View Full Version : Tượng gỗ kỳ dị
giavui
10-24-2010, 03:18 AM
Tác giả: ToPa
Thưa các bạn,
Từ lâu lắm rồi tôi đã định viết ra để kể hầu các bạn nghe một câu chuyện mà chính tôi là chứng nhân, câu chuyện rất kinh dị, huyền bí và hoang đường nhưng tôi cứ do dự mãi chỉ vì tôi sợ rằng các bạn sẽ phàn nàn là tại sao tôi lại nông nổi tin vào những chuyện mà ở cuối thế kỷ hai mươi vừa qua thì không thể nào xảy ra được.
Một phần nữa là tôi lại lo rằng nếu tôi kể câu chuyện này ra thì sẽ có người cho là tôi vì hận thù xưa cũ nên dựng đứng câu chuyện để nói xấu cán bộ cộng sản Việt Nam. Nhưng thật tình, thật thẳng thắn, thật công tâm để mà nói thì cán bộ cộng sản Việt Nam hoàn toàn xấu chứ không có một ai là tốt cả. Nếu tốt thì không phải là người cộng sản!!! Nhưng, chuyện các cán bộ cộng sản Việt Nam xấu hay tốt thì để một dịp khác tôi sẽ trở lại đề tài này cùng các bạn, còn bây giờ chủ đích của câu chuyện mà tôi sắp kể ra hầu các bạn đây là câu chuyện mang tính huyền bí và dĩ nhiên là phải có dính líu đến cán bộ cộng sản Việt Nam vì là chuyện xảy ra sau ngày tang thương của quê hương miền Nam chúng ta; tang thương cho những người đã chọn thể chế dân chủ tự do.
Điều đầu tiên tôi cần các bạn lưu ý: tôi là người thích tìm tòi để khám phá cho ra những chuyện về ma quỷ, những chuyện về bùa phép, những chuyện về thư, ếm vân vân và tôi đã từng phá vỡ âm mưu của một ông thầy chuyên luyện thiên linh cái tại vùng Long Khánh mà mục đích của ông thầy này lại chỉ là muốn mọi người phải kính sợ ông và gọi ông là thầy chứ ông không hề có ý gạt tiền và tình của bất cứ ai. Tôi cũng đã từng thách một người tự xưng là thầy bùa được phép thư, ếm tôi...tất cả chỉ là chuyện...không có gì mà ầm ỹ. Nhưng, với chuyện mà tôi là người trong cuộc và tôi sắp kể ra đây thì tôi lại hoàn toàn bó tay chịu thua.
Bây giờ mời các bạn cùng nghe:
- Con đường đất đỏ dẫn vào xã Dạ Lâm, nơi mà tôi hằng ngày vẫn phải đi trên đó từ bao năm qua kể từ sau ngày tang thương đổ chụp xuống miền Nam tự do.
Cái xã Dạ Lâm nhỏ bé với con đường đất đỏ lồi lõm đầy bụi bặm vào mùa khô nắng và nhầy nhụa sình lầy vào mùa mưa đã là nơi cưu mang tôi với nghề tạc tượng từ ngày tôi từ bỏ cuộc sống nơi có ánh đèn đô thị nhộn nhịp để trốn đi tù cải tạo và về đây. Tôi đã phải trải qua hai mươi mốt năm sống với những tháng ngày buồn thảm vô cùng tận. Với tôi, không có gì đau khổ và buồn thảm cho bằng cứ phải sống trong cái xã nhỏ bé này vì tôi bị nghi ngờ lý lịch không rõ ràng, rồi tôi bị khinh khi và thường lãnh nhận những lời chửi bới, dọa nạt của các ông cán bộ xã. Nhưng như vậy tôi nghĩ vẫn còn hạnh phúc hơn là đi tù cải tạo để không biết ngày nào về và luôn bị làm nhục, luôn bị bỏ đói.
Những năm tháng sống chịu đựng, gò bó trong xã Dạ Lâm nhưng tôi cũng hiểu rằng cái xã này, cũng như cả cái đất nước này đang tràn ngập đầy rẫy những sự bất công vì người cầm quyền đã bóc lột người lao động nghèo khổ thẳng tay kể từ khi được gọi là độc lập hoà bình.
Thật ra thì tuy ở trong cái xã nhỏ bé đó nhưng tôi vẫn thường ao ước có một vài tổ chức nào đó đến móc nối là tôi sẵn sàng tham gia góp sức để lật đổ cái nhà cầm quyền này. Tôi thật sự căm thù tất cả những người cán bộ xã đã dựa vào quyền thế và kết bè kết đảng để bóc lột người nghèo. Tôi thường xuyên bị ông bí thư xã và đám công an hách dịch kiếm chuyện làm tiền, và ngay cả những người chẳng có chút thực quyền nào nhưng cứ dựa hơi vào hai chữ ủy ban để nạt nộ để kiếm chác.
giavui
10-24-2010, 03:18 AM
Khoảng gần hai tháng nay, ông bí thư xã muốn tôi phải tạc cho ông một cái tượng bằng gỗ giống mặt của ông, nhưng phải là thứ gỗ thật tốt, thật quý. Ngày nào ông ta cũng mím môi giọng ồn ào, vẻ xấc láo nạt nộ tôi: “Đến “núc lào” thì mày mới chịu tạc cho tao cái tượng? Tao đưa ảnh của tao cho mày tính đến “lay” cũng gần hai tháng rồi và mày cứ rình rình định đợi cho đến khi tao chết để mày vờ “nuôn” đấy phải không?” Những lần nghe ông bí thư xã hằn học mày tao mi tớ với tôi, tôi chỉ biết cúi đầu ngượng ngùng và hứa sẽ hoàn thành sớm cái tượng vì chưa tìm ra được loại gỗ quý. Thật ra gỗ quý thì cũng có nhiều nhưng rất mắc tiền. Ông bí thư xã đã chống hai tay vào cạnh sườn rồi vênh cái mặt lên thật cao nhìn tôi bằng hai con mắt ti hí, thứ con mắt của con lươn, và nói: “Phải “nà noại” cây huỳnh đàn nghe Tô. Tiền bạc không thành vấn đề, mày cứ “vô tư” mua để “nàm” cho tao vừa ý.” Dĩ nhiên là tôi rất muốn “vô tư” mà mua lắm chứ, nhưng tôi biết thân phận tôi sẽ khốn nạn vô cùng nếu lỡ dại nhận tiền của ông. Loại cây rất hiếm và rất mắc tiền có tên huỳnh đàn này luôn tỏa ra mùi hương thơm mà trong đời làm nghề khắc tượng cho đến nay, tôi chỉ mới có hai lần được tạc tượng bằng gỗ huỳnh đàn; một tượng của Đức Phật ngồi trên toà sen và một tượng của Đức Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá. Những ai chưa nghe giọng xấc láo và nói ngọng của ông bí thư xã này thì không thể hiểu được nỗi khổ của tôi trong lúc bấy giờ. Óc tưởng tượng phong phú, sự hăng hái đi tìm cái đẹp và tình yêu nghệ thuật trong tôi từ từ khô héo lại. Tự nhiên tôi trở nên chậm chạp nhút nhát lạ thường. Bao nhiêu nghị lực tích tụ trong con người tôi đều biến mất cũng như lòng tự trọng...và thấy ông bí thư xã từ xa là tôi đã lẹ làng cúi đầu chào sợ sệt hoặc lẩn tránh, nếu kịp lúc.
Theo sự tìm hiểu của tôi nơi những người đàn bà có chồng là cán bộ xã thì ông bí thư xã này rất ác và rất cuồng tín. Gia đình ông ba đời là bần cố nông và ông thoát ly theo cộng sản từ lúc ông mới mười một tuổi. Khi miền Nam đã bị chiếm, ông được đưa từ ngoài Bắc vào đây làm phó bí thư xã rồi lên làm bí thư xã. Ông bí thư xã này nổi tiếng tham lam, nổi tiếng độc ác với dân làng và ông thì thường xuyên đánh vợ đến chết đi sống lại. Mỗi lần ông đánh vợ là ông đấm ông đá như các võ sĩ đấm đá vào các bao cát vô hồn. Có lẽ vì đánh vợ là thú vui tiêu khiển của ông nên ông làm ngơ khi có các người đàn ông cộc cằn và thô lỗ trong xã đánh vợ vào những lúc say sưa hoặc cả vào những buổi trưa hè làm các ông nóng nực; mà ông bí thư xã thì cho đó là chuyện bình thường giữa cuộc sống vợ chồng. Điều mà ông bí thư xã thường nói khi những lần đầu các bà các cô đến nhờ ông can thiệp vì bị chồng hành hạ là ông đã từng chứng kiến các tên lãnh đạo cao cấp của ông ai ai cũng đã từng hơn một lần đánh vợ và, đó là quyền của những ông chồng. Nghe ông bí thư xã nói như vậy và chứng kiến cảnh ông đánh vợ, từ đó về sau các bà các cô đành ngậm đắng nuốt cay chịu đau đớn tủi nhục cho riêng mình. Tôi nghĩ có lẽ ông bí thư xã nghĩ như vậy và vì ông có dù lớn che chở nên ông không sợ bất cứ một tên cán bộ nào của huyện hay của tỉnh mỗi khi các ông này ghé thăm xã. Tôi căm thù những tên đàn ông nào hành hạ đàn bà và vì vậy đôi lúc tôi cũng nộ khí xung thiên lên khi chứng kiến chuyện bất bình, chuyện các ông đánh vợ, nhưng tôi kịp kềm lại và như vậy tôi tự cho là tôi cũng có một chút tính thô lỗ cộc cằn nên tôi không dám yêu ai, mặc dù có nhiều cô gái cùng xã đã để ý đến tôi bởi các cô nghĩ tôi có cuộc sống tạm ổn định với nghề tạc tượng. Thật ra thì tôi bị thiếu thốn tiền bạc vô cùng chỉ vì tôi luôn phải bị bắt buộc cách gián tiếp biếu xén cho đám công an xã, hoặc đôi khi phải mời bọn chúng ăn nhậu mà mỗi chầu ăn nhậu thì tương đương với ba tuần đẽo tượng; vì vậy cho đến nay tôi vẫn còn sống độc thân.
*
Quá thất vọng với cuộc sống không có lối thoát, tôi đã quẩn trí nên nhất định tự tử bằng cách thắt cổ. Với ý nghĩ đó, tôi đến đứng dưới gốc cây xoài, cây xoài hiện diện tại đây từ bao đời qua mà tôi thì chưa bao giờ thấy nó có trái lớn. Lúc đó tôi vô cùng buồn bã và triền miên nghĩ ngợi đến cái chết mà tôi sắp thực hành. Tôi buồn bực và tự hỏi: “Con người là gì? Có phải con người cũng là con thú? Con người cũng có thể ăn cả thịt con người nếu bị thiếu ăn? Con người cũng có đủ các loại răng như răng chó để nhai thịt, răng cửa để ăn xoài và các loại trái cây khác, răng hàm để nghiền. Nhưng khi không còn gì để nhai để nghiền thì con người sẽ tìm cách nhai nghiền lẫn nhau. Tất cả mọi người đàn bà và cả những người thiếu nữ đã và đang lớn đều muốn bỏ cái xã khốn nạn này để ra đi hết nhưng đi đâu và làm gì để sinh tồn. Nhất cử nhất động của các cô các bà,và của tất cả dân trong xã đều không lọt qua khỏi con mắt của các tên công an nổi và chìm trong xã. Trong một cái xã bé tí teo như xã Dạ Lâm này thì gần như tất cả thanh niên thiếu nữ đều bị bắt buộc vào các đoàn thể để cán bộ dễ bề kiểm soát. Chỉ có một mình tôi là được miễn vì lý lịch không rõ ràng và cũng vì tôi là thợ tạc tượng kiêm thợ mộc, kiêm thợ hồ, kiêm thợ làm rẫy và kiêm luôn thợ làm ruộng; vậy thử hỏi còn ai và người nào dám cầm đầu khởi động một cuộc cách mạng chống lại các cán bộ xã.
giavui
10-24-2010, 03:19 AM
Trong khi sắp tự mình treo cổ lên ngọn cây tôi bỗng nghĩ là con người như ông cán bộ bí thư xã này và những ông cán bộ của đất nước này đều đúng là loài nửa chim nửa thú. Tôi nhớ lại vào một buổi chiều của một ngày xa xưa khi tôi còn nhỏ dại, và trong một làng nhỏ bé trên vùng cao nguyên đất đỏ là nơi tôi đang sống cùng gia đình thì bỗng từ đâu có nhiều người trên mình đeo đầy súng ống, dao búa, mã tấu...từ trong rừng kéo vào làng và sau đó những người này đem hai mươi ba người vừa thanh niên vừa thiếu nữ của làng theo vào rừng. Tôi được ông Linh mục già nua trong làng kể cho nghe một câu chuyện cổ tích hoang đường mà tôi còn nhớ mãi trong đời: “Ngày xửa ngày xưa, một hôm ông trời truyền cho các loài có cánh và bay được phải đến gặp ông trời để ông xem xét lại xem có loài nào làm ông trời không vừa lòng. Tất cả các loài có cánh và bay được đều đến gặp ông trời đúng ngày, chỉ trừ có con dơi là không chịu đến. Bị ông trời hỏi tội, con dơi mới trả lời rằng mình có cẳng chạy nhảy và bò mà thôi. Ông trời bỏ qua. Một lần khác, ông trời truyền cho những con vật đi, chạy nhảy và bò được thì phải đến gặp ông. Lần này con dơi lại cũng không chịu đến. Ông trời lại bắt tội và con dơi lại trả lời là mình thuộc loại có cánh chỉ biết bay mà thôi. Ông trời muốn bắt tội con dơi nhưng vì con dơi nói có lý mà ông trời thì biết nó là con vật xảo trá, nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng trôi. Sau này người đời cho những ai có tính ăn nói ngược xuôi không biết tôn trọng phẩm cách mình đều là con dơi cả. Những người từ trong rừng đã kéo vào làng và bắt theo những thanh niên thiếu nữ cũng như tom góp lấy theo rất nhiều lương thực của làng, đó là những con dơi biết nói.”
Đó là những ý nghĩ mà tôi chợt nhớ lại. Tự nhiên tôi chùn tay và không dám quăng sợi dây thừng lên cây xoài. Tôi sợ rằng rồi bỗng nhiên tôi trở nên tỉnh táo hơn, can đảm hơn mà tự tử. Thế là tôi vội vàng vác sợi dây thừng lên vai và tạm hoãn lại mọi việc vào những ngày tiếp theo, tôi nghĩ như vậy cũng chưa trễ lắm, tự tử thì lúc nào mà chả thực hành được miễn là có can đảm hay không mà thôi.
Ông bí thư xã đã làm cho tôi và mọi người trong xã từ từ trở nên hèn nhát hoàn toàn. Tôi muốn tạc đại cho ông bí thư xã cái tượng bằng gỗ mun đen bóng hoặc bằng gỗ gõ để đỡ tốn tiền và để ông đừng đến quấy rầy chửi bới tôi nữa, nhưng ông ta nhất định không chịu. Ông ấy muốn phải là gỗ huỳnh đàn kìa. Tôi đã có nhiều lần rủa thầm là thằng cha ngu chẳng biết gì, cứ hễ thấy cái gì mắc thì tưởng là quí. Tượng gỗ huỳnh đàn theo phong tục ở đây chỉ dành cho những người chết mà thôi. Và ngay lúc đó tôi có một ý nghĩ ác độc và kỳ lạ trong đầu nên tôi vội phác họa thật nhanh một cái tượng như những cái tượng của người thiểu số mà tôi đã thấy khi xưa ở vùng cao nguyên, tức là loại kỳ quái, không có một chút liên hệ gì tới các quan niệm về nghệ thuật thông thường của tôi cả.
**
Ánh sáng chiếu rọi qua mái tranh của căn nhà dùng làm nơi để cho tôi tạc tượng cũng đủ sáng và tôi đang hì hục đục từ một khối cây quý huỳnh đàn những đường nét để tạo ra một cái tượng. Cái tượng cây có chiều cao hai mươi phân, kích thước là do tôi tự ý thay đổi chứ ông bí thư xã thì muốn phải là năm mươi phân. Nếu tôi làm đúng kích thước như ý ông bí thư xã muốn thì có lẽ tôi nên thắt cổ chết đi thì tốt hơn vì tôi không làm sao đào đâu ra cho được số tiền lớn để mua gỗ huỳnh đàn với kích thước như vậy. Tôi bình tĩnh để làm việc cho chững chạc, các nhát búa gõ xuống cái đục được tôi nghiên cứu cẩn thận không để xảy ra một việc gì đáng tiếc vì khối cây quá mắc tiền. Thường thì khách hàng đặt làm tượng bằng gỗ đỏ cho có màu đỏ nâu như trong những cửa hàng lưu niệm ở trên tỉnh thường trưng bày. Tượng màu đỏ được nhập cảng từ các nước Âu châu là bằng cây anh đào. Gỗ rẻ tiền hơn một chút là gỗ cây sồi vì nó có sớ mịn, hoặc bằng gỗ trắc, bằng lăng, hay gốc thông già. Nói tóm lại bằng những thứ gỗ có sớ mịn, dai thì không bị nứt nhưng không tỏa mùi thơm. Ông bí thư xã quả là người quá rành về các loại gỗ.
Tôi vừa đục khối cây với những nhát búa nhẹ vừa đủ để những đường nét được thẩm mỹ vừa nghĩ đến mặt một con dơi mà tôi tình cờ thấy nó đang hút máu sau vành tai của con heo khi con heo đang ngủ. Tôi cố nhớ đến cái mặt của con dơi và liên tưởng đến con ác quỷ chuyên hút máu người. Tôi cũng liên tưởng đến một con quạ to lớn dềnh dàng và nặng nề mới bốn ngày trước đứng trên mình con chó chết bên mé rừng. Con quạ rất dữ tợn, nó mổ con này, mổ con kia để không cho các con đó đến gần. Con quạ giành ăn một mình và các con quạ khác thì đứng từ xa nhìn bất lực và thỉnh thoảng xuất kỳ bất ý nhào đại vào và rứt ra một miếng thịt rồi lẹ làng nhảy tránh ra xa. Sau khi ăn no, con quạ lớn đó bay đi nơi khác thì cảnh giành ăn giữa các con quạ lại tái diễn và con nào mạnh thì con đó có ưu thế đứng ăn. Cảnh giành ăn cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi con chó chết chỉ còn trơ lại những cái xương. Cũng may hôm ấy ông bí thư xã và người của ông không thấy cảnh con chó mới vừa bị chết, chứ không thì những con quạ kia đành phải chịu ôm cái bụng đói mà thôi. Tôi lại cũng nhớ đến đôi cánh của thiên thần mà ông cố đạo đã đem vào làng tôi vào những năm tôi còn thơ trẻ. Đôi cánh thiên thần đẹp như cánh chim đại bàng. Đôi cánh rất đáng để tôi tạo ra cho mọi người được chiêm ngưỡng, và thế là ngay lập tức tôi tạo cho cái tượng gỗ có đôi cánh của thiên thần như ý nghĩ lúc đầu của tôi.
Trời đã tắt nắng. Tôi tự nhủ: “Làm cả ngày như vậy là mệt và đói rồi. Mình phải nghỉ và kiếm cái gì cho vào bụng rồi ngày mai mình sẽ làm tiếp.”
Tôi đi lại nằm bên cạnh đống lửa của cái bếp sau khi tôi ăn qua loa một chén cơm nóng với nước mắm tỏi ớt. Khi tôi vừa đặt lưng xuống sàn thì bỗng tôi trổi ngay dậy và nhìn chằm chằm vào cái tượng cây. Tôi không thể tưởng tượng được sao tôi lại tạc cái mặt tượng tài tình đến như vậy vì khi thì nhìn thấy đó là mặt con dơi với hai cái cánh sau lưng, và khi thì nhìn thấy đó là cái mặt của một người nào đó trông rất quen mà nhất thời tôi chưa nhận ra, và nó hoàn toàn không phải là mặt của ông bí thư xã. Rõ ràng là tôi không có tạo cho khuôn mặt của cái tượng gỗ một bộ râu nào vậy mà giờ đây tôi lại thấy cái mặt của cái tượng bằng gỗ có bộ râu dài. Quá mệt mỏi, mười phút sau tôi đã chìm vào giấc ngủ sâu như chết.
***
giavui
10-24-2010, 03:19 AM
“Một vị đạo sĩ?” Tôi tự hỏi vậy. Không phải là đạo sĩ vì khi đến gần, tôi nhận ra đó là người mà ông bí thư xã và đám công an xã rất kính cẩn tôn thờ nhưng sao miệng của ông lại dính đầy máu. “Cháu đừng sợ vì ta chính là...người bị hóa kiếp thành con dơi đây. Lúc còn trên dương thế ta đã làm toàn những việc thất đức như lừa gạt các bạn bè và thuộc cấp cùng chí hướng cho ngoại bang bắt và giết chết, như xua đẩy bao thế hệ trai tráng phải vào con đường giết hại lẫn nhau để rồi chết chóc vô lý và chính ta cũng đã gây ra cho mọi người phải bị sống trong cảnh lầm than đói khổ vì vậy ta đã bị người trên dương thế nguyền rủa nên khi ta mất đi ta đã bị cho hoá kiếp làm thân con dơi.”
- “Vậy xin ông đừng hút máu của cháu mà tội nghiệp cháu...”
- “Ta tuy bị hoá kiếp làm con dơi nhưng ta lại không được hút máu người và các loại động vật bởi khi còn sống ta đã hút máu quá nhiều rồi nên cháu đừng sợ ta.”
- “Thế sao miệng của ông lại dính đầy máu thế này?”
- “Ta...ta mới ăn... ăn...của các bà các cô có...vào mỗi tháng và bỏ trong đống rác ngoài kia kìa.”
Tôi nhìn theo cánh tay của ông lão chỉ về phía đống rác và tôi thấy một núi dòi đang bò lúc nhúc và ruồi bu đầy như đám đậu đen. Cảnh tượng đó làm tôi không khỏi rùng mình và sợ hãi.
Tôi ngồi dậy lau mồ hôi đang ra ướt đẫm cả thân mình. Thật hú hồn hú vía vì đó chỉ là mơ, tôi vừa trải qua một giấc mơ kinh dị nên tôi cảm thấy khát. Tôi ngồi dậy đi kiếm nước uống.
- “Ai đã vào đây lấy đi cái tượng khi mình đang ngủ vậy cà?”
Tôi quên cả khát vì cái tượng bằng cây quý huỳnh đàn không còn nằm ở chỗ cũ nữa mà đã biến mất tự lúc nào, chắc chắn là trong lúc tôi đang ngủ. Đây là lần thứ hai tôi bị trộm lấy cắp tượng. Lần trước tôi bị mất cái tượng Thiên Thần khi tác phẩm đã hoàn thành, kẻ trộm chính là tên an ninh xã nên tôi đành câm miệng. Tôi khổ sở than van: “Thế là toi công một ngày làm việc và tiền mua cây. Như vậy thì số mạng của mình đúng là đã tận cùng rồi.” Tôi lắc đầu chán nản và uống cạn ly nước rồi trở về nằm lại chỗ cũ nhưng tôi không thể nào nhắm mắt được. Hình ảnh trong giấc mơ cứ lẩn quẩn mãi trong đầu và ngay tức khắc tôi ngồi dậy như dưới lưng tôi có cái lò xo bật tung người tôi lên. Tôi tròn mắt nhìn lên cái hình được lộng kiếng mà ông bí thư xã bắt buộc mỗi nhà trong xã phải có và phải treo tấm hình vào ngay giữa căn nhà ở những nơi tôn trọng nhất. Người trong giấc mơ có cái mặt giống như người trong hình! Trằn trọc mãi đến gần sáng, tôi ngủ lại lúc nào mà tôi cũng không hề hay biết.
****
Tôi đang đứng nhìn trân trân vào cái tượng gỗ mà tôi thì không hiểu gì cả.
Các bạn ạ! Rõ ràng tôi thấy cái tượng đã biến mất thế mà nay nó lại đứng sừng sững ngay chỗ cũ. Rõ ràng tôi thấy cái tượng có bộ râu nhưng bây giờ thì nhẵn nhụi. Tôi nói thầm: “Có lẽ vì mệt và trong giấc mơ mình thấy có bộ râu chứ mình đâu có tạc vào tượng bộ râu nào và hơn nữa có ai mà đã vào đây lấy đi cái tượng rồi lại đem để vào lại chỗ cũ làm gì. Nhưng sao miệng của cái tượng lại có máu?” Tôi lấy ngón tay quệt lên miệng của cái tượng thì thấy có máu thật các bạn ạ. Mùi máu thật tanh nồng làm tôi phải chạy lẹ ra sân để hít thở không khí trong lành của một buổi sáng có mặt trời vừa đang lên, tôi chợt quay nhìn về phía đống rác và nghĩ máu đó không phải là máu bình thường.
Thật không thể hiểu gì cả nên một lúc sau tôi quay vào nhà và lau chỗ máu nơi miệng của cái tượng rồi tôi lấy chén cơm nguội rưới lên đó một ít nước mắm tỏi ớt. Bữa ăn sáng như vậy tôi cho là sang lắm rồi chứ mọi khi, thường thì một hai củ khoai lang luộc đã gọi là quý lắm. Thời gian đó tôi sống là như vậy đấy, tôi kể thật hết ra cho các bạn nghe các bạn đừng chê cười tôi nhé.
Tôi nhìn cái tượng gỗ mà hài lòng vô cùng vì tác phẩm của tôi khi hoàn thành có cái mặt trông vừa giống như mặt ông bí thư xã và vừa giống mặt con dơi, nhưng phải là người có cặp mắt thẩm mỹ biết nhìn ảnh tượng nghệ thuật thì mới khám phá ra được.
giavui
10-24-2010, 03:20 AM
Ngày hôm sau, tôi ôm cái tượng bằng cây quý huỳnh đàn lên văn phòng xã. Khi tôi đặt cái tượng trước mặt ông bí thư thì cả ba ngưòi cán bộ xã cộng thêm mười mấy người công an chìm nổi kéo lại bao quanh cái tượng và khen nức nở làm ông bí thư xã cười híp cả hai con mắt lại.
- “Anh Tô à! - Lần đầu tiên tôi nghe ông bí thư xã gọi tôi bằng anh - Anh hãy giải thích cho tôi nghe về hai cái cánh xem “lào”.”
Tôi giả bộ khúm núm thưa gởi cho ra trò vì ông bí thư xã muốn mọi người phải làm như vậy với ông nhưng đồng thời tôi cũng nói móc ông:
- “Thưa ngài bí thư xã, nhờ ngài mà toàn dân trong xã ta được sống no ấm, được sống trong cảnh thanh bình yên vui hạnh phúc vì xã ta có thể nói là xã có nhiều công an nên luôn có an ninh, cũng như toàn nước Việt Nam của chúng ta vậy, nên ngài như là vị thiên thần giáng thế, mà đã là thiên thần thì phải có cánh để một ngày kia khi ngài không còn ở với chúng tôi trong cái xã nghèo nàn này nữa thì đôi cánh kia sẽ lại đưa ngài về trời. Nếu ngài thấy đôi cánh làm cái tượng không đẹp thì trong vòng ba mươi phút tôi sẽ lấy nó ra ngay.”
Nhưng thật bất ngờ, một tràng pháo tay thật lớn, thật kêu vang lên sau khi tôi dứt lời làm cho ông bí thư xã cười đến không còn thấy hai con mắt vốn thường đã bé tí teo.
- “ Hay! Anh Tô có óc sáng tạo, có óc tư duy “nắm.” Anh Tô “nấy” bao nhiêu tiền thì cho tôi biết rồi mai đây tôi sẽ cho người ghé nhà đưa cho anh?”
- “ Không dám đâu, thưa ngài bí thư! Đây là tượng tôi tặng ngài và chỉ mong được ngài đón nhận là tôi vui lắm rồi chứ tiền bạc...thì có là bao đâu thưa ngài.”
- “Đó “nà” nhã ý của anh Tô đó nhá, chứ tôi thì tôi rất sòng phẳng với mọi người trong mọi công việc, tôi không muốn mang tiếng bóc “nột” một ai cả. Thôi anh Tô về nghỉ cho khỏe nhé.”
*****
Trời đêm nay tối đen vì không có trăng và cũng không có sao bởi vì vừa bước vào đầu tháng. Tôi đang bước vội vã những bước thật dài trên con đường đất đỏ quen thuộc để trở về nhà. Tôi vừa giận vừa sợ nên nói lớn tiếng như để tự trấn an mình: “Biết các người bận rộn như vầy thì sáng ngày mai tôi đến sẽ tiện biết mấy. Có một cái tượng nhỏ mà mất cả một buổi chiều và cả một buổi tối.” Tôi lầm lũi cúi đầu nhìn xuống những bước chân của tôi vừa bước vừa lầm bầm trong miệng không vui.
Tôi vừa giao cho bà cán bộ trưởng phòng thương mại của tỉnh một cái tượng bán thân của vị lãnh tụ quá cố. Khi đem cái tượng đến thì bà cán bộ đang phải tiếp một nhóm Việt kiều vừa doanh nhân vừa trí thức nhưng vẫn còn mê ngủ từ hải ngoại về nên bà cán bộ đã khai mạc buổi họp sớm hơn chương trình, và như vậy tôi phải ngồi chờ. Khi buổi họp họp xong thì cũng là lúc tôi đang ngủ gục nên tôi không hay biết gì cả. Đến khi tỉnh giấc thì tôi liền lập tức vội vã đi đến tận nhà riêng của bà cán bộ để giao tượng nên tôi trở về xã chậm trễ vì không còn xe từ tỉnh chạy về xã.
Tôi vừa đi như chạy vừa đảo mắt nhìn chung quanh với vẻ lo lắng và sợ sệt. Thời gian qua người dân trong xã Dạ Lâm này đồn đại với nhau về những chuyện ma quái đến khó tin. Nhiều người đàn bà đã đoan quyết với tôi là cứ vào những ngày đầu tháng lúc nửa đêm về sáng thì những người đàn bà này thấy một người với đôi cánh bay từ hướng văn phòng xã đến bươi tìm trong đống rác để kiếm những thứ của các bà các cô thải ra mà ăn. Lúc đầu tôi nghe cũng chỉ để mà nghe và cười thầm vì tôi không mau tin và mau sợ những chuyện do các người đàn bà trong xã đồn đại với nhau vì ác ý với cánh đàn ông. Sau nhiều tháng tôi cứ phải nghe nói về chuyện người bay bươi đống rác vào nửa đêm làm tôi hồi tưởng lại giấc mơ hôm nào nên tôi cũng có ít nhiều phân vân lo nghĩ.
giavui
10-24-2010, 03:20 AM
Bà Diệu, người Hà Tây đến xã này sinh sống cũng từ hai mươi năm qua và là vợ của ông Tồn, cán bộ xã, đã nói với tôi cách quả quyết:
- “Tháng vừa rồi, có một buổi tối chính tôi ra cái đống rác để bỏ cái gói... mỗi tháng của tôi. Nửa đêm hôm đó khi tôi ra vườn để đi tiểu và khi tôi định đóng cửa lại thì tôi thấy có một con vật gì đó bay từ hướng văn phòng xã đến đứng bên đống rác đó. Tôi dụi mắt vì sợ mình buồn ngủ quá nên trông gà lại tưởng là cuốc. Tôi thấy cái con vật đó đang nhai ngấu nghiến một vật gì. Sáng sớm tinh mơ ngày hôm sau tôi đến đống rác để xem cho rõ thì cái gói đồ dơ đã biến mất. Anh Tô nghĩ xem, nếu là con chó hoang đã ăn cái gói đó thì...con chó nó đâu có cánh. Vả lại xã ta cũng đâu có còn con chó nào đâu. Chuyện này tôi không dám kể ra cho lão nhà tôi nghe vì lão ấy sẽ cho là tôi nói nhảm nhí và lão ấy sẽ tẩn sẽ dần cho tôi một trận có mà chết thôi.”
Đêm nay cũng là đêm của đầu tháng và thật là may mắn cho tôi vì tôi đã trở về nhà bình yên vô sự.
Tôi giăng mùng xong và vừa đặt lưng xuống giường thì, trời ơi! Ngay cửa ra vào có một bóng người đang đứng đó im lìm không động đậy. Các bạn thử tưởng tượng là lúc đó tôi sợ hãi đến cỡ nào. Tôi cứ ú ớ mãi nhưng tôi không thể nào thốt lên được tiếng nói hoặc cử động được tay chân. Ngay lập tức, tôi cố thu hết can đảm kéo cái mền trùm qua khỏi đầu. Một lúc sau, khoảng hơn mười lăm phút tôi lại cố gắng kéo cái mền tuột xuống một chút cho qua khỏi hai con mắt để nhìn xem cái bóng kia đã mất chưa nhưng cái bóng vẫn còn đứng bất động ngay chỗ cũ. Tim tôi như ngừng đập. Tôi cố giương đôi mắt lên nhìn kỹ một lúc thì thấy đó lại chính là ông bí thư xã.
Tôi run run lên tiếng hỏi nhưng đứt đoạn:
- “Kính chào ngài...ngài bí...bí thư. Ngài đến đây... đây đêm hôm khuya...khuya khoắt như vầy chắc...chắc ngài có việc gì muốn...muốn dạy bảo tôi?”
Cái bóng mà tôi nghĩ là ông bí thư xã thì vẫn cứ đứng bất động như vậy không một lời nói và rồi một lúc sau cái bóng đó quay lưng và...bay đi. Tim tôi thật sự đã muốn ngưng đập rồi nên tôi lại trùm mền qua khỏi đầu và run.
******
Những người đàn bà đi buôn bán sớm ra huyện đã phát giác xác của ông bí thư xã chết bên đống rác. Người thì cho là ông bị trúng gió đêm hôm mà không ai hay để cứu kịp và khi bị té thì miệng ông bị đập xuống mặt đất nên miệng có dính máu.
Khi chôn cất ông bí thư xã xong, các cán bộ xã bàn tính sẽ làm gì với cái tượng gỗ kia.
Cuối cùng thì tất cả đều “nhất trí” là vẫn để cái tượng ngay chỗ cũ. Cái mặt của cái tượng bằng gỗ huỳnh đàn lúc này đã hiện ra rõ ràng hơn trông chẳng khác gì cái mặt của con dơi với hai cái cánh nhưng không một người cán bộ nào dám nói ra cái nhận xét của mình. Và như vậy, cứ mỗi tháng một lần, cái miệng của cái tượng bằng gỗ huỳnh đàn lại có dính máu; màu máu thâm đen và thật tanh nồng.
Topa
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.