PDA

View Full Version : Giúp bạn lấy lại chủ quyền



gioidinhhue
10-01-2010, 06:32 AM
Hỏi Làm thế nào để có thể tránh được nghiệp (kammã)?

Đáp Hãy là chủ nhân của chính tâm bạn. Toàn bộ kỹ thuật (niệm thọ) này dạy cho bạn cách làm thế nào để trở thành chủ nhân của chính bạn. Nếu bạn không phải là chủ nhân của tâm bạn, thời do lề thói quen cũ, bạn sẽ tiếp tục thực hiện những hành động hay nghiệp (kamma) ấy, điều mà bạn không muốn làm. Trên phương diện tri thức bạn hiểu: Ta không nên làm những hành động này. Tuy vậy bạn vẫn thực hiện hành động ấy, vì bạn không làm chủ được tâm mình. Kỹ thuật này sẽ giúp bạn trở thành chủ nhân của chính tâm bạn.

Hỏi Mục đích tối hậu của cuộc sống là gì? Tức là, mọi sự hòa hợp này rồi sẽ dẫn đến gì?

Đáp Cuộc sống tối hậu, mục đích tối hậu, là ngay ở đây và bây giờ (ngay trong hiện tại). Nếu bạn cứ tiếp tục chờ đợi một điều gì đó trong tương lai mà không có được gì trong hiện tại, thì đây là một ảo tưởng. Nếu ngay hiện tại bạn cảm nhận được sự bình yên và hòa hợp, thì rất có khả năng bạn sẽ đạt đến mục đích, mục đích ấy không phải là gì cả ngoài sự bình yên và hòa hợp. Vì vậy hãy kinh nghiệm nó trong hiện tại, ngay trong khoảnh khắc này. Lúc ấy bạn thực sự đã ở trên chánh đạo.

Hỏi Làm thế nào một người sống đúng pháp thực sự có thể đương đầu với thế gian phi pháp (adhamma) này?

Đáp Đừng cố gắng thay đổi thế gian phi pháp (adhammic worrld). Hãy cố gắng thay đổi cái phi pháp trong chính bạn, cái cách mà bạn đang phản ứng và tự làm cho mình đau khổ ấy. Như tôi đã nói, khi ai đó mắng chửi bạn, hãy hiểu rằng con người này đang đau khổ. Đó là vấn đề của người ấy. Tại sao lại làm cho nó thành vấn đề của bạn? Tại sao lại sinh ra nóng giận để trở nên đau khổ? Làm như thế có nghĩa là bạn không phải là chủ nhân của chính bạn, mà bạn là nô lệ của người đó. Bất cứ khi nào người đó muốn, y có thể làm cho bạn đau khổ. Bạn là nô lệ của người khác, của người đau khổ ấy. Bạn đã không hiểu Pháp. Hãy là chủ nhân của chính bạn và bạn có thể sống một cuộc sống đúng Pháp dù quanh bạn là những tình huống phi pháp.

Hỏi Có con đường nào ngắn hơn không?

Đáp Tôi phải nói đây là con đường ngắn nhất rồi; bạn phải đi vào cội nguồn của vấn đề của bạn. Và cội nguội của vấn đề nằm ở bên trong, không phải bên ngoài. Nếu bạn biết cách làm thế nào để đi vào bên trong, nếu bạn bắt đầu thay đổi một thứ ở mức căn để, thì đây là con đường ngắn nhất cho bạn để đi ra khỏi khổ đau rồi.

Hỏi Một số người (tâm) có những ô nhiễm, nhưng họ cảm thấy hạnh phúc, không có vẻ gì là đau khổ xả. Xin ngài hãy vui lòng giải thích.

Đáp Bạn đâu có đi vào tâm những người này mà biết. Một người có thể có nhiều tiền của, và những người khác có thể cảm thấy: Thật là một con người hạnh phúc. Xem kìa, ông ta có quá nhiều tài sản. Nhưng cái mà bạn không biết là người này không thể ngủ ngon; ông ta phải dùng đến thuốc ngủ - một con người rất khốn khổ. Đi sâu vào bên trong, bạn có thể biết được mình đau khổ như thế nào. Ở bề ngoài, bạn không thể hiểu người này người kia đau khổ hay hạnh phúc bằng cách nhìn mặt họ được. Khổ đau nằm tận sâu bên trong.

Hỏi Làm thế nào để đối phó với chứng mất ngủ?

Đáp Thiền Minh sát sẽ giúp bạn. Khi người ta không thể ngủ cho ra ngủ, nếu họ nằm xuống và quan sát hơi thở hay cảm thọ, họ có thể ngủ ngon. Cho dù họ không ngủ ngon chăng nữa, hôm sau thức dậy họ vẫn cảm thấy rất tươi tỉnh, như thể họ vừa thức giấc sau một giấc ngủ sâu vậy. Hãy thực hành. Cố gắng, và bạn sẽ thấy rằng thiền Minh sát rất hữu ích.

http://www.quangduc.com/tinhdo/139niemtho5.html

gioidinhhue
10-01-2010, 06:43 AM
Hỏi – Sự thích ứng của Pháp (Dhamma) đối với một người vô gia cư, đói rách là gì?

Đáp – Rất nhiều người sống trong những khu nhà ổ chuột đã đến dự các khóa thiền Minh sát vả thấy rằng nó rất hữu ích. Bao tử họ rỗng (đói), nhưng tâm họ cũng rất là kích động. Với cái tâm dao động như vậy, họ không thể giải quyết được những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày của họ. Nhờ thiền Minh sát, họ biết cách làm thế nào để giữ cho tâm an tịnh và buông xả. Lúc đó họ có thể đương đầu với những vấn đề của họ và có được những kết quả khả quan hơn trong cuộc sống. Hơn nữa, tôi thấy rằng, mặc dù những người sống trong những khu nhà ổ chuột này rất nghèo, song hầu hết tiền bạc họ kiếm được lại dùng để uống rượu và cờ bạc. Sau khi dự vài khóa thiền, họ thoát khỏi cờ bạc, họ thoát khỏi rượu chè, họ thoát khỏi mọi nghiệp ngập. Pháp rất lợi ích. Pháp lợi ích cho tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo. Pháp không có sự phân biệt nào cả.

Hỏi –? Tác động của Vipassanã (thiền Minh sát) trên các luân xa (chakras) của thân vi tế là gì

Đáp – Luân xa chẳng qua chỉ là những trung khu thần kinh trên cột xương sống. Vipassanã sẽ đưa bạn đến giai đoạn ở đây bạn có thể cảm nhận mọi hoạt động trong từng nguyên tử nhỏ bé của thân bạn. Luân xa chỉ là một phần của nó. Hoạt động này có thể được kinh nghiệm ở toàn thân.

Hỏi – Ngài định nghĩa sự sống vĩnh hằng trong hệ thống thiền của Ngài như thế nào?

Đáp – Đây không phải là hệ thống thiền của tôi! Đây là một hệ thống thiền của Ấn Độ cổ xưa. Sự sống là vĩnh hằng, nhưng bạn phải làm cho nó thanh tịnh đã, nhờ vậy bạn sẽ sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống hữu ích hơn. Đừng cố gắng truy tìm khởi nguyên của cuộc sống, khi nào sự sống bắt đầu. Bạn sẽ được gì khi biết những điều ấy? Sự sống đang bắt đầu trong từng sát na; trái banh này đang lăn. Nó đang lăn sai hướng và bạn là một con người đau khổ. Hãy đi ra khỏi đau khổ ấy. Điều đó quan trọng hơn bất cứ chuyện gì khác.

Hỏi – Làm thế nào để thoát khỏi cơn giận?

Đáp – Đây là những gì thiền Minh sát sẽ dạy cho bạn. Hãy quan sát cơn giận của bạn, và bạn sẽ thoát khỏi nó. Và để quan sát cơn giận, bạn phải học cách làm thế nào để quan sát hơi thở của bạn, và làm thế nào để quan sát các cảm thọ của bạn.

Hỏi – Những người hành nghề chuyên nghiệp rất ít thời gian, có thể hành thiền như thế nào?

Đáp– Thiền đối với những người hành nghề chuyên nghiệp vẫn quan trọng hơn chứ! Những người chủ gia đình, có nhiều trách nhiệm trong cuộc sống, cần hành thiền Minh sát nhiều hơn, vì họ phải đối diện với những tình huống trong cuộc sống có quá nhiều thăng trầm. Họ trở nên kích động do những thăng trầm này. Nếu họ biết minh sát, họ có thể đương đầu với cuộc sống tốt hơn. Họ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, những quyết định chính xác, điều ấy sẽ rất hữu ích cho họ. Đối với các nhà chuyên nghiệp, các nhà quản trị, và những người có trách nhiệm khác, thiền Minh sát là một lợi ích lớn.

Hỏi – Ngài có tin tái sanh không?

Đáp- Chuyện tôi tin hay không tin sẽ chẳng ích lợi gì cho bạn. Hãy hành thiền, và bạn sẽ đạt đến giai đoạn ở đây bạn có thể thấy được quá khứ của bạn và bạn có thể thấy được tương lai nữa. Chỉ lúc ấy hãy tin. Đừng tin điều gì chỉ vì thầy của bạn nói như vậy. Nếu không bạn sẽ ở dưới quyền kiểm soát của vị thầy (guru), một điều đi ngược lại Pháp.

Hỏi – Tâm là gì? ở đâu?

Đáp – Đây là những gì bạn sẽ hiểu nhờ hành Minh sát. Bạn sẽ làm một cuộc nghiên cứu phân tích về tâm cũng như về sắc thân của bạn, và sự tương quan giữa tâm và thân này.

Hỏi – Chúng ta có thể làm cho người khác bình yên như thế nào?

Đáp – Hãy tự làm cho bạn bình yên đã! Chỉ khi ấy bạn mới có thể làm cho người khác bình yên được.

Hỏi – Tôi đồng ý rằng thiền này sẽ giúp ích cho tôi, nhưng nó giải quyết các vấn đề xã hội như thế nào?

Đáp – Xã hội, suy cho cùng, chỉ là một nhóm các cá nhân họp lại. Chúng ta muốn giải quyết các vấn đề xã hội, ấy vậy mà chúng ta lại không muốn giải quyết các vấn đề của cá nhân. Chúng ta muốn bình yên trên thế giới, thế nhưng chúng ta lại không làm gì cho sự bình yên của cá nhân. Điều này làm sao có thể được? Nếu mỗi cá nhân kinh nghiệm được sự bình yên và hòa hợp, lúc ấy chúng ta sẽ thấy rằng toàn xã hội này cũng bắt đầu cảm nhận được sự bình yên và hòa hợp.

Hỏi – Tôi không thể nào đè nén được cơn giận của mình, dù rất cố gắng.

Đáp – Đừng đè nén nó. Hãy quan sát cơn giận! Nếu bạn đè nén nó, nó càng đi vào mức sâu hơn của tâm bạn. Những phức cảm này càng lúc càng trở nên mạnh mẽ hơn, và để thoát khỏi nó là điều rất khó. Chỉ việc quan sát cơn giận. Không đè nén, cũng không biểu lộ. Chỉ quan sát.

http://www.quangduc.com/tinhdo/139niemtho5.html

gioidinhhue
10-01-2010, 06:52 AM
Hỏi – Cơn giận và sự quan sát là đồng thời hay sự quan sát là một tiến trình khởi lên sau khi suy nghĩ?

Đáp – Không, đó không phải là sự suy nghĩ. Bạn quan sát cùng một lúc, khi cơn giận nổi lên.

Hỏi – Nếu một người nào cố tình làm cho cuộc sống của chúng ta đau khổ. Làm thế nào để dung thứ chuyện này?

Đáp – Quan trọng hơn hết, đừng cố gắng thay đổi người khác. Hãy cố gắng thay đổi chính bạn. Một người nào đó cố tình làm cho bạn đau khổ. Song bạn trở nên đau khổ là vì bạn đang phản ứng lại điều này. Nếu bạn học được cách làm thế nào để quan sát sự phản ứng của bạn, thì không ai có thể làm cho bạn đau khổ được. Khổ đau nơi người khác nhiều cỡ nào cũng không thể làm cho bạn đau khổ được nếu bạn học cách giữ thái độ buông xả tận sâu bên trong. Kỹ thuật này sẽ giúp bạn. Một khi bạn thoát khỏi khổ đau ở sâu bên trong, điều này cũng sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến những người khác. Chính con người đang làm hại bạn cũng sẽ dần dần thay đổi.

Hỏi – Phải chăng tha thứ người phạm tội là khuyến khích tội lỗi?

Đáp – Không hề khuyến khích tội lỗi. Ngăn cản người khác phạm tội, nhưng không có lòng sân hận đối với người phạm tội. Phải có lòng từ ái và bi mẫn. Người này là một người đau khổ, một người vô minh, không biết những gì mình đang làm. Họ đang tự hại bản thân và hại người khác. Vì thế bạn dùng tất cả sức mạnh của thân và lời nói của bạn để ngăn không cho người này phạm tội, nhưng với lòng từ ái và bi mẫn đối với họ. Đây là những gì thiền Minh sát sẽ dạy cho bạn.

Hỏi – Liệu chúng ta có được chuyển hóa hoàn toàn và hạnh phúc hoàn toàn nhờ Minh sát không?

Đáp – Đó là một tiến trình thăng tiến. Khi bạn khởi sự thực hành, bạn sẽ thấy rằng bạn đang cảm nghiệm ngày càng nhiều an vui, và cuối cùng bạn sẽ đạt đến giai đoạn được xem là hoàn toàn hạnh phúc. Bạn sẽ trở nên càng lúc càng thay đổi, và bạn sẽ đạt đến một giai đoạn được xem là hoàn toàn chuyển hóa. Đó là tiến trình thăng tiến.

Hỏi – Chúng ta cần phải hành Minh sát bao nhiêu (giờ) trong đời sống hàng ngày?

Đáp – Hãy tham dự một khóa thiền, và lúc đó bạn sẽ hiểu cách làm thế nào để áp dụng việc thực hành trong đời sống của bạn. Nếu bạn chỉ dự một khóa thiền rồi không chịu áp dụng nó trong cuộc sống, thì Minh sát sẽ chẳng khác gì một hình thức lễ nghi tôn giáo, và sẽ không giúp gì được cho bạn. Minh sát là nhằm sống một cuộc sống tốt đẹp. Bạn sẽ hiểu cách làm thế nào để áp dụng nó trong cuộc sống sau khi dự một khóa thiền.

Hỏi – Buồn khổ là gì? Nó là vấn đề ở bên ngoài, hay ở bên trong?

Đáp – Mọi vấn đề đều ở bên trong. Không có những vấn đề bên ngoài. Nếu bạn đi sâu vào bên trong và khám phá ra nguyên nhân nỗi khổ của bạn, bạn sẽ thấy rằng mọi nguyên nhân đều nằm ở bên trong bạn, chứ không phải bên ngoài. Hãy loại trừ nguyên nhân ấy, và bạn sẽ được thoát khổ.

Hỏi – Sự khác nhau giữa Pháp (Dhamma) và bổn phận là gì?

Đáp – Bất cứ điều gì ích lợi cho bạn và ích lợi cho mọi người là bổn phận của bạn, là Pháp. Bất cứ điều gì có hại cho bạn và có hại cho mọi người không phải là bổn phận của bạn, vì nó làm tổn hại bạn và cũng làm tổn hại người khác vậy.

Hỏi – Khổ đau, chiến tranh và xung đột là những chuyện xưa như trái đất. Ngài có thực sự tin một thế giới hòa bình không?

Đáp – Thế đấy, dủ chỉ một vài người thoát khổ, đó cũng là điều tốt rồi. Khi bóng tối vây quanh và một ngọn đèn đã bắt đầu tỏa sáng, đó là điều tốt. Cũng vậy, nếu một ngọn đèn thành mười ngọn đèn, hay hai mươi ngọn đèn, bóng tối cũng sẽ bị xua tan đây đó. Không có gì bảo đảm toàn thế giới sẽ trở nên bình yên, song bạn tạo càng nhiều bình yên trong chính bạn bao nhiêu thời chừng ấy (bình yên) bạn đang giúp cho bình yên của thế giới.

Hỏi – Thượng đế là ai?

Đáp – Sự thực (chân lý) là Thượng đế. Hãy tỏ ngộ chân lý và bạn sẽ thấy rõ Thượng đế.

Hỏi – Xin Ngài hãy vui lòng giải thích sự khác nhau giữa thôi miên và thiền?

Đáp – Những kỹ thuật thiền thực sự của Ấn Độ cổ xưa hoàn toàn ngược lại với thôi miên. Một số kỹ thuật đã sử dụng hình thức thôi miên, song điều này hoàn toàn đi ngược lại Pháp (Dhamma). Pháp tạo cho bạn tinh thần tự lực. Thôi miên sẽ chẳng bao giờ làm cho bạn tự lực được. Vì thế thiền và thôi miên không đi chung với nhau.

Hỏi – Vipassanã (thiền Minh sát) khác với khuynh hướng chạy trốn thực tại như thế nào?

Đáp – Minh sát là để đương đầu với thế gian. Trong thiền Minh sát không một sự chạy trốn nào được phép.

Hỏi – Có người nào đã giải thoát đang sống hiện nay không?

Đáp – Có. Minh sát là một đạo lộ thăng tiến đến giải thoát. Bạn thoát khỏi bao nhiêu bất tịnh, bạn được giải thoát chừng ấy. Và có những người đã đạt đến giai đoạn hoàn toàn thoát khỏi mọi bất tịnh.

Hỏi – Cái nào là tốt hơn: xây dựng chùa chiền, phục vụ, giảng dayh, hay công tác ở bệnh viện?

Đáp – Mọi dịch vụ xã hội này đều quan trọng; không có gì sai với những công việc ấy. Song hãy làm chúng với sự thanh tịnh của tâm. Nếu bạn làm những dịch vụ xã hội này với một cái tâm bất tịnh, phát sinh cái tôi, nó sẽ không giúp gì cho bạn cũng chẳng giúp gì cho người khác. Hãy làm mọi việc với tâm trong sạch, với lòng từ ái, với lòng bi mẫn, và bạn sẽ thấy rằng nó đã bắt đầu giúp ích cho bạn, và nó cũng đã bắt đầu đem lại lợi ích thực sự cho mọi người.

gioidinhhue
10-01-2010, 07:00 AM
Hỏi – Nếu phạm một hành động tiêu cực vì lợi ích của người khác, điều đó có xấu không?

Đáp – Tất nhiên là xấu. Một hành động tiêu cực sẽ làm tổn hại bạn. Khi bạn đã tự hại mình, bạn chẳng thể nào giúp được người khác. Một người què không thể giúp một người què khác được. Trước tiên bạn phải làm cho mình lành mạnh đã, và rồi bạn sẽ thấy rằng bạn bắt đầu giúp ích cho người khác.

Hỏi – Làm thế nào để có thể tránh được những thói quen xấu như hút thuốc và nhai trầu?

Đáp – Không chỉ hút thuốc hay nhai trầu thôi, mà có rất nhiều loại nghiện ngập khác nữa. Khi thực hành Minh sát, bạn sẽ hiểu ra rằng sự nghiệp ngập của bạn thực ra không phải đối với cái chất đặc biệt ấy. Xem thì có vẻ như bạn đã nghiện thuốc, nghiện rượu, ma túy, hay nghiện trầu, nhưng thực tế là bạn đã nghiệm một cảm giác (thọ) đặc biệt trong thân. Khi bạn hút thuốc có một cảm giác trong thân. Khi bạn nhai trầu, có một cảm giác trong thân. Khi sử dụng ma túy, có một cảm giác trong thân. Tương tự, khi bạn nghiện tham hay sân cũng vậy, những điều này cũng liên hệ đến những cảm giác của thân. Nghiện của bạn là đối với các cảm giác hay cảm thọ. Nhờ hành Minh sát, bạn sẽ thoát khỏi thói nghiện ngập đó. Bạn cũng thoát khỏi mọi sự nghiện ngập ở bên ngoài nữa. Đó là điều rất tự nhiên, rất khoa học. Hãy thử đi, và bạn sẽ thấy nó công hiệu như thế nào.

Hỏi – Chỉ có con người là đau khổ? Còn những chúng sanh khác sống một cuộc sống hòa hợp phải không?

Đáp – Khổ ở khắp mọi nơi, nhưng những chúng sanh khác không thể thoát ra khỏi khổ đau vì chúng không thể quan sát thực tại trong tự thân chúng. Thiên nhiên – hay nếu bạn muốn gọi là “Thượng đế Toàn năng” cũng được – đã ban sức mạnh kỳ diệu này duy nhất cho con người, để quan sát thực tại trong tự thân và thoát khỏi khổ đau. Hãy tận dụng sức mạnh kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta đó.

Hỏi – Liệu một người tâm trí chậm phát triển có thể lấy lại việc kiểm soát bản thân nhờ thiền Minh sát không?

Đáp – Điều đó còn tùy. Nếu người ta có thể hiểu những gì đang được dạy, chứ không có pháp thuật, hay phép lạ nào trong kỹ thuật (Minh sát). Minh sát là một sự luyện tập tinh thần. Tỷ như bạn thực hiện những bài tập thể dục khác như thế nào, ở đây bạn cũng thực hiện những bài tập tinh thần này như vậy. Ít nhất người ta cũng phải có đủ tri thức để hiểu việc luyện tập này là gì, và rồi thực hành nó. Có một số người đã được giúp đỡ, song chúng tôi không nói rằng mọi người đều sẽ được giúp đỡ như vậy.

Hỏi – Nếu như việc thực hành Pháp được xem là điều cần thiết, chúng ta có thể đương đầu với phi pháp (Adhamma) kể như một phản ứng đối nghịch và tương đương không?

Đáp – Có. Khi bạn khởi sự hành Pháp, thì Phi pháp có mặt. Những sức mạnh của Phi pháp, sự rung động của Phi pháp – bạn phải chiến đấu với chúng. Nhưng bạn phải có sức mạnh. Cuối cùng thì Pháp (Dhamma) sẽ thắng. Nếu bạn hiểu Pháp là gì, và nếu bạn hiểu cách áp dụng Pháp trong chính bản thân, thì mọi Phi pháp sẽ bị đánh bại – không có gì hoài nghi về điều đó.

Hỏi – Ngài luôn luôn lên án chủ nghĩa nghi thức. Nhưng có gì sai đối với việc bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn của chúng ta chứ?

Đáp – Không có gì sai với điều đó cả. Tôn kính và tri ân không phải là những nghi thức. Được xem là nghi thức khi bạn không hiểu những gì bạn đang làm; hay khi bạn làm điều gì chỉ vì người nào đó yêu cầu bạn phải làm. Nếu tận sâu bên trong bạn hiểu: “Tôi đang tỏ lòng tôn kính đối với một vị thần hay nữ thần đặc biệt nào đó”. Lúc đó hãy xem: Những nữ thần đó là gì? Ta có đang tỏ lòng kính trọng thực sự đối với vị thần hay nhữ thần ấy bằng cách phát triển chính những đức tính đó trong tự thân ta hay không? Nếu câu trả lời là có, thì bạn đang làm những hành động này với sự hiểu biết, và sự tôn kính, tri ân ấy không phải là những nghi lễ hay nghi thức. Nhưng nếu bạn thực hiện một điều gì một cách máy móc, lúc đó nó trở thành một nghi lễ hay nghi thức.

Hỏi – Sự sống sau khi chết là gì?

Đáp – Mỗi sát na con người ta đang sanh, và mỗi sát na con người ta cũng đang chết. Hãy hiểu rõ tiến trình sống và chết ấy. Sự hiểu biết này sẽ làm cho bạn an vui, và bạn cũng sẽ dễ dàng hiểu những gì xảy ra sau khi chết.

Hỏi – Làm thế nào để bẻ gãy phi pháp (adhamma)?

Đáp – Hãy phát triển Pháp, và phi pháp sẽ bị bẻ gãy.

Hỏi – Ngài có phải là người vô thần không?

Đáp – (cười) Nếu “vô thần” bạn muốn nói là người không tin nơi Thượng đế, thì không, tôi không phải là người vô thần. Tôi tin nơi Thượng đế. Nhưng đối với tôi, Thượng đế không phải là một nhân vật tưởng tượng. Đối với tôi, chân lý là Thượng đế. Sự thực tối hậu là Thượng đế tối hậu.

Hỏi – Có một Thượng đế sáng tạo ra quả đất không?

Đáp – Tôi không thấy một đấng Thượng đế như vậy. Nếu bạn thấy Thượng đế, bạn cứ tự nhiên tin. Còn tôi, chân lý là Thượng đế, quy luật tự nhiên là Thượng đế, Pháp là Thượng đế, và mọi vật đang tiến triển vì Pháp, vì quy luật tự nhiên.Nếu bạn hiểu điều này, và sống hợp với quy luật của Pháp, là bạn đã sống một cuộc sống tốt đẹp. Dù bạn tin Thượng đế hay không tin thượng đế, không có gì quan trọng.