PDA

View Full Version : Đò Chiều



giavui
10-23-2010, 03:02 AM
Đăng Ngọc

Tiếng mái chèo khua đều trong dòng nước bởi đôi tay điêu luyện của bác lái đò đã đưa đoàn người vượt qua dòng sông một cách nhẹ nhàng. Cô bé khoảng 13-14 tuổi lâu lâu lấy cái gáo múc vũng nước động lại dưới lòng chiếc ghe tạt ra ngoài. Cô vừa làm vừa nghịch với nước. Cô cười rất hồn nhiên. ...

- Con nhỏ này cẩn thận không khéo làm ướt đồ của khách kìa!

- Ông ngoại yên tâm. Có ướt thì ướt đồ của con trước chớ có nhiều nước đâu mà ướt đến khách hả ngoại?

- Con nhỏ này còn bướng, mai ngoại không cho đi theo nữa.

- Ông ngoại! Mai mà ông ngoại không cho con đi thì tối về con không đấm lưng cho ông nữa, hì hì... con sẽ mách với bà ngoại. Bà ngoại sẽ la ông cho coi.

- Con mách gì với bà ngoại?

- Bí mật... hì hì...

- Không thèm nói với con nữa!

Cái ghe chòng qua chình lại. Tuy không sợ nhưng hai tay tôi vẫn bám chặt vào thành ghe cho chắc. Nghe hai ông cháu trò chuyện, cả đoàn cười theo. Mãi lo cười, tiếng sọt sạt của đáy ghe cọ sát cát đã đưa đoàn người qua tới bờ mà chẳng ai để ý. Mọi người từ từ đứng dậy, bước xuống hết. Trên ghe chỉ còn lại mình tôi là người khách cuối cùng. Thấy tôi cứ nhìn mọi người mà ù lỳ ra đó, cô bé giục:

- Ụa? Sao chú không đi? Ngồi đây làm gì? Bộ muốn trở lại bên bờ kia hả? Bộ chú bỏ quên gì hả?

- Con hỏi tùm lum làm sao chú ấy kịp trả lời.

- Dạ... dạ...

Tôi nhìn xuống nước rồi nhìn vào đôi chân của mình: "Dạ cháu..."...

Nhìn điệu bộ lúng túng của tôi, ông lái đò đỡ lời:

- Bộ lần đầu đi đò phải không? Cháu cởi giày ra, ông cho mượn đôi dép của ông để mang chứ đi chân không chưa quen chắc là đau lắm đó.

- Ông ngoại! Ông cho chú ấy mượn dép của ông còn chân ông thì sao?

- Con nhỏ này! Ông quen rồi.

- Dạ! Ông cứ mang đi. Cháu không sao. Cô bé à! Anh không lấy dép của ông đâu mà cô bé lo.

Cái ghe nghiêng qua, lệch lại làm tôi bước xuống không được. Ông lái đò thấy vậy cầm cái chèo chống xuống đất để giữ cái ghe cho thăng bằng rồi bảo con cháu:

- Con xuống trước giữ mũi ghe cho chú bước xuống.

Cô bé nghe ông ngoại bảo vậy mới "nguýt" một cái về tôi rồi nói luôn:

- Lớn như vậy mà xuống ghe không đưọc, dở ẹt.

Nói xong, cô nhảy tỏm xuống nước, đưa tay kéo cái mũi ghe trong khi tôi chưa kịp phản ứng gì. Xắn cái quần jean lên lúc vừa nói chuyện với hai ông cháu, đôi giày thì cắp vào nách, tôi lụm khụm bước xuống. "Ôi chao...". Nghe tôi kêu, ông lái đò hỏi:

- Gì vậy cháu?

- Dạ lạnh quá!

- Chú chết nhát! Nước mát muốn ngủ luôn, vậy mà la lạnh.

Tôi ngó lại: Mực nước gần ngang đùi của cô bé mà cô đứng đó từ nãy giờ không sao còn tôi mới vừa xuống nước lại kêu la om sòm. Quê quá! Tôi thấy mặt mình nóng rang mặc dù cơn gió chiều thổi qua. Dù hai chân ở dưới nước vẫn còn lạnh thí cha, tôi làm "găn" bảo cô bé:

- Được rồi. Anh không sao đâu. Em lên bờ trước đi khẻo cảm lạnh đó.

Câu nói của tôi chưa hết, con bé đã lao người xuống nước và như con rái cá con, cô sãi 2, 3 cái đã xa chỗ tôi đứng trong khi tôi chỉ kịp "ê ê" vài tiếng. Ông lão thấy vậy, cười, bước xuống giải thích:

- Cái con nhỏ đó lúc nào cũng vậy. Khi nào nó thấy khách cuối cùng bước xuống an toàn rồi là nó phải bơi vài cái rồi mới chịu về. Nó ước là khi nó lớn lên nó sẽ là vận động viên bơi giỏi nhất. Hơn nữa, bơi lội nhiều, nó sẽ có thân hình đẹp khỏi bị người ta chê nó là gái nhà quê. Con nhỏ mới có bao lớn mà đã có lối suy nghĩ như vậy. Không biết nó học ở đâu ra? Ủa mà cháu đi đâu đây?

- Dạ cháu nghỉ hè nên cháu đến nhà cậu của cháu chơi. Cậu cho cháu địa chỉ ở đây nè. Cậu cháu bảo phải qua con sông này rồi đi thẳng đến cái đình nhỏ hỏi thăm là ai cũng biết.

- Vậy cậu của cháu tên gì?

- Dạ, ông Hai Kưa thợ mộc ạ.

- Ồ thì ra là vậy. Ông Hai Kưa thì ai cũng biết.

- Vậy là may quá.

- Nhà ông cách nhà ông Hai Kưa có mấy cái mà thôi.

giavui
10-23-2010, 03:02 AM
Nói xong, ông nhìn ra dòng sông kêu lớn:

- Sen ơi! Được rồi. Về đi khẻo bà ngoại trông.

Cô bé còn đang bì bõm nghe ông ngoại gọi, cô xoay người nằm ngửa trên mặt nước vá hai chân búng vài cái đã vô tới bờ.

- Đã quá ngoại.

- Mau lên con nhỏ này!

Ông lái đò rút cái khăn rằn đang quấn nơi cổ đưa cho cô bé:

- Lau bớt nước đi kẻo bà ngoại lại la rầy ông.

Cả ba rảo bước. Những chiếc lá tre đã ngả màu vàng nhạt, lâu lâu, khẽ khàng rơi xuống nước khi có những làn gió nhẹ thổi qua. Ngôi đình đã hiện ra trước mặt. Ông lái đò lấy tay chỉ:

- Ngôi nhà của ông Hai Kưa có mái ngói màu đỏ sậm. Hàng rào trồng toàn hoa dâm bụt. Cháu đến đó sẽ thấy rõ hơn. Còn nhà ông phải rẽ sang ngã này. Gặp ông Hai Kưa thì nói ông gởi lời thăm.

- Dạ! Chào ông. Cháu đi. Anh đi nghe, cô bé.

- Dạ chú đi, nhớ đừng chạy chú ơi. Coi chừng chó cắn a...

- Sao con hù chú hoài vậy con?

Mắng yêu đứa cháu gái xong, ông quay sang tôi, tiếp:

- Chó ở xóm này không dữ lắm đâu. Cháu yên tâm đi đi...

Nhờ có ông lái đò chỉ đường nên tôi đi một mạch tới nhà cậu mà khỏi mất công phải đi hỏi thăm vì trời cũng đã sẩm tối. Cậu tôi thấy cháu thì mừng rỡ. Có cái gì, cậu cũng mang ra đãi thằng cháu năm thuở mười thì mới đáo tới nhà. Trời vào khuya. Mấy con chó cứ thi đua nhau mà "ẳng ẳng" ing ỏi cả đêm, tôi đã... điên. Gần sáng, lại thêm mấy anh gà trống tằng hắng cất giọng "cò co co có co ó o" làm một bản hợp ca làm cho tôi không tài nào ngủ được. Tôi lồm cồm bò dậy thì đã nghe tiếng sột sột ở nhà bếp. Thì ra, ông cậu đang nhóm lửa nấu nước. Thấy tôi bước xuống cậu hỏi:

- Sao con không ngủ thêm, hay lạ chỗ ngủ không quen hả?

Tôi không trả lời mà hỏi lại:

- Tại sao cậu thức sớm quá vậy? Bộ cậu có việc phải làm gấp sao?

Ông cậu vừa rít điếu thuốc lào xong vừa trả lời:

- Cậu đã quen giấc. Lớn tuổi rồi không ngủ được bao nhiêu chứ có việc gì đâu.

Trò chuyện với ông cậu năm ba câu, tôi rảo bước vòng vòng cho thoải mái không ngờ đã đứng trước cái đình lúc nào không hay. Trước đình có mấy cây bàng đang xanh lá. Bên cạnh, cây phượng đang rực đỏ khoe những cánh hoa đầy sương long lanh Khi tia nắng mặt trời đi qua, những chú ve thi đua “quạnh quạnh...”. Tôi đang mơ màng trước cảnh bình minh ở thôn quê yên lành thay vì chỉ nghe toàn tiếng ồn ào của tiếng xe gắn máy với những làn khói mù mịt từ những chiếc xe hàng ì ạch vào buổi sáng chen chúc lẫn nhau vào thời giao điểm của thành phố. Bỗng phía sau lưng tôi có giọng vang tới:

- Cháu đó à! Đi dạo phải không? Hôm nay có làm gì không?

Nhận ra ông lái đò, tôi mừng rơn:

- Dạ cháu về đây để chơi chứ không làm gì.

- Vậy có muốn cùng ông bắt cá không? Ngó vậy chứ vui lắm đó.

- Dạ muốn.

giavui
10-23-2010, 03:03 AM
Tôi theo ông: "Sao ông ra sớm vậy?”.

- Ngày nào cũng vậy cháu ạ. Không thức sớm để đưa khách thì họ đứng đợi rồi trễ công việc của họ không được đâu cháu.

- Ở dòng sông này chỉ mình ông thôi?

- Ừ chỉ có mình ông thôi. Đây là cái thú vui của ông chứ có phải kinh doanh gì đâu mà cho nhiều. Trước đây, ông hay thả lưới ở đây. Có mấy người quá giang đi qua, đi lại thành quen rồi mọi người thấy vậy kêu ông đưa họ đi cho tiện. Thét rồi thành khách quen chứ có ai lạ đi đâu.

Trò chuyện tới đây, chúng tôi đã đến đầu sông. Có mấy người đã đứng đó đợi ông. Họ chào ông và thay nhau bước xuống ghe. Ông cầm cái dầm chống xuống đất để giữ thăng bằng chiếc ghe rồi ông bảo tôi:

- Cháu đứng đó chơi đi rồi ông quay lại, ông cháu mình đi bắt cá.

- Dạ, ông đi cẩn thận.

Vừa nói xong câu nói, tôi tự thấy mình hơi khách sáo vì lời nói hớ của mình. Ông lái đò xem tôi như người thân của ông dù đây là lần thứ hai tôi gặp ông. "Ông cháu mình" cách xưng hô của người dân ở đây sao mà thân thiện quá không giống thành phố tí nào. Tôi thở hắt ra, cố xua đuổi lối suy nghĩ mông lung của mình bằng cách nhặt mấy cục đá lia xuống mặt sông đang im lặng trông còn ngái ngủ, tạo thành tiếng “tủm tủm” cho vui. Những cây tre cũng cọ mình “kọt kẹt” khi làn gió nhẹ thổi qua. Không gian trở nên tĩnh mịch. Ông lái đò trở lại:

- Bây giờ, tới ông cháu mình đây.

Đợi cho tôi ngồi ngay ngắn xong, ông đưa cho tôi cuốn lưới:

- Cháu làm đi, dễ lắm, cứ gỡ từng cái phao ra và thả nó xuống nước là được. Thấy tôi lùng bùng với cái lưới, ông nhìn tôi cười hiền lành:

- Để ông làm trước cho cháu coi cái đã.

- Dạ.

Khi chiếc ghe cách bờ một khoảng, ông rút cái dầm lên và khéo léo gỡ từng cái phao thả xuống nước rồi ông trao lại cho tôi.

- Làm đi cháu!

Ông lôi trong túi áo bà ba ra… bị thuốc rê. Ông ngồi thong thả quấn tròn rồi đưa lên miệng “bập bập” hít một hơi. Làn khói thuốc mà ông phả ra làm tôi sặc gần chết. Ông cười ha hả:

- Ông biết thanh niên các cháu không dùng được ba cái thứ này nên không mời.

- Dạ, cháu không hút. Cháu còn đi học.

Tôi lễ phép trả lời mà thầm bảo “Ông mà mời cháu, cho thêm tiền thì tiền cháu… lượm ngay nhưng thuốc rê thì cháu… nhường cho ông hết!”

- Ừ à.

Ông ừ à cho qua chuyện. Thả hết cuộn lưới, ông chèo thuyền đưa tôi đi một vòng sang bờ bên kia đón khách rồi lại sang về bờ bên này. Thả khách xuống, ông nói:

- Nào xem hôm nay ông cháu ta thu hoạch như thế nào nhen.

Tôi hồi hộp khi chiếc lưới được kéo lên có mấy chú cá quẫy cái đuôi cố sức thoát những lỗ lưới bám chặt.

- Ông ơi! Cá nhiều quá!

Tôi mừng và la lên. Ông cười đắc chí:

- Ừ hôm nay nó biết nhà có thêm khách hay sao mà chúng mắc lưới nhiều.

Cầm cái lưới đầy cá, hai ông cháu nhanh chóng về nhà. Chưa tới sân, ông đã lớn tiếng gọi:

- Bà nó ơi! Nhà mình hôm nay có khách. Bà nấu thêm cơm và bảo con Sen đi đong cho tui một xị rượu.

Tôi ngần ngại, ấp úng:

- Dạ thưa ông. Sáng nay, cháu ra ngoài sớm và đi tới giờ chắc cậu cháu trông. Thôi để dịp khác vậy.

giavui
10-23-2010, 03:03 AM
- Cháu nói cũng phải. Cháu đã biết nhà ông, chiều nay qua đây chơi với ông. Bây giờ, cháu cũng nên về kẻo cậu cháu lo sợ cháu lạc đường, lạ nước, lạ cái.

- Ông cho cháu chào cả nhà. Chiều cháu đến thăm.

Tôi quay trở lại con đường cũ. Không hiểu sao mới gặp lần đầu mà tôi cảm thấy mến ông một cách lạ thường. Về đến nhà, tôi cứ mong chiều đến để được gặp ông. Sự mong đợi của tôi rồi cũng đến. Tôi xin phép cậu đi sang nhà ông lái đò chơi một tí. Cậu nghe nói ông lái đò thì ừ liền nhưng dặn với theo:

- Nhớ thăm ông lái rồi về ngủ nhen cháu, đừng bày đặt trồng cây si nhà người. Ông lái đò có con cháu xinh lắm đấy.

Tôi khẽ cười: “Cậu thật biết nói đùa mà… đúng y kinh luôn á”! Tôi lò dò cũng tới nơi. Ngôi nhà tuy lụp sụp nhưng thật sạch sẽ. Thấy tôi vào, ông niềm nở bảo:

- Thôi ra ngoài với ông cho thoải mái. Cháu tự nhiên, cứ coi đây là nhà của mình.

Ông gọi to:

- Sen à! Con vào lấy chiếc chiếu trải ở góc sân đi con.

Tôi không thấy mặt nhưng cũng nghe được tiếng “dạ” trong vắt ở đằng sau. Biết có cô bé ở nhà, tôi hỏi ông:

- Ông muốn cháu giúp gì không?

- Ra ngoài chơi là được rồi. Cháu mà vô trong đó, chật chỗ làm vướng tay của bà cháu nó càng lâu hơn.

Tôi nghe lời bước theo ông. Cô bé thấy tôi thì lườm một cái rồi bỏ đi. Ông thấy vậy vội lên tiếng:

- Sao không chào chú. Con nhỏ này! Cưng quá nên hư.

Quay sang tôi, ông ước lượng một chút rồi khà khà:

- Mà chắc cháu cũng lớn hơn nó vài tuổi thì để nó gọi là anh đi.

Khi ông và tôi đang trò chuyện, mâm thức ăn đã được cô bé dọn ra. Nhìn qua, tôi thấy ruột cồn cào ngay: Mấy con cá được chiên dòn lại thêm những món dân quê mà tôi chưa bao giờ được nếm thử đến như trái mít non làm gỏi trộn chung với bưởi, cá nướng, xoài bầm, chén muối ớt màu xanh được dầm nhuyễn, mấy cái bánh tráng mè nướng thơm phức. Không chờ mời tiếng thứ hai, tôi nhào vô cầm đũa thử ngay. “Chật, chà! Ngon bà cố luôn”. Bữa ăn tuy đơn sơ nhưng rất ngon miệng. Nhâm nhi mấy ly rượu, ông liên miên kể chuyện này sang chuyện nọ. Vợ ông và cô bé lâu lâu cũng thêm vài câu góp vui. Khi ngà ngà, ông vuốt tóc con cháu, nửa thật, nửa đùa:

- Cháu về thưa với ba mẹ đem vài thúng lúa nuôi con bé này cho nó lớn rồi ông gả nó cho để nó ở đây nó nhỏng nhẽo quá ông chịu hết nổi rồi.

- Con bé của mình ông nói nó hư như vậy thì ai dám lấy nó mà ông bảo gả với cưới.

Bà vợ ông lái đò nhắc khéo chồng. Cô bé lắc lắc cái đầu trong tay ông ngoại:

- Hứ! Ông chê con hả. Lớn lên con sẽ làm người mẫu có tiền nhiều rồi không cho ông đâu. Hơn nữa, con không thèm lấy chồng. Có lấy, con cũng không lấy cái chú nhát nước này. Ở đó ông chê con... hùm!

Mặt tôi đỏ như gấc. Cô bé ứ lên. Nó lườm tôi thiếu điều tôi độn thổ. Buổi cơm chiều xong, tôi cũng phải đi rồi. Từ giã ngôi làng nhỏ, tôi trở về thành phố với bao nổi quyến luyến. Bà lão tặng cho tôi mấy con khô lóc để làm quà còn cậu thì ôi thôi, mấy trái cây lỉnh kỉnh. Tôi không dám từ chối vì đó là tấm lòng của người dân quê. Vả lại, “cây nhà lá vườn” lúc nào cũng tươi và ngon hơn ở chợ, không có thuốc hóa học nữa, sao tôi… nỡ lòng từ chối chứ.

giavui
10-23-2010, 03:03 AM
Cuộc sống của thành phố lúc nào cũng nhộn nhịp và náo nhiệt. Tôi bị cuốn vào việc học vì bài vở càng nhiều và càng khó. Tôi không dám nghĩ mông lung đành phải cắm đầu học lòi hai con mắt ra luôn. Vừa rời khỏi trường, tôi lại nhận giấy báo nhập ngũ. Tôi muốn về quê để thăm cậu cùng ông lái đò thân yêu ấy nhưng thời gian ngắn quá đành phải hẹn dịp khác.

Năm tháng cứ lặng lẽ trôi qua. Bọn lính chúng tôi hết những ngày huấn luyện rồi tới lao động hoặc đi chỗ này, sang chỗ khác. Có lần cả đơn vị tôi được điều lên làm sửa chữa đường ở gần quê cậu. Tôi thực muốn “xé rào” ghé thăm nhưng không được phép. Thay vì nghỉ ngơi vì mệt mỏi cả ngày, tôi cứ trằn trọc mãi với những kỷ niệm mấy năm về trước đang trở về trong ký ức tôi: “Cháu về thưa với ba mẹ đem vài thúng lúa nuôi con bé này cho nó lớn rồi ông gả nó cho để nó ở đây nó nhỏng nhẽo quá ông chịu hết nổi rồi”. Tôi nhớ rõ bàn tay thô ráp của ông vừa nói vừa vuốt cái đầu của đứa cháu gái duy nhất của mình và ánh mắt sắc lẹm như dao của cô bé khi lườm tôi thấy ớn lạnh. Sao bây giờ, tôi thèm được thấy lại cái nhìn ấy quá chừng chừng! Nhớ lại sự ấm cúng hạnh phúc của họ mà trong lòng tôi trào dâng nỗi khát khao gặp lại cố nhân. Không biết thời gian qua mình không thăm họ họ có còn nhớ mình không. Buông tiếng thở dài, tôi cố đưa mình vào giấc ngủ.

Ba năm quân ngũ rồi cũng trôi qua. Tôi trở về với cái ba lô trống rỗng. Tôi cho đó là thời gian rèn luyện và thử thách tính cần mẫn của mình. Thân trai đã trả xong nợ nước còn cái nợ đời nữa. Bước chân của tôi rồi đây sẽ dừng chân ở đâu, nơi nào có người mến thương? Chút kỷ niệm ngày xưa nơi sông nước lại trở về nao cả ruột! Sắm những món đồ mà tôi cho đó là nó có ý nghĩa với họ, tôi vội ra bến xe để cho kịp chuyến đò cuối vì tôi không thể nào cản lại cái rạo rực trong lòng. “Liệu ông lái đò còn nhớ tôi không? Cô bé đó giờ đã ra sao? Bến đò ấy có còn nhớ bước chân của người lữ khách trở về thăm không?".

Những ngôi nhà được mọc lên trên những cánh đồng ngày xưa. Tôi mới xa mấy năm mà làng đã thay đổi nhiều quá. Câu nói buâng quơ của ông lái hứa gả cô cháu gái cho tôi cứ lởn vởn trong đầu. Nghĩ đến đây tôi lòng mình nao nao một cách lạ lùng. Cái con hẽm nay khác quá. Thấy tôi lửng thửng hỏi thăm đường, hàng chục cặp mắt nhìn tôi ngạc nhiên.

- Cái đường này đúng rồi cứ đi thẳng là ra bờ sông.

Một chị đứng tuổi trả lời. Người khác lắc đầu:

- Ra bờ sông làm gì kia chứ? Không phải thất tình định nhảy sông chứ hả?

Tôi lầm lỳ bước đi, bỏ lại sau lưng một trời xầm xì. Người ở nhà quê có khác, chân thật có, nhiều ý nghĩ ngộ nghĩnh, tức cười, dở hơi cũng có.

Con sông vẫn nằm im lìm. Cây phượng bên bờ nay đã cao lớn. Nó trổ bông sặc sỡ hơn trước. Những nhánh phượng nghiêng mình soi bóng dưới mặt sông. Gió thổi qua làm mặt nước lăn tăn nhưng bóng dáng con đò năm xưa nay không thấy tăm hơi. Tôi đứng lặng nhìn dòng sông soi bóng phượng mà lòng rưng rưng... mong bóng dáng gầy gầy của con đò xưa sẽ tới. Hy vọng mong manh của tôi cũng tiêu tùng khi lũ nhóc chạy ùm xuống sông để tắm. Tôi dần dà làm quen và vẫy một em để hỏi. Thì ra đã mấy năm nay không còn người đưa đò nữa và cũng không có ai đến đây để đi đò. Bây giờ, tôi mới hiểu là tại sao khi tôi hỏi thăm thì người dân làng lại nhìn tôi bằng những cặp mắt lạ kỳ như tôi từ trên hành tinh rớt xuống.

Bao nhiêu sự rạo rực của tôi đã tắt ngấm thay vào đó là nỗi xuyến xao, buồn bã dâng tràn. Hai chân tôi không dầm xuống nước như năm nào nhưng cảm giác nước lạnh cứ từ từ ngấm ngược lên. Tôi cứ đứng im lặng mãi và dõi mắt sang bờ bên kia cầu mong bóng con đò lại một lần nữa xuất hiện.

giavui
10-23-2010, 03:07 AM
Tôi chợt nhớ đến bản nhạc"Qua bến đò xưa" do Minh Cảnh và Thanh Kim Huệ hát. Nhưng tôi lặng đi với“Qua bến năm xưa” năm 1949 của Nguyễn Thiện Tơ, lời Hoàng Giác gởi qua tiếng hát của Khánh Ly:

“Kiếp giang hồ đây đó biết đâu là bến bờ
Bến xưa còn hay lời ước phai mờ .
Mấy thu thuyền xa bến, nước trôi lời ước nguyện
Cố nhân ngơ ngác chờ hình bóng thuyền mơ.

Dòng sông vẫn êm đềm còn in bóng thuyền xưa
Bóng thuyền vô tình lờ lững xuôi dòng.
Đò đi khách se lòng, càng xa vắng càng mong
Khách còn qua đò còn nhớ bóng mơ.

Ai nào biết đâu
Muôn trùng nhưng lòng nhớ nhau.
Dòng nước êm gợn bao sóng buồn
Đời éo le gieo sầu lệ tuôn.

Xa xa tìm đâu thuyền ai, con thuyền mơ hồ .
Bao ngày bên bờ sông hoa úa theo dòng xuôi đi tìm bóng xưa.
Đâu người mến thương, bên dòng sông lòng thầm vương
Nhắn người nay xa vắng với heo mây ta về bến xưa”.

“Ông ở nơi nào ông ơi? Còn em, em cũng đã ở phương nào?”

Trong tôi chỉ còn lại dư âm buồn hiu của một chuyến đò chiều. Chuyến đò chiều đưa người đi không trở lại bến sông xưa./


Đăng Ngọc