giavui
10-27-2010, 03:29 AM
tác giả : Lê mai
http://www.photopox.com/Images/Flowers/flowers15gn.gif (http://www.photopox.com/Images/Flowers/flowers15gn.gif)
Cuốn tiểu thuyết thứ 8 ông mới in xong được vài ngày đã nhận được nhiều lời chúc mừng của bạn bè thân hữu. Ông vui. Ông tự thưởng cho mình vài ngày nghỉ ngơi để xả hơi, trước khi bắt tay vào việc hoàn thiện tập thơ tự sự của đời. Ông pha ấm chè Thái thật nóng. Ngồi nhâm nhi một mình trong căn nhà tuyềnh toàng đồ đạc, ông lơ đãng nhìn ra ngoài trời. Mưa! Mưa quá! Ngâu mà…
Chuông điện thoại ré lên như động cỡn. Ông nhấc máy, nhỏ nhẹ:
- Alô. Ai đấy ạ! Tôi là Hoàng, xin nghe.
- Hoàng hả. Khỏe chứ! Kha lán 9 đây! Nhớ không! Cuốn “Lẽ đời” được đấy. Hồ hởi, phấn khởi nhé!...
Ông giật thót người, buông rơi ống nghe xuống nền nhà. Trong màn mưa dầy đặc ông bỗng thấy quản giáo Quang lừ lừ đi vào. Vẫn da mặt bì bì, xàm xạm; vẫn cái phẩy mạnh tay vào không gian; vẫn cái miệng hơn hớn nói trước mọi phạm nhân: “Hồ hởi, phấn khởi nhé!” Ông chăm chắm nhìn quản giáo Quang… Những ký ức của hơn bốn mươi năm trước tưởng mãi mãi bị chôn vùi bỗng ào ạt sống dậy trong ông…
“Bao giờ đậy nắp áo quan
Mang theo xuống huyệt nỗi oan tày đình…”
Thơ ông từng viết thế.
Sau hội nghị Ấp Thôn, ông thấy mình rất hoang mang. Ở đâu, làm gì, ông cũng thấy như mình bị theo dõi, nghi ngờ. Nhiều người bạn vẫn ngày ngày bù khú, đàm đạo, trò chuyện với ông, giờ đây hình như họ tìm cách lảng tránh. Ông lơ mơ đoán: có chuyện rồi. Nhưng là chuyện gì thì ông chịu. Ông uể oải đạp xe đến nhà thi sĩ Phương – người nổi tiếng với biệt danh “Biết tuốt” để dò hỏi. Với vẻ mặt quan trọng của kẻ “biết tuốt” những bí mật quốc gia, thi sĩ Phương nhẩn nha nói: “Có nhiều người dò hỏi về cậu lắm, cậu phải liệu. Nghe nói, ở hội nghị Ấp Thôn người ta xếp cậu là Kẻ nổ phát súng đầu tiên của phái Nhân Văn đấy. Nổ phát súng đầu tiên, cậu hiểu không?” Nghe thế, ông trợn tròn mắt nói:
- Vô lý! Họ căn cứ vào đâu mà kết luận thế. Vô lý. Thậm vô lý!.
- Họ không vô lý đâu. Họ dựa vào đơn tố cáo của thằng Năng Lé. Nó dựng đứng chuyện cậu dịch bài “Văn nghệ và chính trị” của Lỗ Tấn là khơi mào cho một âm mưu. Tưng tửng hỏa mù thế thôi! Đấy, cái chết của anh em mình nằm ở chỗ ấy đấy. Văn chương mà, hiểu thế đếch nào chẳng được.
Lời tủng tẳng của thi sĩ Phương làm ông đã hoảng lại càng thêm hoảng…
Nhưng nỗi hoang mang không phải kéo lâu. Vào một ngày, ông cũng không rõ nắng mưa ra sao, chỉ biết vào khoảng gần trưa, có hai người đàn ông ăn mặc bình thường cùng người tổ trưởng dân phố bước vào nhà. Họ yêu cầu ông đứng dậy, rồi một người dõng dạc đọc lệnh khám nhà. Sau lệnh, tất cả giấy tờ, sách báo, bản thảo và cả những quyển sách Mác-Lê dày cộp cũng được xếp lên chiếc xích lô đỗ xịch trước cửa nhà. Ông cúi đầu lặng lẽ bước theo họ. Vẳng theo ông là những tiếng thút thít kìm nén của vợ con. Định dừng bước nói với vợ con vài lời, nhưng họng ông nghẹn ứ. Một cú huých nhẹ và một lời thúc giục nhỏ, nhưng đanh: Đi. Đi mau…
Trại 12 Hỏa Lò, vẫn thế - ông đưa mắt nhìn quanh. Trước thời gian, mọi vật đều biến đổi. Nhưng có lẽ, nhà tù là nơi biến đổi chậm hơn cả. Vẫn cái nhà xí mốc meo, hôi thối. Vẫn cái bể nước tầng tầng lớp lớp rêu phong. Vẫn cái không gian mờ mờ ẩm ẩm. Ở đây, hơn mười năm trước ông cùng các tù nhân trong trại đã tận mắt chứng kiến những giây phút bi tráng cuối cùng của người chiến sĩ cộng sản họ Hoàng trước khi ra pháp trường. Cũng ở đây, ông phải căng đầu suy nghĩ để chống lại những cuộc hỏi cung mưu mô và căng thẳng của bọn Phòng Nhì Pháp. Hơn mười năm trước, tang chứng vật chứng “phản lọan” của ông và các đồng chí đã rõ ràng nên kẻ thù mới đầy được ông lên Sơn La… Giờ tang chứng, vật chứng có gì đâu cơ chứ! Hơn nữa, lòng ông sạch. Ông thanh thản chờ đợi cuộc hỏi cung để tự biện minh cho mình. Nhưng… Chờ mãi, chờ mãi vẫn chẳng thấy gì. Nửa tháng sau, ông được đưa lên núi rừng Yên Bái. Những thâm niên ở nhà tù Hỏa Lò, Sơn La ngày trước bỗng thức dậy trong ông một sự dò kiếm, tìm hiểu những điểm giống nhau, khác nhau giữa chúng với trại cải tạo Yên Bái của ta bây giờ. Núi thì cũng điệp trùng, rừng thì cũng âm u đến như Sơn La là cùng. Có lẽ nhà tù Đế Quốc hiện đại hơn, nhiều bê tông, nhiều kẽm gai sắt thép hơn và dữ dằn hơn – lính canh gác quanh mình đầy súng đạn, còn ở đây thì… chỉ những lán tre nứa, ọp ẹp; chỉ những sạp giường nứa gồ ghề và những hàng rào tre nứa sơ sài và những anh quản giáo hiền hiền ngô ngố. Nhưng chớ coi thường… Ở Sơn La còn có thể vượt ngục được nhưng ở đây thì… trốn ra ngoài rồi sống ở đâu, vợ con sẽ ra sao? Ông khẽ rùng mình. Ở lán trung tâm ông thoáng nhìn thấy văn sĩ Phùng, thi sĩ Thảo, họa sĩ Phạm. Mấy gã còn nháy mắt gật đầu trêu ông như ở ngoài đời. Ông vội quay mặt, lờ đi như không biết gì – kinh nghiệm tù dạy ông phải thế. Sao lại đông thế nhỉ? Họ mắc tội gì? Ông thèm được nói chuyện với họ quá mà không dám nhìn lâu.
Lán 9 – nơi ông ở có 16 phạm nhân. Mươi anh ăn cắp vặt, du thủ du thực; dăm anh đâm người, đánh vợ; ông và Apao (nghe nói, đâu như anh này chứa chấp thổ phỉ). Một dãy nhà tre nứa, tuềnh toàng, ọp ẹp nằm thườn thượt như nấm mồ hoang, cỏ chui qua vách nứa. Ông hòa nhập nhịp sống của trại rất nhanh. Sáng sáng, khi hồi kẻng lành lạnh rờn rợn ré lên, là ông đổ nước vào miệng, súc òng ọc vài cái rồi ra lĩnh củ khoai ăn sáng. Xong là ra lĩnh cuốc xẻng, quang gánh – công cụ cho một ngày lao động. Định mức là rất rõ ràng cụ thể, nhưng có hoàn thành hay không lại là việc không quan trọng. Quan trọng là ý thức: phân công việc gì cũng chấp hành không ý kiến, không thắc mắc. Quan trọng là: khi có mặt quản giáo phải cố làm việc hăng say, chờ lúc quản giáo vẫy tay gọi phải nhanh nhẹn chạy đến, đứng cách xa 3m cúi đầu, lắng nghe lời huấn thị, giáo dục của quản giáo: “Hồ hởi, phấn khởi nhé – Đào sâu suy nghĩ nhé!” Tất cả chỉ có thế thôi. Rồi buổi tối ngồi gật gà bình xét. Khổ, đói rồi cũng quen, nhưng nhớ nhà thì không thể. Chiều chiều, sau bữa cơm thấy Apao lánh riêng ra một chỗ, đăm đắm nhìn rừng núi thâm u là ông lại lặng lẽ rơi nước mắt. Apao nó đang nhớ nhà, nhớ rừng… Ngày ông bị bắt, đứa con út mới sinh được mấy ngày, mới chỉ kịp đặt tên. Vợ đã yếu giờ lại bị cho thôi việc. Tấm thân gày còm ấy giờ đây biết làm gì để nuôi bốn đứa con nhỏ dại. Tuần trước, nghe nói, họ cử cán bộ đến tận nhà vận động vợ con ông đi xây dựng vùng kinh tế mới. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn… Những lời nói đường mật… Những viễn cảnh ngọt ngào… Lòng ông nóng như lửa đốt. Ông muốn thét vào không gian dặn vợ: “Cố bám chặt lấy phố phường. Cống rãnh, đường phố sẽ giúp Em và các con vượt qua hoạn nạn.” Nhưng núi rừng trùng điệp thế, không gian mang mang thế làm sao ông dặn nổi vợ con! Ông đau đáu thấy mình có tội với vợ con. Bất lực, bí tắc, ông lê chân đến đứng trước mặt người quản giáo – người trạc tuổi con ông, chưa đọc thông viết thạo. Ông chắp tay, cúi đầu, giữ đúng khoảng cách 3 mét rồi nhỏ nhẹ thưa: “Thưa cán bộ, trường hợp tôi bao giờ thì được ra toà?” Ra tòa! Phải! Ra tòa! Các phạm kinh tế hay hình sự ở lán ông ai cũng đã được ra tòa. Họ có án đàng hoàng. Họ biết rõ ngày đi – cũng biết rõ ngày về. Còn ông… Ông mong ước được ra tòa. Ra tòa – ông nghĩ: Mọi việc sẽ được phân định rõ ràng. Trắng ra Trắng. Đen ra Đen. Lúc ấy, dẫu có phải đi tù ông cũng không oan ức. Người quản giáo nhìn ông. Nhìn từ đầu xuống chân rồi khinh khỉnh nói:
- Ông là nhà văn có tiếng mà còn dốt thế! Tù rồi còn đòi ra tòa làm gì?
Ông lạnh người nhận ra cái tuyệt đúng, tuyệt gọn, tuyệt dễ hiểu của lời lẽ anh quản giáo, nhưng như thế thì mông lung quá, mịt mờ quá… Ông rụt rè thưa tiếp:
- Nếu không ra tòa, không có án tôi biết sao được tội gì? Hình phạt là bao nhiêu năm?
Nhìn ông, anh quản giáo cười hiền, tỏ ý thông cảm:
- Dốt thế, ở tù cũng đáng... Ông là đi học tập, đi cải tạo chứ có phải tù đâu mà hỏi án bao nhiêu năm. Đi học tập, đi cải tạo thì bao giờ học tập tốt, cải tạo tốt thì… ra trường. Tốt nghiệp ý mà! Muốn biết bao nhiêu năm thì phải tự hỏi mình chứ hỏi gì tôi. Thôi, hồ hởi, phấn khởi nhé!.
Ông ghìm tiếng thở dài ngao ngán, biết mình rơi vào tình trạng sống dở chết dở rồi, muốn thoát khỏi nó chỉ còn cách:
“… Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm hại
Khôn ngoan không dám làm người
Bao nhiêu lần tôi không thực là tôi…”
Phải biết chấp nhận thực tại. Chấp nhận một cách hồn nhiên và phải luôn hồ hởi, phấn khởi. Apao đấy. Họa sĩ Kha đấy. Họ đi tù rất hồn nhiên, đâu có trĩu nặng như ông. Càng hồn nhiên, giác ngộ tốt, hồ hởi, phấn khởi, sẽ càng chóng… ra trường.
Mấy tháng sau, ông được giám thị gọi lên giao nhiệm vụ mới: làm y sinh – dùng lá lẩu quanh trại chữa bệnh cho phạm nhân của trại. Hồ sơ lý lịch cho họ biết, ông có tài vặt này từ khi ngồi tù thực dân ở Sơn La, có lẽ vậy. Tốt quá! Nhận nhiệm vụ mới ông rất vui. Vui vì nhiều lẽ. Từ đây ông được tạm chia tay với cuốc, với xẻng, với gánh phân… với những tối ngồi bình xét ngày lao động. Từ đây không có người giám sát, ông sẽ có thời gian tranh thủ hái thêm mớ rau rừng, vồ thêm con cóc, đập thêm con rắn cải thiện bữa ăn, bồi dưỡng cơ thể để còn có sức mà về với mẹ đĩ. Ông bồi hồi nhớ tới lần vô tình nhìn thấy con cua đang lổm ngổm bò dưới đáy ruộng lúa. Ông gạt vội đám đỉa lúc nhúc ngoe nguẩy trên mặt nước, ào xuống ruộng, vồ gọn mấy chú cua. Xé từng con ăn sống, mà chất ngọt chất bổ của con cua thấm đến đâu ông biết rõ đến đấy. Đúng là bổ hơn cả nhân sâm. Từ đây, ông sẽ có dịp la cà sang các lán chuyện trò, thỏa chí tò mò ham biết của nhà văn. Và nhất là việc trị bệnh cứu người còn giúp ông nuôi dưỡng ngọn lửa tính người mà giờ đây trong ông nó chỉ còn leo lét cháy… Nghe đồn, ở lán chân đồi còn gọi lán Đồi Ma có nhốt một phạm lạ. Phạm này chẳng biết mắc tội gì. Cũng chẳng biết có điên hay không. Chỉ biết từ ngày vào trại hắn chỉ nói, nói sang sảng, nói toàn đúng, nói tới mức giám thị trại phải nhốt riêng hắn ra một lán khuất nẻo. Hôm trên đường sang lán 4 chữa bệnh, ông ngó trước ngó sau không thấy ai liền tạt sang lán Đồi Ma. Đúng lời đồn, khi còn cách lán vài chục mét ông đã nghe tiếng nói sang sảng phát ra. Giọng nói có âm có sắc, tròn vành rõ chữ, khúc triết mạch lạc nhưng đã đuối. Ông ghé mắt nhòm qua vách lán. Trong không gian tử thần có một bộ xương người ngồi ngay ngắn trên mặt sạp nứa dài thườn thượt. Từ lỗ thủng sâu hoắm trên chiếc đầu lâu sang sảng phát ra tiếng nói rất hay và tuyệt đúng. Ông rùng mình, bỏ chạy. Hai ngày sau hắn chết. Ông ghìm tiếng thở dài, thương lắm số kiếp một sinh linh nhỏ bé. Con người có số phận không? Ông nhớ, sau lần vượt ngục Sơn La, tổ chức Đảng cho người tìm đến tận nhà giao cho ông một cái chức kha khá… Tiếp theo là những ngày hoạt động sôi nổi, tràn đầy hào khí. Những bài thơ, trang văn, lời kịch đậm đà lòng yêu nước diết da toát ra trong bản ngã của con người nhân hậu có sức hút công chúng lạ lùng. Ông hừng hực sống. Ông rạo rực sống. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, toàn Đảng toàn dân náo nức bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, ông háo hức vung ngọn bút náo động kịch trường. Ngày đêm ông say sưa làm việc, lúc viết kịch bản, viết báo, viết thơ…, khi làm đạo diễn chọn diễn viên, phân vai, chọn cảnh; lúc gặp người này, khi người khác gặp… náo nức tưng bừng… Thế mà bỗng nhiên, thoắt một cái thành thằng tù xa vợ, lìa con, bạn bè lảng tránh…
Ông ngậm ngùi chợt nhớ đến cái ngày ra tù… “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài”. Ra tù, ở Yên Bái tiếng ấy reo vang, hừng hực như lửa phát nương nhưng khi về đến đô thành nó trở thành đốm lửa ma lạnh lẽo. Ở Yên Bái bạn tù lưu luyến tiễn đưa, về đến nhà không bạn bè thăm viếng. Thậm chí mấy ngày sau, ra phố vô tình gặp người bạn văn (người bạn hiểu rõ nỗi oan khuất của ông giờ đã có chức có quyền trong làng văn nghệ), người đó kéo sụp mũ che mặt lảng tránh… Cũng phải thôi, họ sợ liên lụy. Ông tự nhắc mình: giờ đây trong quan hệ mình phải thận trọng giữ gìn đừng để liên lụy đến bạn bè hàng xóm. Ngày ông đến đồn công an trình báo, người chiến sĩ công an trạc tuổi con ông (cái tuổi mà khi ông và đồng đội bừng bừng dũng khí tham gia cướp chính quyền thực dân – phong kiến, chúng còn đỏ hỏn) nghiêm khắc, ân cần giáo dục và nhắc nhở ông phải sống sao cho ra sống. Lòng ông nhức nhối, buốt đau. Giá trước đây thì… Nhưng giờ đây, sau những lời giáo huấn đó là hộ khẩu, tem gạo; là người vợ và những đứa con xanh xao, gầy còm, ngơ ngác sống, rụt rè sống, nhẫn nhục sống… Ông lểu thểu về nhà, lăn ra giường và nghĩ miên man. Phải kiếm việc để làm ngay – ông tự nhủ. Nhưng, làm gì? Văn sĩ Đoàn nói: “Vì không biết làm gì, tôi phải làm nhà văn.” Còn ông, đến nhà văn cũng không được làm thì làm gì? Làm gì?... Té ra, một ngày ở ngoài nghìn thu ở tù. Ông lò dò đến thùng gạo. Mở nắp thùng thấy chỉ còn vài lon gạo. Ông giật mình hiểu ra cái khảnh ăn của vợ con. Thảo nào, vợ con ông gầy gò, xanh xao thế! Phải tìm việc đi làm ngay – ông tự nhủ rồi đi luôn đến nhà văn sĩ Trần. Nghe nói, mình đi Yên Bái được ít lâu thì cậu ấy cũng bị nghỉ việc. Lăn lộn hè phố lâu rồi, chắc cậu ấy có nhiều mối tìm việc, lo gì ế! Ông căng mắt nhìn xiên vào lớp không gian mờ mờ ảo ảo, trống trải, lạnh lẽo như căn nhà mồ và giật mình, ngơ ngác khi nhận ra hình dạng người bạn nối khố. Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu! Đúng là: hết thời kỳ oanh đến thời kỳ liệt. Còn đâu văn sĩ Trần đầy vẻ tinh tướng. Ăn mặc thì phong lưu, đài các. Lời nói thì khúc triết, văn hoa. Đi đứng thì ung dung tự tại. Giờ đây, văn sĩ Trần lừng danh đang ngồi co ro như chú gà rù trên chiếc giường giẻ quạt cũ, đầu gối quá tai, nom rũ rượi, thê lương hơn con bù nhìn trên ruộng. Vừa nhìn thấy ông, văn sĩ Trần hơi ngửa mặt cười và nói luôn:
- Học tập xong rồi hả? Giác ngộ rồi, đến giáo huấn ta đấy phỏng?... Ngẫm kỹ thấy anh cũng giỏi. Giỏi lắm! Người đời phải gây tội mới được tù. Còn anh, chẳng phải nhọc xác gây gì cũng được tù. Thời Pháp đi tù thời Pháp. Thời ta đi tù thời ta. Thời nào cũng được tù. Dễ thường nghề tù cũng đến kịch bậc rồi chứ kém cỏi gì!
- Tưởng cậu hộ khẩu ngoài đường phố. Biết đâu lại “cấm cung” thế này! Yếu liễu đào tơ quá! Nghe nói, tớ đi Yên Bái được mấy tháng thì cậu cũng có quyết định cho thôi việc hả?
- Quyết định quyết đeo gì đâu. Sau mấy hôm kiểm điểm, đến cơ quan làm việc tự dưng thấy anh em nhạt nhẽo với mình quá. Cứ xà vào đâu thì chúng nó hình như lại lảng đi. Cũng chẳng thấy thủ trưởng phân công công việc… Được vài hôm như thế thì chán, thì nghỉ, chứ quyết định quyết đeo gì. Ông Trương, thằng Phùng, thằng Nguyễn cũng nghỉ việc cơ quan rồi. Thằng Phùng ra bờ hồ cắt tóc, gần cây đa ở đền Ngọc Sơn ấy. Ông Trương tối tối xách sọt đi các chợ, bới rác nhặt lá lẩu về nuôi lợn, nuôi người. Thằng Nguyễn đi đội than ở Vọng. Ông có biết thằng Văn không? Thằng ấy hóa ra số sướng ông ạ. Khi ở nhà, thì nhà cạnh hồ, tha hồ sát cá. Giờ lại được điều đến nông trường trông giữ mía cho Hợp tác xã ông ạ. Đúng là chuột sa chĩnh gạo. Phải tay ông thì, mía sẵn đấy ông cứ “tẩn” cho đã đời.
- Ông tìm được việc làm ổn định như chúng nó chưa?
- Ông lạ gì tôi. Tôi thì làm được cái đếch gì ngoài việc viết. Học từ tấm bé đến giờ. Cái kìm còn không biết cách cầm. Mó phải cuộn dây điện nằm trong tủ còn sợ giật. Giờ không được viết nữa thì ở nhà trông nhà, nấu cơm, cho vợ với cái mẹt thuốc lá lê la đầu đường xó chợ. Thương bà ấy, trước tôi cũng lò dò ra giúp thêm. Nào ngờ cứ dò ra lần nào là lần ấy mẹt thuốc bị bắt. Họ không bắt mình mà chỉ bắt mẹt thuốc mới đau. Sau bà ấy cấm chỉ, bắt tôi cấm cung ở nhà. Lúc nào buồn quá thì… “Mây ở đầu ô, mây lang thang”…
- Nghe nói, cậu Hoàn – bạn con chấy cắn đôi với cậu, dạo này lên to lắm. Đến nhờ nó một câu việc gì chẳng xong. Có việc làm nó mới ra con người ông ạ.
- Tớ đếch đến! Mình gặp nạn nó không đến, mình lại mò đến xin xỏ, nhờ vả nó thì còn ra đếch gì cái tình bạn. Mà có lẽ bạn mình tinh những loại hiểu biết, giỏi giang, vô tình gặp mình trên phố chúng đều biết cách kéo sụp mũ xuống che mặt, lảng tránh. Làm vậy đỡ khó xử ông ạ!
“ Mai sau có gặp lại nhau.
Xin đừng cúi mặt để đau lời chào.”
Nó không đánh hôi mình thế là tốt rồi.
- Nó thù ghét gì mình mà đánh hôi. Chẳng qua là do bị phân công mà phải viết thôi. Thông cảm với chúng nó – người mà.
- Ông ở xa nên không biết. Đúng là chúng nó chẳng có thâm thù gì với mình. Đúng là có đứa bị phân công, nhưng cũng có đứa vì chút lợi lộc, quyền chức nhỏ nhoi mà a dua, xiểm nịnh. Có đứa té nước theo mưa để ra vẻ ta đây là oai, là quan trọng, là trung thành và cách mạng tới cùng… Lão Sơn đấy, khi bài Nam Chinh mới ra đời thì hết lời khen ngợi, tụng ca, giờ thì quay ngoắt 180 độ phê cái này, phán cái kia, đọc mà lợm giọng. Nhưng thôi, giờ cái gì đã qua rồi thì cho qua luôn, không giữ cho khỏi rặm bụng. Hỏi thật nhá: Hôm nay anh đến định nhờ tôi xin việc chứ gì? Phải thì khai ra!
- Phải! Nhưng tôi về đây. Ốc còn chẳng mang nổi mình ốc…
- Thế mà lại mang được cọc cho rêu đấy. Ông có thích đi đẩy xe bò không? Đẩy thôi. Phụ thôi. Không được cầm càng đâu. Cầm càng là phải giỏi lắm! Lớ ngớ nó tùng bê mẹ xe bò lên, người lơ lửng trên không trung như con nhái bén ấy. Tôi có quen anh tổ trưởng tổ vận chuyển Toàn Thắng. Chưa bại lần nào. Ở đấy họ đang cần tuyển một người đẩy xe kiêm bốc dỡ hàng. Lương công nhật đồng tư một ngày, không cao lắm nhưng cũng nhiều hơn tiền công đan thuê của mấy con vịt giời nhà ông. Bở đấy. Thích thì tôi xin cho. Áo quần đầu tóc lếch thếch thế này là tốt rồi nhưng… phải cái là da còn trắng quá, mịn quá.
- Bở đấy. Ông làm đi. Tôi đâu dám cướp “nắm cơm chim” của bạn.
- Tôi cũng muốn làm lắm nhưng họ không dám nhận. Không dám nhận ông hiểu không? Cái tình thế khốn nạn của tôi là thế đấy. Thà như ông đi tù rồi là xong. Thằng tù rồi thì làm gì mà chẳng được. Còn thằng tôi, thật sống dở chết dở…Việc đang làm thì tự nhiên nghỉ. Bài viết chẳng dám in… Chẳng có tai tiếng gì nên thiên hạ họ vẫn nghĩ mình cao sang lắm… Anh đây công tử không nhà. Cái áo đi mượn cái quần đi thuê… mà họ vẫn tưởng là ông nọ bà kia. Tôi đã xin tay tổ trưởng rồi, hắn tưởng tôi nói lỡm nên lại nói dỗi, càng làm mình thêm đau. Thế có chết cha mình không. Thôi, không dài dòng, ông theo tôi đến gặp nó ngay, không nó nhận người khác thì khốn…
Ông từ từ mở mắt, nhấp nhẹ một hớp chè, tự thưởng cho cái trí nhớ của mình. Mấy chục năm ba chìm bảy nổi ngỡ tưởng tất cả đã trôi vào quên lãng, nào ngờ… Ông nhớ rõ từng chi tiết, từng từ ngữ, từng biến thái sắc mặt của văn sĩ Trần trong cuộc trò chuyện đó. Giờ đây bạn ông đã là người thiên cổ. Hết rồi, đời của một con người tài hoa bạc phận nhưng những gì bạn ông làm được lúc văn chui – rượu lậu vẫn còn cả đấy… Những trang văn, những bài thơ bạn âm thầm viết, giấu vợ, giấu con, giấu bè giấu bạn… mà sao thấm đẫm tình người, mà sao run rẩy cõi không gian. Giá mà ông Trần còn sống, cùng ông đi dự lễ phát giải thưởng văn chương cho ông Sâm (trong lũ chúng ta) thì ông Trần sẽ nói gì, khi thấy cảnh vợ con ông Sâm xốc nách, đặt ông lên ghế ngồi. Còn ông Sâm chỉ lặng lẽ ngồi, mặc cho mấy giọt cặn lệ khó nhọc rỉ ra nơi khóe mắt. Một vinh quang cay đắng. Một hạnh phúc muộn mằn. Ai đó nói nhỉ:
Hạnh phúc đến sao người thân nước mắt rưng rưng
Hạnh phúc muộn, mong manh hơn sợi khói
Hạnh phúc đến, anh lặng không cười nói
Anh biết mình, không còn được như xưa…
Thương những giọt nước mắt rơi
Nuối tiếc thời hoa đỏ
Lo sợ ngày mai…
Trên đỉnh cao vời vợi
Gió rít mịt mùng
Đỉnh chon von, chơi vơi…
Mà anh tóc bạc, da mồi…
Hạnh phúc muộn như trái cây chín ép
Chỉ nhợt nhờ, ưng ửng đến quái thai
Chỉ sợ xấu trai!
Không cần đẹp lão!
Phải lắm! Đẹp lão còn nhử được ai! Mà có nhử được cũng bất lực, phí cả cái đẹp đi. Nhưng nói thế liệu có thái quá không? Vì méo mó có vẫn hơn không. Hơn nữa, chí ít đó cũng là sự ghi nhận: lũ các ông đâu phải tồi. Suối giải oan cũng bớt đi được vài chục giọt… Ông tủm tỉm cười khi nghĩ tới cảnh ông hân hoan từ nhà văn sĩ Trần về báo cho vợ con biết tin: ông đã trúng tuyển và được bổ nhiệm làm thằng đẩy xe bò kiêm bốc vác trong tổ vận chuyển Toàn Thắng – không bại. Nghĩ vợ con cũng mừng rú như ông, nào ngờ… Họ ôm mặt khóc thút thít. Những tiếng nấc nức nở, xót thương làm ông hoảng sợ. Thời gian sau, khi công việc đi vào ổn định, cả nhà đã quen cảnh sáng sáng ông úp chiếc nón rách lên đầu, tay xách liễn cơm lầm lũi bước ra khỏi nhà, vợ ông mới nói: hôm đó họ khóc vì họ thương ông quá. Một nguời chữ nghĩa đầy mình, thông minh sáng láng, tiếng Tây tiếng Tầu vanh vách…, phải đi tù còn có thể hiểu được, chứ làm ông xe bò kéo thì họ chưa bao giờ tưởng tượng được. Cái bà, trông thế mà lạc hậu. Còn vương vít tư tưởng tiểu tư sản (Tạch – Tạch – Sè). Thời đại mới: lao động là vinh quang. Là nhà văn, là nghệ sĩ, là giáo viên hay anh hót cứt đều vinh quang tuốt. Ăn trộm ăn cướp của ai mà xấu hổ. Hơn nữa, lao động sinh niềm vui. Tự giác ngộ mình thế thôi, nhưng thực lòng những ngày đầu đi đẩy xe bò ông thấy ngượng ngùng, xấu hổ… Vẫn chỉ dám cắm mặt xuống đường và rất lo gặp người quen. Lòng tự nhủ phải dấu mình, để lòi đuôi ra thì rách việc lắm…
“… Li ti đi dưới gầm trời
Vẫn lo nhiều lúc mây rơi trúng đầu…”
http://www.photopox.com/Images/Flowers/flowers15gn.gif (http://www.photopox.com/Images/Flowers/flowers15gn.gif)
Cuốn tiểu thuyết thứ 8 ông mới in xong được vài ngày đã nhận được nhiều lời chúc mừng của bạn bè thân hữu. Ông vui. Ông tự thưởng cho mình vài ngày nghỉ ngơi để xả hơi, trước khi bắt tay vào việc hoàn thiện tập thơ tự sự của đời. Ông pha ấm chè Thái thật nóng. Ngồi nhâm nhi một mình trong căn nhà tuyềnh toàng đồ đạc, ông lơ đãng nhìn ra ngoài trời. Mưa! Mưa quá! Ngâu mà…
Chuông điện thoại ré lên như động cỡn. Ông nhấc máy, nhỏ nhẹ:
- Alô. Ai đấy ạ! Tôi là Hoàng, xin nghe.
- Hoàng hả. Khỏe chứ! Kha lán 9 đây! Nhớ không! Cuốn “Lẽ đời” được đấy. Hồ hởi, phấn khởi nhé!...
Ông giật thót người, buông rơi ống nghe xuống nền nhà. Trong màn mưa dầy đặc ông bỗng thấy quản giáo Quang lừ lừ đi vào. Vẫn da mặt bì bì, xàm xạm; vẫn cái phẩy mạnh tay vào không gian; vẫn cái miệng hơn hớn nói trước mọi phạm nhân: “Hồ hởi, phấn khởi nhé!” Ông chăm chắm nhìn quản giáo Quang… Những ký ức của hơn bốn mươi năm trước tưởng mãi mãi bị chôn vùi bỗng ào ạt sống dậy trong ông…
“Bao giờ đậy nắp áo quan
Mang theo xuống huyệt nỗi oan tày đình…”
Thơ ông từng viết thế.
Sau hội nghị Ấp Thôn, ông thấy mình rất hoang mang. Ở đâu, làm gì, ông cũng thấy như mình bị theo dõi, nghi ngờ. Nhiều người bạn vẫn ngày ngày bù khú, đàm đạo, trò chuyện với ông, giờ đây hình như họ tìm cách lảng tránh. Ông lơ mơ đoán: có chuyện rồi. Nhưng là chuyện gì thì ông chịu. Ông uể oải đạp xe đến nhà thi sĩ Phương – người nổi tiếng với biệt danh “Biết tuốt” để dò hỏi. Với vẻ mặt quan trọng của kẻ “biết tuốt” những bí mật quốc gia, thi sĩ Phương nhẩn nha nói: “Có nhiều người dò hỏi về cậu lắm, cậu phải liệu. Nghe nói, ở hội nghị Ấp Thôn người ta xếp cậu là Kẻ nổ phát súng đầu tiên của phái Nhân Văn đấy. Nổ phát súng đầu tiên, cậu hiểu không?” Nghe thế, ông trợn tròn mắt nói:
- Vô lý! Họ căn cứ vào đâu mà kết luận thế. Vô lý. Thậm vô lý!.
- Họ không vô lý đâu. Họ dựa vào đơn tố cáo của thằng Năng Lé. Nó dựng đứng chuyện cậu dịch bài “Văn nghệ và chính trị” của Lỗ Tấn là khơi mào cho một âm mưu. Tưng tửng hỏa mù thế thôi! Đấy, cái chết của anh em mình nằm ở chỗ ấy đấy. Văn chương mà, hiểu thế đếch nào chẳng được.
Lời tủng tẳng của thi sĩ Phương làm ông đã hoảng lại càng thêm hoảng…
Nhưng nỗi hoang mang không phải kéo lâu. Vào một ngày, ông cũng không rõ nắng mưa ra sao, chỉ biết vào khoảng gần trưa, có hai người đàn ông ăn mặc bình thường cùng người tổ trưởng dân phố bước vào nhà. Họ yêu cầu ông đứng dậy, rồi một người dõng dạc đọc lệnh khám nhà. Sau lệnh, tất cả giấy tờ, sách báo, bản thảo và cả những quyển sách Mác-Lê dày cộp cũng được xếp lên chiếc xích lô đỗ xịch trước cửa nhà. Ông cúi đầu lặng lẽ bước theo họ. Vẳng theo ông là những tiếng thút thít kìm nén của vợ con. Định dừng bước nói với vợ con vài lời, nhưng họng ông nghẹn ứ. Một cú huých nhẹ và một lời thúc giục nhỏ, nhưng đanh: Đi. Đi mau…
Trại 12 Hỏa Lò, vẫn thế - ông đưa mắt nhìn quanh. Trước thời gian, mọi vật đều biến đổi. Nhưng có lẽ, nhà tù là nơi biến đổi chậm hơn cả. Vẫn cái nhà xí mốc meo, hôi thối. Vẫn cái bể nước tầng tầng lớp lớp rêu phong. Vẫn cái không gian mờ mờ ẩm ẩm. Ở đây, hơn mười năm trước ông cùng các tù nhân trong trại đã tận mắt chứng kiến những giây phút bi tráng cuối cùng của người chiến sĩ cộng sản họ Hoàng trước khi ra pháp trường. Cũng ở đây, ông phải căng đầu suy nghĩ để chống lại những cuộc hỏi cung mưu mô và căng thẳng của bọn Phòng Nhì Pháp. Hơn mười năm trước, tang chứng vật chứng “phản lọan” của ông và các đồng chí đã rõ ràng nên kẻ thù mới đầy được ông lên Sơn La… Giờ tang chứng, vật chứng có gì đâu cơ chứ! Hơn nữa, lòng ông sạch. Ông thanh thản chờ đợi cuộc hỏi cung để tự biện minh cho mình. Nhưng… Chờ mãi, chờ mãi vẫn chẳng thấy gì. Nửa tháng sau, ông được đưa lên núi rừng Yên Bái. Những thâm niên ở nhà tù Hỏa Lò, Sơn La ngày trước bỗng thức dậy trong ông một sự dò kiếm, tìm hiểu những điểm giống nhau, khác nhau giữa chúng với trại cải tạo Yên Bái của ta bây giờ. Núi thì cũng điệp trùng, rừng thì cũng âm u đến như Sơn La là cùng. Có lẽ nhà tù Đế Quốc hiện đại hơn, nhiều bê tông, nhiều kẽm gai sắt thép hơn và dữ dằn hơn – lính canh gác quanh mình đầy súng đạn, còn ở đây thì… chỉ những lán tre nứa, ọp ẹp; chỉ những sạp giường nứa gồ ghề và những hàng rào tre nứa sơ sài và những anh quản giáo hiền hiền ngô ngố. Nhưng chớ coi thường… Ở Sơn La còn có thể vượt ngục được nhưng ở đây thì… trốn ra ngoài rồi sống ở đâu, vợ con sẽ ra sao? Ông khẽ rùng mình. Ở lán trung tâm ông thoáng nhìn thấy văn sĩ Phùng, thi sĩ Thảo, họa sĩ Phạm. Mấy gã còn nháy mắt gật đầu trêu ông như ở ngoài đời. Ông vội quay mặt, lờ đi như không biết gì – kinh nghiệm tù dạy ông phải thế. Sao lại đông thế nhỉ? Họ mắc tội gì? Ông thèm được nói chuyện với họ quá mà không dám nhìn lâu.
Lán 9 – nơi ông ở có 16 phạm nhân. Mươi anh ăn cắp vặt, du thủ du thực; dăm anh đâm người, đánh vợ; ông và Apao (nghe nói, đâu như anh này chứa chấp thổ phỉ). Một dãy nhà tre nứa, tuềnh toàng, ọp ẹp nằm thườn thượt như nấm mồ hoang, cỏ chui qua vách nứa. Ông hòa nhập nhịp sống của trại rất nhanh. Sáng sáng, khi hồi kẻng lành lạnh rờn rợn ré lên, là ông đổ nước vào miệng, súc òng ọc vài cái rồi ra lĩnh củ khoai ăn sáng. Xong là ra lĩnh cuốc xẻng, quang gánh – công cụ cho một ngày lao động. Định mức là rất rõ ràng cụ thể, nhưng có hoàn thành hay không lại là việc không quan trọng. Quan trọng là ý thức: phân công việc gì cũng chấp hành không ý kiến, không thắc mắc. Quan trọng là: khi có mặt quản giáo phải cố làm việc hăng say, chờ lúc quản giáo vẫy tay gọi phải nhanh nhẹn chạy đến, đứng cách xa 3m cúi đầu, lắng nghe lời huấn thị, giáo dục của quản giáo: “Hồ hởi, phấn khởi nhé – Đào sâu suy nghĩ nhé!” Tất cả chỉ có thế thôi. Rồi buổi tối ngồi gật gà bình xét. Khổ, đói rồi cũng quen, nhưng nhớ nhà thì không thể. Chiều chiều, sau bữa cơm thấy Apao lánh riêng ra một chỗ, đăm đắm nhìn rừng núi thâm u là ông lại lặng lẽ rơi nước mắt. Apao nó đang nhớ nhà, nhớ rừng… Ngày ông bị bắt, đứa con út mới sinh được mấy ngày, mới chỉ kịp đặt tên. Vợ đã yếu giờ lại bị cho thôi việc. Tấm thân gày còm ấy giờ đây biết làm gì để nuôi bốn đứa con nhỏ dại. Tuần trước, nghe nói, họ cử cán bộ đến tận nhà vận động vợ con ông đi xây dựng vùng kinh tế mới. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn… Những lời nói đường mật… Những viễn cảnh ngọt ngào… Lòng ông nóng như lửa đốt. Ông muốn thét vào không gian dặn vợ: “Cố bám chặt lấy phố phường. Cống rãnh, đường phố sẽ giúp Em và các con vượt qua hoạn nạn.” Nhưng núi rừng trùng điệp thế, không gian mang mang thế làm sao ông dặn nổi vợ con! Ông đau đáu thấy mình có tội với vợ con. Bất lực, bí tắc, ông lê chân đến đứng trước mặt người quản giáo – người trạc tuổi con ông, chưa đọc thông viết thạo. Ông chắp tay, cúi đầu, giữ đúng khoảng cách 3 mét rồi nhỏ nhẹ thưa: “Thưa cán bộ, trường hợp tôi bao giờ thì được ra toà?” Ra tòa! Phải! Ra tòa! Các phạm kinh tế hay hình sự ở lán ông ai cũng đã được ra tòa. Họ có án đàng hoàng. Họ biết rõ ngày đi – cũng biết rõ ngày về. Còn ông… Ông mong ước được ra tòa. Ra tòa – ông nghĩ: Mọi việc sẽ được phân định rõ ràng. Trắng ra Trắng. Đen ra Đen. Lúc ấy, dẫu có phải đi tù ông cũng không oan ức. Người quản giáo nhìn ông. Nhìn từ đầu xuống chân rồi khinh khỉnh nói:
- Ông là nhà văn có tiếng mà còn dốt thế! Tù rồi còn đòi ra tòa làm gì?
Ông lạnh người nhận ra cái tuyệt đúng, tuyệt gọn, tuyệt dễ hiểu của lời lẽ anh quản giáo, nhưng như thế thì mông lung quá, mịt mờ quá… Ông rụt rè thưa tiếp:
- Nếu không ra tòa, không có án tôi biết sao được tội gì? Hình phạt là bao nhiêu năm?
Nhìn ông, anh quản giáo cười hiền, tỏ ý thông cảm:
- Dốt thế, ở tù cũng đáng... Ông là đi học tập, đi cải tạo chứ có phải tù đâu mà hỏi án bao nhiêu năm. Đi học tập, đi cải tạo thì bao giờ học tập tốt, cải tạo tốt thì… ra trường. Tốt nghiệp ý mà! Muốn biết bao nhiêu năm thì phải tự hỏi mình chứ hỏi gì tôi. Thôi, hồ hởi, phấn khởi nhé!.
Ông ghìm tiếng thở dài ngao ngán, biết mình rơi vào tình trạng sống dở chết dở rồi, muốn thoát khỏi nó chỉ còn cách:
“… Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm hại
Khôn ngoan không dám làm người
Bao nhiêu lần tôi không thực là tôi…”
Phải biết chấp nhận thực tại. Chấp nhận một cách hồn nhiên và phải luôn hồ hởi, phấn khởi. Apao đấy. Họa sĩ Kha đấy. Họ đi tù rất hồn nhiên, đâu có trĩu nặng như ông. Càng hồn nhiên, giác ngộ tốt, hồ hởi, phấn khởi, sẽ càng chóng… ra trường.
Mấy tháng sau, ông được giám thị gọi lên giao nhiệm vụ mới: làm y sinh – dùng lá lẩu quanh trại chữa bệnh cho phạm nhân của trại. Hồ sơ lý lịch cho họ biết, ông có tài vặt này từ khi ngồi tù thực dân ở Sơn La, có lẽ vậy. Tốt quá! Nhận nhiệm vụ mới ông rất vui. Vui vì nhiều lẽ. Từ đây ông được tạm chia tay với cuốc, với xẻng, với gánh phân… với những tối ngồi bình xét ngày lao động. Từ đây không có người giám sát, ông sẽ có thời gian tranh thủ hái thêm mớ rau rừng, vồ thêm con cóc, đập thêm con rắn cải thiện bữa ăn, bồi dưỡng cơ thể để còn có sức mà về với mẹ đĩ. Ông bồi hồi nhớ tới lần vô tình nhìn thấy con cua đang lổm ngổm bò dưới đáy ruộng lúa. Ông gạt vội đám đỉa lúc nhúc ngoe nguẩy trên mặt nước, ào xuống ruộng, vồ gọn mấy chú cua. Xé từng con ăn sống, mà chất ngọt chất bổ của con cua thấm đến đâu ông biết rõ đến đấy. Đúng là bổ hơn cả nhân sâm. Từ đây, ông sẽ có dịp la cà sang các lán chuyện trò, thỏa chí tò mò ham biết của nhà văn. Và nhất là việc trị bệnh cứu người còn giúp ông nuôi dưỡng ngọn lửa tính người mà giờ đây trong ông nó chỉ còn leo lét cháy… Nghe đồn, ở lán chân đồi còn gọi lán Đồi Ma có nhốt một phạm lạ. Phạm này chẳng biết mắc tội gì. Cũng chẳng biết có điên hay không. Chỉ biết từ ngày vào trại hắn chỉ nói, nói sang sảng, nói toàn đúng, nói tới mức giám thị trại phải nhốt riêng hắn ra một lán khuất nẻo. Hôm trên đường sang lán 4 chữa bệnh, ông ngó trước ngó sau không thấy ai liền tạt sang lán Đồi Ma. Đúng lời đồn, khi còn cách lán vài chục mét ông đã nghe tiếng nói sang sảng phát ra. Giọng nói có âm có sắc, tròn vành rõ chữ, khúc triết mạch lạc nhưng đã đuối. Ông ghé mắt nhòm qua vách lán. Trong không gian tử thần có một bộ xương người ngồi ngay ngắn trên mặt sạp nứa dài thườn thượt. Từ lỗ thủng sâu hoắm trên chiếc đầu lâu sang sảng phát ra tiếng nói rất hay và tuyệt đúng. Ông rùng mình, bỏ chạy. Hai ngày sau hắn chết. Ông ghìm tiếng thở dài, thương lắm số kiếp một sinh linh nhỏ bé. Con người có số phận không? Ông nhớ, sau lần vượt ngục Sơn La, tổ chức Đảng cho người tìm đến tận nhà giao cho ông một cái chức kha khá… Tiếp theo là những ngày hoạt động sôi nổi, tràn đầy hào khí. Những bài thơ, trang văn, lời kịch đậm đà lòng yêu nước diết da toát ra trong bản ngã của con người nhân hậu có sức hút công chúng lạ lùng. Ông hừng hực sống. Ông rạo rực sống. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, toàn Đảng toàn dân náo nức bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, ông háo hức vung ngọn bút náo động kịch trường. Ngày đêm ông say sưa làm việc, lúc viết kịch bản, viết báo, viết thơ…, khi làm đạo diễn chọn diễn viên, phân vai, chọn cảnh; lúc gặp người này, khi người khác gặp… náo nức tưng bừng… Thế mà bỗng nhiên, thoắt một cái thành thằng tù xa vợ, lìa con, bạn bè lảng tránh…
Ông ngậm ngùi chợt nhớ đến cái ngày ra tù… “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài”. Ra tù, ở Yên Bái tiếng ấy reo vang, hừng hực như lửa phát nương nhưng khi về đến đô thành nó trở thành đốm lửa ma lạnh lẽo. Ở Yên Bái bạn tù lưu luyến tiễn đưa, về đến nhà không bạn bè thăm viếng. Thậm chí mấy ngày sau, ra phố vô tình gặp người bạn văn (người bạn hiểu rõ nỗi oan khuất của ông giờ đã có chức có quyền trong làng văn nghệ), người đó kéo sụp mũ che mặt lảng tránh… Cũng phải thôi, họ sợ liên lụy. Ông tự nhắc mình: giờ đây trong quan hệ mình phải thận trọng giữ gìn đừng để liên lụy đến bạn bè hàng xóm. Ngày ông đến đồn công an trình báo, người chiến sĩ công an trạc tuổi con ông (cái tuổi mà khi ông và đồng đội bừng bừng dũng khí tham gia cướp chính quyền thực dân – phong kiến, chúng còn đỏ hỏn) nghiêm khắc, ân cần giáo dục và nhắc nhở ông phải sống sao cho ra sống. Lòng ông nhức nhối, buốt đau. Giá trước đây thì… Nhưng giờ đây, sau những lời giáo huấn đó là hộ khẩu, tem gạo; là người vợ và những đứa con xanh xao, gầy còm, ngơ ngác sống, rụt rè sống, nhẫn nhục sống… Ông lểu thểu về nhà, lăn ra giường và nghĩ miên man. Phải kiếm việc để làm ngay – ông tự nhủ. Nhưng, làm gì? Văn sĩ Đoàn nói: “Vì không biết làm gì, tôi phải làm nhà văn.” Còn ông, đến nhà văn cũng không được làm thì làm gì? Làm gì?... Té ra, một ngày ở ngoài nghìn thu ở tù. Ông lò dò đến thùng gạo. Mở nắp thùng thấy chỉ còn vài lon gạo. Ông giật mình hiểu ra cái khảnh ăn của vợ con. Thảo nào, vợ con ông gầy gò, xanh xao thế! Phải tìm việc đi làm ngay – ông tự nhủ rồi đi luôn đến nhà văn sĩ Trần. Nghe nói, mình đi Yên Bái được ít lâu thì cậu ấy cũng bị nghỉ việc. Lăn lộn hè phố lâu rồi, chắc cậu ấy có nhiều mối tìm việc, lo gì ế! Ông căng mắt nhìn xiên vào lớp không gian mờ mờ ảo ảo, trống trải, lạnh lẽo như căn nhà mồ và giật mình, ngơ ngác khi nhận ra hình dạng người bạn nối khố. Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu! Đúng là: hết thời kỳ oanh đến thời kỳ liệt. Còn đâu văn sĩ Trần đầy vẻ tinh tướng. Ăn mặc thì phong lưu, đài các. Lời nói thì khúc triết, văn hoa. Đi đứng thì ung dung tự tại. Giờ đây, văn sĩ Trần lừng danh đang ngồi co ro như chú gà rù trên chiếc giường giẻ quạt cũ, đầu gối quá tai, nom rũ rượi, thê lương hơn con bù nhìn trên ruộng. Vừa nhìn thấy ông, văn sĩ Trần hơi ngửa mặt cười và nói luôn:
- Học tập xong rồi hả? Giác ngộ rồi, đến giáo huấn ta đấy phỏng?... Ngẫm kỹ thấy anh cũng giỏi. Giỏi lắm! Người đời phải gây tội mới được tù. Còn anh, chẳng phải nhọc xác gây gì cũng được tù. Thời Pháp đi tù thời Pháp. Thời ta đi tù thời ta. Thời nào cũng được tù. Dễ thường nghề tù cũng đến kịch bậc rồi chứ kém cỏi gì!
- Tưởng cậu hộ khẩu ngoài đường phố. Biết đâu lại “cấm cung” thế này! Yếu liễu đào tơ quá! Nghe nói, tớ đi Yên Bái được mấy tháng thì cậu cũng có quyết định cho thôi việc hả?
- Quyết định quyết đeo gì đâu. Sau mấy hôm kiểm điểm, đến cơ quan làm việc tự dưng thấy anh em nhạt nhẽo với mình quá. Cứ xà vào đâu thì chúng nó hình như lại lảng đi. Cũng chẳng thấy thủ trưởng phân công công việc… Được vài hôm như thế thì chán, thì nghỉ, chứ quyết định quyết đeo gì. Ông Trương, thằng Phùng, thằng Nguyễn cũng nghỉ việc cơ quan rồi. Thằng Phùng ra bờ hồ cắt tóc, gần cây đa ở đền Ngọc Sơn ấy. Ông Trương tối tối xách sọt đi các chợ, bới rác nhặt lá lẩu về nuôi lợn, nuôi người. Thằng Nguyễn đi đội than ở Vọng. Ông có biết thằng Văn không? Thằng ấy hóa ra số sướng ông ạ. Khi ở nhà, thì nhà cạnh hồ, tha hồ sát cá. Giờ lại được điều đến nông trường trông giữ mía cho Hợp tác xã ông ạ. Đúng là chuột sa chĩnh gạo. Phải tay ông thì, mía sẵn đấy ông cứ “tẩn” cho đã đời.
- Ông tìm được việc làm ổn định như chúng nó chưa?
- Ông lạ gì tôi. Tôi thì làm được cái đếch gì ngoài việc viết. Học từ tấm bé đến giờ. Cái kìm còn không biết cách cầm. Mó phải cuộn dây điện nằm trong tủ còn sợ giật. Giờ không được viết nữa thì ở nhà trông nhà, nấu cơm, cho vợ với cái mẹt thuốc lá lê la đầu đường xó chợ. Thương bà ấy, trước tôi cũng lò dò ra giúp thêm. Nào ngờ cứ dò ra lần nào là lần ấy mẹt thuốc bị bắt. Họ không bắt mình mà chỉ bắt mẹt thuốc mới đau. Sau bà ấy cấm chỉ, bắt tôi cấm cung ở nhà. Lúc nào buồn quá thì… “Mây ở đầu ô, mây lang thang”…
- Nghe nói, cậu Hoàn – bạn con chấy cắn đôi với cậu, dạo này lên to lắm. Đến nhờ nó một câu việc gì chẳng xong. Có việc làm nó mới ra con người ông ạ.
- Tớ đếch đến! Mình gặp nạn nó không đến, mình lại mò đến xin xỏ, nhờ vả nó thì còn ra đếch gì cái tình bạn. Mà có lẽ bạn mình tinh những loại hiểu biết, giỏi giang, vô tình gặp mình trên phố chúng đều biết cách kéo sụp mũ xuống che mặt, lảng tránh. Làm vậy đỡ khó xử ông ạ!
“ Mai sau có gặp lại nhau.
Xin đừng cúi mặt để đau lời chào.”
Nó không đánh hôi mình thế là tốt rồi.
- Nó thù ghét gì mình mà đánh hôi. Chẳng qua là do bị phân công mà phải viết thôi. Thông cảm với chúng nó – người mà.
- Ông ở xa nên không biết. Đúng là chúng nó chẳng có thâm thù gì với mình. Đúng là có đứa bị phân công, nhưng cũng có đứa vì chút lợi lộc, quyền chức nhỏ nhoi mà a dua, xiểm nịnh. Có đứa té nước theo mưa để ra vẻ ta đây là oai, là quan trọng, là trung thành và cách mạng tới cùng… Lão Sơn đấy, khi bài Nam Chinh mới ra đời thì hết lời khen ngợi, tụng ca, giờ thì quay ngoắt 180 độ phê cái này, phán cái kia, đọc mà lợm giọng. Nhưng thôi, giờ cái gì đã qua rồi thì cho qua luôn, không giữ cho khỏi rặm bụng. Hỏi thật nhá: Hôm nay anh đến định nhờ tôi xin việc chứ gì? Phải thì khai ra!
- Phải! Nhưng tôi về đây. Ốc còn chẳng mang nổi mình ốc…
- Thế mà lại mang được cọc cho rêu đấy. Ông có thích đi đẩy xe bò không? Đẩy thôi. Phụ thôi. Không được cầm càng đâu. Cầm càng là phải giỏi lắm! Lớ ngớ nó tùng bê mẹ xe bò lên, người lơ lửng trên không trung như con nhái bén ấy. Tôi có quen anh tổ trưởng tổ vận chuyển Toàn Thắng. Chưa bại lần nào. Ở đấy họ đang cần tuyển một người đẩy xe kiêm bốc dỡ hàng. Lương công nhật đồng tư một ngày, không cao lắm nhưng cũng nhiều hơn tiền công đan thuê của mấy con vịt giời nhà ông. Bở đấy. Thích thì tôi xin cho. Áo quần đầu tóc lếch thếch thế này là tốt rồi nhưng… phải cái là da còn trắng quá, mịn quá.
- Bở đấy. Ông làm đi. Tôi đâu dám cướp “nắm cơm chim” của bạn.
- Tôi cũng muốn làm lắm nhưng họ không dám nhận. Không dám nhận ông hiểu không? Cái tình thế khốn nạn của tôi là thế đấy. Thà như ông đi tù rồi là xong. Thằng tù rồi thì làm gì mà chẳng được. Còn thằng tôi, thật sống dở chết dở…Việc đang làm thì tự nhiên nghỉ. Bài viết chẳng dám in… Chẳng có tai tiếng gì nên thiên hạ họ vẫn nghĩ mình cao sang lắm… Anh đây công tử không nhà. Cái áo đi mượn cái quần đi thuê… mà họ vẫn tưởng là ông nọ bà kia. Tôi đã xin tay tổ trưởng rồi, hắn tưởng tôi nói lỡm nên lại nói dỗi, càng làm mình thêm đau. Thế có chết cha mình không. Thôi, không dài dòng, ông theo tôi đến gặp nó ngay, không nó nhận người khác thì khốn…
Ông từ từ mở mắt, nhấp nhẹ một hớp chè, tự thưởng cho cái trí nhớ của mình. Mấy chục năm ba chìm bảy nổi ngỡ tưởng tất cả đã trôi vào quên lãng, nào ngờ… Ông nhớ rõ từng chi tiết, từng từ ngữ, từng biến thái sắc mặt của văn sĩ Trần trong cuộc trò chuyện đó. Giờ đây bạn ông đã là người thiên cổ. Hết rồi, đời của một con người tài hoa bạc phận nhưng những gì bạn ông làm được lúc văn chui – rượu lậu vẫn còn cả đấy… Những trang văn, những bài thơ bạn âm thầm viết, giấu vợ, giấu con, giấu bè giấu bạn… mà sao thấm đẫm tình người, mà sao run rẩy cõi không gian. Giá mà ông Trần còn sống, cùng ông đi dự lễ phát giải thưởng văn chương cho ông Sâm (trong lũ chúng ta) thì ông Trần sẽ nói gì, khi thấy cảnh vợ con ông Sâm xốc nách, đặt ông lên ghế ngồi. Còn ông Sâm chỉ lặng lẽ ngồi, mặc cho mấy giọt cặn lệ khó nhọc rỉ ra nơi khóe mắt. Một vinh quang cay đắng. Một hạnh phúc muộn mằn. Ai đó nói nhỉ:
Hạnh phúc đến sao người thân nước mắt rưng rưng
Hạnh phúc muộn, mong manh hơn sợi khói
Hạnh phúc đến, anh lặng không cười nói
Anh biết mình, không còn được như xưa…
Thương những giọt nước mắt rơi
Nuối tiếc thời hoa đỏ
Lo sợ ngày mai…
Trên đỉnh cao vời vợi
Gió rít mịt mùng
Đỉnh chon von, chơi vơi…
Mà anh tóc bạc, da mồi…
Hạnh phúc muộn như trái cây chín ép
Chỉ nhợt nhờ, ưng ửng đến quái thai
Chỉ sợ xấu trai!
Không cần đẹp lão!
Phải lắm! Đẹp lão còn nhử được ai! Mà có nhử được cũng bất lực, phí cả cái đẹp đi. Nhưng nói thế liệu có thái quá không? Vì méo mó có vẫn hơn không. Hơn nữa, chí ít đó cũng là sự ghi nhận: lũ các ông đâu phải tồi. Suối giải oan cũng bớt đi được vài chục giọt… Ông tủm tỉm cười khi nghĩ tới cảnh ông hân hoan từ nhà văn sĩ Trần về báo cho vợ con biết tin: ông đã trúng tuyển và được bổ nhiệm làm thằng đẩy xe bò kiêm bốc vác trong tổ vận chuyển Toàn Thắng – không bại. Nghĩ vợ con cũng mừng rú như ông, nào ngờ… Họ ôm mặt khóc thút thít. Những tiếng nấc nức nở, xót thương làm ông hoảng sợ. Thời gian sau, khi công việc đi vào ổn định, cả nhà đã quen cảnh sáng sáng ông úp chiếc nón rách lên đầu, tay xách liễn cơm lầm lũi bước ra khỏi nhà, vợ ông mới nói: hôm đó họ khóc vì họ thương ông quá. Một nguời chữ nghĩa đầy mình, thông minh sáng láng, tiếng Tây tiếng Tầu vanh vách…, phải đi tù còn có thể hiểu được, chứ làm ông xe bò kéo thì họ chưa bao giờ tưởng tượng được. Cái bà, trông thế mà lạc hậu. Còn vương vít tư tưởng tiểu tư sản (Tạch – Tạch – Sè). Thời đại mới: lao động là vinh quang. Là nhà văn, là nghệ sĩ, là giáo viên hay anh hót cứt đều vinh quang tuốt. Ăn trộm ăn cướp của ai mà xấu hổ. Hơn nữa, lao động sinh niềm vui. Tự giác ngộ mình thế thôi, nhưng thực lòng những ngày đầu đi đẩy xe bò ông thấy ngượng ngùng, xấu hổ… Vẫn chỉ dám cắm mặt xuống đường và rất lo gặp người quen. Lòng tự nhủ phải dấu mình, để lòi đuôi ra thì rách việc lắm…
“… Li ti đi dưới gầm trời
Vẫn lo nhiều lúc mây rơi trúng đầu…”