuẩn của một căn bệnh hiểm nghèo. Thứ vi khuẩn này xuất phát từ các cơ sở làm ăn tư nhân như nhà in, nhà may, tiệm sửa chữa xe hơi, xe máy, các xưởng làm thủ công nghiệp, các cửa tiệm buôn bán kể cả các tiệm tạp hóa bán những loại hàng hóa lặt vặt…v…v…Tất cả đều nằm gọn trong một chiến dịch gọi là “Cải tạo Tư sản”, trong đó người đứng chủ phải kê khai tài sản, rồi cơ sở vật chất bị niêm phong để sau đó có thể bị tịch thu hay trưng mua. Nhưng đã có nhiều người mau mắn xin tự nguyện dâng hiến để đổi lấy chuyện khỏi bị tống xuất ra khỏi thành phố để “đi kinh tế mới”.
Vì thế, mới chỉ nghe thấy cán bộ Phương hăm dọa liệt mình vào loại có hình thức làm ăn kiểu Tư sản là ông phó cạo xóm tôi đã xanh mặt nhăn nhó:
- Tôi có mỗi cái góc làm ăn cỏn con này. Tém dẹp nó đi, làm sao tôi sống ?
Viên cán bộ Phường mới giảng giải :
- Thì vào Tổ hợp đi ! “Tổ Hợp” là cung cách làm kinh tế theo kiểu có nhiều người tham gia cùng một ngành nghề. Nó không mang tính Tư sản nên không có tính bóc lột. Vậy hãy đi kiếm vài ba tay hớt tóc rồi xin đứng chung một tổ hợp thì có thể được chấp thuận cho tồn tại. Nhưng cũng chỉ tạm thời thôi. Mai mốt tình hình ổn định hơn thì tất cả đều phải đi vào “Hợp tác xã”. Phải Hợp Tác Xã thì mới gọi là tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội, biết chưa !!!
Ông thợ hớt tóc cười toe rồi reo lên :
- Tưởng gì, chớ cái đó thì…dễ ! Để tôi rủ vài anh em xin lập cái Tổ hợp. Mà nếu cần thì tôi xin lập Hợp Tác Xã ngay cũng được, đâu cần chờ đợi gì. Mình tiến mạnh tiến mau lên Chủ nghĩa Xã hội mà!
Rõ ra là ông thợ này chả hiểu gì về những hình thức kinh tế trong chế độ mới. Tuy nhiên cũng chỉ sau đó hơn một tuần, vừa đóng cửa tiệm vừa lo đi chạy giấy tờ và trang bị thêm cho cơ sở vật chất, ông thợ hớt tóc xóm tôi đã trương lên biển hiệu mới. Đó là một tấm các-tông khá lớn, có kẻ nguệch ngoạc dòng chữ “Tổ Hợp Hớt Tóc”. Ở dưới lại có tên riêng nghe rất kêu, đó là cái tên “Chiến Thắng” viết theo kiểu chữ in bằng loại sơn nhìn thấy đỏ lòm. Ông ta cười khà khà :
- Hai chữ Tổ Hợp nghe thế mà “oai” ! Mà cái tên “Chiến Thắng” cũng lại rất hợp thời. Cả nước chẳng đang ca om sòm bài hát “ Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đó sao ?
Vừa nói xong miệng ông cất tiếng theo bản nhạc như để mừng khai trương tiệm mới của mình:
“ Te té te tè …te tè te tè té…te tè…
Quả không sai, vào thời kỳ đó, đâu đâu cũng thấy bài hát này cất lên, nhất là ở những cái loa Phường:
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng.
Riêng tôi thì ngẫm nghĩ không biết với cái tông đơ cũ kỹ và bộ dao kéo cùn mòn của ông thì chiến thắng được cái gì, mặc dù “quân số” của tiệm ông nay đã thêm 2 người. Một người cũng làm nghề hớt tóc ở đâu đó quanh vùng, còn một người nữa là thằng cháu của ông, tuy chưa bao giờ cầm tới cái tông đơ nhưng lo việc “quản trị kế toán’ và “hồ sơ nhân viên”. Rõ ra là một Tổ Hợp rồi còn gì !
**
Tuy nhiên sôi nổi nhất về lao động thì phải kể tới cái lễ xuất quân đi lao động xã hội chủ nghĩa của Văn Nghệ Sĩ thành phố được tổ chức ở ngay khuôn viên trước bậc thềm của tòa Quốc Hội VNCH cũ. Cả một rừng cờ, rừng biểu ngữ trên có câu “ Văn Nghệ Sĩ thành phố Hồ Chí Minh hưởng ứng phong trào Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa”, trên ve áo của mỗi người tham dự còn có gắn một phù hiệu hình đuôi nheo, trên có vẽ hình 1 cái xẻng, 1 cái cuốc để xéo nhau với dòng chữ : “Văn Nghệ Sĩ TP Hồ Chí Minh” và ghi ngày phát động là ngày “ 27-7-1977”.
Thật tình tôi không hiểu các ông các bà văn nghệ sĩ vốn xưa nay chưa biết cầm cái xẻng, cái cuốc bao giờ thì sẽ làm ăn được gì khi rầm rộ kéo nhau ra ngoại ô thành phố để đào đào, xới xới trên những lớp cỏ khô cằn. Họ đang làm ra “của cải vật chất” đó chăng, hay là chỉ sau vài ba hôm trình diễn ai nấy đều trốn biệt. Duy có điều ai nấy cũng đều hân hoan, phấn khởi ra mặt khiến cho bà con đi trên đường phố nhìn vào đội ngũ của biết bao nhiêu là tên tuổi của làng ca nhạc kịch, cải lương hay văn nghệ báo chí, đã phải tự hỏi:
“Các ông các bà này sao mà đóng kịch khéo thế ! Cầm cuốc, cầm xẻng đâu có gì hay ho hơn là cầm bút mà biểu tình hoan hô rầm rộ như thế !”.
Riêng trường tôi thì bầu không khí lao động lại náo nhiệt theo một kiểu khác.
Ở đám học trò thì Chi đoàn Thanh Niên phát động đủ thứ sinh hoạt: Nào chiến dịch “Tiêu diệt tàn dư văn hóa đồi trụy, phản động”, nào kế hoạch “Dũng sĩ kế hoạch nhỏ”, nào công tác lao động mài trúc, cắt trúc để làm mành mành trúc..v…v..
Trong chiến dịch tiêu diệt tàn dư văn hóa đồi trụy, nhiều em đã được cắt cử ra đứng ở ngã tư đường phố, nhắm anh nào quần loe, tóc để dài thì chặn xe lại, lấy kéo sớt cả tóc lẫn quần. Chuẩn đích đã được nêu rõ ràng trong câu :
Quần loe, áo túm, tóc dài
Tàn dư phản động tức thời triệt ngay
Đấy là chưa kể tới những vụ từng toán, từng đoàn lũ lượt kéo nhau đi tịch thu các sách báo của chế độ cũ còn tàng trữ trong nhiều nhà tư nhân. Như tôi đã nhắc ở phần trên, cái gậm cầu thang lên lầu hai ở trường tôi tràn ngập những sách báo được coi là phản động. Nhiều cuốn đã bị xé tơi tả, nhiều cuốn khác còn nguyên bìa da, mạ chữ vàng. Có những cuốn dầy cộm tới 400, 500 trang, đó là những cuốn tự điển ngoại ngữ cùng những loại sách Y khoa, Dược khoa, Kiến trúc hay Đồ họa máy móc do học sinh gom từ nhà mang tới.
Ở ngoài sân, nhiều hôm giấy má bị gió thổi bay tơi tả góc này một trang, góc kia vài trang, có trang vẫn còn bay là là hay lơ lửng theo chiều gió cuốn. Trong khi ấy, ở Hội trường, tiếng kèn trống, tiếng vỗ tay râm ran khi Chi đoàn đang trao tặng giấy khen, bằng khen cho những em đã tham gia công tác một cách tích cực.
Về Kế Hoạch Nhỏ thì cũng có nhiều sáng kiến thần kỳ. Các em được huy động đi nhặt bao nylon, giấy vụn vứt quanh sân trường, trên đường đi học hay các khu chợ búa gần trường. Thậm chí có em còn tích cực hơn, đem gom góp những vỏ chai, những lon sữa bò, những mẩu gỗ thừa, bao nhựa cũ để tích dần trong bao tải, đến lúc gom đầy thì lặc lè vác đến trường nộp cho Chi Đội lớp. Lớp tập trung lại rồi khi nhắm đã nhiều thì sẽ đem lên Thành đoàn giao nộp. Tất nhiên, những em tích cực như vậy sẽ được sớm đeo khăn quàng đỏ, thậm chí còn được mang danh xưng “ Dũng sĩ kế hoạch nhỏ” nữa.
Những loại công tác kể trên mới chỉ được coi là những hoạt động của Chi Đoàn, Chi Đội. Nó chưa phải là công tác lao động chính quy, hiểu theo nghĩa là được chính thức đưa vào chương trình hoạt động của lớp học. Vì thế trong Thời Khóa Biểu của mỗi lớp, nay còn có thêm 1 giờ học nữa mang tên là Giờ Lao Động. Trong giờ này, học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên Chủ Nhiệm đã kéo nhau đi làm công tác lao động, có khi ở trong thành phố, có khi ở ngoại thành. Công việc tất không ngoài việc đào mương, vét cống, cuốc cỏ, khai vườn..v..v…Có nhiều trường xin được một mảnh đất hoang ở đâu đó nhưng hầu hết là ở ngoại thành, thì thầy trò kéo nhau tới đó để lao động sản xuất. Cũng trồng rau, cũng đào ao nuôi cá….tuy nhiên thành quả của những công việc này, Ban Giám Hiệu tuyệt nhiên không bao giờ thông báo lại cho thầy trò đã tham dự để biết thành quả của nó ra sao. Có thể nó chết ngóm sau vài tuần lễ rầm rộ khởi đầu, mà cũng có thể tiền bán rau, bán cá chạy vào túi ai thì cũng chẳng người nào được rõ.
Ở trường tôi, ngay hồi đầu hình như cũng xin được một khoảnh đất ở đâu đó, nhưng từ khi phát kiến ra công việc làm mành mành trúc có thành quả kinh tế rõ rệt hơn thì hầu như học sinh các lớp, trong giờ lao động đã đổ hết công sức vào công việc này.
Mành mành trúc là một thứ mành treo làm bằng gióng những cây trúc, trên có vẽ cảnh trí hay con người. Các gióng trúc được kết nối với nhau bằng những lỗ khoen làm bằng dây kẽm nhỏ. Nhờ cách kết nối này mà khi treo lên, khi ở vị trí đứng yên, mành trúc có thể che kín một cánh cửa thông phòng nọ sang phòng kia. Nhưng khi có ai bước qua thì những gióng trúc sẽ uyển chuyển để cho người bước qua dễ dàng trước khi khép lại.
Công tác làm mành mành được chia làm nhiều khâu :
- Học sinh lớn thì đi chở ùn ùn ở đâu đó những bó cành trúc còn thô sơ, chưa cắt gióng, chưa mài, chưa chuốt cho nhẵn nhụi.
- Các học sinh nhỏ hơn thì chia nhau đem những bó này ra tước, ra mài, rồi chùi giũa sao cho thành nhẵn bóng.
- Sau đó là khâu cắt thành từng gióng. Không phải gióng nào cũng dài đều như nhau mà phải theo một thiết kế tỉ mỉ đã được nghiên cứu trước, căn cứ trên hình sẽ vẽ trên tấm mành. Như trong hình có mầu xanh, thì phải có bao nhiêu gióng xanh dài, bao nhiêu gióng xanh vừa, bao nhiêu gióng xanh ngắn. Mầu đỏ, mầu vàng cũng như vậy.
Thế là chia nhau ra, nhóm này cưa trúc thành gióng dài, nhóm kia cưa thành gióng ngắn. Các gióng cùng cỡ đổ đầy trong những hộp để ngổn ngang trong phòng. Sau đó thì chuyển qua phòng làm công việc sơn gióng. Ở khâu này, chẳng cần hoa tay hay họa sĩ gì hết. Cứ theo mầu sắc ghi sẵn mà quét sơn lên. Đến khi sơn khô hết rồi thì mang qua phòng làm khoen rồi theo sơ đồ của hình vẽ mà nối gióng. Nói tóm lại, khi tất cả các gióng được kết nối xong thì cả một tấm mành trúc khi treo lên, hình vẽ sẽ hiện ra rất rõ ràng, chủ yếu là cảnh Tháp Rùa giữa Hồ Hoàn Kiếm, hay hình Thiếu nữ bận áo dài đứng dựa lưng vào thân cây dừa, tay cầm dù e ấp nom rất điệu.
Là Chủ nhiệm của một lớp, khi tới giờ lao động, tôi cũng phải theo học trò trong lớp tham gia vào công tác lao động ở tổ Mành Mành Trúc. Có hôm chúng tôi được điều tới khâu cắt trúc, có hôm thì mài trúc, chùi bóng trúc. Học sinh thì tỏ ra vui thú thấy rõ vì chúng nó được ngồi cạnh nhau để vừa làm vừa vui đùa, tán chuyện gẫu chứ không phải ngồi nghiêm chỉnh như trong lớp học. Và thằng Tửu thì bao giờ cũng lại chuyên môn giở trò đầu têu nhảm nhí. Nó vừa cắt những gióng trúc vừa lèm bèm cái miệng:
- Này cắt đầu thằng Phản động…này cắt đuôi thằng Tư sản…
Rồi nó hỏi :
- Mình còn cắt đứa nào nữa hả các “bồ” ?
Một nữ sinh trả lời chanh chua:
- Còn…còn..còn cắt cái đầu thằng Tửu nữa!!!
Tửu la lên :
- Sai bét ! Còn thiếu gì ! Còn thằng Chủ nhiệm Hợp tác xã, thằng Cán Bộ Thu Mua, thằng Công an Khu vực, Công an Phường…
Tôi vội vã la lên :
- Tửu ! Cấm nói bậy nghe !
Tửu cười ngỏn ngoẻn :
- Thầy khác em ! Em dám nói. Thầy không dám nói !
Câu trả lời của nó khiến tôi điếng người ! Quả nó nói không sai !
“Thầy khác em ! Em dám nói! Thầy không dám nói !”
Ôi chà ! Thằng nhỏ đã phũ phàng phóng ra một mũi tên trúng ngay tim đen của thầy giáo.
Tôi còn có lý do gì để lên giọng trách mắng nó khi nó nói thẳng ra cái thực tế phũ phàng mà lẽ phải đã nghiêng về phía nó.
Tôi thật đau lòng khi phải nhận lãnh cái sự thực ấy do chính học trò của mình nói ra. Rồi tôi bỗng tự hỏi cả cái tập thể giáo viên ở ngôi trường này, không biết đã trở thành những con người “không dám nói” tự bao giờ ?
***
Trên đây là mới chỉ nói về công tác lao động của lũ học trò. Còn chúng tôi, những thầy cô giáo, thì sinh hoạt lao động cũng có phần sôi nổi không kém.
Trong một buổi họp các giáo viên toàn trường, Ban Giám Hiệu đề ra kế hoạch thành lập các “Tổ Lao Động” của các thầy cô giáo trong trường.
Cái tên gọi nghe lạ hoắc khiến nhiều người ngơ ngác không biết cái “Tổ” này sẽ làm gì trong khi chúng tôi cũng đã cật lực thi hành cho đạt tiêu chuẩn “8 giờ vàng ngọc” trong mỗi ngày rồi.
Nhưng hình như mọi sự vốn đã được âm thầm sắp xếp từ trước. Khi chỉ thị đã công bố rõ ràng thì lập tức có một vài vị trong Hội Nhà Giáo Yêu Nước đứng ra thuyết trình về nội dung thành lập “Tổ” và cung cách điều hành những Tổ ấy ra sao. Các vị ấy lại còn giới thiệu một vài Tổ đã thành hình, như Tổ Đồng Hồ, Tổ Thêu May, Tổ Ấn Loát, Tổ Sửa Chữa Máy Móc…v..v…Đại thể như sau:
- Tổ Đồng Hồ sẽ chuyên lo việc lau dầu, thay dây cót (dây thiều), đánh bóng mặt đồng hồ đã bị trầy sước….
- Tổ Thêu May thì nhận thêu khăn tay, khăn choàng, khăn giải bàn, yếm dãi…
- Tổ Ấn Loát thì in thuê các tài liệu học tập bằng cách quay Ronéo với máy quay tự chế, thực hiện bằng tay, không cần chạy điện!
- Tổ sửa chữa máy móc thì sửa bàn là (bàn ủi), quạt máy, ấm đun nước.
Trên đây chỉ là những tổ sơ khởi, ai có sáng kiến gì khác thì sẽ lập thêm những tổ mới sau. Còn ai không có khả năng thành lập tổ thì hãy ghi danh tham gia vào các tổ đã có sẵn để tùy nghi Tổ trưởng phân định công tác. Miễn sao mọi người, ai cũng đều có công tác lao động chân tay để “làm ra của cải vật chất” !
Thế là bọn chúng tôi nháo nhào, chen nhau ghi tên, người thì vô tổ đồng hồ, người thì nhập tổ sửa chữa máy móc, đa số các Cô thì xin vào Tổ thêu may mặc dù đã có mấy cô thú nhận:
- May vá gì…hồi trước lo soạn bài, chấm bài bận thấy mồ, cái áo có rách cứ đem ra tiệm thuê làm là vừa nhanh vừa gọn.
Còn một anh bạn tham gia Tổ Đồng Hồ thì sau đó tâm sự :
- Tớ biết mẹ gì những thứ linh tinh nằm trong cái đồng hồ. Nhưng nó bé xíu, có rớ vào nó để rà rẫm thì cũng đỡ phải vã mồ hôi hột !
Riêng tôi thì ghi danh vào Tổ Ấn Loát. Tôi thừa biết nhà trường chẳng thể có một cái máy in, dù chỉ là thứ máy thô sơ thường gọi là máy pédale có một cái bàn tròn để lăn mực đặt ngay trước mặt thợ in. Người thợ dùng chân để đạp cho máy chạy và in ra từng tờ nhỏ như danh thiếp, thư mời hay thiệp cưới. Nhưng điều mà tôi tò mò muốn biết là để xem cái thứ “máy quay Ronéo tự chế” nó sẽ vận hành thế nào. Dẫu sao, ở vào cái thời kỳ mà từ cái máy chữ trở đi cũng bị coi là đồ quốc cấm (vì có thể dùng để đánh máy tài liệu phản động) thì chuyện sáng chế ra cái máy in ronéo quay tay kể ra cũng là một điều hi hữu !
Thế rồi những ngày sau đó, vào cuối tuần không phải đứng lớp giảng dạy, mọi người lui tới tấp nập, thi nhau nhốn nháo trang bị cho cơ ngơi cái Tổ của mình. Khoảnh lầu rộng rãi nơi tiếp nối hai dẫy lầu vuông góc ở tầng hai được trưng dụng làm nơi cho các Tổ hoạt động. Mỗi Tổ được chiếm dụng một khoảnh giống như những khoảnh bán hàng ở ngoài chợ Trời. Các biển hiệu được trưng lên, nào Tổ Đồng Hồ, Tổ Ấn Loát, Tổ Sửa chữa máy móc…. riêng Tổ Thêu May thì chiếm riêng một khoảnh rộng rãi, thoáng mát gần cửa sổ hơn, vì các Cô cần chỗ để căng những khung thêu, để bầy những giỏ len, giỏ chỉ mầu cùng các thứ linh tinh khác như ô dù, mũ nón, lại cả những xách tay ý hẳn chứa đầy cơm nắm, xôi vò và dám có cả những bịch xí mụi hay trái cóc giầm tương ớt nữa.
Bên Tổ Đồng Hồ tôi thấy các Thầy cũng trưng ra mấy cái đồng hồ báo thức cũ sì, và trong một cái tủ kính nhỏ cũng lại có vài chiếc đồng hồ đeo tay loại còn chạy dây cót mà người xài cứ mỗi ngày phải vê vê cái nút tròn nằm ở bên mặt gọi là cái remontoir để lên dây cót. Còn thầy Tổ trưởng thì cũng hí hoáy ngồi trước một cái bàn nhỏ xoay xoay, vặn vặn vài con ốc gì đó, trên mắt phải Thầy lại còn gắn một cái ống kính lúp phóng đại, nom rõ ra là một tay chuyên nghiệp sửa đồng hồ. Nhưng thật tình, tôi tự nhủ nếu có hư đồng hồ thì cứ đem ra thợ sửa ở đầu phố còn tin tưởng hơn là giao cho mấy ông thần chuyên bầy vẽ đủ thứ chuyện này .
Ở Tổ Ấn loát của tôi thì thầy Tổ trưởng trưng ra một cái máy ronéo quay tay đặt trịnh trọng trên một cái bàn nhỏ có trải khăn làm bằng những tờ giấy trắng ghép lại. Cái máy thì nom như cái chảo rang cà phê của mấy bác bán cà phê rong. Nó được đặt trên một tấm gỗ ở hai đầu có hai cái trụ, trên đầu trụ có khoét một lỗ hổng để cái trục của cái “lò rang cà phê” chạy xuyên qua, và khi xoay tròn cái tay quay thì cái chảo cũng quay theo. Bên trong chảo lót vải mùng có đổ mực in, phía ngoài thì dán lên tờ stencil tức giấy sáp đã đánh máy hay vẽ hình lên cho thủng lỗ sẵn. Phía dưới cái chảo lại có một cái rouleau có thể xoay tròn, áp gần sát với cái chảo. Khi tờ giấy in được đưa vào và thợ in quay cái chảo đi nửa vòng, tờ giấy sẽ bị cuốn theo để hình vẽ hay chữ viết trên tờ stencil sẽ thấm mực in ra giấy. Tổ chúng tôi biểu diễn ngay việc in ấn của cái máy tự chế này bằng cách in một tờ truyền đơn trên có ghi mấy hàng chữ viết tay :
“ Quyết tâm thi hành công tác lao động để đưa nước nhà tiến mạnh, tiến mau, tiến vững chắc lên XHCN”.
Tôi đã nghe thấy có tiếng ai đó la lên :
- Rất hiện đại mà lại không hại điện !
Hồi đó đa số chúng tôi đều cũng chỉ như cá nằm chung trong một giỏ, nên chúng tôi chỉ nhìn nhau rồi cười trừ !!
(còn tiếp)
khieman
06-12-2015, 01:23 AM
(tiếp theo)
6
Tổ Chuyên Môn
Hầu hết dân Sài Gòn trong tháng 4-1975 đều đôn đáo chạy chọt để có tên trong danh sách ra đi. Nhưng số người đi lọt xét ra chẳng là bao nhiêu so với những người kẹt lại. Cho đến khi các đoàn xe vận tải chở đầy bộ đội xuất hiện trên các đường phố thì ai cũng đều mang tâm trạng của những kẻ chấp nhận “thôi số phận đã an bài”. Đã có nhiều người ôm mặt khóc ròng. Nhưng cũng có nhiều kẻ khác nôn nóng đi ra đường để chứng kiến quang cảnh của một thành phố vào thời khắc đổi chủ. Phố xá vì thế vẫn đông nghẹt. Chỗ này người ta chen nhau chạy vào các cơ sở Mỹ hay các căn nhà không chủ để ùn ùn khuân ra đủ thứ đồ đạc, giẫm đạp lên cả những mớ giấy má, tài liệu vương vãi khắp lối đi. Ở chỗ khác thì người ta xúm xít quanh các xe chở bộ đội khi đó đã đậu lại ở các ngã tư đường phố. Có những tiếng xì xào:
- Ơi ! Bộ đội gì nom trẻ thế ! Chỉ mười bốn mười lăm là cùng !
Nhìn những khuôn mặt trẻ măng với nước da xanh bủng, thân hình thì nhỏ thó lụng thụng trong bộ đồ lính mầu xanh, lại thêm vẻ mặt ngơ ngơ ngác ngác nửa như bỡ ngỡ, nửa như dè chừng, mấy cô bán hàng rong còn dám cất lời trêu chọc :
- Anh bộ đội ơi ! Anh đi rồi thì má ở nhà ai trông ?
- Hoài của ! Giá lớn hơn chút nữa thì bên này cũng ưng !
Những tiếng cười rộ cất lên khiến cho bầu không khí ngột ngạt, e dè bỗng như tan loãng hẳn ra. Chắc hẳn cũng đã có nhiều người thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ rằng Cộng sản mà chỉ như thế thì đâu có gì phải lo lắng.
Rồi sau đó, thành phố chỉ trong khoảnh khắc đã tràn ngập cờ xí, biểu ngữ và kèn trống um sùm. Nhân viên ở các Phường, Khóm lui tới thăm dò thì vẫn được bảo cứ tới làm việc như thường lệ. Chỉ khác trước có một điều là bên cạnh họ nay xuất hiện thêm những cán bộ ở khu về, người nào người nấy nom xanh xao, ốm yếu. Trời thì nóng như đổ lửa mà ai cũng cố choàng lên cổ cái khăn rằn ri mầu đen trắng, thậm chí có người còn khoác thêm cái áo sợi mỏng lên người, bộ điệu nom rõ ra vẻ ta đây ốm yếu do mới ở Rừng về.
Nhưng bầu không khí rộn ràng, hoan hỉ chẳng kéo dài được bao lâu. Chỉ ít lâu sau là cặp mắt mọi người đã bắt đầu thấy nhớn nhác. Những thông cáo của Ủy ban Quân Quản được phát liên tục trên đài rồi được đám thanh niên đeo băng đỏ vác loa đi từng khu xóm đọc đi đọc lại đã biến cuộc sống bình thường hàng ngày trở nên khẩn trương, nghiêm trọng. Nào cấm hát nhạc vàng. Nào giao nộp văn hóa phẩm đồi trụy. Nào dân có gốc ở địa phương nào thì phải quay về địa phương đó. Mọi người hầu như ai cũng mang cái tâm trạng phấp phỏng, lo âu như thể mình bây giờ tuy chưa sao nhưng có thể tai họa bất thường có thể ụp lên đầu bất cứ lúc nào. Cái không khí khẩn trương bất an ấy lúc nào cũng đè nặng lên tâm trí mọi người như thể ai cũng đang nhìn thấy bầu trời vần vũ báo trước sẽ có nhiều cơn bão dữ.
Rồi đến khi cái cụm từ “đi kinh tế mới” xuất hiện thì ai nấy cũng đều cuống cuồng lo chạy lấy một chân việc làm, mà làm gì cũng được miễn sao có tí dính dáng đến nhà nước hoặc các cơ sở được nhà nước cho phép hoạt động trở lại. Chẳng trách gì các Tổ hợp, các Hợp tác xã, các Công ty Hợp doanh mọc ra như nấm. Mà hễ ai chui được vào đó để có một chân làm thì lòng cũng đã chắc mẩm rồi ra đời sống sẽ được an toàn.
Cùng chung với những tâm trạng ấy, tôi đã rất lấy làm mừng vì xin được quay trở lại nghề dạy học. Cái nghiệp phấn trắng bảng đen hóa ra cũng đã đãi đằng tôi thật nhiều. Tôi tự nhủ, trước sau gì thì mình cũng là một thầy giáo. Mà làm thầy giáo ở đâu thì công việc giảng dạy cũng phải tận tụy hết mình. Sự tận tụy ấy nó xuất phát từ lương tâm nghề nghiệp chứ chẳng phải khi cách mạng về rồi thì trở cờ “ba mươi hay bốn mươi” gì hết. Bọn học trò, dù là A hay là B (tức miền Bắc hay miền Nam), theo tôi nghĩ, chúng nó đều cũng chỉ là những tờ giấy trắng để Thầy Cô giáo viết lên những dòng chữ đầu tiên cho tương lai của chúng sau này.
Nhờ kinh nghiệm lâu năm giảng dạy, tôi bỗng được ban Giám Hiệu gọi lên giao cho chức ''Tổ Trưởng bộ môn Khoa học Tự nhiên các lớp thuộc cấp II, bao gồm 3 môn học: Sinh vật, Vật Lý và Hóa học''. Thành viên trong Tổ đều là những người đã cùng đi dạy với tôi trước đó. Vài thầy dạy Lý, dạy Hóa, vài cô dạy Sinh vật, cả đám chúng tôi đều biết nhau cả nên tôi thấy công việc “Tổ trưởng chuyên môn” của mình xét ra cũng nhẹ nhàng.
Nhưng cũng không hẳn là như thế. Cả đám có khoảng năm sáu người thì cả chừng ấy mống lại đã nhìn tôi với cặp mắt e dè. Ý chừng họ cho là tôi phải có công trạng gì ghê gớm lắm thì mới được phong cái chức Tổ trưởng. Tuy họ chẳng cần nói ra nhưng cứ nhìn cái nụ cười nhếch mép của Thầy này, cái liếc xéo rồi quay đi của Cô kia là tôi đã cảm nhận được họ đang nghĩ gì về mình.
Thôi rồi còn đâu cái thời mà chúng tôi cười nói với nhau ròn rã, hỏi thăm nhau một cách tự nhiên không kiêng dè hay tán với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất vào những lúc nghỉ ngơi sau hai giờ giảng dạy. Đối với tôi những thứ rất thường tình ấy sao bây giờ nó lại quý đến thế ! Thì ra có những điều mà trước đây đã hiện diện một cách dửng dưng, tưởng chỉ là những thứ nhỏ nhặt trong đời sống ấy thế mà nay nó trở thành cái nhu cầu trọng đại muốn lấy lại mà không được. Chẳng thế mà có lần, tôi không nhớ trong hoàn cảnh nào, mà một Cô giáo đã mỉm cười với tôi một cách hồn nhiên. Tôi thấy rõ ở Cô lúc đó không mang bất cứ một ngụ ý gì. Chỉ có thế thôi mà tôi bỗng thấy lòng rộn lên một nỗi mừng vui vô hạn, như một kẻ đi giữa nắng trưa vừa được hưởng một cơn gió mát. Rõ ràng là ở đây, bây giờ, mọi sự bình thường đã không còn là bình thường nữa. Nó đang bị cung cách sống hàng ngày lặng lẽ bào mòn khiến cho con người trở nên dần dà bị biến chất.
Nhưng dù ở bất cứ tâm trạng nào thì tôi vẫn giữ nguyên được cái lương tâm nghề nghiệp. Vào lớp giảng dạy, tôi không hề có ý phân biệt đứa này là học sinh chế độ cũ, đứa kia mới ở A vào. Trò nào không hiểu bài, tôi sẵn sàng giảng giải thêm nếu nó tới hỏi tôi sau giờ học. Với cung cách hành xử ấy, tôi yên tâm nhận lãnh chức vụ Tổ trưởng Chuyên môn được giao phó.
Tuy nhiên cũng có nhiều điều đáng nói trong cái sinh hoạt được gọi là “họp tổ chuyên môn này”. Bọn chúng tôi thường chọn gặp nhau mỗi tuần một lần tại một lớp học được bỏ trống vào buổi chiều. Mọi người ai nấy đều ôm theo một đống tài liệu mà hầu hết là những cuốn sổ. Nào sổ Giáo án, nào sổ Chủ nhiệm lớp, sổ Ghi chép các buổi tham dự giờ dạy của các giáo viên cùng bộ môn, sổ Học tập chính trị, nếu ai còn tham dự Chi đoàn Thanh niên hay Công đoàn cơ sở thì còn có cả sổ Công tác, sổ Kiểm điểm cá nhân để tự học, tự bồi dưỡng..v..v..nữa. Ghê gớm thay cho cung cách sinh hoạt trong một nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa. Càng nhiều sổ sách thì càng có nghĩa là có nhiều thứ kìm kẹp. Bởi những cuốn sổ ấy không phải là thứ ghi chép của riêng mình. Nó phải được giao nộp cho cấp trên để kiểm tra xem mình ghi chép những gì, có tuân hành đúng theo mọi chỉ thị hay không, có tiết lộ ra tư tưởng phản động nào không…v..v…
Trong cương vị Tổ trưởng Chuyên môn, công việc của tôi là phải truyền đạt những yêu cầu của ban Giám Hiệu tới các giáo viên và nhắc nhở, kiểm tra các vị ấy trong tiến trình sửa soạn bài vở khi họ đứng lớp. Vì vậy, chiếu theo bài bản, tôi nêu câu hỏi đầu tiên thuộc về tình hình chung căn cứ theo hoàn cảnh của mỗi người, nghĩa là đương sự gặp những khó khăn gì, những thuận lợi gì và tinh thần phục vụ bây giờ ra sao, có cái gì lấn cấn mà không tự giải quyết được hay không ?
Một cô giáo đã nhanh nhẩu trả lời :
- Ui ! Khó khăn thì chả có gì khó khăn hết đâu thầy. Còn thuận lợi thì có khối ra đấy. Này nhé, ở địa phương tôi thì chính quyền vẫn tạo mọi thuận lợi cho nhà giáo làm công tác giảng dạy. Ở nhà trường thì Ban Giám Hiệu luôn luôn quan tâm đến đời sống của các giáo viên. Về mặt vật chất thì nhu yếu phẩm vẫn nhận lãnh đều đều không có ai khiếu nại gì hết. Về mặt tinh thần thì tôi luôn luôn được bồi dưỡng học tập đường lối chính sách của Đảng và nhà nước để mình được toàn tâm toàn ý trong sự nghiệp giáo dục những mầm non của tổ quốc….
Tôi hơi nhăn mặt:
- Cô nói vậy chớ, sao lại không thấy khó khăn gì hết ?
Mọi người như khựng lại khi được nghe tôi phát biểu một cách bất ngờ. Thật ra tôi cũng chẳng quan tâm gì đến những kiểu nói năng đầu môi chót lưỡi này. Nhưng trong thâm tâm, tôi rất bực cái nhà Cô này khi đã tuôn ra một tràng những lời lẽ như thế. Tôi có là cán bộ hay công an nhà nước đâu mà cô lại ứng xử với tôi những màn kịch kệch cỡm như thế. Chắc hẳn là cô đã đánh giá tôi quá thấp và tôi thấy mình không thể cho qua khi phải nhận lãnh những lời lẽ kiểu này. Vì thế tôi tiếp tục nói:
- Khó khăn đầy dẫy ra ấy chứ ! Như ở địa phương tôi, sau một đêm ngủ chập chờn không đủ giấc thì cái loa báo hại nó réo ngay ở đầu nhà từ 5 giờ sáng để khua bà con dạy đi tập thể dục theo Nếp Sống Mới. Rồi cứ ra rả suốt ngày đến không còn đầu óc đâu mà chấm bài, soạn bài nữa….
Trong khi cô giáo kia ấp úng không thể trả lời thì cả nhóm đã nhao nhao lên:
- Đúng đó ! Đúng đó !
- Ôi trời ơi ! Cái loa chết tiệt, nó hành con người ta đến phát ốm mà chết mất thôi.
Thế là cả bọn thi nhau kể chuyện Phường, Khóm nơi mình cư ngụ. Nào Phường đổ khoai ra giữa lối ngõ để chờ phân phối nhu yếu phẩm, nhìn ra thì toàn là khoai ủng, khoai sùng. Nào Thanh niên đeo băng đỏ hống hách, phách lối rượt theo mấy chị bán rau, bán bún mà đá đổ thúng mủng của họ không chút xót thương. Nào công an khu vực lừng lững đi vào nhà người ta coi như vào chỗ không người. Nào họp hành gì liên miên, ở Tổ, ở Khóm, ở Phường, xoạch một cái là kêu đi hốt rác, thụt cống, mít tinh biểu tình để biểu dương, chào mừng ngày lễ, ngày kỷ niệm này nọ....Dân chúng cứ như lũ kiến trong chảo rang, đời sống nháo nhào không biết an trú vào đâu để mà ngơi nghỉ.
Thấy buổi họp đã có mòi xoay ra “tố khổ” chế độ mới, tôi bèn phải chỉnh hướng lại:
- Thôi…thôi…chuyện địa phương, Phường Khóm xin để về địa phương khiếu nại. Bây giờ mình qua tới mục “tư tưởng chính trị và tác phong đạo đức cách mạng”.
Một thầy nói ngay :
- Cái này thì ai chẳng biết. Học tập rã người ra rồi.
Nhưng một Cô khác lại hỏi:
- Nhưng nội dung cái mục này là những cái gì kia hè ?
Tôi giảng giải :
- Thì nó là cái sự soi rọi coi mình có chấp hành chủ trương, đường lối của nhà nước hay không này, có quán triệt những nội dung chính sách theo nghị quyết của Đảng không này, rồi lại còn tác phong làm việc có giúp đỡ học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp, cũng như bà con nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Xã hội Chủ Nghĩa hay không nữa này…
Một cô giáo cất tiếng hỏi ngay :
- Thế thầy thì sao ? Thầy có chu toàn được mấy đòi hỏi ấy hay không hả thầy ?
Tôi thủng thẳng đáp :
- Tôi ấy à ? Có phấn đấu đấy, nhưng cũng còn lâu mới đạt tiêu chuẩn !
- Ủa ! Thế nghĩa là sao ? Xin nói cụ thể ?
- Thì có nghĩa là nội dung đường lối, chính sách, Nghị quyết của Đảng và nhà nước nó rộng rãi bao trùm lên mọi thứ trên đất nước này, tôi hơi sức đâu mà nói quán triệt. Lại còn khoe là chu toàn nữa ! Nói thế là nói dối !
Mọi người cùng “à” lên một tiếng đồng tình. Có những cặp mặt nhìn tôi mang vẻ cảm thông, chia sẻ. Như thế là tôi đã phần nào phá vỡ được cái vỏ bọc oan uổng mà bấy lâu nay tôi phải chịu đựng. Bầu không khí buổi họp trở nên gần gũi, thân mật nhau hơn. Mọi người xoay ra nói đủ thứ chuyện, nào là chuyện đổi tiền, chuyện đánh Tư sản, chuyện đi Kinh Tế Mới..v…v… Tuy nhiên cũng lại có một thầy nêu lên một câu hỏi cắc ké :
- Mình có ghi những lời phát biểu này vào biên bản họp Tổ không ?
Tôi vội vã xua tay :
- Ấy chớ ! Mình chỉ ghi những cái gì thuộc về chuyên môn thôi. Còn những phát biểu linh tinh….coi như “ngoại khóa” !
Câu nói này của tôi lại như một liều thuốc xua tan thêm những sự nghi ngờ. Hiển nhiên là sau buổi họp này, một Cô giáo tới gặp tôi, tâm sự:
- Trước tụi em cứ tưởng thầy…đáng ngại lắm. Nhưng bây giờ thì mới biết.
Tôi thở dài :
- Tôi cũng cảm nhận được sự e ngại của các cô. Nhưng cô nghĩ mà coi, thân phận nhà giáo bây giờ thì làm được cái gì. Đành là cứ phải chấp nhận thôi, miễn đừng có giở trò thì thụt báo cáo hãm hại cá nhân của nhau là được rồi.
***
Bước qua phần chuyên môn, Tổ chúng tôi thảo luận rất cởi mở vì chẳng có gì phải dè chừng nữa. Một cô giáo dạy Sinh vật nhăn nhó :
- Giáo án thì đã ghi: Mổ cá Chép. Nhưng bây giờ đào đâu ra cá Chép để mà mổ. Không lẽ đi chợ bỏ tiền túi ra mua.
Một cô hùa theo :
- Mà mua một con thì đâu có đủ. Cả lớp chia thành 4 nhóm thì ít ra cũng phải có tới 4 con.
Một thầy khác nói giọng bực bội :
- Theo đúng giáo án thì cứ đổ thóc giống ra mà ăn. Như môn Hóa của tôi, trong bài học về đường Glucose có phần làm thí nghiệm tráng gương thì bây giờ đào đâu ra dung dịch Nitrat Bạc trong Am-mô-nhác ?
Có người hỏi :
- Ủa ! Phòng thí nghiệm của nhà trường lúc trước không còn gì nữa sao ?
Tôi trả lời thay :
- Tôi đã vô coi tất cả rồi. Món thì cạn khô, món thì quá date hết xài. Chai lọ, ống nghiệm nằm ngổn ngang như một đám ve chai. Căn phòng ấy đang có dự tính biến thành nơi sinh hoạt của Chi Đoàn.
Có tiếng thở phào :
- Vậy thì cứ dẹp giáo án qua một bên. Dạy tới đâu hay tới đó.
Tôi cản lại :
- Ấy không được đâu. Các cậu chả nghe ông Hiệu trưởng nói Giáo án là Pháp lệnh đó sao? Cho nên cứ phải viết cho đầy đủ, còn trong thực tế, làm được tới đâu hay tới đó.
Một cô thắc mắc :
- Rồi lỡ khi đang dạy nhà trường tới kiểm tra thấy trật lấc thì làm sao ?
Tôi mỉm cười, nói nhỏ:
- Đừng có lo ! Họ nhắm là nhắm các vị dạy Văn, dạy Sử kìa. Mỗi giáo án bị xăm soi như bác sĩ đem kính hiển vi ra tìm vi trùng. Cho nên dạy hai môn ấy mà ấm ớ thì toi. Còn lũ mình chỉ có cá Chép với đường Glucose thì nếu có kiểm tra cũng chỉ phơn phớt, qua loa thôi. Với lại ai chẳng biết bản thân còn phải nhá bo bo vẹo hàm, lấy tiền đâu mà mua Cá Chép để mổ khơi khơi…
Trong một lúc hứng chí, tôi đã tuôn ra mấy lời nói thật nhưng chợt thấy hối ngay vì tai vách mạch rừng, biết đâu mà lường trước. Đúng là cái câu mà chính tôi đã vừa nói ra : “ấm ớ là toi”, vì vậy tôi lại phải nói thêm ngay :
- Nhưng dù thế nào thì mình cũng phải cố gắng khắc phục. Như không mổ được cá thì cô vẽ hình lên đi. Cứ treo giữa bảng đen hình một con cá Chép to đùng, trên ghi đầy đủ các cơ phận đã mổ ra, nào mang, nào ruột, nào mật, nào bong bóng….thế là cũng tạm chấp nhận được rồi. Hồi trước, cô cũng dạy môn này, tôi đâu có thấy cô mổ cá.
Cô giáo đáp lại bằng một giọng chanh chua :
- Thưa có đấy ạ. Hồi trước em mổ cá ngoài chợ Trần Quốc Toản, thầy đâu có ghé qua mà biết được. Còn bây giờ, em sẽ biểu lũ học trò muốn coi mổ cá thì cứ xuống khu đằng sau nhà trường chờ các thầy cô xả thịt, chia cá thì cũng thấy ngay chớ gì !
Thế là mọi người lại hào hứng xoay qua chuyện phân phối nhu yếu phẩm kéo dài cho tới khi hết giờ, tan buổi họp. Lúc chia tay, tôi yêu cầu mọi người ký tên vào biên bản mà trong đó tôi chỉ ghi vắn tắt có vài hàng như sau :
- Các Tổ viên đã sốt sắng trao đổi kinh nghiệm giảng dạy cùng là góp ý nhằm nâng cao ý thức tự giác, tự phấn đấu bản thân để hoàn thành tốt công tác được giao phó trong cương vị của các giáo viên dưới mái nhà trường Xã hội Chủ nghĩa.
Mọi người đều sốt sắng ký tên. Riêng anh bạn tôi lúc ký xong lại còn nhún vai nhìn tôi. Cái nhìn thăm thẳm mang một nỗi chán chường sâu xa. Trong cái nhìn ấy, tôi cảm nhận được sự ê chề của đám nhà giáo chúng tôi khi đã phải cùng nhau đồng lõa trong sự giả dối.
7
Tuổi trẻ nhọc nhằn
Theo lời thằng Tửu kể cho tôi nghe thì các đàn anh, đàn chú của nó đã sinh ra trong một thời kỳ mà nó nói là “cực kỳ gian khổ”. Tôi làm bộ bật cười, giả lả:
- Thì cũng đến chăn trâu, cắt cỏ, cầy ruộng chứ làm gì đến nỗi phải gọi là cực kỳ gian khổ.
Tửu trợn mắt :
- Được chăn trâu, cắt cỏ thì còn sướng. Thầy không biết hết đâu. Đừng có nói !
Tôi vội vã :
- Vậy thì sao nào ? Kể cho thầy nghe đi.
Tửu tiếp :
- Ở ngoài đó, người ta vét hết thanh niên, thiếu nữ vào Thanh Niên Xung Phong, cái mà các chú em gọi là đám “đi trước về sau”.
Tôi ngạc nhiên hỏi :
- Sao lại gọi là đi trước về sau ?
- Khẩu hiệu nêu ra là “Chọc thủng Trường Sơn – mở đường Thắng lợi” . Cho nên họ phải xuyên thủng tuyến địch để mở đường cho bộ đội trước khi có trận đánh. Mà đâu có dễ, nào băng suối, nào xuyên rừng, mò mẫm thăm dò để đắp đường, dựng cầu, gỡ mìn hay đánh dấu những chỗ nghi có bom nổ chậm. Thế là đi trước. Rồi trong trận đánh Thanh Niên Xung Phong cũng phải cầm súng chiến đấu như ai. Đến khi trận đánh chấm dứt thì họ về sau, tức là phải ở lại để dọn dẹp chiến trường, tải thương binh ra Bắc, chôn liệt sĩ đã hy sinh. Thế mà không gọi là gian khổ cực kỳ à ?
Tôi rùng mình khi nghe nó chỉ vài lời vắn tắt mà cũng hình dung ra những đoạn đường khổ ải mà thanh niên, thiếu nữ miền Bắc phải chịu đựng suốt bao nhiêu năm dài trong cuộc chiến.
Đã thế, Tửu còn nói thêm:
- Vậy mà quanh năm đói khát, thầy ơi. Chú của em nói tiêu chuẩn thì 9 kí gạo mà thường chỉ còn có 3, 4 kí thôi. Đã thế vào mùa khô ít mưa, len lỏi trong rừng cả ngày đường không có lấy một giọt nước. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước là như thế.
Tôi mỉm cười :
- Còn em thấy sao ? Cái đời sống ở miền Nam này có khốn khổ tận cùng để miền Bắc phải mất công đi cứu không ?
Tửu cười khì khì :
- Thế thì thầy hiểu sai rồi. Giải phóng miền Nam là để cứu dân miền Bắc chứ cứu gì dân Sài Gòn! Thầy không thấy bộ đội ùn ùn chở đồ ra Bắc à ?
Tôi vội vã nói :
- Ấy…cái này chủ yếu là nhằm Độc lập với Thống Nhất đất nước chứ đâu phải vì mấy cái khung xe đạp, Ti vi hay tủ lạnh….
Tửu nói nhỏ nhẹ:
- Thôi đi thầy! Nhân dân ta giản đơn, cụ thể, chỉ thấy cái gì gần gũi thôi !
- Đến hạt thóc cũng cắn đôi đem chia sẻ với đồng bào miền Nam xa lắc, vậy là cụ thể gần gũi sao?
Tửu nhún vai :
- Đảng với nhà Nước nói miền Nam quằn quại dưới gót giầy của đế quốc Mỹ, thế thì ai nghe mà không đi. Chống cái gì để cứu nước thì cũng chống hết , Thầy à !
Tôi lại hỏi :
- Thế thì đã vào đến đây rồi, mọi người có thấy miền Nam quằn quại ở chỗ nào không ?
- Có đấy ! Nhiều người phát rên lên rằng sao miền Nam chúng nó có lắm của cải thế.
Rồi nó nheo mắt nhìn tôi rõ ra vẻ bỡn cợt. Tôi chợt mỉm cười theo. Thì ra thằng nhỏ này, càng nói chuyện càng thấy nó ranh ma dữ!
Câu chuyện giữa tôi với Tửu về tuổi trẻ gian khổ trong chiến tranh khiến tôi nhớ tới số phận của những Thanh niên Xung Phong gia nhập sau này, khi cuộc chiến đã chấm dứt. Vào khoảng tháng 3 năm 1976, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh ở Sài Gòn đã phát động chiến dịch vận động thanh niên, thiếu nữ gia nhập đoàn Thanh Niên Xung Phong với những khẩu hiệu vừa phát trên đài, trên loa, vừa trên cả những tờ giấy lòe loẹt xanh, đỏ dán trên tuờng :
“Đâu cần : Có Thanh Niên Xung Phong; Đâu khó : Có Thanh Niên Xung Phong” hay là “ Gia nhập Thanh Niên Xung Phong là biểu lộ quyết tâm Bảo vệ và Xây dựng Tổ quốc”.
Nhiều thanh niên, thiếu nữ chen nhau ghi tên gia nhập. Một phần cũng là để cho gia đình thoát khỏi cái nạn phải đi kinh tế mới; phần khác, cũng có nhiều cô-cậu chán ngán cái cảnh đứng ngồi lóng ngóng chẳng biết làm gì khi công ăn việc làm thì không có, lại cứ bị Phường, Khóm thúc giục ghi danh để đủ túc số theo tiêu chuẩn. Thế là đường phố Sài Gòn bỗng nhiên tràn ngập hình ảnh của những toán Thanh niên, Thiếu nữ trong bộ đồng phục màu cỏ úa, đầu đội mũ tai bèo, chân đi dép lốp, tay cầm nào cuốc, nào xẻng rầm rộ xuất phát để đi về các vùng đất hoang hãy còn đầy những dấu vết do bom cày, đạn xới.
Cái vùng nổi tiếng nhất mà Thanh Niên Xung Phong đổ tới hoạt động là khu kinh tế mới Lê Minh Xuân cách Sài Gòn khoảng hơn 20 km về phía Tây Nam. Thực tình, tôi không thể hình dung được quang cảnh diễn ra những gì và đám Thanh niên Xung Phong đã và đang làm gì ở đó. Nhưng có một dạo Thành Ủy Sài Gòn phát động chiến dịch “Toàn dân tham gia bảo vệ tài sản XHCN” thì Thành đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh cũng nhẩy vào cuộc và cái tên của khu Kinh tế Mới Lê Minh Xuân lại được nhắc đến nhiều lần trên đài, trên loa.
Nói một cách tổng quát thì công tác “bảo vệ tài sản XHCN” là toàn bộ những nỗ lực của mọi ngành, mọi giới, mọi người sao cho bọn tham ô, trộm cắp, móc ngoặc tuồn hàng từ cơ quan nhà nước ra bán chợ trời phải bị triệt hạ, hay mọi người phải tích cực tố cáo những bọn đầu cơ, buôn lậu, móc ngoặc để giảm thiểu những sinh hoạt kinh doanh trái phép, rồi ngay cả những vụ sử dụng bừa bãi, phí phạm các phương tiện vật chất của nhà nước cũng đều phải bị lên án, trừng trị ..v..v…
Tích cực tham gia chiến dịch này, Thành đoàn Thanh Niên CS Hồ Chí Minh đã đem một vụ tố cáo “tham ô” của Thanh Niên Xung Phong ở khu Kinh tế Mới Lê Minh Xuân ra làm trường hợp điển hình. Thủ phạm tham-ô là một Thanh niên Xung Phong mà lâu ngày tôi không còn nhớ tên. Nhưng anh ta thì đã vì suốt ngày quần quật trên ruộng, trên bãi, lại phải ăn đói mờ người nên nẩy sinh ý tưởng đem chôn vùi vài củ khoai trên cái rẫy mà Toán của anh ta có nhiệm vụ đào lên để cho vào kho thu nhập. Chờ lúc tối trời, anh ta lẻn ra ngoài, bới khoai lên gặm nhồm nhoàm thì bị phát giác.
Cả trại ồn lên vì đã phát hiện một vụ “tham ô tài sản” có chứng cớ cụ thể. Thế là phóng viên đài, báo ở Sài Gòn ùn ùn kéo nhau tới, viết bài tường thuật um sùm và trường hợp “tham ô” này được nêu ra cho mọi người học tập coi như một thứ “điển hình”, chẳng riêng gì những Thanh niên Xung Phong ở Lê Minh Xuân mà còn cho cả những Thanh niên toàn Thành phố. Đấy là lý do mà tôi được nghe tới vụ án Lê Minh Xuân mặc dù suốt ngày bù đầu vào những công việc của trường, của lớp.
Một cô giáo dạy môn Anh văn, vốn đang là đối tượng Đoàn, sau một buổi họp thuộc Chi đoàn Thanh Niên nhà trường đã nói với bọn chúng tôi:
- Nhà trường ta cũng còn nhiều vấn đề lắm. Cũng phải theo gương Lê Minh Xuân mà chấn chỉnh lại thôi.
Tôi phản đối:
- Có vài củ khoai, đến nỗi nào mà phải gọi là tài sản XHCN.
Cô ấy nghiêm mặt lại :
- Trước nhỏ sau to. Nếu không kiên quyết thì từ củ khoai sẽ còn nhân lên thành đủ thứ.
Quả tình là tôi cũng có hơi nóng mặt. Tôi nghĩ đến thân phận của người thanh niên vốn đã lao động cật lực để trồng được luống khoai, nay vì đói quá mà phải ăn cắp ngay chính thành quả lao động của mình ở tại cái chỗ mà anh ta đã từng đổ mồ hôi xuống đó. Như thế thì còn gì bất nhẫn hơn mà không thấy nóng mặt để cãi cho ra nhẽ. Nhưng tôi chỉ nghĩ vậy thôi chứ chẳng dám đôi co thêm vài lời với một nhân sự đang phấn đấu để trở thành đối tượng Đoàn. Quả thật cho đến nay thì tôi đã “rèn luyện” được cái tính nhẫn nhịn của mình. Giống như nhiều thầy cô khác mà hàng ngày tôi vẫn gặp, họ cũng chẳng nói năng gì ra ngoài những điều đã được chính thức thông báo, ngoại trừ vẻ mặt ẩn nhẫn với ánh mắt mệt mỏi, chán chường là không thể che giấu được. Vì thế tôi chỉ nhìn cô và cố dằn để không phát biểu gì thêm. Thấy tôi im lặng, cô ta tiếp:
- Thầy về Tổ chuẩn bị những ý kiến đề xuất để tham gia trong việc trường ta phát động công tác bảo vệ tài sản Xã hội Chủ nghĩa.
Thế là tôi biết được rằng các giáo viên nay mai lại sắp có thêm công tác mới. Tôi thử nhìn quanh quang cảnh nhà trường xem có phát hiện được điều gì gọi là phí phạm hay tham ô không. Các máy lạnh hồi xưa thì nay đã được rỡ hết đi rồi. Trong các lớp học thì những cái quạt trần vẫn còn đó, nhưng nó chỉ chạy chậm rì, vừa chạy vừa nghiến vào trụ gỗ khiến phát ra tiếng kêu đều đều kẽo kẹt. Đã có lần tôi chợt nẩy ra ý tưởng không biết sẽ có thể chúng rơi trên đầu học trò lúc nào. Nhưng đấy chỉ là mối lo chợt đến một cách hão huyền. Vì ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, những cái quạt trên đầu chúng tôi vẫn nhẫn nại quay tròn một cách uể oải và không ngừng phát ra tiếng kẽo kẹt.
Mọi ngóc ngách trong trường thì cũng đã được tận dụng tối đa. Chỗ này làm nơi sản xuất mành trúc của Tổ Mành Mành, chỗ kia làm chỗ sinh hoạt Chi Đội, Chi Đoàn. Căn phòng rộng nhất vốn là Hội trường ngày xưa thì nay vẫn được dùng làm Hội trường, chỉ có khác là nó được tận dụng để hội họp liên miên, đặc biệt là mọi người hay tụ tập ở đó để nghe phổ biến Chỉ thị, hay học tập để quán triệt từng điều khoản trong các Nghị quyết.
Vậy thì còn điều gì để mà Tổ chúng tôi góp phần đề xuất ý kiến trong việc tham gia phong trào bảo vệ tài sản XHCN nữa đây ? Ấy thế mà hôm họp Tổ, anh chàng giáo viên môn Hóa đã nêu ra được cái ý kiến được coi là cũng hay ho. Anh ấy nói :
- Tôi thấy bọn nhà giáo chúng mình phí phạm nhất là cái vụ phấn viết bảng. Cục phấn khả dĩ còn xài được, vậy mà đã vứt đi để bẻ cục phấn mới.
Tôi gật gù:
- Cũng đúng ! Tôi thấy có nhiều cục phấn bỏ đi mà nhắm thấy vẫn còn viết được.
Một cô giáo nhăn mặt :
- Nhắm thấy là sao ? Cỡ bao nhiêu thì còn viết được ? Ba phân, hai phân hay là một phân ?
Tôi đáp lại mà thấy lòng cũng ngượng ngùng vì xưa nay chưa bao giờ phải sa đà vào những đề tài như thế :
- Tôi có lấy thước đo đâu mà biết chính xác. Thế mới gọi là “nhắm”.
Thầy dạy Sinh Vật đề nghị :
- Vậy mình làm thí nghiệm thử đi. Coi cục phấn ngắn nhất đến khi không còn xài được nữa thì nó dài bao nhiêu?
Mọi người đều tỏ ra hoan hỉ, không phải vì mục đích tìm cho ra lời giải đáp hợp lý, mà là vì thấy mình sắp sửa tham gia một trò chơi thú vị, coi thử ai viết nên chữ bằng một cục phấn ngắn nhất ! Tuy nhiên, bỗng một cô khác cất giọng gắt gỏng :
- Thôi đi ! Các ông đừng có bầy trò ra nữa. Chỉ cần nêu ý kiến là không nên xài phí phạm phấn viết bảng là được rồi. Đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành kiểu đó khi đem ra buổi họp, các Tổ khác họ cười cho thối mũi !
Ý kiến của cô, sau cùng đều được mọi người tán thành. Và kết quả của các cuộc bàn cãi này là ở phòng giáo viên, ngoài hộp phấn trắng như mọi khi nay còn có thêm một hộp đựng phấn vụn nữa. Các thầy cô khi viết hết một cục phấn, thay vì vứt đại xuống bục giảng như trước thì nay gom lại đem về phòng giáo viên để bỏ vô đó. Tôi không biết những hộp phấn vụn này sau đó được Chi Đoàn mang đi đâu, nhưng xét ra cái hộp phấn vụn này cũng có cái ích lợi của nó. Bởi có nhiều hôm hộp phấn nguyên đã cạn queo, chúng tôi đã phải bới trong cái hộp ấy để moi lại mấy viên còn xài tạm được. Đúng là tủn mủn, nhưng thế cũng là một cách “bảo vệ tài XHCN” chứ sao, cho dù nói ra thì ai cũng thấy là rị mọ.
Mà trong cuộc sống của chúng tôi, dần dà cũng chẳng còn mấy ai e ngại những chữ gọi là rị mọ hay tủn mủn nữa. Bởi cuộc sống của chúng tôi cứ ngày càng đi xuống. Ngoại trừ vài cô giáo mà gia đình hãy còn của ăn của để, nay lại cứ biểu diễn quần đen áo cánh nâu cho ra vẻ con nhà vô sản nhưng cung cách, bộ dạng thì vẫn lòi cái đuôi tư sản, cụ thể là bây giờ, trong túi, trong bị của các cô vẫn còn đầy nhóc xí muội, mứt khế hay táo giầm. Nghĩa là vài cô vẫn còn tiền ăn quà như mỏ khoét!
Còn đa số chúng tôi thì ai nấy đều ăn mặc xuống cấp thấy rõ. Rõ nhất là cái mông quần tây của mấy thầy. Do đi xe đạp nên phía đằng sau mầu quần cứ bạc đi, vải bai dần ra. Nhiều hôm quay lưng về phía học trò để viết bảng, có mấy đứa nhìn thấy mông quần của thầy nên nháy nhau cười rúc rích. Ấy là tại chúng tôi đã phải đạp xe nhiều quá. Từ nhà đến trường. Từ trường ra ngoại ô lao động ngoại khóa. Rồi lại đi họp giáo viên toàn Thành ở những chỗ khác nhau hoặc dẫn lớp học đi mít tinh, đi diễu hành vào những ngày lễ lớn. Trách gì mà quần áo chẳng bạc phơ, vá chỗ này, rách chỗ kia. Mà nay thì làm gì có tiền để may quần áo mới. Thế là cái sự rị mọ, tủn mủn cứ lẳng lặng len vào đời sống chúng tôi tự lúc nào để biến thành nếp sống rất tự nhiên.
Tôi còn nhớ những lần đầu tiên được phát nhu yếu phẩm, tôi đã phải thủ sẵn từ nhà để mang đi một cái túi vải. Nó vừa đủ rộng để chứa đủ nào là hộp sữa, bọc đường, mì gói, bột ngọt, đậu xanh, miếng thịt, xâu cá, lại có cả cuộn giấy đi cầu. Đeo một cái bị như thế để khi giáo viên túa ra khỏi trường lúc tan học, bà con hàng phố không nhìn thấy mình được lãnh những gì. Một ông thầy chữ nghĩa đầy đầu mà đi xách hộp sữa hay cuộn giấy đi cầu thì còn ra cái thể thống gì nữa. Nhưng riết rồi cái thói che che, giấu giấu đặc biệt “tiểu tư sản” ấy đã không còn là một thói quen hay nhu cầu cần thiết nữa.
Bây giờ thì chúng tôi thản nhiên mang ra khỏi trường từng bọc giấy, từng gói nylon, cái thì buộc túm ở sau xe, cái thì quàng vào tay lái trước, chẳng ai còn thấy phải quan tâm tới cái vẻ văn nhân mô phạm bề ngoài của một ông thầy trước con mắt dòm ngó của phụ huynh hay đám học trò của mình nữa.
***
Trở lại chuyện đài, báo, loa Phường um sùm về vụ điển hình chiếm đoạt tài sản XHCN ở khu Kinh tế mới Lê Minh Xuân, mới chỉ được vài hôm thì thằng Tửu đã kể với tôi :
- Bố em văng tục, thầy ơi ! Ông ấy bảo cái lũ Thành đoàn làm chuyện ruồi bu !
Tôi ngạc nhiên hỏi :
- Về chuyện gì vậy ?
- Thì chuyện bắt giữ thằng Thanh Niên Xung Phong vùi trộm mấy củ khoai ở ngoài luống chờ tới tối lẻn ra ăn sống cho đỡ đói ấy. Bố em bảo làm mất uy tín lãnh đạo lại còn phản tác dụng. Đang vận động Thanh niên gia nhập Thanh Niên Xung Phong để thực thi nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng thành quả Cách mạng, hiệu quả chưa thấy đâu, chỉ thấy lộ liễu cái cảnh đói rã họng phải đi đào trộm khoai ăn vụng. Thế mà lại còn khua chuông gõ mõ lên thì còn có ma nào nó dám gia nhập nữa.
Tôi hoan hỉ đáp :
- Bố em nói đúng đấy. Thầy cũng thấy chuyện này rất bất nhẫn.
Tửu tiếp :
- Bố em đã liên lạc với mấy tay bên Thành đoàn rồi. Cái vụ học tập điển hình này rồi sẽ tém dẹp hết !
Quả nhiên sau đó mọi sự trở nên im rơ. Câu chuyện tham ô tài sản ở Lê Minh Xuân lặng lẽ trôi vào quên lãng và nó cũng không gây ảnh hưởng bao nhiêu đến sự thúc đẩy thanh niên nam nữ gia nhập phong trào Thanh Niên Xung Phong đang được phát động rầm rộ.
Ở trường tôi, một vài học sinh thuộc lớp lớn tự nhiên thấy nghỉ học. Riêng tôi, có một hôm tan trường, vừa đạp xe qua ngã tư đầu phố nghe có tiếng gọi lại. Lúc tôi ngừng xe thì một anh học trò vốn theo học lớp của tôi từ mấy năm về trước đã chạy ra chào hỏi rồi bùi ngùi nói :
- Em chào từ giã thầy, ngày mai em không còn tới trường nữa.
Tôi ngạc nhiên :
- Sao vậy ? Chú chỉ còn có một năm nữa là xong bậc trung học rồi. Ráng lên !
- Em biết ! Nhưng chẳng làm sao được thầy ơi. Bố em đi học tập cải tạo. Phường Khóm hoạnh họe mẹ em đủ điều. Chỉ có cách em tham gia cách mạng thì họ mới để yên thôi. Mà cho dù có học cố hết cấp Ba để lên đại học thì cũng chẳng trường nào nhận đâu. Em “con Ngụy” nặng mà !
Tôi nhìn đứa học trò mà lòng lặng đi, chẳng thể cất lên được một lời nào để khuyên nhủ hay an ủi nó nữa. Chính sách kỳ thị những dân thuộc chế độ cũ đã thể hiện rõ trên nhiều mặt, ở nhiều nơi, nhiều lãnh vực. Đã thế, nó lại được áp dụng một cách rất tùy tiện, chẳng có một thứ văn bản quy định nào rõ rệt. Các địa phương cứ mặc sức mà làm. Chẳng thế mà lại đã có những tòa án nhân dân họp hành, xét xử con người ta một cách rất tức cười.
Như có một lần tôi được tới coi nhân dân trong Phường nhóm họp về vụ “Xét trả quyền Công dân” cho các anh lính VNCH cư ngụ tại địa phương, nơi tôi đang ở sau khi các anh đã học tập xong 3 ngày quy định. Nói chung, những ai chỉ bị đi học tập có 3 ngày thì sẽ được xét trả quyền công dân đúng như lời chính quyền đã hứa. Việc trao trả này cũng được thực hiện trong một buổi tổ chức có nghi thức đàng hoàng. Đó là một phiên tòa được triệu tập bao gồm các Tổ trưởng dân phố, thân nhân, gia đình các đương sự, các đại diện mọi Ban, Ngành, Đoàn thể. Một viên chức đại diện chính quyền Quận thì ngồi ghế chủ tọa. Bà con kéo tới tụ tập ngồi chật ních trong một căn nhà có phòng khách khá rộng mà chủ nhân của nó đã di tản và Phường trưng dụng làm gì tôi cũng chẳng rõ vì không có biển treo bên ngoài.
Trong phòng có kê một dẫy ghế gỗ dài, ở trên đó các cán bộ ngồi lố nhố thấy toàn khăn rằn ri hay mũ tai bèo. Bà con nhân dân thì đứng, ngồi la liệt vây quanh một khoảng trống vừa đủ chỗ đứng của gần chục người đang chờ xét xử. Rồi khi tên một người được xướng lên, anh ta tiến thêm ra một bước để cho mọi con mắt đổ dồn vào ngắm, nhìn. Có tiếng một người trong đám nhân dân Phường cất lên :
- Cái anh này tôi biết. Có đi lính nhưng không phải loại ác ôn. Trước có phá làng phá xóm nhưng nay tu tỉnh lại rồi. Đề nghị cho được hưởng quyền công dân.
Một tiếng khác vẻ gay gắt hơn :
- Tu tỉnh gì mà tóc còn để dài thế kia. Thiếu phẩm chất cách mạng.
Một cụ già đứng gần đó ôn tồn :
- Tóc dài thì biểu nó hớt ngắn đi. Nó đã học tập rồi, thì trả quyền công dân cho nó. Bà con có đồng ý không ?
Một loạt cánh tay giơ lên và nhiều cái miệng ồn ào :
- Đồng ý ! Đồng ý !
Thế là xong một vụ. Những anh lính khác thì có mất thì giờ hơn, vì còn bị hỏi những tội như có xì ke ma túy không, có nghe nhạc vàng không, có chịu tham gia công tác ở Phường, Khóm không, có móc ngoặc, buôn bán ngoài chợ trời không ..v..v…Nhưng rồi cũng suông sẻ cả. Các đương sự đều qua khỏi những màn hoạnh họe hay dạy dỗ và ai nấy đều hoan hỉ là kể từ nay “mình được là công dân” cùng với cái nghĩa là từ nay không còn bị Phường Khóm là khó dễ vì cái gốc “lính Ngụy” của mình nữa. Các đương sự sau đó đều được cấp một mảnh giấy to bằng bàn tay, trên chứng nhận đã đi học tập và đã được trả quyền công dân do Ủy ban Quân Quản cấp và có chữ ký của ông Cao Đăng Chiếm đi kèm với triện son đỏ chói.
Tuổi tác của các “tân công dân” này nom vẫn còn trẻ. Hầu hết chỉ trong khoảng từ 25 đến 30. Nghĩa là suốt cả thời kỳ thanh xuân của họ cũng đã nổi trôi theo vận nước mà lại ở vào thành phần lính tráng vốn phải gánh chịu hy sinh nhiều nhất, ít được hưởng thụ nhất, gia đình vợ con bị khốn đốn, vất vả nhất ngay cả khi chồng mình, cha mình đang xông pha nơi trận mạc.
Ấy thế mà những người lính VNCH này vẫn sống một cách hồn nhiên, vui vẻ. Ra trận mạc, họ lăn xả vào mũi tên hòn đạn. Trên đường hành quân, họ nghêu ngao những bài hát nào “ Đường trường xa, muôn vó câu reo chập chùng…”, nào “ Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có con sông lờ lững vờn quanh”…hay cũng có khi chứa chan tình yêu đôi lứa gặp nhau trong khoảnh khắc : “Anh chiến trường, em nơi hậu tuyến- Đời lính chiến vui gặp nhau đây -Đôi đứa mình còn mỗi đêm nay - Nói gì cạn niềm thương để rồi mai ta lên đường”. Ôi sao nghe mà mộc mạc, đơn sơ như tâm hồn bình dị của các anh. Nhiều người trong túi vải hành quân còn mang theo một cái đinh dài, bóng loáng để phòng khi không có đồ nhậu, thức nhắm thì chấm cái đinh vào chén nước tương rồi nhai vài lá ổi xanh để nhậu với chai bia, xị rượu mang theo. Vậy mà đời lính vẫn vui vì chan hòa tình đồng đội cùng với nghĩa vụ bảo vệ dân đè nặng lên hai vai.
Đấy là một vài hình ảnh của những người lính VNCH mà bây giờ phải chịu mang cái tên đầy dè bỉu là “lính Ngụy”. Nhưng họ cũng chẳng vì thế mà chất chứa thêm lòng phẫn hận. Ngày xưa đã quen chịu thiệt thòi, thì nay có chồng chất thêm vài nỗi nhọc nhằn cũng chẳng sao. Tuổi thanh xuân của họ qua bao vật đổi sao dời cũng sẽ lại nổi trôi theo vận nước. Giống như bà con, cô bác, xóm giềng bây giờ. Nhìn quanh, đâu có ai nhận ra là mình sẽ có một tương lai sáng sủa đâu.
Trong cái tâm trạng ấy, tôi đã nắm tay người học trò cũ mà lòng đầy ngậm ngùi. Tôi thấy rõ tôi đang buồn bã cho anh ta và cho ngay cả chính mình. Hai thầy trò không nói gì thêm mà chỉ có cảm giác nghẹn ngào trong nỗi niềm khi thấy mọi kỷ niệm êm đềm của những ngày tháng cũ đang dần dà bị phân rã.
Rồi anh ta lủi thủi đi khuất bóng vào giữa đám đông ồn ào của thành phố. Nom cứ như một giọt nước bỗng tan nhanh vào cái mênh mông của biển cả…..
(còn tiếp)
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.